Nê-Hê-Mi

I/. TÁC GIẢ SÁCH NÊ-HÊ-MI:
Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đều công nhận phần lớn sách Nê-hê-mi là do Nê-hê-mi viết từ đoạn 1 đến đoạn 7 và từ đoạn 12:27 đến đoạn 13:31 (vì trong các đoạn nầy, tác giả dùng nhân xưng đại danh từ ngôi thứ nhất: TÔI); còn lại là từ đoạn 8 đến đoạn 12:26 có lẽ là do E-xơ-ra viết.
Nê-hê-mi 12:11,22, có tên Gia-đua, sử sách chép Gia-đua là thầy tế lễ thượng phẩm vào lúc Alexander the Great đến thăm Giê-ru-sa-lem, trên đường đi đánh nước Ba-tư (năm 332 TC, vua Ba-tư lúc bấy giờ là Darius III [333-331 TC.]. Cho nên có lẽ bảng danh sách trong đoạn 12 được viết vào đời Nê-hê-mi, và về sau được viết thêm vào.

II/. NIÊN HIỆU SÁCH NÊ-HÊ-MI:
  • 2:1 ghi tháng Ni-san, năm thứ 20 đời vua Ạt-ta-xét-xe, là năm Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem lần thứ I (445TC.)
  • 13:6-7, năm thứ 32 đời Ạt-taxét-xe, Nê-hê-mi trở lại Ba-by-lôn, sau đó ít lâu, Nê-hê-mi trở lại Giê-ru-sa-lem (432 TC.), và Nê-hê-mi hoàn thành công việc tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem vào độ năm 400 TC.
Như vậy, sách Nê-hê-mi được viết ra sau 432 TC nghĩa là sau đoạn 13:6-7), và thời gian sự kiện viết trong sách độ 12 năm, tức là từ năm thứ 20 đến năm thứ 32 của vua Ạt-ta-xét-xe Longimanus (445 – 433 TC)

III/. THẨM QUYỀN:
Sau đây là những bằng cớ chứng minh sách có thẩm quyền trong Kinh Thánh, nghĩa là được kinh điển:
  1. Sách được dự phần trong Cựu Ước tiếng Hi-bá-lai, nhưng người Y-sơ-ra-ên nhập sách Nê-hê-mi với sách E-xơ-ra và có tựa đề chung là Sách E-xơ-ra.
  2. Thánh Jerôme cho biết các tín đồ Hi-lạp và Lamã đặt tên sách là sách E-xơ-ra thứ II.
  3. Sách Nê-hê-mi cho biết những chuyển biến quan trọng trong sinh hoạt của người Y-sơ-ra-ên sau khi hồi hương:
    1. Người Y-sơ-ra-ên chia làm 2 phe: phe sốt sắng về tôn giáo, và một phe đồng hóa với người ngoại bang.
    2. Sách Nê-hê-mi và E-xơ-ra tỏ ra sự kỳ thị giữa người Y-sơ-ra-ên với dân Sa-ma-ri.
    3. Đoạn 3:12, thuật lại đầy đủ công tác xây cất vách thành và bản đồ thành Giê-ru-sa-lem.
    4. Đoạn 7:66-67, ghi rõ dân số của cả Y-sơ-ra-ên là 42,360 người và 7,337 tôi trai tớ gái.
Nếu so với I Sử 21:5, chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên đã sa sút, từ 1,100,000 người Y-sơ-ra-ên với 470,000 người Giuđa [người cầm gươm  giảm xuống còn độ 50,000 người]
Vì vậy sách Nê-hê-mi rất cần thiết để hoàn thành bộ lịch sử của Y-sơ-ra-ên và chương trình của Đức Chúa Trời trên tuyển dân sau những ngày bị phạt phải lưu đày.

IV/. CHỦ ĐỀ CỦA SÁCH NÊ-HÊ-MI:
Chúng ta đã học sách E-xơ-ra chia làm 2 phần chính:
  1. Dân Y-sơ-ra-ên hồi hương dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên để xây lại Đền thờ.
  2. Dân Y-sơ-ra-ên hồi hương dưới sự lãnh đạo của E-xơ-ra để sửa lại sự thờ phượng
Cũng giống như vậy, sách Nê-hê-mi chia làm 2 phần chính:
  1. Từ đoạn 1: đến đoạn 6:, Nê-hê-mi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem, đã bi tàn phá bởi quân Ba-by-lôn năm 586 TC.
  2. Từ đoạn 7: đến đoạn 13:, Nê-hê-mi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên xếp đặt, chỉnh đốn nếp sống của dân Chúa.
Như vậy, qua 2 sách E-xơ-ra và Nê-hê-mi, chúng ta có một chuỗi liên kết những sự việc tối cần mà dân GIu-đa phải làm sau 70 năm lưu đày trở về, đó là
  • Xây lại Đền thờ
  • Tái lập sự thờ phượng
  • Tái thiết tường thành Giê-ru-sa-lem
  • Ổn định đời sống dân Chúa
Nếu thêm vào sách Ê-xơ-tê, chúng ta chấm dứt 17 sách lịch sử với sự bảo tồn, giữ gìn của Đức Chúa Trời đối với tuyển dân. Thật là một bài giảng Tin Lành kỳ diệu về ân điển của Đức Chúa Trời trên người tin Chúa.

Đề mục: XÂY SỬA LẠI
Câu gốc: 2:18
  1. XÂY SỬA LẠI TƯỜNG THÀNH – 1: - 6:
  1. Lý do xây sửa lại tường thành – 1:1-11
    • Vì tình cảnh dân cư Giê-ru-sa-lem bị khổ nạn – 1:1-3
    • Vì tấm lòng yêu nước của Nê-hê-mi – 1:4-11
  2. Công tác xây sửa lại tường thành – 2: - 6:
    • Chuẩn bị – 2:1-20
      1. Xin phép vua – 2:1-8
      2. Quan sát công việc – 2:9-16
      3. Động viên tinh thần dân sự – 2:17-18
      4. Cương quyết với kẻ thù – 2:19-20
  • Phân chia công tác – 3:
  • Những khó khăn – 4: - 6:14
    1. Thù địch tấn công – 4:
    2. Sự bất công trong dân sự – 5:
    3. Âm mưu hại Nê-hê-mi – 6:1-14
      • Hoàn thành công tác xậy sửa lại tường thành – 6:15-19.
