II Sam-mu-ên

I/. TÁC GIẢ:
Điều chắc chắn sách I và II Samuên không phải là do Samuên viết, vì lúc bấy giờ Tiên tri Samuên đã qua đời.
Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý sách II Samuên là do hai Tiên tri Gát và Nathan viết (I Sử ký 29:29).
  1. NATHAN:
    • Tên của Nathan có nghĩa là Người ban cho, khác với Na-tha-na-ên (Giăng 1:45) có nghĩa là Đức Chúa Trời ban cho.
    • Nathan là một tiên tri danh tiếng trong thời vua Đa-vít và Salômôn.
    • II Samuên 7:1-17; I Sử 17:1-16, lần đầu tiên nói đến tên Nathan khi Đa-vít hỏi ý kiến về việc xây Đền thờ. Lúc đầu Nathan khen Đa-vít, nhưng Đức Chúa Trời đã không đồng ý cho Đa-vít xây Đền thờ
    • II Samuên 12:1-15, lần thứ hai Nathan trách Đa-vít về tội cướp vợ của U-ri, và Đa-vít đã ăn năn tội lỗi.
    • II Samuên 12:25, Nathan đã liên hệ rất nhiều với Salômôn:
      • Nathan đặt tên cho Salômôn là Giê-đi-đia (II Samuên 12:25) – Salômôn = người bình an; Giê-đi-đia = Đức Giê-hô-va yêu mến
      • Nathan can thiệp cho Salômôn lên ngôi (I Vua 1:11)
      • Nathan chép sách nói về đời sống của Salômôn (II Sử 9:29)
  2. GÁT:
    • Tên của Gát có nghĩa là May Mắn.
    • Gát cũng là một tiên tri nổi tiếng của Đa-vít (II Samuên 24:11; I Sử 29:29)
    • I Samuên 22:5, Gát đã cùng lánh nạn Saulơ với Đa-vít.
    • II Samuên 24:11-14, Gát vâng lời Chúa đem 3 án phạt cho Đa-vít chọn khi Đa-vít phạm tội với Chúa.
    • I Sử 21:18, Gát dạy Đa-vít lập bàn thờ cho Chúa.
    • II Sử 29:25, Gát hiệp với Nathan xếp đặt lễ nhạc thờ phượng trong Đền thờ.
II/. BỐ CỤC:
Đề tài I; ĐỜI TRỊ VÌ CỦA ĐA-VÍT
            (Theo thời gian ghi trong sách)
  • 1: - 5:, từ khi Saulơ chết đến khi Đa-vít làm vua trên nước Y-sơ-ra-ên thống nhất.
  • 6: -14:, từ khi Đa-vít chiếm Giê-ru-sa-lem đến khi Áp-sa-lôm làm phản.
  • 15; - 24:, từ khi Áp-sa-lôm mưu phản thất bại đến khi Đa-vít mua đất chuẩn bị xây Đền thờ.
Như vậy, theo II Samuên 5:4-5 sách ghi thuật thời kỳ cai trị của Đa-vít trong 40 năm.
Đề tài II (Theo Đề tài): ĐỜI SỐNG CỦA ĐA-VÍT
  1. Sự thành công của Đa-vít: 1: - 12:
  1. Đa-vít làm vua Giu-đa (tại Hếp-rôn) – 1:-4:
Thời kỳ nội chiến: 7 năm.
  1. Đa-vít làm vua cả Y-sơ-ra-ên (tại Giê-ru-sa-lem) – 5: - 12:
Thời kỳ chinh phục: 13 năm.
  1. Sự thất bại của Đa-vít – 13: - 24:
  1. Rối loạn trong gia đình – 13: 18:
Từ khi Am-nôn phạm tội đến Áp-sa-lôm nổi loạn
  1. Rối loạn trong nước – 19: - 24:
Sê-ba nổi loạn đến bị Chúa phạt Đa-vít bằng bịnh dịch hạch.
Bài học quan trọng của sách II Samuên về đời sống của Đa-vít là Từ đắc thắng, thành công, Đa-vít đã thất bại, bị nhiều phiền não do tội lỗi mà Đa-vít đã phạm với Bát-sê-ba.
III/. ĐẶC ĐIỂM:
Sách II Samuên đề cập đến 2 địa điểm được dùng làm thủ đô quan trọng.
  1. HẾP-RÔN:
  • Thành Hếp-rôn được xây trước thành Xô-an của Ai Cập 7 năm (Dân 13:22), có một thời Xô-an là thủ đô của Ai Cập.
  • Hếp-rôn cách Giê-ru-sa-lem 30 Km về phía Bắc.
  • Thành Hếp-rôn được ban cho Ca-lép (Giô suê 14:13-15; 15:13)
  1. GIÊ-RU-SA-LEM:
  • Sau khi thống nhất Y-sơ-ra-ên, Đa-vít dời thủ đô về Giê-ru-sa-lem.
  • Giê-ru-sa-lem còn có tên là Giê-bu (I Sử 11:4), là thành của người Giê-bu-sít.
  • Ý nghĩa tên Giê ru = Cái Nền; Salem = Bình an
  • Giê-ru-sa-lem là thành được xây trên núi Si-ôn và là một thành vững chắc, khiến dân Giê-bu-sít tự hào (II Samuên 5:6)
  • I Sử 11:6, thành Giê-ru-sa-lem cũng được gọi là thành Đa-vít.
  • Kể từ đó khi Đa-vít chọn Giê-ru-sa-lem làm thủ đô, Giê-ru-sa-lem đã trở nên thủ đô chính thức của dân Y-sơ-ra-ên.
  • Hiện nay thành Giê-ru-sa-lem là thánh đô của 3 Tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Hồi giáo, và Cơ-đốc Giáo (Công giáo Lamã, Chánh Thống giáo, và Tin Lành)
  • Trong ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm, Giê-ru-sa-lem sẽ là thủ đô của toàn thế giới.
IV/. NHÂN VẬT ĐÁNG NHỚ:
Nhân vật đáng nhớ trong sách là Đa-vít. Đời sống Đa-vít có nhiều điểm đặc biệt đáng nhớ, đáng học về thành công lẫn thất bại (ưu và khuyết).
Kinh Thánh không chỉ ghi những điều tốt, người tốt, nhưng Kinh Thánh cũng ghi những điểm xấu, người xấu và cả những điểm xấu của người tốt.
  1. TIỂU SỬ (Gia Phổ) CỦA ĐA-VÍT:
    • Tên của Đa-vít có nghĩa là Được yêu thương.
    • Đa-vít là con trai của Y-sai (I Samuên 16:1), cũng gọi là Gie-sê (Mathiơ 1:6)
    • Đa-vít có 8 người anh (I Samuên 17:12; I Sử 2:13-14)
  2. ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐA-VÍT:
    • I Samuên 16:12, Đa-vít có hình dạng tốt đẹp
    • I Samuên 16:18, Đa-vít biết đàn hay, sáng tác Thi thiên
    • I Samuên 17:34-37, Đa-vít là người can đảm, khôn ngoan.
    • I Samuên 17:45-47, Đa-vít là người biết nhờ cậy Chúa.
    • I Samuên 18:6b, 14b, Đa-vít là một chiến sĩ bách chiến bách thắng.
  3. SỰ THÀNH CÔNG CỦA ĐA-VÍT:
Suốt từ I Samuên 16: - II Samuên 10:, Kinh Thánh cho chúng ta thấy được sự thành công của Đa-vít:
  • Đa-vít thắng lực sĩ khổng lồ Gô-li-át )I Samuên 17:)
  • Đa-vít thắng dân Philitin là dân đe dọa nước Y-sơ-ra-ên từ đời các Quan xét (I Samuên 18:30; 19:8)
  • Đa-vít lên ngôi làm vua (II Samuên 5:4-9)
  • Đa-vít thu phục các dân chung quanh (II Samuên 8:)
  1. SỰ THẤT BẠI CỦA ĐA-VÍT:
Từ II Samuên 11 đến đoạn 24, ghi lại những lần thất bại của Đa-vít. Những thất bại của Đa-vít khởi sự từ:
  • II Samuên 6:3,
việc rước Hòm Giáo Ước của Đức Chúa Trời từ Si-lô về Giê-ru-sa-lem, của Đa-vít không sai lầm, vì nó phát xuất từ lòng yêu mến Chúa. Nhưng thay vì phải khiêng như Chúa đã quy định (dân 4:15), thì Đa-vít dùng xe chở như người Philitin đã làm và đã bị phạt (I Samuên 6:7-8). Sự sai lầm nầy đã khiến buổi Lễvui trở thành tang chế (II Samuên 6:6-8).
Bài học cho chúng ta ngày nay là đem cách thức thế gian áp dụng vào công việc Chúa, sự sai lầm nầy chỉ đem buồn thảm cho Hội Thánh.
  • II Samuên 11:1.
Sự thất bại lần nầy là từ tinh thần thụ hưởng, tiêu cực lười biếng của Đa-vít, trong lúc mọi người ra trận, thì Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem.
Tinh thần ‘nhàn cư vi bất thiện’ khiến Đa-vít đã phạm tội tà dâm dẫn đến tội giết người  (Giacơ 1:14-15).
