Ha-ba-cúc

 I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:
Tên ‘Ha-ba-cúc’ có nghĩa là: ‘Người Được Bồng Ẵm
2. Những suy đoán:
Kinh Thánh không nói gì về đời sống của Ha-ba-cúc, nhưng qua sách của ông, chúng ta có thể suy đoán vài điều:
  • 1:1 xác nhận Ha-ba-cúc là một tiên tri chính thức. Có lẽ ông xuất thân từ Trường Tiên tri nên đã mạnh dạn xưng hô chức vụ. So sánh với các Tiên tri khác, từ Ê-sai đến Ma-la-chi (16 vị), thì chỉ có Ha-ba-cúc, A-ghê và Xa-cha-ri là công khai xưng nhận chức vụ chính thức.
  • 1:2-3, 13-14; 2:1, Ha-ba-cúc có tính cương quyết, can đảm, hay chất vấn Chúa. So sánh với Giô-na 4:, ta thấy hai người tánh tình đều giống nhau, đồng thời cũng thấy sự thân mật giữa Ha-ba-cúc với Chúa, đến nỗi trò chuyện với Chúa cách rất tự nhiên (Giăng 15:15).
  • 1:6, 13, thời kỳ Ha-ba-cúc sống là thời thịnh vượng của người Canh-đê (Ba-by-lôn), cho nên có thể là vào năm 608 TC., sau khi Ni-ni-ve sụp đổ (612 TC.), dưới triều đại của vua Giê-hô-gia-kim (II Vua 23:34 – 24:7), và sau những cải cách của vua Giô-si-a. Qua thời điểm lịch sử trên, ít nhất hai lần Ha-ba-cúc nhìn thấy xứ thánh, dân thánh, bị hà hiếp, bị xâm lấn. Sự việc nầy khiến Ha-ba-cúc cũng như người Y-sơ-ra-ên thắc mắc:”Tại sao Đức Chúa Trời để dân thánh chịu nạn như vậy?”(1:13), vì người Y-sơ-ra-ên luôn cho rằng họ là tuyển dân của Chúa thì Chúa sẽ bảo vệ họ – 1:12)
  • 3:, cho thấy Ha-ba-cúc rất giỏi về âm nhạc, đã viết nhạc cho ban nhạc học theo. Có thể Ha-ba-cúc thuộc dòng dõi Lê-vi, có những nhạc sĩ như A-sáp, Hê-man, và Giê-đu-thun (I Sử 25:1-5), vì đoạn 3:, bài ca có lời giới thiệu và kết thúc rất đúng luật âm nhạc.
  • 3:1, thể thi ca.
Trong nguyên văn, chữ shigionoth có nghĩa là bài ca đắc thắng, vui mừng. Nhưng cũng có nghĩa là than khóc.
Như vậy, đây là bài ca vui mừng của một người ăn năn.
  • Cuối đoạn 3 có phần ghi chú: “giao cho quản phường nhạc, khảy đờn mà hát bài này”.
Như vậy, Ha-ba-cúc viết cho ban nhạc, chứng tỏ ông là một Trưởng Ban Nhạc, một Ca Trưởng.

II/. BỐ CỤC:
Đề mục: NGƯỜI CÔNG BÌNH
Câu gốc: 1:4
  1. Gánh Nặng Của Người Công Bình: 1:
  1. Người Công Bình là người có gánh nặng: 1:1
  2. Hình ảnh về gánh nặng của người Công Bình: 1:2-11
  3. Thái độ của người Công Bình đối với gánh nặng: 1:12-17
  1. Khải Tượng của Người Công Bình: 2:
  1. Người Công Bình là người có khải tượng: 2:1
  2. Tánh chất khải tượng của Người Công Bình: 2:2-3
  3. Nội dung khải tượng của Người Công Bình: 2:4-20
  1. Sự Cầu Nguyện của Người Công Bình: 3:
  1. Cách cầu nguyện của Người Công Bình: 3:1
  2. Đối tượng cầu nguyện của Người Công Bình: 3:2-15
  3. Kết quả sự cầu nguyện của Người Công Bình: 3:16-19
GIẢI THÍCH BỐ CỤC:
  1. Gánh Nặng của Người Công Bình: 1:
    1. Người Công Bình là người có gánh nặng: 1:1
Từ ngữ ‘gánh nặng’ cũng được dịch là “Sự hiện thấy” (xem chú thích trong Ê-sai 13:1), hay là Lời Chúa phán trong một sự hiện thấy đặc biệt mà sự hiện thấy đó đè nặng tấm lòng người thấy.
Gánh nặng ở đây là một sứ mạng Chúa giao phó. Thế thì, Chúa không thể giao phó sứ mạng cho một người chưa được cứu, nghĩa là người chưa được Chúa kể là công bình.Vì vậy, người có gánh nặng hoặc là có sứ mạng Chúa giao phó ở đây là:
  • Một Tiên tri, nghĩa là một người đã được cứu và được Chúa kêu gọi dâng mình cho Chúa.
  • Một người được Chúa ‘bồng ẵm’ (Ha-ba-cúc), nghĩa là một người đã từng được kinh nghiệm sự yêu thương chăm sóc của Chúa. Từ ngữ ‘bồng ẵm’ (ha-ba-cúc – Thi thiên 131:2) đã diễn tả được sự thân mật, gần gũi, yêu thương. Chúng ta thấy điều đó trong cách Ha-ba-cúc trò chuyện cởi mở với Chúa, giống như một đứa con bé bỏng còn bồng trên tay mẹ thỏ thẻ với mẹ.
  • Hình Ảnh Gánh Nặng của Người Công Bình: 1:2-11
Những hình ảnh Gánh nặng của Người Công Bình được nói rất rõ:
  • Phương diện của Chúa: 1:2
Dường như Chúa không nghe, không khứng giải cứu. Chỉ những linh hồn tương giáo thân mật với Chúa mới cảm xúc được gánh nặng của lời kêu cầu mà DƯỜNG NHƯ Chúa yên lặng.
Hãy đọc Giô-suê 7:6 để thấy được gánh nặng đè trên Giô-suê khi Chúa yên lặng trước sự thất bại của dân Chúa đối với thành A-hi.
Hãy đọc Mathiơ 27:46 để thấy được gánh nặng đè trên Chúa Jêsus Christ khi Đức Chúa Cha yên lặng trong giờ phút Ngài mang tội lỗi của cả nhân loại trên thập tự giá.
Người ở trong ánh sáng thường xuyên (I Giăng 1:7) thì mới có cảm xúc nặng nề, bực bội, trong giờ mất điện. Đứa con từng được bồng ẵm mới hiểu được gánh nặng khi xa cha mẹ.
  • Phương diện cá nhân Ha-ba-cúc: 1:3-11
Ha-ba-cúc BỊ Chúa cho thấy sự gian ác, ngang trái, tàn hại, bạo ngược, tranh đấu, cãi lẫy. Nhưng tội lỗi đó ở trước mặt ông và dấy lên, nghĩa là nó cám dỗ cả Ha-ba-cúc và còn phát triển mạnh.
Người Công Bình mới thấy tội lỗi là gánh nặng (Thi thiên 32:3-4).
Người mặc áo mới và trắng mới thấy vết dơ là gánh nặng.
Và Ha-ba-cúc đã kể ra từng chi tiết sự gian ác, ngang trái …
  1. Thái độ của Người Công Bình đối với gánh nặng: 1:12-17
Ha-ba-cúc đã trình bày những gánh nặng nầy với Chúa là Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời tôi, là Đấng Thánh của tôi.
Hãy để ý cách Ha-ba-cúc xưng hô với Chúa, ông luôn xưng ‘của tôi’, tỏ ra sự thân mật, gần gũi, thân mật giữa ông với Chúa.
Chính từ thân mật đó mà Ha-ba-cúc đã biện luận với Chúa trong lời cầu nguyện một cách rất tự nhiên:
            Sao Ngài         1:3…
            Sao Ngài         1:14 …
So với 1:2-3,
            Ngài không nghe tôi cho đến chừng nào?
Nhơn sao…
Đời sống cầu nguyện của các thánh đồ luôn luôn là một buổi trò chuyện với Chúa cách tự nhiên.
  • Sáng. 18:, Áp-ra-ham cầu thay cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ bằng cách trả giá từng người với Chúa.
  • Dân. 11:11-15, Môi-se trút cơn giận cho Chúa mà Chúa không hề giận ông.
  • I Vua 19:4, 10, Ê-li than thở, khiếu nại với Chúa.
  • Giô-na 4:, Giô-na thốt lên những lời phiền trách Chúa đầy giận hờn.
  1. Khải tượng của Người Công Bình: 2:
    1. Người Công Bình là Người có khải tượng: 2:1
      • Người có khải tượng là người đứng nơi vọng canh (Thi thiên 130:6)
      • Người có khải tượng là người đứng chôn chân nơi đồn lũy.
