A-si-ri.

         A-si-ri.  



      Cũng đặt tên là: A-su-rơ (Dân số ký 24:22) và A-su (Dân số ký 24:24) Assyrie (Tiếng gốc là Aushar: Ðồng bằng có thủy lợi).
       Tên một nước đời thượng cổ. Theo Kinh Thánh, thì Nim-rốt từ Si-nê-a đến A-si-ri, xây thành Ni-ni-ve (Sáng thế ký 10:11). Ban đầu, bờ cõi xứ đó rất nhỏ hẹp, sau lần mở rộng. Kinh đô nó tên gọi A-si-ri, xây ở trên bờ sông Hi-đê-ke (Sáng thế ký 2:14). Bốn mùa khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, sản vật nhiều, dân cư đông đảo.
       Thực vật: ở núi thì có bàng, dương, thông, cao su và các cây dùng lấy gỗ. Ở đồng nội thì có vả, ô-li-ve, nho, v.v.. Trong vườn cây trái còn có chanh, táo, quýt, lựu, hạnh nhơn, đậu. Vườn tược thì có lúa mì, đậu, dưa, hành, tỏi, v.v.. Ðộng vật: loài thú thì có sư tử, hươu, heo, thỏ. Gia súc có: trâu, lừa, dê, chiên, chó, chỉ duy không có ngựa và lạc đà thôi. Chim thì có ó, hạc, én, chim cút, bò câu, quạ, vịt, v.v.. Loài ở nước thì có nhiều thứ cá lắm. Còn khoáng vật thì có nhiều đá trắng và đá màu tro. Các đồ vật và hình tượng bằng đá có chạm trổ là nhiều hơn hết.
       Giống dân đó nguyên là con trưởng nam của Nô-ê, dòng dõi của Sem (Sáng thế ký 10:1), cùng họ hàng với hai giống Sy-ri và Phi-li-tin. Sau khi lập quốc, xứ A-si-ri liền bị xâm chiếm bởi thế lực của nước Ba-by-lôn.
       Ngoài sự thờ phượng thần nước A-si-ri ra, tôn giáo và văn hóa xứ nầy đều do nước Ba-by-lôn chế ngự cả.
       Chánh thể thì hoàn toàn là chánh thể quân chủ: Hết thảy quân lính cả nhơn dân đều bị cai trị dưới tay một người là ông vua. Về văn học, xứ đó rất chuộng môn lịch sử hơn hết. Người ta có tìm được ở nước đó những tấm bia đời thượng cổ có khắc tên mấy vua nước Y-sơ-ra-ên như Ôm-ri, A-háp, Ô-sê, v.v.. Phép kỷ niệm do họ sáng tạo ra, các nước phía tây A-si-ri đều bắt chước làm theo. Tiếng nói dân đó hơi giống tiếng Hê-bơ-rơ; văn tự ban đầu là lối tượng hình. Song dân đó mạnh dạn, tánh dữ tợn, thường hăng hái đánh nhau. Coi Ê-sai 33:19, thấy họ lại có tánh cường bạo, thích đi cướp bóc các dân tộc. Cướp được các đồ vật quí báu, thì họ yêu tiếc, gìn giữ lắm.
       Về công nghệ, họ ít nghiên cứu: một, vì họ thường mài miệt trong cuộc chinh chiến, không có thì giờ đề xướng công nghệ; hai, vì quen dùng đồ ngoại hóa để bù vào những chỗ thiếu thốn. Vì cớ đó, mối lợi lần lần phải lọt vào tay ngoại quốc. Ông vua xứ đó có tính hiếu chiến, nhưng vì kém tài thao lược, nên lúc xuất trận phải hao binh tốn của rất nhiều. Bởi đó nước phải suy vong.
       A-si-ri lập nước từ xưa, ngang với các nước Ai-cập, Ba-by-lôn và Trung-hoa. Mấy đô thị lớn của nó đã trở nên hoang tàn, không còn dấu vết trên lịch sử nữa. Người đời hầu như không biết đến nó là nước tối cổ. Sách tiên tri và sách Sử-ký trong Cựu Ước dầu có chép về nước A-si-ri, song chỉ nói kèm những điều liên quan về mặt quốc tế với nước Y-sơ-ra-ên thôi.
       Các vua A-si-ri chuyên việc chinh phạt trải vài trăm năm: hễ cướp được mảnh đất nào thì họ thường di dân đến ở chỗ ấy; còn dân dị tộc thì họ cho ở riêng nơi bờ cõi lân cận. Như Kinh Thánh có chép: "Vua A-si-ri đem dân Y-sơ-ra-ên qua A-si-ri, đặt tại Cha-la và trên bờ cõi Cha-bo, sông xứ Gô-xan, cùng trong các thành của Mê-đi" (II Các Vua 17:6,24; 18:11), tức là chỉ về việc đó. Mê-na-hem, vua Y-sơ-ra-ên có hối lộ vua A-si-ri để nước mình được vững vàng (II Các Vua 15:29). A-cha, vua Do-thái, hối lộ vua A-si-ri để vua ấy đánh lấy Ða-mách, giết vua nó là Rê-xin, và bắt dân nó đem sang Ki-rơ (II Các Vua 16:8,9). Ô-sê, vua Y-sơ-ra-ên, đã thuần phục và đóng thuế cho vua A-si-ri. Sau toan mưu phản, bèn bị A-si-ri xiềng lại và hạ ngục rồi chiếm đoạt nước (II Các Vua 17:3-6). Nước Ách-đốt và nước Ai-cập mưu đánh A-si-ri. Vua A-si-ri bèn đánh họ trước, chiếm lấy nước Ách-đốt, đặt làm huyện (Ê-sai 20:1). Trong khi Ê-xê-chia làm vua nước Do-thái, vua A-si-ri đánh nước Do-thái, hạ được bốn mươi sáu thành, bắt hai mươi vạn một trăm năm mươi người làm phu tù rồi đày đi nơi xa; lại bắt vua Ê-xê-chia phải trả ba trăm ta-lâng bạc và ba mươi ta-lâng vàng (II Các Vua 18:13-16). Không bao lâu, vua A-si-ri lại đánh thành Giê-ru-sa-lem. Cứ như Kinh Thánh chép, thì có thiên sứ đi đến trong dinh A-si-ri, giết một trăm tám mươi lăm ngàn quân lính (II Các Vua 19:35). Hết năm nầy qua năm khác, các vua A-si-ri đánh đông dẹp tây, không lúc nào ngừng. Họ đi đâu thì hát bài khải ca tới đó. Ðến năm 606 T.C., thành Ni-ni-ve, kinh đô nước A-si-ri, bị nước Mê-đi và nước đồng minh nó hãm đánh rồi chiếm lấy. Từ đó nước A-si-ri lần lần suy đồi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.