Ma-la-chi

I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:
Tên Ma-la-chi có nghĩa là Sứ Giả của Ta (3:1), hay Sứ Điệp của Ta.
2. Nghi đề:
Có vài ý kiến cho rằng Ma-la-chi (Mal’àkhì) chỉ là chức vụ, không phải tên riêng.
Đa số đều nhận Ma-la-chi là tên nhân vật
Bản Targum (Cựu Ước tiếng A-ram) thì 1:1 ghi: “Bởi sứ giả là E-xơ-ra, văn sĩ” so với E-xơ-ra 7:6.
Cũng có ý kiến cho là do Nê-hê-mi viết, vì giọng văn vừa khoan hòa vừa cứng rắn (Mal. 1:2 so với Nêh. 1: - 2:; 1:8-9; 2: - 3: so với Nêh. 13:)

II/. NIÊN HIỆU:
Sách đề cập nhiều đến những vấn đề liên quan đến đền thờ như:
  • Đoạn 1:, việc dâng của lễ
  • Đaọn 2:, cuộc sống của thầy tế lễ
  • Đoạn 3:, luật lệ về đền thờ.
Như vậy, sách Ma-la-chi được viết ra trong lúc có đền thờ, hoặc còn đền thờ, nhưng tinh thần thì đã sa sút. Thời kỳ nầy chỉ có trong hai thời điểm của lịch sử Y-sơ-ra-ên:
  • Thời kỳ sắp bị lưu đày
  • Thời kỳ sau lưu đày, lúc Nê-hê-mi trở lại kinh đô Su-sơ (Nêh. 13:)
Thế thì thời kỳ nào thích hợp nhất?
Để giải quyết, chúng ta phải để ý một điểm nữa là Ma-la-chi không hề nói đến một vua nào, dù là vua của Y-sơ-ra-ên, của Giu-đa, hoặc của dân ngoại, như hầu hết các tiên tri tiền lưu đày.
Do đó, các nhà giải nghĩa Kinh Thánh thường chọn niên hiệu cho sách Ma-la-chi là sau khi hồi hương, tái thiết đền thờ xong, tức là sau A-ghê và Xa-cha-ri độ 100 năm.
Chúng ta lược qua các thời điểm đó:
  • 536 TC., chiếu lịnh của vua Si-ru: 50.000 người trở về với sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên (Exơra 1: - 2:)
  • 534 TC., đặt nền xây lại đền thờ, nhưng bị đình chỉ (Exơra 3:)
  • 520 TC., đền thờ được xây lại với sự hiệp tác của A-ghê và Xa-cha-ri (Exơra 5:; A-ghê 1:15)
  • 516 TC., đền thờ hoàn thành (Exơ-ra 6:15) sau 20 năm từ khi hồi hương
  • 457 TC., E-xơ-ra hướng dẫn cuộc hồi hương với 1.800 người (cùng vợ con và đày tớ), có đem theo thơ của Ạt-ta-xét-xe.
  • 445 TC., Nê-hê-mi về xây lại vách thành (Nêh. 2:1) nhằm năm thứ 20 đời trị vì của Ạt-ta-xét-xe.
  • 430 TC., Nê-hê-mi sau khi về kinh đô Su-sơ đã trở lại Giê-ru-sa-lem (Nêh. 13:6-7).
Và có lẽ Ma-la-chi đã có mặt trong thời kỳ nầy (nếu niên hiệu trễ, từ 420-397 TC.)
Có vài điểm cần lưu ý:
  • Dù vắng Nê-hê-mi (Nê-hê-mi về Su-sơ), nhưng nếuE-xơ-ra còn sống, thì trật tự thờ phượng khó sa sút.
  • Ma-la-chi 1:8 dùng chữ “Quan trấn thủ” không dùng ‘vua’. Nếu quan trấn thủ nầy là Nê-hê-mi, thì Exơra 4:14-15 cho biết nê-hê-mi không nhận quà biếu của bất cứ ai.
Hai ý kiến trên có thể được giải quyết là lúc Nê-hê-mi về Su-sơ, thì E-xơ-ra vắng mặt (già yếu, qua đời, ẩn dật, để sưu tập và viết Kinh Thánh Cựu Ước). Trong thời gian nầy, có thể có quan trấn thủ mới, và chúng ta cũng phải nhớ, bên cạnh Nê-hê-mi còn nhiều người phụ tá.
Người học sách Exơra thấy được hình ảnh của hai Tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri; người học sách Nê-hê-mi thì lại thấy hình ảnh của Tiên tri Ma-la-chi.

III/. SỰ LIÊN QUAN CỦA MA-LA-CHI:
  1. Liên quan đến Cựu Ước:
Ma-la-chi thường trưng dẫn Cựu Ước
  1. Sáng thế ký:
    • 1:2-3, câu chuyện thay đổi ngôi thứ của Ê-sau và Gia-cốp.
    • 2:15, sự dựng nên loài người, Ma-la-chi xác quyết Đức Chúa Trời chỉ hà sinh khí một lần cho A-đam mà thôi.Rồi từ đó có sự sống (sinh khí) di truyền ra. Đây là câu Kinh Thánh quan trọng để giải thích giáo thuyết về linh hồn di truyền.