  • XÂY SỬA LẠI DÂN SỰ – 7: - 13:
  1. Dựng lại gia phổ: Tu bộ dân sự theo danh sách trở về lần thứ I – 7: (7:15b)
  2. Xây sửa việc thuộc linh (bên trong) – 8: - 10:
    • Dạy Lời Chúa – 8:
    • Kiêng ăn, cầu nguyện, và xưng tội – 9:
    • Lập ước với Chúa:
      1. Người lập ước – 10:1-27
      2. Điều khoản lập ước – 10:28-39
+ Làm theo Lời Chúa – c. 28
+ Không kết sui với người ngoại – c. 30
+ Giữ ngày và năm Sa-bát – c. 31
+ Dâng phần mười – c. 32-39
  1. Xây sửa bên ngoài – 11: - 13:
  • Xếp đặt người phụ trách Đền thờ:
    1. Xếp đặt thầy tế lễ – 12:1-21
    2. Xếp đặt người Lê-vi – 12:22-26
    3. Xếp đặt việc ca hát – 12:27-47
  • Trừ bỏ tệ nạn – 13:
  1. Phân biệt với người ngoại – 13:1-3
  2. Dọn sạch các phòng trong Đền thờ bị Tô-bi-gia chiếm – 13:4-9
  3. Cấp phát lương thực cho người Lê-vi – 13:10-14
  4. Trừ bỏ vi phạm ngày Sa-bát và kết sui – 13:15-31.
V/. CON NGƯỜI NÊ-HÊ-MI:
  1. Nê-hê-mi – người yêu mến dân Chúa: (1:1)
Nê-hê-mi là con của Ha-ca-lia (2:3, nơi có mồ mả tổ phụ). Các nhà giải nghĩa Kinh Thánh đồng ý Nê-hê-mi thuộc chi phái Giu-đa, tức là thuộc Hoàng tộc (II Vua 11:43; 14:31; 15:24)
Nê-hê-mi lớn lên trong thời lưu đày và được tuyển vào hoàng cung Ba-tư. Lúc bấy giờ vua Ạt-ta-xét-xe Longimanus và Hoàng hậu Damspia cai trị Ba-tư.
Chức vụ của Nê-hê-mi là quan tửu chánh tại kinh đô Su-sơ (tức người dâng rượu cho vua. Chức vụ nầy là người được vua tin cậy, phải nếm thử rượu trước khi dâng cho vua uống, để tránh vua bị đầu độc – Sáng. 40: - 41: ghi ảnh hưởng của quan tửu chánh đối với vua Ai Cập. Trong II Vua 18:, tên Ráp-sa-kê có nghĩa là Người chỉ huy dâng rượu)
Dù làm quan trong triều đình Ba-tư, nhưng lòng của Nê-hê-mi lúc nào cũng quan tâm đến quê hương:
  • 1:2, quan tâm thăm hỏi
  • 1:4, nghe tin dân sự bị khổ nạn thì ông buồn rầu, cầu nguyện với Chúa.
  • 2:5, Xin phép vua cho về giúp dân sự
  1. Nê-hê-mi: Một Kiến Trúc sư [Một người Xây dựng] – 2:9 – 6:19
    • 2:9, Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem. Hành trình nầy độ 3 tháng, phải đi qua các tỉnh của nước Ba-tư. Từ ngữ “Bên kia sông” là chỉ về sông Ơ-phơ-rát.
    • 2:10, theo Sử gia Josephus, thì San-ba-lát, Tô-bi-gia là những người Samari lai, được giữ những chức vụ tại địa phương. Họ là người không muốn dân Y-sơ-ra-ên được hưng thạnh, bởi đó Nê-hê-mi đương nhiên trở thành thù địch của họ.
    • Chúng ta thấy chương trình tái thiết thành Giê-ru-sa-lem đầy những trở ngại, bắt đầu từ số 0.
  1. Trở lực bên ngoài:
  1. Bị khinh dễ – 4:1-3
Trước những lời chế nhạo, Nê-hê-mi làm gì?
4:4-6, Nê-hê-mi cầu nguyện với Chúa và yên lặng làm việc, vì ‘việc làm là câu trả lời tốt nhất’.
  1. Bị tấn công – 4:7-8
Sau khi dùng lời nói trêu chọc không thành công, San-ba-lát và Tô-bi-gia liên kết với các dân chung quanh dùng sức mạnh tấn công.
San-ba-lát và Tô-bi-gia hình bóng hạng tín đồ xác thịt, mưu lợi riêng, dễ thỏa hiệp với người ngoại (A-rạp, Ammôn, Ách-đốt)
4:9-23, đối phó với tình hình đó, Nê-hê-mi đã cầu nguyện và làm việc với kế hoạch rõ ràng:
  • 4:9a, Nê-hê-mi cầu nguyện.
  • 4:9b, cho canh giữ ngày đêm bằng cách:
  • Nhờ dân Giu-đa ở nơi thù nghịch báo tin [một hình thức gián điệp] – 4:12
  • Lập đồn canh – 4:13a
  • Đôn đốc nhân sự chuẩn bị chống lại kẻ thù – 4:13b
Đây là cách mà Chúa Jêsus dạy: Hãy thức canh và cầu nguyện (Mathiơ 26:41). Có người thức canh nhưng không cầu nguyện; ngược lại có người cầu nguyện nhưng không thức canh. Cả hai đều thất bại vì một bên có ý chí nhưng thiếu sự tin cậy, một bên có lòng tin cậy nhưng không có ý chí.
Nê-hê-mi chẳng những lập kế hoạch phòng thủ rõ ràng, lại cũng đôn đốc nhân sự. Lãnh đạo Cơ-đốc là như vậy:
CẦU NGUYỆN – LÀM VIỆC – KIỂM SOÁT.