      • Người có khải tượng là người đang rình xem Chúa dạy.
Người có khải tượng là người tỏ ra thiết tha, khao khát gặp Chúa, muốn nghe Chúa phán dạy. Khải tượng không đến cách tình cờ mà chỉ đến với người khao khát (Đa-ni-ên 9:1-4, 20-21; Amốt 7:14-15).
Người có khải tượng là người sẵn sàng trả lời, giải thích với Chúa và là người luôn suy nghĩ, quan tâm đến công việc của Chúa.
Câu nầy có 2 ý:
(1). Chúa trả lời cho Ha-ba-cúc.
(2). Chính Ha-ba-cúc sẵn sàng trả lời điều ông đã khiếu nại với Chúa trong đoạn 1.
  1. Tính chất khải tượng của Người Công Bình: 2:2-3
    • Khải tượng từ Chúa.
    • Khải tượng có tánh chất rõ ràng, không có gì thần bí, huyễn hoặc
    • Ứng nghiệm.
  2. Nội dung khải tượng của Người Công Bình: 2:4-20
    • Nội dung khải tượng được ban cho vì lòng người kiêu ngạo (c. 24)
    • Nội dung khải tượng rao báo cho 5 hạng người với 5 lần ‘khốn thay’ (2:6, 9, 12, 15, 19, so với Ê-sai 5:8, 11, 18, 20, 21, 22)
  1. Sự Cầu Nguyện của Người Công Bình: 3:
    1. Cách Người Công Bình cầu nguyện: 3:1
Lời cầu nguyện theo thể thi ca, mà thể thi ca nầy dùng theo hai cách (Shigionoth):
  • Vừa là một bài cầu nguyện than khóc.
  • Vừa là một bài cầu nguyện ngợi khen.
Lời cầu nguyện sẽ làm cho người đang suy nhược, tức giận trở nên vui mừng, tin cậy. Sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự cứu rỗi (II Côr. 7:10)
  1. Đối tượng cầu nguyện của Người Công Bình: 3:2-15
    • Dù giận đối tượng nhưng vẫn yêu thương (3:2)
    • Ha-ba-cúc nhớ lại một Đức Chúa Trời đầy quyền năng đã từng thi hành bao nhiêu phép lạ giải cứu dân Chúa (3:13).
Đó là hai lý do khiến Ha-ba-cúc dù buồn, dù giận khi thấy Người Công Bình bị hà hiếp, nhưng vui mừng vì Chúa vẫn thương xót và quá khứ đã chứng minh sự thương xót đó.
  1. Kết quả lời cầu nguyện của Người Công Bình: 3:16-19
Đức tin của Ha-ba-cúc thể hiện mạnh mẽ sau lời cầu nguyện.
  • Dù phải chờ ngày hoạn nạn (3:16), bị xâm lăng.
  • Dù nghèo đó (3:17).
Ông cũng vui mừng, tin cậy nơi Chúa (3:18-19). Đó là dấu hiệu của một người công bình.
III/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Câu gốc 2:4:
Câu Kinh Thánh nầy được Tân Ước nhắc lại 3 lần, cùng một câu nhưng cách ứng dụng qua 3 mặt khác nhau:
  • Rôma 1:17, nhấn mạnh chữ Người Công Bình, tức là nhấn mạnh một người được xưng công bình là bởi đức tin.
  • Galati 3:11, nhấn mạnh chữ đức tin, tức là nhấn mạnh điều kiện để được xưng công bình
  • Hêb. 10:38, nhấn mạnh chữ Sống, tức là nhấn mạnh kết quả của một người bởi đức tin được xưng công bình.
  1. Một đề tài:
  1. Sự cầu nguyện:
Đoạn 1, có hai vấn đề trong lời cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Tại sao Chúa không trả lời? (1:2-12)
  • Tại sao Chúa chung chịu tội lỗi? (1:13-17)
Đoạn 2, có hai lời hứa cho lời cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Lời hứa Chúa sẽ trả lời không chậm trễ (2:1-3)
  • Lời hứa Chúa sẽ đoán phạt kẻ ác (2:4-20)
Đoạn 3 có hai kết quả từ sự cầu nguyện của Ha-ba-cúc:
  • Cảm tạ Chúa về quá khứ
  • Hứa nguyện cho tương lai.
  1. Đức tin:
Với đề tài đức tin, chúng ta có 3 điều liên quan đến đức tin trong đoạn 3:
  • 1:, tiếng than trách của đức tin (1:13)
  • 2:, Tầm nhìn của đức tin (2:4)
  • 3:, Bài ca của đức tin (3:19)
Trong những ngày chờ đợi Chúa Jêsus tái lâm, Cơ-đốc nhân cũng sẽ phải trải qua những ngày như Ha-ba-cúc: THẤY và CHỊU hoạn nạn. Thế thì sách Ha-ba-cúc là nguồn năng lực cho người có đức tin.

Đề mục: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC
Kinh Thánh: Ha-ba-cúc 1: - 3:
Câu gốc: Hab. 3:16

I/. LÝ DO HA-BA-CÚC CẦU NGUYỆN – 1:
  • Trong những ngày qua rất nhiều người trong đó có Cơ-Đốc nhân chúng ta nhìn vào thảm họa Katrina, đã nêu ra những thắc mắc: Đức Chúa Trời có tồn tại không? Đức Chúa Trời có yêu thương không? … Những câu thắc mắc như vậy đã có từ trước, nhưng nổi bật lên thường xuyên là từ thảm họa khủng bố 911 (ngày 11-9-2001), rồi thảm họa Sóng thần cuối năm 2004, bây giờ đến thảm họa Katrina tại 3 Tiểu bang Louisiana, Mississippi, Albama, nhất là tại New Orleans). Do đó, lấy làm phải lẽ để chúng ta nhắc đến những thắc mắc của Tiên tri Ha-ba-cúc.
  • 1:2-4, Tiên tri đã ghi lại những thắc mắc của ông trong đoạn 1 nầy:
    • 1:2, … Tôi kêu van mà Ngài không nghe... Tôi vì cớ sự bạo ngược kêu van cùng Ngài, mà Ngài chẳng khứng giải cứu tôi.
    • 1:3, Sao Chúa khiến tôi thấy sự gian ác …? Và ông đã kể những gian ác mà ông đã thấy trong 1:3b-4.
  • Ha-ba-cúc 1:5-17
  • Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, Tiên tri Ha-ba-cúc nói đến thắc mắc của ông với Chúa về một dân tộc là dân Canh đê (1:6)
  • Qua Kinh Thánh, chúng ta biết được dân Canh đê hay còn gọi là dân Ba-by-lôn là một dân quan trọng trong chương trình của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên của Chúa.
  • Thật ra dân Canh đê (hay dân Ba-by-lôn) không phải là Đế quốc hùng mạnh đầu tiên trong lịch sử của loài người. Trước khi dân Canh đê xuất hiện thống trị thế giới Kinh Thánh thời đó, đã có Đế quốc Ai Cập, Đế quốc A-si-ri, từng làm điên đảo các nước từ Vùng Mê-bô-ta-mi đến Bắc Phi châu.
  • Nhưng trong chương trình sửa phạt dân Chúa, Đức Chúa Trời đã dự bị dân Canh đê, một dân tộc ở vùng phía Nam Iraq và Koweit, giữa giao lưu của hai con sông lớn Vùng Vịnh là sông Ơ-phơ-rát và Tiger.
  • Năm 587 TC, Chúa cho phép người Canh đê xâm chiếm Vương quốc Giu-đa, bắt dân Giu-đa lưu đày qua Ba-by-lôn 70 năm.
  • Và trong khi xâm chiếm Giu-đa, người Canh đê đã có những hành động mà Tiên tri Ha-ba-cúc mô tả trong 1:5-11,
    • 1:6, … nó là một dân dữ tợn lung lăng, hay đi khắp đất đặng chiếm lấy những chỗ ở không thuộc về mình.
    • 1:7, nó thật là đáng sợ và đáng ghê…
    • 1:8, sức tiến quân của người Canh đê được so sánh: ngựa lẹ như con beo, hung hơn muông sói ban đêm – không phải muông sói ban ngày, vì ban ngày giống thú dữ nầy ngủ; … chúng nó bay như chim ưng lẹ, nôn nả kiếm ăn – không phải con chim ưng bay lượn vui chơi, mà con chim ưng đang đói săn đuổi con mồi.
  • Đứng trước đạo quân của người Canh đê hung tàn, bạo ngược, Tiên tri Ha-ba-cúc lấy làm lạ và sững sờ, khó mà tin được nếu chính mắt không thấy chỉ nghe người khác thuật lại.
