II Các Vua

 I/. BỐI CẢNH:
Học sách II Các Vua chúng ta phải am tường những nước làm bối cảnh cho sách lịch sử nầy.
  1. Nước Sy-ri:
Lần đầu tiên xuất hiện tên nước Sy-ri trong II Samuên 8:5. Nhưng trong sách II Các Vua, sau khi nước Y-sơ-ra-ên bị suy yếu vì chia rẽ, thì nước Sy-ri có liên hệ nhiều.
  • II Vua 5:, câu chuyện Quan Tổng binh của Sy-ri là Na-a-man đến nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc xin Tiên tri Ê-li-sê chữa lành bịnh phung.
  • II Vua 6:7, quân Sy-ri vây thành Sa-ma-ri.
Sy-ri là một nước ở phía Bắc Y-sơ-ra-ên, thủ đô là Đa-mách, là một vùng đất cao. Tiếng Hi-bá-lai gọi Sy-ri là A-ram (tiếng A-ram thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong Kinh Thánh).
  1. Nước A-si-ri:
Đây là một Đế quốc rộng lớn trước thế kỷ thứ 7 TC., cũng có tên là A-su-rơ (Dân. 24), và A-su (Dân. 24:24). Ngày nay là nước Iraq.
  • Do Nim-rốt thành lập – Sáng. 10:11
  • Dân A-si-ri hung dữ, thường cướp phá nhiều nơi
  • Thủ đô là Ni-ni-ve (ngày nay là Baghdad)
  • II Vua 17:6 ghi lại sự kiện A-si-ri chiếm Sa-ma-ri thủ đô của Y-sơ-ra-ên (17:24), đem dân Y-sơ-ra-ên đày đi các xứ khác, và đem các dân khác đến Sa-ma-ri. Bởi đó, về sau, tạo ra một giống người Y-sơ-ra-ên lai, nên bị người Y-sơ-ra-ên thuần gốc khinh ghét (Giăng 4:9).
  • II Vua 19:19, đế quốc A-si-ri tấn công Giê-ru-sa-lem. Đây là một trận quyết định, kết quả lời cầu nguyện của vua Ê-xê-chia được Chúa nhậm, đạo quân A-si-ri bị tiêu diệt trong một đêm (19:35).
Theo Sử gia Herodotus (II. 141) ghi rằng có một đàn chuột cắn phá, nhưng nhiều người tin rằng quân A-si-ri bị bịnh dịch hạch.
  • Nước A-si-ri có liên hệ nhiều đến Kinh Thánh, các sách Tiên tri thường đề cập, đặc biệt là sách Giô-na, Na-hum, Sô-phô-ni.
  • Đế quốc A-si-ri sụp đổ bởi liên minh giữa Ba-by-lôn, Medes, và Scythes (bộ tộc phía nam biển Caspians) vào năm 612 TC.
  1. Nước Ba-by-lôn:
Đây là một đế quốc lớn nối tiếp đế quốc A-si-ri, thủ đô cũng mang tên Ba-by-lôn, nằm trên bờ sông Ơ-phơ-rát của vùng vịnh Persian.
  • Sau khi hạ được A-si-ri (612 TC.), Ba-by-lôn nổi tiếng trong đời Nê-bu-cát-nết-sa (606 TC.)
  • Nước Ba-by-lôn đã chiếm Giê-ru-sa-lem, đốt Đền thờ, đày dân Giu-đa qua Ba-by-lôn 70 năm.
  • Ba-by-lôn có liên hệ rất nhiều với Kinh Thánh và lịch sử của Y-sơ-ra-ên.
  • Năm 538 TC. Đế quốc Ba-by-lôn bị liên minh Mê-đi và Ba-tư tiêu diệt. Nhưng trong tương lai trước ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm, có một thế lực được dấy lên mà Kinh Thánh mô tả là nước Ba-by-lôn Lớn (Khải. 17 – 19).
II/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Phần nội dung:
    • Mở đầu bằng sự kiện tiên tri Ê-li được Chúa cất lên trời bằng xe và ngựa lửa.
    • Kết thúc bằng cuộc luu đày qua Ba-by-lôn.
    • Đoạn 17 ghi sự kiện 10 chi phái phía Bắc bị đế quốc A-si-ri tiêu diệt và đày qua A-si-ri.
    • Đoạn 25, thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền thờ bị đốt, dân Giu-đa bị đày qua Ba-by-lôn.
  2. So sánh với các sách khác:
 
TÊN SÁCHSỰ KIỆN
I SamuênTrung gian giữa chế độ thần quyền và quân chủ với 3 nhân vật: Samuên, Sau-lơ, Đa-vít.
II SamuênTriều đại của vua Đa-vít với sự đắc thắng và thất bại của Đa-vít.
I Các VuaSách của sự phân rẽ với 40 năm cai trị của Salômôn, và 80 năm đầu của hai nước sau khi chia rẽ
II Các VuaSách của sự lưu đày: Y-sơ-ra-ên bị đày qua A-si-ri (17) và Giu-đa bị đày qua Ba-by-lôn (25).

Đọc sách II Vua, chúng ta nhớ đến lời của Sứ đồ Phaolô trong Rôma 6:23, tội lỗi của hai nước đều được tiền công là bị lưu đày.
III/. BỐ CỤC:
Đề mục; TỘI LỖI
Câu gốc: 17:20
A/. Cảnh cáo tội lỗi – 1:1 – 8:15
  1. Lời cảnh cáo của Tiên tri Ê-li – 1:1 – 2:12
  2. Lời cảnh cáo của Tiên tri Ê-li-sê – 2:13 – 8:15
Trong thời kỳ nầy, chúng ta thấy Đức Chúa Trời dấy lên hai Tiên tri lớn, làm rất nhiều phép lạ, giảng dạy để cảnh tỉnh dân Chúa. Đây là một thời kỳ có nhiều phép lạ được Đức Chúa Trời thi hành nhiều hơn hết.
B/. Hậu quả của tội lỗi – 8:16 – 17:41
  1. Rối loạn trong dân Y-sơ-ra-ên – 8:16 – 16:20
  2. Thành Sa-ma-ri sụp đổ – 17:1-41
Những đoạn nầy ghi lại sự thay đổi ngôi vua, cuộc sống sa đọa của các vua nước Y-sơ-ra-ên phía bắc.
Chỉ với 9 đoạn sách ngắn ghi chép lại lịch sử hơn 120 năm lịch sử của Y-sơ-ra-ên phía bắc, trong khi đời vua Đa-vít và Salômôn được dành những đoạn dài.
C/. Tác động của tội lỗi – 18 – 25
  1. Từ tốt qua xấu – 18 -29
  2. Mất sự thánh khiết – 24 - 25
Tội lỗi của Y-sơ-ra-ên phía bắc đã lôi cuốn Giu-đa phía nam, khiến Giu-đa từ một Ê-xê-chia tốt lành đến Manase, Am-môn gian ác. Từ Giô-sia tốt đến Giô-a-cha, Giê-hô-gia-kim ác.
Cuối cùng tội lỗi đã khiến cho Đền thánh bị đốt, Thành thánh bị mất, Dân thánh bị lưu đày.
Chúng ta thấy sách II Các Vua ghi lại việc Đức Chúa Trời phạt rất nặng đối với tội lỗi, không phải vì Ngài thiếu nhân từ, trái lại, Chúa rất nhân từ dấy lên nhiều tiên tri nhất trong các thời kỳ để cảnh cáo dân Chúa.
Y-SƠ-RA-ÊN: Giô-na, A-mốt, Ô-sê.
GIU-ĐA: Áp-đia, Giô-ên, Ê-sai, Mi-chê, Na-hum, Ha-ba-cúc, Giê-rê-mi,…
Tiếc thay từ vua đến dân không ai chịu hạ mình ăn năn.
IV/. NHÂN VẬT ĐÁNG NHỚ:
  1. Niên hiệu các vua Giu-đa và Y-sơ-ra-ên: (So sánh hai vương quốc).
 