  2. Lê-vi ký:
Hầu hết các vấn đề nêu ra trong Ma-la-chi đều là những vấn đề thuộc về sự thờ phượng trong đền thờ đã ghi trong sách Lê-vi ký:
  • Đoạn 1, dâng sinh tế (Lê-vi 1: - 7:)
  • Đoạn 2, Tư cách thầy tế lễ (Lê-vi 8: - 10:)
  • Đoạn 3:7-12, dâng 1/10 (Lê-vi 27:)
Dù chúng ta không biết rõ Ma-la-chi là ai, nhưng tác giả đã tỏ ra rất quen thuộc với công việc của một thầy tế lễ, nếu không muốn nói Ma-la-chi là thầy tế lễ hay dòng dõi tế lễ.
  1. Với nhân vật Cựu Ước: 4:4-5
Đặc biệt sách Ma-la-chi nói đích danh hai nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, có hoạt động trực tiếp với dân sự là Môi-se và Ê-li. Chẳng những nói đến mà còn nêu ra nét đặc thù của hai nhân vật nầy.
  • Môi-se với luật pháp, tiêu biểu thời kỳ luật pháp
  • Ê-li với lời giảng quở trách, tiêu biểu thời kỳ tiên tri.
Đối với dân Y-sơ-ra-ên thì hai nhân vật nầy rất quen thuộc và được kính trọng.
Điểm đáng chú ý là đã đặt vào phần kết thúc của sách với hai nhân vật nầy, chú ý bao gồm tất cả sứ điệp của Cựu Ước.
  • Với một Môi-se, Ma-la-chi muốn nhắc lại 2 điều: Cựu Ước là giao ước của luật pháp; Cựu Ước ghi lại tình trạng phạm pháp của dân Y-sơ-ra-ên và của cả nhân loại.
  • Với một Ê-li, sách Ma-la-chi rao báo về sự hình phạt, đồng thời cũng rao báo một con đường mới sẽ mở: “Con đường Ân Điển trong Tân Ước”.
  1. Liên Quan đến Tân Ước:
  1. Bắt đầu Tin Lành:
So sánh giữa Mathiơ 3:3 với Mác 1:1-3, chúng ta thấy sách Ma-la-chi đã được Đức Thánh Linh dùng để bắt đầu Tin Lành trong Tân Ước, một vị trí hết sức quan trọng, vừa kết thúc Cựu Ước với ý tưởng không phải là chấm dứt mà là chuyển tiếp, vừa bắt đầu giới thiệu Tân Ước
  1. Sự kiện hóa hình:
Mathiơ 17:3 (Mác 9:5; Luca 9:30) nhắc đến hai nhân vật là Môi-se và Ê-li của Ma-la-chi 4:4-6. Chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà có sự cai trị của Đức Thánh Linh.
Do đó, chúng ta thấy sách Ma-la-chi dù có 4 đoạn ngắn (nhất là đoạn 4), nhưng là một sứ điệp không thể thiếu để chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước.
  1. So sánh với toàn bộ Kinh Thánh:
Dù sách Ma-la-chi ngắn (chỉ 4 đoạn), nhưng trải ra so với toàn bộ Kinh Thánh trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho con người, cho dân Y-sơ-ra-ên, thật rõ ràng, thật tương hiệp kỳ diệu.
 
MA-LA-CHIKINH THÁNHÝ NGHĨA
1:1-5Sáng thế kýChương trình yêu thương sáng tạo loài người (hay dân Y-sơ-ra-ên)
1:6 – 3:12Sáng thế ký 3: đến hết Cựu ƯớcTội lỗi của loài người (và của Y-sơ-ra-ên) chống nghịch Đức Chúa Trời
3:13 – 4:Tân ƯớcSự cứu rỗi cho loài người và Y-sơ-ra-ên

IV/. BỐ CỤC:
Đề mục: DÂNG CỦA LỄ
Câu gốc: 3:4
  1. Lý Do Dâng Của Lễ: 1:1-5
  1. Vì Lời Chúa dạy: 1:1
  2.  Vì được Chúa yêu: 1:2-5
    1. Cách Dâng Của Lễ: 1:6 – 3:12
  1. Phẩm chất của lễ: 1:6 – 3:6 (Phải trọn vẹn từ sinh tế đến người dâng)
  2. Định lượng của lễ: 3:7-12 (tối thiểu 1/10)
    1. Phước Hạnh Dâng Của Lễ: 3:13 - 4:
  1. Được Chúa nhớ đến: 3:13-18
  2. Được vui mừng: 4:
GIẢI THÍCH BỐ CỤC:
Sách Ma-la-chi dành phần lớn nói về vấn đề dâng của lễ (1:6 – 3:12), cho nên chúng ta cũng có thể đặt làm đề mục cho cả sách.
  1. Lý Do Dâng Của Lễ: 1:1-5
  1. Vì Lời Chúa dạy: 1:1
Lời Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên qua sứ điệp của Ma-la-chi, như đã nói, là chỉ đề cập vấn đề dâng của lễ. Lời nầy được mô tả như một gánh nặng.
Gánh nặng nầy là gánh nặng về Lời Chúa phải rao ra, không phải gánh nặng về tội lỗi, hay sự phán xét như trong Ê-sai 13:1; Na-hum 1:1, hoặc Ha-ba-cúc 1:1,.
Vì vậy, sự dâng của lễ là chính Chúa bắt buộc phải rao giảng và bắt buộc phải thi hành.
  1.  Vì được Chúa yêu: 1:2-5
Lời Chúa tuyên bố cách khẳng định: “Ta yêu các ngươi!” Và Chúa đã chứng minh tình yêu đó bằng câu chuyện Gia-cốp là một người không đáng yêu mà lại được yêu.
