I Sa-mu-ên

I/. TÊN SÁCH:
  1. Hi-bá-lai:
Tên “Sa-mu-ên” có nghĩa là “Đức Chúa Trời nhậm lời” - I Samuên 1:20.
Trong nguyên ngữ Hi-bá-lai, hai sách Samuên I và II chỉ là một (cũng như sách Các Vua và Sử ký)
“Sa-mu-ên” là tên của Tiên tri trong nước Y-sơ-ra-ên làm Quan xét cuối cùng của thời ký Quan xét (I Samuên 7:15)
Công vụ 3:22-24, Kinh Thánh đã xếp Sa-mu-ên là người kế tục chức vụ Tiên Tri của Môi-se và mở đầu cho thời kỳ Tiên Tri chính thức. Từ sau Môi-se chưa có một Tiên tri nào được Đức Chúa Trời mặc khải để dạy dỗ dân sự và dự ngôn về Chúa Jêsus.
  1. Hi-lạp:
Sự phân chia các Sách Samuên, Các Vua và Sử ký là do Bản Dịch 70 (Bản Septuagint – vào thế kỷ thứ III TC.), khi chuyển dịch sang tiếng Hi-lạp thì vật liệu làm giấy viết (Papyrus hoặc da thú) không đủ cho độ dài của sách, do đó phải chia làm hai phần.
Trong bản 70 thì sách Samuên I và II, Các Vua I và II được gọi là Sách Vương quốc I, II, III, IV (chỉ về sự phân chia hai vương quốc Y-sơ-ra-ên và Giu-đa)
Bản dịch Vulgate (Bản tiếng Latin do Jerome dịch vào thế kỷ thứ IV SC.) thì gọi là sách Các Vua I, II, III, IV (không phải Vương quốc) – các tên nầy còn dùng trong bản Authorized Version, nhưng bản Revised Version thì bỏ đi.
II/. NIÊN HIỆU:
  1. Niên hiệu viết sách:
Sách I Samuên bắt đầu ghi lịch sử của các vua Y-sơ-ra-ên tiếp theo sách Các Quan Xét, đề cập đến 2 Quan xét cuối cùng là Hê-li và Samuên (16 đoạn đầu), sau đoạn 16 và II Samuên có lẽ do Na-than và Gát viết (I Sử ký 29:29)
Như vậy sách I Samuên được viết vào khoảng 1119 – 1099 TC.
  1. Niên hiệu của sách:
Các biến cố chép trong Sách I Samuên xảy ra khoảng 115 năm từ ngày Samuên còn thơ ấu đến khi vua Saulơ chết, chuẩn bị cho Đa-vít lên ngôi.
III/. GIÁ TRỊ CỦA SÁCH:
  1. Về Giáo lý:
  1. Lần đầu tiên danh xưng oai nghiêm của Chúa: Đức Giê-hô-va Vạn Quân được dùng (1:3 – cả Kinh Thánh Cựu Ước dùng danh xưng nầy 281 lần. Danh xưng nầy bày tỏ Đức Chúa Trời là Chúa của tất cả Cơ binh trên trời, dưới đất.
  2. Lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến Đấng Mê-si – Đấng chịu xức dầu của Ngài  (2:10 – Bản 70 dịch là: Đấng Christ của Ngài).
  3. Sách I Samuên nói đến căn nguyên chức Tiên tri: trước khi gọi là Tiên tri, thì người ta gọi là “tiên kiến” (9:9) để chỉ về những người được ơn Chúa nhận biết và phân biệt sự mặc thị của Đức Chúa Trời.
  1. Về Thẩm quyền (kinh điển):
  1. Chúa Jêsus Christ trưng dẫn sách I Samuên 21: (Mathiơ 12:1-4).
  2. Các Sứ đồ trưng dẫn sách I Samuên:
  • Công vụ 3:24
  • Hêb. 11:32
  1. Bài học thuộc linh:
    1. I Samuên 4:3 ghi lại MỘT HÀNH ĐỘNG SAI LẦM của dân Y-sơ-ra-ên.
Dân Y-sơ-ra-ên thua trận trước người Philitin, thay vì quay lại tìm kiếm Chúa, thì dân Y-sơ-ra-ên trông cậy vào Hòm Giao Ước là một khối vật chất.
Hòm Giao Ước dù là Vật Thánh, nhưng không thể nào thay thế cho chính Chúa.
Kết quả là dân Y-sơ-ra-ên phải trả một giá đắt cho hành động sai lầm nầy (so sánh hành động nầy với hành động đẹp lòng Chúa của Giô-suê trong Giô-suê 7:1-9 (6-9).
  1. I Samuên 7:2-11, MỘT CƠN PHỤC HƯNG
Từ 1: đến 6: là những ngày thất bại của dân Y-sơ-ra-ên:
  • Dân Y-sơ-ra-ên thất bại trước kẻ thù là Phi-li-tin (4:10-11)
  • Dân Y-sơ-ra-ên thất bại thuộc linh: sự thờ phượng tại đền thờ biến thành tiệc tùng, ăn uống (2:12-17); thời gian nầy Đức Chúa Trời không truyền phán gì với dân Chúa (3:1)
Đến đoạn 7:, Chúa cho một cơn phục hưng tràn đến với dân Chúa:
  • 7:2, 4-6, dân Y-sơ-ra-ên khao khát Chúa, dẹp hình tượng, ăn năn, xưng tội.
  • 7:9, Đức Chúa Trời nhậm lời.
  • 7:10-11, dân Y-sơ-ra-ên thắng quân Phi-li-tin bởi quyền năng của chính Đức Chúa Trời.
Làm thế nào để có cơn phục hưng đó?
1: - 7: cho chúng ta 3 điều cần có để có được sự phục hưng:
  • 1:-2:, Dân Chúa đã có một người Mẹ biết cầu nguyện.
Lịch sử các phong trào phục hưng chứng minh không có một cuộc phục hưng nào đến mà từ một tinh thần cầu nguyện thiết tha với tất cả tấm lòng trông đợi sự thăm viếng của Chúa (1:10-12)
  • 3:10, Sư phục hưng đến từ Một người biết nghe tiếng Chúa.
Sa-mu-ên sẵn sàng nghe Chúa phán, sẵn sàng đầu phục Lời Chúa dạy.
3:1, Lời Chúa lúc bấy giờ hiếm hoi.
3:21, Lời Chúa được tái ban cho.
Khi Lời Chúa được lắng nghe thì: Tội nhân được cảnh cáo (3:11-18); Những đời sống được thánh hóa ngay trong lời nói (3:19).
  • 7:2-6, Sự phục hưng chỉ đến cho một dân tộc (hay một Hội Thánh) biết khao khát.
Sự khao khát nầy (7:2 bày tỏ qua tinh thần “nhớ Chúa”) được bày tỏ bằng:
7:4, dẹp bỏ hình tượng
7:6, ăn năn, xưng tội.
Lịch sử phấn hưng từ Kinh Thánh và qua Lịch sử Hội Thánh cho thấy không có một nguyên tắc nhận được phục hưng từ Chúa, nào khác hơn những nguyên tắc đã được ghi trong sách I Samuên 1:-7: nầy.
IV/. BỐ CỤC:
Sách I Samuên giới thiệu 3 nhân vật chính:
  • Sa-mu-ên
  • Sau-lơ
  • Đa-vít
3 nhân vật nầy liên quan với nhau và đóng vai trò then chốt trong việc chuyển tiếp từChế độ Thần Quyền sang Chế độ Quân Chủ. Do đó có thể chia Bố cục sách I Sa-mu-ên theo hai cách:
  • Bố cục theo Đề tài
  • Bố cục theo Nhân Vật.
Bố cục theo ĐỀ TÀI: SỰ VÂNG LỜI
Câu gốc: I Samuên 15:22
I/. Ý NGHĨA SỰ VÂNG LỜI: 1: - 7:
  1. Giữ trọn lời hứa nguyện với Chúa: - 1: -2: (1:27-28)
Thầy Tế lễ (Hê-li) là người hứa nguyện hầu việc Chúa trọn đời nhưng không trung tín, trong khi đó bà An-ne – một người đàn bà thống khổ nhưng biết giữ trọn sự hứa nguyện.
  1. Giữ trọn Lời Chúa dạy: - 3:-7:
Sa-mu-ên vâng lời Thầy tế lễ Hê-li và vâng lời Chúa truyền lại chính xác Lời Chúa đã phán với mình, dù lời đó không phải là bình an.
Trong khi đó dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời Chúa, chỉ lo nghi lễ, hình thức bên ngoài.
II/. GIÁ TRỊ SỰ VÂNG LỜI: 8: - 15:
  1. Được vững lập đời đời: 8: - 13: (13:13)
Dân Y-sơ-ra-ên đòi một vua, Sa-mu-ên cảnh cáo những bất lợi trong Chế Độ Quân Chủ. Chúa cho thấy quyền quyết định lập vua và triều đại của vua đó có vững hay không, là do Chúa, dù vị vua đó có tài giỏi cũng không tự mình đứng được.
  1. Tốt hơn của tế lễ:  14:-15: (15:22-23)
Sau-lơ đã hiểu sai ý muốn của Chúa, nên đã quan tâm việc dâng của lễ thay vì vâng theo Lời Chúa dạy.
III/. DẤU HIỆU VÂNG LỜI:  16:-31:
  1. Đối với người chung quanh: 16:-20:
Hình ảnh gương mẫu vâng lời là hành động Đa-vít vâng lời cha mẹ, binh vực dân Chúa [đánh Gô-li-át], giúp đỡ Sau-lơ, thân thiện với mọi người [kết bạn với Giô-na-than].
  1. Đối với nghịch cảnh: 21:-31
Suốt những nghịch cảnh phải chịu, Đa-vít vẫn làm theo lời Chúa dạy Kính sợ Chúa, yêu thương mọi người – dù đó là kẻ thù nghịch là Sau-lơ.
Bố cục theo NHÂN VẬT:
I/. SA-MU-ÊN:
CUỘC ĐỜI MỘT QUAN XÉT 1:-7:
  1. Thời niên thiếu của Sa-mu-ên – 1:-2:
  2. Sa-mu-ên được kêu gọi – 3:
  3. Công tác của Sa-mu-ên – 4:-7:
II/. SAU-LƠ:
VỊ VUA ĐẦU TIÊN – 8:-15:
  1. Sau-lơ được đăng quang – 8:-10:
  2. Lời kết ước của Sau-lơ – 11:-12: [với Sa-mu-ên và dân sự]
  3. Sau-lơ phạm tội – 13:-15:
III/. ĐA-VÍT:
VỊ VUA ĐƯỢC VÂNG LỜI – 16:-31:
  1. Đa-vít được xức dầu – 16:1-13
  2. Đa-vít phục sự Sau-lơ – 16:14-20
  3. Đa-vít trốn nạn Sau-lơ – 21:-31:
V/. NHÂN VẬT TIÊU BIỂU:
  1. An-ne: 1: - 2:
Bà An-ne là một gương mẫu cho những người mẹ đối với con cái trong gia đình và đối với Chúa.
  • 1:11, An-ne cầu nguyện cho con trước khi mang thai, bà đã chuẩn bị cho con một khuôn mẫu theo đường lối của Chúa.
  • 1:24, An-ne dẫn con đến Đền thờ
  • 1:28, An-ne dâng con cho Chúa.
  • 2:19, An-ne luôn quan tâm đến con bằng cách theo dõi sự trưởng thành của con.
  1. Sa-mu-ên: 3:-7:
  • 3:3-4, Sa-mu-ên luôn tỉnh thức lắng nghe tiếng Chúa.
  • 3:19, lời nói của Sa-mu-ên nghiêm chỉnh, uy tín
  • 7:16, Sa-mu-ên là người siêng năng
  • 12:3-5, Sa-mu-ên là người trong sạch, thánh khiết.
  1. Sau-lơ: 13:13-14
  • Tham khảo với Hêb. 12:15, Sau-lơ cũng giống như Ê-sau, là những người bị trật phần ân điển của Chúa dành cho họ. Sau-lơ được vinh dự Chúa chọn làm vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên, nhưng lòng kiêu ngạo đã khiến ông đánh mất địa vị cao quý.
  1. Đa-vít: 30:6
Đa-vít chịu rất nhiều hoạn nạn suốt từ đoạn 17 đến đoạn 30, nhưng lòng Đa-vít lúc nào cũng tin cậy nơi Chúa (17:37). Vì cớ đó, Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho Đa-vít địa vị cao trọng đến ngày nay. [Ngày nay dân Y-sơ-ra-ên vẫn tôn quý Đa-vít và tương lai Chúa Jêsus Christ tái lâm cũng theo dòng dõi Đa-vít] – Gia-cơ 1:12.


