Ô-sê

I/. TÁC GIẢ:

1. Ý nghĩa Tên:
Trong tiếng Hi-bá-lai, Ô-sê là Hoshèa (Hô-sê)
Đây là tên thường được đặt, nghĩa là Giúp đỡ. Danh từ có nghĩa là sự cứu rỗi.
Theo Dân số ký 13:8, 16, đây cũng là tên của Giô-suê trước khi được Môi-se đổi thành Giô-suê.


2. Gia phổ:
1:1, Ô-ê là con trai của Bê-ê-ri. Kinh Thánh không cho chúng ta biết gì về Bê-ê-ri.
1:2-9, có một người vợ tên là Gô-me con gái của Đíp-la-im (c. 3b, 6, 8), là một người nữ gian dâm, ngoại tình.
Ô-sê có 2 con trai và 1 con gái:
  • Gít-rê-ên: Đức Chúa Trời gieo, rải ra, đoán phạt
  • Lô Ru-ha-ma: không được yêu thương.
  • Lô Am-mi: Không phải dân ta, bị loại ra.
Trường hợp gia đình của Ô-sê là một trường hợp đặc biệt nhất trong các Tiên tri. Luật của Môi-se cấm thầy tế lễ kết hôn với kỵ nữ hay kẻ dâm ô (Lê-vi ký 21:7). Đối với Ô-sê là một tiên tri thì dường như không bị bắt buộc (?), dù vậy, ông cũng là người được Chúa xức dầu thánh, nên sự kết hôn nầy có thể giải thích theo vài ý:
  1. 1:2-3, đây là mạng lịnh của Chúa, và là một sự kiện, không phải là nói bóng.
  2. 1:3, lúc Ô-sê đi cưới Gô-me thì nàng là người tốt, dù Chúa có tiên cáo người nữ đó sẽ là người gian dâm, ngoại tình
Điều quan trọng là Tiên tri Ô-sê đã tuyệt đối vâng lời Chúa chấp nhận một gia đình khó khăn.
Tên của những đứa con cho thấy sinh hoạt của gia đình Ô-sê là gia đình đầy sóng gió
  1. Gít-rê-ên: rải ra, đoán phạt:
Đây là đứa con đầu lòng, đáng lẽ là đứa con phải được yêu thương, nhưng tên của đứa con nầy đã nói lên sóng gió trong gia đình Ô-sê rồi.
Hai đứa con còn lại
  1. Lô Ru-ha-ma: Không yêu thương hay đứa con gái không bao giờ biết được yêu thương của cha.
  2. Lô Am-mi: không phải dân ta hay không thuộc về ta.
Chứng tỏ 2 đứa con nầy không phải là con của Ô-sê, mà là kết quả của Gô-me ngoại tình, gian dâm.

II/. BỐI CẢNH:


1. Lịch sử:
1:1, giới thiệu bối cảnh lịch sử thời Ô-sê sống và thi hành chức vụ.
  • Đời vua Ô-xia (II Sử 26: - 787-735 TC.)
Đây là một vua tốt, đem lại sự hùng mạnh cho dân Giu-đa.
Căn cứ vào sách Ô-sê và Ê-sai, có lẽ Ô-sê đã sống vào những năm cuối đời của vua Ô-xia, khi vua đã phạm tội tiếm vị chức tế lễ, sau đó đưa đất nước vào thời kỳ suy sụp.
  • Vua Giô-tham (II Sử 26:21 – 27:9 – 749-734 TC.)
Dù vua còn giữ đời sống tốt, nhưng đất nước đã suy sụp (27:2), dân Giu-đa đã sống buông tuồng.
  • Vua A-cha (II Sử 28: - 741-726 TC.)
Đây là vua ác.
  • Vua Ê-xê-chia: (II Sử 29: - 32: - 726-697 TC.)
Đây là một vua tốt. Có lẽ Ô-sê sống được vài năm đầu triều vua Ê-xê-chia.
Đó là những vua Giu-đa phía nam. Nhưng Ô-sê là tiên tri cho nước Y-sơ-ra-ên phía bắc, nên ông đã ghi lại đời vua Giê-rô-bô-am II.
So sánh với các vua phía nam, Ô-sê cũng đã trải qua 6 đời vua phía bắc (II Vua 14:23 – 17:). Ô-sê thi hành chức vụ qua:

