Châm Ngôn

 I/. TÊN SÁCH:
  1. Nguyên văn Hi-bá-lai:
Trong nguyên văn Hi-bá-lai, sách có tên là Mishle Shelomoh (Châm ngôn của Salômôn – 1:1) có nghĩa rất rộng, được dùng để chỉ:
  • Một bài diễn thuyết
  • Những câu châm ngôn
  • Những thành ngữ.
Từ ngữ Mishle được dịch trong:
  • Dân số ký 23:7, 18 = lời sấm, lời tiên tri – taunt (Bản Việt ngữ = lời ca. Như vậy, Lời Cacủa Ba-la-am mang tánh chất một lời tiên tri)
  • Ê-sai 14:4, = lời chế nhạo, châm biếm – oracle (Bản Việt ngữ = lời thí dụ. Như vậy, lời chế nhạo vua Ba-by-lôn ẩn giấu trong một thí dụ)
  • Êx. 17:2, = ẩn dụ – một thí dụ với ẩn ý ngầm (Bản Việt ngữ = ví dụ).
Tên sách theo tiếng Hi-lạp: Paroimiai Salomontos (Các Châm ngôn của Salômôn)
Tên sách theo tiếng Latin: Liber Proverbiomrum (Sách của Những câu Châm ngôn)
Các tác phẩm của Rabbi gọi sách là: Sepher Hokhmah (Sách của Sự Khôn ngoan)
  1. Theo Anh ngữProverb
Proverb có nghĩa Một Cách Nói Đơn Giản, thay vì nói bằng nhiều chữ (pro = forverba = words)
  1. Theo Việt ngữ:
Bản Việt ngữ dịch tên theo Hoa ngữ:
  • Châm = răn, dạy
  • Ngôn = lời nói.
Như vậy, Châm ngôn là những lời răn dạy (có khi được nói, được viết, có vần.
Xét như thế, Kinh Thánh vừa là một quyển sách vừa là một Thư Viện, Kinh Thánh tập hợp nhiều loại sách với những thể loại văn chương khác nhau: Lịch sử, Chính trị, Văn thơ, Tiên tri. Đồng thời Kinh Thánh cũng có nhóm sách Triết học như: Gióp, Châm ngôn, Truyền đạo.
Tuy nhiên, Triết học của Kinh Thánh không phải theo phương diện lý thuyết, nhưng là những luật lệ của Thiên đàng áp dụng cho đời sống trên đất.
II/. TÁC GIẢ:
Châm ngôn là sách của nhiều tác giả, nhưng phần lớn là của Salômôn.
  • 1:1 ghi rõ là của Salômôn
  • Đầu đề đoạn 10 ghi rõ là của Salômôn
  • 29:1 ghi là của Salômôn do vua Ê-xê-chia sưu tập
  • 22:17 – 24:34, có thể do những người khôn ngoan vô danh
Nếu tham khảo với I Vua 4:32, chính Salômôn đã nói 3,000 câu Châm ngôn.
  • Doạn 30 là của A-gu-rơ. Đây là một nhà hiền triết, bạn của Salômôn. Căn cứ câu 4, tác giả A-gu-rơ đòi hỏi người nghe trả lời, cho nên có lẽ Y-thiên và U-canh là hai môn đệ của A-gu-rơ.
  • Đoạn 31 là của mẹ của Lê-mu-ên. Đây có thể là tên riêng của Salômôn, hoặc tên một vua A-rạp, anh em của A-gu-rơ
III/. NIÊN HIỆU:
  • Đoạn 1 đến đoạn 9,
Có lẽ SAU LƯU ĐÀY, vì nội dung đề cập nhiều về tội tà dâm và cách hành văn cho phép định niên hiệu là vào thế kỷ thứ V TC. (Tham khảo E-xơ-ra 9: - 10:; Nêhêmi 13:23-29). Thời kỳ Hậu Lưu đày, trong Y-sơ-ra-ên sanh ra nhiều tệ nạn tà dâm. Lý do có tệ nạn nầy là do dân sự không biết Lời Chúa trong thời gian lưu đày, và ảnh hưởng từ các dân tộc ngoại bang chung quanh khi bị lưu đày.
  • Đoạn 10 đến đoạn 29
Các đoạn nầy có niên hiệu TRƯỚC LƯU ĐÀY, vì do vua Ê-xê-chia sưu tập
  • Đoạn 30 đến 31, không định chắc.
IV/. NỘI DUNG:
  1. Các Đề tài:
Trong sách Châm ngôn, chúng ta sẽ được nghe rất nhiều lời dạy về các Đề tài như:
  • Sự khôn ngoan
  • Công bình
  • Kính sợ Đức Chúa Trời
  • Tri thức
  • Luân lý
  • Sự thánh khiết
  • Chuyên cần
  • Tự chế
  • Tin cậy Đức Chúa Trời
  • Dâng phần mười
  • Cách sử dụng tiền bạc
  • Lòng yêu thương người nghèo
  • Giữ gìn lời nói
  • Khoan dung kẻ thù
  • Chọn bạn
  • Tránh người đàn bà xấu nết
  • Khen ngợi người nữ tài đức
  • Dạy con
  • Trách kẻ biếng nhác
  1. Những Qui tắc Sống:
Sách Châm ngôn có mục đích dạy những qui tắc sống, những đức tánh đã được nêu ra trong toàn bộ Kinh Thánh.
Sách không dùng cách dạy như Luật pháp: Đức Chúa Trời phán… Đức Giê-hô-va phán …như một mạng lịnh
Trái lại những sự dạy dỗ trong sách Châm ngôn là những điều phát xuất từ những kinh nghiệm của những người yêu mến Chúa, kính sợ Chúa.
Cho nên sách Châm ngôn là những lời dạy giúp những người tin Chúa thành công trên đường đời.
  1. Nói về người nữ:
Sách Châm ngôn đã bắt đầu với những lời cảnh cáo về người nữ tà dâm, nhưng lại chấm dứt với lời khen người nữ tài đức.
V/.  BỐ CỤC SÁCH CHÂM NGÔN:
Đề mục: SỰ KHÔN NGOAN
Câu gốc: 9:10 (1:7)
  1. Đoạn 1: - 9: - GIÁ TRỊ SỰ KHÔN NGOAN:
    • 1: - 4: - Sự khôn ngoan quý hơn của cải vật chất (3:13-18)
[vì sự khôn ngoan làm ra  của cải vật chất]
  • 5: - 9: - Sự khôn ngoan quý hơn sắc đẹp  (9:1-6 so với 13-18)
[vì sự khôn ngoan đem đến sự sống vui vẻ trọn vẹn – 9:1-6, còn dâm phụ là sự vui sướng giả dối đưa đến chốn Âm phủ]
  1. Đoạn 10: - 31: - ỨNG DỤNG SỰ KHÔN NGOAN
    • 10: - 29: - Ứng dụng sự khôn ngoan trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày.
    • 30: Ứng dụng sự khôn ngoan trong thiên nhiên
    • 31: Ứng dụng sự khôn ngoan trong gia đình
VI/. PHÂN LOẠI CHÂM NGÔN:
Các câu Châm ngôn trong sách chia làm 3 loại:
Loại tương phản:
Đa số các Châm ngôn là theo loại tương phản, nghĩa là giới thiệu một ý chính và nhấn mạnh ý chính bằng một ý tương phản.
Thường dùng chữ còn, nhưng, song, để bắt đầu câu 2.
Xem 15:1, 6, 7, 13; 17:22
Loại bổ nghĩa (Hỗ tương)
Thường thường mệnh đề thứ 2 đồng một ý với mệnh đề thứ 1 và thêm ý cao xa hơn
Thường dùng chữ và, thì, bắt đầu mệnh đề thứ 2.
Xem: 16:3, 6, 32.
Loại so sánh:
Mệnh đề thứ nhất thường được dùng để phủ nhận mệnh đề thứ hai.
Mệnh đề thứ 2 bắt đầu bằng chữ hơn, còn hơn.
Xem: 15:16, 17; 16:8, 19; 17:1, 12.
VII/. HÌNH ẢNH SO SÁNH TRONG CÁC CÂU CHÂM NGÔN:
Các câu Châm ngôn thường mượn những hình ảnh thực tế để so sánh hầu gợi ý dạy dỗ.
  • 10:26, giấm … khói, được dùng so sánh người chủ chán kẻ giúp việc biếng nhác.
  • 14:20, tâm lý xu nịnh
  • 20:14, tâm lý người mua
  • 25:25, một ly nước mát cho người đang khát được so sánh với Tin Lành.
  • 27:15, hình ảnh một cái máng xối bị chảy làm phiền trong ngày mưa được so sánh với một người đàn bà hay tranh cạnh.
VIII/. CÁCH ĐỌC SÁCH CHÂM NGÔN:
  • ĐỪNG ĐỌC NHIỀU ĐOẠN MỘT LẦN!
  • Sách Châm ngôn không thể đọc như loại thuật truyện (sách Lịch sử), hay loại tranh luận (sách Gióp), hoặc các thi ca (Thi thiên), hoặc loại triết lý (Truyền đạo), nhưng phải đọc như học những quy luật cho đời sống hằng ngày
Đoạn 3:5, là quy luật “Tin Cậy Đức Giê-hô-va”
Đoạn 31 là loại Châm ngôn mẫu tự, trong đó 31:10-31 gồm 22 câu là 22 chữ cái trong tiếng Hi-bá-lai [Aleph, Bet, Gimel, Dalet, Hê, Vaw, Zain, Het, Tet, Yod, Kaph, Lamed, Mem, Nun, Samek, Ain, Phê, Xađê, Qoph, Resh, Shin, Tav]
Cách dùng chữ cái làm thi ca nầy giống như
  • Các Thi thiên: 9-10, 25, 34, 37, 111, 112, 119, 145.
  • Giống Ca-thương 1: - 4:
  • Nahum 1:2-8.
22 câu trong sách Châm ngôn đoạn 31 mô tả 4 phương diện của người phụ nữ:
  1. Người phụ nữ đảm đang: (siêng năng)
Siêng năng (câu 13, 15, 19)
Tính toán khôn ngoan (tài xoay xở) (câu 16, 22, 24)
  1. Người vợ hiền: (đạo đức)
  • Làm cho chồng tin cậy (câu 11)
  • Làm ích lợi cho chồng (câu 12) –She will do him good all the days of her life.
  • Làm cho chồng được tôn trọng giữa mọi người (câu 23)
  1. Người mẹ hiền:
Câu 15, cho con ăn uống đầy đủ
Câu 21, lo cho con quần áo lành lặn
Câu 28, con cái thương mến.
  1. Người láng giềng tốt:
  • Câu 20, biết giúp đỡ người nghèo
  • Câu 26, nói những lời gây dựng
Chúng ta có thể học 4 điều của người phụ nữ nầy:
  • Câu 10 – Đời sống có giá trị
  • Câu 28, siêng năng
  • Câu 29 – phẩm hạnh tốt
  • Câu 30 – bí quyết thành công.
IX/. ĐẠI Ý:
Vì sách Châm ngôn là một bộ sưu tập những câu rời rạc, nên không thể tìm một câu làm câu gốc như các loại sách khác, vì vậy cách tốt nhất là chúng ta tìm đại ý từng các đoạn.
ĐOẠN 1:
Câu 1-6, mục đích của sách là để dạy về sự khôn ngoan.
Câu 7-9, Nền tảng của sự khôn ngoan
  • Câu 7, kính sợ Chúa
  • Câu 8, lời khuyên của cha mẹ
Câu 10-33, Lời cảnh cáo của sự khôn ngoan:
  • Câu 10-19, lời khuyên tránh bạn xấu
  • Câu 20-33, lời khuyên tránh ngu dại
ĐOẠN 2:
Câu 1-15, Lời của Đức Chúa Trời đem đến khôn ngoan (c.6)
Câu 16-22: Sự khôn ngoan giữ gìn khỏi dâm phụ (c.16)
ĐOẠN 3
Câu 1-12: Người khôn ngoan là người tin cậy Chúa (3:5)
  • Câu 1-8, tin cậy Chúa là không tin cậy chính mình