Đề mục: BÀI HỌC MỚI
Kinh thánh: Sách I Sa-mu-ên
Câu gốc: I Sa-mu-ên 1:3
Mục đích: Nhân những ngày đầu Năm Mới 2003, học những bài học mới từ sách I Sa-mu-ên cho đời sống cá nhân và cho Hội Thánh chung.

I/. DANH XƯNG MỚI:
  • I Sa-mu-ên 1:3.
  • Đây là lần đầu tiên trong Kinh thánh dùng Danh xưng ‘Đức Giê-hô-va vạn quân’,  một Danh xưng oai nghiêm của Chúa. Kinh thánh có 281 lần dùng Danh xưng nầy, bày tỏ Đức Chúa Trời của chúng ta là Chúa của các cơ binh trên trời dưới đất.
  • Chúng ta biết Danh Giê-hô-va là một Đặc Danh của Đức Chúa Trời, phân biệt với các thần, chính Chúa đã xưng Danh Giê-hô-va khi Môi-se hỏi về Danh Chúa là chi? (Xuất. 3:14). Chúa thường xưng Danh Giê-hô-va khi nói đến giao ước của Ngài.
  • Danh Giê-hô-va có nghĩa là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.
  • Đặc biệt Danh Giê-hô-va thường đi chung với một đặc tánh của Chúa, trong đó có DanhĐức Giê-hô-va vạn quân.
  • Danh Đức Giê-hô-va vạn quân thường được Chúa dùng để:
  • tỏ ra sức mạnh của Chúa
  • khẳng định một lời phán hứa, nhất là khi tuyên án một tội lỗi nào đó của dân Chúa
Ê-sai 1:9, Chúa xưng Danh Đức Giê-hô-va vạn quân khi nói đến tội lỗi của dân I-sơ-ra-ên như Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
Ê-sai 1:24, Chúa xưng Danh Đức Giê-hô-va vạn quân khi tuyên bố hình phạt trên dân Chúa.
  • Nhưng điều đáng phải chú ý trong sách I Sa-mu-ên, là sách mở đầu cho chế độ Vương quyền – chế độ Quân chủ, cũng là mở đầu những cuộc chiến giữa dân Chúa với các dân tộc chung quanh, nên Chúa đã mặc khải Danh Đức Giê-hô-va vạn quân để tỏ ra Ngài là vua của dân Chúa – Vua trên vạn quân.
  • Tuy nhiên, ngoài lần đầu tiên sách I Sa-mu-ên công bố Danh Mới Giê-hô-va của Chúa, sách I Sa-mu-ên 2:10 còn công bố một Danh Mới của Chúa nữa là: Đấng chịu xức dầu, hay là Đấng Christ.
  • Anh chị em cũng biết rằng, mỗi khi Kinh thánh nói đến sự xức dầu là nói đến 3 chức vụ được tấn phong:
  • được xức dầu để làm vua, như Đa-vít được Sa-mu-ên xức dầu để làm vua trên Giu-đa và trên I-sơ-ra-ên.
  • được xức dầu để làm thầy tế lễ, như Môi-se xức dầu cho A-rôn và các con của A-rôn làm thầy tế lễ.
  • được xức dầu để làm tiên tri, như tiên tri Ê-sai đã tiên báo chức vụ tiên tri của Chúa Jêsus Christ trong Ê-sai 61:1-3; và chính Chúa Jêsus Christ đã xác nhận sự xức dầu làm chức vụ tiên tri nầy (Luca 4:17-21, 24).
  • Nói chung, đến sách I Sa-mu-ên, Kinh thánh đã bày tỏ cho chúng ta hai Danh xưng Mới của Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân, đồng thời cũng là Đấng chịu xức dầu; nghĩa là Chúa mặc khải cho loài người chúng ta
  • Ngài vừa là Đấng toàn quyền đoán phạt tội lỗi, dù đó là tội lỗi của dân Chúa.
  • Đồng thời Chúa cũng là Đấng Christ – Đấng được xức dầu, thi hành chức vụ giải cứu nhân loại.
  • Nếu so sánh với sách Các Quan xét và sách Rutơ trước đó, và ngay cả thời kỳ bắt đầu sách I Sa-mu-ên, tất cả đều ở trong thời kỳ tối tăm, tức là thời Quan xét. Chúng ta tuyên bố Danh xưng của một Quan Tòa Tối Cao – Đức Giê-hô-va vạn quân, nhưng cũng bày tỏ Ngài cũng là một Vị Vua nhân từ sẵn tha thứ, cứu chuộc, Ngài là một Thầy Tế lễ Thượng phẩm cầu thay cho chúng dân, một Tiên tri rao báo Tin Lành, nghĩa là nhân loại vẫn có hi vọng được giải cứu.

II/. MỘT SAI LẦM MỚI:
  • I Sa-mu-ên 4:3, 10.
  • Đoạn 4 ghi lại một trận chiến giữa dân I-sơ-ra-ên với dân Phi-li-tin với hai lần giao chiến:
  1. Lần thứ nhất 4:1-2
Lần giao chiến thứ nhất nầy, dân I-sơ-ra-ên thua trận và có độ bốn ngàn người I-sơ-ra-ên bị giết tại chiến trường.
  1. Lần giao chiến thứ hai 4:3-22
Nhìn vào số câu Kinh thánh dành cho hai lần giao chiến
  • lần giao chiến thứ nhất chỉ có 2 câu mô tả
  • lần giao chiến thứ hai nầy có đến 20 câu.
Rõ ràng trọng tâm của tác giả sách I Sa-mu-ên là cuộc chiến lần thứ hai.
Sau khi thua trận lần thứ nhất, dân I-sơ-ra-ên đã họp lại và họ cho rằng Chúa để cho họ thua trận là do họ ra trận không có Hòm Giao ước đi cùng, thay vì họ tìm cầu Chúa.
Chúng ta thấy dân Chúa đã hiểu sai lầm về Chúa, họ không biết Chúa của họ là Đức Giê-hô-va vạn quân, là Đấng được xức dầu, không phải là Đức Chúa Trời ở trong một khối gỗ bọc vàng ròng được gọi là Hòm Giao ước đó, dù Hòm Giao ước là vật thánh đối với Chúa.
Và lần giao chiến thứ hai nầy, dân I-sơ-ra-ên đã đem Hòm Giao ước ra trận với họ.
Kết quả là thế nào?
4:10-11 ghi lại kết quả:
  • 30 ngàn bộ binh của I-sơ-ra-ên ngã chết
  • Hòm Giao ước bị người Phi-li-tin cướp lấy
  • Hai con trai của Thầy Tế lễ, cũng là hai Thầy Tế lễ bị giết chết, chưa kể dư chứng của cuộc chiến nầy còn tác động mạnh đến nỗi Thầy Tế lễ Hê-li xúc động và chết, dâu của Hê-li cũng chết.
  • Đây là một sai lầm mới của dân Chúa. Tại sao tôi gọi đây là Một sự sai lầm Mới?
  • Nếu anh chị em so với những lần phạm tội trước đây của dân Chúa được ghi trong Kinh thánh, chúng ta sẽ thấy lần nầy dân I-sơ-ra-ên đã hiểu về Chúa sai lầm không như những lần trước.
  • Suốt 40 năm trong đồng vắng, dân I-sơ-ra-ên chỉ đòi ăn đòi uống (Thi. 78:17-18)
  • Xuất. 32:2-4, A-rôn và dân I-sơ-ra-ên đã làm một con bò con bằng vàng và cho rằng đó là Đức Chúa Trời. Họ đã hình tượng hóa một Đức Chúa Trời vô hình vô tượng.
  • Rồi 400 năm đời Quan xét, họ hoặc thờ hình tượng, hoặc quên Chúa không thờ phượng Ngài.
  • Dĩ nhiên đó là những tội nặng, nhưng lần nầy dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn không hiểu rằng:
  • Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng ở khắp mọi nơi, Ngài không hề lệ thuộc vào một hình khối vật chất nào cả.
  • họ không hiểu rằng sự thất bại của dân Chúa không phải là thiếu một phương tiện, một thứ khí giới, mà là do tội lỗi của họ đối với Chúa Chí Thánh. Như bài học của Giô-suê trước thành A-hi do tội lỗi của A-can (Giô-suê 7:10-12).
  • Kinh nghiệm của Đa-vít qua Thi thiên 3:3 rõ ràng là khác với bài học ở đây. Đa-vít đang ở giữa vòng vây của thù nghịch, ông không xin Chúa lấy cái khiên (một phương tiện) để che chở cho ông, Đa-vít xin Chúa làm cái khiên che chở cho ông – chính Chúa là cái khiên.
  • Tôi thấy có nhiều Cơ-Đốc nhân đã hiểu sai về Chúa giống như dân I-sơ-ra-ên trong I Sa-mu-ên 4:3
  • không ngủ được, họ đem Kinh thánh gối đầu, dằn bụng như một tứ bùa hộ mệnh.
  • họ dùng hình ảnh thập tự như một thứ bùa phép trừ ma trừ quỉ.
  • Có một tín đồ đi lính trước khi ra trận được một Mục sư tặng một quyển Kinh thánh Tân Ước loại bỏ túi. Người lính tín đồ nầy bỏ vào túi áo trên của anh rồi lên đường ra trận. Trong lúc hai bên giao chiến, thình lình anh nghe một tiếng súng nổ về hướng anh và anh trúng đạn vào ngực, anh ngã ra nhưng không chết. Anh đưa tay sờ vào ngực ngay túi áo thấy đầu đạn ghim vào ngực, nhưng chỉ nằm trong cuốn Kinh thánh Tân Ước mà Mục sư tặng. Từ đó, đi đâu anh cũng đem Kinh thánh theo, không phải để đọc mà để hi vọng che đạn cho anh.
  • Anh chị em cần cái khiên hay cần chính Chúa? Anh chị em cần Hòm Giao ước đi cùng hay cần Chúa đi cùng? Nguyện Chúa ban ơn để tất cả chúng ta đều cần chính Chúa, đều muốn Chúa đi cùng suốt cả cuộc đời.