GIU-ĐAY-SƠ-RA-ÊN
Rô-bô-am17 nămGiê-rô-bô-am22 năm
A-bi-giam3 nămNa-đáp2 năm
A-sa41 nămBa-ê-sa24 năm
Ê-la2 năm
Xim-ri1 tuần
Ôm-ri12 năm
Giô-sa-phát25 nămA-háp22 năm
A-cha-xia2 năm
Giô-ram12 năm
Giô-ram8 nămGiê-hu28 năm
A-cha-xia1 năm
Athali (Thái hậu)6 năm
Giô-ách40 nămGiô-a-cha17 năm
A-ma-xia29 nămGiô-ách16 năm
A-xa-ria (Ôxia)52 nămGiê-rô-bô-am II44 năm
Không có vua12 năm
Xa-cha-ri6 tháng
Sa-lim1 tháng
Mê-na-hem10 năm
Phê-ca-hia2 năm
Giô-tham16 nămPhê-ca20 năm
A-cha16 nămÔ-sê9 năm
Kế thúc  vào năm 721 TC
Ê-xê-chia29 năm 
Ma-na-se55 năm 
A-môn2 năm 
Giô-si-a31 năm 
Giô-a-cha3 tháng 
Giê-hô-gia-kim11 năm 
Giê-hô-gia-kin3 tháng 
Sê-đê-kia11 năm 
Kế thúc vào 586 TC 
     
 
  1. Tiên tri Ê-li-sê – 1 – 10:
  1. Ê-li-sê được kêu gọi – I Vua 19:19-21
    • Câu 21, dứt khoát với những ràng buộc có thể ảnh hưởng đến chức vụ – Luca 9:62
    • Đức Chúa Trời dùng Ê-li-sê để dạy Ê-li tinh thần phục vụ qua “hầu việc người”
  2.  Phép lạ Ê-li-sê làm:
(1)  2:13-14 – Rẽ nước sông Giô-đanh
(2)  2:19-22 – Chữa lành nước độc
(3)  4:1-7 – Hóa dầu
(4)  4:8-37 – kêu con trai người nữ Su-nem sống lại
(5)  4:38-41 – Chữa nồi canh độc
(6)  4:42-44 – Hóa bánh cho 100 người ăn
(7)  5: - Chữa bịnh phung cho Na-a-man
(8)  6:1-7 – Tìm được lưỡi rìu
(9)  6:8-23 – Phạt quân Sy-ri bị mù
(10) 6:24 – 7: - Giải cứu Sa-ma-ri khỏi nạn đói
(11) 13:20-21 – Hài cốt của Ê-li-sê cứu người chết
Những phép lạ của Ê-li-sê làm hầu hết giống như những phép lạ Chúa Jêsus Christ đã làm:
(1)  Bắt đầu chức vụ tại sông Giô-đanh
(2)  Biến nước thành rượu
(3)  Đầy dầu Thánh Linh
(4)  Kêu người chết sống lại
(5)  Nuôi nhiều người ăn
(6)  Chữa lành bịnh phung – sự tái sanh
(7)  Tưởng mất mà còn (Luca 15) – lưỡi rìu
(8)  Tha kẻ thù (quân Sy-ri bị mù)
(9) Không thấy mà tin – Giải cứu Sa-ma-ri dù có người không tin.
Do đó, Chúa Jêsus Christ đã gọi Giăng Báp-tít là Tiên tri Ê-li – Mathiơ 11:14; Luca 1:17; 17:11-13.
  1. Ê-xê-chia [Hi-bá-lai: H Z K = Hezekiah] – Tham khảo II Sử ký 29 – 32)
  1. Ê-xê-chia là người yêu mến Chúa: Ê-xê-chia là người yêu mến Chúa giống như Đa-vít – 18:3-7
    • Câu 3, làm điều thiện
    • Câu 4, phá hủy hình tượng
    • Câu 6, vâng lời Chúa
Từ đời vua Đa-vít, không có vua nào tốt như Ê-xê-chia.
  1. Ê-xê-chia là người cầu nguyện: Kinh Thánh ghi lại hai lời cầu nguyện của vua Ê-xê-chia. Đặc điểm hai lời cầu nguyện đều dài, tha thiết, và đều được Chúa nhậm lời.
    • 19:14-15, Ê-xê-chia lên Đền thờ cầu nguyện khi bị đạo quân Asi-ri sỉ nhục. Đức Chúa Trời đã nhậm lời và chính Chúa đã sai thiên sứ Ngài hủy diệt đạo binh kiêu ngạo đó.
    • 20:2-6, Ê-xê-chia đã cầu nguyện xin Chúa cho ông được gia hạn sự sống và Đức Chúa Trời đã nhậm lời cho ông sống thêm 15 năm.
  1. Giô-sia – 22 – 23
  1. Đặc điểm của Giô-si-a là người yêu mến Đức Chúa Trời và phục sự Chúa từ thơ ấu
    • Lên ngôi lúc 8 tuổi – 22:1
    • 16 tuổi biết tìm kiếm Chúa – II Sử 34:3a
    • 20 tuổi dẹp bỏ hình thượng – II Sử 34:3b
    • 26 tuổi tu sửa lại Đền thờ – II Sử 34:8; II Vua 22:3
  2. Giô-si-a đối với Kinh Thánh – 22:10-11
    • Giô-si-a sửa sang Đền thờ đã bị hư hại từ trước.
    • Tìm lại được sách Luật pháp (Ngũ Kinh) – 22:8
    • Vua đã biết lắng nghe và ăn năn tiếp nhận Lời Chúa – 23:25
    • Đức Chúa Trời đẹp lòng về Giô-si-a – 22:18-20
  3. Giô-si-a giữ Lễ Vượt Qua – 23:21-23
Đây là Lễ Vượt Qua được tổ chức sau 200 năm chưa hề có, so sánh với đời Quan xét và với hai vương quốc.
Giữa thời gian từ khi vua Ê-xê-chia chết (618 TC.) đến khi bị đày qua Ba-by-lôn (586 TC.), triều đại của Giô-si-a (614 TC.) như ánh sáng buổi hoàng hôn, như tia sáng lóe lên lần cuối. Dù vậy, cơn phục hưng nầy đã giảm bớt cơng iận của Đức Chúa Trời. Rất tiếc là dân Giu-đa đời Giô-si-a đã không bắt kịp cơ hội để ăn năn.
V/. SỰ KIỆN ĐÁNG NHỚ:
  1. Dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày – Samari sụp đổ:
Sách I Vua kết thúc với 8 vị vua cai trị vương quốc Y-sơ-ra-ên  phía Bắc là những vị vua làm ác. Bây giờ, với II Vua, có 11 vua, điệp khúc người làm điều ác luôn được lặp lại (3:2-3; 10:31-32; 13:2-3, 11; 14:24; 15:9, 18, 24, 28; 17:2).
Đến đời vua Phê-ca – 15:29, vua A-si-ri đã bắt 2 ½ chi phái phía Đông sông Giô-đanh (I Sử 5:25-26) và chi phái Nép-ta-li (II Vua 15:29) đày qua A-si-ri.
Một vấn đề là vua A-si-ri trong lần bắt lưu đày các chi phái nầy có tên là Tiếc-lác Phi-lê-se trong II Vua 15:29 cũng có tên là Phun trong I Sử 5:26.
Có nhiều người cho đó là 2 người, nhưng trong khi Kinh Thánh ám chỉ một người.
Nhưng gần đây, Dr. Pinches tìm thấy trong những bản đất sét ghi “Lịch sử Ba-by-lôn” tại Bảo tàng Viện Anh quốc (British Museum) cho biết Tiglah Phileser còn có tên khác là Pull hay Pulu. Kinh Thánh đã được xác chứng một lần nữa chính xác từng chi tiết lịch sử.
Độ 13 năm sau lần lưu đày của 2 ½  chi phái (721 TC.), Tiếc-lác Phi-lê-se đã chết, và Shal Manaser IV lên thay (17:3-6) đã vây Sa-ma-ri 3 năm và đày hết thảy dân Y-sơ-ra-ên phíc Bắc qua A-si-ri.
200 năm sau, con cháu (dòng dõi) của những người bị lưu đày nầy đã trở về Giu-đê với sự hướng dẫn của E-xơ-ra và Nê-hê-mi, nhưng có một phần đã không về.
Trong thời lưu đày, người A-si-ri đã ghi chép về việc mua bán dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ như sau (độ 14 sau khi Y-sơ-ra-ên bị lưu đày): ‘2 người nam Y-sơ-ra-ên và 1 phụ nữ bị một người Phoenician bán cho người Ai Cập giá 3 minas bạc ((27 Anh kim).
  1. Dân Giu-đa bị lưu đày – Giê-ru-sa-lem sụp đổ:
Đến đoạn 17, mười chi phái phía Bắc không còn nữa, lịch sử vương quốc này đóng lại vĩnh viễn.
8 đoạn sau cùng (18 – 25) của sách II Vua liên hệ đến sự sụp đổ của nước Giu-đa phía Nam – bắt đầu từ khi Sa-ma-ri sụp đổ (721 TC) đến khi Giê-ru-sa-lem bị cướp phá (586 TC.), một thời kỳ khoảng 130 năm.
Năm Giô-si-a chết (II Vua 23:29) cũng là lúc đế uqốc A-si-ri bị tiêu diệt bởi người Ba-by-lôn.
Sứ điệp của Tiên tri Ê-sai trước đó 100 năm (II Vua 20:15-19; Ê-sai 39) đã bắt đầu ứng nghiệm.
Sự sụp đổ của Giu-đa qua 3 giai đoạn:
  1. Lần I:
Trong năm thứ ba đời vua Giê-hô-gia-kim – II Vua 24:1-2; Đa-ni-ên 1:1-4; II Sử 36:5-7, vua Nê-cát-nết-sa của Ba-by-lôn bắt đi những thanh niên trẻ, trong đó có Đa-ni-ên và 3 bạn của ông.
  1. Lần 2: - II Vua 24:8-17,
    • Nhằm đời vua Giê-hô-gia-kin lên ngôi được 3 tháng, độ 8 năm sau lần lưu đày thứ I, sau khi Giê-hô-gia-kim chết.
    • Lần lưu đày nầy vua Ba-by-lôn bắt đi:
Những bửu vật trong Đền thờ (câu 13), trong cung vua
10,000 người mạnh khỏe, giỏi, trong số nầy có các thầy tế lễ (có Ê-xê-chi-ên.
  • Ê-xê-chi-ên 40:1, chính Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã nói về việc Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, trong khi ông đang ở tại Ba-by-lôn.
  1. Lần 3: - II Vua 23:4; II Sử 36)
    • Đời Sê-đê-kia, vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn vây Giê-ru-sa-lem, khi chiếm được, vua Ba-by-lôn đã phá thành, đốt Đền thờ, tịch thu các khí mạnh đem qua Ba-by-lôn.
    • Thảm cảnh của dân Giu-đa trong lúc Giê-ru-sa-lem bị vây đã được Giê-rê-mi diễn tả trong Ca-thương 2:20; 4:3-10; Ê-xê-chi-ên 5:12; II Vua 25:11-12.
Có một số người còn sót lại chạy qua Ai Cập (II Vua 25:22; Giê. 40-43)


