Áp-đia

 I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:
Tên “Áp-đia” có nghĩa là “Người thờ phượng Đức Giê-hô-va” hay “Đày tớ của Đức Giê-hô-va”.
Đây là tên được dùng phổ thông trong tiếng Hi-bá-lai. Tuy nhiên có thể không phải là tên thật, mà là một biệt danh.
2. Gia thế:
Kinh Thánh không cho chúng ta biết điều gì về Áp-đia.
Sử gia Josephus cho rằng đây là “Áp-đia” làm quan trong đời vua A-háp (I Vua 18:3-16)

II/. NIÊN HIỆU:
Có ý kiến căn cứ vào sự tương đồng giữa sách Giê-rê-mi với sách Áp-đia (Áp 1:5 so với Giê. 49:7-22), nhắc đến việc Nê-bu-cát-nết-sa chiếm Giê-ru-sa-lem. Đồng thời có sự tương đồng giữa:
  • Áp-đia 1:15           với       Giô-ên 1:15
  • Áp-đia 1:17           với       Giô-ên 2:32; 3:17
  • Áp-đia 1:19           với       Amốt 9:12.
Suy từ sự liên quan giữa các tiên tri Giô-ên, Amốt, Giê-rê-mi, thì Áp-đia hành chức sau Giô-ên, Amốt.
Theo Scofield thì niên hiệu của sách Ap-đia là năm 585 TC.
Nhìn chung, sách Áp-đia được viết trước khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ.

III/. ĐỐI TƯỢNG CỦA SÁCH ÁP-ĐIA:
Cả sách chỉ đề cập đến nước Ê-đôm
  1. Địa lý Ê-đôm:
Đây là tên được đặt cho Ê-sau là anh của Gia-cốp, do sự nhận dạng hình dáng nhiều lông đỏ của Ê-sau (Ê-sau = đỏ). Sự kiện nổi bật là Ê-sau vì tô canh đậu “đỏ” mà Ê-sau bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp.
Người Ê-đôm là dòng dõi của Ê-sau.
Xứ Ê-đôm là núi Sê-i-rơ (Seir – Sáng. 36:8-9). Núi Sê-i-rơ không phải là ngọn núi theo đúng nghĩa, mà là vùng phía Nam Biển Chết, chạy dài đến vịnh Akabah.
Trước đó vùng Sê-i-rơ thuộc dân Hô-rít (Sáng 14:6; 36:20). Chữ “Hô-rít” có nghĩa là “Người ở trong hang đá”
Dân Hô-rít là cư dân tại Sê-i-rơ, về sau người Ê-đôm là con cháu của Ê-sau đến đánh chiếm và lập nước Ê-đôm (Phục truyền. 2:12)
Tên “Sê-i-rơ” có nghĩa là “nhiều lông” hay “đỏ”. Trùng hợp với tên của Ê-sau và Ê-đôm.
Mặc dù Sê-i-rơ là vùng có nhiều núi, nhưng cũng không thiếu những thung lũng màu mỡ, đất tốt.
Thủ đô cổ là Bozah, cách phía Nam Biển Chết vài dặm. Nhưng vào thời kỳ của Áp-đia, tủ đô là Sê-la hay Petra – thành phố ĐÁ.
  1. Lịch sử:
Người Ê-đôm là dòng dõi của Ê-sau, như vậy là thân thuộc với Y-sơ-ra-ên. Nhưng họ luôn luôn là thù nghịch nhau như tổ phụ của họ (Sáng. 25:23; 27:41)
  • Dân. 20:14-21, dân Ê-đôm không cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua, và sẵn sàng ủng hộ dân nào tấn công dân Y-sơ-ra-ên.
  • Trong thời các vua Giu-đa, nước Ê-đôm nhiều lần bị đánh phá và bị bắt phục (I Samuên 14:47; II Samuên 8:13-14).
