Bài 4


GIÁO LÝ BA NGÔI.

LỜI GIỚI THIỆU:
Cho đến nay chúng ta đã học biết chỉ có một Đức Chúa Trời Đấng tạo hóa thế gian.
- Phục 6:4 "Hãy nghe, hỡi Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời chúng ta là Đức Chúa Trời có một" chỉ có một Đức Chúa Trời.
Nhưng nghiên cứu kỹ Thánh kinh ta sẽ thấy Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời hiện hữu trong ba thân vị hay gọi là Ba ngôi.
- Cô-lô-se 2:9 'Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thấy đều ở trong Đấng ấy như có hình '. Có người chống đối : Làm thế nào mà đồng một lúc có một Đức Chúa Trời mà lại có ba ngôi? chẳng lẽ đó lại ba Đức Chúa Trời tương tự như triết lý ngoại giáo và tương phản với Phục 6:4.Hay là giáo lý Ba ngôi không tài nào hiểu được và nghịch lại với lý trí con người? Ê-sai 55:8, 9 dạy rằng lý trí của con người không thể học biết được hết về Đức Chúa Trời. ' Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối Ta chẳng phải đường lối các ngươi... phương đông... '. Các chữ Ba ngôi hay Đức Chúa Trời Ba ngôi không thấy trong Kinh thánh.
I. NỀN TẢNG CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI :
1. Lễ Báp têm của Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 3:13,17 chúng ta thấy Ba ngôi hành động : Đức Chúa Trời là Cha phán từ trời : "Nầy là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường". Đức Chúa Trời là Con : Chúa Jêsus chịu phép Báp têm, Đức Chúa Trời là Thánh linh : ngự xuống như chim bồ câu đậu trên Chúa Jêsus.
2. Công thức Báp têm ở Ma-thi-ơ 28:19 "Nhân Danh Đức Cha, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh làm phép Báp têm cho họ."
3. Lời chúc phước trong II Cô-rinh-tô 13:14 "Nguyền xin ân điển của Chúa Jêsus Christ, tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự thông công của Thánh Linh ở cùng anh em tất cả. Amen."
4. Trong sự sáng tạo loài người Kinh thánh dùng số nhiều. Sáng 1:26 "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình chúng ta và theo tượng chúng ta...."
Trong các bài học tiếp chúng ta sẽ chứng tỏ Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời thật và Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trối thật.
II. NHỮNG THÍ DỤ MÔ TẢ GIÁO LÝ BA NGÔI :
1. Lá chia ba: Thánh Patrick đã dùng hình ảnh một chiếc lá có ba phiến lá chỉ ra ba hướng.
2. Nước: có ba dạng lỏng, rắn, hơi nhưng chỉ cùng một công thức H2O.
3. Ánh sáng:
- Tia nóng đỏ không thấy được là hình ảnh Đức Cha.
- Tia sáng vàng thấy được là hình ảnh Đức Con.
- Tia hóa học xanh lơ thấy được bởi hiệu quả của nó là hình ảnh Đức Thánh Linh.
4. Công ty thương mại : (Smith Co. ba anh em John, Henry, Peter ). Đây là một công ty có một tên duy nhất nhưng mỗi mỗi anh em là giám đốc một ngành thương mại của công ty. Ba ngành cùng hoạt động với nhau không hề đối lập quyền lợi, nhưng nhằm một lợi ích chung như là chỉ có một đơn vị.
5. Một người tên Douglas: tôi là một người nhưng tôi có thể được tỏ ra trong ba nhân vị : mẹ tôi nhìn tôi như người con, mẹ tôi thấy tôi khác hơn bất cứ ai,và tôi đáp ứng tình yêu của mẹ tôi khác hơn bất cứ ai khác. Con tôi thấy tôi như người Cha và học trò của tôi lại thấy tôi như người thầy giáo với một mối liên hệ khác. Tôi vẫn là một, nhưng đồng thời tôi được bày tỏ ra như cha, con và thầy giáo cùng một lúc. Đức Chúa Trời là một thân vị nhưng được bày tỏ ra trong ba ngôi riêng. Tuy nhiên ta cần nhấn mạnh rằng giáo lý Ba ngôi vẫn là một sự mầu nhiệm mà không có một thí dụ nào có thể mô tả đầy đủ và thích đáng được. Dầu vậy, tôi tin rằng với những thí dụ trên có thể đưa ra vài ánh sáng trên vấn đề khó khăn phức tạp nầy. Bởi vì Đức Chúa Trời là Thần Linh còn chúng ta là xác thịt thật khó cho chúng ta hiểu được Ngài. Đức Chúa Trời là vô hạn trong khi chúng ta là hữu hạn. Cố gắng giải thích cách triết lý về Đức Chúa Trời Ba ngôi là cố gắng đặt các dữ kiện vô hạn vào những từ ngữ hữu hạn.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng chỉ có một Đức Chúa Trời tự hữu hằng hữu và Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta trong Ba ngôi: Cha Con và Thánh Linh.