---------------------


Đề mục: BỐI CẢNH SÁCH II VUA
Kinh thánh: II Vua 17:20
Mục đích: Để hiểu được các sách lịch sử, nhất là từ sách Các Vua thứ II, am tường những nước làm bối cảnh cho sách lịch sử nầy.

I/. NƯỚC SY-RI:
  • Đây là một nước ở phía Bắc của nước Y-sơ-ra-ên, thủ đô là Đa-mách, là một vùng đất cao, ngày nay vẫn được gọi là nước Sy-ri. Tiếng Hi-bá-lai gọi Sy-ri là A-ram, vì vậy tiếng A-ram hoặc là tiếng Sy-ri thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong Kinh thánh, nhất là sau khi dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày trở về, trong giao dịch họ thường sử dụng tiếng A-ram, ngay cả trong thời Tân Ước như:
  • Mác 5:41, khi Chúa Jêsus Christ kêu con gái của người cai Nhà Hội sống lại, Chúa đã sử dụng tiếng A-ram: Ta-li-tha Cu-mi, để truyền cho con gái đó sống lại.
  • Mác 7:34, khi Chúa Jêsus Christ chữa cho người điếc và câm để người đó nghe và nói được, Ngài đã đặt ngón tay vào lỗ tai người, thấm nước miếng xức lưỡi người, rồi ngửa mặt lên trời, thở ra mà phán cùng người rằng: Ép-pha-ta, nghĩa là Hãy mở ra!
  • Mác 15:34, lúc Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã kêu lớn tiếng rằng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni? Chúa Jêsus Christ đang dùng tiếng A-ram có nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài lìa bỏ tôi?
  • Sy-ri là một nước có mối liên hệ rất nhiều với nước Y-sơ-ra-ên từ xưa đến nay, thường là thù của Y-sơ-ra-ên.
  • Lần đầu tiên tên nước Sy-ri hay cũng gọi là nước A-ram xuất hiện trong Kinh thánh được ghi trong II Sa-mu-ên 8:5-6, Dân Sy-ri ở Đa-mách đến tiếp trợ Ha-đa-đê-xe, vua Xô-ba; Đa-vít bèn giết chúng nó hai mươi hai ngàn người. Kế đó người lập đồn trong Đa-mách xứ Sy-ri; dân Sy-ri phục dịch Đa-vít, và nộp thuế.
Chúng ta thấy ngay khi dân Y-sơ-ra-ên lập quốc thì Sy-ri đã đóng một vai trò thù địch với Y-sơ-ra-ên.
  • Riêng trong thời vương quốc phân chia, sách II Vua đã ghi lại hai câu chuyện về nước Sy-ri đối với Y-sơ-ra-ên:
1/. Na-a-man, quan Tổng Binh của Sy-ri được chữa lành:
  • II Vua 5:
  • Ngay câu 1, Kinh thánh cho chúng ta biết Na-a-man là vị Tổng Tham Mưu Trưởng của quân đội Sy-ri, một người có tài có công đối với dân Sy-ri, nhưng mắc bịnh phung.
  • Điều thú vị là thỉnh thoảng chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã sử dụng hai đối cực trái hẳn như: Đối với một lực sĩ như Gô-li-át, Đức Chúa Trời cho một Đa-vít còn là một Thiếu niên xuất hiện; bây giờ đối với Na-a-man, tác giả sách II Vua giới thiệu:
  • 5:1, Na-a-man, quan tổng binh của vua Sy-ri, là một người có quyền trước mặt chủ mình, được tôn trọng lắm, bởi vì Đức Giê-hô-va dùng người giải cứu dân Sy-ri; người nầy vốn mạnh mẽ và bạo dạn, song bị bịnh phung.
  • Đến 5:2, tác giả đưa ra một đối trọng khác: Vả có một vài toán dân Sy-ri đi ra bắt một đứa gái nhỏ của xứ Y-sơ-ra-ên làm phu tù, để hầu hạ vợ Na-a-man.
  • Và đứa gái nhỏ Y-sơ-ra-ên nầy đã chỉ cho Na-a-man một phương pháp để được chữa lành bịnh phung, ấy là đến với tiên tri ở Sa-ma-ri, tức là đến với tiên tri Ê-li-sê. Kỳ lạ thay, một Quan Tổng binh của Sy-ri tầm cỡ như Na-a-man lại bằng lòng nghe lời giới thiệu của một em gái nhỏ Y-sơ-ra-ên để tìm đến một tiên tri mà mình chưa hề biết. Kết quả là Na-a-man được gặp tiên tri Ê-li-sê, vâng lời dạy của Ê-li-sê xuống sông Giô-đanh tắm bảy lần thì được sạch (5:14).
  • Chẳng những Na-a-man được sạch bịnh phung, mà ông còn được sạch tội nữa, lòng ông đầu phục Đức Chúa Trời của Ê-li-sê (5:18-19). Chính Chúa Jêsus Christ đã cho một lời kết luận về câu chuyện nầy trong Luca 4:27, Trong đời đấng tiên tri Ê-li-sê, dân Y-sơ-ra-ên cũng có nhiều kẻ mắc tật phung; song không có ai lành sạch được, chỉ Na-a-man, người xứ Sy-ri mà thôi. Thật là một bài học ân điển lạ lùng cho Na-a-man, nhưng cũng là một bài học cay đắng cho tuyển dân. Bóng tối nằm ngay chân đèn!
2/. Quân Sy-ri vây thành Sa-ma-ri:
  • II Vua 6: - 7:
  • Trong đoạn 5 là một quan Tổng binh đối diện với quyền năng chữa lành của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-li-sê. Lần nầy, chính vua Sy-ri đối diện với quyền năng tranh chiến của Đức Chúa Trời qua tiên tri Ê-li-sê.
  • 6:8-23, sau khi tiên tri Ê-li-sê bởi sự khôn ngoan Chúa cho đã nhiều lần báo trước những âm mưu phục binh của vua Sy-ri cho vua Y-sơ-ra-ên, làm cho vua Sy-ri thất bại. Khi biết được người làm hỏng âm mưu của mình, vua Sy-ri đã kéo quân tìm Ê-li-sê và bị Ê-li-sê cầu nguyện xin Chúa phạt đạo quân Sy-ri bị mù mắt.
  • 6:24 – 7:, một lần nữa quân Sy-ri lại bao vây Sa-ma-ri gây nên một cơn đói kém lớn trong thành, đến nỗi người ta ăn thịt nhau (6:24-29). Trong cơn nguy cấp đó, tiên tri Ê-li-sê đã tiên báo sự giải cứu thành và lời tiên tri đó đã ứng nghiệm ngay trong đêm, cả thành chẳng những được giải cứu khỏi tay thù nghịch, mà còn được cứu khỏi nạn đói (7:15-16), còn những kẻ chẳng tin lời tiên tri Ê-li-sê thì thấy mà không được hưởng (7:17).
  • Quân Sy-ri lúc nào cũng tìm cách làm hại tuyển dân, còn Đức Chúa Trời luôn binh vực dân Chúa. Tôi tin rằng trong những ngày đó, dân Chúa chắc đã hát bài ca của Thi thiên 118:5-14.