  • Thắc mắc của Tiên tri Ha-ba-cúc là gì? Thắc mắc của ông là tại sao một dân tộc như vậy, Chúa lại dùng?
    • Vì Chúa là Đấng Thánh (1:12). Tiên tri Ha-ba-cúc biết bản tánh của Chúa là thánh đời đời, luôn đối địch với tội lỗi, thế mà Chúa lại dùng dân Canh-đê hung ác?
    • 1:13, Vì mắt của Chúa là thánh sạch chẳng nhìn sự dữ, chẳng nhìn được sự trái ngược. Sao Chúa nhìn xem kẻ làm sự dối trá, Chúa lại nín lặng để người công bình bị kẻ dữ nuốt mất?
  • Từ 1:14-17, Tiên tri quay lại mô tả cho Chúa thấy tội ác của người Canh đê bằng cách dùng một hình ảnh so sánh dân Canh đê như người câu cá, lưới cá; còn loài người – tức là các dân tộc bị xâm chiếm, trong đó có dân Y-sơ-ra-ên của Ha-ba-cúc thì như: cá biển và như loài côn trùng vô chủ (1:14, một con vật có chủ thì có giá trị, một con vật vô chủ thì mất giá trị. Ở đây, Ha-ba-cúc không nói “con vật”, mà nói “côn trùng”, là loài không giá trị lại là côn trùng vô chủ).
  • Bởi đó Ha-ba-cúc thắc mắc với Chúa: Tại sao Chúa có thể yên lặng đứng nhìn tội ác như vậy? Ý của ông là tại sao Chúa không ngăn trở, không can thiệp? Giống như nhiều người ngày nay thắc mắc với Chúa:
    • Tại sao Chúa không can thiệp, mà lại để Ê-va và A-đam ăn trái cấm?
    • Tại sao Chúa Jêsus Christ không bày tỏ quyền năng phạt những người bắt Ngài, đánh đòn Ngài, đóng đinh Ngài, sỉ nhục Ngài?
    • Tại sao Chúa để tôi sống trong hoàn cảnh nầy?
  • Có biết bao nhiêu chữ “Tại Sao?” lúc nào cũng hiện ra trong suy nghĩ của con người để tìm cách trút đổ trách nhiệm về Chúa.
    • Họ không biết rằng, nếu Đức Chúa Trời can thiệp ngăn không cho Ê-va và A-đam ăn trái cấm thì con người chỉ như một đứa bé, một người máy, không còn một chút tự do nào, nếu thế thì Chúa đã đụng đến sự tự do mà Chúa đã ban cho con người (Sáng 2:16).
    • Họ không biết rằng nếu Chúa Jêsus Christ phạt những kẻ bắt Ngài, sỉ nhục Ngài, … và nếu Chúa Jêsus Christ xuống khỏi thập tự mà không bằng lòng chết cho tội lỗi nhân loại, thì loài người hoàn toàn mất sự cứu rỗi.
    • Họ không biết rằng, sở dĩ họ sống trong hoàn cảnh hiện tại khốn khổ có thể là vì tội lỗi họ đã làm, hoặc vì sự luyện tập của Chúa…(Gia-cơ 1:12)
  • Ngay trong thảm họa Katrina, thay vì ngồi lại để nhận ra New Orleans là một thành phố đầy tội lỗi với các sòng bài trên bờ dưới tàu, tổ chức những Lễ Hội dâm dục, kể cả việc mời một Lễ Hội Đồng tính về New Orleans khiến Chúa phải đoán phạt qua Bão Katrina tràn vào, thì người ta lại đổ thừa trách nhiệm từ người nầy sang người khác, như A-đam đổ thừa cho Ê-va ngày xưa, rồi Ê-va lại đổ thừa cho con rắn, rồi họ lại thắc mắc với Đức Chúa Trời Tạo Hóa có thực hữu không, Ngài có yêu thương không.
  • Và Tiên tri Ha-ba-cúc cũng đã rơi vào những thắc mắc như vậy.
II/. ĐỐI TƯỢNG CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC - 2:
  • 2:2, Đức Giê-hô-va đáp lại cùng ta mà rằng…
  • Đối tượng thắc mắc của Ha-ba-cúc chính là ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
  • Đoạn 2:2, Chúa trả lời thắc mắc của Tiên tri Ha-ba-cúc.
  • 2:13, Chúa phán: Phải, ấy há chẳng phải bởi Đức Giê-hô-va vạn quân mà các dân làm việc cho lửa, và các nước nhọc nhằn cho sự hư không hay sao?
  • Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nhóm từ “làm việc cho lửa”. Nhóm từ nầy Chúa muốn nói là tất cả công trình của các dân làm cho họ đều trong phút chốc sẽ tàn rụi. Giống như một người xây dựng căn nhà của mình, dồn hết cả cuộc đời làm lụng vất vả có được bao nhiêu tiền đổ vào xây căn nhà, bỗng chốc ngọn lửa thiêu rụi hết. Sách Truyền đạo gọi là “hư không”. Phần b của câu 13, Chúa phán:họ đã nhọc nhằn cho sự hư không.
  • Hình ảnh rõ ràng nhất cho Lời Chúa phán ở đây là hình ảnh hai tòa nhà WTC tại New York trong ngày 11-9-2001, phút chốc đã đổ sụp xuống cách khủng khiếp. Hình ảnh Sóng thần tại Aceh (Indonesia), tại Phukhet (Thailand), và bây giờ tại New Orleans, phút chốc tan thành mây khói
  • Chắc chắn người Canh đê (Babylôn) thấm thía lời phán nầy của Chúa hơn hết. Sách Đaniên 5:30-31 ghi lại giờ phút người Canh đê làm việc cho lửa, nhọc nhằn cho sự hư không: Ngay đêm đó – nghĩa là chỉ trong một đêm – vua người Canh đê là Bên-xát-xa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước… Thật là “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, chẳng những người Canh đê trở thành tay không mà còn mất hẳn luôn tên Ba-by-lôn trên bản đồ thế giới.
    • Chúa cho phép xảy ra những điều mà Ha-ba-cúc thấy trong 1:13-14, là để loài người thấy được vinh quang của Chúa, thấy được tội ác của những kẻ chống nghịch Chúa, những kẻ làm hại dân Chúa, càng đen đậm chừng nào thì lại càng làm cho màu trắng thánh khiết của Chúa vinh hiển chừng nấy.
    • Hãy xem Lịch sử Hội Thánh của Chúa trải qua hơn 200 năm bị Đế quốc Lamã bách hại, dường như Chúa yên lặng nhìn xem kẻ làm sự dối trá, kẻ dữ nuốt người công bình, Cơ-Đốc nhân bị tàn sát biết bao nhiêu. Đến năm 311, thình lình Đạo của Chúa chinh phục toàn Đế quốc Lamã, Danh Chúa được tôn cao trên toàn Đế quốc.
    • Hãy xem Hội Thánh tại Triều Tiên trong cuộc chiến quân Bắc Hàn tràn qua sông Áp-lục chiếm Nam Hàn năm 1951, biết bao Cơ-Đốc nhân bị giết hại, chặt đầu, vì đức tin. Dường như Chúa yên lặng nhìn kẻ làm sự dối trá, kẻ dữ nuốt người công bình. Cảm ơn Chúa, thình lình Chúa cho phép quân đội Nam Hàn lật ngược thế cờ, hòa bình vãn hồi, Hội Thánh tại Nam Hàn được phục hưng mạnh mẽ biết bao nhiêu cho đến ngày nay.
    • Thật vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển.
  • 2:20, cuối cùng Chúa bày tỏ uy quyền tuyệt đối của Ngài: Nhưng Đức Giê-hô-va ở trong đền thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãy làm thinh!
  • Chúa cho Ha-ba-cúc biết rằng Ngài vẫn là Đấng Thánh, vẫn ngự trong Đền Thánh, Chúa vẫn tể trị trên vũ trụ, trên toàn thế giới, và Chúa đang cho phép những thảm họa để loài người tỉnh thức ăn năn quay về với Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, lìa bỏ các thần giả dối.
  • Thi thiên 37:7, Chúa phán: Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
  • Thi thiên 46:10, Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.
  • Cảm ơn Chúa, Chúa thật yêu thương đã dạy cho Tiên tri của Chúa bài học biết áp dụng những hiểu biết về Chúa cho chính đời sống mình.
  • Tôi tin rằng Tiên tri Ha-ba-cúc đã từng giảng dạy cho mọi người về một Đức Chúa Trời Toàn năng, vinh hiển, công bình, thánh khiết, như Chúa đã giảng lại cho Ha-ba-cúc. Chỉ có một điều là Ha-ba-cúc chưa áp dụng vào cho chính mình.