Tội lỗi tà dâm và giết người nầy đưa đến hậu quả – II Samuên 12:10, như con cái không còn kính trọng cha mẹ bắt chước Đa-vít phạm tội loạn luân (II Samuên 13:14), con cái giết nhau (II Samuên 13:29), con cái nổi loạn chiếm ngôi, làm sỉ nhục vua cha (II Samuên 16:21-22 so với II Samuên 12:11-12).
  • II Samuên 24:2-3
Hành động của Đa-vít kiểm tra dân sự không phải là sai, nhưng nó phát xuất từ lòng kiêu ngạo muốn tỏ ra mình là chủ, là hơn mọi người, giống như vua Nê-bu-cát-nết-sa trong Đa-ni-ên 4:
Về phương diện tổ chức, hoạt động cần khai trình, nhưng không phải khai trình để kiêu ngạo.
Sự kiêu ngạo nầy được Kinh Thánh xác nhận là do quỉ Satan giục lòng Đa-vít, khiến cho 70,000 người bị chết.
  1. TẤM LÒNG CỦA ĐA-VÍT ĐỐI VỚI CHÚA:
Tấm lòng của Đa-vít đối với Chúa là tấm lòng luôn biết ăn năn. Đa-vít không phải là người trọn vẹn, ông có nhiều lỗi lầm, phạm nhiều tội trọng, nhưng Chúa yêu thương Đa-vít vì ông là người luôn biết hạ mình ăn năn và sửa lỗi.
  • II Samuên 12:13, 16, Đa-vít nhìn nhận tội lỗi và thành thật ăn năn.
  • II Samuên 24:10, 17, chúng ta không thể quên được Thi thiên 51 đã được viết ra trong cơ hội nầy. Đó là một bài xưng tội phát xuất từ tấm lòng của một vị vua biết ăn năn. Câu cuối cùng (II Samuên 24:25) bày tỏ đầy đủ mối tương quan giữa Đa-vít với Đức Chúa Trời.
  • II Samuên 24:25a, sau những hoạn nạn, hưng thịnh, thất bại, thành công, Đa-vít vẫn một lòng yêu mến Chúa và đã lập một bàn thờ cho Chúa.
Saulơ đã khởi cuộc chạy đua rất tốt, nhưng chạy không đến mức. Đa-vít chạy chậm và đầy khó khăn (phải chịu nhiều hoạn nạn một thời gian dài mới lên được ngôi vua), có nhiều lần vấp ngã, nhưng Đa-vít biết nhờ cậy Chúa chạy đến mức.
II Samuên 24:25b là phần của Đức Chúa Trời đối với Đa-vít. Đức Chúa Trời đã thương xót một Đa-vít phạm tội biết ăn năn và Chúa đã tha thứ.
Đa-vít kinh nghiệm được điều nầy và đã viết Thi thiên 103:8-10,
Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, 
chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. 
Ngài không bắt tội luôn luôn,
Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.
Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi.
Cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.

 ---------------------


Đề mục: GIÊ-RU-SA-LEM – ĐỊA ĐIỂM QUAN TRỌNG NHẤT
Kinh thánh: II Sam. 5:4-9
Câu gốc: II Sam. 5:7
Mục đích: Học bài thứ 1 của sách II Sa-mu-ên. Giúp các con cái Chúa biết thành Giê-ru-sa-lem là thành mà Đức Chúa Trời đã chọn cho Ngài.

I/. NGUỒN GỐC THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM:
  • II Sa-mu-ên 5:4-9.
  • Trong phân đoạn Kinh thánh nầy có đề cập đến một địa danh rất quan trọng đối với những người học Kinh thánh, đó là thành Giê-ru-sa-lem.
  • Qua sách Sáng thế ký 14:18-20, chúng ta đã thấy xuất hiện một tên viết tắt của Giê-ru-sa-lem là thành Sa-lem. Ngay khi xuất hiện, Kinh thánh đã hàm ý bày tỏ Giê-ru-sa-lem quan trọng là dường nào đối với nhân loại nói chung và đối với Cơ-Đốc nhân chúng ta nói riêng:
  • Tên Giê-ru-sa-lem gồm hai từ ghép lại:
  • Giê-ru: nghĩa là NỀN
  • Sa-lem: nghĩa là BÌNH AN.
Như vậy tên Giê-ru-sa-lem có nghĩa: Thành là nền tảng của sự bình an, báo trước thành Giê-ru-sa-lem sẽ là một thành đem đến phước hạnh cho con người.
  • Vua của Giê-ru-sa-lem là Mên-chi-xê-đéc: Đây là Thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao như thư Hê-bơ-rơ đoạn 7 giải thích chi tiết về vua Mên-chi-xê-đéc nầy. Chức vụ tế lễ nầy không thuộc chức vụ tế lễ theo luật pháp như của dòng dõi A-rôn, chi phái Lê-vi, vua nầy cũng là thầy tế lễ hình bóng về Chúa Jêsus Christ. Như vậy từ thời tổ phụ, Đức Chúa Trời đã dự bị Chúa Jêsus Christ làm vua Giê-ru-sa-lem.
  • Sự xuất hiện của Áp-ra-ham, tổ phụ của đức tin tại thành Giê-ru-sa-lem, được vua Mên-chi-xê-đéc chúc phước, một hình ảnh rất ý nghĩa cho dòng dõi đức tin cho Áp-ra-ham – tức là Cơ-Đốc nhân chúng ta – được phước từ chính vua Giê-ru-sa-lem là Chúa Jêsus Christ.
  • Đến thời kỳ chinh phục Đất Hứa dưới sự dẫn dắt của Giô-suê, Giê-ru-sa-lem là phần đất nằm giữa hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, được chi phái Giu-đa đánh chiếm (Quan. 1:8), nhưng sau đó lại rơi vào tay người Giê-bu-sít là cư dân Ca-na-an một lần nữa với tên gốc là GIÊ-BU – nghĩa là thành của người Giê-bu-sít (II Sam. 5:6; I Sử. 11:4). Và lần nầy dưới sự chỉ huy của Đa-vít, người I-sơ-ra-ên tái chiếm Giê-ru-sa-lem và giữ làm thủ đô của Vương quốc I-sơ-ra-ên từ thời Đa-vít. Tham khảo với I Sử. 11:6, chính tướng Giô-áp là người có công đầu chiếm thành. Lịch sử cho biết vì thành Giê-bu nầy phải lấy nước từ ao Si-lô-ê qua một hệ thống ngầm, tướng Giô-áp đã theo đường ngầm đó tấn công chiếm thành.
  • Thành Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên núi Si-ôn, Thi thiên 125:1-2 đã mô tả vị trí của Giê-ru-sa-lem được các núi vây quanh, chính vì lý do nầy, nên người Giê-bu-sít trong II Sam. 5:6 đã tự hào cho rằng Đa-vít không thể chiếm được thành và chế nhạo Đa-vít rằng: Những người đui, què cũng đủ sức đánh đuổi Đa-vít. Căn cứ vào Êsai 2:2, rõ ràng tiên tri Êsai đã đặt Giê-ru-sa-lem là trung tâm của thế giới trong ngày sau rốt.
  • Khi Đa-vít chiếm được thành Giê-ru-sa-lem, từ đó thành cũng được gọi là thành Đa-vít, tên nầy được thiên sứ nhắc đến khi báo tin cho những người chăn chiên ngoài đồng xứ Giu-đa lúc Chúa Jêsus giáng sanh (Luca 2:10-12). Từ lý do nầy mà thành Giê-ru-sa-lem đã trở nên Thánh địa của ba Tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Cơ-Đốc giáo (kể cả Công giáo Lamã và Tin Lành), và Hồi giáo.

II/. QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ CỦA GIÊ-RU-SA-LEM:
  • Với tánh cách quá đặc biệt và rõ ràng cũng trong ý định của Đức Chúa Trời khi Chúa chọn lựa Giê-ru-sa-lem làm thành thánh của tuyển dân I-sơ-ra-ên và cũng là thành thánh của chính Chúa, thành Giê-ru-sa-lem từ khi xuất hiện đến nay đã trải qua một quá trình rất đặc biệt, mà Cơ-Đốc nhân chúng ta cần phải biết qua:
  • Sáng. 14:18, lần đầu tiên thành xuất hiện trong Kinh thánh và được gọi tên là thành Sa-lem, nghĩa là thành Bình an, báo trước từ thành nầy sẽ đem bình an cho nhân loại.
  • Quan. 1:8, thành Giê-ru-sa-lem thuộc phần đất được chia cho chi phái Giu-đa, một chi phái được tiên báo là Đấng Cứu Thế sẽ đến từ chi phái nầy, theo như lời chúc phước của Gia-cốp cho các con mình được ghi trong sách Sáng. 49:10.