II/. NƯỚC A-SI-RI:
  • Không có lúc nào bằng lúc nầy Đế quốc A-si-ri được toàn thế giới nói đến nhiều như bây giờ, Đế quốc A-si-ri đó là Nước Iraq ngày nay trong cuộc chiến giữa Iraq với liên quân Anh-Mỹ
  • Trước thế kỷ VII TC, A-si-ri là một Đế quốc hùng mạnh, cũng có tên là A-su-rơ (Dân. 24:22) hay là A-su (Dân 24:24), nằm ở phía chính Bắc của Y-sơ-ra-ên.
  • Nguồn gốc của nước A-si-ri được sáng lập bởi Nim-rốt, là một tay anh hùng trên đất thời bấy giờ (Sáng. 10:11), thủ đô là thành Ni-ni-ve (nay là Baghdad). Lịch sử thế giới cho biết rằng người A-si-ri rất hung bạo, dẫn quân đi cướp phá nhiều nơi. Kinh thánh nhiều lần nói đến sự hung dữ nầy, nhất là các sách tiên tri đều nói đến như tiên tri Giô-na, tiên tri Na-hum, Sôphô-ni.
  • Riêng sách II Vua hai lần nói đến sự xâm chiếm của Đế quốc A-si-ri đối với tuyển dân: một lần phía Bắc, một lần phía Nam.
1/. Quân A-si-ri chiếm Sa-ma-ri:
  • II Vua 17:3-6 mô tả trận chiến của người A-si-ri tấn công và chiếm được Sa-ma-ri, làm sụp đổ vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc, vào năm 721 TC.
  • Đặc biệt theo chánh sách của người A-si-ri muốn san bằng những dị biệt giữa các dân tộc, pha trộn chủng tộc để xóa bỏ lòng yêu nước của mỗi dân tộc, người A-si-ri đã đem dân Y-sơ-ra-ên bản xứ đày qua A-si-ri (17:6). Ngược lại, họ cho các dân tộc khác đến cư ngụ tại Sa-ma-ri (17:24), làm cho dân Y-sơ-ra-ên không còn thuần chủng nữa, mà thành một thứ dân lai, về sau được gọi là dân Sa-ma-ri, bị người Y-sơ-ra-ên thuần chủng khinh ghét (Giăng 4:9).
  • II Vua 18 – 19, sau khi thắng được vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc, người A-si-ri thừa thắng kéo quân bao vây Giê-ru-sa-lem trong đời vua Ê-xê-chia với lòng kiêu ngạo nghịch với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Giu-đa (18:28-30, 32b-35)
Cảm ơn Chúa, Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tuyển dân đã nhậm lời cầu nguyện của vua Ê-xê-chia, trong một đêm đã sai một thiên sứ của Ngài giết hết 185,000 người của đạo quân phạm thượng đó (19:35-36).
  • Tại sao Đức Chúa Trời giải cứu vương quốc Giu-đa phía Nam mà không cứu vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc? Câu trả lời là rõ ràng: Vua Ê-xê-chia của vương quốc Giu-đa đã biết nhờ cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của mình.
  • Năm 612 TC, Đế quốc A-si-ri đã sụp đổ bởi một liên minh Ba-by-lôn – Mê-đi – Sythes. Khi tôi viết những lời nầy, đạo quân cuồng tín của Đế quốc A-si-ri ngày xưa đã tái hiện qua đạo quân Iraq ngày nay với một San-chê-ríp ngày nay là Saddam Hussein, đang bị tấn công bởi một liên quân Anh-Mỹ, chỉ còn cách thủ đô Baghdad độ 100 km. Cuộc chiến đang đến hồi ác liệt, lịch sử Thánh Kinh đang tái diễn cho toàn thế giới để chứng minh cho nhân loại biết rằng Đức Chúa Trời đang tể trị thế giới qua mọi thời đại.

III/. NƯỚC BA-BY-LÔN:
  • Ba-by-lôn là một Đế quốc lớn nằm ở phía Đông của Y-sơ-ra-ên, và phía Nam của A-si-ri. Đế quốc Ba-by-lôn tiếp nối Đế quốc A-si-ri sau khi hạ được A-si-ri.
  • Nước Ba-by-lôn có thủ đô mang cùng tên là Ba-by-lôn, nằm trên bờ sông Ơ-phơ-rát, thuộc vùng Vịnh Persian. Dưới sự cai trị của vua Nê-bu-cát-nết-sa, Đế quốc Ba-by-lôn trở nên hùng mạnh và nổi tiếng, chiếm một vùng rộng lớn từ Mê-sô-bô-ta-mi đến ranh giới Ai Cập.
  • Đế quốc Ba-by-lôn cũng có liên hệ đến lịch sử tuyển dân Y-sơ-ra-ên rất nhiều, nhất là từ năm 606 TC., nhiều lần Ba-by-lôn đã đem quân tấn công Giê-ru-sa-lem và bắt lưu đày một số người Giu-đa đem qua Ba-by-lôn, trong đó có Đa-ni-ên, Ê-xê-chi-ên… Rồi đến năm 587 TC., Ba-by-lôn đã bao vây và chiếm Giê-ru-sa-lem, phá thành đốt Đền thờ, bắt dân Giu-đa đày qua Ba-by-lôn 70 năm, như lời các tiên tri đã rao báo.
  • Năm 539 TC., người Mê-đi Ba-tư đã tiêu diệt Ba-by-lôn, và từ đó xóa tên Ba-by-lôn trên bản đồ thế giới. Dù vậy, Kinh thánh cho chúng ta biết trong tương lai trước ngày Chúa đến, có một thế lực hùng mạnh được dấy lên được Kinh thánh gọi là Ba-by-lôn Lớn – Đại Dâm phụ, là thế lực cuối cùng chống lại Chúa bị tiêu diệt (Khải. 17: - 19:.
  • Ba-by-lôn đó là nước nào vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Chúa đã cho chúng ta thấy sự tái xuất hiện những tên của các Đế quốc trong Cựu Ước. Tôi tin rằng không bao lâu nữa Ba-by-lôn Lớn nầy sẽ hiện ra, nhưng điều Cơ-Đốc nhân chúng ta đều biết là trước giờ phút đó, Hội Thánh sẽ được cất lên nơi không trung gặp Chúa để ở cùng Chúa luôn luôn. Nguyện hết thảy chúng ta đều được cất lên.