  • Anh chị em có hiểu Chúa muốn phán dạy chúng ta không? Chúng ta học rất nhiều về Chúa, bây giờ Chúa đã cho chúng ta thấy oai nghiêm của Chúa, lòng mỗi chúng ta có tỉnh thức chút nào không? Hay là cứ sống như không có Đức Chúa Trời?
II/. THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC – 3:
  • Đọc qua phần cuối của sách Ha-ba-cúc, chúng ta phải thật cảm tạ Chúa, vì sách đã khởi đầu với những thắc mắc, trách hờn Chúa của Ha-ba-cúc. Nhưng đến phần kết thúc thì là đầy vui mừng, thỏa mãn trong Chúa, với những lời hứa nguyện vững vàng với Chúa của Ha-ba-cúc.
  • Tiên tri Ha-ba-cúc đã bày tỏ thái độ của ông sau khi đã hiểu rõ ý muốn của Chúa trên dân Chúa, trên cá nhân của ông.
  1. Thái độ I: Chấp nhận ý Chúa:
  • 3:16
  • Ha-ba-cúc đã sống thật với con người của ông, dù ông là một Tiên tri, nhưng rõ ràng là ông không giả bộ thiêng liêng, không che giấu sự yếu đuối của ông – vì ông vẫn là một con người bằng xương bằng thịt.
  • Ông nói cảm nghĩ của ông khi nghe biết ý của Chúa:
    • … thân thể tôi run rẩy
    • … môi tôi rung động
    • … tôi run rẩy trong chỗ tôi
  • Khi biết được ý Chúa, Ha-ba-cúc có sợ không? Có, và rất sợ! Những từ ngữ trên đã mô tả cái “run” của Ha-ba-cúc, run cả người, môi đánh lập cập, đứng không còn vững.
  • Đây có phải là yếu đức tin không? Chắc chắn là không, nhưng là sống thật. Kinh Thánh đã ghi lại những run rẩy, yếu đuối của các Thánh đồ:
    • Xuất. 4:10-13, Môi-se thật đã run sợ khi nghe Chúa sai ông đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, sự run sợ đó đã khiến ông quyết liệt từ chối sự kêu gọi của Chúa.
    • Giô-suê 1:6, 9, 18b, phải đến 3 lần Chúa và dân Chúa khích lệ tinh thần của Giô-suê, vì ông đang run sợ khi phải đứng lên lãnh đạo dân Chúa.
    • I Vua 19:3, Tiên tri Ê-li sợ hãi biết dường nào khi nghe lời hăm dọa của Hoàng hậu Giê-sa-bên.
    • Luca 22:41-44, chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta cũng đầy run rẩy khi nhìn thấy bóng dáng của Thập tự giá mà Ngài phải gánh chịu vì nhân loại.
  • Vấn đề của Ha-ba-cúc là sau khi biết ý Chúa sẽ cho phép hoạn nạn xảy đến để sửa phạt dân Chúa, với sự run sợ khi thấy viễn cảnh dân mình phải chịu, Ha-ba-cúc cũng lấy đức tin thưa với Chúa: Tôi phải nín lặng để chờ ngày hoạn nạn, là ngày có dân đến xâm chiếm chúng tôi.
  • Ông chấp nhận cái roi sửa phạt của Chúa!
  • Những năm tháng qua với những thảm họa:
    • Thảm họa khủng bố 911/2001, nước Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta đang ở trên đất Mỹ) có run sợ, có vội vàng chạy đến tìm kiếm Chúa. Nhưng thật sự nước Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta) đã không nhận ra sự sửa phạt của Chúa, vì tất cả đã trở lại với những khuynh hướng tội lỗi, vẫn cứng lòng với Tin Lành của Chúa.
    • Thảm họa Sóng Thần cuối năm 2004 thật sự có làm cho người Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta tại Mỹ) lo sợ, nhất là những người ở ven biển. Nhưng thay vì ăn năn, người Mỹ chỉ nghĩ đến cứu trợ, và người Việt-nam chúng ta lại kéo nhau đi cầu nguyện cho người đã chết.
    • Bây giờ với thảm họa Katrina, người Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta) có nhận ra sự sửa phạt của Chúa không? Câu trả lời là KHÔNG! Họ không biết rằng thành phố New Orlean và Bang Louisiana đã phạm những điều gớm ghiếc trước mặt Chúa với những lễ hội dâm dục, được mời đến ngay cả trước ngày bão Katrina đổ vào, họ đầy dẫy cờ bạc, ma túy. Bây giờ thay vì biết Chúa sửa phạt, họ đang đổ tội vào chính phủ Mỹ không chi tiền củng cố đê ngăn nước, không cứu trợ kịp lúc…
  • Cơ-Đốc nhân chúng ta thì có nhìn thấy cái roi sửa phạt tỉnh thức chúng ta trước giờ chúng ta gặp Chúa không trước các thảm họa đó?
  1. Thái độ thứ 2: Tin cậy nơi Chúa:
  • 3:17-19
  • Vui mừng trong hoàn cảnh nào?
  • 3:17, Ha-ba-cúc tuyên bố vui mừng ngay trong hoàn cảnh: hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế, cây vả không nứt lộc – nghĩa là không có trái; nho không có trái, cây Ôli-ve không sanh sản; ruộng không sanh đồ ăn; chiên bị dứt khỏi ràn; bò không còn nữa trong chuồng… Hoàn toàn không còn gì cả. Hãy nhìn thảm cảnh của các nạn nhân thảm họa khủng bố 911, hãy nhìn nạn nhân thảm họa Sóng thần, hãy nhìn nạn nhân bão Katrina, họ không còn gì cả.
  • Vì chúng ta đang ở xa những Bang đang gánh chịu cơn bão Katrina nên khó hiểu hết thảm cảnh mà Ha-ba-cúc đang nói đến. Dù vậy, qua những lời người trong cuộc tự thuật, nhất là họ là những người đang sống trên nước Mỹ giàu có, thức ăn thừa thải, thế mà họ vẫn chết đói, thành phố New Orlean trở thành thành phố “ma”.
  • Nếu ở trong thảm cảnh đó, chúng ta có vui mừng, có còn tin cậy nơi Chúa được không? Tôi nghĩ chúng ta chưa nên trả lời vội.
  • Tại sao? Vì thật sự chúng ta đã học điều nầy rất nhiều lần qua sự vui mừng của Phaolô trong nhà tù tại Philíp (Công vụ 16:25), sự vui mừng của Phaolô đang khi bị tù tại Lamã (Philíp 4:4). Thực tế chúng ta dường như chưa áp dụng được lần nào mỗi khi hoạn nạn “rất nhẹ” xảy đến cho chúng ta – nếu so với cảnh những nạn nhân đang chịu ở New Orlean.
  • Cảm ơn Chúa, khi đọc đến câu cuối cùng của sách Ha-ba-cúc, tôi tin rằng không ai trong chúng ta không thốt lên lời “A-men”.
  • Ha-ba-cúc biết rằng trong thảm cảnh (câu 17), ông có thể đứng được là nhờ sức mạnh của Chúa, như Phaolô nói trong Êph. 6:10; Philíp 4:13.
  • Sức của Chúa ích lợi gì cho ông?
  • 3:19b, Ngài làm cho chơn tôi giống như chơn con hươu… nơi cao của mình.
  • Ha-ba-cúc không hề tránh né hoạn nạn, ông vẫn bằng lòng vâng phục ý Chúa nếu phải đi trên các nơi cao của mình. Điều quan trọng là ông xin Chúa cho ông có sức như sức của con hươu (hay là con sơn dương) để đi được trên các nơi cao.
  • Đây có phải là lời cầu nguyện của chúng ta trước những hoàn cảnh hiện nay không? Thay vì xin tránh được hoạn nạn, chúng ta có thể xin Chúa cho mỗi chúng ta có sức Chúa để vượt qua trũng khóc lóc, trũng bóng chết. Muốn Thật Hết Lòng!


Đề mục: ĐỨC TIN CỦA HA-BA-CÚC
Kinh Thánh: Ha-ba-cúc 2:1-4
Câu gốc: Ha-ba-cúc 2:4
Mục đích: Giúp người nghe xác định và thể hiện đức tin.

I/. DẤU HIỆU ĐỨC TIN CỦA HA-BA-CÚC:
  • 2:1
  • Nói đến đức tin của một tiên tri dường như là chuyện thừa, vì theo quan niệm thông thường, người làm chức vụ chắc chắn phải có đức tin.
  • Thật sự quan niệm đó là niềm hãnh diện và an ủi cho người làm chức vụ hầu việc Chúa.
  • Ngay 1:1, Ha-ba cúc đã xác nhận ông là “Tiên tri”. Tên của Ha-ba-cúc có nghĩa là: “Người được bồng ẵm”, như Thi thiên 131:2 đã mô tả ý nghĩa tên Ha-ba-cúc, Tôi đã làm cho linh hồn tôi êm dịu an tịnh, như con trẻ dứt sữa bên mẹ mình; Linh hồn ở trong mình tôi cũng như con trẻ dứt sữa vậy”.