  • II Sam. 5:6-9, Đa-vít đã chiếm được vĩnh viễn thành nầy từ người Giê-bu-sít, và xây dựng thành nầy làm thủ đô chính thức của Vương quốc I-sơ-ra-ên thuộc triều đại Đa-vít. Từ đây, dù về sau nước I-sơ-ra-ên bị phân hóa chia đôi Bắc Nam, vương quốc I-sơ-ra-ên phía Bắc lấy Sa-ma-ri làm thủ đô, nhưng người I-sơ-ra-ên lúc nào cũng tôn Giê-ru-sa-lem là thủ đô chính thức, ngay cả khi bị đày qua Ba-by-lôn (Thi thiên 137:5-6).
  • II Vua 25:1-2, tức là vào năm 587 TC. thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân của Ba-by-lôn do vua Nê-bu-cát-nết-sa thống lãnh tấn công chiếm thành và tàn phá thành bình địa, bắt dân Giu-đa lưu đày qua Ba-by-lôn 70 năm.
  • Nêh. 6:15, tức là vào năm 444 TC. dân I-sơ-ra-ên được phép hồi hương dưới thời vua Sy-ru nước Phe-rơ-sơ, xây lại thành trong vòng hai tháng từ đống đổ nát, dưới sự lãnh đạo của Nê-hê-mi.
  • Đó là phần lịch sử của thành Giê-ru-sa-lem được ghi chép trong Kinh thánh. Dĩ nhiên, ngoài thánh sử, Thế giới sử cũng đã góp phần giúp chúng ta có thêm những tài liệu đáng quí về thành phố đặc biệt nầy. Thế giới sử ghi lại như sau:
  • Năm 332 TC. Đại đế A-lịch-sơn (Alexander Great) của Đế quốc Hi-lạp trên bước đường chinh Đông, đã chiếm Giê-ru-sa-lem. Lịch sử kể rằng, khi A-lịch-sơn Đại đế tiến vào thành, thì thầy tế lễ thượng phẩm dẫn một đoàn thầy tế lễ mặc áo trắng ra chào đón, hành động nầy làm cho A-lich-sơn Đại đế nhớ lại giấc mơ mình đã thấy trước đó là có một đoàn người áo trắng hoan nghinh vua vao thành Giê-ru-sa-lem, nên vua đã không tàn phá thành, mà dành một ưu đãi đặc biệt cho Giê-ru-sa-lem.
  • Sau khi A-lịch-sơn Đại đế chết, thành Giê-ru-sa-lem nằm trong phần đất ¼ Đế quốc Hi-lạp được chia cho dòng họ Ptoleme – một trong bốn vị Đại Tướng của Hi-lạp. Cũng chính sự phân chia nầy, vô tình Giê-ru-sa-lem nằm trong ranh giới tranh chấp giữa dòng họ Ptoleme với dòng họ Seleucus (một Đại Tướng khác của Hi-lạp được chia ¼ Đế quốc Hi-lạp). Sự tranh chấp nầy được ghi trong Ngoại thư Mác-ca-bê, đặc biệt khi Antiochus Epiphane IV chiếm được Giê-ru-sa-lem năm 172 TC., đã xúc phạm người Do Thái bằng việc dâng một con heo trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem, gây nên cuộc kháng chiến dành độc lập của dòng họ Mác-ca-bê (165 – 139 TC.)
  • Năm 63 TC., quân La-mã chiếm thành Giê-ru-sa-lem, và thiết lập một nền đô hộ lâu dài tại xứ Palestine và trên Giê-ru-sa-lem.
  • Năm 70 SC., do người Do Thái nổi loạn với mục đích dành độc lập dưới sự chỉ huy của Thầy tế lễ Thượng phẩm Ê-li-ê-se, quân La-mã do Tướng Titus chỉ huy đã bao vây thành Giê-ru-sa-lem gần hai năm, rồi chiếm được thành, san bằng thành Giê-ru-sa-lem gần như lời tiên tri mà Chúa Jêsus Christ đã phán trong Ma-thi-ơ 24:2, ‘Quả thật ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên hòn đá khác mà không bị đổ xuống.’
Lịch sử kể rằng, vì  quân Lamã bao vây thành Giê-ru-sa-lem quá lâu, thành bị đói, nên một số người trong thành trốn ra khỏi thành, họ bị quân Lamã bắt được đem đóng đinh trên vách thành. Vô tình khi những xác nầy bị mục rữa,quân Lamã thấy vàng từ bụng của những xác đó đổ ra, nghĩa là người Do Thái đã nuốt vàng, giấu vàng trong người, từ đó mỗi lần bắt được người Do Thái nào trốn từ thành Giê-ru-sa-lem ra, quân Lamã đều mổ bụng kiếm vàng, rồi mới đóng đinh.
Lịch sử cũng kể rằng, khi quân Lamã tràn vào thành Giê-ru-sa-lem, Thầy Tế lễ Thượng Phẩm Ê-li-ê-se rút quân Do Thái về chiến lũy Masada. Chiến lũy nầy nguyên là một kho binh khí của Hê-rốt, có một bức tường bằng đá vững chắc bao bọc. Người Lamã đã dùng những máy bắn đá tấn công. Khi thấy bức tường đá sắp bị những máy bắn đá của người Lamã bắn sập, Thầy Tế lễ Ê-li-ê-se đã cho xây dựng một bức tường thứ hai bằng bùn đất với rơm, gỗ. Lần nầy, những máy bắn đá của người Lamã không thể phá sập, mà còn làm cho những bức tường nầy được những hòn đá bắn tới nên cho dẽ chặt hơn. Trước tình hình đó, người Lamã đã thay những hòn đá bằng những tên lửa bắn vào đốt cháy gỗ, rơm của chiến lũy Masada.
Biết không thể giữ đồn được, Thầy Tế lễ Ê-li-ê-se đã đứng trước đoàn quân Do Thái cuối cùng đọc lời hiệu triệu, sau đó cho toàn thể rút thăm chia 10 người thành một toán. Một người trong toán sẽ giết 9 người kia, rồi nhập lại 10 người, để một người còn lại giết 9 người, cứ như vậy cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng nầy có bổn phận rà soát xem còn ai sống sót không và sẽ tự sát, quyết không để cho người Lamã bắt. May mắn thay có một bà mẹ và con trai nhỏ của mình trốn trong một cống nước sống sót, và đứa con trai đó chính là Sử gia Josephus, về sau thuật lại những cái chết oai hùng nhưng bi thảm nầy.
Lịch sử cũng ghi lại rằng, khi đã chiếm được thành Giê-ru-sa-lem, Tướng Titus ra lịnh cho một Sĩ quan cấp dưới chỉ huy việc san bằng thành. Sau đó, trong một cuộc thị sát, bất ngờ Tướng Titus thấy còn một bức tường thành chưa bị phá sập, Titus đã hỏi vị Sĩ quan đó: Tại sao còn bức tường nầy? Vị Sĩ quan đó trả lời: Tôi muốn để lại bức tường nầy để về sau có ai hỏi lý do, họ sẽ được nghe kể về chiến công của Đại Tướng. Tướng Titus chấp thuận lời giải thích, nhưng ra lịnh cho vị Sĩ quan đó hãy leo lên bức tường nhảy xuống tự sát vì đã dám cãi lịnh của một vị Tướng Lamã. Câu chuyện đã giúp chúng ta hiểu được rằng lời tiên tri thành Giê-ru-sa-lem không còn một hòn đá nào chồng trên hòn đá khác, chỉ mới ứng nghiệm lần thứ nhất, sẽ còn ứng nghiệm lần nữa, theo qui luật tiên tri kép của Kinh thánh.
  • Năm 1948, thành Giê-ru-sa-lem được Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp quốc ngày nay) chấp thuận cho thành lập nước I-sơ-ra-ên sau gần 2.000 năm vong quốc, đồng thời đã chia Giê-ru-sa-lem làm hai phần: một phần phía Đông thuộc nước Jordanie; phần phía Tây thuộc I-sơ-ra-ên.
  • Trong cuộc chiến 6 ngày vào tháng 6 năm 1967, người Y-sơ-ra-ên tái chiếm phần phía Đông Giê-ru-sa-lem từ tay người Jordanie.
  • Hiện nay Giê-ru-sa-lem là thành phố nhạy cảm của cuộc chiến giữa người I-sơ-ra-ên với người A-rạp nói chung và người Palestine nói riêng, vì cả hai đều đòi lấy Giê-ru-sa-lem làm thủ đô.

III/. GIÁ TRỊ CỦA GIÊ-RU-SA-LEM:
  • Trong quan điểm của Đức Chúa Trời, Ngài sử dụng Giê-ru-sa-lem một cách rất đặc biệt liên quan đến ba thời kỳ: Quá khứ, Hiện tại, và Tương lai.
  1. Giá trị của Giê-ru-sa-lem trong quá khứ:
  • Giê-ru-sa-lem thật có giá trị quí báu đối với Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi để Chúa Jêsus Christ thi hành chương trình cứu rỗi cho nhân loại:
  • Chúa Jêsus Christ đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi Ngài giáng sanh làm người.
  • Chúa Jêsus Christ đã chọn Giê-ru-sa-lem để chịu chết đền tội cho nhân loại.
  • Chúa Jêsus Christ đã chọn Giê-ru-sa-lem để chứng minh sự sống lại của Ngài.