III. BA NGÔI HÀNH ĐỘNG HỢP NHẤT:
1. Trong sự sáng tạo: Đức Chúa Trời là Cha phán Sáng 1:3 "phải có sự sáng....". Đức Con là lời phán Giăng 1:1 "Ban đầu có lời..." Đức Thánh Linh trên mặt nước. Sáng 1:2; Gióp 26:12, 13.
2. Trong sự nhập thể: Đức Cha ban Con một Ngài, Giăng 3:16. Đức Con được sanh ra trong thế gian Lu-ca 2:1. Đức Thánh Linh khiến Ma-ri mang thai Lu-ca 1:35.
3. Trong sự cứu chuộc: Đức Cha chấp nhận tự hy sinh trên thập tự giá Hê-bơ-rơ 9:14, Đức Con dâng mình làm của lễ đền tội Hê-bơ-rơ 9:14. Đức Thánh Linh - Chúa Jêsus dâng mình qua Linh đời đời Hê-bơ-rơ 9:14.
4. Trong sự cứu rỗi: Đức Cha tiếp nhận đứa con hoang trở về Lu-ca 15:22, Đức Cha hoan nghinh tội nhân, tha tội, cung ứng áo vòng và mở tiệc. Đức Con là người chăn đi tìm chiên lạc Lu-ca 15:14, Đức Thánh Linh đống ấn những tấm lòng tín hữu ăn năn. Ê-phê-sô 1:15.
5. Trong sự thông công: Đức Cha mời gọi chúng ta đến thông công với Ngài Ê-phê-sô 2:18. Đức Con là Đấng giải hòa II Cô-rinh-tô 5:19.Đức Thánh Linh là hiệu lực cho sự tương giao hiệp nhất này. Ê-phê-sô 2:18.
6. Trong sự cầu nguyện: Đức Cha là Đấng tiếp nhận lời cầu xin. Giăng 16:23. Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta cầu xin. Rôm 8:26.
7. Trong sự vinh hiển: Đức Cha cuối cùng sẽ tiếp nhận nước ngàn năm, I Cô-rinh-tô 15:24.Đức Con sẽ khiến thân thể hèn mạt chúng ta nên giống như Ngài Phi-líp 3:21. Đức Thánh Linh đưa ra lời mời gọi Khải 22:17.
8. Trong sự tái sanh: Đức Chúa Trời ghi Danh mới trong vinh hiển. Lu-ca 10:20. Đức Con tẩy sạch tội lỗi bằng huyết báu Ngài. Ê-phê-sô 1:7. Đức Thánh Linh thực hiện phép tái tạo tội nhân trong sự tái sinh Giăng 3:3-6.
IV. BA NGÔI VÀ CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI:
Thuộc tánh : Cha : Con : Đức Thánh Linh
1. Đời đời : Thi 90:2 : Khải 1:8,17 : Hê-bơ-rơ 9:14
2. Toàn năng : I Phi-e-rơ 1:5 : II Cô-rinh-tô 12:9 : Rom 15:19
3. Toàn tri : Giê-rê-mi 17:10 : Khải 2:23 : I Cô-rinh-tô 2:11
4. Toàn tại : Giê-rê-mi 23:24 : Ma-thi-ơ 18:20 : Thi 119:7
5. Thánh khiết : Khải 15:4 : Công 3:14 : Lu-ca 1:15
6. Chân thật : Giăng 7:28 : Khải 4:7 : I Giăng 5:6
7. Nhân từ,từ thiện : Rô-ma 2:4 : Ê-phê-sô 5:25 : Nê-hê-mi 9:20
8. Giao thông : I Giăng 1:3 : I Giăng 1:3 : II Cô-rinh-tô 13:14
KẾT LUẬN:
Các bạn không nên bối rối khi không thể hiểu giáo lý khó hiểu này. ' Người cố gắng hiểu trọn vẹn giáo lý Ba ngôi sẽ mất trí, nhưng người chối bỏ giáo lý Ba ngôi sẽ mất linh hồn ' [Lindsell và Woodbright]. Đây là sự mầu nhiệm và sẽ vẫn là mầu nhiệm cho đến khi chúng ta gặp Chúa trong sự vinh hiển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể tin được, chúng ta phải tin. Đức Chúa Trời vô cùng khác với chúng ta, Ngài là thần linh, chúng ta là người xác thịt. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời được vinh hiển và vui lòng khi chúng ta tin giáo lý này. Con người cũng là một hữu thể ba ngôi : xác, hồn, linh,vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy thờ phượng Đức Chúa Trời vĩ đại nầy - Đây là Đấng vô cùng cao cả hơn chúng ta.
Chúng ta hãy tin từng ngôi trong Ba ngôi Đức Chúa Trời là: Cha, Con và Đức Thánh Linh là Đấng đã thực hiện sự cứu rỗi quí giá cho chúng ta.
Câu hỏi:
1. Ma-thi-ơ 3:13,17 chứng minh lẽ đạo Ba ngôi thế nào?
2. Đưa ra các câu kinh thánh chứng minh giáo lý Ba ngôi.
3. Lời ám chỉ đầu tiên về giáo lý Ba ngôi trong Kinh Thánh ở đâu?
4. Đưa ra ba thí dụ chỉ về sự Ba ngôi.
5. Trong sự sáng tạo Ba ngôi hành động ra sao?
6. Trong sự chuộc tội Ba ngôi hành động ra sao?
7. Trong sự cứu rỗi Ba ngôi hành động ra sao?
8. Trong sự cầu nguyện Ba ngôi hành động ra sao?
9. Trong sự tái sanh Ba ngôi hành động ra sao?
10. Tại sao ta không thể hiểu hết giáo lý Ba ngôi?

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.