  • Và qua những câu ông chất vấn Đức Chúa Trời: Sao Chúa thế này? Sao Chúa thế khác, rõ ràng ông cũng là một Tiên tri danh tiếng, có đời sống tương giao với Chúa rất sâu nhiệm, đến nỗi một lúc nào đó, dường như Chúa không trả lời ông, đối với Ha-ba-cúc, sự không trả lời của Chúa đối với lời cầu nguyện của ông, ấy là một sự khác thường, thay vì là đối với một số người khi được Chúa trả lời thì lại xem là phi thường.
  • Có người thuật lại rằng: John Wesley – người sáng lập Giáo phái Methodist – ngày nào cũng gặp khó khăn rắc rối, bị người ta chửi mắng, nhục mạ. Đội nhiên đến một hôm, đang đi đường, John Wesley nhớ lại đã 3 ngày rồi ông không hề có ai chửi mắng. John Wesley liền cầu nguyện hỏi Chúa:Chúa ơi, tại sao vậy? Có gì trục trặc trong đời sống của con không? Cầu nguyện xong, John Wesley mở mắt ra, bên kia đường có một người nhận ra John Wesley, người ấy cúi xuống cầm một viên gạch, miệng la lên: John Wesley, cho chết này! Tay người ấy ném viên gạch qua ông. Lập tức John Wesley la lên: Halêlugia! Cảm ơn Chúa, Chúa vẫn yêu thương con.
  • Trường hợp của John Wesley cũng giống trường hợp của Tiên tri Ha-ba-cúc, Tiên tri đã rất lấy làm lạ: lúc nào Chúa cũng đáp lời cầu nguyện của ông, bây giờ: Sao Chúa không nghe tiếng cầu nguyện của ông? Sao Chúa khiến ông thấy sự gian ác? (1:2-3); Sao Chúa có thể nhìn xem sự dữ? (1:13) Sao Chúa khiến loài người như cá biển, như loài côn trùng? (1:14).
  • Cảm ơn Chúa là Tiên tri Ha-ba-cúc đã không nao núng, ông không vì Chúa yên lặng mà mất đức tin nơi Chúa.
  • 2:1, Đức tin của Tiên tri Ha-ba-cúc đã thể hiện mạnh mẽ bằng hành động: Ông quyết định:
    • “Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chơn nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo điều gì,
      • Ha-ba-cúc vẫn tin rằng Chúa sẽ trả lời ông. Một phương diện khác, Ha-ba-cúc tin cậy nơi Chúa sẽ không chấp lỗi ông khiếu nại, thắc mắc, nói theo lối nói thông thường cho rằng ông dám “hỗn” với Chúa.
      • Thật ra, các Thánh đồ trong Kinh Thánh luôn có đời sống cầu nguyện rất thân mật, tự nhiên với Chúa, không hề cầu kỳ khách sáo với Chúa
      • Thí dụ:
      • Sáng. 18:23-32, Áp-ra-ham đã dám trả giá với Chúa từng người công bình trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, để xin Chúa tha thứ cho hai thành tội ác đó.
      • Dân số ký 11:11-15, Môi-se đã dám nói thẳng với Chúa: Sao Ngài làm cho tôi tớ Ngài buồn? Sao … Ngài lại chất gánh nặng của hết thảy dân sự nầy trên mình tôi? Tôi há có thọ thai dân nầy sao? Há có sanh đẻ nó sao? mà Ngài lại phán biểu tôi rằng: Hãy ẵm dân nầy trong lòng ngươi, như người cha nuôi bồng đứa trẻ bú…
      • Giô-na 4:2, Tiên tri Giô-na nói thẳng với Chúa về sự tức giận của ông khi thấy Chúa tha thứ cho thành Ni-ni-ve: Hỡi Đức Giê-hô-va, … ấy chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao (nghĩa là Giô-na biết chắc khi dân Ni-ni-ve ăn năn, Chúa sẽ tha thứ)? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy… Rồi khi Chúa hỏi ông: Ngươi giận có nên không? Giô-na thưa với Chúa: Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm.
      • Tôi tin chắc không ai trong chúng ta dám cầu nguyện với Chúa như vậy.
      • Bây giờ, Tiên tri Ha-ba-cúc cũng nói với Chúa: Tôi sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chơn nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì… Ha-ba-cúc thật giống như một đứa trẻ làm nũng với Chúa, nằm vạ với Chúa, cho đến chừng nào Chúa trả lời. Nếu Ha-ba-cúc không có đức tin nơi Chúa, chắc chắn ông không bao giờ dám làm như vậy.
    • và ta trả lời thế nào về sự đối nại của ta (câu 1b này cũng có thể là: và Chúa trả lời thế nào về sự đối nại của ta”.
      • Phần thứ hai của câu 1 nầy có hai ý đối với chữ “TA”:
      • Một là chính Ha-ba-cúc nói rằng: Ông sẵn sàng trả lời với Chúa những lý do ông khiếu nại với Chúa.
      • Hai là ông chờ Chúa trả lời những khiếu nại của ông như thế nào.
      • Dù giải thích theo ý nào cũng đều bày tỏ đức tin của Tiên tri Ha-ba-cúc rất vững chắc nơi Chúa, dù Chúa trả lời ông sớm hay muộn.
  • Nói tóm một lời, đức tin của Ha-ba-cúc được thể hiện qua dấu hiệu: Dù Chúa trả lời hay không trả lời sự cầu nguyện của ông – thật ra chỉ là Chúa chưa trả lời – Ha-ba-cúc vẫn một lòng tin cậy nơi Chúa.
  • Còn chúng ta thường chỉ tin cậy Chúa khi được Chúa trả lời “ĐƯỢC”; và thường nghi ngờ Chúa khi Chúa chưa trả lời hoặc Chúa trả lời KHÔNG. Xin Chúa cho chúng ta sửa lại đời sống đức tin của chính mình.
II/. ĐỐI TƯỢNG ĐỨC TIN CỦA HA-BA-CÚC:
  • 2:2, Đức Giê-hô-va đáp lại cùng ta mà rằng…
  • Đối tượng đức tin của Ha-ba-cúc chính là ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
  • “Đức Giê-hô-va” của Ha-ba-cúc là ai?
  • Trong đoạn 2 nầy, Chúa đã tự giới thiệu Ngài cho Ha-ba-cúc:
  • 2:13, Chúa phán: Phải, ấy há chẳng phải bởi Đức Giê-hô-va vạn quân mà các dân làm việc cho lửa, và các nước nhọc nhằn cho sự hư không hay sao?
  • Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nhóm từ “làm việc cho lửa”. Nhóm từ nầy Chúa muốn nói là tất cả công trình của các dân làm cho họ đều trong phút chốc sẽ tàn rụi. Giống như một người xây dựng căn nhà của mình, dồn hết cả cuộc đời làm lụng vất vả có được bao nhiêu tiền đổ vào xây căn nhà, bỗng chốc ngọn lửa thiêu rụi hết. Sách Truyền đạo gọi là “hư không”. Phần b của câu 13, Chúa phán:họ đã nhọc nhằn cho sự hư không.
  • Chắc chắn người Canh đê (Babylôn) thấm thía lời phán nầy của Chúa hơn hết. Sách Đaniên 5:30-31 ghi lại giờ phút người Canh đê làm việc cho lửa, nhọc nhằn cho sự hư không: Ngay đêm đó – nghĩa là chỉ trong một đêm – vua người Canh đê là Bên-xát-xa bị giết. Rồi Đa-ri-út là người Mê-đi được nước… Thật là “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, chẳng những người Canh đê trở thành tay không mà còn mất hẳn luôn tên Ba-by-lôn trên bản đồ thế giới.
  • 2:14, Chúa giới thiệu cho Tiên tri Ha-ba-cúc: Vì sự nhận biết vinh quangĐức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển.
  • Chúa muốn phán với Ha-ba-cúc rằng, có một thời gian nào đó, Chúa cho phép các dân, các nước náo loạn, dường như họ “thắng” được  dân Chúa, nhưng rồi trong chớp mắt họ lụi tàn, như
    • Thi thiên 1:4, kẻ ác chẳng như vậy đâu; nhưng chúng nó khác nào rơm rác gió thổi bay đi. Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán xét… 
    • Thi thiên 2:9, Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm.