  • Cả ba công tác chính hoàn thành chương trình cứu rỗi cho nhân loại đều được Chúa Jêsus Christ thi hành tại thành Giê-ru-sa-lem, dù có lúc chính Ngài phải khóc cho thành Giê-ru-sa-lem vì nó chối bỏ tiếng gọi của Chúa (Ma-thi-ơ 23:37; Luca 19:41-44). Những điều đó chứng tỏ Chúa Jêsus Christ xem Giê-ru-sa-lem có giá trị đối với Ngài biết là dường nào
  1. Giá trị của Giê-ru-sa-lem trong hiện tại:
  • Ma-thi-ơ 28:19-20 là Đại Mạng Lịnh truyền giảng Tin Lành được Chúa Jêsus Christ chính thức truyền ban tại núi Ô-li-ve thuộc thành Giê-ru-sa-lem, một Đại Mạng Lịnh tối quan trọng được ban cho toàn thể Cơ-Đốc nhân trước khi Ngài thăng thiên về trời.
  • Công vụ 1:8 là chiến lược truyền giảng Tin Lành được Chúa Jêsus Christ công bố cũng tại Giê-ru-sa-lem, và chúng ta có thể xem như Đuốc Tin Lành được chính Chúa Jêsus Christ thắp lên tại Giê-ru-sa-lem, rồi từ đó Đuốc Tin Lành được chuyền tay nhau qua các Sứ đồ, các thánh đồ, trải qua các thời đại, từ Tây Á, Lưỡng hà, Ấn độ, sang Phi châu, sang Âu châu, rồi đến Mỹ châu, và lại vòng về Đông Á, đến Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản, Việt-nam, Philippines, Indonesia với cuộc Phục hưng 1965, qua các biến cố những năm 1970 tại Cambodge, 1975 tại Việt-nam, Đuốc Tin Lành lại tràn sang các quốc gia có Phật giáo làm Quốc giáo như Cambodge, Thailand, Lào, Myanmar. Nếu xét trên bản đồ thế giới, chúng ta đang thấy Đuốc Tin Lành của Chúa Jêsus Christ đang quay lại gần nơi xuất phát là Giê-ru-sa-lem, để hoàn thành lời Chúa Jêsus phán trong Ma-thi-ơ 24:14, Tin Lành nầy về Nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.
  1. Giá trị của Giê-ru-sa-lem trong tương lai:
  • Với những câu Kinh thánh trong Êsai 2:2; Xa-cha-ri 14:4; Công vụ 1:11, chúng ta biết rõ rằng trong ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm, địa điểm được chọn để Ngài hiện ra cách tỏ tường chính là thành Giê-ru-sa-lem, đó cũng là nơi Chúa Jêsus Christ thiết lập thủ đô Vương quốc Ngàn Năm của Ngài, ngay cả trong Trời Mới và Đất Mới, thì Giê-ru-sa-lem cũng sẽ là Thành thánh của Chúa theo như Khải huyền 21:2.
  • Đối với Cơ-Đốc nhân qua Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, chúng ta đều biết rõ điều Chúa Jêsus Christ đã làm tại Giê-ru-sa-lem, chúng ta đã hưởng được Tin Lành cứu rỗi mà Chúa Jêsus Christ đã truyền từ Giê-ru-sa-lem, và chúng ta đều đang hi vọng chờ đón một ngày vinh quang họp nhau tại Giê-ru-sa-lem vinh hiển lúc Chúa Jêsus Christ tái lâm từ trời. Nguyện Chúa ban cho tất cả Cơ-Đốc nhân chúng ta hôm nay được nhắc đến Giê-ru-sa-lem trên đất, đều trung tín với Chúa cho đến chết, hầu cho không thiếu một ai trong ngày đoàn tụ vĩ đại trong Giê-ru-sa-lem mới trên trời.

Đề mục: NHỮNG MỐI TÌNH CỦA ĐA-VÍT
Kinh thánh: II Sa-mu-ên 11:2-27
Câu gốc: II Sam. 11:27b ‘Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va’.
Mục đích: Nhân ngày Tình yêu (Valentine Day , 14-2), cũng nhân học đến sách II Sa-mu-ên, ôn lại những mối tình trong cuộc đời của Đa-vít, để giúp Cơ-Đốc nhân nhận diện tình yêu là gì? Hầu tránh những hậu quả tai hại của tình yêu không chân chính.

I/. NHỮNG MỐI TÌNH ĐẦU CỦA ĐA-VÍT:
  • I Sa-mu-ên 18:17-29.
  • Trong phân đoạn Kinh thánh nầy ghi lại sau chiến thắng trước lực sĩ Gô-li-át của Phi-li-tin, Đa-vít bắt đầu bước vào cuộc sống va chạm với thực tế trong khi tuổi còn trẻ. Và tuổi trẻ mới lớn bao giờ cũng là tuổi bộc phát của Tình yêu, nhất là với dáng vẻ đặc biệt của Đa-vít ‘mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch, và hình dung tốt đẹp’ (I Sam. 16:12), một tuổi trẻ lý tưởng cho những mối tình lãng mạn.
  • I Sam. 18:17, cuộc chạm trán tình yêu đầu đời của Đa-vít là sự mai mối của chính vua Sau-lơ cho con gái lớn – một công chúa – của vua. Ít nữa Đa-vít cũng đã được 18 tuổi hơn, theo luật của người Do Thái, người thanh niên 18 trở lên đều được khuyến khích lập gia đình, vì thế, đây là tuổi rung động đầu đời.
  • Dù Kinh thánh không nói đến vẻ đẹp của nàng công chúa Mê-ráp nầy, nhưng chúng ta được gợi ý về vẻ đẹp của Mê-ráp như sau:
  • Mê-ráp là công chúa, mà theo truyền thống truyện tích, công chúa bao giờ cũng được tả vẽ là đẹp.
  • Mê-ráp là con của vua Sau-lơ, mà Sau-lơ là một người lịch sự, cao lớn (I Sam. 9:2). Một người cha đẹp người như Sau-lơ và một ông nội là một dõng sĩ, theo di truyền học, chắc chắn cho những đứa con đẹp, nhất là con gái.
  • Mê-ráp từng được vua Sau-lơ dùng làm phần thưởng cho ai giết được lực sĩ Gô-li-át (I Sam. 17:25). Phần thưởng nầy chứng tỏ công chúa Mê-ráp phải đẹp mới khích lệ lòng quân được.
  • I Sam. 18:18, phản ứng của Đa-vít trước đề nghị gả công chúa của vua Sau-lơ cho thấy Đa-vít chưa chủ động được tình yêu là gì, có thể là một sự thăm dò, cũng có thể là một lời từ chối khéo léo.
  • Thật sự, tuổi 18 của một thanh niên, hoặc tuổi 16 trăng tròn của một cô thiếu nữ, là tuổi của những con tim sau giấc ngủ đông dài từ nhỏ đã thức dậy để biết ngắm nhìn và một chút thèm muốn kèm theo một chút tò mò.
  • Trong lúc giao thừa giữa thức dậy (wake up) với ngồi dậy đứng dậy hoạt động (get up)còn một khoảng thời gian chuyển tiếp. Đa-vít đã biết dừng lại một chút để nhận định về chính mình: Tôi là ai? Thân phận tôi là gì?… (I Sam. 18:18). Không phải là mặc cảm, mà Đa-vít nhận biết mình đang có sự nghiệp – tuổi 18 là tuổi bắt đầu chuẩn bị cho sự nghiệp.
  • Nhà thơ Thâm Tâm nói lên tâm trạng của một người Thanh niên trước bước đường sự nghiệp, đã thốt lên:
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì ba năm mẹ già cũng đừng mong.
  • Rõ ràng là quyết tâm của một người trẻ đặt sự thành đạt tương lai trên chuyện tình cảm.
  • Còn trong bài thơ Hồ Trường, tác giả đã nuối tiếc thời trai trẻ bị bỏ quên với những lời:Học không thành,
Danh chẳng lập,
Trai trẻ bao nhiêu mà đầu bạc.
Trăm năm thân thế ánh tà dương
  • Tác giả chắc đã vuốt những sợi tóc mà than tiếc: chưa kịp làm gì thì tóc đã bạc, tuổi đã như mặt trời xế chiều sắp lặn rồi. Nói cách khác, một sự vội vàng lãng phí tình yêu, bạn sẽ mau bị hóa lão.
  • Tôi nói lời nầy với các bạn trẻ, tuổi thanh xuân là tuổi của sự nghiệp tương lai, không có tuổi nào dễ học hơn tuổi thanh thiếu niên. Chúng ta có thể nói, nhìn vào tinh thần học hỏi của một Thanh Thiếu niên, chúng ta có thể đoán được tương lai của người Thanh Thiếu niên ấy.
  • Không ai cấm các bạn yêu, vì đó là qui luật tự nhiên do Đức Chúa Trời sắp đặt trong cơ thể con người đến lúc các cơ quan liên hệ tình yêu phải chuyển động. Nhưng các bạn ơi,
  • Nếu tình yêu của bạn là chiếc máy đang muốn hoạt động, hãy nói với nó, Hãy chuyển động từ từ cho đến khi nổ máy được, rồi còn phải chạy thử (Rodage – to run in to), sau các phân đoạn đó chiếc máy tình yêu của bạn mới có thể chạy an toàn được.