IV/. NƯỚC Y-SƠ-RA-ÊN:
  • Đọc sách II Vua, chúng ta nhớ đến lời của Thánh Phao-lô đã nói trong thư Rôma 6:23, Vì tiền công của tội lỗi là sự chết. Tội lỗi của cả hai nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc và của Giu-đa phía Nam đã đến lúc được trả tiền công:
  • 17: ghi lại giờ phút vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc bị quân A-si-ri chiếm và dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày qua A-si-ri (năm 721 TC.)
  • 25: ghi lại giờ phút cuối cùng với cảnh người Ba-by-lôn tàn phá Giê-ru-sa-lem cách thảm khốc với những ngọn lửa thiêu hủy thành và thiêu hủy Đền thờ của Chúa, vua Sê-đê-kia bị bắt buộc chứng kiến các con trai mình bị người Ba-by-lôn giết trước mặt, còn chính vua bị móc mắt và bị xiềng đày qua Ba-by-lôn (năm 587 TC.).
  • Sách đã mở đầu với sự kiện tiên tri Ê-li được Chúa tiếp lên trời bằng xe và ngựa lửa cách khải hoàn, nhưng đã kết thúc bằng cuộc lưu đày qua Ba-by-lôn cách đau buồn.
  • Bài học nầy há không phải đã được Chúa nhắc đến cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô trong Khải huyền 2:5, Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chơn đèn khỏi chỗ nó. Đây là lúc Hội Thánh của Chúa phải ăn năn, tỉnh thức, nếu không muốn bị bỏ lại. 

Đề mục: TỘI LỖI
Kinh thánh: Sách II Vua 1: - 25: (Đọc 17:7-23)
Câu gốc: II Vua 17:20
Mục đích: Học tiếp sách II Vua.

I/. CẢNH CÁO TỘI LỖI:
  • II Vua 1: - 8:
  • Chúng ta đã học qua sách Các Vua thứ I, với những đoạn cuối nói về cái chết của A-háp là vua của vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc, và cái chết của Giô-sa-phát là vua của vương quốc Giu-đa phía Nam, sau một cố gắng liên minh bất thành của hai vua.
  • Sách Các Vua thứ II là một lịch sử tiếp nối của sách Các Vua thứ I, điều đó có nghĩa Sách Các Vua II là một bảng ghi chép sự tiếp nối những tội lỗi của các vua hai vương quốc – nhất là các vua của vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc.
  • Nhóm từ “người làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” xuất hiện thường xuyên suốt từ đầu đến cuối của sách lịch sử nầy.
  • Điều ác đó là gì?
  • Điều ác đó là việc các vua của Y-sơ-ra-ên hoặc của Giu-đa đã thờ lạy, cầu hỏi các tà thần của các dân ngoại bang, thay vì thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Chân Thần của họ.
  • Tuy nhiên lạ lùng thay, như Phao-lô đã nói trong thư Rôma 5:20b, nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn. Bằng cớ là trong suốt thời kỳ nầy, Đức Chúa Trời đã dấy lên rất nhiều tiên tri – nhiều nhất trong các thời kỳ, rao giảng và làm rất nhiều phép lạ để cảnh cáo về tội lỗi của tuyển dân.
1/. Tiên Tri làm phép lạ
  • II Vua 1: - 8: đã giới thiệu cho chúng ta hai vị Tiên tri xuất hiện trong thời kỳ TỘI LỖI nầy, cả hai đã thi hành nhiều phép lạ vừa để chứng minh chức vụ tiên tri của họ, vừa để xác quyết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời duy nhất có quyền năng, còn các tà thần chỉ là giả dối, đồng thời dùng các phép lạ để cứu giúp tuyển dân trong những lúc nguy nan có cần.
  • Đoạn 1 của sách Các Vua thứ II nầy đã giới thiệu Tiên tri Ê-li, một người đã xuất hiện từ I Vua 17:, với bao phép lạ và với sự can đảm hào hùng. Trong đoạn 1 nầy,
  • 1:2-3, tiên tri Ê-li đã xuất hiện với lời quở trách nghiêm khắc về tội lỗi của vua A-cha-xia của Y-sơ-ra-ên, vì vua đã không tìm kiếm Chúa, mà lại đi tìm sự chữa lành nơi tà thần, kèm theo bản án cho tội lỗi của vua A-cha-xia (1:4).
  • Hai lần tiên tri Ê-li đã khiến lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt các sứ giả của vua A-cha-xia đến tìm bắt ông.
  • 1:17, Ê-li đã trực tiếp tuyên án chết cho vua và lời tuyên án đó đã ứng nhiệm, vua A-cha-xia đã chết đúng như cách Ê-li tuyên bố.
  • Qua hình ảnh của một tiên tri Ê-li nghiêm khắc, chúng ta nhìn thấy một sự nghiêm khắc của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, không kể kẻ có tội là vô tội.
  • Kế tiếp, từ đoạn 2 đến đoạn 8, Kinh thánh lại giới thiệu cho chúng ta một tiên tri kế thừa Ê-li, là Ê-li-sê, cũng với nhiều phép lạ, đặc biệt là Ê-li-sê đã mấy lần can thiệp giải cứu thành Sa-ma-ri khỏi tay quân Sy-ri.
  • Các phép lạ của Ê-li-sê làm hầu hết đều có mục đích cứu giúp những người có hoàn cảnh khốn khó, hoặc những lúc dân Y-sơ-ra-ên bị nguy hiểm trước đạo quân thù nghịch.
  • Chúng ta có thể nhìn thấy qua hai Tiên tri Ê-li và Ê-li-sê một hình ảnh Giê-hô-va là Đấng Chăn giữ tôi như tác giả Thi thiên 23 đã nói, trong tay của Chúa vừa cầm cây trượng vừa cầm cây gậy, vừa sửa dạy vừa an ủi. Mục đích của Đức Chúa Trời dùng Ê-li và Ê-li-sê đều là để cảnh cáo tuyển dân về tội lỗi của họ.
2/. Các Tiên tri không làm phép lạ:
  • Dù trong sách II Vua không đề cập đến, nhưng qua tham khảo với nội dung của các sách tiên tri, chúng ta khám phá một điều lạ lùng là trong thời kỳ đầy dẫy việc ác trước mặt Đức Giê-hô-va nầy, đã có rất đông các Tiên tri được Đức Chúa Trời dấy lên, kêu gọi, để cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên phía Bắc cũng như dân Giu-đa phía Nam ăn năn, quay về với Chúa để được tha thứ, để cứu xứ khỏi tai họa hầu đến.
  • Tại vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc, ngoài Ê-li và Ê-li-sê, Đức Chúa Trời còn dùng các tiên tri như Giô-na, A-mốt, Ô-sê
  • Đối với vương quốc Giu-đa phía Nam, Đức Chúa Trời đã dùng ít nhất là 8 vị Tiên tri, như Ê-sai, Áp-đia, Giô-ên, Michê, Nahum, Sô-phô-ni, Ha-ba-cúc, Giê-rê-mi.
  • Tất cả các Tiên tri lớn hoặc nhỏ nầy đã liên tục giảng dạy, quở trách, kêu gọi. Chỉ tiếc là lòng người cứng cỏi như Tiên tri Giê-rê-mi đã nói: Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được, và Giê-rê-mi kết luận: Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được. Tiên tri không còn một chút hi vọng gì tuyển dân thay đổi.
  • Xét như vậy, chúng ta mới hiểu được lòng Đức Chúa Trời yêu thương nhân từ biết bao nhiêu, như Chúa từng phán với tiên tri Ê-xê-chi-ên: Thật như ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống (Êx. 33:11). Rõ ràng không phải Chúa thiếu nhân từ, nhưng vì từ vua đến dân, không ai chịu ăn năn. Chúa khẳng định: Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất (Luca 13:3, 5).