  • Ê-đôm đồng minh với Ba-by-lôn vây Giê-ru-sa-lem (Thi. 137:7)
  • 4 năm sau khi Giê-ru-sa-lem bị thiêu hủy (582 TC.), thì Ê-đôm bị chính người Ba-by-lôn tấn công và phá hủy (Giê. 27:3-6; malachi 1:3-4)
  • Người Nabathêens, một bộ lạc người A-rạp chiếm Ê-đôm, có thể là do Nê-bu-cát-nết-sa sai đến.
  • Năm 152 TC. một vị tướng của A-lịch-sơn Đại đế, tên Antigonus cướp phá Ê-đôm
  • Năm 126 TC., người Ê-đôm chỉ còn lại một số ít ngụ ở phía Nam Giu-đa. Họ bị Giu-đa Mác-ca-bê (I Mác. 5:3, 65) thu phục nhập vào dân Y-sơ-ra-ên (đời John Hyracanus dòng Mác-ca-bê).
  • Hê-rốt Lớn (Mathiơ 2:) là người Y-đu-mê, dòng dõi Ê-đôm, cũng gọi là người Yê-bốt (Luca 6:15)
  • Sau năm 70 SC. Giê-ru-sa-lem thất thủ cũng làm cho dân Ê-đôm biến mất trong lịch sử.
IV/. BỐ CỤC:
Đề mục: ÁN PHẠT CHO Ê-ĐÔM
(Ê-ĐÔM = NGƯỜI ANH HUNG BẠO)
Câu gốc: 1:10
  1. Cách Thi Hành Án Phạt Cho Ê-Đôm: 1:1
  1. Người chứng kiến Án phạt cho Ê-đôm: Áp-đia (Sự hiện thấy của Áp-đia)
  2. Đấng thi hành án phạt cho Ê-đôm: Chúa Giê-hô-va.
  3. Lực lượng tham gia án phạt cho Ê-đôm: Các nước.
  1. Cảnh Án Phạt Cho Ê-Đôm: 1:2-9
  1. Lòng kiêu ngạo bị hạ: 1:2-4
  2. Tài sản bị cướp: 1:5-7
  3.  Nhân sự bị giết: 1:8-9
  1. Nguyên Nhân Án Phạt Cho Ê-Đôm: 1:10-16
  1. Hung bạo với anh em (Gia-cốp): 1:10
  2. Đồng minh với kẻ thù (cướp của giết người): 1:11-14
  3. Phạm nơi thánh (uống trên Núi Thánh) 1:15-16
  1. Kết Quả Án Phạt cho Ê-Đôm: 1:17-21
  1. Ê-sau không còn sót chi hết: 1:17-18
  2. Núi Ê-sau bị chiếm: 1:19-20
  3. Núi Ê-sau bị phán xét: 1:21 (Ê-đôm không được thuộc về Chúa như các nước)
V/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Chim Ưng: 1:4
    • Chim ưng rất thích bay lượn trong lúc có bão hoặc gió lớn.
    • Có những con có sãi cánh đến 3 mét, với thân hình gần 30 kg. Chim non mới biết bay cũng nặng hơn 10 kg. Cánh chim ưng rất khỏe, được cấu tạo với xương cánh tròn như ống sáo và trong như thủy tinh, lông cánh ngắn nhất cũng dài 45 cm. Mỏ dài 40 cm, rất cứng. Chân như một cái móc của cần cẩu móc hàng, móng nhọn, vồ nổi những con mồi 3 đến 4 kg. Chim ưng rất ít khi bay.
    • Vùng Sê-i-rơ là vùng núi, nên thích hợp với chim ưng là loài thường ở núi cao (Giê. 49:16-22).
    • Đặc biệt, Đức Chúa Trời rao báo: “Chim ưng lót ổ trên các ngôi sao”. Và ngày 20 tháng 7 năm 1969, một phi thuyền không gian đáp xuống mặt trăng mang tên là EAGLE (Phụng hoàng hay Chim ưng).
    • Những cường quốc từ xưa đến nay thường hay dùng biểu tượng chim ưng làm quốc uy, như: Lamã đế quốc, Đức quốc xã, hiện nay là Hoa Kỳ với Bạch ưng.
