Gióp

I/. TÁC GIẢ:
Không biết rõ tác giả sách Gióp.
Sách mang tên Gióp vì thuật chuyện về đời sống của Gióp.
Có 3 ý kiến về tác giả của sách:
  1. Chính Gióp viết trong tuổi già vì tư tưởng, phong tục giống một Tộc Trưởng người A-rạp nói.
  2. Có lẽ do Ê-li-hu viết
  3. Theo truyền thoại cổ của dân Y-sơ-ra-ên, thì có lẽ do Môi-se viết đang khi lánh nạn tại đồng vắng Ma-đi-an, xứ A-ra-bi (Xuất. 3:15). Nguồn nội dung có thể:
    • Do chính Gióp thuật kể lại cho Môi-se hay ai đó rồi Môi-se nghe được.
    • Hoặc do chính Môi-se tìm được tài liệu Gióp viết. Có lẽ Môi-se thấy sự nhịn nhục của Gióp có thể dạy dỗ, khích lệ dân Y-sơ-ra-ên trong cảnh nô lệ mà họ đang chịu tại Ai Cập, nên Môi-se đã thêm lời Tiểu Dẫn (Gióp 1: - 2:) và phần Kết luận (Gióp 42:7-17)
    • Lý do cho Môi-se là tác giả vì:
      Cách dùng văn Hi-bá-lai rất hay.
      Cách dùng Danh Giê-hô-va là Danh mới được Chúa bày tỏ cho Môi-se (Xuất 3:15; 6:3)
II/. THẨM QUYỀN CỦA SÁCH GIÓP:
  1. Được trích dẫn:
Có 2 lần nêu tên Gióp rõ ràng:
  • Ê-xê-chi-ên 14:14, 16, 18, 20, xếp tên của Gióp chung với Nô-ê, Đa-ni-ên.
  • Gia-cơ 5:11, nhắc đến sự nhịn nhục của Gióp nhận được phần thưởng của Chúa.
Thư I Côrintô 3:19 trích dẫn Gióp 5:13
Như vậy, các trước giả Kinh Thánh nhìn nhận thẩm quyền của sách Gióp.
Ngược lại sách Gióp cũng trưng dẫn các sách khác:
  • Gióp 31:33 trưng dẫn Sáng thế ký 3:
  • Gióp 22:15-17 trưng dẫn Sáng. 6:
  1. Giống ý:
    1. Cựu Ước:
      • Thi thiên 37 và 73 đều luận về cuối cùng của người công bình và kẻ ác như sách Gióp đã nêu
      • Châm ngôn 8: giống Gióp 28: luận về sự khôn ngoan
      • Êsai 19:5 = Gióp 14:11
      • Êsai 29:14 = Gióp 5:13
      • Giêrêmi 20:14-15 = Gióp 3:3
    2. Tân Ước:
      • Mathiơ 24:28 = Gióp 39:33
      • Gia-cơ 4:10; I Phierơ 5:6 = Gióp 22:29
      • Rôma 11:34-35 = Gióp 15:8
      • I Côrintô 1:19 = Gióp 5:13
  2. Phương diện Thần học:
    • Gióp 38: - 41:, xác nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa
    • Gióp 5:8-20; 9:4-13, Đức Chúa Trời Toàn năng (5:8-10); Đức Chúa Trời Công bình (5:11-16); Đức Chúa Trời Yêu thương (5:17-20)
    • Gióp 1:6-12; 2:2-7, nói đến Satan.
Qua sách Gióp, chúng ta biết được về Satan như sau:
  1. 1:6, Satan là một trong các thiên sứ
  2. 1:7, Satan di chuyển trên mặt đất nhưng không phải là vô sở bất tại.
  3. 1:9-11, Satan kiện cáo người tin Chúa (Khải huyền 12:1-10; Xachari 3:1).
  4. 1:12; 2:6-7, Satan chỉ được đụng đến bên ngoài người tin Chúa khi Đức Chúa Trời cho phép.
  5. 1:11; 2:7, Satan chỉ làm hại con người.
    • Gióp 14:4; 15:14-16, nói đến tội lỗi di truyền từ trong lòng mẹ và loài người không thể tự làm sạch tội được.
    • Gióp 1:5; 42:8, Con người phải dâng tế lễ để chuộc tội.
    • Gióp 19:25-27; 31:13-14, nói đến sự tái lâm, sự sống lại và sự phán xét.
Như vậy, chúng ta thấy sách Gióp bày tỏ những lẽ đạo căn bản của Cơ-đốc Giáo.
III/. CON NGƯỜI CỦA GIÓP:
  1. Tên của Gióp: Một người cũ trở lại cùng Chúa.
  2. Quê hương của Gióp:
1:1 giới thiệu Gióp là một người ở Út-xơ. Khó xác định quê hương Út-xơ của Gióp ở đâu, nhưng có ý kiến cho rằng Út-xơ nằm dọc theo biên giới Palestine với A-ra-bi, từ phía Bắc Ê-đôm đến phía Tây Ơ-phơ-rát. Đây là vùng đất làm con đường thương mại giữa Ba-by-lôn với Ai Cập (1:15, Sê-ba, Ai Cập; 1:17, Canh-đê, Ba-by-lôn – Giêr. 49:7-8; Áp-đia 1:9), nên có lẽ Gióp không phải là người Y-sơ-ra-ên. Còn 2:11, bạn của Gióp là người Ê-đôm, nên Gióp có thể cũng là người Ê-đôm (phía Nam Biển Chết).
  1. Tánh tình của Gióp:
Gióp có 3 điều gương mẫu:
  1. 1:1, Gióp là người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, lánh khỏi điều ác (13:15).
Chúng ta phải nhớ Gióp là một người rất giàu (1:3), nhưng không vì giàu mà mất lòng nhờ cậy Chúa, sống phóng túng.
  1. 1:5, Gióp quam tâm con cái sống trong đường lối của Chúa.
  2. Gióp chịu hoạn nạn nhưng vẫn trung tín với Chúa:
    • 1:13-22, Gióp mất hết của cải, con cái, nhưng Gióp vẫn ngợi khen Chúa và không phạm tội (c. 20-22)
    • 2:7-10, Gióp bị bịnh ung độc, mất sức khỏe (có lẽ là bịnh phung lỡ), nhưng Gióp vẫn trung tín với Chúa (c. 10)
    • 2:9; 42:47, Gióp mất những người thân (vợ và bạn hữu), nhưng Gióp vẫn trung tín, dù trong lúc yếu đuối, tức giận do bạn hữu nghi ngờ sự thành thật của ông (13:4; 16:2-4; 21:34), Gióp tự nhận là công bình (30:25-26; 32:1;33:9). Tuy nhiên, cuối cùng Gióp đã ăn năn (42:6).
IV/. NIÊN HIỆU:
Chúng ta không biết rõ Gióp sống vào thời nào, nhưng sách Gióp có nhiều đặc điểm giúp chúng ta ghi nhận niên hiệu:
  1. Đoạn 31:33, sách Gióp có nói đến A-đam.
  2. Đoạn 22:15-17, sách nói đến nước lụt đời Nô-ê, nhưng không nói đến sự hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, không nói đến dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, cũng không nói đến Luật pháp.
  3. Sách không nói đến chức vụ tế lễ đặc biệt, nhưng Gióp tự mình dâng tế lễ (1:5; 42:8-10), giống như các dân ngoại bang (Xuất. 3:1), giống đời Áp-ra-ham (trước thời nô lệ Ai Cập)
  4. Đoạn 31:26-28, đề cập đến việc thờ mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, nhưng không đề cập đến việc thờ hình tượng.