  1. Bị mưu hại – 6:1-14
Lần nầy những thù nghịch của Nê-hê-mi chuyển kế hoạch tấn công vào chính con người của Nê-hê-mi:
  • 6:2, họ dụ Nê-hê-mi đến một địa điểm để mưu hại ông
  • 6:13, họ muốn làm cho Nê-hê-mi mang tiếng xấu bằng cách dụ Nê-hê-mi vào Đền thờ là chỗ chỉ dành cho thầy tế lễ.
  • 6:14, cảm ơn Chúa, Nê-hê-mi đã cầu nguyện và bước đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời với quyết định:
  • Không cần bàn luận với San-ba-lát – 6:3-4
  • Không vượt qua điều Chúa cấm (I Côrintô 9:27)
  1. Trở lực bên trong:
Nê-hê-mi cũng phải đối phó với tinh thần chán nản công việc của những người đồng công:
  1. Tinh thần chán nản – 4:10
 Người Giu-đa nhìn vào công việc và kêu lên: Còn quá nhiều đồ hư nát (quá nhiều rác, quá nhiều phế liệu tàn tích 70 năm sót lại). Họ cảmt hấy không thể nào dọn dẹp nổi thì làm sao xây cất thành mới.
Giống như tình trạng Hội Thánh quá nhiều rác thế gian.
4:14, Nê-hê-mi động viên toàn thể và chính ông làm việc với lòng tin cậy Đức Chúa Trời – câu 21-23.
  1.  Tình trạng nghèo đói và tham nhũng – 5:1-5
Tình trạng nghèo đói lớn của dân sự đòi hỏi nê-hê-mi phải quan tâm.
Đồng thời lại có một số người lợi dụng tiền bạc, tước vị để bóc lột người nghèo.
Để giải quyết tình trạng nầy:
  • 5:10-11, Nê-hê-mi ra lịnh trả lại của người nghèo
  • 5:14, 16, Nê-hê-mi hạn chế tiêu chuẩn sinh hoạt của cá nhân ông, từ chối những ưu đãi của một quan Tổng trấn.
  1. Nê-hê-mi – Một Quan Tổng Trấn: 7: - 13:
Trong phần thứ hai nầy, Nê-hê-mi ở địa vị Tổng trấn cai trị tỉnh Giu-đa của nước Ba-tư, chúng ta học được cách cai trị của Nê-hê-mi.
  1. Phân chia công việc – 7:1-3
Nê-hê-mi đã áp dụng phương pháp cai trị bằng cách phân quyền và phân công:
  • Nê-hê-mi phân việc giữ cửa, ca hát, việc Đền thờ, việc cai trị
  • Đặt người đúng việc – câu 1
  • Chọn những người cai trị với tiêu chuẩn trung tín, kính sợ Đức Chúa Trời – câu 2
  • Mỗi người canh giữ ngay tại nhà mình – câu 3
Lãnh đạo là người phải biết phân nhiệm. Biết phân nhiệm nhưng cũng phải biết chọn người đúng việc.
Tiêu chuẩn để chọn người là: trung tín, kính sợ Chúa, đặt việc thuận lợi cho người làm việc (câu 3b) bằng cách cho họ canh giữ đối ngang nhà mình.
  1.  Tra xét sổ sách dân cư trú – 7:4-73
Câu 4 xác nhận dân trong thành còn quá ít, nhà chưa xây, Đức Chúa Trời cảm động Nê-hê-mi làm việc kiểm tra số dân cư (câu 5)
Bảng gia phổ nầy là phần kiểm tra số dân về lần thứ I dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên 90 năm trước khi Nê-hê-mi về, do E-xơ-ra lập (E-xơ-ra 2:)
  1. Trở về với Kinh Thánh – 8: -10:
Câu chuyện đoạn 8 bắt đầu từ câu cuối của đoạn 7, “Khi tháng 7 đến …”. Tháng 7 là tháng thánh (Lêvi 23:; Dân 29:; Phục 16:16) có 3 lễ. Dân sự đã làm 3 điều:
  1. Xin được nghe Lời Chúa (8:1)
  2. Ăn năn xưng tội sau khi nghe Lời Chúa (9:1)
  3. Hứa nguyện với Chúa (10:1)
Chúng ta học được 2 điều:
  1. Người lãnh đạo biết hướng dẫn dân sự trở về với Lời Chúa, giảng dạy Kinh Thánh, không giảng các loại triết lý. Nhiều người đã sai lầm khi nghĩ rằng Kinh Thánh không thích hiệp, không hấp dẫn, họ đã dạy triết lý tôn giáo. Có thể những điều đó hấp dẫn nhất thời, nhưng không xây dựng một nền tảng vững chắc cho dân sự.
  2. Về phía dân sự đã cho chúng ta một gương mẫu về cách nghe Lời Chúa:
    • Mong muốn được nghe Lời Chúa (8:1)
    • Nghe và hạ mình ăn năn (9:1)
    • Ăn năn và hứa nguyện làm theo Lời Chúa (10:1)
  1. Ổn định cư trú cho dân sự – 11: - 12:26
Câu 1-19, tình trạng Giê-ru-sa-lem lúc đó thiếu người ở. Để giải quyết tình trạng nầy, Nê-hê-mi cho bắt thăm chọn 1/10 trong toàn dân Giu-đa cho họ ở lại Giê-ru-sa-lem, những người khác đều vui mừng chúc phước cho người ở Giê-ru-sa-lem (11:2)
Bảng danh sách nầy là do chính Nê-hê-mi lập, gồm có gia phổ của dân Y-sơ-ra-ên ở trong các thành.
  1. Khánh thành vách thành – 12:27 – 13:3
Câu 27 có 3 ý kiến về ngày Lễ Khánh Thánh:
  1. Lễ Khánh thành tiếp theo ngay sau khi xây xong vách thành (6:15)
  2. Lễ Khánh thành cử hành sau những việc xảy ra từ đoạn 7:1 đến 12:27. Tức là sau khi kiểm tra dân số (câu 7), lập ước với Chúa (câu 8-10); ổn định dân cư các thành (câu 11).