Gia-cốp, một người lừa anh, gạt cha.Tên của Gia-cốp đã nói lên điều đó (Sáng. 25:26). Người đáng được yêu, được phước đáng lẽ là Ê-sau, nhưng Đức Chúa Trời đã yêu Gia-cốp, một đối tượng không đáng yêu và đã ban phước cho ông đến nỗi “Mắt các ngươi sẽ thấy” (1:5)
  1. Cách Dâng Của Lễ: 1:6 – 3:12
Trong phần Kinh Thánh nầy, Đức Giê-hô-va đòi hỏi của lễ dâng cho Ngài phải có 2 điều kiện về “Phẩm” và “Lượng”
  1. Về “Phẩm” chất: 1:6 – 3:6
Của lễ dâng cho Chúa phải là sinh tế thánh sạch, trọn vẹn: không mù, không què, không bịnh (1:8), không phải là của cướp (1:13)
Không thể lừa dối Chúa (1:14 so với Công vụ 5:1-11)
Chẳng những sinh tế có phẩm chất tốt, mà người dâng của lễ cũng phải là người thánh:Thánh trong đời sống riêng (sống theo Lời Chúa dạy – 2:8), tốt trong gia đình (2:13-16), tốt với những người chung quanh (3:5).
  1. Về định lượng: 3:7-12
Mức định lượng tối thiểu là 1/10(Mal. 3:10). Lời Chúa nói rõ là 1/10, ít nhất là 1/10.
Nếu chúng ta so sánh với Tân Ước, thì Chúa lại đòi hỏi cao hơn:
  • Luca 21:4, dâng hết của mình có
  • Rôma 12:1, dâng chính thân thể mình cho Chúa
  1. Phước Hạnh dâng của lễ:
Cảm ơn Chúa, vì phần cuối sách Ma-la-chi đã nói đến phước hạnh mà Chúa sẵn ban cho người dâng của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời (3:4)
  • Chúa sẽ đổ phước xuống không chỗ chứa (3:10)
  • Chúa sẽ ban cho cuộc sống vật chất thinh vượng (3:11-12)
  • Chúa sẽ nhớ đến họ. Chữ “nhớ” được nói rõ: Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện, họ sẽ thuộc về Chúa, sẽ làm cơ nghiệp cho Chúa, làm con trai của Chúa (Hãy hiểu con trai như là con quý trọng, không nên hiểu lầm Chúa không yêu thương phái nữ – Ê-sai 49:15).
  • Mặt trời công bình sẽ mọc lên cho họ, trở nên sáng láng, vui mừng, mạnh mẽ (Êph. 5:8-14)
Chúng ta đã đi qua loạt bài về các sách tiên tri, Nếu nhìn lướt qua, hình như đều là những lời quở phạt. Nhưng thật ra đó là cái roi sửa phạt của một người cha nhân từ (Hêb. 12:5-11)
Chứng tích của tình yêu thương Cha đối với con đã thể hiện ngay trong sách Ma-la-chi:
  • Bắt đầu tuyên bố yêu thương
  • Diễn giải những sai lầm cần sửa
  • Kết thúc với vui mừng và hi vọng
TIN LÀNH LÀ NHƯ THẾ!
Một sứ giả Tin Lành nhất định phải như thế. Nếu vậy, chắc chắn Chúa sẽ đẹp lòng mà gọi chúng ta là MA-LA-CHI! SỨ GIẢ CỦA TA!

Đề mục: SỰ DÂNG HIẾN
Kinh Thánh: Malachi 1:1-14
Câu gốc: Malachi 1:8
Mục đích: Nhắc nhở người nghe cách Dâng Hiến đẹp lòng Chúa.

I/. DÂNG HIẾN LÀ ĐIỀU CẦN PHẢI HỌC:
  • Malachi 1:1
  • Sách Tiên tri Malachi bắt đầu với hai chữ “Gánh nặng”. Hai chữ ấy có nghĩa là:
    • Theo nghĩa bóng, “Gánh Nặng” là lời của Chúa hay một Sứ mạng của Chúa phán với Tiên tri trong sự hiện thấy đặc biệt nào đó (Ê-sai 13:1)
    • Về nghĩa đen, “Gánh Nặng” là một vật to và nặng đang đè trên một người, nên người đó cần được giải tỏa.
  • Chúng ta có thể gộp hai ý giải thích lại để có một định nghĩa chữ “Gánh Nặng” mà Kinh Thánh – nói chung và cá nhân Tiên tri Malachi muốn nói: “Gánh Nặng” là Lời của Đức Chúa Trời bày tỏ cho Tiên tri Malachi, giao cho ông một sứ mạng truyền phán với dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, mà Sứ mạng nầy khó khăn nhưng cũng cần thiết đến nỗi tạo nên một áp lực trên chức vụ của ông, dù biết khó nhưng không nói thì không được.
  • “Gánh Nặng” mà Chúa muốn Tiên tri Malachi truyền phán với dân Y-sơ-ra-ên của Chúa là gì?
  • Chúng ta biết rằng sách Malachi ghi lại những bài giảng cho dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến Đền thờ, đặc biệt là Sự Dâng Hiến, cụ thể là việc dâng tế lễ (Đoạn 1) và dâng một phần mười (đoạn 3) cho Chúa.
  • Thế thì Gánh Nặng của Tiên tri Malachi là Đức Chúa Trời muốn ông giảng về Sự Dâng Hiến cho dân Y-sơ-ra-ên của Chúa.
  • Thật vậy, giảng về đề tài gì cũng dễ nói, nhưng giảng về sự Dâng Hiến là một đề tài khó giảng. Khó giảng vì nó đụng vào chỗ người nghe kiêng kỵ nhất.
