Âm-phủ

         Âm-phủ.   hoặc  Ðịa ngục . Séjour des morts.



      1. Ðịa ngục là nơi người chết ở. Tiếng đó dịch ra từ tiếng Hê-bơ-rơ Sheol và tiếng Hy-lạp Aides. Hai tiếng đó cũng có thể dịch là "mồ mả" (Thi Thiên 16:10; Công vụ các sứ đồ 2:27; Phục truyền luật lệ ký 32:22; Thi Thiên 55:15; 86:13; Sáng thế ký 37:35; Ê-sai 38:10, 18; Ô-sê 13:14); "sự chết" (I Cô-rinh-tô 15:55). Cả hai tiếng nguyên văn có nghĩa là "nơi người chết ở". Trong đời Cựu Ước, người Hê-bơ-rơ tưởng Sheol là nơi dưới đất (Dân số ký 16:30, 33; Ê-xê-chi-ên 31:17; A-mốt 9:22). Họ bày vẽ ra phải qua cổng lớn mà vào chỗ đó (Ê-sai 38:10), là nơi tối tăm mờ mịt, dân ở đó tỉnh mà không hành động gì (II Sa-mu-ên  22:6; Thi Thiên 6:5; Truyền Ðạo 9:10). Họ kể là chỗ mọi linh hồn ở không biết tốt hay xấu (Sáng thế ký 37:35; Thi Thiên 31:17; Ê-sai 38:10), ở đó người ta có thể chịu hình phạt và được phần thưởng, họ cũng có thể về đất I Sa-mu-ên  28:8-19; Hê-bơ-rơ 11:19). Nên phải chú ý rằng người Hê-bơ-rơ dạy rằng Ðức Chúa Trời thấy được sự xảy ra trong Sheol (Gióp 26:6; Châm Ngôn 15:11), lại Chúa cũng có mặt ở đó (Thi Thiên 139:8), và xem xét tình hình các linh hồn ở đó. Họ dạy rằng: Ðức Chúa Trời biết số phận con Ngài sau khi họ chết. Ngài hiện diện với họ, cứ yêu họ; thuyết đó gồm rằng sau khi chết người công bình được phước và người gian ác chịu khổ, cũng có hai chỗ ở cho những người ở đó, người công bình ở cùng Chúa và kẻ gian ác bị bỏ khỏi mặt Ngài. Thuyết đó cũng là căn nguyên sự dạy dỗ về sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời. Trong đời Cựu Ước họ quí trọng lẽ thật về sự vinh hiển trong đời sau, và sự sống lại của thân thể (Gióp 19:25-27; Thi Thiên 16:8-11; 17:15; 49:14, 15; 73:24).
       Dầu trong thời cổ có sự sáng mờ mờ như thế, nhưng chỉ bởi sự dạy dỗ của Ðấng Christ mà chúng ta được sự sáng rực rỡ của Ðạo Tin Lành. Trong Tân Ước chúng ta mới thấy rõ phước hạnh của linh hồn được cứu là thế nào, chẳng có sự tối tăm buồn rầu nữa vì biết linh hồn tín đồ khi "Lìa bỏ thân thể nầy... thì ở cùng Chúa ngay" (Lu-ca 23:43; Giăng 14:1-3; II Cô-rinh-tô 5:6-8; Phi-líp 1:23).
       2. Nơi khổ sở.-- Về ý nghĩa đó "Ðịa ngục", dịch tiếng Hy-lạp "Géhenne" là Nơi Khổ sở, trong Ma-thi-ơ 5:22, 29, 30; 10:28; 18:9; 23:15, 33; Mác 9:47; Lu-ca 12:5; Gia-cơ 3:6. "Géhenne" là lối người Hy-lạp viết tiếng Hê-bơ-rơ Gehinom (trũng của Hi-nôm), là nơi người ta đưa con cái mình qua lửa cho Mô-lóc (II Các Vua 23:10). Vì cớ tội lỗi ghê gớm mà họ phạm ở đó, lại vì Giô-sia làm ô uế Tô-phết tại trũng con cái Hi-nôm (II Các Vua 23:13, 14; II Sử ký 34:4, 5), lại có lẽ vì đổ rác và súc vật chết bị bỏ ở đó để đốt cháy, nên trũng Hi-nôm trở nên hình bóng về tội lỗi và khổ sở, đến nỗi lần lần họ dùng tên đó để chỉ về nơi hình phạt đời đời (Ma-thi-ơ 18:8, 9; Mác 9:43). Từ các sự gớm ghiết họ thấy ở trũng đó, họ bèn mượn hình bóng để mô tả Géhenne của các linh hồn hư mất (Ma-thi-ơ 5:22; 13:42; Mác 9:48).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.