III/. MỘT CƠN PHỤC HƯNG MỚI:
  • 7:2-11
  • Đọc sách I Sa-mu-ên từ đoạn 1 đến đoạn 6, là một hành trình buồn với những thất bại của dân Chúa,
  • 3:1, dân Chúa thất bại trong đời sống thuộc linh, có sự rối loạn trong Đền thờ, Lời Chúa lấy làm hiếm hoi.
  • 4:10-11, dân Chúa thất bại trước kẻ thù.
  • Nhưng cảm ơn Chúa đến đoạn 7, một cơn phục hưng mới mẻ đã lan tỏa khắp I-sơ-ra-ên. Cơn phục hưng được biểu lộ qua:
  • 7:2, 4-6, dân Chúa khao khát Lời Chúa, họ bằng lòng dẹp bỏ hình tượng, ăn năn tội lỗi.
  • 7:9, Đức Giê-hô-va bèn nhậm lời.
  • 7:10-11, I-sơ-ra-ên thắng được kẻ thù nghịch truyền kiếp là dân Phi-li-tin.
  • Phục hưng là như thế. Hội Thánh được phục hưng là con dân của Chúa trở nên khao khát Lời Chúa, họ sẽ ăn nuốt Lời Chúa một cách say mê, ngọt ngào, không còn miễn cưỡng, nặng nề nữa; đồng thời, Hội Thánh sẽ kinh nghiệm được sự đáp lời của Chúa đối với những nhu cần của cá nhân cũng như chung của Hội Thánh, sự cầu nguyện sẽ mạnh mẽ, linh nghiệm, nóng cháy, không còn những lời khuôn sáo, chiếu lệ nữa, mà từ đáy lòng tuôn ra cách tự nhiên những điều muốn nói. Và điều không thể thiếu trong bất cứ cuộc phục hưng nào, ấy là Hội Thánh sẽ đắc thắng kẻ thù là ma quỉ, xác thịt, thế gian, để đem nhiều người hư mất cho Chúa.
  • Làm thế nào để có được một cơn phục hưng mới mẻ đó?
  • Qua sách I Sa-mu-ên từ đoạn 1 đến đoạn 7, cho chúng ta 3 nguyên tắc cần có để nhận được một cơn phục hưng như vậy:
  1. Đoạn 1 và 2.
Cơn phục hưng đã bắt đầu từ một người mẹ yêu thương cầu nguyện. Người mẹ nầy đã cầu nguyện cho con mình và sẵn sàng dâng con mình cho Chúa để Chúa sử dụng.
Không có một cơn phục hưng nào mà không đến từ những đời sống cầu nguyện; cầu nguyện thiết tha như bà An-ne đã cầu nguyện: vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va vừa tuôn tràn giọt lệ (1:10), cầu nguyện lâu dài trước mặt Đức Giê-hô-va (1:12a)
  1. Đoạn 3:10
Cơn phục hưng đến với đời sống biết lắng nghe tiếng Chúa: Lạy Chúa, xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe. Sa-mu-ên sẵn sàng nghe khi Chúa phán, và cũng sẵn sàng đầu phục Lời Chúa.
  1. Đoạn 7:2-6
Một dân tộc (hay một Hội Thánh) khao khát Chúa.
Trong 7:2 có một nhóm từ rất cảm động: cả nhà I-sơ-ra-ên đều than nhớ Đức Giê-hô-va. Họ không nhớ củ hành củ kiệu, mà nhớ chính Chúa. Lòng khát khao đó được chứng tỏ qua hành động dẹp hình tượng (7:4), ăn năn, xưng tội với Chúa (7:6)
  • Trải qua các thời đại, lịch sử những cơn phục hưng chứng minh không có một nguyên tắc nào khác để đem đến phục hưng, ngoài ba nguyên tắc trên: cầu nguyện, quay lại với Lời Chúa là Kinh thánh; làm hai điều đó với tấm lòng thật sự khao khát Chúa.
  • Một Năm Mới đến, anh chị em mơ ước gì cho Hội Thánh? Xin Chúa soi sáng và đặt gánh nặng khao khát phục hưng trên mỗi chúng ta như Chúa đã làm cho dân Chúa trong sách I Sa-mu-ên 7 nầy.




Đề mục: SỰ VÂNG LỜI
Kinh thánh: I Sa-mu-ên
Câu gốc: I Sa-mu-ên 15:22
Mục đích: Học tiếp sách I Sa-mu-ên trong chương trình học toàn bộ Kinh thánh.

I/. Ý NGHĨA SỰ VÂNG LỜI: 1: - 7:
  • Qua 7 đoạn đầu của sách I Sa-mu-ên, có hai ý nghĩa về sự vâng lời
1/. Vâng lời là giữ trọn lời hứa nguyện:
  • 1: - 2:
  • Sách I Sa-mu-ên đã bắt đầu từ sự hứa nguyện của bà An-ne với Chúa. Bà đã xin Chúa cho bà có được một đứa con trai và bà hứa rằng sẽ dâng nó cho Chúa trọn đời.
  • Lý do bà An-ne xin Chúa cho bà sanh được một đứa con trai là vì theo quan niệm thời đó, người phụ nữ có chồng mà không sanh được con trai là một sự sỉ nhục lớn (1:6). Giống như quan niệm của người phương Đông mà ngày nay vẫn còn.
  • Điều đáng nói là dù bà không sanh được con trai, nhưng chồng bà vẫn yêu thương bà, cho nên tôi nghĩ rằng, ngoài lý do sỉ nhục, bà An-ne còn có mõr lý do khác nữa để xin Chúa cho một đứa con trai, ấy là sự khao khát làm mẹ của một người phụ nữ có gia đình.
  • Kết quả là Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin của bà để rồi năm sau bà sanh được một con trai đặt tên là SA-MU-ÊN, nghĩa là ‘Đức Chúa Trời nhậm lời’.
  • Điều quan trọng là bà An-ne đã vâng lời Chúa bằng cách giữ đúng lời hứa nguyện của bà,
  • 1:24, vừa khi đứa trẻ dứt sữa, nàng bèn dẫn nó theo mình đến đền của Đức Giê-hô-va.
  • 1:27-28, Đức Giê-hô-va đã nhậm lời tôi… vì vậy, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó…
  • Bà đã đem đứa con của lời hứa nguyện đến đền thờ và dâng con mình bằng cách để Sa-mu-ên ở lại Đền thờ phục vụ Chúa bên cạnh Thầy Tế lễ Hê-li.

2/. Vâng lời là làm trọn đều Chúa dạy:
  • 3: - 7:
  • Nhân vật thứ hai được sách I Sa-mu-ên giới thiệu tiêu biểu cho sự vâng lời là chính Sa-mu-ên. Đặc biệt là Kinh thánh không giới thiệu một Sa-mu-ên là một tiên tri, một cố vấn cho vua Sau-lơ, vua Đa-vít, nhưng sách đã giới thiệu một Sa-mu-ên còn thơ ấu (3:1), nhưng đã biết vâng lời Đức Chúa Trời và đã lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật(II Tim. 2:15).
  • 3:18, Sa-mu-ên bèn thuật lại hết, chẳng giấu gì với người…
  • Và bởi lý do đó, Chúa đã lập Sa-mu-ên lên làm Quan xét của dân I-sơ-ra-ên, và cũng bởi lý do Sa-mu-ên trung tín vâng lời Chúa, nên Đức Giê-hô-va cứ hiện ra
  • Sự vâng lời của bà An-ne và Sa-mu-ên nổi bật lên trong bối cảnh đời Quan xét không vâng lời và một gia đình Thầy tế lễ, là những người đã hứa nguyện biệt riêng đời sống phục vụ Đức Chúa Trời, nhưng họ đã không trung tín giữ lời hứa nguyện.
  • Chúng ta đã học sách Các Quan xét, điệp khúc mà chúng ta thấy sách cứ nhắc đến luôn là: Dân I-sơ-ra-ên còn làm điều ác… lại làm điều ác… rồi được Chúa giải cứu, rồi lại phạm tội. Bảy lần sách Các Quan xét nhắc lại chu kỳ đó, nghĩa là bảy lần dân Chúa không vâng lời Chúa. Sách Các Quan xét là sách của sự không vâng lời.
  • Cảm ơn Chúa trong bối cảnh 400 năm đời Quan xét không vâng lời, bà An-ne – một phụ nữ bị khinh dễ vì son sẻ đã vâng lời Chúa; một em bé Sa-mu-ên dù còn thơ ấu cũng đã học tập vâng lời Chúa. Và Chúa phán: Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực (I Sam. 15:22).
  • Còn về phần gia đình thầy tế lễ Hê-li. Hê-li là Thầy Tế lễ, hai con trai của ông theo chế độ ‘tập ấm’ nên cũng là thầy tế lễ, nhưng thay vì vâng theo mạng lịnh thánh của Chúa đối với chức vụ tế lễ, họ đã gian tà, phạm tội rất lớn, làm cho người ta khinh bỉ Chúa.
  • 2:12, Hai con trai của Hê-li là người gian tà, chẳng nhận biết Đức Giê-hô-va.
  • 2:17, Tội lỗi của hai người trai trẻ nầy lấy làm rất lớn trước mặt Đức Giê-hô-va…
  • Một sự so sánh như vậy làm cho chúng ta thấy sự vâng lời đối với Chúa tốt hơn mọi của lễ dâng cho Chúa: Lấy sự vâng lời đơn giản chỉ là làm trọn lời hứa nguyện của một người phụ nữ bị khinh khi; sự vâng lời của một thiếu nhi cũng có giá trị hơn công việc dâng tế lễ cũng như giá trị hơn những người làm chức vụ cao cả mà không vâng lời. Mà sự vâng lời đó nào có khó gì đâu: hứa sao làm vậy; Chúa dạy thế nào thì làm theo thế ấy.
  • Cảm ơn Chúa, sự vâng lời của bà An-ne và của Sa-mu-ên không làm cho họ thiệt hai mà thật sự phước lạ lùng của Chúa:
  • 2:21, Chúa đã ban cho bà thêm ba con trai và hai con gái
  • 3:19-21, Chúa đẹp lòng lập Sa-mu-ên làm quan xét cả nước I-sơ-ra-ên.