 
VUANĂM CAI TRỊTÌNH TRẠNG
Xa-cha-ri748 TC.
Cai trị 6 tháng
Bị Sa-lum giết
Sa-lum748 TC
Cai trị 1 tháng
Bị Ma-na-hem giết
Ma-na-hem748-738 TC. 
Phê-ca-hia728-736 TCBị Phê-ca giết
Phê-ca736-730Bị Ô-sê (vua) giết
Ô-sê730-721 TC.Nước Y-sơ-ra-ên bị A-si-ri tiêu diệt
Trong 20 năm, Y-sơ-ra-ên thay đổi 6 vua với 4 vua bị ám sát. Ô-sê chỉ nêu tên Giê-rê-bô-am, cho thấy Ô-sê không quan tâm hay không công nhận các vua đó. Thời điểm lịch sử nầy Ô-sê sống đồng thời với A-mốt (phía bắc), và Ê-sai, Mi-chê (phía nam).

2. Xã hội:
Xã hội mà Ô-sê sống và thi hành chức vụ được đề cập rất nhiều trong sách:
  • 4:1-2, những điều không có và có trong Y-sơ-ra-ên:
    • Không có lẽ thật, không có nhân từ, không có sự nhìn biết Chúa.
    • Chỉ có thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm, không có sự nhìn biết Chúa.
  • 6:8, đầy máu và giết nhau.
  • 6:9; 7:1, đầy dẫy trộm cướp, ngay trong nơi thờ phượng.
  • 4:11; 7:4, tà dâm, say sưa
  • 10:4, gian dối
  • 4:12-13; 8:5; 10:1, 5, thờ hình tượng.
Đó là thời kỳ hung ác, bại hoại của Y-sơ-ra-ên, khiến tiên tri Ô-sê phải lên tiếng trong chức vụ.


III/. BỐ CỤC:
Đề tài: YÊU THƯƠNG
Câu gốc: 3:1 (hoặc 11:8)
Có 2 cách chia Bố cục sách Ô-sê:

CÁCH I:
  1. Biểu Hiện của Yêu thương: 4: 8: (qua gia đình của Ô-sê): 1: - 3:
  2. Đối tượng được Yêu thương: 4: 8: (Một dân thánh mà đầy dẫy tội lỗi):
  3. Đấng Yêu thương: 9: - 14: (Một Đức Chúa Trời với tất cả cảm xúc và tha thứ)
CÁCH II:
  1. Y-sơ-ra-ên được Yêu thương: 1: - 3:
  2. Y-sơ-ra-ên phạm tội: 4: - 7: (Kể ra những tội lỗi nặng nề của Y-sơ-ra-ên xúc phạm Đức Chúa Trời thánh khiết (4: - 5:), hành động giả dối (6:), tình trạng không thể chữa lành (7:)
  3. Y-sơ-ra-ên bị phạt: 8: - 10:  (Lời báo động đoán phạt và nhấn mạnh cơn giận của Chúa sẽ đến, vì Đức Chúa Trời là Quan Tòa)
  4. Y-sơ-ra-ên được khôi phục: 11: - 14: (Lòng Đức Chúa Trời yêu thương luôn mong đợi Y-sơ-ra-ên ăn năn (11:). Y-sơ-ra-ên phải chịu đau đớn (12:), nhưng cuối cùng tình yêu thương vẫn thắng, vì Đức Chúa Trời là Yêu thương)
IV/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Một Tiên tri yêu thương:
Trong các sách tiên tri thường là những sứ điệp quở trách tội lỗi, nhưng đặc biệt sách tiên tri Ô-sê cho thấy một tâm tình đầy yêu thương.
Tình yêu thương mà Ô-sê đặt làm nền cho sứ điệp là Tình yêu thương NÍN CHỊU MỌI SỰ, DUNG THỨ MỌI SỰ (I Côrintô 13:7)
Tình yêu thương nầy có trong Ô-sê đối với người vợ gian dâm ngoại tình (3:1) vì Đức Chúa Trời yêu thương ở trong ông (11:8)
Đọc sách ô-sê, chúng ta thấy một Đức Chúa Trời với một trái tim rung động, giống như hình ảnh Chúa Jêsus khóc cho thành Giê-ru-sa-lem (Luca 19:41-44 với tất cả yêu thương, đau xót. Đây là điểm ít thấy trong các sách tiên tri khác.
  1. Địa danh Y-sơ-ra-ên:
Trong sách, Ô-sê nói đến địa danh phía bắc với lịch sử và đặc tính của địa danh:
  • 5:1, Địa danh Mích-ba, Tha bô: là bẫy giăng lưới, nhắc chúng ta trở lại Quan. 11:10-11. Họ tái diễn sự kiện nhưng khác mục đích – phương diện chính trị.
  • 12:12, Ga-la-ti là thành, là xứ của chăn nuôi bò (Thi. 22:12) – phương diện kinh tế
  • 4:15; 9:15; 10:5, 8, Ghinh ganh, Bết-A-ven, là nơi thờ phượng của Y-sơ-ra-ên – phương diện Tôn giáo.
Như vậy tỏ ra Ô-sê rất am tường tình hình của Y-sơ-ra-ên.
  1. Sinh hoạt quần chúng:
  • 7:4-8, đề cập cách làm bánh:
    • Phải đốt lò trước (c. 4)
    • Nhồi bột với men (c. 4)
    • Phải canh lửa (c. 6)
    • Phải trở bánh (c. 8)
  • 10:11-13, đề cập đến cách làm ruộng.
    • Dùng bò để cày, đập vỡ đất cục (bừa, c. 11)
    • Gieo, gặt, mưa (c. 12)
  • 11:1-4, đề cập đến cách nuôi và dạy con:
    • Biết tính con trẻ càng gọi càng trốn tránh (c. 2)
    • Tập cho con biết đi (c. 3)
    • Tập cho con ăn (c. 4)
Qua việc biết rõ những nét sinh hoạt nầy cho thấy Tiên tri Ô-sê là người gần gũi với gia đình.
  1. Liên hệ với Tân Ước:
Sách Ô-sê đã được các trước giả Kinh Thánh Tân Ước trích dẫn lại
  • Mathiơ 2:15 = Ô-sê 11:1, lời tiên tri Chúa Jêsus lánh nạn tại Ai Cập trở về.
  • Mathiơ 9:13; 12:7  = Ô-sê 6:6, chính Chúa Jêsus đã trích dẫn câu nầy 2 lần để dạy người Pha-ri-si.
  • Rôma 9:25 = Ô-sê 1:10; 2:23
Chúng ta có thể kết luận về Tiên tri Ô-sê như sau:
Ô-sê thật là một vị Tiên tri mang chấtliệu đúng của một Tiên tri. Ông sống trong thời kỳ mà cả Nam (Giu-đa) và Bắc (Y-sơ-ra-ên), được phục hưng sau 200 năm dài suy bại, Ô-sê đã rao báo một sứ điệp về sự bất trung và án phạt của dân Chúa. Dù vậy, Ô-sê cũng thấy suốt cả tương lai đời đời như Phaolô nói: “Vậy tôi nói: Đức Chúa Trời có bỏ dân Ngài chăng? Chẳng hề như vậy!” (Rôma 11:1).
Ô-sê trở nên một người giảng Tin Lành đúng nghĩa: Quở trách nhưng với tình yêu thương để chỉ đường cho tội nhân được tha thứ. Có người gọi Ô-sê là tiên tri của: KHÔNG GIỜ! Trước thời điểm KHÔNG GIỜ, cuối một ngày, vào nửa đêm thì trời thật tối. Tuy nhiên khi bước vào sau KHÔNG GIỜ là bắt đầu một ngày mới, trời sẽ tươi sáng …