Qua những đặc điểm trên, các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đều công nhận sách Gióp (hay câu chuyện trong sách Gióp) xảy ra trước thời nô lệ tại Ai Cập, có lẽ đồng thời với Áp-ra-ham
V/. BỐ CỤC:
Đề mục: CHỊU KHỔ
Câu gốc: Gióp 1:21-22
(Tham khảo Rôma 8:28; Gia-cơ 1:12)
I/. LÝ DO CHỊU KHỔ – 1:1-12
  1. Satan ganh tị – 1:1-11
  2. Đức Chúa Trời cho phép – 1;12
I/. THÁI ĐỘ CHỊU KHỔ – 1:13 – 42:6
  1. Không phạm tội – 1:13 – 2:10
  2. Ăn năn – 2:11 – 42:6
III/. PHẦN THƯỞNG CHỊU KHỔ – 42:7-17
  1. Phần thưởng tinh thần – 42:7-11
  2. Phần thưởng thuộc thể – 42:12-17
Câu hỏi được đặt ra cho Cơ-đốc nhân là: Tại sao Gióp – một người yêu mến Chúa – lại chịu khổ?
Câu hỏi nầy thường có trong những người chưa tin Chúa và ngay trong những người tin Chúa nữa.
Qua sách Gióp, có 3 lời giải thích:
  1. Cách giải thích của những người bạn của Gióp:
Ê-li-pha, Binh-đát, và Sô-pha (4:7-8) quả quyết rằng Gióp là người giả hình, dù bề ngoài đạo đức, nhưng thật ra là người gian ác. Nếu là người tốt bị nạn thì Đức Chúa Trời không công bình. Họ công nhận Đức Chúa Trời là oai nghi nhưng nghĩ rằng Chúa chỉ yêu người yêu Ngài.
  1. Ý kiến của Ê-li-hu:
Ê-li-hu có ý chính đáng và thuộc linh hơn ba người kia, ông cho rằng Đức Chúa Trời là Đấng cao thượng, chính trực, nhưng Ê-li-hu cực đoan trách Gióp thiếu trí hiểu, có những lời hư không (34:35; 35:16)
  1. Ý của Đức Chúa Trời – 38: - 41:
Đức Chúa Trời chứng rằng Gióp là người đạo đức, có đức tin vững chắc. Dù vậy, chính Chúa bày tỏ cho Gióp thấy Gióp thiếu khiêm nhường, đã tự cho mình là công bình (29:). Chúa cho người yêu mến Chúa chịu khổ để có cơ hội xét mình mà khiêm nhường (I Côrintô 11:31-32; Hêbơrơ 12:7-11)
IV/. NHÂN VẬT TRONG SÁCH GIÓP:
  1. Ê-li-pha:
Ê-li-pha là người của kinh nghiệm. Kinh nghiệm do quan sát phổ thông (4:8; 5:3, 27; 15:17… Tôi đã thấy…) do dị tượng cá nhân đặc biệt (4:12-16).
Ê-li-pha có 3 bài lý luận:
  1. Bài I – 4: -5:
4:3-7 khen những việc làm tốt của Gióp trong quá khứ.
4:8 – 5:7, là phần chính của bài lý luận. Ê-li-pha trình bày những điều học được do quan sát đưa đến kết luận: Sự khổ nạn luôn luôn là hậu quả trực tiếp của tội lỗi và là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời về những tội lỗi đó.
5:8-16, kế đó, Ê-li-pha đặt trường hợp chính ông ở trong hoàn cảnh của Gióp, ông sẽ ăn năn.
  1.  Bài II – 15:
Giọng nghiêm khắc, dù ngắn hơn bài I
15:2-16, Ê-li-pha trách mắng Gióp
E-li-pha tuyên bố khẳng định những điều ông thấy, học.
  1. Bài III – 22:
Câu 1-9, Ê-li-pha thẳng thắn kết án Gióp, đặc biệt trong câu 5-9, ông hoàn toàn mâu thuẫn trong lời khen Gióp trong bài lý luận I
Câu 10-20, Ê-li-pha kết luận cách mau lẹ và cứng rắn về Gióp cách không lầm lẫn (câu 10, Bởi cớ đó) rằng Gióp là người giả dối (câu 13)
Câu 21-30, cuối cùng, Ê-li-pha kêu gọi (21) Gióp ăn năn hòa thuận cùng Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể tóm tắt về Ê-li-pha với 2 điểm chính:
  1. Là người yên nghỉ trên triết lý riêng của đời sống do quan sát và kinh nghiệm riêng (4:8, 12; 5:3, 27)
  2. Là người bị tiêm nhiễm những lý luận với quan điểm hẹp hòi và thần bí (5:3-7, 12-16; 15:20-35). Quan điểm cứng rắn nầy được bày tỏ trong 4:7 và lời kêu gọi Gióp ăn năn (5:17), vì cho rằng Gióp chịu khổ bởi phạm tội.
  1. Binh-đát (con của sự cãi lẫy)
Thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham với Kê-tu-ra cho đi phương Đông lập chi phái A-rạp (Sáng. 25:2)
Bài lý luận của Binh-đát không lịch sự như của Ê-li-pha, hăng hái hơn, vì những câu trả lời của Gióp cho Ê-li-pha trước khi Binh-đát nói.
Binh-đát không yên nghỉ trên kinh nghiệm (như Ê-li-pha), nhưng yên nghỉ trên truyền thuyết [truyền khẩu] – 8:8-10.
  1. Lời kêu gọi – 8::
    • Câu 2-7, Nguyên nhân lời kêu gọi:
Vì những cái chết thình lình của con cái Gióp (8:4), nên Binh đát cho rằng Các con của Gióp phạm tội(8:4b
Gióp không thánh sạch (8:5-6), không ngay thẳng
CHÚ Ý: 3 chữ ‘nếu’
  • Câu 8-19, nền tảng lời kêu gọi: Theo truyền thuyết [truyền khẩu]
Phần chính của lời kêu gọi đặt trên những lý thuyết (truyền thuyết)
  • Câu 20-22, Mục đích của lời kêu gọi
  1. Lời trách mắng 18:
    • Câu 1-4, Thái độ trách mắng: Nổi giận, đụng đến nhân cách.
    • Câu 5-21, nền tảng trách mắng: Trên kinh nghiệm của những cách ngôn truyền khẩu
CHÚ Ý: những chữ ‘thật, quả thật’ khi bắt đầu phần I và kết thúc phần II
  1. Lời kết luận – 25:
  • Câu 2-3, sự thánh  thiện tuyệt đối của Đức Chúa Trời.
  • Câu 4-6, con người đầy dẫy tội lỗi
Bài diễn thuyết nầy chỉ có 5 câu để đáp lại sự thách thức của Gióp trong đoạn 24 với những lý luận bình thường và như một lời thoái thác của Binh-đát không muốn tranh luận nữa.
Chúng ta có thể kết luận về Binh-đát như sau:
  1. Quan điểm đặt trên kinh nghiệm riêng (8:8; 18:5-20)
  2. Giống như Ê-li-pha với những lý luận cứng ngắt vấn đề (8:11-19; 18:5)
Từ đó Binh-đát kết luận Gióp là người giả hình.