II/. GIÁ TRỊ CỦA SỰ VÂNG LỜI:
  • 8: - 15:
1/. Vâng lời thì được bền vững:
  • 8: - 13:
  • Bắt đầu từ đoạn 8, dân I-sơ-ra-ên chuyển từ chế độ Thần quyền sang một chế độ mới: Chế độ Vương quyền, hay chế độ Quân chủ. Nói cách khác, dân I-sơ-ra-ên không muốn được Chúa trực tiếp cai trị cách vô hình, mà muốn bắt chước các dân tộc chung quanh có một vua hữu hình cai trị, như Chúa đã giải thích cho Sa-mu-ên trong 8:20-25.
  • Dù vậy Chúa không vì sự thay đổi chế độ nầy mà từ bỏ dân Chúa, nhưng dù ở dưới chế độ nào Thần quyền hoặc Vương quyền, Chúa vẫn đòi hỏi dân Chúa sự vâng lời Chúa trọn vẹn.
  • 12:20-25, phân đoạn Kinh thánh nầy, Sa-mu-ên đã nhơn danh Chúa giảng một bài nhắc nhở dân Chúa giá trị của sự trung tín vâng lời của họ, đồng thời cũng kèm theo một lời cảnh cáo rằng sự không vâng lời sẽ là một tội ác.
  • Đến 13:13, chẳng những dân Chúa phải vâng lời, mà ngay cả vua loài người của họ cũng ở trong qui luật vâng lời. Khi vua Sau-lơ, vị vua đầu tiên mới được lập lên không vâng lời chờ đợi Sa-mu-ên đến dâng tế lễ, tự cướp quyền dâng tế lễ, Sa-mu-ên đã quở trách vua Sau-lơ về sự không vâng lời Chúa của vua qua việc nhắc lại giá trị của sự vâng lời ảnh hưởng trên sự bền vững của vua;
  • 13:13b, Ví bằng có vâng theo (mạng lịnh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã truyền cho) thì Đức Giê-hô-va ắt đã lập nước ngươi vững đời đời nơi I-sơ-ra-ên.
  • Rõ ràng sự vâng lời Chúa có giá trị đối với cá nhân, và cũng có giá trị trên quốc gia nữa. Đây là điều Chúa đã truyền phán trong Phục truyền 28:. Đó chính là lý do Đức Chúa Trời từ bỏ Sau-lơ và lập Đa-vít lên ngôi vua của tuyển dân.
  • Chưa bao giờ tôi cảm nhận sự xa rời Lời dạy của Chúa đối với các Cơ-Đốc nhân nói riêng và với Hội Thánh nói chung. Lịch sử Hội Thánh thời Trung Cổ đã chứng minh cho Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay về thảm họa của Hội Thánh không vâng lời Chúa, chỉ biết vâng lời con người, sự không vâng lời Chúa đó đã đẩy Hội Thánh vào biết bao sai lầm đen tối suốt Một Ngàn Năm.
  • Lịch sử Hội Thánh cũng chứng minh khi John Wesley đưa Hội Thánh tại Anh quốc vào sự học và vâng lời Chúa dạy, đã cứu được nước Anh khỏi đại họa như đã xảy ra trong cuộc Cách Mạng 1789 tại Pháp.
  • Lịch sử Hội Thánh sẽ tái diễn cơn phục hưng đó nếu con dân của Chúa thời đại cuối cùng nầy biết quay lại vâng lời Chúa và làm theo.

2/. Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ:
  • 14: - 15:
  • Câu Kinh thánh nổi bật nhất trong phân đoạn nầy là 15:22-23, mà chúng ta đã chọn làm câu gốc cho cả sách I Sa-mu-ên.
  • Lời Chúa qua hai câu Kinh thánh nầy so sánh giữa sự vâng lời với việc dâng tế lễ với bò mập béo.
  • Sau-lơ thay vì diệt hết những con thú béo tốt trong bầy đáng diệt của dân A-ma-léc theo lịnh của Chúa, Sau-lơ đã chừa lại với lý do là để dâng tế lễ cho Chúa. Sau-lơ đã ‘lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử’, ông đã lấy ý ưa thích tiếc của những con thú béo tốt để cho rằng Chúa cũng thích như vậy. Sau-lơ không biết rằng Chúa chẳng cần hi sinh, chẳng cần tế lễ, mà Chúa muốn dân Chúa vâng lời Chúa. Và Chúa đã từ bỏ một Sau-lơ không vâng lời, dù ông đâng hiến của lễ rất nhiều và rất quí.
  • Nói một cách khác, những nghi thức, những sự dâng hiến bội phần không làm đẹp lòng Chúa, giống như một đứa con ngỗ nghịch, không vâng lời cha mẹ, mà lại đem tiền để che giấu sự bất hiếu của nó, nó nghĩ rằng cứ cho cha mẹ tiền bạc, quà cáp là hiếu rồi. Có cha mẹ nào chấp nhận không? câu trả lời của các bậc cha mẹ đúng đắn sẽ là KHÔNG!
  • Nhiều lần nhiều lúc trong Kinh thánh, Chúa đã nhắc lại sự đòi hỏi vâng lời mà dân Chúa phải có đối với Chúa thay vì họ chỉ chú trọng đến của tế lễ:
  • Thi thiên 51:16-17
  • Ê-sai 1:11-17.
  • Ma-thi-ơ 9:13a; 12:7
  • Vâng lời Chúa! Vâng lời Chúa! Ngày nay và hôm nay Chúa vẫn đòi hỏi Cơ-Đốc nhân chúng ta vâng lời. Hãy thử một lần trong đời sống vâng lời Chúa để hưởng nhận giá trị của sự vâng lời Chúa.

III/. HOÀN CẢNH VÂNG LỜI:
  • 16: - 31:
1/. Vâng lời trong thuận cảnh:
  • 16:
  • Đoạn 16 giới thiệu cho chúng ta một nhân vật mới để thay thế cho một Sau-lơ không vâng lời, và nhân vật nầy sẽ làm cái trục chính suốt dòng lịch sử của dân Chúa. Đó là Đa-vít.
  • Sự xuất hiện của Đa-vít được đặt ở trong khung cảnh của gia đình cha mẹ ông, với bảy người anh khỏe mạnh đang ở nhà, trong khi Đa-vít là con út lại phải ở ngoài đồng chăn chiên, ngay cả trong lúc gia đình mở đại tiệc đón tiếp tiên tri Sa-mu-ên.
  • Tôi tin rằng Kinh thánh muốn giới thiệu Đa-vít là
  • một người con biết vâng lời cha mẹ, vâng lời trong những điều kiện thuận lợi hơn những người anh trong gia đình, không hề ganh tị.
  • Đa-vít vâng lời Chúa ngay cả sau khi được xức dầu làm vua. Kinh thánh không nói cho chúng ta biết là Sa-mu-ên có nói gì với Đa-vít khi xức dầu cho Đa-vít không, nhưng dù Sa-mu-ên có hay không có nói với Đa-vít về ý nghĩa việc xức dầu là tấn phong Đa-vít làm vua, thì tôi cũng tin rằng Đa-vít hiểu ý nghĩa hành động của Sa-mu-ên.
Cảm ơn Chúa, từ sau ngày được xức dầu đó, tôi không thấy cũng không nghe Đa-vít làm gì hơn là yên lặng vâng lời Chúa chờ đợi đúng giờ của Chúa.
  • Gương mẫu vâng lời của Đa-vít thật là bài học cho Cơ-Đốc nhân chúng ta, nhất là giới trẻ ngày nay trong một thế giới mà gia đình không còn giá trị đối với họ nữa, sự vâng lời cha mẹ không còn được đề cao. Chúa không chọn Đa-vít từ đám đông như đã chọn Sau-lơ nữa, mà Ngài đã chọn Đa-vít vì Chúa thấy ông là người biết vâng lời cha mẹ trong gia đình.
2/. Vâng lời trong nghịch cảnh:
  • 17: - 31:
  • Vừa ra khỏi gia đình, vừa mới được xức dầu, Đa-vít đã gặp ngay bao nhiêu là nghịch cảnh:
  • 17:, Đa-vít phải đối diện với tên khổng lồ Gô-li-át.
  • 18: - 31:, rồi liên tiếp phải chạy trốn rày đây mai đó tránh mặt Sau-lơ, cho đến ngày Sau-lơ tử trận trong khi chiến đấu với người Phi-li-tin.
  • Cảm ơn Chúa,
  • đối với kẻ thù Gô-li-át, Đa-vít đã dũng cảm vâng lời Chúa đối đầu với kinh nghiệm đã từng được Chúa bảo vệ (17:36-37, 45-47), và nhờ sự dũng cảm vâng lời đó Đa-vít đã hạ được lực sĩ khổng lồ Gô-li-át, thắng trận cách vinh hiển.
  • Đối với kẻ mưu giết ông là Sau-lơ, câu nói nổi tiếng của Đa-vít bày tỏ tấm lòng đối với người vừa là kẻ thù của ông vừa là người được Đức Chúa Trời xức dầu làm vua được ghi trong I Sa-mu-ên 24:7, Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va… Và Đa-vít đã đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Trời, ông tìm cách tránh mặt Sau-lơ, đợi chờ giờ phút Đức Chúa Trời đẹp lòng tôn vinh ông.
  • Cảm ơn Chúa, đến những đoạn cuối của sách I Sa-mu-ên, chương trình của Đức Chúa Trời đối với Đa-vít đã lộ ra, Sau-lơ và các con trai đã tử trận.
  • Trong mọi hoàn cảnh, Đa-vít đã luôn vâng lời Chúa dạy: hiếu kính cha mẹ, yêu thương anh em, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và chúc phước cho họ. Tôi tin rằng tất cả anh chị em đều biết cái kết cuộc mà Chúa đã ban cho Đa-vít và dòng dõi của ông, giá mà Đa-vít phải trả để có những phước hạnh quí báu đó chỉ là sự VÂNG LỜI Chúa.


Đề mục: NHỮNG NHÂN VẬT TRONG I SAMUÊN – BÀ AN-NE
Kinh thánh: I Sa-mu-ên 1: - 2:
Câu gốc: I Sa-mu-ên 2:1
Mục đích: Học một trong 4 gương mẫu qua 4 nhân vật trong sách I Sa-mu-ên.