    • Đaniên 2:34-35, … hòn đá… đập vào bàn chơn bằng sắt và đất sét của pho tượng, và làm cho tan nát. Bấy giờ sắt, đất sét, đồng, bạc, và vàng đều cùng nhau tan nát cả; trở nên như rơm rác bay trên sân đạp lúa mùa hạ, phải gió đùa đi, chẳng tìm nơi nào cho chúng nó; …
      • Chúa cho phép xảy ra những điều mà Ha-ba-cúc thấy trong 1:13-14, là để loài người thấy được vinh quang của Chúa, như tội ác của những kẻ chống nghịch Chúa, những kẻ làm hại dân Chúa, càng đen đậm chừng nào thì lại càng làm cho màu trắng thánh khiết của Chúa vinh hiển chừng nấy.
      • Hãy xem Lịch sử Hội Thánh của Chúa trải qua hơn 200 năm bị Đế quốc Lamã bách hại, dường như Chúa yên lặng nhìn xem kẻ làm sự dối trá, kẻ dữ nuốt người công bình, Cơ-Đốc nhân bị tàn sát biết bao nhiêu. Đến năm 311, thình lình Đạo của Chúa chinh phục toàn Đế quốc Lamã, Danh Chúa được tôn cao trên toàn Đế quốc.
      • Hãy xem Hội Thánh tại Triều Tiên trong cuộc chiến quân Bắc Hàn tràn qua sông Áp-lục chiếm Nam Hàn năm 1951, biết bao Cơ-Đốc nhân bị giết hại, chặt đầu, vì đức tin. Dường như Chúa yên lặng nhìn kẻ làm sự dối trá, kẻ dữ nuốt người công bình. Cảm ơn Chúa, thình lình Chúa cho phép quân đội Nam Hàn lật ngược thế cờ, hòa bình vãn hồi, Hội Thánh tại Nam Hàn được phục hưng mạnh mẽ biết bao nhiêu cho đến ngày nay.
      • Thật vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển.
  • 2:16b, Chén của Đức Giê-hô-va …
  • “Chén” trong tay Chúa là chén gì? Đó là chén thạnh nộ của Chúa, cơn giận của Chúa. Chúa luôn đúng giờ, và sa vào tay Đức Chúa Trời là sự đáng kinh khiếp (Hê.10:31). Có lẽ Ha-ba-cúc không thấy được giờ phút nước Canh đê bị hủy diệt, nhưng cảm ơn Chúa là chúng ta ngày nay đều biết được nước Canh đê (Babylôn) đã uống trọn chén thạnh nộ của Chúa, họ bị tiêu diệt và bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Thật, sự nhuốc nha “đã” (không còn “sẽ” nữa) đã đổ ra trên vinh hiển của người Canh đê.
  • 2:20, cuối cùng Chúa bày tỏ uy quyền tuyệt đối của Ngài: Nhưng Đức Giê-hô-va ở trong đền thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãy làm thinh!
  • Chúa cho Ha-ba-cúc biết rằng Ngài vẫn là Đấng Thánh, vẫn ngự trong Đền Thánh, ông không cần phải bối rối, thắc mắc, cứ yên lặng nhìn xem Chúa làm việc.
  • Thi thiên 37:7, Chúa phán: Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
  • Thi thiên 46:10, Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất.
  • Cảm ơn Chúa, Chúa thật yêu thương đã dạy cho Tiên tri của Chúa bài học biết áp dụng những hiểu biết về Chúa cho chính đời sống mình.
  • Tôi tin rằng Tiên tri Ha-ba-cúc đã từng giảng dạy cho mọi người về một Đức Chúa Trời Toàn năng, vinh hiển, công bình, thánh khiết, như Chúa đã giảng lại cho Ha-ba-cúc. Chỉ có một điều là Ha-ba-cúc chưa áp dụng vào cho chính mình.
  • Anh chị em hiểu Chúa muốn phán dạy chúng ta không? Chúng ta học rất nhiều về Chúa, bây giờ hãy áp dụng Chúa mà chúng ta đã học biết đó vào chính đời sống mình.
III/. ĐẶC ĐIỂM ĐỨC TIN CỦA HA-BA-CÚC:
  • 2:3-4
  • Một lần nữa cảm ơn Chúa, Chúa đã đầy lòng yêu thương tiếp tục dạy cho Tiên tri Ha-ba-cúc bài học về “Đức tin”, một bài học mà Cơ-Đốc nhân chúng ta thường tưởng rằng quá dễ.
  • Có một câu Danh ngôn nói về lương tâm như sau: “Lương tâm là mọi người đều cần, nhưng nhiều người lại tưởng mình có”. Tôi muốn mượn lời đó để nói về đức tin: “Đức tin là điều ai cũng cần, nhưng nhiều người tưởng mình có”.
  • “Nhiều người tưởng mình có”, nhưng thật sự không có, hoặc có mà không hiểu hay không vận dụng đức tin.
  • Rõ ràng chính Tiên tri – xin nhớ đây là Tiên tri – Ha-ba-cúc, tôi tin rằng ông có đức tin, nhưng ông chưa vận dụng đức tin đúng mức, hay chưa hiểu hết về đức tin trong Chúa. Do đó, đến câu 3 và 4, Chúa đã trực tiếp dạy ông hai đặc điểm về đức tin:
  1. Câu 3, Đức tin là phải biết chờ đợi:
  • Chúa dạy Ha-ba-cúc rằng:
    • Sự hiện thấy mà ông đã được Chúa ban cho (1:1) CÒN PHẢI ỨNG NGHIỆM TRONG KỲ NHẤT ĐỊNH, nghĩa là đúng giờ Chúa đã ấn định. Giống như đối với Satan và các quỷ sứ của nó, Chúa cũng cho phép nó hoạt động, và cũng đã ấn định giờ cuối cùng của nó – chính Satan và các quỷ sứ của nó cũng biết định kỳ của nó (Mathiơ 8:29, Có phải Ngài đến đây để làm khổ chúng tôi TRƯỚC KỲ không?; Khải. 12:12, vì ma quỉ biết thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu…; Công vụ 3:20-21
    • Chúa lại nhấn mạnh: nó sẽ kíp đến không phỉnh dối đâu… Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu (II Phi. 3:9)
    • Chúa đã khuyên dạy Ha-ba-cúc, nếu nó chậm trễ (theo cái nhìn của Ha-ba-cúc), thì ông là người có đức tin phải biết chờ đợi, vì lời Chúa phán án phạt cho người Canh đê sẽ không chậm trễ.
  1. Câu 4, Đức tin phải thể hiện qua nếp sống:
  • Câu 4b là một câu Kinh Thánh rất đặc biệt:
    • câu Kinh Thánh nầy, Người công bình thì sống bởi đức tin được lập lại 3 lần trong Tân Ước, nhưng mỗi lần lập lại là một lần nhấn mạnh một phương diện khác nhau:
Rôma 1:17, trong thư Rôma, Phaolô nhắc lại câu Kinh Thánh nầy chú trọng về “người công bình”, nhấn mạnh rằng người được xưng công bình là bởi đức tin không bởi việc làm.
Galati 3:11, trong thư Galati nầy Phaolô chú trọng chữ “đức tin, nhấn mạnh đức tin là điều kiện để được xưng công bình.
Hêbơrơ 10:38, tác giả thư Hêbơrơ chú trọng chữ SỐNG, nói lên kết quả của một người bởi đức tin đã được xưng công bình.
  • Chính câu Kinh Thánh nầy đã tỉnh thức Martin Luther, khiến ông không còn nhờ cậy công đức riêng của ông, và nhờ đó ông đã đứng lên lãnh đạo cuộc cải chánh đưa Hội Thánh trở lại với Kinh Thánh.
  • Riêng đối với Tiên tri Ha-ba-cúc, Chúa dạy ông rằng: Người Công bình hay người của Chúa, không được để lòng kiêu ngạo, sống ngay thẳng, nói cách khác:
    • Người có đức tin sẽ sống trong sự khiêm nhường, không dám kiêu ngạo. Tại sao? Vì họ biết rằng họ được cứu là nhờ ân điển, bởi đức tin, không phải bởi việc làm của họ. Họ biết rằng những gì họ làm được, có được, là bởi Chúa ban cho, không phải bởi tài năng của họ.
    • Người có đức tin sẽ sống ngay thẳng. Tại sao? Người sống không ngay thẳng vì họ sợ thua thiệt, nhưng người có đức tin nơi Chúa, biết rằng Chúa luôn có chương trình tốt đẹp cho họ, luôn quan phòng đời sống của họ, họ sẽ nói như tác giả Thi thiên 27:1-3; Thi thiên 118:6-9
  • Nếu tôi hỏi: Ai trong anh chị em có đức tin? Chắc chắn tất cả chúng ta đều xác nhận: Tôi có đức tin! Thế thì xin Đức Thánh Linh cảm động lòng anh chị em, như Chúa đã cảm động lòng Tiên tri Ha-ba-cúc, bằng lòng SỐNG BỞI ĐỨC TIN!


