A-ga

         A-ga. Agar (Hagar: Trốn tránh).



      Người Ai-cập, con đòi của Sa-rai (Sáng thế ký 16:1). Áp-ra-ham đã ở Ca-na-an 10 năm, Sa-rai đã 76 tuổi, mà chưa sanh được con Chúa hứa (Sáng thế ký 16:2-3). Vì ít đức tin, không đợi chờ lời hứa của Chúa được ứng nghiệm, Sa-rai theo tánh xác thịt, lấy A-ga làm vợ lẻ cho Áp-ra-ham. Bởi thế, Chúa sửa phạt, nên trong gia đình Áp-ra-ham sanh ra sự lôi thôi.
       Khi thấy mình chịu thai, thì A-ga khinh dể bà chủ. Sa-rai, vợ cả, có sự tự do, tức lắm, vì thấy kết quả của việc chính mình đã làm; bà quở trách Áp-ra-ham, chồng mình (Sáng thế ký 16:5). Áp-ra-ham, trái với lề thói xứ đó, giao A-ga cho Sa-rai hành hạ. A-ga trốn đi, qua đồng vắng Su-rơ để về quê mình là xứ Ai-cập. Song khi đến gần bên suối nước, có thiên sứ Chúa gặp A-ga, bảo phải về và phục Sa-rai, chủ mình. Thiên sứ cũng phán tiên tri lạ lùng rằng dòng dõi A-ga sẽ "đông đảo đến nỗi đếm không đặng nữa". Lại phán nàng sẽ sanh con trai, đặt tên là Ích-ma-ên, đứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng, tay nó sẽ địch cùng mọi người và tay mọi người sẽ địch cùng nó, v. v. ". A-ga gọi danh Chúa là "Ðức Chúa Trời hay đoái xem" và đặt tên cái giếng gần đó là La-chai-roi, nghĩa là "Ðấng hằng sống đoái xem tôi" (Châm Ngôn 15:3; Hê-bơ-rơ 4:13; Giê-rê-mi 24:16). Khi A-ga về sanh con, thì Áp-ra-ham được 86 tuổi (Sáng thế ký 16:16).
       Như lúc Chúa hứa sẽ ban cho Y-sác thì Áp-ra-ham vì cớ vui nên cười (Sáng thế ký 17:17), và Sa-rai vì không tin nên cười (Sáng thế ký 18:12-15); song về sau, lúc Y-sác ra đời, vì vừa vui vừa biết ơn thì cười (Sáng thế ký 21:6); cũng vậy, Ích-ma-ên khi độ 15 tuổi, vì cớ thấy đức tin được tỏ ra về những lời hứa của Chúa đối với Y-sác, thì cười Y-sác, trong ngày lễ thôi bú.
       Ích-ma-ên vì cớ hơn tuổi, chắc cậy mình và coi mình quý hơn con "sanh ra theo Thánh Linh", nghĩa là bởi lời hứa của Chúa được ứng nghiệm khiến Sa-rai sanh con vượt quá tự nhiên. Truyện nầy làm hình bóng về dòng dõi thuộc linh của Áp-ra-ham bởi đức tin, là người tín đồ dân ngoại và người tín đồ dân Do-thái, đều thế cho người Do-thái, dòng dõi theo phần xác, là người tưởng chỉ có mình là dân riêng của nước Ðức Chúa Trời. Phao-lô dạy rằng A-ga làm hình bóng về giao ước Si-na-i, là giao ước cũ của luật pháp sanh ra tinh thần bó buộc làm tôi mọi, như A-ga là một con đòi. Giao ước cũ đó phải nhường chỗ cho giao ước mới của thời đại đạo Tin Lành và Hội thánh của ân điển, là "thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao". Những người sống theo dâm dục và theo luật pháp giao ước cũ "chẳng được kế nghiệp" (Sáng thế ký 21:10) với những tín đồ tự do của giao ước mới.
       Dầu buồn lòng, Áp-ra-ham cũng vâng lời Chúa mà làm như bà Sa-rai đã đòi. Vậy A-ga với con là Ích-ma-ên (dầu con đó độ 15 tuổi, song còn coi là con trẻ vì cớ lúc đó người ta sống lâu hơn ngày nay) lưu lạc ở trong đồng vắng Bê-e-sê-ba (Sáng thế ký 21:14). Khi nước trong bầu mà ông Áp-ra-ham đã cho hết rồi, hai mẹ con bị khát, mệt mỏi, thì mẹ để con "dưới một cây nhỏ", đi ngồi cách xa một chút vì không muốn thấy con mình chết; rồi nàng cất tiếng la khóc. Tiếng khóc của đứa trẻ đã kéo "Thiên sứ của Ðức Chúa Trời" (câu 17, 19, 20) xuống giúp đỡ. Vậy, đối với Ðấng Toàn Năng, tiếng khóc của đứa trẻ có quyền hơn của mẹ nó vì nó không thể tự giúp mình (Ê-sai 40:29). Chúa mở mắt nàng thấy nước trong nơi mình tưởng chỉ là đồng vắng (Ê-sai 41:17-18). Trong lúc rất cần của chúng ta, Chúa chỉ cần mở mắt chúng ta thấy có sự giúp đỡ dư dật gần mình. Sự cầu nguyện thật sẽ kéo Chúa đến bên cạnh mình (I Các Vua 6:17-20; Lu-ca 24:16-31). Tiếc thay, lần cuối cùng chép lịch sử của A-ga thì bà "ở tại đồng vắng Pha-ran,... cưới cho Ích-ma-ên một người vợ quê xứ Ai-cập" (Sáng thế ký 21:21).
       Ngày nay, người A-rạp coi trọng A-ga vì là thủy tổ của dân đó. Dòng dõi A-ga cũng gọi là Ha-ga-rít (I Sử ký 5:10, 20). Song ở Thi Thiên 83:6 thì lại nói đặc biệt là người Ích-ma-ên và người Ha-ga-rít.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.