I/. AN-NE - MỘT NGƯỜI CẦU NGUYỆN:
  • I Sa-mu-ên 1:10-11
  • Trước khi bước vào sách I Sa-mu-ên, chúng ta đã gặp một người đàn bà đáng khen ngợi là Ru-tơ – nàng quí hơn bảy người con trai cho bà Na-ô-mi. Ngay lúc đó chúng ta bước vào sách I Sa-mu-ên cũng lại gặp một trong các nhân vật chính của sách là bà An-ne – một người đàn bà đáng quí trong một thời kỳ đen tối về đạo đức, tin kính và trong một gia đình đen tối.
  • Bà An-ne được giới thiệu là ‘một người phụ nữ cầu nguyện”. Nhu cần cầu nguyện của bà là gì và cách bà cầu nguyện như thế nào?
  • Từ câu 1 đến câu 8, Kinh thánh cho chúng ta biết nhu cần cầu nguyện của bà An-ne:
  • c. 2b, … còn An-ne không có con.
Theo quan niệm thời bấy giờ thì người phụ nữ có chồng mà không có con sẽ là một sự sỉ nhục. Có nhiều điều bất lợi cho nàng, nhất là người chồng sẽ có quyền ly dị và cưới vợ khác.
  • c. 5, chồng của An-ne là Ên-ca-na rất yêu thương bà, đến nỗi cho nàng gấp đôi của dâng tế lễ so với của dâng tế lễ cho Phê-ni-na là vợ lớn và các con của vợ lớn. Tôi nghĩ sự yêu thương của Ên-ca-na với cách đối xử như vậy càng làm cho nỗi khổ của An-ne tăng thêm, vì không sanh được một đứa con trai cho chồng.
  • c. 6, vì sự son sẻ không sanh được con trai đã khiến An-ne bị trêu chọc, làm sỉ nhục bà.
  • Tôi nghĩ rằng ngày nay nhiều người khó hiểu được tâm trạng của bà An-ne trong hoàn cảnh đó, vì
  • những người vợ thường không muốn có con quá sớm, sợ làm mất nét đẹp của mình có thể do sanh con.
  • vì hoàn cảnh sống của vợ chồng chật vật quá trước nhu cần tài chánh, hoặc ngăn trở việc đi làm thêm thu nhập.
  • vì khoa học thuộc ngành y hiện tại đã đưa ra những phương pháp có con dễ dàng như : Sanh con theo ý muốn, phương pháp thụ tinh nhân tạo, kể cả sinh sản vô tính, làm cho các cặp vợ chồng cảm thấy có một đứa con không phải là việc quan trọng.
  • Có lẽ từ sự khó hiểu đó, Hội Thánh hiếm thấy những đời sống cầu nguyện như bà An-ne đã có. Chỉ những người làm mẹ như Sa-ra, A-ga, người mẹ hi sinh con trước mặt Sa-lô-môn mới hiểu được nỗi lòng của bà An-ne và thấy quí trọng giọt nước mắt của An-ne.
  • Câu 10, ghi lại cách cầu nguyện của bà An-ne:
  • An-ne lấy làm sầu khổ trong lòng.
  • vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn giọt lệ.
  • Thật là một cách cầu nguyện thiết tha, dốc cả tấm lòng với Chúa.
  • Sách Tin Lành Ma-thi-ơ 15:21-28, cũng ghi lại lời cầu nguyện của một người mẹ cho con mình giống như của An-ne. Người đàn bà Ca-na-an nầy đã cầu nguyện với Chúa như một cuộc tranh luận quyết liệt với Chúa cho đến chừng Chúa Jêsus chấp nhận lời cầu xin của bà chữa lành cho con gái của bà – chỉ là một đứa con gái thôi.
  • Có bao nhiêu bà mẹ ở đây đã từng cầu nguyện cho con mình như An-ne, như người đàn bà Ca-na-an?
  • cầu nguyện cho con mình trước khi nó thành hình trong lòng mẹ.
  • cầu nguyện khi con mình đau yếu
  • cầu nguyện với tất cả sự sống dốc đổ ra với Chúa.
  • Một bà mẹ có một đứa con gái không còn vâng lời bà nữa, đã nói với tôi: ‘Tại sao Chúa để nó như vậy? Tôi nói với bà: ‘Tại vì bà đã không dành thì giờ cầu nguyện cho con mình từ trong lòng mẹ, bà đã để quá nhiều thì giờ vui chơi cá nhân cho chính bà; bà đã không cầu nguyện trước khi con bà bị cám dỗ; và bà chưa từng đổ những giọt nước mắt vì yêu thương một đứa con mà cầu nguyện cho nó.
  • Tôi nghĩ rằng thế giới ngày nay thật cần những bà mẹ cầu nguyện cho con mình như bà An-ne, cầu nguyện ngay từ khi nó chưa được sanh ra, chưa phạm tội. Tôi tin rằng những giọt nước mắt của những bà mẹ cầu nguyện, chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ cứu các thanh thiếu nhi trong Hội Thánh và ngoài xã hội.
  • Truyện kể rằng Hudson Taylor là Nhà Truyền giáo sáng lập Hội Truyền giáo Trung hoa Nội địa lúc 15 tuổi phải rời gia đình lên tỉnh thành để tiếp tục học. Trong khi sắp xếp đồ đạc cho Hudson Taylor, bà mẹ đã để vào túi xách quần áo của ông một quyển Kinh thánh Tân Ước và dặn Taylor: Khi nào buồn con hãy đọc. Taylor cảm thấy khó chịu và nặng nề trước quyền Kinh thánh, nhưng vì nể mẹ nên im lặng. Ra đến tỉnh thành, một lần một mình nằm trên gác xép, Taylor cảm thấy nhớ nhà, nhớ mẹ, buồn buồn, nên lấy quyển Kinh thánh ra đọc. Cảm ơn Chúa, nhờ đó Taylor được lời Chúa cảm động quì một mình trên gác xép cầu nguyện ăn năn tội lỗi xin Chúa Jêsus Christ cứu ông. Sau khi tin Chúa Jêsus và được cứu, Taylor đã gởi thư báo tin cho mẹ. Kỳ diệu thay khi nhận được thư, mẹ của Taylor nhớ lại đó là lúc mà bà đã quì gối ở nhà để cầu nguyện cho Taylor xin Chúa cứu con mình. Sự quan tâm và lời cầu nguyện của một người mẹ đã đem đến cho thế giới một nhà Truyền giáo nổi tiếng.
  • Hãy bắt chước gương của An-ne, của mẹ Hudson Taylor, cầu nguyện cho con mình!

II/. AN—NE MỘT NHÀ TRUYỀN GIẢNG TIN LÀNH CHO CON:
  • I Sa-mu-ên 1:24-28
  • Có một câu chuyện kể rằng một bà đã đến gặp Nhà Truyền giáo Dwight Moody và nói với Moody: Ông Moody ơi, tôi rất cảm động muốn dâng mình đi truyền giảng Tin Lành cho thế giới. Mục sư Moody trả lời: Đó là ước muốn rất tốt. Và tôi đề nghị bà về nhà giảng Tin Lành cho năm đứa con của bà trước.
  • Cảm ơn Chúa, bà An-ne đã biết đặt trọng tâm thiên chức của một phụ nữ là giảng Tin Lành cho con mình là Sa-mu-ên.
  • An-ne đã giảng Tin Lành cho con mình bằng cách nào ngoài việc cầu nguyện cho con mình?
  • 1:24, An-ne dẫn nó theo mình đến đền của Đức Giê-hô-va… vừa khi nó dứt sữa. Thật bà An-ne đã dạy con từ thuở còn thơ, bà không thấy việc dẫn con đến đền thờ là một sự phiền phức, mà là một việc nên làm.
Không có tuổi nào dễ đưa đến đền thờ bằng tuổi mà bà An-ne đưa Sa-mu-ên đến: Vừa khi dứt sữa. Đứa trẻ được ghi khắc hình ảnh Nhà Chúa từ sơ sinh, và Kinh thánh quả quyết dầu khi nó trở về già cũng không lìa khỏi đó Châm 22:6).
Hãy đưa con đến Nhà thờ, vì đó là nơi mà nó dễ được nghe giảng Tin Lành hầu cho nó được cứu rỗi. Đừng bắt con giữ nhà, đừng gởi nó nơi nào khác, kể cả người vú em hơn là Nhà thờ của Chúa. Nếu con còn nhỏ hay quấy rầy, hãy tìm cách giúp nó không quấy rầy nữa bằng những Nhà Trẻ trong Nhà thờ, bằng những phương tiện chăm sóc trẻ con hiện đại.
  • câu 28, Bà An-ne dâng con mình cho Chúa, tôi cũng dâng nó cho Đức Giê-hô-va; tôi cho Đức Giê-hô-va mượn nó trọn đời nó.
Bà An-ne đã dâng con mình cho Chúa không phải vì nó khó nuôi khó dạy, nhưng vì bà yêu mến Chúa, bà muốn con mình sẽ thuộc về Chúa và trở thành một người phục vụ Chúa.
Bà An-ne đã môn đồ hóa chính con mình từ lúc nó còn thơ ấu và bà đã thành công.
  • Có biết bao nhiêu người đã bỏ quên trách nhiệm giảng Tin Lành cho gia đình, cho con cái của mình, đang khi mãi lo việc giảng Tin Lành cho thế giới.
  • Có bao nhiêu người trong anh chị em thấy được trách nhiệm bị bỏ quên nầy trong chính mình? Hãy giảng Tin Lành và môn đồ hóa từ ngay trong chính gia đình mình!