  2. Thê-man: 1:8-9
  • Một chi phái thuộc dòng dõi Ê-sau (Sáng. 36:11, 15, 42). Đây là vùng có nhiều người khôn ngoan (Giê. 49:7; Gióp 2:11; 4:1)
  1. Hình bóng dạy dỗ:
Ê-sau (hay Ê-đôm làm hình bóng về người thiên nhiên của A-đam, người xác thịt, Bản Ngã
Sáng thế ký có những cặp anh em đặc biệt:
  • Ca-in với A-bên
  • Ích-ma-ên với Y-sác
  • Ê-sau với Gia-cốp
Trong những cặp anh em nầy, A-bên, Y-sác, và Gia-cốp, là người thuộc linh, làm hình bóng về Cơ-đốc nhân với bản tánh được liên hiệp với Chúa Jêsus Christ. Còn Ca-in, Ích-ma-ên, và Ê-sau, làm hình bóng về người thiên nhiên, Bản Ngã, xác thịt
 
CA-INTấm lòng thiên nhiên nghịch với sự cứu rỗi. Đây là loại cấu trúc tôn giáo với những sinh tế thuộc về đất, bị rủa sả, không có con mắt hướng về Huyết Chiên Con
ÍCH-MA-ÊNLà con người sanh ra theo xác thịt, đối kháng với đức tin (Gal. 4:9)
Ê-SAULà con người bản ngã, khinh thường đời sống thuộc linh (Hêb. 12:16)
Ba cặp anh em nầy cho chúng ta bài học về sự thù nghịch của xác thịt với người thuộc về Chúa Jêsus Christ.
  • Thù nghịch với sự cứu rỗi
  • Thù nghịch với đời sống đức tin
  • Thù nghịch với những điều thuộc về Thánh Linh.
Tuy nhiên, trong trường hợp Ê-sau là đặc biệt, vì qua Ê-sau, chúng ta thấy “Xác Thịt” – A-đam thiên nhiên ở trong dạng đẹp nhất . Ê-sau là sự tiến bộ của Ca-in và Ích-ma-ên.
Sáng. 25:25, Ê-sau được phân biệt với 2 đặc điểm: ĐỎ HỒNG  và ĐẦY LÔNG. Cả hai đặc điểm đó nói lên cái đẹp và mạnh mẽ; một em bé dễ thương, kháu khỉnh, và một thanh niên đẹp trai. Đó là tính chất thu hút của “xác thịt’.
Nhưng sau đó chẳng bao lâu, cái đẹp đó bị hư hoại. Ê-sau là ‘hồng hào’ trở thành Ê-đôm – một người màu đỏ. Màu đỏ nầy là màu đỏ của:
  • Con ngựa đỏ (Khải huyền 6:4)
  • Con rồng đỏ (Khải huyền 12:3)
  • Con thú đỏ (Khải huyền 17:3)
Tức là màu đỏ ẩn chứa sự hung dữ bên trong.
Ê-sau là ‘nhiều lông’ biểu tượng của Sức Mạnh, chẳng bao lâu trở thành bộ lông thú, trở thành Ê-đôm của đồng vắng, một thợ săn. Trong tiếng Hi-bá-lai, chữ Ê-đôm là một thể với chữ A-đam.
Ê-sau là ‘xác thịt’, chỉ nhìn vào điều trước mắt, khinh dể những điều thuộc linh, chỉ cần một miếng ăn cũng sẵn sàng từ bỏ quyền trưởng nam, một đặc quyền mà Ê-sau vốn đã biết từ ông nội Áp-ra-ham truyền xuống những lời hứa dành cho con trưởng.
Đặt con người ‘xác thịt’ của Ê-đôm vào sự dạy dỗ của sách Áp-đia, chúng ta thấy rõ hình ảnh bản ngã qua những câu:
  • Câu 3        kiêu ngạo
  • Câu 4        tham vọng với sự tham lam
  • Câu 14      ganh ghét, hung ác
Một phương diện khác, Áp-đia cũng cho thấy hậu quả của xác thịt Ê-đôm:
  • Đức Chúa Trời ghét (2)
  • Tự lừa dối mình (3)
  • Bị con đức tin đánh bại (17-21
  • Bị Đức Chúa Trời đoán phạt (10-18)
Lẽ thật nầy được dạy trong Tân Ước, thư Rôma 6:6-14 và Galati 5:17-25.