II/. HẬU QUẢ CỦA TỘI LỖI:
  • II Vua 9: - 17:
  • Trong các đoạn nầy, nghĩa là sau một thời gian dài dân Y-sơ-ra-ên vừa nghe lời cảnh cáo, quở trách, lẫn nhìn thấy bao nhiêu phép lạ mà Chúa đã cậy các tiên tri Ngài làm để chứng minh Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Chân Thần, nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không ăn năn, quay lại thờ phượng Chúa, có ăn năn chăng cũng chỉ một giai đoạn ngắn ở vương quốc Giu-đa phía Nam. Cuối cùng Đức Chúa Trời đã hạ cây roi của Ngài xuống, tiền công của tội lỗi đã được báo trả.
1/. Nội bộ rối loạn:
  • II Vua 9: - 16:
  • Qua các đoạn nầy, chúng ta thấy hậu quả của tội lỗi đã làm cho nội bộ Nam, Bắc triều đều rối loạn.
  • Những người phía Bắc đã giết hại nhau để tranh giành ngôi vua, với những cái chết thật thảm khốc:
  • 9:33-35, cái chết thảm khốc của Giê-sa-bên bị ném từ lầu xuống và bị chó ăn thịt.
  • 10:7, 17, cuộc tàn sát diệt sạch nhà A-háp thật khủng khiếp.
  • Những cuộc tranh giành ngôi vua, đến nỗi có vua chỉ cai trị được hai năm, nửa năm, thậm chí một tháng.
  • Trong khi đó ở phía Nam, sách II Vua cũng ghi lại một cuộc tàn sát Hoàng tộc Đa-vít bởi Thái hậu A-tha-li suýt chút nữa đã tiêu diệt dòng dõi Đa-vít (II Vua 11:1)
  • Thật như Lời Chúa đã phán: Những người ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ…(Êsai 48:22). Thật như vậy:
  • Tội lỗi đã đem đến sự rủa sả trong Vườn Ê-đen.
  • Tội lỗi của A-can đã làm dân Y-sơ-ra-ên thua trận
2/. Sa-ma-ri sụp đổ:
  • II Vua 17:
  • Hậu quả của tội lỗi chẳng phải chỉ đem đến sự rủa sả, hoặc sinh ra bịnh tật, mà như Phao-lô đã khẳng định trong Rôma 6:23, Tiền công của tội lỗi là sự chết.
  • Tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên chẳng phải chỉ đem đến sự bất an trong nội bộ, trong lòng từ vua cho đến dân, tội lỗi còn đem đến sự hủy diệt đất nước.
  • 17:5-6, hậu quả cuối cùng của tội lỗi đối với dân vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc là năm 721 TC., thì Sanh-ma-na-se của Đế quốc A-si-ri đã đem quân đến bao vây Sa-ma-ri ba năm, chiếm lấy thành, và bắt dân Y-sơ-ra-ên lưu đày tan lạc khắp nơi, đồng thời còn đem các dân ngoại vào cư ngụ trong xứ, khiến dân Y-sơ-ra-ên phía Bắc trở thành một dân Y-sơ-ra-ên lai, để lại sự rủa sả trải qua các thời đại (Giăng 4:9).
  • Anh chị em để ý, sách II Vua chỉ cần 9 đoạn ngắn để ghi chép lại lịch sử hơn 180 năm của vương quốc phía Bắc, trong tổng số hơn 250 năm với 19 vị vua. Trong khi dưới triều đại của Đa-vít và Sa-lô-môn, Kinh thánh dùng những đoạn thật dài và thật nhiều đoạn để tường thuật hai triều đại tin kính Chúa.
  • Điều đáng cho chúng ta phải lưu ý là mỗi khi nói đến tội lỗi, là chúng ta thường nghĩ đến những người chưa tin Chúa, họ là những tội nhân. Nhưng bài học trong sách II Vua nầy rõ ràng là đang nói đến tội lỗi của tuyển dân, tội lỗi của những người đã biết Chúa, đã từng thuộc về Chúa, đã từng được nhiều và thậm chí rất nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời là các Tiên tri lớn, nhỏ giảng dạy, thi hành phép lạ. Rất tiếc là họ không có tấm lòng mềm mại, hạ mình ăn năn quay lại sống chân thật như Lời Chúa dạy, ý Chúa muốn. Và vì vậy, tội lỗi của họ đã đưa họ con đường sự chết, hủy diệt.
  • Xin Chúa cho chúng ta nghe được lời cảnh cáo của Chúa được ghi trong thư Rôma 11:20-22, mà lòng run sợ để tự xét mình ăn năn với Chúa.

III/. ẢNH HƯỞNG CỦA TỘI LỖI:
  • II Vua 18: - 25:
  • Đến đây thì vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc đã kết thúc (721 TC.), chỉ còn lại vương quốc Giu-đa phía Nam. Lý do Chúa còn để lại vương quốc Giu-đa là vì các vua của Giu-đa còn có một số vua làm điều thiện trước mặt Chúa, trong khi Y-sơ-ra-ên phía Bắc không có một vua nào làm thiện.
  • Dù vậy, như chúng ta đã nói nhiều lần, đặc tánh của tội lỗi là sinh sản, lan tràn, truyền nhiễm. Tiên tri Giê-rê-mi nhận định về nước Giu-đa sau khi nước Y-sơ-ra-ên bị Chúa phạt trong Giê. 3:7b-11, Em gái quỉ quyệt nó là Giu-đa đã thấy. Dầu ta đã bỏ Y-sơ-ra-ên bội nghịch và đã cho nó tờ để, vì cớ nó ngoại tình, ta cũng còn thấy em gái quỉ quyệt nó, là Giu-đa, chẳng sợ sệt chi; nhưng nó cũng cứ đi hành dâm… Dầu vậy, em gái quỉ quyệt nó là Giu-đa, cũng chẳng trở về cùng ta cách hết lòng, chẳng qua là giả dối, Đức Giê-hô-va phán vậy. Đức Giê-hô-va cũng có phán cùng tôi rằng: Y-sơ-ra-ên bội nghịch so với Giu-đa quỉ quyệt, còn tỏ ra công bình hơn.
  • Và ảnh hưởng tội lỗi của Y-sơ-ra-ên đã xâm nhập vào Giu-đa gây nên hai tác hại như sau:
1/. Giu-đa từ tốt qua xấu:
  • II Vua 18: - 23:
  • Trong các đoạn nầy là bảng ghi chép về hành động của riêng các vua Giu-đa, sau ngày vương quốc Y-sơ-ra-ên phía Bắc bị tiêu diệt.
  • Tội lỗi của Y-sơ-ra-ên đã lôi cuốn Giu-đa,
  • khiến cho từ một vua Ê-xê-chia làm điều thiện, một vua tốt xuống dốc đến một Ma-na-se, Am-môn làm ác với bao nhiêu tội lỗi trước mặt Chúa;
  • Một vua Giô-sia tốt xuống dốc đến một Giô-a-cha, Giê-hô-gia-kim làm ác trước mặt Chúa.
  • Đúng như lời tiên tri Giê-rê-mi đã ghi lại tiếng than thở của Chúa: Bài học của Y-sơ-ra-ên còn đó, nhưng Giu-đa chẳng sợ sệt chi… Đáng lẽ nhìn vào hậu quả của tội lỗi mà Y-sơ-ra-ên phải gánh chịu, nước Giu-đa phía Nam phải tỉnh thức ăn năn quay về hết lòng đối với Chúa, nhưng Chúa phải than: Giu-đa chẳng trở về cùng ta hết lòng, chẳng qua là giả dối thôi…
  • Nhìn vào Hội Thánh Chúa ngày nay cũng vậy. Bài học từ thế kỷ thứ 7 SC, năm 600, Hội Thánh tại khu vực vùng Cận Đông Lưỡng Hà đã một thời là Trung tâm của Cơ-Đốc Giáo, đã rơi vào tội lỗi, tranh chấp, tự mãn, và Chúa đã cho lực lượng Hồi giáo nổi lên ngay tại đó quét sạch Cơ-Đốc Giáo ra khỏi nơi mà ngày nay cả thế giới đang chăm chú theo dõi. Đáng lẽ Hội Thánh ngày nay tỉnh thức khi thấy và nghe chiến cuộc tại Vùng Vịnh và Lưỡng Hà nầy, hầu cho khỏi phải nếm cái roi của Chúa một lần nữa, nhưng Hội Thánh cũng chẳng trở về cùng Chúa hết lòng… Từ ngay trong hàng ngũ của Hội Thánh không thấy, không nhớ bài học Hồi giáo lúc xưa.
  • Tôi không có ý nói về chiến tranh, tôi đang muốn nói về bài học được nhắc lại để Hội Thánh thuộc Giu-đa ngày nay đừng bắt chước Hội Thánh thuộc Y-sơ-ra-ên phía Bắc ngày xưa, tỉnh thức thật lòng ăn năn tội lỗi nào đó trong Hội Thánh, kẻo e cái roi Hồi giáo lại vung lên trên chúng ta.
2/. Mất sự thánh khiết:
  • II Vua 24: - 25:
  • Đây thật là một cảnh buồn nhất trong lịch sử tuyển dân. Nhưng cái gì còn lại cũng không còn. Hậu quả của tội lỗi đã như một dòng nước lũ cuốn trôi đi hết, như một dòng nham thạch nung chảy hết mọi vật trên đường nó đi qua, như Đại dịch Sida tàn phá thế giới và hủy diệt toàn bộ con người.
  • Tội lỗi đã hủy hoại cá nhân của tuyển dân Giu-đa, tội lỗi cũng đã làm cho
  • 25:9, Đền thờ thánh bị đốt
  • 25:10, Thành thánh bị tàn phá
  • 25:11, dân thánh bị lưu đày, xứ thánh bị bỏ hoang.
  • Ấy là chưa kể vua Sê-đê-kia bị buộc chứng kiến các con mình bị giết (25:7), rồi móc mắt Sê-đê-kia, dẫn tù qua Ba-by-lôn, những thầy tế lễ cũng bị giết (25:18, 21). Kết thúc thời gian 400 năm với 20 vị vua thiện có ác có.
  • Trước tình cảnh tuyển dân như vậy, chính Tiên tri Ha-ba-cúc cũng đã thắc mắc mà hỏi Chúa: Mắt Chúa thánh sạch chẳng nhìn xem sự dữ, chẳng có thể nhìn được sự trái ngược. Sao Ngài nhìn xem kẻ làm sự dối trá, khi kẻ dữ nuốt người công bình hơn nó, sao Ngài nín lặng đi … (Hab. 1:13). Và Chúa đã dùng cả đoạn 2 của sách Ha-ba-cúc để trả lời cho việc nầy qua việc phơi bày tội lỗi trong tuyển dân.
  • Qua đó, những thất bại ngày nay trong Hội Thánh, những tranh giành, xâu xé trong Hội Thánh, những sự run rẩy trước tiếng rống của sư tử, há không phải là vì tội lỗi đang diễn ra trong Hội Thánh chung và trong đời sống cá nhân sao? Chúa Jêsus Christ phán: Nếu các ngươi không ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy (Luca 13:3).