  • Câu 9-12, tin cậy Chúa là vâng lời Chúa dạy, dâng hiến, chịu sửa dạy.
Câu 13-35: Phần thưởng của người khôn ngoan
13-18, phần thưởng trên đất (c.16)
19-35, phần thưởng trên trời (c. 35)
ĐOẠN 4:
Câu 1-9, Sự khôn ngoan là cần yếu (c. 7)
Câu 10-27, Sự khôn ngoan là con đường càng ngày càng chiếu rạng (c. 18)
ĐOẠN 5:
Câu 1-14, cho thấy dâm phụ là tai họa (có thể chữ ‘dâm phụ’ nói đến tội tà dâm, ngoại tình)
C.3-4, dâm phụ là giả dối
C.8-9, dâm phụ làm mất danh dự
C.10-11, dâm phụ làm thiệt hại của cải và sức khỏe
Câu 15-23, khuyên phải chung thỉ trong vợ chồng (c.18) [dù vua Salômôn có nhiều vợ nhiều cung phi, nhưng ông vẫn khuyên chung thỉ vợ chồng – Truyền đạo 7:28].
ĐOẠN 6:
Câu 1-5, cảnh cáo về việc bảo lãnh (c.1, 3)
Câu 6-11, cảnh cáo về sự lười biếng (c.10-11)
Câu 12-19, cảnh cáo về sự giả dối, kiêu ngạo (c.12, 16-17)
Câu 20-22, lời khuyên về hiếu thảo.
Câu 23-35, cảnh cáo việc ngoại tình (c.32)
ĐOẠN 7:
Cảnh cáo tuổi thiếu niên trong đường tình yêu với những cám dỗ về tình dục (c.7-8)
ĐOẠN 8-9:
So sánh lời mời của sự khôn ngoan – 8:1 – 9:12 – (c.32-36) với lời mời của sự ngu dại – 9:13-18 (c.13)
Đặc biệt trong đoạn 8:22-31, sự khôn ngoan là hình bóng về Chúa Jêsus Christ là Đấng Tạo Hóa.
ĐOẠN 10:
So sánh sự khác nhau giữa:
  • Người công bình và kẻ ác – c. 2, 3, 6, 7, 11, 16, 20, 21, 24, 25, 28, 29-32.
  • Người khôn ngoan và kẻ ngu dại – c.1, 5, 8, 13, 14 , 19, 23.
  • Người siêng năng và kẻ biếng nhác – c.4
  • Người giàu và người nghèo – c.15
ĐOẠN 11:
Câu 1-15, ca ngợi sự chánh trực trong việc làm và lời nói (c.1, 6, 7, 11)
Câu 16-22, ca ngợi tánh đạo đức: có duyên (16), nhân từ (c.17), đẹp cũng cần đạo đức (c.22).
Câu 23-31, khuyên dạy phải có lòng rộng rãi về của cải (c.24-26), và sẽ được thưởng (c. 27-31)
ĐOẠN 12:
Câu 1-4, giới thiệu những hạng người được khen:
  • Người ưa chịu sửa phạt (c.1)
  • Người lành (c.2)
  • Người công bình (c.3)
  • Người nữ nhơn đức (c.4)
Câu 5-28, Luận nhiều tư tưởng, tấm lòng (c.5, 8, 10, 20, 23, 25), lời nói (6, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 22)
ĐOẠN 13:
Những câu châm ngôn khuyên cha mẹ dạy con
  • Lời nói (c.2-3)
  • Tấm lòng (c.4-6)
  • Giao tế (c.7-10)
  • Kết bạn (c.20)
ĐOẠN 14:
Câu 1-19, những câu châm ngôn nêu lên những hành động giống nhau, nhưng kết quả khác nhau:
  • về sự ăn ở (c. 2),
  • về môi miệng (c.3)
  • người chứng (c.5)
  • nhà trại (c.11)
  • nụ cười và nỗi buồn (c.15)
câu 20-35, những câu châm ngôn đề cập đến giàu có và nghèo (c.20, 21, 24, 31).
ĐOẠN 15:
Câu 1-14, đề cập nhiều về lời nói:
êm dịu (c.1)
khôn ngoan (c.2)
hiền lành (c.4
khuyên dạy (c.5)
môi khôn ngoan (c.7)
cầu nguyện (c.8, 12, 14)
Câu 15-23, Đề cập nhiều đến sự vui vẻ(c. 15, 20, 21, 23) tránh bối rối, gây gổ (c.16-18)
ĐOẠN 16:
Câu 1-11, đề cập đến sự tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi việc:
thành sự do Chúa (c.1, 3, 9, 11)
tấm lòng (c.2)
muôn vật, kể cả kẻ ác (c.4)
Câu 12-33, khuyên nhiều về sự khiêm nhường,nhịn nhục, tránh kiêu ngạo:
nhu mì làm nguôi giận (c. 14, 19, 21, 24, 32)
tai họa của kiêu ngạo (c.18, 22)
ĐOẠN 17:
Đề cập nhiều câu châm ngôn khuyên hòa thuận, tránh gây gổ (c.1, 4, 13, 14, 17, 19, 22, 27, 28)
Sự hòa thuận nầy mang tánh cách anh em trong gia đình để làm vui lòng cha mẹ (c.2, 6, 21, 25).
ĐOẠN 18:
Những châm ngôn nói đến hạng người cho mình là phải (c.1, 2) và bày tỏ đặc tánh của hạng người nầy:
  • nói nhiều (c.4)
  • tranh cạnh (c.6)
  • thèo lẻo (hay nói chuyện của người khác – c.8)
  • như một bức tường (kiêu ngạo – c.11-12)
  • trả lời trước khi nghe (thích nói hơn nghe – c.13)
Câu 14-24, là những châm ngôn giúp tránh tinh thần trên.
ĐOẠN 19:
Đa số là những câu châm ngôn dành cho người nghèo khổ:
  • an ủi người nghèo thanh liêm (c.1)
  • thường bị xa lánh (c.4 7)
  • khuyến khích người nghèo cứ trong sạch, đừng vì nghèo mà nịnh (c.6), mà chứng dối (c.1b, 5, 9, 21, 22), đừng vì nghèo mà lười biếng (c.15, 24), đừng vì nghèo mà bỏ quên gia đình (c.13-14, 18, 26)
  • khuyên quan tâm người nghèo (c.17)
ĐOẠN 20:
  • công kích việc uống rượu (c.1)
  • công kích việc lười biếng (c.4, 13)
  • công kích việc gian dối (c.10, 14, 17, 23
ĐOẠN 21:
  • Đức Giê-hô-va cai trị tấm lòng loài người (c.1, 2, 4)
  • Công kích sự kiêu ngạo (c.4, 24, 30)
  • Khuyên đừng lười biếng (c.5, 17, 25)
  • Khuyên rộng rãi về tiền bạc (c.10, 13, 26)
  • Khuyên phụ nữ tránh tranh cạnh (c.9, 19)
ĐOẠN 22: - 27:
Câu 1-16, là những châm ngôn kinh nghiệm chung:
  • Đừng chú trọng của cải vì
Danh tiếng, ơn nghĩa hơn của cải (c.1)
Giàu nghèo đều gặp Chúa (c.2)
Chúa sẽ thưởng người kính sợ Chúa (c.3-4)
Của cải sẽ khiến người ta nô lệ nó (c.7)
  • Đức Giê-hô-va ban thưởng người kính sợ Chúa (c.4), người có lòng yêu thương (c.9)
Từ 22:17 đến 27:27 là những câu châm ngôn của một người cha khuyên con (người được khuyên dạy là CON)
Đoạn 22:17-21, Mở Đầu Lời Khuyên:
22:22-29,
  • yêu thương người nghèo (c.22-23)
  • biết chọn bạn (c.24-27)
  • khuyên siêng năng (c.28-29)
23:1-2, cách ngồi ăn
23:9-11, đừng hà hiếp người mồ côi
23:12-14, dạy dỗ con cái
23:15-18, Chúa có thưởng và phạt
23:19-35, tránh say rượu
24:1-10, Khuyên đừng nản lòng, vì có sự khôn ngoan thì sẽ xây dựng được mọi sự
24:11-12, cứu giúp kẻ sắp chết
24:13-29,
  • đừng chịu phục kẻ ác (c.15-16, 24)
  • đừng chế nhạo kẻ ác (c.17-18)
  • đừng ganh tị kẻ ác (c.19-20, 29)
24:30-34, sự lười biếng đem đến hậu quả nghèo khổ.
25:2-7, thái độ trước mặt người có quyền thế (c.6-7)
25:8-28, thái độ trước mặt người lân cận
  • tránh tranh cạnh (c.8-15)
  • tránh quá thân cận (c.17), , những lời nịnh nọt (c.16, 27-28)
26:1-11, thái độ đối với kẻ ngu muội.
  • Đừng ban vinh hiển (c.1)
  • Phải dạy bằng phương pháp mạnh (c.2-5)
  • Đừng nhờ cậy (c.6, 10-11)
  • Không nghe lời khuyên của họ (c.7, 9)
26:12-16, tánh tình kẻ biếng nhác
26:17-28, tai hại của lời nói hành
27:1-27, tình bạn với người lân cận:
  • Hãy sống để người chung quanh khen ngợi (c.2-4)
  • Đừng giả dối (c.5-6)
  • Ích lợi của tình bạn (c.9, 10, 17)
CHÚ THÍCH:
Câu 14: sách Talmud cấm chào hỏi trước khi cầu nguyện buổi sáng, nghĩa là phải gặp Chúa trước khi gặp con người.
Câu 17: giống như câu: “Học thầy không tày học bạn”.
ĐOẠN 28:
Kết quả đối với người công bình và kẻ ác (c.1-2, 12, 28)
Những câu châm ngôn khuyên dạy người nghèo
  • Đừng hiếp đáp người nghèo hơn (c.3)
  • Phải ăn ở thanh liêm (c.6)
Và cũng quở trách những người giàu bất chánh (c.6,8, 11, 27)
ĐOẠN 29:
Câu 1-11, những câu châm ngôn cho thấy người công bình (hay người khôn ngoan) luôn đem đến vui vẻ, hòa thuận (c.2, 3, 8)
Câu 12-27, khuyên vua như khuyên dạy một người con những kinh nghiệm:
  • Làm vua (c.12-14)\
  • Trong gia đình (c.15-17)
  • Ngoài xã hội (c.18-27)
ĐOẠN 30:
Câu 1-6, sự oai nghiêm của Đấng Tạo Hóa
Câu 7-9, lời cầu nguyện của người biết tin cậy nơi Chúa.
Câu 10-14, những tội lỗi dễ phạm:
  • Rủa sả (c.10)
  • Bất hiếu (c.11)
  • Giả dối (c.12)
  • Kiêu ngạo (c.13)
  • Hà hiếp (c.14)
Câu 15-33, loại châm ngôn giống như câu đố qua sự quan sát muôn vật chung quanh
ĐOẠN 31:
Lời người mẹ khuyên con trai (c.1-9)
  • Đừng phạm tội tà dâm (c.3)
  • Đừng phạm tội say rượu (c.4-7)
  • Sống công bình, đạo đức (c.8-9)
Lời người mẹ khuyên con gái (c.10-31)
  • Đối với chồng (c.10-12)
  • Đối với công việc (c.13-27)
  • Phần thưởng cho người nữ tài đức (c.28-31)
NHỮNG CÂU CẦN THUỘC:
1:7                         3:5-6, 9-10                  6:10-11
8:22-31 (cần ghi nhớ)                               9:10
11:1, 22, 30           12:4                             13:10
14:12                     15:1, 17, 20                 16:4, 32
17:1, 6, 17, 22       18:10, 18, 22               19:1, 15, 17
20:12 (I Côrintô 3:6-8)                             21:2
22:1, 6                   23:2, 17                       24:10, 11
25:11                     26:20                           27:5, 14
28:13                     29:20, 22, 25               30:7-9
31:10, 30