  1. Sô-pha: Một người tự mãn
Những bài diễn thuyết của Sô-pha từ đầu đến cuối không có vẻ gì là lý luận, không giống như Ê-li-pha: “Tôi đã thấy”; cũng không giống như Binh-đát: “Xin hỏi dòng dõi xưa”. Sô-pha thường nói: Khá biết rằng” (11:6), “Hãy biết rằng” (20:4), tỏ ra Sô-pha là người hiểu biết như muốn dạy dỗ người khác. Bắt đầu nói đã cho thấy như khinh dễ (11:2-3)
  • Đoạn 11:
    • Câu 1-6, Sô-pha kết án Gióp: người già miệng (câu 2), nói dại, khoe khoang (câu 3-4), là người có tội nặng hơn hình phạt (câu 5-6)
    • Câu 7-12, Sô-pha chứng minh về Đức Chúa Trời: cao hơn sự hiểu biết của con người (7-9), không ai ngăn trở Chúa được (10), không ai che giấu được điều gì với Chúa (11-12)
    • Câu 13-20, Sô-pha cảnh cáo và khuyên ăn năn, nếu không ăn năn sẽ chết.
  • Đoạn 20:
    • câu 1-2, Sô-pha vừa tỏ ra lời giới thiệu vừa tỏ ra hiểu biết
    • câu 4-28, Sô-pha xác nhận sự thạnh vượng của kẻ ác là ngắn ngủi
    • câu 29, Sô-pha kết luận như lời phán quyết: Gióp là người ác nên bị khổ.
Chúng ta có thể kết luận về Sô-pha:
  1. Sô-pha là người tự mãn về sự hiểu biết của mình
  2. Sô-pha là người thích dạy dỗ người khác (hãy biết, khá biết)
  3. Đối với Gióp, Sô-pha càng kết án nặng hơn hai người kia (Ê-li-pha và Binh-đát):
    1. 11:6, hình phạt Gióp chịu còn nhẹ hơn tội Gióp làm
    2. 11:2-4, cho rằng Gióp khoe khoang công bình riêng
    3. 11:13-19, kêu gọi Gióp từ bỏ tội ác của mình thì khổ nạn sẽ qua hết.
SO SÁNH BA NGƯỜI
KHÁC NHAU
 
Ê-LI-PHABINH-ĐÁTSÔ-PHA
Kinh nghiệmTruyền khẩuTự mãn, cố chấp
Luân lýKỷ luậtGiáo điều
Nhà biện giáoNhà diễn thuyếtNgười mê tín
Tiếng nói triết lýTiếng nói lịch sửTiếng nói bảo thủ
Nếu Gióp không có tội thì khổ nạn không đếnCó lẽ Gióp có tội nên khổ nạn đã đếnChắc chắn Gióp có tội nên xứng đáng khổ nạn
Cả 3 lý luận nầy đều không giải quyết được vấn đề của Gióp.
GIỐNG NHAU
  • Hoạn nạn luôn luôn là hậu quả trực tiếp của tội lỗi.
  • Có quan điểm độc đoán và hẹp hòi, nhưng lại cho đó là quan điểm của Đức Chúa Trời (11:6)
  • Chủ trương rằng thiện ác luôn luôn được thưởng phạt ngay trong đời nầy
  • Họ không đến với Gióp như 3 người bạn, nhưng đến với Gióp để tìm cơ hội trình bày quan điểm riêng.
  • Cả ba người đều thất bại, không Trả lời được những lời của Gióp (32:3, 5, 11,-12).
  • Tất cả đều định tội Gióp (32:3)
  1. Gióp: Lời biện luận của Gióp
  1. Trong cuộc tranh luận:
 
VÒNG TRANH LUẬNBA NGƯỜI BẠNGIÓP
Vòng I
4: - 14:
Cho rằng: Đức Chúa Trời ban sự thạnh vượng cho người ngay thẳng và đoán phạt người bại hoạiĐáp lại:
1). Kinh nghiệm cá nhân của Gióp tự chứng những lý luận của họ là sai lầm
2). Gióp tự chứng Gióp là người ngay thẳng nhưng bị khổ nạn
Vòng II
15: - 21:
Êlipha: chỉ kẻ ác mới chịu khổ nạn
Binh-đát: Kẻ ác luôn luôn bị khổ nạn.
Sô-pha: Kẻ ác thì yểu mệnh
Không phải chỉ kẻ ác chịu khổ nạn, nhưng người công bình cũng vậy.
Không phải kẻ ác luôn luôn chịu khổ nạn, nhưng nhiều người ác vẫn không bị.
Không phải kẻ ác luôn yểu mệnh, nhưng thường sống lâu đến đời con cháu.
Vòng III
22: - 37:
Êlipha: lặp lại lý luận cũ với sự hăng hái hơn.
Binh-đát: Tán thành nhưng chỉ có lệ.
Sô-pha: Im lặng.
Trả lời thành thật nhưng cảm động
  1. Thái độ của Gióp khi tranh luận:
    • Bi quan dường như tuyệt vọng – 14:1-12; 17:11-16
    • Có khi lại lạc quan – 16:19; 19:25-27
    • Không nhận mình có tội, tự thuật những sướng khổ – 29: -31:
    • Tỉnh ngộ, khiêm nhường, ăn năn – 42:1-6
  1. Ê-li-hu:
Cuối đoạn 31 ghi rõ lời của Gióp đã hết.
Đoạn 32 bắt đầu một giọng nói mới: Giọng của Ê-li-hu
32:6, Ê-li-hu là một người trẻ, nên đã yên lặng nghe những người lớn tuổi nói, sau cùng Ê-li-hu mới nói. Đây là sự khiêm nhường của một thanh niên kính người lớn tuổi.
Bài diễn thuyết của Ê-li-hu dài qua 6 đoạn (32: - 37:), có 3 yếu tố mới:
  • Sự cảm thông
  • Câu trả lời theo cách mới
  • Lời kêu gọi mới
  1. Sự cảm thông:
  • 32:8, trong người có thần linh ban khôn ngoan
  • 32:9, Ê-li-hu cho rằng sự khôn ngoan không tùy thuộc ở tuổi tác.
  • 33:4, Ê-li-hu tự nhận là thần linh ở trong ông
  • 33:6-7, khác với 3 người trước (Ê-li-pha, Binh-đát, Sô-pha) giống như một quan tòa chỉ xét đoán Gióp; còn Ê-li-hu cảm thông như một người bạn
  1. Câu trả lời mới:
  • 33:12, bắt đầu câu trả lời mới
  • 33:12-13. Ê-li-hu giải thích: Đức Chúa Trời lớn hơn con người, Đức Chúa Trời không cần giải thích việc Ngài làm
  • 33:14-16, Đức Chúa Trời phán, con người phải lắng nghe
  • 33:17-18, Đức Chúa Trời cứu con người khỏi tội lỗi
  • 33:19-28, Đức Chúa Trời sửa phạt con người (19-22), nhưng chữa lành, giải cứu (23-38)
  • 33:29-33, rõ ràng Ê-li-hu cho rằng sự khổ nạn của Gióp là một phương pháp giáo dục. Ý tưởng nầy khác với ý kiến của ba người trước. Ý tưởng nầy chạy suốt từ 33:12 đến đoạn 37
Mới ở điểm nào?
  1. Ê-li-hu nhìn thấy mục đích của khổ nạn có ý nghĩa cao hơn, thuộc linh hơn. Ba người kia bị giới hạn trong lý luận: Khổ nạn là cần thiết để phạt những tội lỗi đã qua. Còn Ê-li-hu cho rằng không phải chỉ phạt nhưng cũng là để sửa chữa và dạy dỗ, rèn luyện con người; không phải cái roi của quan tòa, mà là cây gậy của người chăn chiên.