  • Nếu bạn muốn tình yêu của bạn là chiếc bánh kem ngon lành, hãy chờ lửa trong lò đủ nóng, chờ bột đủ thời gian nở xốp, chờ kem được đủ mịn, nếu không chiếc bánh tình yêu của bạn sẽ kém chất lượng, và có lẽ không ai dám gọi nó là bánh kem ngon.
  • Dĩ nhiên tình yêu không có giới hạn tuổi tác, nên không ai buộc các bạn trẻ phải CHỜ đến bao nhiêu năm, không chờ thì chiếc bánh tình yêu không nở hoặc không nổi, bị chai; chờ lâu quá chiếc bánh tình yêu của bạn sẽ khô hoặc khét, cả hai đều kém chất lượng, nếu không muốn nói là bỏ đi.
  • Tôi cũng kêu gọi các bậc phụ huynh hãy giúp con mình vượt qua ngưỡng tuổi Tình yêu đầu đời với tất cả sự tế nhị và khéo léo, để các bạn trẻ có thể đạt được sự nghiệp có cần trước khi chính thức yêu nhau.
  • Mới đây, một người tín đồ 20 năm trước ở Chợlớn, di cư sang Đài loan về nước ghé thăm tôi, và cho tôi biết đứa con trai lớn của ông sắp ra Trường Thần học hầu việc Chúa. Tôi nhớ người con trai đó hơn 20 năm trước đang đi học lớp 12, đột nhiên đòi cha mẹ cho cưới vợ. Ông bối rối vì khuyên ngăn không được. Tôi gặp em trai nầy và em xác nhận sự việc, còn nhờ tôi thuyết phục cha mẹ cho em cưới vợ. Tôi nhận lời nói giúp với cha mẹ em với điều kiện là sau khi em tốt nghiệp. Sau khi em tốt nghiệp, em nhắc lại lời tôi hứa. Tôi đồng ý nhưng yêu cầu em thử thi Đại học, và tôi nói thêm nửa vui nửa thiệt:Hãy nhớ thi đậu, không ai gả con cho người thi rớt. Cảm ơn Chúa, sau khi đậu Đại học, tự nhiên người Thanh niên đó nói: Thưa Mục sư, em thấy thôi để học xong Đại học rồi tính, bây giờ nên sự nghiệp và dĩ nhiên đã có gia đình.
  • I Sam. 18:20, đây lại thêm một mối tình đầu đời của Đa-vít. Nói cách đúng hơn đó là mối tình đầu của nàng công chúa Mi-canh, con gái út của vua Sau-lơ phải lòng Đa-vít.
  • Tôi dùng từ công chúa khi nói đến Mi-canh để khỏi phải xác nhận nàng là cô gái đẹp nữa, lại là con gái út của Sau-lơ.
  • Mi-canh bao nhiêu tuổi? Theo những gì chúng ta biết được về Sau-lơ, về Đa-vít, thì Mi-canh sẽ không quá tuổi 16 trăng tròn. Thế thì Mi-canh đã là một cô thiếu nữ, nhưng là một cô thiếu nữ mới lớn với bao mơ mộng như bao nhiêu cô gái khác. Điều các cô phải biết rằng đó chỉ là MỘNG MƠ THÔI. Từ mộng mơ bước sang hiện thực còn một khoảng cách nữa, mà mộng mơ bao giờ cũng đẹp, mà thực tế thì bao giờ cũng phũ phàng. Thế tại sao các cô không cố gắng giữ những giấc mơ đẹp đó một thời gian ngắn nữa, năm – bảy năm nữa, để cơ thể phát triển tạm đủ, sự hiểu biết tạm đủ, cách đối xử tạm đủ. Cho nên trong câu 20 nầy từ ngữ Mi canh… yêu mến Đa-vít, rõ ràng là cái mộng mơ bắt gặp một người trong mơ mộng, chưa thể là tình yêu, đó là cái bắt gặp đầu đời.
  • Một cô thiếu nữ viết thư hỏi tôi: Mục sư ơi, con mới 19 tuổi, có yêu được không? Tôi trả lời cô ấy rằng: ‘Thật ra một thiếu nữ 19 thì đã yêu được rồi, nhưng vì cô nói cô MỚI 19 tuổi, tôi nghĩ cô còn mới lắm nên đừng vội yêu.’ Vì chữ MỚI đó
  • Nếu một người mặc chiếc áo MỚI, chắc chắn sẽ phải rất cẩn thận để không bị vấy bẩn.
  • Nếu một người MỚI đến một nơi xa lạ, thì sẽ phải rất cẩn thận để không bị lạc đường.
  • Một người MỚI vào làm ở một công ty, chắc chắn sẽ phải còn học hỏi rất nhhiều nếu muốn tiến thân.
  • Trong tình yêu thì cũng vậy thôi, vì còn MỚI trong tình yêu, nên các bạn trẻ
  • phải cẩn thận để đừng làm hoen ố chiếc áo tình yêu đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người và chỉ ban cho người mà thôi (Sáng. 2:7 so với I Giăng 4:8, 16)
  • phải cẩn thận để không bị lạc lối trong tình yêu, bị lừa gạt trong tình yêu mà mình còn xa lạ, nhất là đối với cư dân ở lâu năm trong cái gọi là tình yêu của họ đấy. Chuyện lạc lối hoặc bị lừa gạt tình yêu thì ngày nào trên báo chí, trên phim ảnh không đề cập đến bên tai, trước mắt các bạn. Tôi chỉ tiếc thay vì nghe, thấy để tránh, thì có một số các bạn trẻ lại bị cảm mà đóng tiếp bộ phim đó.
  • phải cẩn thận học hỏi nhiều hơn trong tình yêu để biết cách nuôi trồng, phát triển khu vườn tình yêu, hoặc con thú tình yêu trong bạn. Chuyện học hỏi tình yêu thì ngày nay quá nhiều phương tiện: sách vở giáo dục hôn nhân trong Hội Thánh,  ngoài xã hội, đầy dẫy (tôi nói những sách nghiêm túc), những chương trình tư vấn hôn nhân, ấy là chưa nói đến Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời như câu chuyện của Đa-vít hôm nay.
  • Các bạn hãy xem mối tình đầu đời của Mi-canh với Đa-vít – loại tình yêu mì ăn liền - có hạnh phúc gì đâu, sự thiếu hiểu biết đối xử trong tình yêu của Mi-canh (I Sam. 25:44; II Sam. 6:16) đã khiến cuộc tình dang dở (II Sam. 6:23). Tình yêu mà không biết cách xử sự thì giống như bạn trồng bụi hoa hồng mà không biết chăm sóc nó.
  • I Sam. 18:26, phản ứng của Đa-vít đối với sự tấn công tình yêu của Mi-canh với sự ủng hộ của vua Sau-lơ, cũng là một bài học cho những người Thanh niên mới lớn trước tình trường.
  • Trước sự tấn công đó, cộng thêm sự ghép đôi của những người chung quanh các tôi tớ của Sau-lơ (I Sam. 18:22), Đa-vít đã chìu theo. Sự nguy hiểm của tuổi thanh niên mới lớn, nhất là những Thanh niên có điều kiện như Đa-vít về vóc dáng, một chút trình độ, là những sự tấn công trực tiếp của những đối tượng chung quanh, làm cho người Thanh niên ấy dễ ngã khi nổi máu anh hùng, hoặc trước những việc đã rồi trong một lúc bồng bột thách thức. Sự chìu theo nầy đã làm nổi đau cho Đa-vít dù đã làm vua: Mi-canh khinh bỉ người (IISam. 6:16), vua làm như một kẻ không ra gì (II Sam. 6:20).
  • Một Thanh niên mới lớn 20 tuổi trong Hội Thánh được một bà tín đồ trên 40 tuổi đỡ đầu cho đi học, được anh ấy gọi bằng DÌ. Sau một thời gian ngắn, người thanh niên đó xin cha mẹ đi cưới BÀ ẤY. Gia đình và Hội Thánh quyết liệt ngăn cản, nhưng mọi việc vẫn tiếp tục. Tại sao à? Vì người thanh niên ấy gặp một đối tượng đang tuổi hồi xuân chìu chuộng, săn sóc, thả lỏng những thèm muốn của anh ấy, thì làm sao cản được.
  • Chẳng những trong phương diện tình yêu, mà các phương diện sinh hoạt khác, từ cái ăn, cái uống, cái hút, cái học, cái chơi, hầu hết đều từ những sự tấn công của những nàng Mi-canh, của vua Sau-lơ, của những người chung quanh như con rắn bên cạnh Ê-va. Một lúc nào đó, Đa-vít sẽ chìu theo.
  • Hãy đọc lại câu chuyện tình đầu đời của Đa-vít trong I Sam. 18:17-29 nầy mà tỉnh thức các bạn trẻ ơi!