Đề mục: LỜI CHÚA DẠY
Kinh thánh: Châm ngôn 3:1-12 
Câu gốc: Châm ngôn 3:1-2

I/. ÍCH LỢI CỦA LỜI CHÚA DẠY:
  • 3:1-4
  • Đọc qua bốn câu Kinh thánh này, chúng ta tìm được rất nhiều ích lợi từ Lời Chúa dạy, mà tác giả sách Châm ngôn đã ghi lại:
  • Câu 1-2, Lời Chúa dạy sẽ thêm cho chúng ta những ngày lâu dài của mạng sống và bình an. Những ngày lâu dài nầy chính là sự sống đời đời mà chỉ những ai làm theo Lời Chúa Dạy mới có được. Chẳng những vậy, Lời Chúa dạy còn đem đến sự bình an thỏa lòng cho chúng ta ngay trên đất.
  • Câu 3-4, Lời Chúa Dạy còn đem đến ƠN (ân điển, ân huệ, ân phước) và sự khôn ngoan cho chúng ta. Ơn phước là đối với Đức Chúa Trời; còn khôn ngoan là đối với loài người – sự khôn ngoan nầy có được là do lòng kính sợ Đức Chúa Trời của chúng ta thể hiện qua Lời Chúa Dạy.
    • Thật vậy, Kinh thánh luôn luôn nhấn mạnh những ích lợi từ Lời Chúa Dạy:
  • Phục truyền 28:1, “Nếu ngươi nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi... thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban cho ngươi trổi hơn mọi dân trên đất...Rồi tiếp theo đó, Kinh thánh đã ghi lại một loạt các ơn phước hay ích lợi của Lời Chúa Dạy.
  • Giô-suê 1:8, là câu Kinh thánh rất quen thuộc với các Cơ-Đốc nhân với những ích lợi về sự may mắn, phước lành từ Lời Chúa Dạy.
  • Đặc biệt, qua Thi thiên 119, chúng ta không thể nào đếm cho hết những ích lợi từ Lời Chúa Dạy mà tác giả của Thi thiên nầy đã ghi suốt 176 câu: Lời Chúa quý hơn vàng, ngọt hơn mật, Lời Chúa Dạy làm cho ông được vui vẻ, được sống lại....
  • II Timôthê 3:15-17, chính Phao-lô là một người có học thức cao, cũng đã làm chứng cho Ti-mô-thê rằng: Lời Chúa Dạy có thể khiến con khôn ngoan và được cứu; Lời Chúa có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình...
  • Và trải qua các thời đại, biết bao nhiêu người nhờ Lời Chúa Dạy trở nên Thánh nhân:
  • Martin Luther đã nhờ Lời Chúa Dạy trong Rôma 1:17, Người công bình sống bởi đức tin, ông đã tỉnh thức được cứu ra khỏi sự u mê lãnh đạo công cuộc cải chánh Giáo hội.
  • John Wesley đã nhờ đem Giáo hội trở lại với Lời Chúa Dạy, nhờ đó giúp nước Anh tránh được một cuộc cách mạng đẫm máu như Cách mạng ở Pháp 1789.
    • Có một câu chuyện kể rằng, một du khách người Anh gặp một người dân bản xứ Bắc Borneo đang đọc Kinh thánh, du khách người Anh nầy hỏi: Anh đang đọc sách gì đó?Ngưởi bản xứ đó trả lời: Tôi đang đọc Kinh thánh. Du khách người Anh cười chế nhạo:Đến bây giờ mà anh còn đọc quyển sách đó à? Quyển sách đó lạc hậu rồi. Ở xứ của tôi, quyển sách đó chỉ để dành cho Thư viện. Người dân bản xứ đó trả lời: “Tôi không biết quyển Kinh thánh nầy có lạc hậu không. Nhưng tôi biết, nếu không nhờ Kinh thánh, thì giờ nầy ông đã vô bụng của tôi rồi”.
    • Sở dĩ ngày nay, có một số Cơ-Đốc nhân không còn quan tâm đến Lời Chúa Dạy là vì họ không biết những ích lợi của Lời Chúa Dạy, họ chỉ nhìn Lời Chúa Dạy là Kinh thánh như một thứ kinh tôn giáo, một quyển sách chỉ đọc khi cần có giấc ngủ dễ dàng.
    • Anh Chị em ơi, hãy đọc Kinh thánh là Lời Chúa Dạy, tôi quả quyết rằng anh chị em sẽ tìm được, hưởng được những ích lợi thực tế cho đời sống của chúng ta.