  2. Đoạn 34:10-19, Đức Chúa Trời là công bình, không thiên vị.
  3. 34:23, Đức Chúa Trời sáng suốt trọn vẹn (không bao giờ sai lầm)
  4. 34:24-26, Đức Chúa Trời toàn quyền hành động
  5. 34:27-30, Đức Chúa Trời luôn luôn có mục đích dạy dỗ tốt lành vì con người thường không giữ được những hứa nguyện khi ăn năn (31-32)
  6. 34:33, Ê-li-hu kêu gọi Gióp đừng nghỉ rằng Đức Chúa Trời báo ứng.
  7. 35:, Ê-li-u tiếp tục trả lời những điều kêu nài và phản đối của Gióp không được công nhận.
  8. 35:9-12, Ê-li-hu trưng dẫn có những trường hợp chịu khổ nạn, nhưng Đức Chúa Trời không đáp lời (12)
  9. 35: - 37:, một lần nữa Ê-li-hu nhấn mạnh sự khổ nạn không phải luôn luôn là hình phạt, nhưng thường là sửa dạy (36:5-12).
  10. 36:15-16, đặc biệt trong trường hợp của Gióp
  11. 36:17-21, Ê-li-hu trách Gióp không chịu học bài học nầy mà cứ làm như cách của kẻ ác đối với Chúa.
  12. 37:, từ 36:26 đến 37, Ê-li-hu nói đến quyền năng của Đức Chúa Trời trong vũ trụ và vạn vật, thời tiết và mục đích để xác nhận Đức Chúa Trời dùng mọi vật, luôn cả khổ nạn là để LÀM ƠN cho loài người (37:)
  1. Lời kêu gọi mới:
    • Ba người trước kêu gọi Gióp:
  2. Hãy nhận tội đi
  3. Đừng giả hình nữa
  4. Cứ lãi nhãi (nói đi nói lại) về hành vi độc ác trong quá khứ.
    • Còn Ê-li-hu kêu gọi:
  • Nên có thái độ mới trong khổ nạn
  • Chú ý đến thái độ sai lầm trong hiện tại, nhưng không bàn luận về tội lỗi trong quá khứ
  • Công nhận lời của Gióp cho là công bình
  • Sự khổ nạn của Gióp có thể không phải vì tội lỗi trong quá khứ, nhưng trong hiện tại thái độ của Gióp có nhiều lỗi lầm (thiếu khiêm nhường) – 34:36-37; 35:14-16.
  1. Giê-hô-va Đức Chúa Trời thách thức Gióp:
Đức Giê-hô-va đã bày tỏ quyền năng sáng tạo và quyền điều khiển tối thượng, vô hạn của Ngài để chỉ cho Gióp thấy sự bé nhỏ, sự ngu dốt, sự bất toàn của Gióp.
  • 38:1-18, quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ trên đất:
    • c. 4-7, trong sự sáng tạo (Ai ngoài Chúa sáng tạo?)
    • c. 8-11, trong biển cả (Ai ngăn biển?)
    • c. 12-15, trong buổi sáng (Ai điều khiển buổi sáng?)
    • c. 16-18, trong những điều bí mật (Ai biết?)
  • 38:19-38, quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ trên trời:
    • c. 19-21, sự sáng và sự tối.
    • c. 22-30, chuyển động thiên nhiên: tuyết, gió, mưa.
    • c. 31-32, sự chuyển vận của các tin tú: các sao, cung hoàng đạo.
***CUNG HOÀNG ĐẠO:
Đường di chuyển của mặt trời theo mười hai cung.
- 33-38, luật thiên nhiên.
  • 39:, quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ qua động vật (vật sống)
    • 1-3, cách săn mồi của loài thú: sư tử, quạ
    •  4-33, đặc tính của các loài thú: dê rừng, lừa, bò tót, lạc đà,ngựa, diều, chim ưng [kên kên]
  • 40: - 41:, quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ trong trường hợp đặc biệt.
    • 40:1-9, Đức Chúa Trời thách thức Gióp có thể đánh hạ kẻ kiêu ngạo.
    • 40:10-19, Đức Chúa Trời thách thức ai có thể bắt con trâu nước cách công khai được)
    • 40:20-41, cá sấu.
Chúng ta nghe lời đối đáp của Gióp sau khi GIóp nghe Đức Chúa Trời thách thức (42:1-6):
  • 42:1-2, Tôi biết Chúa …
  • 42:3a
  • 42:3b-6
  • Câu 4b có thể là Chúa phán.
***Trong sự ban thưởng cho Gióp, tại sao Chúa không thưởng cho Gióp gấp đôi con cái?
Thật sự là Chúa đã thưởng cho Gióp gấp đôi con cái, vì các con khi trước qua đời đã về với Chúa rồi, bây giờ Đức Chúa Trời cho Gióp thêm 10 đứa con nữa trên đất.



Đề mục: GIÓP – TÔI TỚ CHÚA
Kinh thánh: Sách Gióp 1:1-22
Câu gốc: Gióp 1:8
Mục đích: Học sách Gióp trong chương trình học toàn bộ Kinh thánh. Giúp con cái Chúa học gương của Gióp, vượt qua bao nhiêu thử thách, hoạn nạn, cuối cùng được Chúa xưng danh: TÔI TỚ TA (CHÚA).

I/. GIA ĐÌNH CỦA GIÓP:
  • Gióp 1:1-5
  • Trong phân đoạn Kinh thánh nầy chúng ta được Kinh thánh giới thiệu ba điều về Gióp:
  1. Về con người của Gióp:
  • 1:1, một loạt đặc điểm về con người của Gióp được nêu ra:
  • Gióp là người trọn vẹn và ngay thẳng, nghĩa là về phương diện đối với con người, là người không tham lam, không bóc lột ai, là người đạo đức – nói theo cách nói của người đời: Gióp là người ‘ăn hiền ở lành’. Chữ Ngay thẳng cho thấy Gióp cũng không phải hạng người Cuốn theo chiều gió, xu nịnh, cầu an, nhưng là một người can đảm không thiên vị.
  • Gióp là người kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi mọi điều ác, nghĩa là về phương diện thuộc linh, Gióp yêu mến Chúa và sống theo Lời Chúa dạy, không bị lây nhiễm tội lỗi từ xã hội thời đó – một thời kỳ theo cách tính của các nhà giải nghĩa Kinh thánh là đồng thời Áp-ra-ham, mà Út-xơ chắc chắn cũng đầy dẫy hình tượng như U-rơ của Áp-ra-ham.
  1. Về gia sản của Gióp:
  • 1:2-3,
  • Đọc qua hai câu nầy, chúng ta thấy Gióp đặng hào con mà cũng đặng hào của. Có nhiều người thì đặng hào của, mất hào con, hoặc ngược lại được hào con mất hào của.
  • Nhưng Gióp có tất cả 7 con trai và 3 con gái, tổng cộng là 10 người con. Nhưng không phải vì nhiều con mà Gióp bị nghèo, trái lại, Gióp là một người giàu có, với:
  • Gióp có 7 ngàn chiên
  • ba ngàn lạc đà
  • năm trăm đôi bò – theo cách tính của Kinh thánh thì một đôi bò là một mẫu ruộng.
  • năm trăm lừa cái
  • tôi tớ rất nhiều
  • Đặc biệt hơn nữa, Gióp cũng là người có địa vị cao trong xã hội thời đó
  1. Về sự nuôi dạy con cái của Gióp:
  • 1:4-5.