  • Tình yêu là chiếc áo mới mà Đức Chúa Trời muốn các bạn giữ gìn nó để may thành chiếc áo cưới, đừng làm dơ hoặc hư hỏng nó.
  • Tình yêu là một khu vườn nhưng cũng dễ biến thành một mê cung khiến bạn không có lối ra.
  • Tình yêu là một chương trình để học như bao môn học khác đến khi tốt nghiệp rồi hẳn đem nó vào đời.
II/. MỐI TÌNH GIỮA ĐỜI:
  • I Sa-mu-ên 25:32-42.
  • Nhà thơ Giang Nam trong bài thơ Quê Hương, đã tả một phút lãng mạn cháy lòng trong tình yêu trên đường nhiệm vụ, rất đẹp:
Giữa cuộc hành quân tôi chưa nói một lời,
Đơn vị đi qua, tôi ngoảnh đầu nhìn lại,
Mưa ngoài trời, mà lòng tôi thấy ấm mãi …
  • Phân đoạn nầy cũng ghi lại mối tình giữa đường lập nghiệp của Đa-vít, ông đang chạy trốn Sau-lơ, mà cũng là đang xây dựng sự nghiệp cho mình, bất chợt một lần gặp được nàng A-BI-GA-IN, một phụ nữ thông minh, tốt đẹp, có chồng rất giàu.
  • Qua những lời của Đa-vít nói với A-bi-ga-in (I Sam. 25:32-35), tỏ ra Đa-vít bây giờ đã chửng chạc trong chuyện tình yêu, ông biết chủ động, biết bày tỏ những ‘tán tỉnh’ bằng cách:
  • I Sam. 25:32-33, Đa-vít biết khen lấy lòng nàng A-bi-ga-in.
  • I Sam 25:34-35, kể công với A-bi-ga-in, nếu không có nàng thì Đa-vít đã ra tay mạnh với gia tài của Na-banh. Vừa kể công lấy lòng, vừa hăm dọa, vừa tôn người đẹp A-bi-ga-in lên: Hãy xem, ta đã nghe theo tiếng ngươi, và tiếp ngươi tử tế.
  • Đặc biệt lần nầy, Đa-vít chủ động xin cưới A-bi-ga-in (I Sam. 25:39-40). Tôi không biết cái chết đột ngột của Na-banh có liên quan gì đến Đa-vít hay không, dù sao nó cũng để lại những nghi ngờ:
  • Cái chết của Na-banh xảy ra sau lời tỏ tình của Đa-vít với A-bi-ga-in.
  • Sự mau lẹ cầu hôn của Đa-vít để cưới liền A-bi-ga-in sau khi Na-banh vừa qua đời.
  • Kể cả có hay không bàn tay của người phụ nữ vốn thông minh như A-bi-ga-in lập tức nhận lời cầu hôn của Đa-vít sau cái chết của chồng nàng (I Sam. 25:41-42).
  • Chúng ta không biết trong chuyện tình yêu nầy, Đa-vít có chủ ý tìm sự hậu thuẫn về tài chánh, lương thực cho đoàn quân của ông hay không. Dù sao, điều chúng ta có thể học được nơi Đa-vít trong mối tình thành công lần nầy là cách tỏ tình của Đa-vít, điều mà ông không hề làm với Mê-ráp hay Mi-canh.
  • Kinh nghiệm cho thấy vấn đề quan trọng để thành công trong tình yêu là cách bày tỏ tình yêu với nhau, và Đa-vít đã theo đúng trình tự như sau:
  1. Bước thứ 1: Tìm hiểu.
  • Điều không thể bỏ qua là sự tìm hiểu. Đa-vít đã tìm hiểu và biết rõ A-bi-ga-in là một phụ nữ đã có chồng, chống nàng rất giàu nhưng tánh tình cộc cằn, còn nàng thì thông minh, tốt – nghĩa là tử tế với mọi người, lại đẹp – nghĩa là vừa mắt của Đa-vít.
  • Đây là sự thiếu sót của nhiều thanh niên thiếu nữ trong Hội Thánh lẫn ngoài đời, họ chỉ say mê đối tượng như cách Mi-canh đối với Đa-vít phút ban đầu, hoặc căn cứ vào sự xúi giục của những người chung quanh, mà không cẩn thận tìm hiểu đối tượng.
  • Tôi đọc báo thấy có nhiều người hỏi nhà báo: Tôi lỡ yêu người đó mấy tháng (mấy năm) bây giờ mới biết là người ấy đã có gia đình… Cũng có những người hỏi: Chúng tôi yêu nhau đã hơn hai năm (hoặc lâu hơn)bây giờ mới biết là không hợp nhau…
  • Không biết gì đối tượng mà yêu nhau thì thật là khó hiểu. Có lẽ các bạn sẽ hỏi tôi, ông bà ta ngày xưa có tìm hiểu gì đâu mà cũng nên vợ nên chồng răng long đầu bạc vậy? Tại sao các bạn biết là ông bà ta xưa không tìm hiểu gì nhau? Các bạn không nghe những câu dạy của ông bà xưa sao?
  • Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữ chốn ba quân.
  • Mua heo xem nái, cưới gái chọn dòng (chọn hông)…
  • Ông bà xưa cũng có mai có mối, có người lớn tìm hiểu thay cho.
2. Bước thứ 2: bày tỏ.
  • Bí quyết tỏ tình của Đa-vít trước hết là KHEN! (I Sam. 25:33), rồi giới thiệu về minh với một chút đề cao – một chút thôi! (25:34). Và sau cùng là cho đối tượng thấy đối tượng là rất quan trọng đối với mình (25:35).
  • Năm nay, có người đã tổ chức cuộc thi LỜI TỎ TÌNH HAY NHẤT, cũng là một ý kiến hay.
  • Các bạn hãy nghe một vài lời tỏ tình được một số đọc giả gởi đến Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12-2-2003, do họ trích ra từ các bộ phim nổi tiếng:
  • I love you without knowing how, why, or even from where … (Anh yêu em mà không biết bằng cách nào, tại sao, và thậm chí từ đâu) Patch Adams.
  • I gurantee it won’t be easy. .. But I also gurantee that if I don’t ask you to be mine, I am going to regret it for the rest of my life, because I know in my heart, you are the only one for me (Anh tin chắc rằng điều nầy sẽ không dễ dàng… Nhưng anh cũng tin chắc rằng nếu giờ đây anh không ngỏ lời cùng em thì trong suốt quãng đời còn lại của mình, anh sẽ phải hối tiếc bởi vì anh biết rằng trong trái tim anh chỉ duy nhất có em thôi).  The runaway Bridge.
  • Thật là những lời tỏ tình cảm động. Dĩ nhiên bạn không cần phải học thuộc những lời tỏ tình mẫu nào đó, nhưng ít nhất bạn cũng phải biết cách bày tỏ tình yêu cách nào thích hợp với đối tượng. Nếu bạn không phải là người quen nói, bạn cũng có thể nhờ người trung gian hoặc vật trung gian thay lời muốn nói cho bạn.
  • Đó là điều Đa-vít đã làm (I Sam. 25:40) và Đa-vít đã thành công.
III/. MỐI TÌNH CUỐI CỦA ĐA-VÍT:
  • II Sam. 11:2-27.
  • Tôi gọi là mối tình cuối, vì từ đây về sau chúng ta không bao giờ thấy Kinh thánh nói đến Đa-vít yêu ai nữa, ngoài Bát-sê-ba. Tại sao? Có thể vì những lý do:
  • Bát sê-ba là một phụ nữ rất đẹp, khiến Đa-vít không còn say mê ai khác nữa.
  • Hoặc Đa-vít đã đến tuổi bớt đi những ham muốn tình dục.
  • Và nhất là giá phải trả cho mối tình bất chính nầy khiến Đa-vít không bao giờ dám phạm tội cùng Chúa nữa.
  • Thật vậy, mối tình cuối của Đa-vít cũng là mối tình bất chính của ông, mãi 1.000 năm sau Kinh thánh vẫn nhắc lại trong Ma-thi-ơ 1:6b, Đa-vít bởi vợ U-ri sanh Sa-lô-môn, Kinh thánh không nói bởi Bát-sê-ba hoặc theo cú pháp đã có là Đa-vít sanh Sa-lô-môn, nhưng nhấn mạnh Đa-vít BỞI VỢ CỦA U-RI, không phải vợ của Đa-vít.
  • Kinh thánh đã ghi lại mối tình bất chính nầy để làm gì? Chắc chắn có rất nhiều bài học mà Lời Chúa muốn dạy chúng ta là những Cơ-Đốc nhân trong phương diện tình cảm, hôn nhân, gia đình. Bài học đó là:
  1. Dù Đa-vít là người được Chúa rất yêu thương, ngay tên của ông cũng đã nói lên ý nghĩa Chúa yêu thương, nhưng khi đụng đến vấn đề tình cảm, hôn nhân, gia đình, thì Chúa cũng chẳng vì yêu thương mà bỏ qua tội lỗi của Đa-vít. Chúa đã phạt ông cách nặng nề. Điều nầy chứng tỏ đối với Đức Chúa Trời, vấn đề tình cảm, hôn nhân, gia đình là quan trọng biết dường nào, không phải là vấn đề để nói cho vui, vấn đề thứ yếu mà Hội Thánh chung ngày nay bỏ quên.
