A-mốt. Amos (Gánh nặng, kẻ mang gánh nặng).
A-mốt là kẻ chăn và quen nghề hái trái vả rừng. Ông ở riêng trên núi cao, cách phía Ðông-nam Bết-lê-hem độ 11 cây số, thường giao thông với dân ngoại, quen biết việc ngoài. Ông là người ngay thẳng, mộc mạc, được soi sáng, đứng đầu việc cải lương tôn giáo. Thấy thị trường Bết-lê-hem tiêm nhiễm thói xấu đã quen, ông bèn quở trách một cách nghiêm nhặt. Hay việc đó, thầy tế lễ A-ma-xia muốn đuổi ông trở về Do-thái nói tiên tri để kiếm ăn. Ấy có lẽ nhận lầm A-mốt là hạng người khua môi, múa mép để kiếm cơm, áo, chớ có biết đâu rằng ông được Ðức Chúa Trời sai khiến. Cho nên ông nói: "Ta không phải là đấng tiên tri", nhưng Chúa đã bắt lấy ông và bảo nói tiên tri về những tai nạn mà họ sẽ phải chịu thế nào, v. v... (A-mốt 7:14-15).
Khi A-mốt truyền đạo chừng vào thế kỷ thứ VIII T.C., tức là đời trị vì của Ô-xia, vua Giu-đa, và của Giê-rô-bô-am II, vua Y-sơ-ra-ên vậy. Trăm năm về trước, dân Y-sơ-ra-ên bị quân Sy-ri đánh, mất hết đất đai ở phía Ðông sông Giô-đanh (I Các Vua 10:32) và bị họ nghiền như cát bụi (I Các Vua 13:7). Ðến bấy giờ mới thu phục lại được (I Các Vua 13:25; 14:25). Người trong nước tự lấy làm may rằng cái cớ nguy vong đã qua rồi, không đáng lo nữa. Song A-mốt vẫn hằng đem những lời nói đáng lo ngại mà tỉnh thức họ. Nhưng tai nạn mà ông nói đó đều chỉ về A-si-ri (A-mốt 5:27; 7:17; 6:7). Sách A-mốt không dài mấy, vậy mà trong đó gồm chứa được bao tội ác của dân Y-sơ-ra-ên bấy giờ, như cúng tế không chánh đáng (4:5), giày đạp bàn thờ (2:8). xa xỉ không chừng mực (3:15; 5:11), uống rượu, xức dầu cho thơm mình (6:6), hiếp đáp kẻ nghèo nàn (4:1), bán người để kiếm lợi cho mình (2:6), không công bình, hung dữ, cướp giựt (3:8, 10), làm cong lẽ thẳng, nhận của hối lộ (5:12), dùng cân dối giả (8:5-6). Cho nên Ðức Chúa Trời phán: " Ta ghét, Ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi, Ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu" (5:21, 22).
Ðại ý trong sách A-mốt nói chắc Ðức Chúa Trời phải giáng hình phạt để báo ứng những tội của các nước Ða-mách đã phạm (1:2-2:16). Ðoạn 3 đến 5 cắt nghĩa kỹ về lẽ báo ứng; đoạn 6 quở nặng kẻ xa xỉ, buông lung; đoạn 7-9 thuật sự hiện thấy năm lần:
(1) nạn cào cào (7:1, 2, 3),
(2) hỏa tai (7:4, 5, 6),
(3) cầm dây nẩy mực (7:7, 8, 9),
(4) trái mùa hạ (8:1, 2, 3),
(5) phá hủy đền thờ (9:1-10).
Ðoạn 7:10-17 là trả lời sự vu khống của A-ma-xia. Ðoạn 9:11-16 là lời hứa của Ðức Chúa Trời, nói sau nầy nhà Ða-vít tất sẽ được xây lại, dân Y-sơ-ra-ên chắc sẽ được hưng thạnh lại.
Về mặt thần học, A-mốt giàu lý tưởng, hiểu biết đến nơi đến chốn. Hồi đó, đối với Ðức Chúa Trời, người ngoại đạo thường coi Ðức Chúa Trời của dân lựa chọn, chớ không quan hệ gì đến mình. Ngay như người Y-sơ-ra-ên cũng cho rằng người ngoại đạo có riêng thần khác để cai trị họ. A-mốt thì cho rằng, ngoài Ðức Chúa Trời độc nhứt ra, không có thần nào khác. Muôn nước trong thiên hạ, phàm lành, dữ, báo ứng đều do Ðức Chúa Trời chủ trương hết. Sự Ngài hiện đến và soi xét chẳng những chỉ riêng hai nước Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thôi đâu, mà cả đến các nước dân ngoại cũng không thoát được. Song Ðức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên có mối quan hệ đặc biệt. Vậy thì A-mốt đối với người trong nước cũng cùng chung một tấm lòng đó. Song người nước Y-sơ-ra-ên cho rằng đã có quan hệ đặc biệt, lại dâng của lễ không thiếu, thì mối quan hệ đó không đến nỗi phải cắt đứt. A-mốt nói hễ có mối quan hệ đặc biệt, thì trách nhiệm cũng nặng nề cách đặc biệt hơn. Nếu chỉ cậy sự dâng của lễ là cái hư văn bề ngoài thì sự quan hệ đó chắc sẽ cắt đứt mất! (A-mốt 3:2). Ấy vì A-mốt về mặt đạo đức thuộc linh, đã thấy rõ và nhận biết đích xác, nên biết rằng thế nào người ta cũng không tránh khỏi tai vạ do tội ác.
Văn pháp trong sách A-mốt, người xưa thường nói là thô xuất, thật thà, song coi nguyên văn Hê-bơ-rơ thì rất rõ ràng, gọn ghẽ; lại biết rõ cả phong tục bản quốc, tình thế nước ngoài; xa đến việc sông của Ai-cập cũng nói được cả (8:8; 9:6). Còn những thí dụ về động đất, nhật thực (8:8, 9), sư tử rống, chim sa lưới v. v.. đều tỏ ra có sự hiểu biết về khoa học.
Chủ nghĩa của A-mốt là gánh trách nhiệm vì Ðức Chúa Trời. Vì có lẽ ông cho rằng Ðức Chúa Trời đã có mạng lịnh, thì ông không dám không tuyên bố cho người ta biết (3:8). Ðức Chúa Trời độc nhất của muôn dân thiên hạ, đối với những người có nhơn nghĩa, thì đoái thương kẻ đã được sự đoái thương đặc biệt. Lìa bỏ trách nhiệm thì có hình phạt đặc biệt. Ðó là cái bố cuộc của cả sách A-mốt.