  • Câu 3 cho chúng ta một hình ảnh gia đình hạnh phúc của Gióp, bởi các con của ông biết yêu thương hòa thuận nhau. Thật sự đây là một việc hiếm có. Vì qua Kinh thánh từ sách Sáng thế ký, chúng ta thấy ngay buổi đầu của tình anh em, luôn luôn có sự tranh giành, bất hòa giữa anh chị em một nhà:
  • Sáng. 4:6-8, hai anh em một cha một mẹ đầu tiên trên thế giới là Ca-in và A-bên đã không hòa thuận yêu thương nhau, cuối cùng là Ca-in vì lòng ganh tị đã giết em mình là A-bên.
  • Sáng. 27:41-42, anh em ruột thịt như Ê-sau và Gia-cốp, một cha một mẹ, một bào thai, cũng không thể yêu thương nhau.
  • Nhưng cảm tạ Chúa, 10 đứa con của Gióp lại biết yêu thương hòa thuận nhau, sống vui vẻ với nhau. Theo cách dùng từ trong 1:4 nầy, nhóm từ đãi thay phiên nhau trong nhà mỗi người, rõ ràng là họ đã có gia đình riêng, nhưng điều đáng học biết bao nơi gia đình Gióp là con trai, con gái, dâu, rể, không hề ganh tị nhau.
  • Làm sao có được sự hòa thuận đó?
  • 1:5 là câu trả lời, hay nói cách khác, 1:5 là bí quyết để có được một gia đình hạnh phúc như thế. Ấy là Gióp dù giàu có, dù bận rộn, dù có địa vị cao, nhưng ông vẫn quan tâm đến sinh hoạt của các con trong gia đình – dù chúng đã lớn khôn đủ để tự lập – nhất là quan tâm đến đời sống thuộc linh của các con mình.
  • Chắc chắn Gióp đã dạy các con thương nhau, thay vì đi ra ngoài ăn uống, chúng biết ở nhà giữa các anh em với nhau; chẳng những Gióp là người yêu mến kính sợ Chúa, lánh khỏi điều ác, nhưng ông cũng chia sẻ với con cái đời sống đức tin, lòng kính sợ Chúa, và giúp con lánh khỏi điều ác. Kinh thánh nói: Gióp thức dậy sớm dâng của lễ thiêu… Gióp hằng làm như vậy, ít nhất là GIóp luôn cầu nguyện cho các con mình.
  • Tôi tin rằng tất cả Cơ-Đốc nhân chúng ta không còn mơ ước gì hơn được một gia đình như Gióp đã có. Vậy thì đâu là bí quyết? Chúng ta nhờ ơn Chúa nhắc lại bí quyết mà Kinh thánh đã dạy chúng ta qua đời sống của Gióp:
  • Chính chúng ta là cha mẹ sống đời sống gương mẫu đối với đời nầy và đời thuộc linh.
  • Quan tâm đến sinh hoạt của con cái với nhau và với Chúa, cầu nguyện cho các con và dạy con đối với Chúa.

II/. HOẠN NẠN CỦA GIÓP:
  • 1:6-19
  • Tôi tin rằng khi đọc qua những câu Kinh thánh nầy, không ai trong chúng ta không chắt lưỡi hít hà trước hoạn nạn của Gióp:
  • 13-15, bò lừa, tôi tớ bị cướp và giết sạch, chỉ một người sống sót.
  • 16, lửa trời thiêu đốt chiên và tôi tớ chăn chiên, chỉ một người sống sót.
  • 17, lạc đà và tôi tớ bị dân Canh-đê cướp giết, chỉ một người sống sót.
  • 18-19, hoạn nạn đạt đến cao điểm trong ngày nầy là các con của Gióp đồng chết chung trong một ngày. Trong một ngày chịu 10 cái tang.
  • Cách Kinh thánh mô tả hoạn nạn mà Gióp gặp phải thật khủng khiếp:
  • Trong một ngày dồn dập.
  • Trong một ngày, của cải, tôi tớ, con cái mất sạch.
  • Có lẽ tại chúng ta đọc trên văn chương mô tả, nên ít cảm xúc được nỗi đau trước hoạn nạn của Gióp, hoặc vì chúng ta chưa từng chịu cảnh mất của cải, mất con cái nhiều như vậy, nên anh chị em khó cảm thông hoạn nạn nầy với Gióp.
  • Mà giả định như có người trong chúng ta từng chịu cảnh hoạn nạn lớn như Gióp chịu – Thí dụ như:
  • Ông H. G. Spafford, tác giả bài Thánh ca 277. Người ta thuật lại rằng ông là người có hai đứa con gái bị chết trong vụ chìm tàu tại Đại Tây Dương. Nghe tin đau đớn đó, ông Spafford, lên đường từ Âu châu về Mỹ. Trên chuyến tàu trở về, đến một nơi giữa Đại Tây Dương, vị thuyền trưởng đã nói với ông Spafford: Chúng ta đang lướt trên nơi các con ông bị chết. Lòng của người cha Spaffrod xúc động khi nghe nhắc đến hoạn nạn mà ông đang chịu, ông Spafford đã lui vào ca-bin một mình với Chúa. Từ nỗi đau hoạn nạn mất hai đứa con, ông đã viết ra những lời thống thiết gởi tấm lòng đau đớn theo tiếng còi tàu, theo nhịp chạy của tàu giữa đại dương với đức tin nơi Chúa trọn vẹn.
  • Thảm họa 11-9- 2001, chắc chắn đã làm tan nát nhiều gia đình, vì mất người thân không tìm xác được trong chuyến bay khủng bố, trong tòa tháp đôi của Trung Tâm Thương Mại Quốc tế, chắc chắn có người còn mất cả tài sản. Nỗi đau hoạn nạn nầy đến nỗi cả nước Mỹ phải để tang, cả thế giới phải bàng hoàng.
  • thì cũng chưa thấm so với Gióp, nếu chúng ta tính số tài sản Gióp mất, số con cái 10 đứa bị chết, rồi chính bản thân của Gióp thì mắc bịnh đau đớn rất nhiều (2:7-8), thêm người vợ thân yêu cũng mất đức tin nói sảng như một người điên (2:9).
  • Hoạn nạn của ông Spafford, hoạn nạn của mấy ngàn người trong thảm họa 11-9, dù sao cũng được nhiều người chia sẻ, an ủi. Còn hoạn nạn mà Gióp chịu thì càng tăng thêm khi những người bạn thân yêu nhất ngồi bên cạnh cứ suốt ngày chỉ trích, mắng mỏ, tội lỗi của Gióp – một thứ tội lỗi tưởng tượng đến trong suy nghĩ của họ, thay vì an ủi Gióp.
  • Cảm ơn Chúa, suốt bao nhiêu năm hầu việc Chúa, với biết bao hoạn nạn, tôi thành thật nhận rằng chưa đến nỗi cùng đường tuyệt mạng như Gióp chịu. Nhưng mỗi lần hoạn nạn xảy đến, tôi lại nhớ đến Gióp.
  • Mỗi lần nghĩ đến hoạn nạn của Gióp, tôi lại ngạc nhiên về ý chỉ đời đời của Đức Chúa Trời khi Thánh Linh của Chúa cho phép ghi lại sách Gióp và cho phép đặt sách Gióp vào Kinh thánh ngay sau sách E-xơ-ra, Nê-hê-mi và sách Ê-xơ-tê.