Đề mục: GIA ĐÌNH Ô-SÊ
Kinh Thánh: Ô-sê 1: - 3: (Đọc 3:1-5)
Câu gốc: Ô-sê 3:1
Mục đích: Khuyến khích con cái Chúa bảo vệ hạnh phúc gia đình, quan tâm con cái.

I/. VỢ CON CỦA Ô-SÊ:
  • Ô-sê 1:
  • Khi đọc 1:3, 6, 8, chúng ta thấy gia đình Ô-sê rất giống với nhiều gia đình người Việt nam chúng ta. Anh chị em biết giống chỗ nào không? Vâng, giống chỗ sanh con, đông con.
    • Có lẽ Ô-sê sanh năm một, nghĩa là mỗi năm sanh một con.
    • Dù sách Ô-sê chỉ cho chúng ta biết tên ba đứa con của Ô-sê, nhưng đọc 1:10, dường như Ô-sê không chỉ có ba đứa con, mà là đông con, vì được so sánh với số con cái Y-sơ-ra-ên sẽ giống như cát bờ biển, không thể lường, không thể đếm.
  • Tuy nhiên, điều mà chúng ta học được qua Lời Chúa trong đoạn 1 sách Ô-sê nầy là:
  1. Ô-sê lập gia đình là do ý muốn của Chúa, nói rõ hơn là Ô-sê cưới người vợ nầy là do Chúa chỉ định, và ông biết rõ Chúa muốn ông cưới.
Chúng ta thấy người chưa tin Chúa cũng tin rằng nhân duyên do trời định, dù sau đó có những gia đình hạnh phúc, cũng có những gia đình không hạnh phúc. Điều quan trọng là Ô-sê biết rõ việc lập gia đình của ông là từ ý của Chúa.
  1. Việc thứ hai mà Cơ-Đốc nhân chúng ta học được là việc Ô-sê đặt tên cho các con của ông đều có ý nghĩa như một sứ điệp của Chúa ban cho dân Chúa:
    • Câu 4, đứa con thứ nhất được Ô-sê đặt tên là: Gít-rê-ên, có nghĩa là Đức Chúa Trời gieo, rải ra. Qua tên Gít-rê-ên của đứa con nầy, Ô-sê muốn nói với dân Chúa là Chúa sẽ phạt dân Y-sơ-ra-ên, làm cho họ tan tác như những hạt giống bị rải ra.
    • Câu 6, đứa con thứ nhì tên Lô-ru-ha-ma, có nghĩa không thương xót. Qua tên của đứa con nầy, Ô-sê gởi đến dân Chúa một sứ điệp là: Chúa không còn thương xót, không tha thứ dân của Ngài nữa, vì tội lỗi họ quá nặng, lòng cứng cỏi không ăn năn.
    • Câu 8-9, đứa con thứ ba nầy được đặt tên là LôAm-mi, nghĩa là không phải dân ta, hay là bị loại ra. Ý nghĩa của tên nầy là Chúa muốn ban một sứ điệp là Ngài sẽ từ bỏ dân Chúa, vì tội ác quá lớn, quá nặng của họ.
  • Tập quán của người Việt nam chúng ta khi đặt tên con thường bị ảnh hưởng nhiều điều:
  1. Sợ trùng tên với những người lớn trong gia đình, họ tộc, có khi cả hai ba đời cách xa, vẫn còn sợ bị trùng và sợ bị giận.
  2. Sợ đặt tên đẹp cho con sẽ bị ông bà quở trách, rồi đứa trẻ bị bịnh nuôi khó, thế là gọi con mình bằng những cái tên xấu xí, vô nghĩa. Ngay sau khi lớn khôn, cái tên xấu xí đó nhiều khi làm cho con mình thật khó ăn khó nói với người khác.
  3. Hoặc đôi khi lại lựa những cái tên theo sở thích của mình, hoặc theo một người nào mình ưa thích – nhất là những người ghiền cải lương  ca nhạc, lấy tên những nghệ sĩ nổi tiếng để gọi tên con.
  • Đối với chúng ta là Cơ-Đốc nhân, nhờ ơn Chúa đặt tên cho con làm sao để mai sau khi con lớn lên, tên đó nhắc nhở về ơn Chúa cho nó. Cũng đừng rườm rà kiêu ngạo. Có một người đặt tên con là: Trần văn Cơ-Đốc Thiên Nhân, mấy tháng sau, Chúa đem đứa bé đi vì đó là một cái tên phạm thượng lấy cả Danh của Chúa.