II/. LỜI CHÚA DẠY ĐIỀU GÌ?
  • Châm ngôn 3:5-10
  • Sau khi nói đến những ích lợi của Lời Chúa Dạy, tác giả sách Châm ngôn đã cho chúng ta một bảng tóm tắt nội dung Lời Chúa Dạy, gồm hai điều:
  • 3:5-8, Lời Chúa Dạy loài người chúng ta Hết lòng tin cậy Chúa, đừng nương cậy sự khôn ngoan riêng của loài người chúng ta.
    • Anh chị em hãy để ý là Lời Chúa không phủ nhận sự khôn ngoan của con người, nhưng có những sự khôn ngoan theo mắt mình, có những sự khôn ngoan tự cho mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại đổi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát... (Rôma 1:22-23). Có những sự khôn ngoan trở nên dồ dại trước mặt Đức Chúa Trời (I Cô. 1:20)
    • Lời Chúa cũng dạy rằng Chúa sẽ chỉ dẫn CÁC NẺO – hai chữ nầy mô tả chẳng những Chúa chỉ dẫn những con đường lớn, nhưng Ngài cũng chỉ dẫn các ngõ ngách tức là những con đường rất nhỏ của cuộc đời.
    • Câu 7, Lời Chúa Dạy con người kính sợ Chúa để LÌA KHỎI SỰ ÁC, không phải là TRÁNH hay bớt, mà là LÌA KHỎI, thóat khỏi, từ bỏ, điều ác.
    • Đặc biệt là trong câu 8, Châm ngôn dùng hai hình ảnh: cuống rốn và xương cốt, rõ ràng là mượn sự lớn lên cách mạnh khỏe của một thai nhi trong lòng mẹ. Cuống rốn là ống dẫn nguồn sống cho thai nhi, một cuống rốn mạnh khỏe chắc chắn sẽ giúp thai nhi mạnh khỏe; xương cốt là phần chính của một con người trưởng thành, chữ mát mẻ nói lên bộ xương hoàn chỉnh và cứng cát.
    • Như vậy, người theo Lời Chúa Dạy là người được Chúa nuôi dưỡng, chăm sóc, như người mẹ chăm sóc con từ trong lòng mẹ. Hay nói cách khác, Lời Chúa Dạy con người từ nơi sâu kín của tâm hồn, như thư Hêb. 4:12, Lời Đức Chúa Trời sắc hơn gươm hai lưỡi, đâm thấu vào ĐẾN NỖI CHIA HỒN, LINH, CỐT, TỦY và XEM XÉT CÁC Ý TƯỞNG TRONG LÒNG.
  • Câu 9-10, Lời Chúa chẳng những dạy con người về tâm linh, nhưng cũng dạy con người làm sao để cuộc sống trên đất có phước.
    • Tôi nghĩ rằng không ai hiểu hai câu nầy hơn thế hệ người Mỹ khám phá đất nước Hoa Kỳ, khi họ quyết định dành một ngày trong tháng 11 mỗi năm để làm Lễ Cảm tạ Chúa (Thanhsgiving).
    • Anh chị em biết rằng vì không chấp nhận lìa bỏ niềm tin chân chính nơi Chúa, một số người Anh và một số người các quốc gia Âu châu khác đã lìa bỏ xứ sở của họ đến vùng đất mới, ngày nay là Hoa Kỳ. Để tưởng thưởng cho đức tin của họ, Đức Chúa Trời đã ban cho họ một quê hương mới đượm sữa và mật – tôi tin rằng bất cứ ai đến đất Mỹ nầy đều phải công nhận là một đất nước quá đẹp, trù phú.
    • Trước sự ban cho quá lớn của Chúa, thế hệ người Mỹ tiên phong đã quyết định làm Lễ Cảm Tạ Chúa, đó là Lễ Thanksgiving.
    • Lòng biết ơn đó thể hiện bằng việc lấy tài vật và huê lợi đầu mùa của họ TÔN VINH (CẢM TẠ) Chúa. Kết quả của Lòng Biết Ơn đó là gì? Kết quả là Chúa đã làm cho đất nước họ phồn thịnh, vựa lẫm đầy dư dật, tràn rượu mới. (Chỉ tiếc là tinh thần Cảm Tạ đó không còn, chỉ còn chăng là còn trong lòng những người già, còn chăng là chỉ còn sự ăn chơi hơn là với lòng biết ơn Chúa).
    • Điều chúng ta cần học là Lời Chúa dạy chúng ta sống cách nào để chúng ta có thể hưởng được những ngày Trời trên Đất, sống thỏa lòng ngay trong đời nầy.
    • Anh chị em hãy nhìn vào các Quốc gia trên thế giới, nước nào làm theo Lời Chúa Dạy dù nhiều hay ít cũng đều được phước của Chúa; từng cá nhân cũng vậy.
    • Bí quyết để được hưởng phước của Chúa là gì? Lời Chúa Dạy: Lấy tài vật và huê lợi đầu mùa mà TÔN VINH (CẢM TẠ) Chúa, nghĩa là phải biết ơn Chúa.
    • Rất tiếc chúng ta ĂN TRÁI chỉ nhớ đến kẻ trồng cây, UỐNG NƯỚC chỉ nhớ đến người đào giếng, mà không nhớ đến ĐẤNG ban hạt giống, đất, mưa, nắng, không khí,... ban nước, để cho cây lớn lên, cho có nước chúng ta uống. Chúng ta chỉ biết cảm ơn người đem thức ăn đến, mà không biết cảm ơn Đấng ban thức ăn cho chúng ta.
    • Anh chị em ơi, hôm nay hãy sửa lại! Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa mà cảm tạ Ngài.

III/. THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI LỜI CHÚA DẠY:
- Châm ngôn 3:11-12
- Trong câu 11 có hai chữ: chớ khinh, chớ hiềm lòng. 
- Những chữ nầy tỏ ra hai phương diện:
  • một là Lời Chúa Dạy không chỉ là những lời ngọt ngào, xoa dịu, chỉ có tánh cách chung chung như những triết lý tôn giáo, hay những loại kinh kệ ru ngủ, nhưng Lời Chúa Dạy cũng là những lời bẻ trách, sửa trị (I Tim. 3:17). Như trong câu 11 đã nói đến: Chúa sửa phạt, Chúa quở trách.
    • Cảm ơn Chúa, Lời Chúa Dạy chỉ để SỬA PHẠT, không phải để ĐOÁN PHẠT; Lời Chúa Dạy chỉ để QUỞ TRÁCH, không phải để GIẾT CHO CHẾT. Sự sửa phạt, quở trách nầy được câu 12 giải thích là vì Đức Giê-hô-va yêu thương ai thì trách phạt nấy, Chúa sửa phạt quở trách như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình – anh chị em để ý sự giải thích của tác giả sách Châm ngôn: không phải như cha sửa phạt con, mà như ‘cha đối với con trai yêu dấu’.
    • Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều biết sự sửa phạt, quở trách là để chúng ta trở nên công bình trọn vẹn hơn. Sự sửa phạt, quở trách, chỉ xảy đến khi chúng ta là những đứa con lầm lỗi, hoặc là một sự tập luyện ích lợi cho chúng ta.
  • Đây cũng là lời cảnh cáo thái độ của chúng ta đối với Lời Chúa Dạy. Rõ ràng có một số người bịt tai không nghe lẽ thật, chỉ thích nghe chuyện huyễn (II Tim. 4:2-4); một số người như Ê-sau chỉ vì một miếng ăn vật chất mà khinh lờn địa vị của Chúa cho (Hê. 12:16-17), mà trật phần ân điển.
    • Thái độ đối với Lời Chúa Dạy qua hai câu Châm ngôn nầy đã được Trước giả thư Hêbơrơ giải thích rõ ràng trong 12:4-11, ... Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kính sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên VÂNG PHỤC lắm để được sự sống sao?
    • Nguyện Chúa ban cho mỗi chúng ta một tấm lòng biết VÂNG PHỤC Lời Chúa Dạy.


Đề mục: HÒA THUẬN
Kinh thánh: Châm ngôn 17:1-23
Câu gốc: Châm ngôn 17:1
Mục đích: Nhân những ngày đầu Xuân Mới, khích lệ gia đình sống hòa thuận vui vẻ.