  3. Lễ Khánh thành cử hành sau khi xây xong vách thành, Nê-hê-mi trở lại kinh đô Su-sơ của Ba-tư sau 12 năm (2:1; 13:6). Nê-hê-mi trở lên Giê-ru-sa-lem lần thứ II, sửa lại những sai lầm trong dân sự (13:4, Vả, trước các việc đó… nghĩa là trước Lễ Khánh thành Đền thờ).
Chương trình Lễ Khánh thành gồm:
  • câu 27-43, ca hát vui vẻ (chia 2 tốp đi vòng quanh
  • câu 44-47, Trong ngày Lễ Khánh thành đó, họ làm lễ dâng hiến lập lại kho tàng Đền thờ.
  • 13:1-3 Trong ngày … đó, họ đọc Kinh Thánh (phần Ngũ Kinh của Môi-se, 13:1-2 so với Phục truyền 23:3-4), và tức thì làm theo Lời Chúa (câu 3)
Đặc điểm của dân Giu-đa sau 70 năm lưu đày trở về là mỗi lần nghe Lời Chúa, tức thì họ thực hành.
Câu 43 có 4 lần dùng chữ Vui Mừng.
  • Vui Mừng dâng của lễ
  • Đức Chúa Trời khiến Vui Mừng
  • Mọi người Vui.
  • Vui vang xa
  1. Hoàn thành Kế hoạch – 13:4-31
Câu 4 bắt đầu với chữ “VẢ, trước các việc đó”, nghĩa là trước các chương trình lễ khánh thành. Lúc Nê-hê-mi vắng mặt vì phải trở lại Su-sơ.
Thời gian Nê-hê-mi vắng mặt có những tệ nạn xảy ra:
  1. Câu 4-5, cho Tô-bi-gia là người ngoại vào ở trong Đền thờ (2:10 – Tô-bi-gia là người Am-môn)
  2. Câu 10-13, không lo chu cấp cho người Lê-vi hầu việc Đức Chúa Trời.
  3. Câu 15, mua bán trong ngày Sa-bát
  4. Câu 23-24, kết hôn với người ngoại bang
Khi Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem, ông phải sửa lại những sai lầm đó
Cảm tạ Chúa, câu 30-31 kết thúc sách Nê-hê-mi với sự đắc thắng của Nê-hê-mi, ông hoàn thành công việc lo cho Nhà Chúa.
KẾT LUẬN:
Qua đời sống của Nê-hê-mi, chúng ta thấy Nê-hê-mi là:
  • Một người cầu nguyện
  • Một người có đức tin
  • Một người can đảm
  • Một người hành động
W cũng bắt gặp hình ảnh của Nê-hê-mi trong Tân Ước qua thư I Côrintô 16:9 (so với Nêh. 2:18b).

Đề mục: CON NGƯỜI NÊ-HÊ-MI
Kinh thánh: Sách Nê-hê-mi 1: - 13: (Đọc Nê. 1:1-11)
Câu gốc: Nê. 1:4
Mục đích: Học sách Nê-hê-mi trong chương trình học qua toàn bộ Kinh thánh. Nêu gương của Nê-hê-mi trong đời sống cầu nguyện.

I/. NÊ-HÊ-MI – NGƯỜI YÊU MẾN CHÚA:
  • Nê-hê-mi 1: - 2:8
  • Nhóm từ mà Cơ-Đốc nhân thường nói và nói với nhau là “Yêu Mến Chúa”. Nhưng làm sao người ta có thể biết một người Yêu Mến Chúa ? Qua đời sống của Nê-hê-mi, chúng ta có thể nhận được câu trả lời rất rõ ràng là Sự Yêu Mến Con Người !
  • 1:1 cho chúng ta những thông tin về Nê-hê-mi như sau:
  • Nê-hê-mi là con trai của Ha-ca-lia.
Thật ra chúng ta không có tài liệu gì về Ha-ca-lia, nhưng 2:3 nói đến “nơi có mồ mả của tổ phụ tôi”, nhóm từ nầy được đề cập rất nhiều lần trong các sách lịch sử (II Sử 9:31; 12:16… ), do đó các nhà giải nghĩa Kinh thánh cho rằng Nê-hê-mi thuộc chi phái Giu-đa, dòng họ Hoàng tộc.
  • Nê-hê-mi đang ở tại kinh đô Su-sơ của nước Phe-rơ-sơ.
1:11, phần cuối của câu 11, chính Nê-hê-mi cho biết ông đang làm quan Tửu chánh trong triều đình của vua Ạt-ta-xét-xe, nước Phe-rơ-sơ (Theo Lịch sử thì vua Ạt-ta-xét-xe nầy là con của vua Xét-xe – Kinh thánh gọi là vua A-suê-ru – với Hoàng hậu Ê-xơ-tê, cai trị 465-424 TC.).
Chức Quan Tửu-chánh đối với thế giới thời đó là một chức vụ cao cấp và quan trọng, vì được vua tin cậy giao cho trách nhiệm nếm thử rượu trước khi dâng cho vua uống. Kinh thánh cho chúng ta thấy các Quan Tửu- chánh nầy ảnh hưởng lớn đến các vị vua: Như Sáng. 40: - 41:; II Vua 18:17, Danh từ “Ráp-sa-kê” không phải tên người mà là chức vụ Quan Tửu chánh (Chief-Cupbearer).
  • Cảm ơn Chúa, dù là một vị quan lớn trong triều đình của một Đế quốc cai trị trên quốc gia của ông, ở xa quê hương Y-sơ-ra-ên, nhưng lòng của Nê-hê-mi rất quan tâm đến quê hương, đến những người còn ở quê hương, đến thành Giê-ru-sa-lem của Chúa.
  • 1:2-3, nhơn cơ hội gặp người từ quê hương xa xôi đến, Nê-hê-mi đã hỏi thăm. Nê-hê-mi đã hỏi thăm về những người ở quê nhà; hỏi thăm về thành thánh của Chúa.
Và Nê-hê-mi đã nghe tin những người ở quê nhà đang bị tai nạn và sỉ nhục lắm, thành thì bị hư cháy.
  • 1:4, khi nghe tin tình cảnh quê nhà, Nê-hê-mi đã khóc, cư tang, đã kiêng ăn và đã cầu nguyện – không phải cầu nguyện có lệ, không phải cầu nguyện bình thường, nhưng ông đã hằng ngày và đêm cầu nguyện (1:6)
  • 2:5, Nê-hê-mi đã sẵn sàng xin phép vua được trở về quê hương để lo cho những người ở quê hương nghèo khổ của ông.
