An-ti-ốt

         An-ti-ốt. Antioche (Kẻ chống trả, hoặc chịu nhịn).



Trong Tân Ước có hai An-ti-ốt:
       I. An-ti-ốt của xứ Sy-ri. Trước thuộc dưới quyền các vua Hy-lạp; sau hồi năm 64 T.C., xứ nầy thuộc nước La-mã. An-ti-ốt cũng vẫn đặt làm kinh đô như cũ. Nó cách phía đông Ðịa Trung Hải độ hai mươi ba cây số, cách phía bắc thành Giê-ru-sa-lem độ bốn trăm tám mươi cây số, giáp gần một con sông ăn thông ra cửa biển Sê-lơ-xi (Công vụ các sứ đồ 13:4). Phía đông thành đó có con đường lớn có thể đi suốt đến Ba-tư, Ấn-độ, v.v.. Thành nầy là trung tâm điểm của kinh tế, thương mãi. Từ sau khi Sy-ri thuộc vào bản đồ La-mã, thành An-ti-ốt trở nên một nơi đô hội của La-mã và là một khu vực tự do. Ðương đời Tân Ước, trong thành có năm mươi vạn dân cư; có thể kể là thành thứ ba của La-mã. Sau khi Ê-tiên chết vì đạo, các môn đồ, tránh nạn bắt bớ, trốn đến thành An-ti-ốt, rao truyền Tin lành; có nhiều người tin theo lắm. Ba-na-ba từ Giê-ru-sa-lem, được sai đến thành An-ti-ốt giảng đạo Chúa. Rồi ông có mời Phao-lô từ Tạt-sơ đến để hợp tác cùng ông. Trọn một năm cả hai đều ở đó tiến hành công việc truyền đạo. Lại từ thành nầy, hai ông được phái đi lưu hành giảng đạo mọi nơi (Công vụ các sứ đồ 11:19-26; 13:2; 14:26). Lần thứ hai Phao-lô đi truyền giáo cũng cất gót ra đi từ thành nầy (Công vụ các sứ đồ 15:35,36). Thành nầy được nổi tiếng là vì hai việc: (1) Môn đồ được xưng là Cơ-rê-tiên (Chrétien) bắt đầu từ thành nầy (Công vụ các sứ đồ 11:26); (2) Lần đầu môn đồ từ thành nầy đi đến dân ngoại truyền đạo (Công vụ các sứ đồ 13:1-4). Môn đồ ở thành Giê-ru-sa-lem bị đói kém phần nhiều nhờ môn đồ ở An-ti-ốt giúp đỡ cho (Công vụ các sứ đồ 11:27-30). Sự cãi lẫy về người ngoại nên hay không nên chịu phép cắt bì là nổi lên ở thành nầy (Công vụ các sứ đồ 15:1-22). Cũng ở thành nầy, Phao-lô quở trách Phi-e-rơ làm việc không chánh đáng (Ga-la-ti 2:11-21). Từ khi Giê-ru-sa-lem bị diệt bởi La-mã, thành An-ti-ốt bèn trở nên trung tâm điểm của Hội Thánh. Thành đó có một cửa gọi là cửa thánh Phao-lô. Năm 538 S.C., thành nầy bị một vua Ba-tư chiếm lấy và tàn phá. Hồi 1268, thành nầy thuộc nước Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie), bị giày đạp không sao nói xiết! Năm 1822, gặp nạn động đất, trong số hai vạn nhơn dân bị thương đến một phần tư! Ðến nay An-ti-ốt là một thành nhỏ, hẹp, nhơ bẩn; dân cư chỉ được độ sáu ngàn người. Hội Thánh Âu-tây đã phái giáo sĩ đến thành nầy, xây nhà thờ, rao giảng đạo rồi.
       II. An-ti-ốt là kinh đô xứ Bi-si-đi, thuộc Tiểu-Á-tế-á (Asie Mineure), được nước La-mã đặt làm khu vực tự do và đóng binh phòng ngự. Phao-lô có đến thành nầy bốn lần (Công vụ các sứ đồ 13:14-52; 14:21; II Ti-mô-thê 3:11). Quê của Ti-mô-thê cũng ở gần thành nầy (Công vụ các sứ đồ 16:1). Người Ga-la-ti mà Phao-lô nói đến trong thơ Ga-la-ti cũng bao gồm cả Hội Thánh An-ti-ốt ở trong đó.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.