I/. HÒA THUẬN LÀ GÌ?
  • ‘Hòa thuận’ là từ ngữ thường được dùng trong những ngày Tết cổ truyền Việt nam. Dù có giận hờn chi, bất đồng điều gì, ông bà Việt nam chúng ta thường nhắc nhở con cháu trong nhà phải sống ‘hòa thuận’ – ít nhất là trong 3 ngày Tết. Người chưa tin Chúa còn như thế huống chi chúng ta là Cơ-Đốc nhân. Đó là lý do tôi muốn cùng Hội thánh trong Chương trình học suốt qua Kinh thánh, học sách Châm ngôn đoạn thứ 17 với đề tài ‘Hòa thuận’.
  • Từ ngữ ‘Hòa thuận’ gồm hai từ:
    • Hòa:  là trộn lẫn với nhau đến mức không còn thấy phân biệt nữa, đến mức làm một. Nói cách khác, ‘Hòa’ là không chống nhau nữa, không ai thắng, không ai thua.
    • Thuận: Theo đúng chiều, đúng hướng với nhau, là bằng lòng, đồng tình.
  • Như vậy, ‘Hòa thuận’ là trạng thái êm ấm, không có bất đồng, mâu thuẫn.
  • Nói như thế, sẽ có
    • Hòa mà không thuận.
    • Hoặc ‘Thuận’ mà không ‘Hòa’
Ví như trong những cuộc chiến tranh, đến một lúc hai bên thấy không còn khả năng chiến đấu hoặc vì một lý do nào đó phải ngừng chiến, họ sẽ chọn giải pháp hòa, nhưng có thể không thuận. Cuộc chiến tranh giữa Iraq và Iran trước đây kéo dài 8 năm, mỏi mòn lòng dân, kết cuộc là hai bên hòa, nhưng không thuận, vì họ luôn luôn đối chọi nhau.
Hoặc như dân Iraq ngày nay, trong cuộc chiến lật đổ Saddam Hussein, dân Iraq thuận với liên quân Anh-Mỹ, nhưng rõ ràng họ không hòa với nhau và với liên quân, nên cứ âm ỉ có những cuộc đánh bom, đánh du kích, biểu tình xảy ra.
  • Nói về phương diện gia đình, có những gia đình ‘Hòa’ mà không ‘thuận’, hoặc ‘thuận mà không hòa, vợ chồng con cái có thể sống chung dưới một mái nhà, nhưng việc ai nấy làm, cơm ai nấy ăn, giống như một người share phòng.
    • Có gia đình hai vợ chồng, ăn chung, ở chung, nhưng người vợ nói: mười mấy năm nay, tôi với ông ấy phòng ai nấy ngủ.
    • Có gia đình các con ở riêng, người cha ở riêng, thỉnh thoảng các con ghé thăm một chút. Nhưng mỗi lần gặp nhau thì cha con chưa nói được năm phút đã bùng nổ tranh cãi. Một hôm người cha già bị lên áp huyết, người hàng xóm đề nghị gọi cho con của ông, nhưng ông nói: ‘Không cần đâu, gọi 911 là được rồi’. Có người báo tin cho đứa con hay, đứa con trả lời: ‘Không sao đâu, có gì ông ấy sẽ gọi 911’.
  • Kinh thánh không dạy một thứ hòa thuận như vậy, nhưng Kinh thánh dạy ‘Hòa thuận’ là phải vừa hòa vừa thuận, hoặc ngược lại hòa thuận cũng là vừa thuận vừa hòa. Cũng có khi Kinh thánh gọi ‘Hòa thuận’ bằng những từ ngữ khác, như:
    • Thi thiên 133:1, Kìa anh em ăn ở hòa thuận nhau, thật tốt đẹp thay…, Lời Chúa muốn dạy rằng ‘Hòa Thuận’ là khi con người có thể sống chung nhau, ăn với nhau, ở với nhau. Anh em thì chưa chắc hòa thuận, như trường hợp anh em của Ca-in với A-bên; anh em của Ê-sau với Gia-cốp; như Giô-sép với các anh mình.
    • Giăng 13:34-35, Chúa Jêsus Christ gọi đó là sự ‘yêu thương lẫn nhau’, không phải tình yêu một chiều, nhưng hai bên biết tôn kính, nhường nhau..
    • Êphêsô 4:3, Thánh Phao-lô gọi đó ‘Sự Hiệp Một của Thánh Linh’.
  • Tôi tin rằng tất cả chúng ta, dù tin Chúa hay không tin Chúa, ai cũng đều mong ước một thế giới hòa thuận, một Hội thánh hòa thuận, và cá nhân mỗi chúng ta có một gia đình hòa thuận. Người Việt nam chúng ta có câu: An Cư Lạc Nghiệp, ăn ở yên ổn thì sự thịnh vượng vui vẻ sẽ đến.

II/. HOÀN CẢNH HÒA THUẬN:
  • Câu gốc của chúng ta có nêu ra một hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời cũng là một lời cảnh báo Cơ-Đốc nhân chúng ta muốn sống hòa thuận. Hoàn cảnh hoà thuận mà Lời Chúa trong Châm ngôn 17:1 nói đến là: Một miếng bánh khô.
  • Nhóm từ “Một miếng bánh khô” nói lên một hoàn cảnh nghèo khổ, đầy khó khăn trong cuộc sống.
    • Tôi nghĩ rằng ai đã từng sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn sẽ hiểu những chữ “Một miếng bánh khô”.
  • Đặc điểm thức ăn của người Trung quốc khác với người Mỹ là thức ăn của người Trung quốc thường là mặn và khô. Người Trung quốc vì bối cảnh quốc gia đông dân mà đất đai rất ít, nạn đói kinh niên, nên hầu hết các loaị lương thực đều đem phơi khô hoặc tẩm ướp cho mặn để dành ăn lâu ngày: Các loại đậu phơi khô, hoặc ngâm muối, đến nổi trái cóc cũng ngâm muối, rau cải thì thường ướp muối rồi phơi khô; thịt, cá cũng vậy, tẩm ướp cho mặn rồi phơi khô.
  • Có lẽ người Việt nam chúng ta cũng chịu ảnh hưởng người Trung quốc. Tôi thấy những người ở vùng quê Miền Trung Việt nam, cuộc sống quá khó khăn, đất đai không trù phú, không nhiều như miền Nam, thường hay phơi khô lương thực để ăn quanh năm, nhất là đỡ lòng khi lũ lụt:
    • Nhiều gia đình phơi sắn (khoai mì) khô, có khi lột vỏ, có khi không lột vỏ, để dành rế với gạo nấu cơm ăn. Lần đầu tiên tôi được ăn món sắn nấu độn với gạo nầy, thấy thơm thơm, lạ miệng ăn ngon, nhưng thú thiệt, ăn lần thứ hai, nhất là lần thứ ba thì chịu, không thể ăn nổi. Thế mà nhiều gia đình phải ăn trường kỳ bao nhiêu năm tháng.
  • Ngay cả ớt cũng phơi khô để dành ăn quanh năm.
  • Người Miền Nam nổi tiếng với những món ăn như: Mắm Châu Đốc – thật ra không phải chỉ Châu đốc mới có mắm, mà hầu như cả miền Nam đều biết làm mắm, nhưng đặc biệt là Châu đốc, Cà mau, vì đó là những nơi có nhiều cá – quá nhiều, ăn tươi không hết, bắt buộc phải nghĩ cách để dành, bằng cách muối cho mặn, mặn đến nổi muối làm cho con cá ‘chín’ luôn. Ngoài ra còn các loại khô cá lóc, cá sặt, cá tra, có khi muối hơi mặn, có khi không muối. Và không thể không nói đến NƯỚC MẮM, vì các loại cá nhỏ như cá cơm, cá linh, cá thỉu, nhiều quá, mỗi mùa nước nổi, người miền Nam chài lưới đánh bắt tính bằng GIẠ, thúng, không cân nổi, biết làm gì hơn là đem muối. Vì cá quá nhỏ, nên muối mau rục rữa thành nước, thế là tạo ra nước mắm – nước của con mắm.
  • Người Miền Nam vùng quê, thường nhà nào cũng có một hũ mắm riêng để trong nhà, hoặc dàn cá khô treo nơi giàn bếp, lúc nào cũng sẵn sàng cung ứng cho bữa ăn gia đình.
  • Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy Châm ngôn 17:1a đang nói đến một hoàn cảnh nghèo lắm. Rồi tác giả Châm ngôn lại so sánh với một hoàn cảnh khác trong câu 1 phần b: Đầy thịt tế lễ. Có hai ý để hiểu:
  1. ‘Đầy thịt’, hai từ ngữ nầy rõ ràng mô tả một hoàn cảnh giàu có.
  2. ‘Thịt tế lễ’. Chúng ta phải xem lại một số sách trong Cựu Ước như Lê-vi ký, các sách Lịch sử với những buổi tế lễ tại Đền thờ trong Đồng vắng hoặc ở Giê-ru-sa-lem. Thịt tế lễ là thịt dâng nơi Đền thờ, mà loại thịt tế lễ ăn được là thịt của tế lễ loại có mùi thơm dâng cho Chúa như Của Lễ Thiêu, Của Lễ Thù Ân, không phải của lễ chuộc tội.
Mà ở đây, Châm ngôn nói: “Đầy thịt tế lễ”, là nói đến những ngày dâng tế nhơn những việc vui mừng thịnh vượng (II Sam. 6:17-19), như Lễ Khánh thành Đền thờ (I Vua 8:5, 62-64).
  • Bây giờ Lời Chúa trong Châm ngôn 17:1 kêu gọi Cơ-Đốc nhân chúng ta: Thà MỘT miếng bánh khô – không phải có NHIỀU hoặc VÀI miếng bánh khô, nghĩa là không phải chỉ nghèo mà quá nghèo, MÀ GIỮ ĐƯỢC HOÀ THUẬN, thì đối với Chúa và ngay cả đối với loài người chúng ta, nó quí hơn là đầy thịt tế lễ, giàu có thịnh vượng, mà cãi lộn nhau.
  • Người Việt nam chúng ta có câu ca dao diễn tả cái phước, cái quí của cảnh nghèo mà hòa thuận vui vẻ:
     Râu tôm nấu với ruột bầu (hai món người ta không ăn, thường người làm bếp loại bỏ đi)
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon  (Cả hai vợ chồng cùng ăn, và cả hai cùng khen ngon).
  • Lịch sử Hội thánh của Chúa chứng minh lẽ thật nầy:
  • Suốt hơn hai trăm năm dài Hội thánh bị bắt bớ dưới thời Đế quốc Lamã, biết bao nhiêu là khó khăn, biết bao nhiêu Cơ-Đốc nhân đã phải tử vì đạo. Cảm ơn Chúa, thế mà Hội thánh Chúa phát triển không ngừng, cuối cùng đến năm 311, Hội thánh Chúa đã chinh phục được Đế quốc Lamã.
  • Nhưng tiếc thay, khi Hội thánh Chúa đã bình an, thịnh vượng, Giáo hội và Cơ-Đốc nhân trở nên giàu có, thì biết bao nhiêu ‘sự cãi lộn’ đã xảy ra, không còn yêu thương hòa thuận nữa. Cuối cùng kết quả là Đức Chúa Trời đã cho phép Hồi giáo nổi lên quét sạch Cơ-Đốc giáo ra khỏi vùng Cận Đông Lưỡng Hà, Bắc Phi, tràn chiếm Âu châu.
  • Hãy xem Hội thánh Chúa trong những năm sau 1975, không còn ai lo cãi lộn nhau, chỉ lo giúp nhau vượt qua sóng gió. Nhưng khi đến được đất nước Hoa Kỳ thịnh vượng, thì Hội thánh và cá nhân Cơ-Đốc nhân bắt đầu lo cãi lộn nhau. Và Đức Chúa Trời đang cho phép các tôn giáo khác như Phật giáo tràn vào Hoa Kỳ – nếu Hội thánh và Cơ-Đốc nhân chúng ta không ăn năn, thì có thể đất nước nầy sẽ trở thành đất nước của đạo Phật như chúng ta đang thấy.
  • Nói gần hơn, những năm sau 1975, biết bao gia đình ở Việt nam đói khổ, trong những ngày mà đùa với nhau cách cay đắng với những câu nói:
    • Khoái ăn sang (sáng ăn khoai)
    • Ăn cơm Hoà lan, cơm Ba Lan  (ăn cơm trộn hòa với khoai hay rau lang, hoặc ba phần là rau lang, khoai lang)
    • Cầm củ khoai mì lên mà hát: Ba mươi năm nay ta mới gặp mi, vui sao nước mắt lại trào.
    • Ăn thịt cọp (ăn cơm với muối hột, nhai cộp cộp).
  • Trong cảnh khổ nghèo đó, họ thương nhau biết mấy. Tôi thấy, tôi nghe, tôi đọc, những người làm cha làm mẹ, nhịn ăn nhịn mặc lo cho con; ngược lại những đứa con hi sinh cả tương lai học vấn, tình cảm riêng, không sợ xấu hổ, đi lượm bọc nylong, bới từng đống rác, gánh từng gánh rau thuê, thức trắng đêm với gương mặt hốc hác, xanh xao, ráng phụ tiếp cha mẹ sống qua ngày…
  • Thế mà giờ đây, trên đất nước giàu có nầy, trong gia đình mỗi con cái Chúa đầy thịt, mà thật sự có hòa thuận không? Hãy can đảm trả lời đi! Cái nào quí hơn?
  • Lời Đức Chúa Trời trong sách Châm ngôn 17:1 kêu gọi chúng ta: Thà một miếng – một miếng thôi – mà HÒA THUẬN, còn hơn nhà đầy thịt mà cãi lộn nhau.