Đề mục: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC
Kinh Thánh: Ha-ba-cúc 3:1-19
Câu gốc: Ha-ba-cúc 3:19
Mục đích: Tỉnh thức con cái Chúa qua thảm họa của cơn bão Katrina tại New Orlean và các Vùng.

I/. ĐỐI TƯỢNG CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC:
  • Ha-ba-cúc 3:1-15
  • Trong phần đầu của lời cầu nguyện, Tiên tri Ha-ba-cúc đã dành phần lớn để chúc tụng Chúa là Đức Chúa Trời, đối tượng mà ông cầu nguyện.
  • Thật ra đây là cảm nghĩ của Tiên tri Ha-ba-cúc sau khi ông
    • đã khiếu nại với Chúa trong đoạn 1: Tại sao Chúa lại để cho dân Canh-đê hà hiếp dân Chúa, xâm phạm đất thánh, đền thánh của Chúa
    • Rồi ông quyết chí cứ đứng chờ đợi Chúa trả lời sự khiếu nại của ông (2:1)
    • Kết quả là trong đoạn 2, Chúa đã trả lời sự khiếu nại của ông.
  • Bây giờ đến đoạn 3, sau khi nghe Chúa trả lời tại sao Chúa cho phép sự dữ, bạo ngược, sự dối trá… thắng hơn, Ha-ba-cúc đã mau lẹ dâng lời cầu nguyện với Chúa. Vì vậy, đoạn 3 là đoạn Tiên tri Ha-ba-cúc trình bày tấm lòng của ông đối với Chúa sau khi học một bài học quý báu từ Chúa.
  • Nói một cách khác, lời cầu nguyện của Tiên tri Ha-ba-cúc trong đoạn 3 không phải là lời cầu xin, mà là một lời hứa nguyện với Chúa sau khi khám phá về Chúa rõ ràng, thực tế.
  1. Đức Chúa Trời mà Ha-ba-cúc “đã nghe”:
  • 3:1-3
  • Trong câu 2, Ha-ba-cúc xác nhận ông “đã nghe” danh tiếng của Chúa, thì thái độ của ông là sợ hãi.
  • Ha-ba-cúc đã nghe gì về Đức Chúa Trời?
    • 3:2b, Hỡi Đức Giê-hô-va! xin Ngài lại khiến … giữa các năm. Những từ ngữ “giữa các năm” nói lên ý rằng không phải lâu lâu Ha-ba-cúc mới nghe về Đức Chúa Trời một lần, nhưng ông luôn luôn nghe biết công việc Chúa từ năm nầy qua năm khác.
    • 3:2c-3, Khi Ngài đương giận, … từ núi Phan-ran. Ha-ba-cúc đã nghe rằng dù đang giận nhưng Chúa vẫn giữ lòng thương xót. Đó là bài học từ kinh nghiệm thực tế mà Đức Chúa Trời đã đối với dân Y-sơ-ra-ên là dân Chúa.
Ha-ba-cúc đã nhắc lại hai địa danh:
Thê-man, đây là vùng đất của Ê-đôm, từ cháu nội của Ê-sau (Sáng. 36:11, 15), ở phía Nam Biển Chết.
Pha-ran, là đồng vắng Pha-ran, ở giữa núi Si-nai với Biển Chết, nơi dân Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt lang thang 40 năm vì tội vô tín (Dân. 10:12; 12:16), cho đến khi tất cả những người từ Ai Cập ra đi đều chết hết.
Ha-ba-cúc nhắc đến một đoạn lịch sử của người Y-sơ-ra-ên, vì lòng vô tín của họ không chịu vào Đất Hứa, dù đang ở ngay biên giới Đất Hứa. Đức Chúa Trời đã tuyên án sẽ diệt hết thảy (Dân. 14:11-12a). Dù vậy, bởi sự cầu thay của Môi-se, Chúa đã thương xót trong cơn giận, chỉ phạt thế hệ ra khỏi Ai Cập chết hết trong đồng vắng, cho thế hệ sinh trong đồng vắng được vào Đất Hứa (Dân. 14:28-34).
Câu chuyện nầy mô tả Đức Chúa Trời trong cơn giận đã nhớ lại sự thương xót rõ ràng, Tiên tri Ha-ba-cúc đã dùng để ca ngợi Chúa (3:3b, Vinh hiển Ngài bao phủ các từng trời, đất đầy sự khen ngợi Ngài)
  1. Đức Chúa Trời mà Ha-ba-cúc “đã thấy”:
  • 3:4-7.
  • Phân đoạn kế tiếp nầy, Tiên tri Ha-ba-cúc mô tả những gì ông “đã thấy” nơi Đức Chúa Trời.
  • Ha-ba-cúc thấy điều gì nơi Đức Chúa Trời?
    • 3:4, Ha-ba-cúc thấy quyền năng của Chúa bày tỏ ra cách chói rạng, như ánh sáng, như những tia sáng ra từ tay Chúa. Nghĩa là quyền năng của Chúa bày tỏ cách rõ ràng, vinh hiển, không cần suy đoán, không phải nghi ngờ.
  • Ha-ba-cúc thấy quyền năng của Đức Chúa Trời bày tỏ rõ ràng ở đâu?
    • 3:5, quyền năng của Chúa cai trị trên các dịch bệnh, sấm chớp. Người Y-sơ-ra-ên nào cũng không thể quên được 10 tại vạ mà Đức Chúa Trời đã thi hành trên Ai Cập để giải cứu dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ tại đó. 10 tai vạ đó gồm cả những dịch bệnh và tai vạ từ thiên nhiên.
    • 3:6, quyền năng của Chúa bày tỏ rõ ràng trên trái đất nầy qua những cảnh “vật đổi sao dời”, trong khi các đường lối của Chúa vẫn không thay đổi, vẫn như thuở xưa.
Nói đến cảnh thiên tai, động đất, tôi tin rằng những năm tháng gần đây, tất cả chúng ta là những người đang sống an lành trên một đất nước nổi tiếng là “an bình” nhất thế giới – Nước Mỹ – chắc chắn đã “thấy rõ” như Tiên tri Ha-ba-cúc đã thấy: Không có nơi nào an bình cả. Và ngay cả một đất nước giàu có, khoa học hiện đại, kỹ thuật tân tiến, cũng không phải là nơi loài người tin cậy được, như Tiên tri Ê-sai đã loan báo từ gần 3,000 năm trước (Êsai 40:3-8).
Anh chị em hãy đọc những lời nầy, rồi đọc sách Tiên tri Ê-sai 40:3-8, so sánh với cơn bão Katrina vừa qua, rồi nhìn vào những hình ảnh mà chúng ta đã thấy mấy ngày qua sau cơn bão tại New Orlean, điều chúng ta phải thốt lên là “Đức Chúa Trời là Đấng Kính sợ!”.
  • 3:7, Trong câu nầy, Tiên tri Ha-ba-cúc đã nhắc đến hai trận đánh quan trọng trong sách Các Quan xét
Quan xét 3:7-11, hai chữ “Cu-san” nhắc đến trận đánh đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên với dân Cu-san Ri-sa-tha-im.Vì là trận đầu tiên sau khi chia xứ, nên dân Y-sơ-ra-ên sẽ không thể quên.
Quan xét 6: đến 8:, trận đánh kỳ diệu của Ghê-đê-ôn tiêu diệt quân Ma-đi-an. Trận chiến nầy đã làm rung chuyển dân Ma-đi-an không còn ngóc đầu lên được nữa.
  • Đó là những điều Tiên tri Ha-ba-cúc đã thấy quyền năng Chúa làm: quyền năng Chúa thi hành trên thiên nhiên, trên đất, và trên những kẻ hà hiếp dân Chúa.
  • Ha-ba-cúc xác nhận: “Ta Thấy” (c. 7), và ông nói: thì tôi sợ hãi (3:2). Còn chúng ta sau bao nhiêu thảm họa: Thảm họa 911/2001 tại New York; thảm họa sóng thần cuối năm 2004; bây giờ thảm họa bão Katrina, đã nghe, đã thấy, chúng ta có sợ hãi không? Có tỉnh thức không? Có nhìn biết quả thật có một Đức Chúa Trời Tạo Hóa đang nổi giận không?
  1. Đức Chúa Trời mà Ha-ba-cúc “kinh nghiệm”:
  • 3:7-15.
  • Trong phần Kinh Thánh nầy, hai lần Tiên tri Ha-ba-cúc nhắc đến dân Chúa, mà ông cũng là dân Chúa:
    • câu 9, lời thề cùng “các chi phái”
    • câu 13, … đặng cứu “dân mình”
  • Và Tiên tri Ha-ba-cúc bắt đầu phân đoạn nầy với những câu hỏi: Có phải Chúa nổi giận với các sông không?  Có phải Chúa nổi thạnh nộ với biển không?...