    • Có lần một vị Mục sư Quản nhiệm một Hội Thánh đến mời tôi giảng và ông yêu cầu tôi giảng về Sự Dâng Hiến. Tôi nói: Mục sư là Quản nhiệm, Mục sư biết rõ tình hình và khả năng dâng hiến trong Hội Thánh, Mục sư dễ nói hơn tôi là Mục sư Khách. Vị Mục sư đó trả lời: Tôi là quản nhiệm nên khó giảng đề tài dâng hiến, vì tín đồ họ sẽ hiểu lầm là tôi quan tâm đến tiền bạc. Mục sư là Khách, nên dễ nói hơn.
    • Tôi cũng được nghe căn dặn là ở Mỹ nếu giảng về Sự Dâng Hiến thì tín đồ sẽ bỏ đi nhóm chỗ khác, vì không muốn nghe đề tài đụng đến “cái túi”.
    • Có lần tôi hỏi một Hội Thánh: Có người nói với tôi giảng Bồi linh dễ hơn giảng Truyền giảng, vì giảng Bồi linh tín đồ nghe dễ hiểu điều mình muốn nói; còn giảng Truyền giảng thì chỉ một đề tài cứu rỗi phải nói hoài không còn biết nói sao cho hấp dẫn. Có người lại nói: Giảng Truyền giảng dễ hơn giảng Bồi linh, vì Truyềng iảng là người chưa tin Chúa chưa từng nghe Kinh Thánh, nên dễ nói; còn bồi linh thì tín đồ quá quen thuộc với nội dung các bài giảng nên khó hấp dẫn. Tôi hỏi Hội Thánh tại đó: Thế thì giảng Bồi linh dễ hay giảng Truyền giảng dễ? Cả Hội Thánh bàn tán, người thì cho rằng Bồi linh dễ, người thì cho là Truyền giảng dễ. Sau một lúc, tôi trả lời: Thật ra giảng Bồi linh hay giảng Truyền Giảng đều khó cả, nhưng giảng về Sự Dâng Hiến là khó nhất.
  • Phải chăng khi Tiên tri Malachi nhận lãnh sứ mạng từ Lời Đức Giê-hô-va, Chúa muốn ông giảng về sự Dâng hiến, đề tài đó làm cho ông cảm thấy khó khăn đến nỗi trở thành một gánh nặng đè ép ông? Không giảng thì trái mạng lịnh của Chúa. mà giảng sự Dâng Hiến thì dân Chúa sẽ phản ứng dễ đụng chạm.
  • Cái khó nữa là giảng Sự Dâng Hiến cho dân Y-sơ-ra-ên.
  • Tại sao giảng sự Dâng Hiến cho dân Y-sơ-ra-ên lại khó hơn? Vì chúng ta đều biết, đối với dân Y-sơ-ra-ên, họ đã học về sự Dâng hiến từ đời tổ phụ họ là Áp-ra-ham (Sáng thế ký 14:20b), nghĩa là họ biết quá rõ, quá nhiều, quá quen nghe về sự dâng hiến rồi. Phàm cái gì quá quen, quá rõ, sẽ trở nên nhàm chán, không muốn nghe nữa, như câu nói chúng ta thường nghe: “Biết rồi, nói mãi, chán quá!”.
  • Cảm ơn Chúa, dù biết là khó nói, khó giảng, người nghe khó nghe, khó nhận, nhưng vì mạng lịnh của Đức Giê-hô-va, của Đức Chúa Trời, Tiên tri Malachi đã trung tín giảng đề tài Sự Dâng Hiến, chẳng những giảng mà giảng rất mạnh mẽ, vì ông biết rằng ĐỀ TÀI SỰ DÂNG HIẾN là điều Chúa muốn dạy cho dân Chúa, và là điều dân Chúa cần phải học.

II/. ĐỐI TƯỢNG CẦN DÂNG HIẾN:
  • Malachi 1:2-7
  • Bắt đầu bài giảng về Sự Dâng Hiến, Tiên tri Malachi đề cập đến địa vị mà dân Y-sơ-ra-ên có được, khiến họ phải dâng hiến cho Chúa.
  • Địa vị của dân Y-sơ-ra-ên đối với Chúa như thế nào?
  • 1:2, 3, Đức Giê-hô-va phán: Ta yêu các ngươi, … Nhưng ta yêu Gia-cốp…
  • Hai lần chính Đức Chúa Trời nói đến địa vị cao quý của dân Y-sơ-ra-ên đối với Chúa: Họ là Dân Được Chúa Yêu thương.
  • Đức Chúa Trời yêu thương dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?
    • 1:2-5, Lời Chúa nhắc lại lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên qua đời sống của tổ phụ họ là Gia-cốp.
  • Qua sách Sáng thế ký từ đoạn 25 đến đoạn 50, Chúa đã dành phân nửa sách Sáng thế ký để ghi lại đời sống của Gia-cốp và dòng dõi của ông. Nếu làm một sự so sánh giữa Ê-sau và Gia-cốp, rõ ràng Ê-sau đáng là người nhận ân phước của Chúa, vì Ê-sau là con Trưởng nam, là người mạnh mẽ, là người trực tính, không gian xảo thủ đoạn như Gia-cốp.
  • Malachi 1:2b, chính Chúa cũng phán: Ê-sau há chẳng phải là anh Gia-cốp sao?, nghĩa là Êsau có cơ hội được Chúa yêu hơn Gia-cốp.