 ------------------


Đề mục: NHÂN VẬT ĐÁNG NHỚ TRONG SÁCH II VUA
Kinh thánh: II Vua 2:1-24
Mục đích: Học tiếp sách II Vua qua các nhân vật nổi bật trong sách.

I/. TIÊN TRI Ê-LI-SÊ:
  • II Vua 1: - 10:
1/.  Sự kêu gọi của Ê-li-sê:
  • Nếu trong sách I Vua, vị Tiên tri nổi bật đáng nhớ là Tiên tri Ê-li, thì trong sách II Vua, vị Tiên tri nổi bật đáng nhớ là Ê-li-sê.
  • Trong sách I Vua 19:19-21 đã cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ê-li-sê như thế nào:
  • I Vua 19:19, Đức Chúa Trời đã dùng tiên tri Ê-li kêu gọi Ê-li-sê vào chức vụ bằng biểu tượng ném áo của Ê-li lên mình Ê-li-sê.
  • I Vua 19:20, Ê-li-sê nhìn biết sự kêu gọi của Chúa đối với ông và bằng lòng dâng mình cho chức vụ.
  • I Vua 19:21, Ê-li-sê lên đường phục vụ Chúa với tinh thần giết bò chẻ cày, dứt khoát với quá khứ, quyết cầm cày không ngó lại phía sau (Luca 9:62).
  • Đặc biệt những từ cuối của câu 21 “Hầu việc người” tức là Ê-li-sê hầu việc Ê-li, mà không nói Ê-li-sê hầu việc Chúa.
  • Chúng ta hãy thử làm một sự so sánh giữa Ê-li hầu việc Chúa với Ê-li-sê hầu việc Chúa:
  • Ê-li là một người nghèo, vì luôn phải nhờ sự tiếp trợ của Chúa qua chim quạ, qua người đàn bà góa Sa-rép-ta; còn Ê-li-sê là một người nhà giàu có mười hai đôi bò, với một xứ như Palestine đồi núi, một người như Ê-li-sê quả là một phú ông.
  • Ê-li chỉ một thân một mình, còn Ê-li-sê có nhiều đầy tớ phục vụ ông, đến nỗi phải giết bò chẻ cày để đãi tiệc từ giã họ.
  • Thế mà Ê-li-sê lại bằng lòng giết bò chẻ cày, bỏ hết mọi sự để hầu việc người – hầu việc Ê-li. Trong khi đó, một người như Ê-li hầu việc Chúa lại ngả lòng, than van. Đức Chúa Trời đã đặt một người như Ê-li-sê bên cạnh Ê-li và cảm ơn Chúa từ đó Ê-li không còn dám yếu đuối nữa.
  • Ngày nay chúng ta phải thú thật rằng tinh thần giết bò chẻ cày, cầm cày không ngó lại khi theo Chúa, dường như đã mất rồi giữa các Cơ-Đốc nhân. Việc hầu việc Chúa chỉ còn là một thú vui, một công việc ngoài giờ, là part-time thay vì full-time.
  • Cả nhân loại trong đó có Cơ-Đốc nhân, đang quan tâm về tình hình thế giới như các vua thời sách Các Vua. Nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang quan tâm tìm kiếm những người như Ê-li-sê, trong hoàn cảnh đó, tận trung tận hiến cho Chúa. Hãy nhìn vào những người chưa tin Chúa đối với các tôn giáo của họ, đối với các thần của họ, đối với những nơi thờ tự của họ; nhìn vào những người Hồi giáo đối với đạo Hồi của họ, ngay cả đối với một con người như Saddam Hussein,  rồi nhìn lại chính mình đối với công việc của Đức Chúa Trời của Hội Thánh, chúng ta phải lấy làm hổ thẹn. Nguyện Đức Chúa Trời dấy lên những người như Ê-li-sê đặt bên cạnh những người hầu việc Chúa như đã đặt bên cạnh Ê-li để không ai trong chúng ta còn dám yếu đuối ngả lòng, than thở.
2/. Những phép lạ của Ê-li-sê:
  • Phải công nhận rằng tiên tri Ê-li-sê là vị tiên tri làm nhiều phép lạ nhất trong các tiên tri được Kinh thánh nói đến. Ít nhất Kinh thánh đã ghi lại 11 phép lạ mà tiên tri Ê-li-sê đã làm.
  • Một đặc điểm nữa của công tác hầu việc Chúa của Ê-li-sê là những phép lạ ông làm hầu như giống với những phép lạ mà Chúa Jêsus Christ làm sau nầy:
  • 2:13-14, Ê-li-sê đã khởi sự thi hành chức vụ tại sông Giô-đanh qua việc làm phép lạ rẽ nước sông Giô-đanh
Chúa Jêsus Christ đã bắt đầu bày tỏ chức vụ công khai của Ngài tại sông Giô-đanh qua việc Ngài chịu Giăng Báp-tít làm báp têm.
  • 2:19-22, Ê-li-sê đã làm phép lạ chữa lành nước độc.
Chúa Jêsus Christ đã làm phép lạ hóa nước thành rượu.
  • 4:1-7, Ê-li-sê làm phép lạ hóa dầu dư dật
Chúa Jêsus Christ đã được đổ dầu Thánh Linh dư dật
  • 4:8-37, Ê-li-sê cứu con trai người nữ Su-nem sống lại.
Chúa Jêsus Christ đã kêu người chết sống lại (con gái Giai-ru, chàng trai trẻ thành Na-in, La-xa-rơ)
  • 4:38-44, Ê-li-sê làm phép lạ chữa lành nồi canh độc, hóa bánh nuôi 100 người ăn còn dư lại.
Chúa Jêsus Christ đã hai lần hóa bánh nuôi hàng ngàn người ăn no nê, cũng còn dư lại.
  • 5:, Ê-li-sê chữa lành bịnh phung cho Na-a-man
Chúa Jêsus Christ đã nhiều lần chữa bịnh phung
  • 6:1-7, Ê-li-sê làm phép lạ giúp môn đồ tìm lại được lưỡi rìu
Chúa Jêsus Christ thuật ba thí dụ tưởng mất mà còn trong Luca 15:
  • 13:20-21, Mộ phần của Ê-li-sê cứu người đã chết.
Về nghĩa đen, khi Chúa Jêsus Christ chịu chết đã khiến cho nhiều thánh đồ sống lại (Math. 27:52-53), về nghĩa bóng sự chết của Chúa Jêsus Christ cứu những kẻ hư mất.
  • Ê-li-sê đã có một đời sống GIỐNG CHÚA, đó chính là đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với Cơ-Đốc nhân chúng ta:
  • Gal. 4:19, Đấng Christ thành hình trong các con
  • Êph. 4:22-24, mặc lấy người mới, tức là người được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.