  • Qua Kinh thánh, chúng ta thường thấy những giọt nước mắt, những lời cầu nguyện giống như của Nê-hê-mi dành cho quê hương, dành cho dân tộc của mình:
  • Xuất. 32:30-32, Môi-se đã cầu nguyện xin Chúa tha tội cho dân tộc của ông, sẵn sàng đổi cả mạng sống của ông.
  • E-xơ-ra 9:5, khi nghe biết tội lỗi trong dân sự, E-xơ-ra đã quì gối cư tang, xé áo, giơ tay cầu nguyện cho dân tộc của mình với những lời cầu nguyện thống thiết.
  • Giê-rê-mi 9:1; Ca-thương 3:48-51, người ta gọi Giê-rê-mi là tiên tri than khóc, không phải ông ủy mị, than thở, nhưng ông khóc lóc cầu nguyện xin Chúa tha tội cho dân tộc ông.
  • Đa-ni-ên 9:18-19, tiên tri Đa-ni-ên đã cầu nguyện xưng tội cho dân tộc của ông và nài xin Chúa tha tội, giảm án cho dân tộc của ông.
  • A-mốt 7:2, 5, khi tiên tri A-mốt thấy cơn đoán phạt Chúa đổ xuống trên dân tộc ông, dù ông đã giảng nhiều bài công kích tội lỗi của họ, chính ông cũng giận họ, ông cũng đã xin Chúa tha tội cho dân tộc của ông.
  • Rôma 10:1, Phao-lô đã cầu nguyện cho dân Y-sơ-ra-ên của ông, một dân tộc bắt bớ Chúa của ông, ngăn cản Đạo của Chúa và làm khổ chính ông.
  • Luca 19:41-44, chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta, Ngài đã khóc và cầu nguyện cho dân tộc mà Ngài đã mượn quốc tịch để được sanh ra, dù họ đã tìm đủ cách để chối bỏ Ngài, đang chuẩn bị giết Ngài.
  • Nói theo ngôn ngữ Kinh thánh thì dân Y-sơ-ra-ên là dân cứng lòng (Hê. 3:7-19), Đức Chúa Trời là Đấng đầy lòng nhịn nhục, nhưng Ngài cũng phải đoán phạt họ, và phạt rất mạnh. Dù vậy trước những lời cầu nguyện, cầu thay của các thánh đồ xin tha tội của dân tộc mình, Chúa đã sẵn lòng tha thứ – không phải một lần mà nhiều lần tha thứ.
  • Tôi nghĩ rằng dân tộc Việt-nam của chúng ta không đến nổi cứng lòng như dân Y-sơ-ra-ên, thế thì tại sao dân tộc Việt-nam vẫn còn quá nhiều người chưa được cứu ? (Tỉ lệ chỉ có 1triệu / 80 triệu – nếu chúng ta nói 1/80 thì quá ít, nhưng phải hiểu tỉ lệ ở đây là tính số hàng triệu) Có phải tại Đức Chúa Trời thiếu những người có lòng yêu mến dân tộc nầy như Nê-hê-mi – dù họ nói mình yêu mến Chúa như Nê-hê-mi – mà cầu thay cho họ.
  • Ê-sai 59:15-16, Đức Giê-hô-va … thấy không có người, chẳng ai cầu thay, thì lấy làm lạ lùng… Đây có phải là tiếng than của Chúa đối với những Nê-hê-mi Việt-nam chúng ta ngày nay không ?

II/. NÊ-HÊ-MI – NGƯỜI VƯỢT KHÓ:
  • Nê. 2:9 – 6:19
  • Đọc qua các đoạn Kinh thánh nầy, anh chị em sẽ thấy Nê-hê-mi dù đang nắm trong tay chiếu lịnh của vua, dù là một quan lớn trong triều đình, nhưng ông đã phải đối đầu với biết bao khó khăn trong công việc xây dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem.
  • Có hai loại khó khăn mà Nê-hê-mi phải đối đầu:
1/. Khó khăn từ bên ngoài:
  • 2:10, ngay vừa lúc về đến quê hương chưa làm gì cả, thì khó khăn đã đến từ những người có tên là San-ba-lát, Tô-bi-gia.
  • Họ là những người Sa-ma-ri, tức là dân Y-sơ-ra-ên lai, do sự pha trộn chủng tộc theo chánh sách của đế quốc A-si-ri
  • Họ giữ những chức vụ nhỏ ở địa phương.
  • Họ là những người không muốn dân Y-sơ-ra-ên được hưng vượng, vì vậy Nê-hê-mi đương nhiên trở thành thù nghịch của họ.
  • Những kẻ thù nghịch nầy đã làm gì để gây khó khăn cho Nê-hê-mi ?
  • 2:19, họ vu cáo Nê-hê-mi âm mưu phản nghịch.
  • 4:1-3, họ chế nhạo, khinh dễ công việc mà Nê-hê-mi làm với những lời gây tác động làm nản lòng những người đồng công với Nê-hê-mi: những người Giu-đa yếu nhược… trong một ngày chúng nó há sẽ làm xong sao ? Đá đã cháy thiêu rồi … làm thành đá lại được sao ? … Nếu có một con chồn leo lên đó, tất sẽ đánh nó sập xuống liền.
Rõ ràng đây là một đòn tâm lý, thực tế.
  • 4:7-8, sau khi vu cáo, chế nhạo, khinh dễ, không thành công, những kẻ thù của Nê-hê-mi chuyển sanh dùng sức mạnh tấn công phá công việc xây vách thành Giê-ru-sa-lem của Nê-hê-mi.
  • Khi kế hoạch của họ không thành, họ lập mưu để làm hại Nê-hê-mi:
6:2, dụ Nê-hê-mi đến điểm hẹn để hại Nê-hê-mi
6:13, tìm cách làm mất uy tín của Nê-hê-mi
6:14, kể cả việc dùng một nữ tiên tri giả khủng bố tinh thần Nê-hê-mi
  • Cảm ơn Chúa, trong những lúc nguy biến như vậy, đầy khó khăn như vậy trước sự tấn công của kẻ thù từ bên ngoài, Nê-hê-mi thật bình tỉnh và đầy sự tin cậy nơi Chúa. Nê-hê-mi đã làm gì ?