  • Kỳ diệu thay, Chúa lại yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau. Chúa đã yêu thương kẻ không đáng yêu. Đó há không phải là Ân Điển sao?
  • Sứ đồ Phaolô đã áp dụng hai chữ Ân điển như vậy trong thư Êphêsô 2:1-9 khi ông nói: Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình… Chúng ta hết thảy cũng đều trong số ấy … Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ … Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu… Chính Phaolô khi cảm nhận được tình yêu thương của Chúa đối với ông, ông cũng đã nói về Sự Dâng Hiến: Vậy, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em DÂNG THÂN THỂ MÌNH làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời … và ông cũng nói về sự Dâng Hiến của ông: … nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.
  • Phaolô nhấn mạnh: Cơ-Đốc nhân chúng ta, chẳng những được Chúa Jêsus Christ yêu mà còn được Chúa phó mình cho chúng ta, chịu chết đền tội cho chúng ta, vì vậy không phải chỉ dâng tiền bạc, mà còn dâng thân thể, dâng sự sống cho Chúa.
    • Malachi 1:6-7, Lời Chúa không ngừng ở chỗ Chúa yêu, nhưng còn đưa tình yêu thương của Chúa lên một cấp độ tuyệt điểm, và Chúa phán: Con trai tôn kính cha mình … nếu ta là cha … nếu ta là chủ …
  • Lời Chúa nhắc dân Y-sơ-ra-ên biết thêm địa vị cao quý của họ, chẳng những Chúa yêu thương họ mà còn cho họ làm “CON” của Ngài và Ngài bằng lòng làm CHA của họ.
  • Chúng ta phải đọc lại Luca 15:11-24, để thấy sự nhìn nhận Cha Con của Đức Chúa Trời là tràn đầy nhân từ: đứa con trai hoang đàng đâu còn gì xứng đáng làm con, nhưng người cha đã tha thứ, đã không kể nó là tôi tớ, nhưng tuyên bố công khai: Con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được (Luca 15:24)
  • Một đứa con được hưởng sự tha thứ và phục hồi địa vị cao quý như thế sẽ làm gì trước tình yêu thương của người Cha? Há không phải nói như nó đã nguyện với lòng: xin cha đãi con như đứa làm mướn của cha vậy (Luca 15:19). Chắc chắn nó sẽ dâng trọn điều gì nó có cho cha vui lòng.
  • Tôi tin rằng nếu mỗi Cơ-Đốc nhân chúng ta hiểu được địa vị của chính mình đối với tình yêu thương của Đức Chúa Trời như lời Chúa đã phán trong Giăng 1:12, nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin đến Danh ngài – chẳng những Chúa Jêsus Christ chịu chết đền tội cho chúng ta, nhưng sự chết của Chúa Jêsus Christ cũng khiến chúng ta được làm con của Đức Chúa Trời, thì sẽ không bỏ đi khi nghe giảng về Sự Dâng Hiến, trái lại sẽ mau lẹ ăn năn vì đã không làm trọn bổn phận tối thiểu của một người con đối với tình yêu thương của cha mình là Đức Chúa Trời qua Sự Dâng Hiến.
  • Xin đừng để nếp sống sai lạc của những người con không có Chúa trên đất Mỹ nầy làm mất đi truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt-nam chúng ta: Hiếu kính cha mẹ; đừng để nếp sống không có Chúa trên nước Mỹ nầy làm sai lạc đức tin của Cơ-Đốc nhân chúng ta đối với lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh.
  • hãy sống xứng đáng với tình yêu thương của Chúa ban cho chúng ta, ít nhất là thể hiện qua Sự Dâng Hiến cho Chúa.

III/. ĐIỀU CẦN SỬA LẠI TRONG SỰ DÂNG HIẾN:
  • Malachi 1:8-14
  • Trong sinh hoạt của người tin Chúa Jêsus Christ thì Sự Dâng Hiến là việc quen thuộc nhất, dễ làm nhất. Dù vậy, có lẽ vì quen thuộc và dễ thực hành, nên chúng ta cũng giống như người Y-sơ-ra-ên thời của Tiên tri Malachi, có rất nhiều điều phải sửa lại trong Sự Dâng Hiến.
  • 1:8-9, đọc qua 2 câu Kinh Thánh nầy, anh chị em có nghe tiếng của Chúa phán đụng đến sự dâng hiến của chính mình không? Có lẽ là không, vì chúng ta không có dâng sinh tế như dân Y-sơ-ra-ên đã dâng. Có lẽ cũng vì thế mà những câu Kinh Thánh nầy dường như không liên hệ đến chúng ta.
  • Dân Y-sơ-ra-ên đã dâng hiến điều gì?
    • Dân Y-sơ-ra-ên thời Malachi đã dâng một con vật. Theo qui định của luật pháp Chúa, dân Y-sơ-ra-ên phải dâng sinh tế là chiên, bò, dê… Tuy nhiên, những con vật đó phải là những con vật không vít, không tì, là những con vật trọn vẹn (Xuất. 12:5).
  • Buồn thay, đến thời của Malachi, dân Y-sơ-ra-ên dâng hiến cho Chúa những con vật MÙ, QUÈ, ĐAU – BỊNH, những con vật đáng bỏ đi, những con vật mà nếu đem dâng cho những người cầm quyền đời nầy, người dâng sẽ bị phạt, đôi khi bị xử tử vì tội “khi quân phạm thượng”.