II/. VUA Ê-XÊ-CHIA:
  • Một trong những vị vua nổi bật trong sách II Vua là vua Ê-xê-chia. Qua đời sống của Ê-xê-chia, chúng ta có thể học được hai điều ích lợi cho đời sống chúng ta ngày nay:
1/. Ê-xê-chia là người yêu mến Chúa:
  • II Vua 18:3-6 đã nêu ra những đặc điểm yêu mến Chúa của Ê-xê-chia:
  • 18:3, người làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va y như Đa-vít…
  • 18:4, Ê-xê-chia phá hủy các nơi cao…, nghĩa là phá hủy những chỗ thờ hình tượng.
  • 18:5, Ê-xê-chia nhờ cậy Đức Giê-hô-va.
  • 18:6, Ê-xê-chia tríu mến Chúa, giữ gìn điều răn của Chúa.
  • Ê-xê-chia không yêu mến Chúa bằng lời nói, hình thức nghi lễ, nhưng người thật yêu mến Chúa bằng việc làm và lẽ thật.
  • Anh chị em để ý trong 18:4, Ê-xê-chia chẳng những phá hủy những hình tượng tà thần, vua còn phá hủy Con Rắn Đồng đã được Môi-se làm trong đồng vắng (Dân. 21:4-9), một thứ hình tượng biểu tượng về quyền năng của Đức Chúa Trời, cũng cần phải phá hủy. Chúa thật không muốn chúng ta dựng lên một thứ hình tượng nào dù nó được khoác chiếc áo thuộc linh về quyền năng của Chúa.
  • Cảm ơn Chúa, 18:7, Đức Chúa Trời đã đẹp lòng về đời sống của Ê-xê-chia.
2/. Ê-xê-chia là người cầu nguyện:
  • Thật ngạc nhiên khi Kinh thánh đã ba lần ghi lại hai lời cầu nguyện của vua Ê-xê-chia:
  • Một lần đầu ghi lại trong sách II Vua nầy.
  • Lần thứ hai ghi trong sách Sử ký thứ II
  • Và lần thứ ba ghi trong sách Tiên tri Ê-sai.
  • II Vua 19:14-19, khi vua Ê-xê-chia nhận được thư thách chiến của quân A-si-ri với những lời phạm thượng với Chúa, Ê-xê-chia đã cầm thư đó lên Đền thờ và trải thư ra trình cho Chúa và cầu nguyện.
Kỳ diệu thay, Chúa đã nhậm lời và đã thay vua Ê-xê-chia đánh bại đạo quân hùng mạnh A-si-ri (19:35-36)
  • II Vua 20:1-6, Ê-xê-chia bị bịnh và được tiên tri Ê-sai cho biết là vua sẽ chết. Ê-xê-chia đã nằm quay mặt vào vách cầu nguyện xin được chữa lành. Cảm ơn Chúa, Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của Ê-xê-chia và cho ông sống thêm 15 năm.
  • Anh chị em có để ý cách cầu nguyện và lời cầu nguyện của Ê-xê-chia không?
  • Dù ông là vua, địa vị của ông là địa vị người khác cầu xin ông, nhưng ông đối với Chúa khiêm nhường biết bao, quì trước mặt Chúa mà xin Chúa
  • Có lẽ Ê-xê-chia không thể ngồi dậy được, nhưng đây là thánh đồ duy nhất NẰM mà cầu nguyện với Chúa, người quay mặt vào vách khóc mà cầu nguyện với Chúa. Ê-xê-chia với Chúa như một đứa con cưng đối với cha mình.
  • Ông không dùng lời hoa mỹ, văn chương, nhưng ông biết trung thực trình bày điều cần nói với Chúa. Nhưng lời rất thật lòng, có sao thưa vậy với Chúa. Tôi tin rằng Chúa bao giờ cũng muốn Cơ-Đốc nhân có đời sống cầu nguyện thân mật, ngọt ngào với Chúa (Giăng 15:15).
  • Tôi nghĩ rằng vì cách một ông vua mà còn biết cầu nguyện với Chúa thân mật, chân thật, như vậy, Chúa đã cho phép ghi lại ba lần, chắc chắn để Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay học lấy và làm theo, để sửa lại cách cầu nguyện và lời cầu nguyện của mình cho xứng đáng.

III/. VUA GIÔ-SI-A
  • II Vua 22: - 23:
  • Đây là vị vua tốt cuối cùng trong nước Giu-đa phía Nam, sau đó là bốn vua ác để rồi nước Giu-đa kết thúc dưới tay Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn.
1/. Vua Giô-si-a đối với Chúa:
  • Vua Giô-sia mặc dù có một ông nội độc ác là vua Ma-na-se, một người cha cũng làm ác trước mặt Chúa, là vua A-môn, nhưng cảm ơn Chúa là Giô-si-a lại là một vua tốt, làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời.
  • Kinh thánh đã ghi lại tỉ mỉ từng thời điểm Giô-si-a lòng yêu mến Chúa của người:
  • II Vua 22:1, Giô-si-a lên ngôi lúc 8 tuổi
  • II Sử 34:3a, lúc 16 tuổi, Giô-si-a đã khởi sự tìm kiếm Chúa
  • II Sử 34:3b, lúc 20 tuổi, Giô-si-a đã biết dẹp bỏ những hình tượng do ông nội và cha để lại.
  • II Vua 22:3, lúc Giô-si-a được 26 tuổi, đã lo trùng tu lại Đền thờ hơn 50 năm bị bỏ quên.
  • Kinh thánh không cho chúng ta biết làm sao Giô-si-a lại có được một đời sống tin kính Chúa đặc biệt như vậy. Nhưng với số tuổi còn rất trẻ, 8 tuổi, 16 tuổi, 21 tuổi, mà Giô-si-a đã biết tìm kiếm Chúa như vậy, chắc chắn ông đã được ai đó dạy dỗ theo đường lối của Chúa.
  • Chúa Jêsus Christ đã từng phán: Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy… Chính Chúa đã từng dùng các thiếu nhi, thiếu niên làm ích lợi cho công việc Chúa:
  • I Sa-mu-ên 17:, Thiếu niên Đa-vít được Chúa dùng đánh bại lực sĩ Gô-li-át.
  • II Vua 5:, Chúa dùng một em gái nhỏ để đem Tin Lành cho quan Tổng Binh Na-a-man và nước Sy-ri.
  • Bây giờ Chúa dùng một thiếu nhi, thiếu niên Giô-si-a để đem lại sự phục hưng cho nước Giu-đa.
  • Nguyện Chúa dùng gương của Giô-si-a cảm động lòng anh chị em quan tâm đến việc dạy dỗ con cái mình trong gia đình, dạy dỗ các Thiếu nhi, thiếu niên trong Hội Thánh. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng các em đem lại phước hạnh cho công việc Chúa.
2/. Vua Giô-si-a đối với Kinh thánh:
  • 22:10-11
  • Nhơn việc sửa sang lại Đền thờ, Giô-si-a đã tìm lại được Quyển Sách Luật Pháp – tức là Bộ Ngũ Kinh (22:8).
  • Anh chị em hãy nghe thái độ của vua Giô-si-a đối với Lời Chúa:
  • 22:11, vua Giô-si-a vừa nghe đọc Lời Chúa liền xé áo mình, bày tỏ một hành động ăn năn tội lỗi theo Lời Chúa dạy.
  • 22:13, Giô-si-a vâng theo Lời Chúa dạy, tìm kiếm ý chỉ của Chúa đối với đời sống mình.
  • 23:1-3, Giô-si-a vâng theo Lời Chúa dạy, hiệp cùng dân sự lập ước cùng với Chúa, dọn dẹp hình tượng, tổ chức một Lễ Vượt qua trọng thể để nhắc lại công ơn cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối với dân Chúa.
  • Trước tấm lòng của Giô-si-a và sự vâng theo Lời Chúa đặng làm theo, Chúa đã ban cho vua những lời hứa quí báu (22:18-20).
  • Với bài học hôm nay qua gương của ba nhân vật nổi bật trong sách Các Vua thứ II, ít nhất chúng ta có thể học được ba bài học thiết thực cho đời sống Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay:
  1. Một quyết định theo Chúa dứt khoát như Ê-li-sê
  2. Một cách cầu nguyện chân thật đúng như chữ NGUYỆN qua đời sống của vua Ê-xê-chia.
  3. Và một thái độ đối với Lời Chúa, sẵn sàng lắng nghe, áp dụng cho chính mình đặng làm theo như gương của vua Giô-si-a. 


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.