  • 4:4-5, điều đầu tiên là Nê-hê-mi đã cầu nguyện xin Chúa nghe những lời khinh dễ của kẻ thù nghịch. Nê-hê-mi đã bắt chước vua Ê-xê-chia, biết đem những lời kiêu căng ngạo mạn của kẻ thù giao lại cho Chúa xét xử. Ông cầu nguyện: Hỡi Đức Chúa Trời của chúng tôi ! Hãy nghe; vì chúng tôi bị khinh dễ … chúng nó có chọc Chúa giận.
  • 4:6, Nê-hê-mi cứ yên lặng làm việc xây dựng thành thánh. Có những lúc chúng ta phải học bài học im lặng, để Chúa làm như tác giả Thi thiên 46:10 đã dạy: Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ tôn cao trên đất.
  • 4:9, Nê-hê-mi cũng vừa cầu nguyện vừa nhờ ơn Chúa lập kế hoạch canh giữ ngày đêm:
4:12, nhờ những người Giu-đa vốn đã ở giữa những thù nghịch làm tình báo
4:13, lập đồn canh.
4:14, đôn đốc nhân sự.
  • Cảm ơn Chúa, nhờ sự cầu nguyện và ơn Chúa làm việc có kế hoạch hẳn hoi, Nê-hê-mi đã vượt qua khó khăn từ bên ngoài nầy.
2/.  Khó khăn từ bên trong:
  • Anh chị em thấy để xây dựng công việc Chúa, để đem sự bình an cho dân tộc mình, Nê-hê-mi chẳng những phải đối diện với thù bên ngoài, mà còn phải đối phó với giặc bên trong.
  • Giặc bên trong hay những khó khăn từ bên trong mà Nê-hê-mi gặp phải là gì ? Kinh thánh cho chúng ta biết rằng, người nầy kẻ khác thay nhau đến để khiếu nại, kêu nài với Nê-hê-mi về tình trạng của họ:
  • 4:10, lòng những người đồng công chán nản: việc thì nhiều, mà sức thì ít. Không thể làm nổi.
  • 5:1-5, Nê-hê-mi gặp phải một vấn đề đặc biệt nữa: Tình trạng nghèo đói, đồng thời một số người có tước vị lợi dụng tiền bạc và chức vụ để bóc lột người nghèo.
  • Trước tình hình đó, Nê-hê-mi làm gì ?
  • 4:14, ngoài những lời cầu nguyện, Nê-hê-mi đã đôn đốc mọi người bằng nhắc nhở mọi người về quyền năng của Chúa: khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kính; đồng thời Nê-hê-mi cũng động viên họ bằng tình cảm gia đình của họ: hãy chiến đấu cho anh em mình, cho con trai con gái mình, cho vợ và nhà của mình.
Anh chị em hãy thử một ngày nào đó trong lúc nản lòng công việc Chúa, đứng dậy đọc lại những lời động viên nầy thử xem, sẽ thấy tác dụng mạnh của nó.
  • 4:23, động viên bằng lời nói chưa đủ, chính Nê-hê-mi đã xung phong vào công việc y như mọi người: Nào TÔI, nào …,  nào…, nào …
  • 5:10-11, Nê-hê-mi buộc những người tham lam đó, không biết thương người đó trả lại tài sản mà họ đã bóc lột và không được lấy lãi.
  • 5:14-19, Nê-hê-mi sống tiết kiệm, không đòi hỏi để không làm gánh nặng chu cấp cho dân sự. Điều đòi hỏi duy nhất mà Nê-hê-mi làm là ông xin Chúa làm ơn cho ông về những việc ông đã làm cho dân tộc ông.
  • Nói đến đây, tôi không biết có điều gì len lỏi vào tấm lòng anh chị em không ?
  • Có cầu nguyện cho dân tộc mình không ?
  • có những lời nào để khích lệ, để kêu gọi những bà con thân tộc, ăn năn về với Chúa không ?
  • có lúc nào sẵn sàng góp phần đem Tin Lành cho dân tộc mình không ?
  • có cương quyết chống lại lối sống ích kỷ, xa hoa, sẵn sàng tiết kiệm một phần để làm những phương tiện đem Tin Lành đến cho dân tộc mình không ?
  • Cảm ơn Chúa, bằng sự cầu nguyện, bằng những lời động viên, bằng chính đời sống của cá nhân mình sẵn sàng làm việc, bằng sự cương quyết trước những tệ nạn, bằng lối sống tiết kiệm, không đòi hỏi để không làm gánh nặng cho dân sự, Nê-hê-mi đã vượt qua những khó khăn bên ngoài lẫn bên trong, đem lại sự an vui cho dân tộc của ông.

III/. NÊ-HÊ-MI – NGƯỜI ĐEM TIN VUI
  • Nê. 7: -13:
  • Có một điểm đặc biệt trong các đoạn cuối của sách Nê-hê-mi được nhắc đến nhiều lần là những từ ngữ gợi lên niềm vui, ấy là những từ: ca hát, vui vẻ, vui mừng
1/. Về từ ngữ: CA HÁT:
  • Nói đầy đủ là KẺ CA HÁT.
  • Một điều rất đáng chú ý là Nê-hê-mi luôn ghép những người ca hát vào những đoàn người cùng làm việc với ông
  • 7:1, … lập những người giữ cửa, KẺ CA HÁT, …
  • 7:44, Người ca hát.
  • 7:67, … cũng có hai trăm bốn mươi lăm KẺ CA HÁT.
  • 7:73, … người Lê-vi, người giữ cửa, KẺ CA HÁT.
  • và còn rất nhiều lần trong các đoạn sau.