  • Một điều nữa, cũng chính phân đoạn Kinh thánh nầy đã giúp chúng ta hiểu được hoạn nạn từ đâu mà đến cách rõ ràng, để nhờ sự hiểu biết nầy, đức tin của chúng ta lại được củng cố mạnh mẽ hơn:
  • 1:6-11, Lời Chúa qua sách Gióp làm chứng rằng: Hoạn nạn của Cơ-Đốc nhân chúng ta đến từ sự ganh tị của quỉ Satan (1:9-11).
  • 1:12, hoạn nạn xảy đến cho Cơ-Đốc nhân chúng ta là Đức Chúa Trời CHO PHÉP và cho phép trong giới hạn chúng ta chịu được như Phao-lô đã xác nhận trong I Cô-rin-tô 10:13.
  • Tôi nhắc lại sự dạy dỗ của Lời Chúa về sự hoạn nạn của Cơ-Đốc nhân qua sách Gióp: Hoạn nạn đến từ ganh tị của ma quỉ, nhưng không được vượt quá phạm vi Chúa cho phép.
  • Có một lần trong hoạn nạn bị bắt giam vì công việc Chúa, một cán bộ điều tra chất vấn tôi: Mấy anh là người Tin Lành thì cái gì cũng cho là ý Chúa. Tôi không tin. Thí dụ như anh, một người phuc vụ Chúa như vậy, không lẽ ý Chúa lại để anh bị ở tù cực khổ?
Tôi trả lời: Đối với người tin Chúa như chúng tôi thì đúng như cán bộ nói, tất cả mọi điều xảy đến cho chúng tôi đều là do ý Chúa. Và ý Chúa bao giờ cũng tốt lành cho chúng tôi. 
Người cán bộ đó thách thức tôi chứng minh ý Chúa là tốt đối với Cơ-Đốc nhân qua hoạn nạn bị tù giam của tôi.
Tôi nói: Khi một sự hoạn nạn xảy đến, người tin Chúa như chúng tôi thường ngồi lại xem xét: (1) Hoạn nạn nầy có phải là cái roi mà Chúa muốn sửa dạy chúng tôi, vì chúng tôi có lỗi lầm gì đó đối với Chúa. (2) Hoặc hoạn nạn nầy là một sụ luyện tập mà Chúa muốn chúng tôi chịu để ngày mai Chúa dùng chúng tôi trong môi trường mới lớn hơn, khó khăn hơn. (3), Hoặc hoạn nạn nầy là tai nạn chung mà Đức Chúa Trời muốn hình phạt chung nhân loại, tôi là người trong thời đại đó, thì đương nhiên tôi phải cùng chịu.
Tôi kết luận, tôi không biết tôi thuộc diện nào trong ba diện trên, nhưng tôi biết chắc một điều, ấy là các anh nghi ngờ tôi hoài, nên cho tôi bị bắt giam vào đây giải thích cho anh hiểu.
  • Anh chị em ơi, hãy nghe thánh Gia-cơ khẳng định: Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai (Gia-cơ 1:13).
  • Có ai trong anh chị em bị hoạn nạn chăng? Có ai trong anh chị em bị mất của cải chăng? Có ai trong anh chị em bị hoạn nạn về con cái chăng? Có ai trong anh chị em bị hoạn nạn vì giữa vợ chồng thiếu an ủi nhau chăng? Có ai trong anh chị em bị hoạn nạn vì bịnh tật chăng? Hãy đọc lại những lời nầy của Chúa trong sách Gióp để nhờ ơn Chúa được an ủi, không mắc bẫy phàn nàn Chúa như ma quỉ muốn.

III/. ĐỨC TIN CỦA GIÓP:
  • 1:20-22
  • Ba câu Kinh thánh nầy bày tỏ rõ ràng hai mặt đức tin của Gióp.
  1. Đức tin biết thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh:
  • 1:20-21
  • Nghe những lời của Gióp nói trong cơn hoạn nạn, ông thỏa lòng trong sự ban cho của Chúa và ông cũng thỏa lòng khi Chúa cất đi hết thảy những gì ông có: Đức Giê-hô-va ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!
  • Gióp không nói lời nầy cách miễn cưỡng, ông đã lập lại lời nầy cách đầy đức tin trong 2:10, Ủa sao!(Gióp hết sức ngạc nhiên trước sự nhận thức thiếu đức tin của vợ mình) Sự phước mà tay Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta lãnh lấy, còn sự tai họa mà tay Ngài giáng trên chúng ta, lại chẳng lãnh lấy sao?
  • Rõ ràng đối với Gióp, ban cho hay cất đi; phước hay họa đều là từ Chúa, trong lòng ông không hề vướng bận gì để nghĩ đến nguyên nhân từ một người nào, kể cả từ ma quỉ. Gióp hoàn toàn chỉ biết có Chúa và lấy đức tin đầu phục Chúa.
  • Gióp đã đạt đến trình độ đức tin đúng nghĩa là phó thác, vâng phục hoàn toàn nơi Chúa. Trong thư Philíp 4:11-12, Phao-lô cũng bày tỏ cùng trình độ đức tin giống như Gióp khi ông nói: … Vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi tôi đều tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.
  • Trong quyển sách của Nữ Giáo sĩ Marie Monsen, tựa đề ‘Cuộc Phục Hưng tại Trung hoa’, giữa lúc hoàn cảnh chức vụ của bà đầy khó khăn, bà đã viết một câu dán lên trên tường trước bàn làm việc của bà: Bất cứ điều chi Cha tôi gởi đến, tôi sẽ vui mừng đưa hai tay nhận lãnh, vì biết nó đến từ Cha tôi.
  • Tôi thật mong ước học được kinh nghiệm thỏa lòng nầy, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của tôi.
  1. Đức tin không phạm tội cùng Chúa:
  • 1:22,
  • Gióp không phạm tội với Chúa khi nào?
  • Câu trả lời là: ‘Trong mọi sự đó’, nghĩa là trong mọi hoàn cảnh: hoàn cảnh thịnh vượng, lúc giàu có, quyền thế, con cái hạnh phúc; và trong hoàn cảnh hoạn nạn, phút chốc mất hết gia tài, mất hết con cái, mất cả sức khỏe của mình, mất cả lời an ủi để chỉ có những lời gây sốc để phạm tội của vợ, của bạn hữu.
  • Phải, trong hoàn cảnh thịnh vượng, tác giả sách Châm ngôn 30:9 nói: E khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Chúng ta phải nhìn nhận thực tế có rất nhiều Cơ-Đốc nhân đã phạm tội quên ơn, phủi ơn của Chúa khi đã giàu có rồi. Giống như Hội Thánh tại Lao-đi-xê nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa. Trong giàu có chúng ta dễ phạm tội phung phí cho mình, mà chắt lót với Chúa.
  • Trong hoạn nạn, nghèo khổ, cũng là một cám dỗ chúng ta dễ phạm tội. Tác giả sách Châm ngôn nói:Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng. Trong hoạn nạn, nghèo khổ, chúng ta dễ lằm bằm, oán người trách Chúa, dễ phạm tội nản lòng bỏ công việc Chúa.
  • Cảm ơn Chúa, Kinh thánh làm chứng rằng: Trong mọi sự đó, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời… Trong mọi việc đó, Gióp không phạm tội bởi môi miệng mình(Gióp 1:22; 2:10).
  • Lời kết luận cho bài học về Gióp, tôi cầu xin Chúa tha thứ cho tôi, xin Chúa tha thứ cho hết thảy chúng ta về những tội lỗi trong thịnh vượng và trong hoạn nạn những ngày qua.