III/. MÔI TRƯỜNG HÒA THUẬN:
  • Trong Câu gốc Châm ngôn 17:1, nói đến một từ ngữ rất gần gũi với người Việt nam chúng ta, nhất là trong những ngày Tết nầy. Từ ngữ đó là cái NHÀ.
  • Chữ NHÀ của tiếng Việt rất hay, vì có thể hiểu nhiều nghĩa:
  1. NHÀ có nghĩa là cái Nhà, cái khối vật chất bao quanh chúng ta.
  2. NHÀ cũng có thể hiểu là Gia đình, một tập thể trong đó gồm ông bà, cha mẹ, con cái. Không thể áp dụng cho những người sống độc thân, hoặc với người nào khác ngoài ông bà, cha mẹ, anh chị em.
  3. Nhà là cái Tổ Ấm, nơi đó con người được bao bọc yêu thương, khi gặp nguy hiểm, người ta thường chạy vào nhà, trở về nhà, tìm sự che chở.
  • Nhất là chữ ‘NHÀ TÔI’ thì theo một tác giả, chỉ có người Indonesia và người Việt nam là dùng để chỉ Vợ hoặc Chồng mình – nhớ là vợ hoặc chồng của mình.
  • Do đó, sau khi khởi đầu bằng câu 1 với lời kêu gọi sống Hòa Thuận, những câu còn lại trong Châm ngôn đoạn 17 nầy chú trọng đến sinh hoạt trong gia đình để áp dụng chữ Hòa Thuận:
    • Câu 2, những từ ngữ con trai, cơ nghiệp, anh em. Nếu một Gia đình, con cái làm cha mẹ xấu hổ, thì người con trai – người kế thừa gia đình, cá nhân sẽ làm đầy tớ lại cho những đầy tớ, cơ nghiệp sẽ không còn.
    • Câu 6, có một sự hỗ tương nhau rất đặc biệt trong gia đình: con cháu sống hòa thuận sẽ làm mão triều thiên cho ông bà cha mẹ – mão triều thiên là chỉ về sự vinh hiển cho gia đình; ngược lại, cha mẹ biết dạy dỗ con, làm cho gia đình hòa thuận sẽ làm con cái hãnh diện, dễ thành đạt
Thật sự, nếu gia đình không hòa thuận thì con cái dễ hư hỏng, khó mà thành đạt tương lai.
  • Câu 21, 25, hai chữ ngu muội nầy không chỉ về những đứa con chậm phát triển, mà chỉ về những đứa con KHÔNG CHỊU hiểu biết (17:16), không biết sống hòa thuận trong gia đình. Rõ ràng Lời Chúa cho thấy con cái là cơ nghiệp, nắm giữ sự vui buồn của gia đình.
  • Nói tóm một lời, Gia đình bao giờ cũng là nền tảng của xã hội, của quốc gia, của Hội thánh Đức Chúa Trời. Nếu người ta nhìn thấy gia đình trong một Hội thánh sống Hòa thuận, sống vui vẻ, cha mẹ, con cái hòa thuận nhau, người ta biết chắc chắn Hội thánh đó, xã hội đó thịnh vượng, mạnh mẽ.
  • Nhơn ngày đầu Xuân Mới, những ngày của ước vọng, tôi gởi đến gia đình con cái Chúa lời chúc mừng hòa thuận, như vậy chúng ta mới hi vọng Hội thánh được hòa thuận vui vẻ, từ đó có thể phát triển mạnh mẽ trong năm nay. 


Đề mục: XIN CHÚA HAI ĐIỀU
(LỜI XIN TRONG NĂM MỚI)
Kinh thánh: Châm ngôn 30:1-9
Câu gốc: Châm ngôn 30:7-8
Mục đích: Nhơn ngày đầu Xuân Mới, dâng hai lời cầu xin lên Chúa.

I/. ĐỐI TƯỢNG CẦU XIN:
  • Châm ngôn 30:1-5
1/. Đấng Thánh: 30:1-4
  • Trong những ngày Tết vừa qua, trên báo chí Việt nam hải ngoại đăng rất nhiều lời kêu gọi của một vài tôn giáo, ngay cả những lời của một số cá nhân kêu gọi đọc giả cầu xin nơi một vị thần nào đó mà họ nghĩ là linh thiêng, thậm chí có người còn dám kêu gọi đọc giả cầu xin nơi họ để có được những lợi lôc hoặc chữa bịnh gì đó.
  • Chúng ta có thể kiểm điểm lại các vị thần nêu ra trên báo chí mấy ngày Tết, sẽ thấy có những vị thần chỉ là những con người như mọi người, cũng sanh, cũng lão, cũng bịnh, và cũng chết; có những vị thần hoàn toàn do trí tưởng tượng đặt ra với những tên dài lạ lẫm, bằng những ngôn ngữ không có trong tiếng Việt.
  • Những ngày Xuân Mới, người Việt nam chưa tin Chúa thường đợi lúc giao thừa hoặc sáng Mùng Một Tết, đến những nơi thờ tự, họ
  • Khấn vái, xin xăm, xin bùa, để tìm sự che chở, may mắn.
  • Họ bẻ một nhánh cây, một cành hoa, gọi là hái lộc đầu Xuân, lấy hên đem về nhà. Sau nầy vì những việc bẻ cành hái hoa mỗi giao thừa làm thiệt hại cây cảnh nơi thờ tự, nên người ta bày ra những vật khác thay thế như nhang, đèn, vừa được lợi cho tôn giáo, vừa được ‘lộc’
  • Tuy nhiên, trong Kinh thánh sách Châm ngôn đoạn 30:1-5 có một Danh Xưng được giới thiệu là Đối tượng để chúng ta cầu xin xuất hiện là: ĐẤNG THÁNH.
  • Danh xưng Đấng Thánh là Danh duy nhất được dùng để xưng tụng về Đức Chúa Trời:
    • Lê-vi ký 11:44-45; 19:1-2, chính Đức Chúa Trời công bố Ngài là Đấng Thánh.
    • Thi thiên 111:9 xác nhận Danh của Chúa là thánh, đáng kính sợ
    • Ê-sai 1:4, khi đối địch với tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, Chúa đã xưng Danh của Ngài là Đấng Thánh.
  • Đặc biệt qua câu 1, chúng ta biết tác giả của phần Châm ngôn nầy tên là A-gu-rơ. Mặc dù Kinh thánh không cho chúng ta biết gì về A-gu-rơ, ngoại trừ những lời ở đây. Nhưng chúng ta có thể khẳng định tác giả những câu Châm ngôn mà chúng ta đang học là một người có danh tiếng và là một người không ngoan.
    • Có danh tiếng, nên mới dám xưng danh mình là con trai Gia-kê, hàm ý thuộc dòng dõi tiếng tăm.
    • Có danh tiếng nên lời nói mới trở thành những câu Châm ngôn cho người khác theo.
  • Câu 2-3, dù khôn ngoan, danh tiếng, nhưng tác giả tự cảm biết mình là ngu muội trước Đấng Thánh.
  • Và trong câu 4, tác giả Châm ngôn nầy đã chỉ ra lý do ông là ngu muội khi nói đến những điều ông không hiểu: Ai… Ai… Ai… Ai…
  • Như vậy, Cơ-Đốc nhân chúng ta cảm ơn Chúa, chúng ta có một Đối tượng để chúng ta cầu xin trong Năm Mới, không phải là loại thần tưởng tượng hoặc loại thần từ con người – dù con người đó có học thức, danh tiếng như tác giả Châm ngôn.
  • Vì Đối tượng chúng ta cầu xin là Đấng Thánh, cũng là điều nhắc nhở chúng ta cần phải ăn năn tội lỗi trong suốt một năm qua trước khi dâng những lời cầu xin có cần.