Sách Áp-đia mặc dù là sách ngắn nhất trong Cựu Ước và ngắn nhất trong các sách Tiên tri, nhưng lại chứa đựng một bài học cao cấp cho Cơ-đốc nhân


Đề mục:  SỰ KIÊU NGẠO
Kinh Thánh: Áp-đia 1
Câu gốc: 1:3
Mục đích: Nhắc nhở con cái Chúa: Sự kiêu ngạo đi trước, thì sự bại hoại theo sau.

I/. NGƯỜI KIÊU NGẠO:
  • 1:1
  • Ngay trong câu 1, Chúa cho Tiên tri Áp-đia biết tên người kiêu ngạo là ai, đó là Ê-đôm, một nước ở phía Nam của Y-sơ-ra-ên, gần bên Biển Chết (Sáng. 36:8-9)
  • Qua Kinh Thánh từ sách Sáng thế ký, chúng ta biết dân Ê-đôm là dòng dõi của Êsau, con trai của Y-sác, anh song sinh với Gia-cốp. Và qua đời sống của Ê-sau, có rất nhiều biểu tượng làm bài học cho SỰ KIÊU NGẠO:
    1. Tên của Ê-sau có ý nghĩa là “Đỏ hồng” hay “nhiều lông”. Hai ý nghĩa nầy nói lên cái Đẹp và mạnh mẽ, là hai tánh chất thu hút của xác thịt.
Nói đến xác thịt là nói đến những ham muốn của xác thịt mà thư Galati 5:19-21 nêu ra rất đầy đủ.
Chẳng bao lâu, màu đỏ hồng của Ê-sau trở nên màu “đỏ” của máu, màu của biểu tượng chiến tranh, tham vọng, hung dữ, như:
con ngựa đỏ trong Khải. 6:4, là sự đổi màu của con ngựa màu trắng trong 6:1-2, tức là công việc của Antichrist trong việc tạo ra một nền hòa bình giả tạo, sau đó đem đến chiến tranh.
con rồng màu đỏ trong Khải 12:3), là biểu tượng của Satan và Satan là kẻ luôn khuyến khích con người lên mình kiêu ngạo.
con thú màu đỏ trong Khải. 17:3) là Antichrist, màu đỏ ở đây nói rõ là đỏ sặm, đỏ của máu bầm.
Nói chung lại, Ê-sau là hình ảnh của con người xác thịt có sự điều khiển của Satan, và chỉ để chống lại Chúa Jêsus Christ và kẻ thuộc về Chúa.
  1. Tên Ê-sau có nghĩa là “nhiều lông” biểu tượng về sức mạnh, trở thành Ê-đôm của đồng vắng, một thợ săn, nghĩa là chẳng bao lâu trở thành “bộ lông thú”, một con thú kiêu ngạo như trong Khải. 13:1-9, nói những lời phạm thượng với Chúa.
  • Nhắc đến Ê-sau là nhắc đến tình anh em với Gia-cốp. Anh Chị Em để ý là trong Kinh Thánh có những cặp anh em có thể làm biểu tượng cho hai bản tánh của Cơ-Đốc nhân:
    • Cặp anh em của Ca-in với A-bên: Ca-in là bản tánh thiên nhiên nghịch với sự cứu rỗi, loại cấu trúc Tôn giáo với những sinh tế thuộc về đất.
    • Cặp anh em của Ích-ma-ên với Y-sác: Ích-ma-ên là người được sanh ra theo ý riêng, theo xác thịt, không bởi đức tin; trái với Y-sác là con của lời hứa, con của đức tin (Gal. 4:29).
    • Cặp anh em Ê-sau với Gia-cốp: Ê-sau là con người của bản ngã, khinh thường ân điển của Chúa.
  • Trong ba cặp nầy, Ca-in, Ích-ma-ên, Gia-cốp, là bản tánh thuộc linh, làm hình bóng về bản tánh của Cơ-Đốc nhân liên hiệp với Chúa Jêsus Christ. Còn Ca-in, Ích-ma-ên, Ê-sau làm hình bóng về bản tánh xác thịt, người thiên nhiên, bản ngã….