II/. SINH HOẠT GIA ĐÌNH CỦA Ô-SÊ:
  • Ô-sê 2:
  • 2:2 đã nói cho chúng ta những rắc rối trong gia đình của Ô-sê. Rắc rối đó là vợ của Ô-sê đã ngoại tình, bà thích đua đòi theo vật chất (2:5b).
  • Đến đây chúng ta mới biết tại sao Chúa cho phép Ô-sê cưới một người vợ tánh xấu như vậy. Ấy là vì Chúa muốn dùng gia đình của Ô-sê để truyền cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Chúa về thái độ của họ đối với Chúa.
  • 2:8-13, rõ ràng Chúa nói đến lòng của con người đối với, chính Chúa là Đấng Tạo Hóa ban mọi nhu cần cho loài người từ nhu cần thuộc thể (lúa gạo) đến những nhu cần tinh thần (rượu và dầu – chỉ về sự vui vẻ tinh thần), tiền bạc… Vậy mà con người lại đem những vật Chúa cho mà thờ lạy hình tượng như tà thần Ba-anh.
  • 2:13, Chúa phán: Ta sẽ thăm phạt nó, vì những ngày mà nó dâng hương cho các tượng Ba-anh… còn ta thì nó quên đi! Đức Giê-hô-va phán vậy.
  • Trong Tân Ước thư Rôma 1:19-23, Thánh Phaolô cũng đã nói đến thái độ giống như vậy của loài người chúng ta đối với Đấng Tạo Hóa, thay vì thờ phượng Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, loài người lại đi thờ lạy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu thú côn trùng.
  • Anh chị em hãy suy nghĩ về một gia đình nào đó, cha mẹ sanh con, nuôi con lớn khôn, lo mọi thứ cần thiết cho đời sống của đứa con. Thay vì biết công ơn cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ, đứa con đó lại nghe lời một người dưng nước lã nào đó, hoặc một người khôn khéo nào đó dụ dỗ nó, giống như những đứa con hư hỏng nghiện ngập xì-ke ma-túy mà người ta thường gọi là chà đồ nhôm (nói lái của hành động chôm đồ nhà lấy tiền hút chích xì-ke ma-túy). Trong trường hợp như vậy, anh chị em có buồn không? Dứt khoát là chúng ta buồn lắm.
  • Đức Chúa Trời cũng vậy. Khi Chúa thấy Ô-sê buồn giận người vợ ngoại tình của ông, buồn giận đó đến nỗi ông phải la lên với các con của ông trong 2:2, Hãy kiện mẹ các ngươi, hãy kiện đi! Và ngay lúc ấy, Chúa đã kể ra những điều dân Chúa đối với Chúa còn tệ bạc hơn. Chúa cũng muốn nói với Ô-sê rằng Chúa cũng buồn và còn buồn hơn ông nữa.
  • Tôi không biết giữa vòng anh chị em có gia đình nào đang gặp những nổi khổ, những rắc rối giữa vợ chồng, đang có những đứa con hư hỏng không biết công ơn cha mẹ, không biết tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Nếu có, trong tình yêu của Chúa, tôi xin Chúa an ủi anh chị em.
  • Nhưng tôi cũng xin anh chị em dành chút thì giờ bình tâm suy nghĩ như Ô-sê đã khám phá: Chúng ta là loài người còn biết buồn, biết giận, biết tức vì hoàn cảnh gia đình chồng vợ như vậy, con cái đối với mình như vậy, thì thái độ của chính chúng ta đối với Đức Chúa Trời Tạo Hóa thế nào:
    • Chúng ta ăn của Trời cho, uống của Trời cho, nhưng chúng ta lại không thờ phượng Ngài, lại đi theo các thần khác không phải là Đấng dựng nên chúng ta.
    • 2:13, Chúa phán, còn ta thì nó quên đi!
  • Kinh Thánh ghi lại rất nhiều lần Chúa kêu gọi loài người chúng ta quay lại, quay về với Chúa:
  • Ê-sai 1:18, Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.
  • Ê-sai 44:22, Chúa phán: Ta đã xóa… Hãy trở lại cùng ta, vì ta đã chuộc ngươi.
  • Ê-sai 45:22, Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng, có Chúa nào khác.
  • Mathiơ, 11:28, Chúa Jêsus phán: Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
  • Mathiơ 23:37, Chúa Jêsus phán: … bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh…
  • Xin Chúa cho tất cả anh chị em nghe được tiếng Chúa gọi mau quay lại quay về với Chúa.