III/. AN-NE – NGƯỜI KHÔN NGOAN:
  • I Sa-mu-ên 2:1-10
  • Theo phong tục Do Thái, người nam được ưu tiên đến Trường học, đặc biệt chú trọng các em trai từ 12 tuổi trở lên. Phụ nữ hầu như bị bỏ quên trong các Trường học của người Do Thái.
  • Nhưng chúng ta cảm ơn Chúa, qua bài ca cầu nguyện của An-ne trong đoạn 2:1-10, bà An-ne tỏ ra là một người phụ nữ có sự khôn ngoan hiểu biết những vấn đề hầu như vượt ngoài tầm của một người nam Do Thái bình thường.
  • Bài ca cầu nguyện của An-ne bày tỏ ít nhất ba điều phải là người khôn ngoan đặc biệt mới biết được:
  1. An-ne biết Chúa là ai?
  • 2:1-7
  • Trong 2:2, An-ne biết Chúa là thánh độc nhất và là Hòn đá duy nhất để chúng ta nhờ cậy. Chúa cầm giữ mọi sự xảy ra
  • từ việc ban nhu cần vật chất cho con người (c. 5),
  • đến việc sống chết của con người (c.6)
  • ban sự giàu nghèo cho con người (c.7)
  1. An-ne biết việc Chúa làm:
  • 2:8
  • Tôi không biết anh chị em nghĩ gì khi đọc câu Kinh thánh nầy, riêng tôi thì thật ngạc nhiên trước trình độ của một người phụ nữ như An-ne cách đây hơn ba ngàn năm. Bà An-ne bằng cách nào đó đã biết được trái đất được đặt trong vũ trụ chỉ bởi quyền năng của Đức Giê-hô-va.
  • Những từ ngữ:
  • thuộc về Đức Giê-hô-va,
  • Ngài đã đặt,
  • chứng tỏ An-ne biết chỉ có Chúa mới làm những việc kỳ diệu dường ấy.
  1. An-ne nói tiên tri về Đấng Cứu Thế:
  • 2:9-10
  • Bởi Linh cảm cách nào đó, An-ne đã nói tiên tri về sự đến của Đấng Mê-si, hay Đấng Christ tức là Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời.
  • Bà đã dùng hai Danh xưng chỉ về Đấng Christ đầu tiên trong Cựu Ước:
  • Vua tôi – đây là địa vị của Đấng Mê-si khi đến thế gian, như lời nhìn nhận của các Bác sĩ theo Ngôi Sao tìm Chúa được ghi trong Math. 2:2; và Giăng đã mô tả trong Khải huyền 19:16, Ngài là Vua muôn vua, Chúa muôn chúa.
  • Đấng chịu xức dầu của Ngài (Đức Chúa Trời). Danh xưng nầy được tiên tri nhắc lại trong Ê-sai 61:1-3, và chính Chúa Jêsus Christ đã công bố sự ứng nghiệm Danh xưng nầy trên chính Ngài tại Nhà hội ở Na-xa-rét (Luca 4:16-21.
  • Tôi muốn nhắc lại rằng bà An-ne là một phụ nữ sống cách đây hơn ba ngàn năm, cái thời mà nam trọng nữ khinh, cái thời mà học vấn không được chú trọng giữa người I-sơ-ra-ên, thế mà bà An-ne vẫn tìm cách nào đó học hỏi về Chúa, về những kiến thức có cần.
  • Nói tóm lại, bà An-ne là một Cơ-Đốc nhân tiêu biểu mà Chúa muốn chúng ta ngày nay có được: vừa thiêng liêng với đời sống cầu nguyện, vừa quan tâm gia đình, vừa chịu học hỏi mở mang kiến thức thuộc linh và đời nầy.







Đề mục: SA-MU-ÊN – MỘT QUAN XÉT GƯƠNG MẪU
Kinh thánh: I Sa-mu-ên 3: - 7: và 12:
Câu gốc: I Sa-mu-ên 3:19-20
Mục đích: Học tiếp sách I Sa-mu-ên qua một nhân vật tiêu biểu là Sa-mu-ên – một Cơ-Đốc nhân gương mẫu.

I/. LUÔN TỈNH THỨC:
  • I Sa-mu-ên 3:3-4
  • Hai câu đầu của đoạn 3 đã đưa ra một bối cảnh đáng buồn của thời kỳ Sa-mu-ên xuất hiện:
  • Trong lúc đó, lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi. Hai chữ hiếm hoi không chỉ nói về số lượng là ít có, nhưng còn hàm ý như một tiếng than thở từ cảm nhận mối thông công giữa dân Chúa với Chúa có vấn đề, như cha với con ở chung một nhà mà hầu như không nói chuyện với nhau. Trong một gia đình mà hầu như cha con không trò chuyện, chắc chắn không khí sẽ nặng nề lắm.
  • những sự hiện thấy chẳng năng có. Sự hiện thấy hay còn gọi là dị tượng, khải tượng, đây là một trong những cách Chúa dùng để phán dạy với con người, như chiêm bao. Sách Truyền đạo 5:3a nói rằng Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao, còn Thi thiên 63:6, tác giả nói: Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm. Như vậy, tại dân Chúa không lo nghĩ đến Chúa, không tư tưởng đến Chúa, không khao khát Chúa, nên Chúa đã không còn thường xuyên phán với họ.
  • 3:2, Vả, bấy giờ Hê-li khởi làng mắt, chẳng thấy rõ. Có ngày kia, người đương nằm tại chỗ mình QUEN NẰM. Chúng ta có thể nói, thầy tế lễ Hê-li còn ‘tỉnh’ (wake up) nhưng không còn ‘thức’ (get up) nữa. Hai chữ quen nằm nói lên sự mệt mỏi và không còn khả năng làm việc nữa.
  • Nhưng đến 3:3, trong cái hang động tối tăm của thời kỳ, thình lình những chữ bắt đầu câu 3 như một tia sáng từ một ngọn đuốc, một ánh đèn được thắp lên: đèn của Đức Chúa Trời chưa tắt! Tôi nghe như tiếng reo hò của những người trong khu phố khi bị cúp điện và có điện lại, chúng ta sẽ nghe hai tiếng Có Điện! Và Sa-mu-ên xuất hiện.
  • Kinh thánh không thần tượng hóa Sa-mu-ên, ông vẫn được giới thiệu với bản năng của môt con người bằng xương bằng thịt, ông vẫn nằm ngủ như mọi người trong thời của ông. Nhưng đến câu 4, điều đáng nói là khi nghe tiếng Chúa phán, Chúa gọi, thì sam tỉnh thức ngay: Bấy giờ, Đức Giê-hô-va gọi Sa-mu-ên, người thưa rằng: Có tôi đây!
  • Có người sẽ biện luận, tại Chúa không gọi ông Hê-li,nên ông không tỉnh thức. Tôi đồng ý, nhưng tại sao Chúa không gọi ông Hê-li? Phải chăng Hê-li dù tỉnh nhưng không chịu thức? Ba lần Sa-mu-ên chạy đến để gọi ông, đến nỗi chính ông biết Chúa đang gọi Sa-mu-ên, nhưng ông cũng không thức, dù ông vẫn tỉnh.
  • Trong đêm tối, nhất là trời về khuya gần sáng, thời gian dễ cho giấc ngủ đến, thế mà Sa-mu-ên vẫn đủ tỉnh và thức để lắng nghe tiếng Chúa gọi, tiếng Chúa phán.
  • Tỉnh thức! Tỉnh thức! tiếng kêu gọi đó lúc nào cũng vang dội trong Tân Ước mà Chúa dành cho Cơ-Đốc nhân chúng ta:
  • Mác 13:32-37,
  • Ma-thi-ơ 26:36-46 ghi lại câu chuyện Chúa Jêsus Christ khuyên giục ba môn đồ tỉnh thức với Ngài trong giờ phút có cần, nhưng buồn thay, cả ba người đều không tỉnh thức được trong giờ phút cuối cùng nầy.
  • Thật sự không có lúc nào bằng lúc nầy, chúng ta đang sống trong thời kỳ tối tăm lắm, Hội Thánh thì còn đó những nghi thức, những lễ nghi, nhưng sự sống đã trở thành một mặt hàng xa xỉ không còn cần đến nữa. Cuộc chiến tranh chống Iraq đã chiếm hết thì giờ, công sức của một nước Mỹ hùng cường, mà trước đây đã dùng để giảng Tin Lành. Hội Thánh Việt-nam thì dùng hết thì giờ để lấn ép nhau tìm một chỗ đứng giữa đời nầy. Các khuynh hướng giáo lý đan xen lẫn nhau không còn phân biệt. Trong khi lòng người ta ưa sự vui chơi hơn là muốn nghe lẽ thật – ôi mà lẽ thật cũng khó tìm thay!
  • Để đi tìm những Sa-mu-ên cho thời kỳ nầy, tôi xin nhắc lại lời Chúa trong I Tê. 5:1-11 để tất cả chúng ta có thể tỉnh thức.

II/. LỜI NÓI UY TÍN:
  • I Sa-mu-ên 3:19.
  • Đặc điểm thứ hai của Sa-mu-ên là lời nói của ông đầy uy tín – không một lời nào ra hư.
  • Đặc điểm nầy tỏ ra hai điều về Sa-mu-ên:
  • Sa-mu-ên trở nên khôn lớn. Trước hết, lời nói có uy tín là dấu hiệu của một người trưởng thành, một Cơ-Đốc nhân trưởng thành trong Chúa.
  • Đức Giê-hô-va ở cùng người. Đây là điều có thể xem là nguyên nhân để Sa-mu-ên có lời nói uy tín, vì có Chúa ở cùng nên Sa-mu-ên đã có được những lời uy tín; nhưng cũng có thể xem là kết quả của đời sống của một Cơ-Đốc nhân có lời nói uy tín, vì Sa-mu-ên đã sống đạo ít nhất qua lời nói uy tín, nên Chúa đã đẹp lòng ở cùng ông.
  • Ai cũng biết lời nói rất quan trọng. Napoléon nói: Lời nói mạnh hơn cả một đạo quân. Một trong những câu chuyện rất thú vị là truyện Gia Cát Lượng Khổng Minh giữa trận dùng lời nói mắng chết người, dùng lời nói khiến Chu Du nổi trận Xích Bích phá tan quân của Tào Tháo, trong Tam Quốc Chí.
  • Cơ-Đốc nhân chúng ta có Lời Chúa nhiều lần dạy chúng ta về giá trị của lời nói:
  • Math. 5:21-22, Chúa Jêsus dạy lời nói có thể giết người, có thể khiến chúng ta bị xử án, bị hình phạt nơi địa ngục.
  • Math. 12:36-37, Chúa Jêsus dạy lời nói vẫn tồn tại cho đến ngày phán xét sau cùng, và chính lời nói đã được nói sẽ khiến chúng ta được xưng công bình hoặc bị phạt.
  • Đặc biệt một trong những ích lợi của lời nói là chúng ta dùng để nói về sự cứu rỗi của Chúa Jêsus Christ cho mọi người. Bởi đó, nếu lời nói của chúng ta không có uy tín trong những lúc bình thường thì làm sao người nghe có thể tin cậy lời chúng ta nói về sự cứu rỗi?
  • Qua các thư tín, Phao-lô cũng luôn nhắc các Cơ-Đốc nhân giữ uy tín trong lời nói
  • Êph. 4:29, Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích cho kẻ nghe đến.
  • Êph. 5:4, Chớ nói lời tục tỉu, chớ giễu cợt, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.
  • Trong một thời đại mà sự giả dối được nêu hằng ngày trên báo chí và các phương tiện truyền thông, qua các chương trình quảng cáo, qua thương trường, đến nỗi hàng giả còn có khi tốt hơn hàng thật, lời nói của Cơ-Đốc nhân chúng ta cần có uy tín giống như Sa-mu-ên biết là dường nào.
  • Có một trong những lần đối thoại với người cầm quyền, có một người cầm quyền cao cấp trong Thành phố sau khi nghe tôi giải thích, ông ấy nói: Nghe anh nói có sự thành thật. Lập tức tôi phải cắt lời người ấy mà nói rằng: Tôi đang nói chuyện với ông với tư cách là một Mục sư, mà Mục sư thì không nói dối. Ông ấy xin lỗi tôi. Nhưng lòng tôi cứ nghĩ đến: phải chăng có ai đó làm Mục sư nhưng đã nói dối với ông ấy, làm cho ông ấy không còn tin cậy chức vụ Mục sư nữa?
  • Nguyện Chúa ban cho mỗi chúng ta có lời nói đủ uy tín để chứng minh chúng ta là những Cơ-Đốc nhân trưởng thành, và tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ở cùng chúng ta, như Chúa đã ở cùng Sa-mu-ên.