  • Kinh thánh không nói cho chúng ta biết Nê-hê-mi có thích, hay có phải là một người giỏi về âm nhạc không, nhưng rõ ràng cách dùng từ như vậy, chứng tỏ Nê-hê-mi là người biết hiệu năng của âm nhạc đối với công việc. Nghĩa là Nê-hê-biết sử dụng âm nhạc như một cách tạo thêm sức mạnh vui vẻ cho những người làm việc.
2/. Về từ ngữ VUI MỪNG:
  • Từ ngữ thứ hai được nhắc đến nhiều lần là từ ngữ VUI MỪNG. Ngay trong 12:43, có bốn lần vui mừng:
  • chúng dâng những của lễ trọng thể và VUI VẺ.
  • vì Đức Chúa Trời khiến cho chúng VUI MỪNG KHẤP KHỞI
  • các người đờn bà và con trẻ cũng VUI MỪNG nữa.
  • sự VUI MỪNG của thành Giê-ru-sa-lem vang ra rất xa.
  • Anh chị em có thể thấy dường như bí quyết thành công của Nê-hê-mi khi làm việc đã được Nê-hê-mi nêu ra trong 8:10b, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi.
  • Do đó, lúc nào Nê-hê-mi cũng khuyến khích, cũng tìm cách tạo sự vui vẻ cho mọi người đang khi làm việc.
  • Anh chị em phải nhớ một điều quan trọng là Nê-hê-mi đã khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người vui vẻ, vui mừng trong hoàn cảnh đang đối đầu với bao nhiêu đau buồn, khó khăn, đối đầu với bao thù nghịch, và cuối cùng ông đã làm xong công việc Chúa giao để được vui mừng gặp Chúa.


Đề mục: XÂY SỬA LẠI
Kinh Thánh: Nêhêmi 2:17-18

I/. ĐIỀU CẦN XÂY SỬA LẠI:
  • Nêhêmi 2:17
  1. Cần xây sửa lại thành Giê-ru-sa-lem:
  • 2:17a
  • Qua Kinh Thánh, sách II Sử ký 36:19, chúng ta biết thành Giê-ru-sa-lem đã bị vua Ba-by-lôn phá hủy năm 586 TC.
  • Bây giờ sau 70 năm, cảnh trạng thành Giê-ru-sa-lem hoang tàn:
    • 1:3, Nêhêmi đã bày tỏ lòng yêu thương thành thánh và ông đã cầu nguyện.
    • 2:17, Nêhêmi kêu gọi dân sự của Chúa: Hãy đến, xây cất lại …
  • Cảm ơn Chúa, tất cả dân sự đã hưởng ứng, dù họ gặp biết bao trở ngại:
    • 2;19, dân Chúa bị kẻ thù nghịch nhạo báng, vu cáo,
    • 4:1-3, nhất là họ chỉ là những phu tù còn sót lại và là những người nghèo hơn hết (II Vua 25:12)
    • 4:10, đồ hư nát (rác) thì còn nhiều, mà sức thì yếu.
  • Nhưng nếu thành Giê-ru-sa-lem không xây được vách thành thì giống như căn nhà không có nóc, không có vách, sự an ninh của dân trong thành sẽ không được bảo toàn.
  • 2:17, đứng trước nhu cần đó, Nê-hê-mi đã kêu gọi dân Chúa nhận diện tình cảnh của chính mình: dân thánh thì khổ nạn, thành thánh Giê-ru-sa-lem thì bị phá hoang, thiêu đốt,
  1. Dân sự: 2:17b
  • Đồng thời, Nê-hê-mi cũng trình bày cho dân Chúa biết họ đang bị sỉ nhục.
  • Rõ ràng chẳng phải việc xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem chỉ là vấn đề ‘Một Cái Thành’ vật chất, mà còn nhu cần về đời sống của Một Con Người nữa.
  • Nê-hê-mi nhìn biết công việc xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem của ông không thể ngừng ở bề ngoài, không ngừng ở vách thành thánh, nhưng từ đoạn 7 đến đoạn 13, chúng ta còn thấy Nê-hê-mi xây sửa lại đời sống của dân thánh của Chúa nữa.
    • 8:8, dân Chúa đã được học Lời Chúa
    • 9:, dân Chúa đã có thì giờ để cầu nguyện
    • Đoạn 10 đến đoạn 13, dân Chúa được lập giao ước với Chúa. Họ biết sắp đặt lại sự thờ phượng, trừ bỏ tội lỗi, biết dâng hiến cho Chúa, biết không kết sui với người ngoại bang
  • Lời Chúa muốn dạy chúng ta điều gì?
  • Lời Chúa muốn dạy chúng ta rằng: Hội Thánh có Nhà thờ, có nơi nhóm lại chưa đủ, Chúa muốn những người tin Chúa phải xây sửa đời sống theo Lời Chúa dạy nữa
  • II Sử ký 7:19-22, là lời Chúa cảnh cáo chúng ta, Chúa phán với vua Salômôn sau khi ông khánh thành Đền thờ đẹp đẽ, nguy nga rằng: nếu vua và dân Chúa không đi theo đường lối của Chúa, nghĩa là không sống đẹp lòng Chúa, thì cái Đền thờ dù có nguy nga đẹp đẽ đến đâu, Chúa cũng từ bỏ.

II/. CƠ HỘI XÂY SỬA LẠI:
  • 2:18a
  1. Phương diện của Đức Chúa Trời:
  • Nê-hê-mi xác nhận: Tay nhơn từ của Đức Chúa Trời tôi đã giúp đỡ tôi.
  • Nê-hê-mi đã thấy được cơ hội xây sửa lại là
    • Đức Chúa Trời vẫn còn yêu thương dân Chúa (nhơn từ)
    • Đức Chúa Trời vẫn còn giúp đỡ dân Chúa.
  • Đây là bài học cơ hội mà chúng ta phải nắm bắt lấy.
  • Rôma 8:31, Phaolô xác nhận Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ thànhc ông.
  • Người chưa tin Chúa còn biết nói: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, huống chi chúng ta là người của Chúa.
  • Thi thiên 127:1-2 cũng xác nhận phải thấy rõ Đức Chúa Trời có đẹp lòng, có vùa giúp chúng ta không?