  2. Tội lỗi là thứ có khả năng sanh sản, từ tội lỗi nầy sẽ sanh ra tội lỗi khác. Đa-vít đã phạm tội tà dâm, nó lại sanh thêm tội giết người.
  3. Hậu quả của những mối tình bất chính bao giờ cũng để lại cảnh tang thương, nhất là di chứng cho con cái về sau. Hãy xem các con của Đa-vít bị ảnh hưởng nầy như thế nào:
  • II Sam. 12:15-19, đứa con của mối tình bất chính bị giết chết.
  • II Sam. 13:, con của Đa-vít là Hoàng tử Am-nôn phạm tội với em gái một cha khác mẹ, rồi lại giết nhau.
  • II Sam. 14: - 15:, con của Đa-vít là Áp-sa-lôm nổi loạn và bày chuyện ân ái với các phi tần của Đa-vít cha mình trước mặt mọi người. Một cảnh tượng gớm ghiếc, rồi sau đó chết treo giữa trời.
  • Không có một nhà xã hội học nào phủ nhận hậu quả khốc hại cho con cái phải chịu khi cha mẹ chúng có những mối tình bất chính phá đổ gia đình. Và Đa-vít không phải là một ngoại lệ. Các anh chị em hãy đọc Thi thiên 32, và Thi thiên 51 để biết nỗi đau của Đa-vít sau khi phạm tội bất chính trong tình yêu, phá vỡ tình yêu đẹp mà Chúa đã ban cho ông cũng như ban cho loài người chung, trong đó có chúng ta. Một bài học cay đắng phải học, nhất là đối với Cơ-Đốc nhân – là những người được Chúa yêu thương.
  • Cảm ơn Chúa, nhân ngày Tình yêu, chúng ta được nhắc nhở bài học nầy.

Đề mục: ĐA-VÍT – NHÂN VẬT CHÍNH TRONG SÁCH II SA-MU-ÊN
Kinh thánh: II Sa-mu-ên 5:1-16
Câu gốc: II Sa-mu-ên 5:12
Mục đích: Học tiếp sách II Sa-mu-ên, đặc biệt chú trọng đời sống của Đa-vít.

I/. GIỚI THIỆU VỀ ĐA-VÍT:
  • Đọc qua sách II Sa-mu-ên, nhân vật nổi bật nhất của sách rõ ràng là Đa-vít. Vì vậy chúng ta sẽ nhờ ơn Chúa điểm qua đời sống của Đa-vít để từ đó tìm được những bài học cho chính đời sống của mình, hi vọng rằng nhờ đó chúng ta cũng được trở nên những người được Chúa yêu thương như Chúa đã yêu thương Đa-vít.
  1. Tên của Đa-vít:
  • Tên của Đa-vít thường được các bạn thanh thiếu niên người Việt-nam sử dụng trong những buổi Đố vui Kinh thánh bằng cách dịch nghĩa từng chữ theo Hán Việt: ĐA nghĩa là NHIỀU; VÍT nghĩa THẸO (SẸO), họ đố: ‘Trong Kinh thánh ai là có nhiều thẹo nhất?”, câu trả lời là Đa-vít.
  • Các bạn Thanh Thiếu niên người Trung quốc thì lại chơi chữ theo tiếng Trung quốc phiên âm chữ Đa-vít để Đố vui Kinh thánh. Chữ Đa-vít dịch âm theo tiếng Trung quốc là ĐẠI VỊ, mà ĐẠI có nghĩa là LỚN; VỊ có nghĩa là CÁI BAO TỬ. Như vậy, họ đố ‘ai là ăn nhiều nhất trong Kinh thánh?’, câu trả lời sẽ là Đa-vít.
  • Thật ra Đa-vít chẳng phải là người nhiều thẹo, nhiều vít gì cả, trái lại ông được Kinh thánh mô tả là ‘mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch’, rõ ràng Đa-vít là một người Thanh niên rất đẹp trai. Đa-vít cũng không phải là người ham ăn mê uống hoặc ăn nhiều ăn ít gì cả, Kinh thánh không hề đề cập đến điểm nầy của Đa-vít.
  • Nhưng trong tiếng Hi-bá, tên của Đa-vít có nghĩa thật đặc biệt, có nghĩa là ĐƯỢC YÊU THƯƠNG, được Chúa yêu thương!
  • Có lẽ có người sẽ nói: ‘Tôi không cần Chúa yêu thương. Tôi chỉ cần được ba mẹ yêu thương, hoặc chỉ cần cô ấy hay anh ấy yêu thương, hoặc chỉ cần ông Thần tài yêu thương…
  • Thế thì một người được Chúa yêu thương với một người không được Chúa yêu thương có gì khác nhau không? Để trả lời câu hỏi nầy chúng ta phải so sánh giữa hai người: Sau-lơ và Đa-vít.
  • Trong I Sa-mu-ên 9:2 giới thiệu Sau-lơ cũng là một người thanh niên đẹp trai, cao lớn. Lúc đầu cũng được Chúa yêu thương, nhưng lần lần Sau-lơ không còn cần Chúa yêu thương nữa qua sự không vâng lời Chúa. Anh chị em hãy đọc những câu Kinh thánh sau đây để thấy hậu quả của một người không được Chúa yêu thương kinh khiếp là dường nào:
I Sa-mu-ên 16:14Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người..
I Sa-mu-ên 18:10-11, 20-23.
  • Còn Đa-vít là một đời sống được Chúa yêu thương càng ngày càng được Chúa nâng cao hơn.
  1. Gia đình:
  • Đa-vít là con của Y-sai, cũng còn gọi là Giê-sê, có 7 người anh. Đặc biệt là Đa-vít có tài đàn hát hay, đã sáng tác nhiều Thi thiên ca ngợi Chúa.
  • Nói chung, Đa-vít đã có một đời sống xứng đáng với tình yêu thương của Chúa.

II/. ĐA-VÍT ĐỐI VỚI KẺ THÙ:
  • II Sa-mu-ên 1:17-27.
  • Kẻ thù của Đa-vít đã được sách I Sa-mu-ên mô tả rõ ràng, đó chính là Sau-lơ. Sự thù ghét của Sau-lơ đối với Đa-vít phát xuất từ lòng ganh tị sau khi Đa-vít thắng và giết lực sĩ Gô-li-át, làm cho dân I-sơ-ra-ên đánh bại được quân Phi-li-tin, dân I-sơ-ra-ên đã hát bài ca: Sau-lơ giết hàng ngàn, Đa-vít giết hàng vạn!
  • Từ lúc ấy, Sau-lơ đã tìm đủ mọi cách để giết cho được Đa-vít,
  • có khi bằng cách đưa Đa-vít ra trận đánh với dân Phi-li-tin hùng mạnh để mong quân Phi-li-tin giết Đa-vít.
  • có lúc chính tay Sau-lơ cầm giáo phóng vào Đa-vít muốn găm Đa-vít vào vách.
  • theo sát bước chân chạy trốn của Đa-vít, đuổi theo Đa-vít tận cùng.
  • Nhưng khi Sau-lơ ngã chết trên chiến trường, Đa-vít đã làm gì?
  • II Sa-mu-ên 1:11-12, Đa-vít và đoàn người theo ông đã khóc lóc và để tang cho Sau-lơ với các con của Sau-lơ.
  • II Sa-mu-ên 1:14-16, Đa-vít ra lịnh giết người báo tin là hắn đã giết Sau-lơ. Hắn nghĩ rằng mình đã lập công với Đa-vít bằng cách giết kẻ thù của Đa-vít, nhưng hắn không ngờ Đa-vít không hề hận thù gì đối với Sau-lơ.
  • II Sa-mu-ên 1:17-27, Đa-vít đã viết một bài ai ca để khóc thương Sau-lơ – kẻ thù của ông. Trong bài ai ca nầy, Đa-vít đã mô tả Sau-lơ với những người con của Sau-lơ đã tử trận, bằng những từ ngữ rất thân thương và thống thiết:
c. 19, … Nhơn sao các kẻ anh hùng nầy bị ngã chết.
… rồi Đa-vít mô tả tài cầm binh của Sau-lơ với bao chiến thắng.
c. 27,  để rồi Đa-vít kết luận: Cớ sao những anh hùng ngã xuống? Nhân sao các binh khí họ bị bẻ gãy? Thật là một bài điếu văn tuyệt mỹ và thắm thiết tình yêu thương.
  • Tiếp tục những đoạn kế tiếp đã thuật lại thể nào Đa-vít đã hậu đãi dòng dõi của Sau-lơ, nuôi dưỡng những người cháu của Sau-lơ, đem về ngồi ăn đồng bàn với Đa-vít (II Sa-mu-ên 9:6-8).