III/. SIÊNG NĂNG:
  • I Sa-mu-ên 7:15-17.
  • Đặc điểm thứ ba của Sa-mu-ên là siêng năng.
  • Tôi nhớ cuối năm 2000, trên một tờ báo công bố sự bình chọn những phát minh của Thiên niên kỷ vừa qua. Thật bất ngờ khi thế giới chọn MÌ ĂN LIỀN là phát minh đứng đầu. Anh chị em có thể nghĩ điều gì về sự bình chọn kỳ lạ nầy không? Tôi thì nghĩ: nhân loại thật không còn siêng năng nữa, ngay cả việc nấu nướng thức ăn hằng ngày cho chính mình, con người cũng không được siêng năng.
  • Ngày nay, các Siêu thị giúp cho những người nội trợ và những người cần mua sắm rất nhiều. Giúp cái gì? Tôi nghĩ rằng giúp cho con người càng lúc càng lười biếng hơn, vì qua các Siêu thị, người có sẵn những gì cần mà không phải đi xa, đến nỗi những hình thức mua hàng qua Internet, chỉ cần ngồi tại nhà ra lịnh là có hàng hóa tới tận tay. Rồi mai đây, mọi nhu cần trong nhà sẽ được mã hóa và điều khiển bằng cảm ứng.
  • Tôi không biết có lợi hay không, nhưng trước mắt là các con tôi không biết làm cá, làm gà làm vịt, nếu có ai đó cho những con cá, con gà, con vịt chưa làm sẵn. Rõ ràng từ cuối thế kỷ 20 đến bây giờ, con người không còn siêng năng nữa.
  • Tôi không biết thời của Sa-mu-ên, con người có lười biếng không, nhưng Kinh thánh ghi lại sự nhiệt tâm, nhiệt tình của Sa-mu-ên lo công việc Chúa trong I Sam. 7:15-17, làm cho tôi suy nghĩ có lẽ thời đó những người siêng năng như Sa-mu-ên là hiếm có, nên việc ông siêng năng mới được Kinh thánh ghi lại.
  • 7:5, Sa-mu-ên làm quan xét trọn đời mình, nghĩa là ông siêng năng không phải chỉ một giai đoạn, mà siêng năng cả đời.
  • 7:6, sự siêng năng đó chứng minh qua việc Sa-mu-ên tuần hành khắp…
  • 7:7, chẳng những lo công việc khắp nơi, mà thậm chí tại nhà riêng, Sa-mu-ên vẫn siêng năng lo công việc Chúa.
  • Hãy siêng năng là mạng lịnh luôn được nhắc nhở giữa các Cơ-Đốc nhân, ngay trong những ngày đầu tiên của Hội Thánh:
  • Rôma 12:11, Phao-lô viết thư nầy và rõ ràng ông nói câu nầy như một mệnh lệnh: HÃY SIÊNG NĂNG MÀ CHỚ LÀM BIẾNG; PHẢI CÓ LÒNG SỐT SẮNG; PHẢI HẦU VIỆC CHÚA.Nhưng chữ hãy, phải, chớ, là sự ra lịnh.
  • Côl. 3:23, ngay cả một Cơ-Đốc nhân làm đầy tớ con người cũng được lịnh: Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.
  • Trong II Tê. 3:10-12, Phao-lô sẵn sàng quở trách những Cơ-Đốc nhân mượn cớ chờ đợi Chúa Jêsus Christ tái lâm mà không muốn làm việc, Phao-lô nói: ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa. Đến câu 12, Phao-lô còn nhơn danh Chúa Jêsus Christ để khiển trách những người lười biếng.
  • Anh chị em ơi, Chúa dùng Sa-mu-ên vì ông siêng năng, siêng năng từ việc chung đến việc riêng, từ việc Chúa đến việc riêng, và siêng năng trọn đời. Đó là bài học cho Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay, thời mà con người làm rất nhiều việc nhưng không siêng năng.

IV/. TRONG SẠCH:
  • I Sa-mu-ên 12:1-5.
  • Theo tiêu đề ghi trước đoạn 12 nầy là: Sa-mu-ên hồi hưu, và những lời của Sa-mu-ên nói trong câu 1 và 2, ông trình bày đời sống của ông từ khi còn thơ ấu đến ngày tuổi già, tóc bạc.
  • Từ ngày tôi hầu việc Chúa đến nay, tôi rất thích những lời nầy của Sa-mu-ên khi từ giã dân sự trong câu 3,
‘Vậy, ta đây, hãy làm chứng về ta tại trước mặt Đức Giê-hô-va và trước kẻ chịu xức dầu của Ngài. Ta có bắt bò ai chăng? Bắt lừa ai chăng? Ta có lừa dối ai chăng?Hành hung cùng ai chăng?Ta có nhận của hối lộ nơi tay ai đặng vì nó mà nhắm mắt ta chăng?…
  • Thật là một đời sống trong sạch, một chức vụ thanh liêm.
  • Nói đến những chữ trong sạch, thanh liêm trong thời buổi nầy dễ trở thành người từ hành tinh khác đến lắm. Thời buổi mà người ta cho câu đối như sau:
THẲNG THẮN, THẬT THÀ, THƯỜNG THUA THIỆT,
LỌC LỪA, LƯƠNG LẸO, LẠI LÊN LƯƠNG.
  • Chúng ta phải ngạc nhiên khi được biết những người rất giàu, hoặc rất quyền thế, cũng tham nhũng, tham ô. Không phải ở những nước nghèo, người ta tham nhũng, mà ngay cả những người giàu ở những nước giàu cũng tham nhũng.
  • Vấn đề trong sạch, công chính liêm minh đã trở thành những bảng vàng để treo, hơn là đểm thi hành, đến nỗi, từ điển Việt-nam phải đưa thêm vào những thành ngữ: ‘Cuốn theo chiều gió’, ‘Ai sao tôi vậy’, ‘nắng bề nào che bề đó’…
  • Nhưng điều tôi muốn nói với anh chị em là chúng ta đang nói với những Cơ-Đốc nhân trong Chúa. Anh chị em có thấy sống đời sống trong sạch, thanh liêm trong thời buổi nầy là lạc hậu, là thiệt thòi không? Truyện bên Trung quốc kể rằng, có người nói với nhà hiền triết Mặc tử: Cả thế gian làm ác, tội gì ông đi làm thiện? Mặc tử đáp: Nhà có mười người con, chín người làm biếng, người thứ mười làm biếng nữa thì cả nhà chết đói sao?
  • Tôi phải nói điều nầy với tất cả sự đau lòng: Sự tham nhũng, tham lam, ham hố đời nầy, lòng tham tiền bạc… đã xâm nhập vào trong Hội Thánh ngày nay nhiều lắm rồi! Đức Chúa Trời đang cần những con người như Sa-mu-ên, như Phao-lô, đưa bàn tay thánh sạch lên trời mà cầu nguyện. Tôi không biết ngày mai, nhưng cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn ước ao một ngày nào đó từ giã anh chị em, tôi cũng có thể nói được như Sa-mu-ên đã nói: Tôi có bắt bò ai chăng? Tôi có bắt lừa ai chăng?Tôi có lừa dối ai chăng? Tôi có hành hung ai chăng? Tôi có nhận hối lộ của ai đặng vì nó mà nhắm mắt tôi chăng?Nguyện Chúa làm chứng cho chúng ta.


Đề mục: SAU-LƠ – VỊ VUA BỊ BỎ
Kinh thánh: I Sa-mu-ên 8: - 15:
Câu gốc: I Sa-mu-ên 13:13-14
Mục đích: Học tiếp sách I Sa-mu-ên qua nhân vật Sau-lơ, một người được chọn nhưng không vâng lời nên bị Chúa từ bỏ, một Cơ-Đốc nhân trật phần ân điển.

I/. SAU-LƠ ĐƯỢC CHỌN LÀM VUA:
  • I Sa-mu-ên 8: - 12:
  • Nhân vật thứ ba của sách I Sa-mu-ên xuất hiện từ đoạn 8 của sách, đó là Sau-lơ, cũng là bắt đầu thời kỳ chế độ Thần quyền chuyển sang thời kỳ Quân chủ, mà Sau-lơ là vị vua đầu tiên.
  • 8:1-6, cho chúng ta biết việc Sau-lơ được tôn làm vua là do sự đòi hỏi của dân I-sơ-ra-ên trước tuổi già của Sa-mu-ên, với những nguyên nhân:
  • 8:3, Các con của Sa-mu-ên rơi vào tội tham nhũng, không còn xứng đáng để làm Quan xét cho dân sự, nghĩa là không có người xứng đáng.
  • 8:5, dân I-sơ-ra-ên muốn bắt chước các dân tộc chung quanh có một vua để cai trị họ, nghĩa là muốn bắt chước thế gian.
  • 8:7, Chúa nhìn thấy lòng của dân I-sơ-ra-ên muốn từ chối Chúa trực tiếp cai trị họ, nghĩa là đời sống thuộc linh của họ xuống dốc.
  • Trong bối cảnh như vậy, Sau-lơ đã được giới thiệu với những điều kiện làm một vị vua tốt:
  1. 9:1-2, Sau-lơ là dòng dõi dũng sĩ, lại là một người trẻ và rất đẹp trai, người cao hơn dân sự từ vai trở lên. Với tất cả bề ngoài như vậy lập tức thu hút sự chú ý của dân I-sơ-ra-ên đang đầy khao khát tìm một Tân Vương.
  2. 9:3-5, Sau-lơ là một người siêng năng và hiếu thảo. Sau-lơ đã vâng lời cha đi tìm một con lừa của gia đình đã bị thất lạc, người cũng quan tâm đến sự lo lắng của cha mình ở nhà.
  3. 9:21; 10:21-23, Sau-lơ tỏ ra khiêm nhường khi nghe những lời của tiên tri Sa-mu-ên tỏ ra sự tôn trọng dành cho người, và trốn tránh cuộc bỏ thăm chọn người làm vua.
  • Với những điều kiện bên ngoài và bên trong của Saulơ đã gây ấn tượng tốt đẹp cho dân I-sơ-ra-ên tôn Sau-lơ lên ngôi vua đầu tiên của nước I-sơ-ra-ên.
  • Điều nầy không có nghĩa là Đức Chúa Trời chọn những người tốt, người đẹp, người tài giỏi… để lo công việc Chúa, nhưng Chúa chỉ chọn những người tốt, người giỏi mà biết mình hèn hạ, không xứng đáng, như Sau-lơ đã nói trong 9:21; như Phao-lô đã nói trong I Tim. 1:13.
  • Nói cách khác, Kinh thánh cũng làm chứng trong I Côrintô 1:26-29 rằng Đức Chúa Trời cũng đã chọn những người không có khôn ngoan theo xác thịt, chọn những người không có quyền thế, chọn những người không sang trọng, dự phần trong công việc Chúa. Thí dụ như Chúa đã chọn
  • A-mốt là một người nghèo, chăn thuê, hái mướn.
  • Chúa đã chọn Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Anh-rê là những người đánh cá nghèo ở Ga-li-lê.
  • Nhưng nói như vậy không có nghĩa Chúa không cần những người khôn ngoan, học thức, giàu có, quyền thế. Nhưng chữ mà Phao-lô dùng trong I Cô. 1:26, không có nhiều người, hàm ý rõ ràng là cũng có những người khôn ngoan, quyền thế, giàu có. Thí dụ như Chúa đã dùng Đa-ni-ên, Phao-lô, Ma-thi-ơ …
  • Có hai cực đoan mà chúng ta cần phải tránh:
  1. Có những người nghĩ rằng chỉ cần những người quyền thế, giàu có, học thức thì Hội Thánh phát triển. Đó là một ý tưởng sai lầm. Đức Chúa Trời cần những người quyền thể, giàu có, học thức mà biết khiêm nhường. Nếu họ không khiêm nhường thì sự bại hoại sẽ theo sau, và chắc chắn họ sẽ sa ngã.
  2. Có những người nghĩ rằng không cần quyền thể, giàu có, học thức, chỉ cần tấm lòng. Đây là một sự kiêu ngạo từ mặc cảm kém thiếu, một tấm lòng mà không có phương tiện thể hiện thì làm sao kết quả được? Hãy nghe một người dốt nát không học như Phi-e-rơ khuyên trong II Phi. 1:5-9, Vậy nên, … thêm cho …. thêm cho… Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù… Nếu Chúa dùng, anh em phải nhờ ơn Chúa tấn tới trong ân điển của Đức Chúa Trời (II Phi. 3:18)
  • Thật là một ân điển lớn lao Chúa đã ban cho Sau-lơ được làm vị vua đầu tiên thành lập vương quốc I-sơ-ra-ên, là dân Chúa.