2/. Đấng Che chở:
  • Châm ngôn 30:5-6.
  • Sau khi giới thiệu Đối tượng chúng ta cầu xin là Đấng Thánh, tác giả Châm ngôn cũng giới thiệu cho chúng ta Đấng Thánh ấy là cái thuẫn đỡ cho người nương cậy Ngài.
  • Cái thuẫn là vật để chở che chúng ta khi bị thù nghịch tấn công. Chúa che chở chúng ta bằng cách nào?
  • NGÀI LÀ cái thuẫn đỡ. Chúa không lấy phương tiện như cái thuẫn che chở chúng ta, nhưng Kinh Thánh nói rõ: NGÀI LÀ, chính Chúa che chở chúng ta bằng chính Ngài.
  • Các Lời Ngài… tác giả Châm ngôn đang nói đến quyền năng của Chúa. Chúa là Đấng Toàn Năng, Lời phán của Ngài đã dựng nên trời đất; Lời của Chúa bảo tồn muôn vật, Lời của Chúa khiến ma quỉ run sợ, Lời của Chúa khiến sóng gió vâng lịnh; Lời của Chúa khiến kẻ què được đi, kẻ mù được thấy, người chết sống lại…
  • Điều quan trọng là Chúa che chở người nương cậy Ngài. Nhóm từ nầy vừa là lời hứa, vừa là câu trả lời thắc mắc của nhiều người: Sao Chúa không che chở tôi?
  • Chúa che chở người tin cậy nơi Chúa. Anh chị em hãy yên tâm đặt đức tin nơi sự che chở của Chúa để dâng lời cầu xin trong Năm Mới. Chúa hứa thì Ngài sẽ làm thành, vì Chúa là Đấng Thành Tín.
  • Đối với thắc mắc: Tại sao Chúa không che chở tôi? thì Lời Chúa trong Châm ngôn nầy trả lời: Vì họ có cầu xin nhưng họ không tin cậy sự che chở của Chúa – họ không có đức tin, như câu 6 đã chỉ ra: Họ đã thêm bớt vào Lời của Chúa, thay vì hoàn toàn tin cậy Lời Chúa.
  • Tôi không biết những ngày Đầu Xuân Mới vừa qua, anh chị em có dâng những lời cầu xin nào không? Dâng lời cầu xin cho Ai? Đấng đó có phải là Đấng Thánh mà chúng ta vừa được Kinh thánh giới thiệu không? Khi dâng lời cầu xin, anh chị em có hoàn toàn tin cậy nơi sự che chở của Chúa không?
  • Nguyện Chúa ban cho mỗi chúng ta biết rõ Chúa và cũng xin Chúa cảm động lòng mỗi chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Lời Chúa hứa trong Kinh thánh, để những lời cầu xin của chúng ta được nhậm.

II/. NỘI DUNG LỜI CẦU XIN:
  • Châm ngôn 30:7-9
  • Trong phần Châm ngôn nầy, tác giả dâng lên Chúa hai lời cầu xin mà Cơ-Đốc chúng ta phải nhờ ơn Chúa học lấy và làm theo, nhất là trong giai đoạn hiện nay của thế giới đầy bất trắc và càng lúc càng bị vật chất chế ngự.

1/. Lời xin thứ nhất:
  • Câu 8a, Xin dan xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá.
Chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến loài người lường gạt và dối trá nhau nhiều và rõ ràng như hiện nay, và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn trong những ngày tới.
Chúng ta hãy nghe Lời Chúa trong II Timôthê 3:1-5 mô tả một thế giới của ngày sau rốt như đang diễn ra: Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận… 
Tất cả chúng ta là Cơ-Đốc nhân đều biết rõ Thiên đàng không dành cho những kẻ lường gạt và dối trá (Khải. 21:8), Chúa dạy chúng ta phải là phải, không là không.
Trong Math. 25:21, 23, những đầy tớ được chủ khen là những đầy tớ NGAY LÀNH và TRUNG TÍN. Họ đã sống ngay lành và trung tín trong một thế giới của ngày cuối cùng đầy lường gạt và dối trá.
Đây há không phải là lời cầu xin mà Cơ-Đốc nhân chúng ta phải dâng lên trong ngày đầu Xuân Mới hôm nay sao?

            2/. Lời xin thứ hai:
  • Châm ngôn 308b-9
  • Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã có lời xin giống phần đầu trong lời xin thứ hai nầy:Xin chớ cho tôi nghèo khổ.
  • Nhưng có lẽ hiếm người cầu xin như phần thứ hai: Xin chớ cho tôi … giàu sang. Ai cũng thích giàu sang.
  • Thật sự trên thế giới ngày nay có những người chủ trương một thứ Tin Lành Thịnh vượng, quả quyết rằng người tin Chúa thì không bị nghèo, nhất định phải giàu. Đọc lại Kinh thánh thì chúng ta biết chủ trương nầy không đúng Lời Chúa dạy. Vì Chúa cũng cho phép một số Cơ-Đốc nhân bị nghèo – nhưng họ nghèo mà không KHỔ, vì họ có Chúa, như bài Thánh ca số 211, Nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay, Jêsus ngự vào hóa Thiên cung ngay.
  • Cũng có người chủ trương theo Chúa thì phải sống nghèo khổ. Không có lời dạy nào trong Kinh thánh dạy như thế. Trái lại, Thánh Phao-lô dạy trong thư Phi-líp 4:11-12, … biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật…
  • Tại sao tác giả phần Châm ngôn nầy lại xin Chúa không bị nghèo hoặc không giàu sang? Tác giả đã giải thích:
  • Câu 9a, vì ông lo rằng khi no đủ, giàu có, ông quên ơn Chúa.
  • Câu 9b, ông lo rằng sự nghèo khổ sẽ làm ông phạm tội trộm cắp làm ô danh Chúa
  • Anh chị em ơi, chúng ta phải thành thật thưa với Chúa rằng năm qua Chúa thật đã nhiều lần nhiều lúc quên ơn Chúa. Sư quên ơn ấy thể hiện qua việc dâng hiến thì giờ, tiền bạc để hầu việc Chúa. Một năm qua, chúng ta đã quá sợ nghèo khổ, nên đã trộm cắp phần mười tiền bạc, phần mười thì giờ của Chúa.
  • Hôm nay, ngày Đầu Xuân Mới, hãy đến với Chúa là Đấng Thánh, ăn năn và sửa lại với những lời cầu xin như Lời Chúa dạy trong Châm ngôn 30:8-9 nầy.


Đề mục: DẠY CON
Kinh thánh: Châm ngôn 31:1-9
Câu gốc: Châm ngôn 31:1
Mục đích: Nhơn Lễ Dâng con của mọt cháu tên là Alex.