  • Dĩ nhiên, ngày nay chúng ta không dâng chiên mù, chiên què, bò bịnh cho Chúa, nhưng chúng ta dâng cho Chúa những đồng tiền có thể giống như Kinh Thánh đã ghi:
    • Luca 17:11-12, chúng ta dâng hiến cho Chúa như người Pha-ri-si nầy: dâng để kể công cho Chúa nghe: tôi không phải như người khác … cũng không phải như người thâu thuế nầy …
    • Luca 21:4a, chúng ta dâng những đồng tiền dư của mình làm của dâng
    • Công vụ 5:1-2, chúng ta dâng hiến để mua danh mua chức như A-na-nia và Sa-phi-ra, dâng một phần nhưng tuyên bố là dâng hết để mọi người thấy tôi cũng như Ba-na-ba.
    • II Côrintô 9:6-7, có lẽ chúng ta đã dâng “ít” tượng trưng thôi, hoặc dâng với sự phàn nàn gì đó trong lòng.
  • Xin Chúa cho chúng ta nghe được tiếng của Chúa phán trong Malachi 1:8-9 để ăn năn mà sửa lại.
  • 1:12-14, dân Y-sơ-ra-ên dâng hiến cho Chúa cách nào?
Chúa đã kể ra cách dâng hiến sai trái của dân Chúa:
  • 1:12, thái độ của họ là khinh dễ của dâng nơi bàn thờ.
Tôi phải nói điều nầy, Đức Chúa Trời thật có ban phước cho nước Mỹ đượm sữa và mật, thức ăn tràn đầy. Có người viết báo cho biết là ở Mỹ người ta ăn 1/3 và đổ bỏ 2/3. Ngay trong nhà của con cái Chúa hoặc trong Nhà thờ của Hội Thánh trong những buổi Tiệc Lễ có ăn uống.
Chúng ta quên rằng những thức ăn đó là của Chúa cho, và chúng ta đã “cầu nguyện” chúc phước cho thức ăn. Đó không phải là hành động khinh dễ Bàn của Đức Giê-hô-va … và chúng ta dù không nói nhưng hành động phí phạm đó há không phải là lời chúng ta nói: đồ ăn đến từ trên nó là đáng khinh dễ sao?
  • Tôi có một người quen vốn là một công chức cao cấp từ ngày tin Chúa đã bắt đầu dâng phần mười cho Chúa. Đến khi hưu trí, mỗi khi lãnh tiền hưu, ông luôn luôn dành tiến phần mười dâng cho Chúa trước, đặc biệt là luôn luôn lựa những đồng tiền mới, ông vuốt phẳng phiu, bỏ vào một chiếc hộp riêng đợi đến Chúa nhật đem đến Nhà thờ dâng cho Chúa. Đến hơn 70 tuổi trí óc bắt đầu bị “lẫn”, ông không nhớ nhiều việc kể cả không nhớ tên người thân, nhưng cảm tạ Chúa là ông không quên lãnh tiền và không quên dâng phần mười cho Chúa đến khi hơn 80 tuổi qua đời.
  • Tôi tin rằng trên Thiên đàng, ông ấy đã được Chúa liệt kê tên vào các Thánh đồ được Chúa khen ngợi và tôn quý lắm.


Đề mục: GIAO ƯỚC
Kinh Thánh: Malachi 2:1-17
Câu gốc: Malachi 2:5
Mục đích: Nhắc nhở người nghe biết: Một đời sống làm theo Lời Chúa là đời sống có phước.

I/. GIAO ƯỚC LÀ GÌ?
  • Malachi 2:5, Giao ước của ta …
  • “Giao ước” là một hợp đồng được kết ước ít nhất giữa hai bên hoặc nhiều hơn, trong đó qui định một số điều kiện mà hai bên đồng thuận.
  • Có hai loại Giao ước:
  1. Giao ước giữa người với người:
  • Trong thế giới từ xưa đến nay, có rất nhiều Giao ước giữa người với người đã được lập, và được gọi với nhiều tên gọi khác nhau, như:
    • Hợp đồng: tên gọi nầy thường được dùng trong thương trường, trong sinh hoạt thường ngày của xã hội con người: Hợp đồng mua bán, hợp đồng xây dựng…
    • Giao kèo: là tên gọi được người bình dân dùng nhiều hơn, cũng là một sự thỏa thuận các bên trong một công việc gì đó, đôi khi có thể là thỏa thuận bằng miệng.
    • Hòa ước: tên gọi nầy thường được dùng có tánh cách quốc gia hay quốc tế, được ký kết giữa các nước.
  • Kinh Thánh ghi lại nhiều Giao ước giữa người với người, như:
    • Sáng. 21:27, Áp-ra-ham lập Giao ước với vua A-bi-mêléc.
    • Sáng. 31:45-48, Gia-cốp lập Giáo ước với La-ban, hai người lấy đống đá làm chứng cho những điều kiện hai bên thỏa thuận.
    • I Samuên 20:16, hai người bạn là Giô-na-than và Đa-vít lập Giao ước với nhau hứa sẽ không hại nhau.
    • II Samuên 5:3, vua Đa-vít lập Giao ước cùng các Trưởng lão người Y-sơ-ra-ên trong việc đem lại hòa bình thống nhất cả nước Y-sơ-ra-ên sau thời gian tranh chiến vì những chi phái theo ủng hộ dòng dõi Sau-lơ với những chi phái ủng hộ Đa-vít.
    • Đặc biệt trong Malachi 2:14, Hôn nhân giữa vợ chồng cũng là một Giao ước.