Đề mục: CHỊU KHỔ
Kinh thánh: Sách Gióp 1: - 42: (Đọc 1:22)
Câu gốc: Gióp 1:21-22
Mục đích: Học tiếp sách Gióp. Giúp con cái Chúa hiểu được: Tại sao một người yêu mến Chúa lại chịu khổ? Và biết cảm thông với người chịu khổ.

I/. LÝ DO CHỊU KHỔ:
  • 1:1-12
  • Qua phân đoạn Kinh thánh nầy, Lời Chúa cho chúng ta biết hai lý do mà Cơ-Đốc nhân chúng ta chịu khổ.
1/. Do Satan ganh tị:
  • 1:11-11
  • Trong hiểu biết thông thường, chúng ta chỉ biết công việc của ma quỉ là cám dỗ Cơ-Đốc nhân, làm hại những người không tin.
  • Nhưng qua sách Gióp 1:9-11, chúng ta biết thêm công việc của ma quỉ hay của Satan là cáo kiện Cơ-Đốc nhân trung tín, như Khải huyền 12:9-10 đã nói về nó.
  • Lý do ma quỉ kiện cáo Cơ-Đốc nhân là vì nó ganh tị với sự yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho Cơ-Đốc nhân. Anh chị em hãy nghe Satan kiện cáo Gióp trước mặt Chúa: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người, và mọi vật thuộc về người sao…?
  • Đặc biệt là ma quỉ cũng biết bản tánh con người trong Cơ-Đốc nhân chúng ta lúc bình an thì rất yêu mến Chúa, khi hoạn nạn thì hay phàn nàn trách Chúa, dễ mất đức tin nơi Chúa, nên nó đã đề nghị:Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt.
  • Đây là câu trả lời cho ai đó trong chúng ta đã từng chịu khổ và thắc mắc: Tại sao càng yêu mến Chúa thường càng gặp khó khăn.
  • Anh chị em có nghe câu chuyện ‘bắn chim chết’ không? Có một Cơ-Đốc nhân vì hoàn cảnh gia đình phải đi làm người giúp việc cho một người chủ không tin Chúa. Người chủ biết Cơ-Đốc nhân nầy, nên thường chế nhạo bảo anh đừng tin Chúa nữa, vì người chủ không tin Chúa mà giàu; còn anh tin Chúa thì bị nghèo phải đi ở mướn, chịu nhiều cực khổ. Anh em tin Chúa nầy không biết giải thích thế nào cho chủ hiểu. Đến một hôm, người chủ đi săn vịt trời, có môt đàn vịt trời bay ngang qua, người chủ giơ súng bắn một phát, một con vịt trời rơi xuống; lại giơ súng bắn con thứ hai, khi ấy người giúp việc tin Chúa chạy đến nắm lấy súng của chủ chỉ xuống hướng con vịt chết bảo chủ bắn, người chủ nổi giận nói: Tại sao anh bảo tôi bắn con vịt chết, nó chết rồi đâu cần bắn. Bắn là bắn con sống kìa.Anh em tin Chúa đó liền dịu giọng xin lỗi người chủ cho mình giải thích một việc: Thưa ông chủ, đúng như vậy. Và đó là lý do tại sao tôi tin cứ bị hoạn nạn hoài, vì ma quỉ chỉ tấn công người sống, còn những người chưa tin Chúa Jêsus thì vốn là những con chim chết rồi, nó đâu cần tấn công nữa.
  • Anh chị em ơi, hãy vui mừng vì biết rằng bởi hoạn nạn khó khăn, anh em biết rõ mình là người Đức Chúa Trời ban phước, nên ma quỉ ganh tị.
2/. Do Đức Chúa Trời cho phép:
  • Nếu Lời Chúa giải thích lý do Cơ-Đốc nhân chúng ta chịu khổ ngừng ở câu 11, thì tôi cùng anh chị em dễ bị đau tim hay đau thần kinh, vì lúc nào cũng bị ganh tị, bị tấn công, lúc nào cũng phải cảnh giác.
  • Cảm ơn Chúa, chúng ta còn có
  • 1:12, Đức Giê-hô-va phán với Satan rằng: Nầy các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó.
  • 2:6, Đức Giê-hô-va phán với Satan rằng: Kìa, người ở trong tay ngươi; nhưng chỉ hãy giữ mạng sống người.
  • Phải, Satan chỉ đụng đến chúng ta được khi CHÚA CHO PHÉP!
  • Chúa cho phép với giới hạn từng bước, bước đầu là chỉ đụng đến những vật ngoại thân của Gióp; bước hai đến thân thể Gióp.
  • Chúa cho phép đụng đến thân thể Gióp nhưng Satan không được đụng đến SỰ SỐNG của Gióp, vì ma quỉ không có quyền trên sự sống của chúng ta.
  • Chúa cho phép vì Ngài biết rõ Gióp bền đỗ, đủ đức tin để thắng được những cám dỗ trong lúc chịu khổ.
  • Satan muốn hại Cơ-Đốc nhân chúng ta, nhưng chỉ khi nào Chúa cho phép. Và Đức Chúa Trời cho phép Cơ-Đốc nhân chịu khổ không phải để làm hại họ, mà là để chứng minh cho Satan biết rằng: Con cái Chúa biết Chúa, yêu Chúa thật lòng bất chấp hoàn cảnh và Chúa cũng yêu thương họ. Chúa phán với Hội Thánh tại Phi-la-đen-phi trong Khải huyền 3:9, Nầy ta ban cho ngươi (Hội Thánh tại Philađenphi) mấy kẻ thuộc trong những kẻ thuộc về hội quỉ Satan… nầy ta sẽ khiến chúng nó đến sấp mình xuống dưới chơn ngươi, và SẼ CHO CHÚNG NÓ BIẾT RẰNG TA ĐÃ YÊU NGƯƠI.
  • Nguyện những lời nầy khích lệ ai đó trong anh chị em đang chịu khổ vì Chúa.

II/. THÁI ĐỘ CHỊU KHỔ:
  • 1:13 – 37:
  • Trong 37 đoạn nầy, chúng ta sẽ thấy hai thái độ khác nhau trong hoàn cảnh chịu khổ của Gióp.
1/. Thái độ của Gióp khi  chịu khổ (Thái độ của người chịu khổ:
  • 1:13 – 3:
  • Chúng ta hãy nghe Kinh thánh mô tả cảnh Gióp chịu khổ:
  • 1:13-19, trong một ngày, Gióp bị cướp, bị thiên tai, mất hết tài sản, mất hết tôi tớ, mất hết 10 đứa con trai gái. Xin nhớ cho là TRONG MỘT NGÀY! Có cảnh khổ nào bằng không?
  • 2:7-8, … Satan … hành hại Gióp một bịnh ung độc, từ bàn chơn cho đến chót đầu. Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro. Thật là một hình ảnh ghê sợ!
  • 2:9, vợ của Gióp xúi giục Gióp: Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi! (nghĩa là hãy tự tử chết đi)
  • Đoạn 3 là lời của Gióp bộc lộ về những nỗi khổ của mình với tất cả sự chân thật của con người không giả tạo thiêng liêng, nỗi khổ đó lớn đến nỗi Gióp phải thốt lên: Nhân sao tôi chẳng chết từ trong tử cung? Nhân sao không tắt hơi khi lọt lòng mẹ… Người như thế mong được chết… (Gióp 3:11, 21).
  • Tuy nhiên, trong lúc chịu khổ như vậy, cảm ơn Chúa, Gióp vẫn ngợi khen Chúa – không phải một sự ngợi khen tự kỷ ám thị vì Gióp vẫn biết MẤT là một sự đau khổ, mà sự ngợi khen do nhận thức CÒN hay MẤT thuộc ý Chúa. Gióp vẫn trung tín với Chúa và Gióp vẫn không phạm tội cùng Chúa.