III/. BÍ QUYẾT BẢO VỆ GIA ĐÌNH:
  • Ô-sê 3:1-5
  • Đứng trước tình cảnh gia đình bi đát như thế, Chúa đã dạy cho Ô-sê bí quyết bảo vệ được hạnh phúc gia đình của ông. Bí quyết đó được ghi trong 3:1, Đức Giê-hô-va bảo ta rằng: Hãy đi, lại yêu một người đờn bà tà dâm đã có bạn yêu mình, theo như Đức Giê-hô-va vẫn yêu con cái Y-sơ-ra-ên, dầu chúng nó xây về các thần khác, và ưa bánh ngọt bằng trái nho.
  • Bí quyết đó là gì? Bí quyết đó là: lại yêu! nghĩa là cứ tiếp tục yêu thương.
  • Yêu thương ai? Yêu một người đờn bà tà dâm, chẳng những vậy mà người đờn bà đó đã có bạn yêu mình.
  • Yêu thương đến mức độ nào? Yêu thương như Đức Giê-hô-va yêu thương con cái Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên có gì đáng cho Chúa yêu thương không?
  • Rôma 10:21, Song về dân Y-sơ-ra-ên, thì rằng: Ta đã giơ tay ra cả ngày hướng về dân bội nghịch và hay nói trái. Dân Y-sơ-ra-ên là dân bội nghịch và hay nói trái lại điều Chúa dạy.
  • Hê-bơ-rơ 3:15-16, Chúa gọi dân Y-sơ-ra-ên là dân cứng lòng, dân nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn.
  • Ô-sê 3:1b, họ là dân thích xây về các thần khác, và ưa bánh ngọt bằng trái nho. Nói như Thánh Phaolô nói trong thư II Timôthê 4:2, 3, … họ không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục… bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.
Vậy mà Chúa vẫn yêu thương họ, cũng như Chúa vẫn yêu thương thế gian tội lỗi nầy, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài.
  • 3:2, tình yêu thương của Ô-sê phải trả giá, nên ông đã MUA đờn bà ấy
  • Cảm ơn Chúa, với tình yêu thương Chúa ban, Ô-sê đã vâng lời Chúa làm theo điều Chúa dạy, và gia đình ông đã được bảo vệ, hạnh phúc đã trở lại với ông. Ông có thể nói cho người khác về một Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài… (Giăng 3:16).
  • Đó là lý do Đạo Tin lành được gọi là “Đạo yêu thương”, và Đức Chúa Trời được Kinh Thánh làm chứng rằng: “Đức Chúa Trời là Sự Yêu thương”. Tôi tin rằng anh chị em cũng như tôi đều biết rõ và từng kinh nghiệm hạnh phúc gia đình chỉ có được và chỉ bảo vệ được bằng TÌNH YÊU THƯƠNG từ Đức Chúa Trời yêu thương thế gian.