  • Trở lại với Áp-đia 1:1, rõ ràng Đức Chúa Trời luôn chống lại sự kiêu ngạo, luôn ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vì vậy, lời Chúa ở đây là lời kêu gọi:
    • … lời rao từ Đức Giê-hô-va .
    • … hãy dấy lên! Chúng ta hãy dấy lên nghịch cùng dân nầy (tức là dân Ê-đôm – một dân kiêu ngạo) đặng đánh trận với nó.
  • Xin Chúa cho chúng ta là con cái Chúa vâng lời Chúa sẵn sàng chống lại sự kiêu ngạo trong chính đời sống chúng ta.

II/. BẰNG CỚ CỦA SỰ KIÊU NGẠO:
  • Áp-đia 1:2-14
  • Trong phân đoạn nầy chúng ta có hai bằng cớ chứng minh sự kiêu ngạo của Ê-đôm:
1/. Đối với chính mình:
  • 1:2-9
  • Hai câu 3 và 4 Lời Chúa nói thẳng về sự kiêu ngạo của Ê-đôm:
    • câu 3, tại sao dân Ê-đôm kiêu ngạo? Về địa lý, vì họ là những người sống khu vực có nhiều núi đá dựng đứng, họ đục vào những vách đá đó làm nhà ở trên cao. Với cách cư trú đặc biệt như vậy, người Ê-đôm cho rằng không dân nào có thể tấn công họ với giọng điệu đầy kiêu ngạo: Ai có thể xô ta xuống đất?
    • câu 4, một điểm đặc biệt nữa là xứ Ê-đôm là khu vực có nhiều núi cao, cũng là khu vực có nhiều chim ưng sống – vì đây là loài chim thích cư trú vùng núi cao, thích làm tổ trên núi cao.
    • Chim ưng thích bay lượn trong lúc bão tố hay gió lớn, nghĩa là thích thách thức với thiên nhiên. Chim ưng rất khỏe, có những con sãi cánh dài hơn 9 feet, nặng trên 70 lbs., lông cánh ngắn nhất cũng dài hơn 1 foot. Chim ưng có mỏ rất cứng, chân có móng như một cái móc cần cẩu móc hàng, nhọn dùng để vồ những con mồi đến 10 lbs
Chúa đã dùng hình ảnh của chim ưng làm tổ trên cao để nói đến sự kiêu ngạo của dân Ê-đôm, và Chúa phán: Dầu ngươi lót ổ giữa các ngôi sao (không phải chỉ là trên núi cao) ta cũng sẽ xô ngươi xuống khỏi đó, Đức Giê-hô-va phán vậy.
  • Qua lịch sử của loài người, chúng ta đã được thấy nhiều lần Chúa đã xô những con chim ưng xuống, như:
    • Đế quốc Lamã với biểu tượng chim ưng, đã bị Đức Chúa Trời xô xuống.
    • Phát-xít Đức với biểu tượng chim ưng, cũng bị Đức Chúa Trời xô xuống
  • Ngày 20-7-1969, một phi thuyền có tên EAGLE = chim ưng, đã lót ổ trên mặt trăng. Chúng ta không biết được tương lai con chim bạch ưng Hoa Kỳ như thế nào, chỉ xin Chúa cho con bạch ưng nầy đừng kiêu ngạo.
  • Từ câu 5 đến câu 9, chứng minh sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau; chứng minh Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
2/. Đối với người chung quanh:
  • 1:10-14
  • Đọc đến câu 10, phải nói là một đau buồn. Người Ê-đôm đã hung bạo với anh em là Gia-cốp, tức là dân Y-sơ-ra-ên.
  • Cả hai dân Ê-đôm và Y-sơ-ra-ên đều có chung một nguồn gốc tổ phụ là Y-sác, đặc biệt hơn nữa là Ê-sau và Gia-cốp lại là anh em song sinh, cùng một bào thai.