I/. NHU CẦN DẠY CON:
  • Tên của cháu được dâng cho Chúa hôm nay theo tiếng Mỹ là ALEX, là tên viết tắt  của ALEXANDER. Nói đến Alexander là chúng ta có thể nghĩ đến một nhân vật tên Alexander, nhờ ông mà tên Alexander được nhiều người biết đến, kể cả dùng để đặt tên cho con mình như vợ chồng anh chị dâng con hôm nay – đó là vua Alexander, mà người Việt nam chúng ta quen gọi theo tiếng Tàu phiên âm: A-LỊCH-SƠN.
  • Tôi không nghĩ là anh chị…………, mong con mình là cháu Alex làm vua như vua A-Lịch-sơn, nhưng tôi tin rằng anh chị cũng như bất cứ người làm cha mẹ nào, đều muốn con mình ít nữa cũng khôn ngoan, tài giỏi như vua A-lịch-sơn (Alex).
  • Muốn con nên người,muốn con khôn ngoan, tài giỏi… thì phải dạy con. Người VIệt nam chúng ta có câu: “Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy (cô)”. Một phương diện câu nói đó được dùng để châm biếm; nhưng một phương diện khác thì đó là lời khuyên tốt, ‘muốn con học giỏi thì phụ huynh phải biết tôn sư trọng đạo’
  • Lịch sử Hi lạp làm chứng rằng, vua Alexander khi còn nhỏ, còn trẻ, chưa làm vua, đã được vua cha cho đi học nơi các Giáo sư nổi tiếng đương thời.
  • Bây giờ trong sách Châm ngôn đoạn 31 nầy, vua Lê-mu-ên cũng đã được dạy dỗ – dù ông là vua. Nói cách khác, vua cũng phải học – vua mà không học khác chi thằng khờ.
  • Suốt cả sách Châm ngôn toàn là những lời khuyên, lời dạy, ngay cả hai chữ CHÂM NGÔN cũng đã nói lên mục đích của sách – Châm ngôn là những câu nói, những lời khuyên dạy về đạo đức, về cách sống hợp tình hợp lý.
  • Cảm ơn Chúa ban cho anh chị … … … có lòng yêu mến Chúa, biết vâng lời Chúa dạy đem con mình là cháu: Alex đến Đền thờ dâng cho Chúa. Sự vâng lời nầy chắc chắn Chúa sẽ ban phước như Chúa đã ban phước cho Áp-ra-ham biết vâng lời dâng Y-sác, như bà An-ne dâng con mình là Sa-mu-ên, như Ma-ri và Giô-sép dâng Chúa Jêsus.
  • Tuy nhiên, như tôi đã nói nhiều lần, dâng con cho Chúa không phải là giao cho Chúa nuôi, giao cho Chúa dạy, mà dâng như một lời cảm tạ Chúa ban cho mình có con cái, kể nó thuộc về Chúa.
  • Phàm điều gì dâng cho Chúa, biệt riêng cho Chúa, phải là những vật tốt nhất, quí báu nhất. Con cái là của lễ tốt, nhưng con cái được lớn lên trong sự dạy dỗ cẩn thận lại là của lễ TỐT NHẤT mà Chúa muốn chúng ta dâng.
  • Vì vậy, xin Chúa cho anh chị … … … hiểu được nhu cần dạy con của mình, nhất là sau khi dâng cháu cho Chúa.

II/. NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM DẠY CON:
  • Trong câu gốc Châm ngôn 31:1 nầy nói rằng: các châm ngôn mà mẹ người dạy người”.
  • Anh chị em có suy nghĩ: Tại sao cha của người không dạy người, mà chỉ có mẹ dạy người?
  • Tôi nghĩ rằng có nhiều ý tốt để giải thích lý do: Tại sao nói Mẹ người dạy người.
    1. Ý thứ nhất: giải thích rằng cha vua Lê-mu-ên đã dạy, bây giờ người mẹ cũng dạy thêm.
    2. Ý thứ hai: Thực tế trong gia đình thì người mẹ dạy con dễ hơn là người cha, nhờ biết dùng tình cảm, trong khi người cha hay la rầy
    3. Ý thứ ba: Có lẽ đây là những lời Mẹ của vua Lê-mu-ên dạy người sau khi vua cha đã qua đời, nhất là trong ngày vua Lê-mu-ên chuẩn bị lên ngôi.
  • Cách đây hơn 50 năm, quan niệm của người Việt nam theo triết lý Đông Phương, thì trách nhiệm dạy con thuộc về người cha – người cha được xem như đứng đầu gia đình với tất cả uy quyền – Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu – cha xử con chết mà con không chịu chết, đó là con bất hiếu.
  • Sau một thời gian, để tránh bớt trách nhiệm, mấy ông mới ra câu: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, để đùa trách nhiệm cho người mẹ, người bà.
  • Rồi thời thế đổi thay, nhất là những năm tháng các ông đi học tập cải tạo, tất cả trách nhiệm đổ hết cho các bà vừa làm mẹ vừa làm cha, thậm chí khi ở trại cải tạo về, các ông gặp khó khăn cuộc sống, nên nhường luôn trách nhiệm dạy con.
  • Bây giờ tại Việt nam cũng như ở Mỹ, vì cuộc sống phải bon chen, cả vợ lẫn chồng phải đi làm suốt, các con nhỏ phải đi Nhà Trẻ sớm, thế là trách nhiệm dạy con được chuyển sang Nhà Trường và người ngoài đường.
  • Lần lần tôi thấy Thanh Thiếu niên ngày nay dường như bị đẩy khỏi gia đình, các em dường như không còn ý thức nhu cần gia đình, chúng nó xem căn nhà mình ở như quán trọ (INN), gia đình là cái gì đó vướng bận hơn là yêu thương, đến một tuổi nào đó các cháu sẽ giống người con hoang đàng bỏ nhà đi – kể cả đi bụi đời.
  • Đó không phải là Lời Chúa dạy!
  • Một trong những lời Chúa dạy Cơ-Đốc nhân chúng ta hôm nay là Châm ngôn 31:1, ít nhất trách nhiệm của người mẹ không phải chỉ biết nấu ăn, chỉ đi làm có tiền nuôi con, mà còn phải DẠY CON – dù nó là vua cũng cần được dạy. Nói cách khác, muốn đứa con khôn ngoan, nên người như một vị vua, thì ngoài người cha phải dạy, người mẹ cũng phải dạy; người mẹ còn biết dạy thì có lý nào người cha không biết dạy con!
  • Xin Chúa cho anh chị … … … - tôi nhờ ơn Chúa kêu gọi cả hai anh chị đều sẵn sàng hứa nguyện nhận lãnh trách nhiệm dạy con mình là cháu Alex. Không đùn đẩy cho nhau hay đùn đẩy cho ai khác, ngoài chính mình.
  • Vì cháu Alex là CON ĐẦU LÒNG, nên tôi phải dặn anh chị điều nầy: Con đầu lòng thường được cưng nhiều. Vì vậy,
  • Có khi cả hai vợ chồng cùng cưng con, nên không lo dạy con, mà lại dễ chìu con.
  • Có khi vì cưng con, nên chồng dạy con, thì vợ bao che, hoặc ngược lại vợ rầy con thì chồng lại bao che.
  • Anh chị đừng làm như vậy, nếu muốn binh con, thì chờ dạy xong, không có mặt nó sẽ góp ý với nhau giữa vợ chồng.
  • Chẳng những dạy con bằng lời nói, anh chị còn phải dạy con bằng việc làm:
  • Chính mình sống đời sống tin kính, đạo đức làm gương cho con.
  • Vợ chồng hòa thuận để cho con nhìn thấy mà biết thương cha mẹ.
  • Có hai bà hàng xóm nói chuyện với nhau. Bà A nói với bà B: “Vợ chồng tôi không bao giờ cãi nhau trước mặt con. Khi nào chúng tôi muốn cãi nhau, chúng tôi bảo nó ra ngoài sân chơi”. Bà B nói: “Hèn chi, tôi thấy nó ở ngoài sân nhiều hơn ở trong nhà”.

III/. DẠY CON ĐIỀU GÌ?
  • Có khi nào anh chị đọc hết đoạn 31 của sách Châm ngôn nầy chưa? Tôi nghĩ rằng nhiều Cơ-Đốc nhân, nhất là các bà các cô thường đọc từ câu 10 đến câu 31, đặc biệt là nhiều bà nhiều cô thuộc lòng câu 30. Chính vì thấy ‘duyên là giả dối, sắc lại hư không’ nghĩa là không bền, mau phai, nên các bà các cô quan tâm đến duyên đến sắc hơn là kính sợ Chúa.
  • Hôm nay tôi kêu gọi anh chị em phải đọc hết cả đoạn, ngay cả anh chị … … … dâng con hôm nay cũng phải đọc hết cả đoạn.
  • Tại sao?
  • Vì Lời Chúa bày tỏ cho chúng ta một việc quan trọng qua gương của bà mẹ vua Lê-mu-ên.
  • Câu 1, câu 10, Bà mẹ nầy DẠY CON TRAI và CŨNG DẠY CON GÁI! Không thiên vị, không bỏ qua đứa con nào, dù đó là đứa con cầu tự (31:2)
  • Câu 2, Bà mẹ nầy dạy con từ thuở còn thơ, còn trong bào thai, dạy bằng sự cầu nguyện, khấn nguyện với Chúa.
  • Câu 3-29, Bà mẹ nầy dạy con đời sống đạo đức, siêng năng.
  • Câu 30-31, Và nhất là Bà mẹ nầy không quên dạy con mình SỰ KÍNH SỢ CHÚA!
  • Có một người viết một bài đăng trong một tạp chí của Hội thánh chung với tựa đề là: TÔI SẼ TỐ CÁO CHA MẸ TÔI! Trong đó, dĩ nhiên đây là người lớn viết, một đứa con nói rằng khi tôi gặp Chúa, tôi sẽ tố cáo cha mẹ tôi rằng: cha mẹ tôi lúc nào cũng quan tâm học vấn của tôi, luôn nhớ mua quần áo mới cho tôi, lúc nào cũng nhắc tôi giữ gìn sức khỏe, đi đâu về cũng mua quà cho tôi. Cha mẹ tôi luôn dạy tôi và cho tôi nhiều thứ, nhưng cha mẹ tôi không dạy tôi về Chúa và không cho tôi sự cứu rỗi của Chúa.
  • Anh chị … … … , bởi Lời Chúa dạy, tôi kêu gọi anh chị nhờ ơn Chúa hứa rằng mình sẽ dạy dỗ, chăm sóc con mình là cháu ALEX, và nhất là hứa rằng ANH CHỊ SẼ NHỜ ƠN CHÚA DẠY CHO CHÁU CON ĐƯỜNG CỨU RỖI CỦA CHÚA JÊSUS.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.