  1. Giao ước giữa Chúa với người:
  • Chúng ta phải nói rõ là loại Giao ước có hai đặc điểm:
    • Một là chỉ có Kinh Thánh ghi lại những Giao ước giữa Chúa với con người.
    • Thứ hai là loại Giao ước nầy bao giờ cũng phát xuất từ phần của Chúa trước, nghĩa là chính Chúa chủ động lập ước trước, phần con người có đồng ý ký kết với Chúa hay không mà thôi. Dĩ nhiên đây không phải là loại Giao ước một chiều, Chúa không độc đoán bắt buộc, và Chúa cũng không đòi hỏi con người phải theo một số điều kiện gì trừ ra điều kiện vâng lời Chúa thi hành những gì con người đã thỏa thuận với Chúa.
  • Chúng ta hãy xem xét một vài Giao ước được Đức Chúa Trời lập với con người trong Kinh Thánh, qua các Thánh đồ, như:
    • Sáng. 9:8-11, Giao ước của Chúa với Nô-ê và dòng dõi của ông rằng Chúa sẽ không hủy diệt loài người bằng nước lụt như Chúa đã hủy diệt thế giới thời Nô-ê nữa. Rõ ràng Chúa không buộc ông Nô-ê và gia đình của ông làm gì cả
    • Sáng. 15:18, Đức Chúa Trời lập giao ước với Áp-ra-ham với lời hứa sẽ ban Đất Hứa cho dòng dõi của ông. Trong Giao ước nầy, Áp-ra-ham cũng không làm gì cả, ông chỉ cần vâng theo tiếng kêu gọi của Chúa ra khỏi một quê hương thờ lạy hình tượng đi đến nơi mà Chúa sẽ chỉ cho ông – dù ông chưa biết đó là nơi nào.
    • Mathiơ 26:28, Chúa Jêsus Christ lập giao ước với người tin Ngài trên căn bản là Huyết của Ngài. Chúa Jêsus Christ làm tất cả: giáng sanh, chịu chết đổ huyết đền tội cho con người, con người chỉ cần lấy đức tin nhận công hiệu sự chết đó cho chính mình.

II/. TRÁCH NHIỆM TRONG GIAO ƯỚC:
  • Malachi 2:1-4, Giao ước nào cũng qui định trách nhiệm của hai bên, nhất là qui định hình phạt nếu không thực hiện đúng Hợp đồng hay Giao ước.
  • Anh chị em đang sống trên nước Mỹ nầy, chắc chắn hiểu rõ những ràng buộc trong các hợp đồng. Thí dụ như hợp đồng Điện thoại buộc chúng ta phải ký một năm, nếu chúng ta cancel (hủy bỏ) hợp đồng trước thời hạn một năm, hợp đồng gồm ba phần:
    • Bên A có trách nhiệm như thế nào
    • Bên B có trách nhiệm như nào
    • Sau đó là điều khoản dành cho trách nhiệm cả hai bên nếu không thực hiện đúng hợp đồng, thì chúng ta sẽ bị phạt như thế nào. Nói chung là nếu chúng ta không thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ gặp rắc rối.
  • Giao ước của Chúa với con người cũng vậy, nhất là nếu bên nào không giữ đúng Giao ước sẽ phải chịu một hình phạt đã qui định.
  • Thông thường chúng ta chỉ nhớ đến những ơn phước được ghi trong Giao ước với Chúa, ít khi chúng ta chú ý đến những điều xảy ra nếu con người không tuân giữ Giao ước với Chúa.
  • Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 28:1-14 ghi đầy đủ những phước lành Chúa ban cho khi dân Chúa giữ đúng Giao ước. Đồng thời cũng ghi lại những tai họa sẽ xảy đến nếu dân Chúa không thực hiện đúng như Giao ước đòi hỏi (Phục truyền 28:15-68) với những lời chúc dữ thật nặng nề.
  • Câu gốc Malachi 2:5 đã nêu rõ trách nhiệm của hai bên:
    • Phần của Chúa, thì Ngài ban sự sống, sự bình an cho dân Chúa.
    • Phần của người, thì dân Chúa phải kính sợ Chúa.
  • Malachi 2:1-4, điều đáng chú ý là Chúa đã phán trước những lời rủa sả nếu dân Chúa không thực hiện đúng Giao ước, và những lời rủa sả nầy thật đáng sợ.
  • 2:2a, Chúa phán: Nếu các ngươi chẳng nghe và không để lòng dâng sự vinh hiển cho Chúa, thì,
  • 2:2b, Chúa sẽ giáng sự rủa sả trên dân Chúa.
  • 2:2c, Chúa rủa sả những phước lành của dân Chúa, nghĩa là họ không được hưởng những phước lành của Chúa như đã hứa.
  • 2:3a, Chúa quở trách giống gieo, tức là phá hoại kinh tế của xứ.
  • 2:3b, Chúa sẽ rải phân trên mặt dân Chúa – một cách nói tỏ ra việc làm sỉ nhục dân Chúa, dùng những chất thải từ các con vật dâng tế làm vung vải trên đầu trên mặt người dâng tế, thay vì dâng tế lễ đả được thánh sạch thì họ lại bị ô uế tệ hại hơn.
  • Nói tóm lại, như chính Chúa đã phán với Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô ký 34:7, Chúa ban ơn đến ngàn đời, nhưng nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời.