  • Trong câu 10 nầy, Chúa đã gọi tên Gia-cốp mà không gọi là Y-sơ-ra-ên, Chúa muốn nhắc đến thân tình anh em ruột thịt của dân Ê-đôm với dân Y-sơ-ra-ên.
  • Trong tình thân anh em ruột thịt đó, người Ê-đôm đã làm gì đối với dân Y-sơ-ra-ên?
    • câu 10, họ đã hung bạo đối với anh em của họ.
    • câu 11, Trong ngày Y-sơ-ra-ên bị cướp phá, thì thay vì cứu giúp, Ê-đôm lại hùa theo kẻ thù cướp phá Y-sơ-ra-ên.
    • câu 12, chẳng những vậy, đang khi cướp giựt, Ê-đôm còn kiêu ngạo khoe khoang, chận đường những người Y-sơ-ra-ên trốn chạy để tận diệt cho hết.
  • Kiêu ngạo với Chúa, kiêu ngạo khoe khoang với anh em, vì vậy chắc chắn Ê-đôm không tránh khỏi án phạt của Đức Chúa Trời là Đấng chống cự kẻ kiêu ngạo, ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

III/. ÁN PHẠT CHO SỰ KIÊU NGẠO:
  • 1:15-21
  • Nhóm từ: Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước… trong câu 15, là thời điểm mà Chúa đã cho Tiên tri Áp-đia biết để báo cho kẻ kiêu ngạo Ê-đôm.
  • Chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều lần nhóm từ “Ngày của Đức Giê-hô-va” xuất hiện trong Kinh Thánh, đặc biệt là các sách Tiên tri. Nhóm từ nầy nói đến hai ý:
    1. Về ý nghĩa tương lai gần, đó là ngày Chúa sai sự đoán phạt đến trên dân Y-sơ-ra-ên và các dân tộc khác trong thời gian Cựu Ước, như lúc quân A-si-ri, Ba-by-lôn, … đánh chiếm các nước thời bấy giờ.
    2. Về ý nghĩa tương lai xa, đó là ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm theo dự ngôn trong Cựu Ước và lời giải thích trong Tân Ước. Sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ là để ban thưởng cho kẻ tin cậy Chúa; đồng thời cũng là ngày đoán phat những kẻ chống nghịch Chúa.
  • Hai câu 1:15-16 đều có ý nghĩa gần và xa.
    • Giê. 27:3-6, 4 năm sau khi Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn phá hủy, thì Ê-đôm cũng bị người Ba-by-lôn tấn công và phá hủy.
    • Năm 132 TC, một vị tướng của Alexander the Great, là Antigonus cướp phá Ê-đôm
    • Năm 126 TC, người Ê-đôm chỉ còn một số ít cư ngụ phía Nam Giu-đa. Họ bị Judas Maccabees (I Macc. 5:3, 65) thu phục nhập vào dân Do thái
    • Năm 70 SC, khi Giê-ru-sa-lem thất thủ vào tay người Lamã, thì nước Ê-đôm cũng biến mất trong lịch sử nhân loại.
  • Tất cả đều ứng nghiệm đúng như Lời Đức Chúa Trời đã phán trong Áp-đia 1:15-16. Và chúng ta cũng không thể không nhắc đến Kẻ Kiêu Ngạo lớn nhất đã từng dám kiêu ngạo muốn nhắc ngai của mình lên bằng Đức Chúa Trời, là Satan, đã bị phạt thế nào, và số phận của nó là hồ lửa và diêm cháy bừng bừng cả ngày lẫn đêm (Khải. 20:10)
  • Chúng ta vừa nói đến thái độ của Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, đoán phạt họ. Từ câu 17-21, cảm ơn Chúa, chúng ta lại được Lời Chúa cho thấy Đức Chúa Trời là Đấng ban ơn cho Người Khiêm Nhường, Chúa đã khôi phục nhà Gia-cốp, tức là nước Y-sơ-ra-ên, dân nầy được thuộc về Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!
  • Xin Chúa dùng bài học nầy để ban cho chúng ta một thái độ từ tấm lòng khiêm nhường, vì biết rằng Chúa luôn ban ơn cho người biết sống khiêm nhường.



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.