  • Thay vì áp dụng tinh thần theo như Luật pháp qui định: ‘mắt đền mắt, răng đền răng, mạng thường mạng’, Đa-vít đã không hề nhớ điều kẻ thù đã gây cho ông, trái lại còn binh vực, khen ngợi, và yêu thương. Quả là một sự thể hiện tinh thần Cơ-Đốc như Chúa Jêsus Christ đã dạy trong Ma-thi-ơ 5:43-45, ‘yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ’.
  • Nhìn ở một phương diện nào đó, có thể có người cho rằng Đa-vít đã hậu đãi dòng họ của Sau-lơ là vì mưu đồ sự đoàn kết quốc gia thay vì trả thù riêng. Số người ủng hộ Sau-lơ vẫn còn đó không phải là ít, sức mạnh của những kẻ thù bên ngoài cũng là dân Phi-li-tin vẫn còn đó, nhất là họ vừa thắng một trận quan trọng. Nếu không có sự hiệp một của toàn dân I-sơ-ra-ên, thì không ai có thể giữ được nước I-sơ-ra-ên. Dù có hay không có mưu đồ vì sự đoàn kết quốc gia, việc Đa-vít yêu thương kẻ thù nghịch là bài học không phải dễ học.
  • Tại sao không phải là dễ học? Vì hiện tình Hội Thánh ngày nay, việc yêu thương lẫn nhau như Chúa Jêsus dạy trong Giăng 13:34-35 trở thành một thứ hàng quí hiếm trong Hội Thánh địa phương và Hội Thánh thế giới. Chưa bao giờ Hội Thánh chứng kiến sự chia rẽ, và sự phát triển của các tôn giáo đang đe dọa Tin Lành của Đức Chúa Trời nhiều như hiện nay. Sự nổi dậy của Hồi giáo thế giới đang tìm cách liên kết lại tạo một đe dọa lớn, trong lúc đó ngay tại trên đất Hoa Kỳ sự suy yếu của Tin Lành là quá rõ nét, trong khi sự lớn mạnh của các tôn giáo khác càng ngày càng mạnh dần lên. Trong khi đó bàn chân của người giảng Tin Lành đã bị chận lại những nơi nhạy cảm của thế giới như: Khu vực Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo… Thế mà trong Hội Thánh chưa có ai đi tìm một sự tha thứ thật để hiệp một vươn lên, hiệp một lòng tìm lại sự phấn hưng cần có.
  • Người đời dạy: Tha thứ là tốt, mà quên đi còn tốt hơn. Hình ảnh của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá nói lời tha thứ cho những kẻ giết Ngài dường như đã mờ nhạt; hình ảnh của Chấp sự Ê-tiên nói lời tha thứ trước khi gục xuống để bị vùi lấp trong đống đá thù ghét dường như xa lạ lắm với các Cơ-Đốc nhân ngày nay. Phải chăng vì ngày nay không còn hình phạt đóng đinh trên thập tự giá, không còn hình phạt ném đá, nên Cơ-Đốc nhân chúng ta không còn cơ hội để tha thứ nhau? Tôi nghĩ rằng, nếu cần có những phương tiện đóng đinh trên thập tự giá, như bị ném đá để Cơ-Đốc nhân chúng ta có thể tha thứ nhau và hiệp một nhau, thì có lẽ Đức Chúa Trời sẽ ban cho Hội Thánh.
  • Tôi xin nhắc lại lời của thánh Phao-lô gởi cho Phi-lê-môn để củng cố tinh thần tha thứ và yêu thương kẻ thù nghịch như Đa-vít đã có, trong thư Phi-lê-môn 1:15-16, … không coi như tôi mọi, nhưng hơn tôi mọi, coi như anh em yêu dấu…
  • Đừng coi như thù nghịch, hãy coi như anh em yêu dấu, chắc chắn Hội Thánh sẽ có lại sức mạnh đáng phải có trong giai đoạn nầy Math. 18:19-20.
  • Xin Chúa cho tinh thần tha thứ của Chúa Jêsus Christ ở đầy trong lòng anh em.

III/. ĐA-VÍT ĐỐI VỚI CHÚA:
  • II Sa-mu-ên 7:1-3
  • Đọc qua những câu Kinh thánh nầy, lòng tôi thật cảm động khi nghe Đa-vít nói: Hãy xem, ta ngự trong cái cung bằng bá hương, còn hòm của Đức Chúa Trời lại ở dưới màn trướng. Rất nhiều lần tôi nhìn thấy nhà Cơ-Đốc nhân thì huy hoàng, mà Nhà Chúa thì điêu tàn, và chưa nghe ai thốt lên một lời như Đa-vít đã nói.
  • Lời nói của Đa-vít đã bày tỏ tấm lòng của ông đối với Đức Chúa Trời của ông – một tấm lòng yêu mến Chúa biết là dường nào, dường như lúc nào, dù bận rộn việc nước việc nhà cách nào, Đa-vít cũng dành thì giờ lo cho Nhà Chúa.
  • Sự hết lòng quan tâm đến Nhà Chúa của Đa-vít được thể hiện qua việc Đa-vít đã cùng dân sự tổ chức rước hòm giao ước về bên cung điện của ông. II Sa-mu-ên 6:12-23 đã tả quang cảnh rước Hòm Giao ước  của Đa-vít:
  • II Sa-mu-ên 6:12b, tinh thần rước Hòm Giao ước là rất vui mừng.
  • II Sa-mu-ên 6:13, Đa-vít dâng tế lễ thật long trọng cho Chúa, những người khiêng Hòm Giao ước đi sáu bước, thì Đa-vít dâng một con bò đực và một con thú béo.
  • II Sa-mu-ên 6:14, Đa-vít nhảy múa vui mừng trước mặt Chúa và trước mặt đoàn người rước Hòm Giao ước, dù Đa-vít là vua.
  • II Sa-mu-ên 6:22, Dù là vua, Đa-vít lúc nào cũng biết hạ mình trước mặt Chúa, biết mình không ra gì đối với Chúa, chẳng qua chỉ là ân điển mà thôi.
  • Tôi cảm thấy tinh thần yêu mến Chúa của Đa-vít đã khiến ông hòa mình với toàn thể dân Chúa, như mọi người trước mặt Chúa. Rồi sau đó Đa-vít đã tăng thêm mức độ yêu mến Chúa của ông qua việc muốn xây cất một Đền thờ cho Chúa. Tôi nghĩ trong tâm trí của Đa-vít lúc nào cũng muốn làm một cái gì cho Chúa: Việc rước Hoàm Giao ước lần thứ nhất phải dừng lại bởi cái chết của U-xa. Sau đó không lâu, Đa-vít lại tiếp tục và rước được Hòm Giao ước về Trại mà ông đã dự bị cho Chúa. Kế tiếp lại muốn cất Đến thờ cho Chúa
  • Ít nhất lòng yêu mến Chúa phải được thể hiện ra ngoài, tối thiểu nó phải bày tỏ qua sự quan tâm của chúng ta đối với Nhà Chúa, quan tâm đến nơi thờ phượng Chúa như Đa-vít.
  • Có một lần tôi đến giảng tại một Nhà thờ. Theo thường lệ sáng Chúa nhật thì buổi nhóm thờ phượng Chúa sẽ khởi sự vào lúc 9 giờ sáng. Khi tôi đến thì đã gần 8 giờ 30 phút rồi, cửa Nhà thờ vẫn còn đóng, băng ghế vẫn còn chưa lau, Nhà thờ chưa quét. Tôi cầm lấy cây chổi lông gà để quét băng ghế trước, thình lình có một ông Chấp sự bước vào Nhà thờ chào tôi và ông nói: ‘Ô Mục sư đừng làm, Hội Thánh có mướn người lao công quét dọn’. Tôi nhìn đồng hồ và nói với ông: ‘Đã hơn 8 giờ 30 rồi. Tôi đề nghị ông tiếp tôi nghe’. Nói xong tôi đưa cây chổi lông gà cho ông, theo phản xạ ông cầm lấy, và tôi đi tìm cây chổi quét nhà để quét.
  • Khi tôi nói những lời nầy, tôi vẫn nhớ hình ảnh của em Thanh niên con của một vị Mục sư Quản nhiệm vào buổi sáng Chúa nhật tôi đến giảng. Khi tôi đến, tôi thật cảm động khi thấy em Thanh niên nầy đang dùng khăn lau từng chậu kiểng trước khi đem vào Nhà thờ. Tôi thật thấy hổ thẹn vì chính mình chưa hết lòng quan tâm đối với Nhà Chúa như vậy.
  • Lòng Đa-vít yêu mến Chúa, nên ông đã viết ra những lời biết bao là chân tình:
  • Thi thiên 23:6, Tôi sẽ ở trong Nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.
  • THi thiên 27:4, Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, …
  • Tôi không biết anh chị em học qua bài học của Đa-vít nầy nghĩ thế nào, nhưng lòng tôi thèm khát được Chúa yêu thương như Chúa yêu thương Đa-vít; ước ao học được bài học yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ như Đa-vít; ước ao xin Chúa cho tôi có thể góp phần nhỏ bé nào đó vào công việc Nhà Chúa ngay cả cái Nhà thờ vật chất nầy. Điều tôi cũng ước ao xin Chúa cho co nhiều người cũng ước ao như vậy ngay chính giờ nầy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.