  • Thật sự tôi thấy Đức Chúa Trời đang mở một cánh cửa thật lớn cho Hội Thánh Việt-nam từ bên ngoài lẫn bên trong, để Hội Thánh Việt-nam xây sửa lại Nhà Chúa, xây sửa lại đời sống người tin Chúa.
  • Tuy nhiên, có những Hội Thánh bắt kịp cơ hội Chúa vùa giúp, nên Chúa đã ban phước khiến Hội Thánh phát triển. Nhưng cũng đau buồn vì cũng còn nhiều Hội Thánh vẫn còn ngủ mê.
  • Xin Chúa cho tất cả Hội Thánh bắt kịp cơ hội qua lời kêu gọi của Nê-hê-mi.
  1. Phương diện con người:
  • Nê-hê-mi cũng xác nhận cơ hội xây sửa lại cũng đã đến từ con người, ông nói: và các lời vua đã nói cùng tôi.
  • Anh chị em biết rằng để xin được một ân huệ từ một Hoàng đế của một đế quốc hùng mạnh như vua Ạt-ta-xét-xe của đế quốc Ba-tư lúc bấy giờ, là một chuyện không tưởng. Ngay cả Hoàng hậu Ê-xơ-tê muốn gặp vua cũng phải có lịnh mới được gặp. Cảm ơn Chúa cho giữa lúc đầy những khó khăn đó, Nê-hêmi và dân Chúa lại có được lịnh của vua cho phép tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem.
  • Qua 30 năm, tình hình Hội Thánh chung tại Việt-nam tương đối dễ dàng hơn, Hội Thánh được phép hoạt động rộng rãi hơn, tài chánh cũng không bị hạn chế như bao nhiêu năm trước đây. Đó không phải là cơ hội để chúng ta xây sửa lại công việc Chúa sao?
  • II Timôthê 4:1-4, Sứ đồ Phaolô kêu gọi chúng ta hãy giảng đạo cố khuyên, dù không gặp thời, huống chi chúng ta đang gặp thời, đang có cơ hội.
  • Cơ hội là người khách khó tánh, đi rồi không trở lại. Nói như Mạc-đô-chê nói với Hoàng hậu Ê-xơ-tê trong Ê-xơ-tê 4:14, Nào ai biết rằng vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị Hoàng hậu sao?
  • Xin Chúa mở mắt chúng ta để nhận ra cơ hội từ Chúa và từ con người, hầu cho kịp thời kịp lúc, kịp giờ Chúa cho.

III/. THÁI ĐỘ XÂY SỬA LẠI - Nêhêmi 2:18b
  1. Hiệp một:
  • Chúng nói: “Hè… ta hãy …
  • Tiếng Việt-nam chúng ta rất hay ở cách dùng nhân xưng đại danh từ TA nầy.
    • Chữ TA có nghĩa là chính mình, một người tự xưng với vị thế cao hơn đối tượng đang nói với.
    • Nhưng chữ TA cũng được dùng chỉ về nhiều người cùng nói với nhau
  • Trong trường hợp nầy, chữ TA là nhiều người, vì chữ TA đang thay cho chủ từ CHÚNG (chúng nói) – rất đông người đang cùng nhau nói.
  • Chúng ta lại có chữ ‘HÈ’ là một ‘thán từ’ giống như chữ ‘Dô ta’, để hô hào chung nhau làm một việc gì, muốn mọi người cùng hiệp một làm.
  • Công tác Xây Sửa Lại Nhà Chúa, công việc Chúa không thể một vài người làm, và không có công việc gì mà một người làm kết quả tốt. Người Việt-nam chúng ta có kinh nghiệm khi học câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non,
        Ba cây dụm lại nên hòn núi cao.
     Cũng như khẩu hiệu: Đoàn kết là sức mạnh!
  • ‘Hiệp một’ là sức mạnh mà Chúa muốn Hội Thánh phải có. Chúa phán trong Mathiơ 18:19, “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, NẾU HAI NGƯỜI TRONG CÁC NGƯƠI THUẬN NHAU Ở DƯỚI ĐẤT mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ”.
  • Bằng cớ hiệu nghiệm Lời Chúa phán được chứng minh qua lịch sử Hội Thánh Đầu Tiên trong sách Công vụ các Sứ đồ.
  • Tôi không sợ anh chị em không xây được Nhà Chúa, không sửa được công việc Chúa, nhưng tôi sợ anh chị em không hiệp một, không nói được như dân sự đời Nê-hê-mi: Hè, TA (chúng ta) hãy …
  1. Chỗi dậy:
  • Từ ngữ ‘chỗi dậy’ nói lên thái độ ‘tức thì’, ‘mạnh dạn’, ‘làm ngay’.
  • Luca 4:39, bà gia Phierơ sau khi được Chúa Jêsus Christ chữa lành bịnh, tức thì ‘chờ dậy’ hay ‘chỗi dậy’ hầu việc Chúa, phục vụ Chúa.
  • Luca 15:18, 20, người con trai hoang đàng nầy sau khi suy nghĩ: Ta sẽ đứng dậy trở về, và anh ấy Bèn đứng dậy – chỗi dậy.
  • Dân Chúa thời Nê-hê-mi, mặc dù họ đang nghèo thiếu, mặc dù họ mới vừa hồi hương sau 70 năm lưu đày [không phải Việt kiều hồi hương], có biết bao bận rộn, biết bao nhiêu việc cần làm cho chính họ, cho gia đình họ, để ổn định cuộc sống, nhưng khi nghe Nê-hê-mi trình bày nhu cần xây sửa lại, nghe Nê-hê-mi trình bày thời cơ mà Chúa đang ban cho, dịp tiện cơ hội mà chánh quyền thời đó cho phép, cảm ơn Chúa, dân Chúa đã hiệp nhau lại CHỖI DẬY xây sửa lại Nhà Chúa, công việc Chúa.
  • Anh chị em đã thấy, đã nghe công việc, tình cảnh Hội Thánh, nhu cần cứu rỗi của bao nhiêu người chưa được cứu. Tôi xin Chúa cho anh chị em hiệp một nhau chỗi dậy – chỗi dậy ngay, chỗi dậy tức thì để xây sửa lại công việc Chúa. Chúng ta chậm trễ quá lâu rồi.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.