II/. LỖI LẦM CỦA SAU-LƠ:
  • I Sa-mu-ên 13: - 28:
  • Có một tánh chất của tội lỗi mà chúng ta không bao giờ được quên, ấy là tội lỗi có tánh chất sanh sản. Trong Hi-văn, từ ngữ tội lỗi là ở giống cái, để ngụ ý tánh chất sinh sản của nó. Từ tội lỗi nầy sanh ra những tội lỗi khác, và cứ thế tiếp tục, tiếp tục.
  • Thánh Gia-cơ đã nói đến tánh chất nầy trong Gia-cơ 1:15, Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác, tội ác đã trọn, sanh ra sự chết.
  • Rủi thay là Sau-lơ đã không biết tánh chất nguy hiểm nầy của tội lỗi, và ông đã sụp vào tội lỗi nầy sang tội lỗi khác, càng lúc càng nặng nề hơn.
  • Từ đoạn 11 đến đoạn 13, Sau-lơ đã thắng được vài trận lấy được lòng dân, thì Sau-lơ bắt đầu mất sự khiêm nhường, người bắt đầu phạm tội với Chúa:
  • 13:8-13, Sau-lơ đã nóng lòng để rồi cướp quyền dâng tế của Sa-mu-ên, một điều mà chính Môi-se từ khi lập nên luật tế lễ ủy thác cho dòng dõi tế lễ, cũng không dám vi phạm. Sau-lơ đã bắt đầu KHÔNG VÂNG THEO QUI ĐỊNH CỦA CHÚA.
  • 15:7-9, Lần thứ nhì Sau-lơ đã KHÔNG VÂNG LỜI CHÚA DẠY, ông đã làm theo ý mình chừa lại những vật tốt, làm trái lịnh của Chúa bảo phải tận diệt.
  • 15:15, Tội không vâng lời khiến Sau-lơ  phạm thêm tội nói dối, đổ tội cho dân sự, và mượn Chúa làm màn che tội lỗi của ông bằng cách biện hộ là để các vật tốt dâng cho Chúa. Và chúng ta nghe cáo trạng mà Sa-mu-ên đã công bố về Sua-lơ ghi trong I Sam. 15:19, 22-23.
  • 15:30, Sau-lơ lại lún thêm một bước nữa, thay vì ăn năn, ông đã muốn che giấu nó để không bị mất mặt trước dân chúng. Sau-lơ không biết rằng người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn (Châm. 28:13).
  • 18:9-10, tội lỗi trong Sau-lơ sanh thêm tội ganh ghét và đưa đến chủ ý giết người, là Đa-vít, người đã có công giải cứu Sau-lơ cùng đạo quân của ông khỏi tay lực sỉ Gô-li-át.
  • 28:, tội lỗi của Sau-lơ leo đến cực điểm bằng cách đi cầu hỏi đồng bóng. Đọc đến 28:20, Sau-lơ đã bị khủng hoảng đến tột độ, sự căng thẳng đã khiến Sau-lơ hoảng sợ, kiệt sức.
  • Kiểm điểm lại từng dấu chân đi xuống đi xuống trên con đường phạm tội của Sau-lơ, điều mà chúng ta có thể nhận thấy là Sau-lơ giống như một chiếc xe tuột thắng đang khi xuống dốc. Điều khủng khiếp là Sau-lơ không một lần thốt lên lời ăn năn.
  • Vấn đề đối với Chúa không phải là tội lớn hay tội nhỏ, tội nặng hay tội nhẹ, mà là ăn năn.
  • Có người nghĩ rằng tội của mình chẳng đáng kể gì, Chúa nào chấp nhất những cái vụn vặt. Họ không biết rằng Lỗ nhỏ làm đắm thuyền, tội không đáng chết sẽ dẫn đến tội đáng chết. Đó là lý do họ không chịu ăn năn, mà cứ nuôi dưỡng nó, họ không biết rằngDưỡng hổ di họa, tội lỗi sẽ sanh sản đến ngày họ không còn mềm mại để ăn năn.
  • Có người nghĩ rằng tội lỗi của mình lớn lắm, nặng lắm, lỡ rồi thì đành vậy.
  • Anh chị em ơi, dù tội lớn đỏ như hồng điều, Chúa cũng có quyền năng để làm cho trắng như tuyết; dù đỏ như son Chúa cũng có quyền năng tẩy sạch như lông chiên (Êsai 1:18). Vấn đề là dừng lại và ăn năn, vì Huyết của Đức Chúa Jêsus Con Ngài làm sạch MỌI TỘI của chúng ta! (I Giăng 1:7). Tội lỗi là một thứ vi trùng bịnh, đừng để nó sinh sản trong chúng ta nữa.

III/. SỰ CHẾT CỦA SAU-LƠ:
  • I Sa-mu-ên 31.
  • Tôi nghĩ rằng phải có một lúc nào đó anh chị em nên đọc lại toàn bộ đoạn 31 nầy, rồi so sánh nó với cảnh bãi chiến trường được Leon Tolstoi mô tả chiến trường Nga sau khi Napoleon tấn công, hoặc với cảnh bãi chiến được mô tả trong trận Xích Bích hỏa công của Tam Quốc Chí – một bộ sử của Trung Quốc.
  • Tôi nghĩ rằng với một chút tưởng tượng cũng đủ để anh chị em có cảm giác rùng mình qua 13 câu Kinh thánh nầy. 13 câu Kinh thánh, tác giả đã mô tả từ
  • 13:1-2, cảnh giao tranh của người Phi-li-tin với người I-sơ-ra-ên, những người ngã chết trên núi Ghinh-bô-a, trong đó có những chàng trai là những thái tử, hoàng tử, có thể nói toàn bộ sức mạnh của Hoàng gia Sau-lơ. Tác giả đã khéo léo đưa danh sách người chết hàng đầu là Giô-na-than, một chàng thái tử hiền lành, khôn ngoan, dũng cảm, mà chúng ta đã được giới thiệu trong những đoạn 14 và 18.
  • 13:3-6, dù qua những tội lỗi của Sau-lơ làm cho chúng ta thất vọng, sự thù ghét của Sau-lơ đối với Đa-vít làm cho chúng ta không còn cảm tình dành cho ông, thì trước cái chết bi hùng của một vị Vua như thế nầy, tác giả sách I Sa-mu-ên thật đã dành cho Sau-lơ nhiều sự quý trọng.
Sau-lơ đã oanh liệt tự sát chết, không cho kẻ thù không chịu cắt bì giết ông, sỉ nhục ông. Cái chết oai hùng của Sau-lơ đã khiến tất cả những người hầu cận liều mình chết theo ông.
Anh chị em hãy tưởng tượng giữa một bãi chiến trường đầy xác chết, một vị vua chống gươm tự sát nằm đó, chung quanh là xác những người hầu cận. Câu 6, … hết thảy kẻ theo người đều chết chung nhau. Thật bi thảm, nhưng cũng thật hùng tráng. Nói theo nhân nghĩa Đông phương, thật không thể nào không cảm phục.
  • 13:7-10, thật là khủng khiếp về sự trả thù của người Phi-li-tin đối với Sau-lơ. Chẳng những kẻ thù của Sau-lơ sỉ nhục xác chết của ông, mà họ còn ăn mừng về sự chết của ông. Một cảnh tưởng thật hãi hùng, tàn bạo.
  • 13:11-13, cảm ơn Chúa, sách I Sa-mu-ên đã không kết thúc với cái xác bị treo trên vách thành của Sau-lơ, mà là những hình ảnh càng dũng cảm hơn của những người dũng sĩ cướp xác của Sau-lơ về an táng với lòng yêu thương.
Những chữ Dũng sĩ đứng dậy đủ cho chúng ta hình dung cảnh nguy hiểm cho hành động cướp xác nầy.
  • Sách I Sa-mu-ên đã giới thiệu Sau-lơ với bao hình ảnh đẹp đi vào lòng dân I-sơ-ra-ên, đi vào lòng người đọc, một người bởi ân điển của Chúa được dùng làm công việc lớn cho Chúa. Rồi chỉ vì kiêu ngạo, không ăn năn, mà ngã chết cách thảm khốc, để lại bao nuối tiếc cho dân Chúa và cho người đọc.
  • Bao giờ cũng vậy, người học Lời Chúa là để đi tìm một sự dạy dỗ cho chính mình. Mỗi chúng ta học được gì qua bài học của Sau-lơ?

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.