  • Câu trả lời của ông rõ ràng là không phải. Tất cả những việc Chúa khuấy động vũ trụ, trái đất, sông, biển, cỡi ngựa đánh trận, cung của Chúa ra khỏi bao, đều là vì lời thề cùng các chi phái là lời chắc chắn – vì lời hứa của Chúa đối với dân Chúa! Đều là vì đặng giải cứu dân mình… (c. 13), trong đó có chính cá nhân ông.
  • Cảm ơn Chúa, Ha-ba-cúc đã khám phá một Đức Chúa Trời không phải bằng giáo điều, giáo thuyết, mà là một Đức Chúa Trời ông đã NGHE, đã THẤY, đã KINH NGHIỆM, giống như Sứ đồ Giăng đã viết ra trong thư I Giăng 1:1, Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy… đã ngắm … đã rờ, về Lời Sự Sống.
  • Chúng ta có thể nói, thay vì phàn nàn qua những cảnh “tang thương biến đổi”, hoạn nạn, phong ba, như nhiều người thường trách Chúa và thắc mắc: Nếu có, sao Chúa lại để những thảm họa xảy ra? Nếu có Chúa, sao tôi bị hoạn nạn? Trong hoàn cảnh đó, Ha-ba-cúc lại khám phá Đức Chúa Trời thật quyền năng và đầy yêu thương!

II/. THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN CỦA HA-BA-CÚC:
  • Ha-ba-cúc 3:16-19
  • Đọc qua phần cuối của sách Ha-ba-cúc, chúng ta phải thật cảm tạ Chúa, vì sách đã khởi đầu với những thắc mắc, trách hờn Chúa của Ha-ba-cúc. Nhưng đến phần kết thúc thì là đầy vui mừng, thỏa mãn trong Chúa, với những lời hứa nguyện vững vàng với Chúa của Ha-ba-cúc.
  • Và có 3 thái độ mà Tiên tri Ha-ba-cúc đã bày tỏ thái độ của ông sau khi đã hiểu rõ ý muốn của Chúa trên dân Chúa, trên cá nhân của ông.
  1. Thái độ I: Chấp nhận ý Chúa:
  • 3:16
  • Ha-ba-cúc đã sống thật với con người của ông, dù ông là một Tiên tri, nhưng rõ ràng là ông không giả bộ thiêng liêng, không che giấu sự yếu đuối của ông – vì ông vẫn là một con người bằng xương bằng thịt.
  • Ông nói với Chúa:
    • … thân thể tôi run rẩy
    • … môi tôi rung động
    • … tôi run rẩy trong chỗ tôi
  • Khi biết được ý Chúa, Ha-ba-cúc có sợ không? Có, và rất sợ! Những từ ngữ trên đã mô tả cái “run” của Ha-ba-cúc, run cả người, môi đánh lập cập, đứng không còn vững.
  • Đây có phải là yếu đức tin không? Chắc chắn là không, nhưng là sống thật. Kinh Thánh đã ghi lại những run rẩy, yếu đuối của các Thánh đồ:
    • Xuất. 4:10-13, Môi-se thật đã run sợ khi nghe Chúa sai ông đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên, sự run sợ đó đã khiến ông quyết liệt từ chối sự kêu gọi của Chúa.
    • Giô-suê 1:6, 9, 18b, phải đến 3 lần Chúa và dân Chúa khích lệ tinh thần của Giô-suê, vì ông đang run sợ khi phải đứng lên lãnh đạo dân Chúa.
    • I Vua 19:3, Tiên tri Ê-li sợ hãi biết dường nào khi nghe lời hăm dọa của Hoàng hậu Giê-sa-bên.
    • Luca 22:41-44, chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta cũng đầy run rẩy khi nhìn thấy bóng dáng của Thập tự giá mà Ngài phải gánh chịu vì nhân loại.
  • Vấn đề của Ha-ba-cúc là sau khi biết ý Chúa sẽ cho phép hoạn nạn xảy đến để sửa phạt dân Chúa, với sự run sợ khi thấy viễn cảnh dân mình phải chịu, Ha-ba-cúc cũng lấy đức tin thưa với Chúa: Tôi phải nín lặng để chờ ngày hoạn nạn, là ngày có dân đến xâm chiếm chúng tôi.
  • Ông chấp nhận cái roi sửa phạt của Chúa!
  • Những năm tháng qua với những thảm họa:
    • Thảm họa khủng bố 911/2001, nước Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta đang ở trên đất Mỹ) có run sợ, có vội vàng chạy đến tìm kiếm Chúa. Nhưng thật sự nước Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta) đã không nhận ra sự sửa phạt của Chúa, vì tất cả đã trở lại với những khuynh hướng tội lỗi, cứng lòng với Tin Lành của Chúa.
    • Thảm họa Sóng Thần cuối năm 2004 thật sự có làm cho người Mỹ (trong đó có người Việt-nam chúng ta tại Mỹ) lo sợ, nhất là những người ở ven biển. Nhưng thay vì ăn năn, người Mỹ chỉ nghĩ đến cứu trợ, và người Việt-nam chúng ta lại kéo nhau đi cầu nguyện cho người đã chết.
    • Bây giờ với thảm họa Katrina, người Mỹ có nhận ra sự sửa phạt của Chúa không? Câu trả lời là KHÔNG! Họ không biết rằng thành phố New Orlean và Bang Louisiana đã phạm những điều gớm ghiếc trước mặt Chúa với những lễ hội dâm dục, được mời đến ngay cả trước ngày bão Katrina đổ vào, họ đầy dẫy cờ bạc, ma túy. Bây giờ thay vì biết Chúa sửa phạt, họ đang đổ tội vào chính phủ Mỹ không chi tiền củng cố đê ngăn nước, không cứu trợ kịp lúc…
  • Cơ-Đốc nhân chúng ta thì sao trước các thảm họa đó?
  1. Thái độ thứ 2: Vui mừng trong Chúa:
  • 3:17-18
  • Vui mừng trong hoàn cảnh nào?
  • 3:17, Ha-ba-cúc tuyên bố vui mừng ngay trong hoàn cảnh: hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế, cây vả không nứt lộc – nghĩa là không có trái; nho không có trái, ây Ôli-ve không sanh sản; ruộng không sanh đồ ăn; chiên bị dứt khỏi ràn; bò không còn nữa trong chuồng…
  • Vì chúng ta đang ở xa những Bang đang gánh chịu cơn bão Katrina nên khó hiểu hết thảm cảnh mà Ha-ba-cúc đang nói đến. Dù vậy, qua những lời người trong cuộc tự thuật, nhất là họ là những người đang sống trên nước Mỹ giàu có, thức ăn thừa thải, thế mà họ vẫn chết đói, thành phố New Orlean trở thành thành phố “ma”.
  • Nếu ở trong thảm cảnh đó, chúng ta có vui mừng được không? Tôi nghĩ chúng ta chưa nên trả lời vội.
  • Tại sao? Vì thật sự chúng ta đã học điều nầy rất nhiều lần qua sự vui mừng của Phaolô trong nhà tù tại Philíp (Công vụ 16:25), sự vui mừng của Phaolô đang khi bị tù tại Lamã (Philíp 4:4). Thực tế chúng ta dường như chưa áp dụng được lần nào mỗi khi hoạn nạn “rất nhẹ” xảy đến cho chúng ta – nếu so với cảnh những nạn nhân đang chịu ở New Orlean.
  1. Thái độ thứ 3: Tin cậy nơi Chúa:
  • 3:19.
  • Cảm ơn Chúa, khi đọc đến câu cuối cùng của sách Ha-ba-cúc, tôi tin rằng không ai trong chúng ta không thốt lên lời “A-men”.
  • Ha-ba-cúc biết rằng trong thảm cảnh (câu 17), ông có thể đứng được là nhờ sức mạnh của Chúa, như Phaolô nói trong Êph. 6:10; Philíp 4:13.
  • Sức của Chúa ích lợi gì cho ông?
  • 3:19b, Ngài làm cho chơn tôi giống như chơn con hươu… nơi cao của mình.
  • Ha-ba-cúc không hề tránh né hoạn nạn, ông vẫn bằng lòng vâng phục ý Chúa nếu phải đi trên các nơi cao của mình. Điều quan trọng là ông xin Chúa cho ông có sức như sức của con hươu (hay là con sơn dương) để đi được trên các nơi cao.
  • Đây có phải là lời cầu nguyện của chúng ta trước những hoàn cảnh hiện nay không? Thay vì xin tránh được hoạn nạn, chúng ta có thể xin Chúa cho mỗi chúng ta có sức Chúa để vượt qua trũng khóc lóc, trũng bóng chết. 

  • Muốn Thật Hết Lòng!



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.