Ao

         Ao.



      Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ, ao là "b'er", nghĩa là: "đào xuống" đất kiếm mạch nước; trái lại, giếng theo nguyên văn Hê-bơ-rơ là "een", nghĩa là nước "tuôn lên" cách tự nhiên.
       Miền núi Si-na-i ít có giếng, nên ta dễ hiểu tại sao toàn thể dân Y-sơ-ra-ên vui mừng vì thấy một "b'er" hoặc ao, về sau đặt tên là "Beer-Elim", nghĩa là "giếng của các bậc anh hùng". Ðức Chúa Trời phán bảo Môi-se ra lịnh đào giếng, đủ các hạng người phải bắt tay làm việc (Dân số ký 21:16,17,18,22).
       Ðặt tên cho một cái giếng tức là tỏ ra nó thuộc quyền sở hữu của mình. Phá giếng thì tỏ ra mình đã chiến thắng hoặc không nhận quyền sở hữu (Sáng thế ký 21:30,31; 26:15-33; II Các Vua 3:19; Phục truyền luật lệ ký 6:11; Dân số ký 20:17,19). Người ta thường tranh giành lấy giếng, và giao chiến ở nơi giếng mà họ múc nước (Xuất Ê-díp-tô ký 2:16,17; Các Quan Xét 5:11; II Sa-mu-ên  23:15,16). Y-sác bày tỏ ân điển của Ðức Chúa Trời vì đã khiêm nhường từ bỏ quyền hưởng các giếng của cha mình đã đào lại; ông đi đào giếng khác, mặc cho họ cậy sức cướp lấy giếng kia (Sáng thế ký 26:17-33).
       Trong Kinh Thánh có chép về nhiều ao, như ao Bê-tết-đa, ao Si-lô-ê (Giăng 5:2; 9:7), Ga-ba-ôn, Hếp-rôn (II Sa-mu-ên  2:13, 4:12), Sa-ma-ri (I Các Vua 22:38), ao trên (II Các Vua 18:17; Ê-sai 7:3), ao dưới (Ê-sai 22:9), ao của vua (Nê-hê-mi 2:14), ao của Ê-xê-chia (II Các Vua 20:20; II Sử ký 32:30), ao của Sa-lô-môn (Truyền Ðạo 2:6). "Hãy uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con" (Châm Ngôn 5:15), câu nầy có nghĩa bóng là: "Hãy hưởng tình thương của một mình vợ con thôi".
       Giếng và bể là hai nơi cung nước dùng trong xứ của tuyển dân Ðức Chúa Trời. Nhà nào cũng có bể đựng nước mưa (II Các Vua 18:31). Trên đồng bằng Phi-li-tin, giếng cách xa nhau, và phải đào rất sâu xuống mặt đất, tới từng cát bên dưới thì có một dòng nước không hề cạn chảy ra biển. Miền núi xứ Pha-lê-tin thì giếng đào ở khu đá vôi có bậc đi xuống (Sáng thế ký 24:16). Ðể giữ cho người khỏi vô ý ngã xuống, người ta hay xây một bức tường thấp bằng đá chung quanh miệng giếng (Xuất Ê-díp-tô ký 21:33). Cứu Chúa chúng ta đã ngồi trên bức tường như thế để trò chuyện với người đờn bà Sa-ma-ri (Giăng 4:6-11). Sách II Sa-mu-ên  17:19 có chép về một cái "mền" trải trên miệng giếng. Thừng (dây) và thùng (hoặc bầu da) dùng để kéo nước; có khi cần đến bánh xe để trục nước lên (Truyền đạo 12:6). Sách Dân số ký 24:7 có chép: "nước chảy tràn ngoài (hai) thùng chứa", tỏ ra có hai thùng mắc vào đòn gánh trên vai.
       "Ô-bốt" (Dân số ký 21:10) nghĩa là những hồ đào dưới đất để lấy nước. Bê-e-sê-ba, Rê-hô-bốt và giếng Gia-cốp đều là những giếng có tiếng nhất trong Kinh Thánh (Sáng thế ký 21:19; 26:22). Ngày nay nơi người ta bảo là giếng Gia-cốp sâu 25 thước, đường kính 2 thước 30 phân, có trát sơ sài. Coi thêm Giếng và Bể.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.