  • Tôi nghĩ rằng trong chúng ta chưa có ai chịu khổ như Gióp, nhưng anh chị em có thái độ nào? Trong Ma-thi-ơ 13:20-22, Chúa Jêsus Christ đã phải nói lên một sự thật chiếm đa số trong Cơ-Đốc nhân – đa số vì tới hai loại hạt giống, trong khi số tốt chỉ có một loại – đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm… sự lo lắng về đời nầy, sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi… chắc chắn rằng trong cái đa số đó có chúng ta.
2/. Thái độ của các bạn Gióp (Bạn của người chịu khổ):
  • 4: - 37:
  • Trong 2:11, khi nghe tin Gióp chịu khổ, những người bạn của Gióp đã đến thăm. Trong câu nầy giới thiệu ba người, đúng ra là Gióp có bốn người bạn chung quanh ông trong giờ phút chịu khổ nầy. Bốn người bạn đó có hai cái nhìn khác nhau về sự chịu khổ của Gióp.
  • Từ đoạn 4 đến đoạn 31 ghi lại ý kiến của ba người bạn là Ê-li-pha, Binh-đát và Sôpha, tất cả đều kết án Gióp qua kết luận: Sự chịu khổ là hậu quả trực tiếp của tội lỗi.
  • 4:7-8 là quan điểm của Ê-li-pha, kẻ có tội bao giờ cũng hư mất, người ngay thẳng sao lại bị trừ diệt; ai cày sự gian ác, gieo điều khuấy rối, thì gặt lấy nó – chịu khổ.
  • 8:4-6, đây là quan điểm của Binh-đát, Nếu… nếu … nếu … thì bây giờ Chúa đã tỉnh thức Gióp và làm cho nhà công bình của ông hưng thạnh, nghĩa là Gióp không được Chúa tỉnh thức, không được hưng thạnh, là vì ông không cẩn thận tìm kiếm Chúa, không thanh sạch, không ngay thẳng.
  • 11:2-6, quan điểm của Sô-pha, Gióp là người già miệng, khoe khoang, bị Chúa phạt là đáng tội.
  • Nói chung, thay vì đến thăm và an ủi, ba người bạn nầy của Gióp còn làm khổ ông thêm bằng những lời xét đoán tội lỗi cách cay độc, đến nỗi Gióp phải la lên: … Các ngươi hết thảy đều là kẻ an ủi bực bội… (16:1-4)
  • Đoạn 32 đến 37, là thái độ người bạn thứ tư của Gióp tên là Ê-li-hu.
  • 34:36-37, Ê-li-hu trách Gióp lỗi lầm đang khi tranh luận, … vì người đáp lời như kẻ ác…. càng thêm lời nghịch cùng Đức Chúa Trời
  • 35:14-16, Ê-li-hu chỉ cho Gióp thấy sự nóng giận khi tranh luận của ông đưa đến những lời sai quấy,Huống chi ông nói không thấy Ngài… Gióp mở miệng ra luận điều hư không, và nói thêm nhiều lời vô tri.
  • 36:15-16, Ê-li-hu tỏ ra sự cảm thông và khích lệ Gióp: Đức Chúa Trời dùng sự hoạn nạn mà cứu kẻ bị hoạn nạn, và nhờ sự hà hiếp mà mở lỗ tai của người.
  • Đây chính là thái độ có cần mà Chúa muốn chúng ta có khi thăm viếng người chịu khổ: Trách những điều cần trách, nhưng bao giờ cũng phải với tinh thần an ủi, khích lệ người chịu khổ vượt qua cảnh khổ.
  • Trong kinh nghiệm của tôi trong những lúc chịu khổ, dường như lúc nào cũng có tới ba người như ba bạn của Gióp, lâu lắm mới thấy một người như Ê-li-hu. Anh chị em thường đóng vai của ba người bạn hay đóng vai Ê-li-hu?

III/. PHẦN THƯỞNG NGƯỜI CHỊU KHỔ:
  • 38: - 42:
  • Thánh Gia-cơ đã công bố một Phước hạnh về người chịu khổ: Phước cho người bị cám dỗ, vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài (Gia. 1:12)
1/. Phần thưởng thuộc linh:
  • 38: - 42:6.
  • Cảm ơn Chúa, như Chúa hứa: Chẳng có sự thử thách nào quá sức loài người đâu (I Cô. 1013), sự chịu khổ nào rồi cũng phải kết thúc, hoạn nạn sầu than sẽ tận chung.
  • Đến đoạn 38, Đức Chúa Trời đã làm việc của Ngài để kết thúc sự chịu khổ của Gióp. Từ đoạn 38 đến đoạn 41, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Gióp và cho các bạn của Gióp địa vị toàn năng và sự hiện diện của Ngài qua sự sáng tạo và qua sự lạ lùng của muôn vật.
  • 42:1-6, Gióp đã nhận ra một qui luật: Thấy Chúa là thấy được chính mình. Đó là kinh nghiệm của các Thánh đồ:
  • Ê-sai 6:1 và 5, Ê-sai thấy Chúa với tất cả vinh hiển cao sang, ông thấy được chính ông là người có môi dơ dáy ở giữa một dân (một môi trường) có môi dơ dáy.
  • Luca 5:8, Phi-e-rơ nhận ra Chúa Jêsus Christ thì ông cũng nhận ra ông là kẻ đáng chết.
  • Khải huyền 1:17, Sứ đồ Giăng thấy Chúa thì ông cũng nhận diện chính ông không xứng đáng gì đến nỗi ngã ra như chết trước mặt Chúa.
  • Cảm ơn Chúa, Gióp đã làm chứng lại cho chúng ta về phước hạnh của sự chịu khổ. Gióp nói rằng, trước đây ông chỉ biết Chúa qua việc NGHE, nghĩa là qua kinh nghiệm của người khác. Bây giờ nhờ chịu khổ, Gióp đã THẤY Chúa.
  • Đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta ngày nay. Trong sự thịnh vượng, bình an thì ít khi chúng ta quan tâm đến Chúa, nên lấy làm phải lẽ đôi khi Chúa cho chúng ta CHỊU KHỔ để chúng ta dễ nhìn biết Ngài.
2/. Phần thưỡng vật chất
  • Gióp 42:7-17
  • Đọc qua những câu nầy, anh chị em có nhận được sự an ủi và thấy vững tin nơi Chúa nhiều hơn không? Ngoài phần thưởng thuộc linh, Gióp đã nhận được những phần thưởng vật chất mà Chúa ban cho ông nữa:
  • c. 7-9, Gióp được làm người cầu thay cho các bạn mình.
  • c. 10, Gióp được chữa lành bịnh.
  • c. 11, Gióp được nhiều bạn hơn.
  • c. 12, tài sản thêm nhiều, gấp đôi tài sản
  • c. 13-15, có những đứa con ngoan, đẹp. Gióp đã có gấp đôi con cái vì ông đã có 10 đứa con trên trời và 10 đứa con dưới đất.
  • c. 16-17, Gióp được gia tăng tuổi thọ.
  • Tôi quả quyết rằng không ai trong chúng ta còn mong ước gì hơn những phần thưởng mà Chúa đã thưởng cho Gióp. Nguyện dùng đời sống chịu khổ của GIóp để làm cho đức tin của mỗi chúng ta mạnh mẽ hơn, nhất là anh chị em nào đang chịu khổ.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.