  • Mới đây có một Sinh viên Thần học gọi điện thoại hỏi tôi: Thưa Mục sư, con khám phá là Đức Chúa Trời không phải chỉ yêu thương, nhơn từ, nhưng Đức Chúa Trời cũng rất là ác nữa. Mục sư có thấy như vậy không? Tôi trả lời: Như vậy là từ trước tới nay không ai dạy con Đức Chúa Trời yêu thương cũng là Đấng Thánh Khiết, Công Bình sao? Chúa ban ơn đến ngàn đời, nhưng Ngài cũng sẵn sàng phạt con cháu đến ba bốn đời.
  • Trong vòng anh chị em có giống em Sinh Viên Thần học kia không? Từ trước đến nay có biết rằng có một Đức Chúa Trời sẵn sàng giáng họa, ban sự rủa sả, trên những người không giữ Giao ước của Chúa không? Hãy nhớ bài học trong Malachi 2:1-4 nầy để đừng khinh dể Chúa (Galati 6:7; Hêbơrơ 12:16, 29).

III/. HAI GIAO ƯỚC ĐẶC BIỆT:
  • Malachi 2:5-17
  • Trong phân đoạn nầy, Tiên tri Malachi có ghi lại lời Chúa phán liên quan đến hai Giao ước, mà hai Giao ước nầy rất ít khi được nói đến ngoài đời cũng như trong Kinh Thánh. Tuy nhiên hai Giao ước nầy lại liên quan đến nền tảng của xã hội, của Hội Thánh.
  1. Giao ước Chúa với người Lê-vi:
  • Malachi 2:5-9
  • Trong 2:5, Chúa nói đến Giao ước của Chúa với người Lê-vi.
  • Chúng ta biết là theo qui định của Đức Chúa Trời thì chi phái Lê-vi là chi phái được biệt riêng ra để phục vụ Chúa trong phạm vi Đền Tạm, Đền thờ (Dân số ký 1:47-51), những phần việc mà người Lê-vi được qui định trong Giao ước với Chúa đã được Chúa nhắc lại trong Malachi 2:6-7
  • 2:6a, Luật pháp của sự chơn thật đã ở trong miệng nó, trong môi miếng nó chẳng có một sự không công bình nào.
Chúng ta biết là từ trong chi phái Lê-vi, họ A-rôn được biệt riêng làm Thầy tế lễ và Thầy tế lễ Thượng phẩm, công việc của thầy tế lễ chẳng những lo dâng tế lễ cho Chúa, mà họ còn phải truyền dạy luật pháp của Chúa cho mọi người.
  • 2:6b-7, nó đã bước đi với ta …, Chúa cũng đòi hỏi người Lê-vi, các thầy tế lễ cũng phải sống đời sống tỏ ra là người đồng đi với Chúa để mọi người chung quanh nhìn vào thấy được luật pháp của Chúa – nói cách khác, họ là Luật pháp sống của Chúa trước mặt mọi người.
  • Đáng buồn thay, điều gì đã xảy ra?
  • 2:8, những người thánh nầy đã làm dơ nhà thánh, chính họ là những người hiểu biết Lời Chúa lạixây khỏi đường lốilàm vấp phạm… làm sai Giao ước.
  • 2:9, họ đã không để tâm đến những điều khoản sẽ bị rủa sả nếu không thực hiện đúng hợp đồng với Chúa, dù những điều khoản đó đã được rao báo trước khi họ ký Giao ước với Chúa (2:1-4).
  • Lỗi lầm của chúng ta là thường nhớ đòi hỏi Chúa ban phước khi làm được một điều gì cho Chúa, nhưng chúng ta lại nghĩ rằng “Chúa nói thì nói như vậy nhưng Chúa không phạt đâu”, nên chúng ta không quan tâm thi hành Giao Ước.
  • Anh chị em ơi, Kinh Thánh cho chúng ta biết, Chúa ban phước thật sự, và Ngài cũng thật sự phạt người nào không vâng giữ Giao ước của Chúa.
  1. Giao ước người với người:
  • Malachi 2:10-17
  • Phân đoạn nầy đề cập đến Giao ước giữa người với người, nổi bật nhất là Giao ước Hôn nhân.
  • Trong một thế giới ngày nay những lời hứa dễ dàng đưa ra và cũng dễ dàng quên đi; một thế giới mà nền tảng Gia đình đã trở nên lỏng lẻo với thống kê trên 50% gia đình trong tình trạng ly dị, thì Lời Chúa cần thiết biết là dường nào!
  • Anh chị em hãy nghe Lời Đức Chúa Trời phán về Giao ước Hôn nhân:
  • 2:10, Hết thảy chúng ta chẳng phải là có chung một cha sao? Chẳng phải chỉ có một Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta sao? Vậy sao ai nấy đãi anh em mình cách gian dối, phạm giao ước của tổ phụ chúng ta?...
  • 2:14, … Ấy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi.
  • 2:16, Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ,…
  • Rõ ràng Chúa kể sự đổ vỡ Hôn nhân là một sự vi phạm Giao ước với Chúa, và Chúa phán: CHÚA GHÉT người nào bỏ vợ – nghĩa là Chúa không muốn gia đình đổ vỡ.
  • Người Việt-nam chúng ta dù chưa tin Chúa cũng đã biết “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Xin Chúa cho con cái Chúa đọc lại Lời rủa sả khi chúng ta vi phạm Giao ước được ghi trong Malachi 2:1-4, để nhờ ơn Chúa tái lập lời hứa nguyện với Chúa rằng: CON SẼ NHỜ ƠN CHÚA GIỮ TRỌN GIAO ƯỚC VỚI CHÚA VÀ VỚI GIA ĐÌNH CỦA CON. AMEN!

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.