Đề mục: THỜI KỲ Ô-SÊ SỐNG
Kinh Thánh: Ô-sê 4: - 8:
Câu gốc: Ô-sê 6:1
Mục đích: Giúp các con cái Chúa nhìn thấy cơ hội tội ác thêm nhiều là cơ hội giảng Tin Lành tốt nhất.

I/. GIA TĂNG TỘI LỖI:
  • 4: - 5:
1/. Nhận diện tội lỗi:
  • 4:1-4
  • Trong 2 câu đầu, Tiên tri đã cho chúng ta ngay những điều KHÔNG CÓ và những điều CÓ trong thời kỳ của Ô-sê sống:
  • Thời kỳ Ô-sê sống KHÔNG CÓ ĐIỀU GÌ?
  • 4:1b, thời kỳ Ô-sê sống KHÔNG CÓ:
    • không có lẽ thật, nghĩa là không có Lời Chúa là Kinh Thánh, nhưng cũng có nghĩa là không có sự thành thật.
    • không có nhơn từ, nghĩa là con người không yêu thương nhau.
    • không có nhìn biết Đức Chúa Trời.
  • 4:2, thời kỳ Ô-sê sống CÓ:
Thật sự theo tâm lý, khi nghe nói “Tôi có, hoặc họ có” chúng ta thường nghĩ đến ‘có những điều tốt, điều quý’. Nhưng thực tế thời kỳ của Ô-sê sống hoàn toàn trái ngược lại: “Ở đó chỉ thấy những sự thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm và tà dâm; … tàn bạo, máu chồng trên máu.
  • Nói chung lại, thời kỳ của Ô-sê sống, người ta không có Lời Chúa, nên đã không có yêu thương, lý do là vì con người không lo nhìn biết, tìm kiếm Đức Chúa Trời. Và đê bù lại phần thiếu vắng trong cuộc sống đó, con người đã lấp vào đó một Đời sống: thề gian, thẤt tín, giết người, ăn trộm …
  • Những tội lỗi nầy xảy ra ở đâu?
  • 4:1, có những chữ “đất nầy”, chỉ về xứ Y-sơ-ra-ên là xứ thánh, một Đất Hứa Chúa ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Anh chị em có thấy kỳ lạ không? Trong nơi thánh – nghĩa là nơi mang danh thuộc về Chúa, nhưng lại không có Chúa, không có Lời Chúa, không có yêu thương – dù Kinh Thánh xác định Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Trong khi đó lại có những điều mà Chúa cấm trong 10 điều răn của Ngài.
  • Ai đã không có và có những điều đó?
  • 4:1a, ngay đầu câu 1, Chúa đã chỉ ra người không có và có những điều đó là Y-sơ-ra-ên. Mà dân Y-sơ-ra-ên là ai?
  • 3:1, Chúa phán: Đức Giê-hô-va vẫn yêu con cái Y-sơ-ra-ên, - Y-sơ-ra-ên là một dân mà Chúa yêu thương, đã cứu chuộc họ. Thế mà họ lại là dân không có lời Chúa, không có bản tánh giống Chúa là yêu thương, và không lo tìm kiếm Chúa.
  • Nếu chúng ta đọc lại Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên vào thời kỳ Ô-sê sống, quả thật dân của Chúa đã sống không có Lời Chúa, không có Chúa, không có tình yêu thương của Chúa .
  • Rồi chúng ta đọc lại Lịch sử của Giáo hội trong thời kỳ từ 595 đến 1517, anh chị em sẽ thấy trong suốt 1,000 năm nầy, Giáo hội mang danh là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, Thân thể của Đấng Christ, Nhà của Đức Chúa Trời, nhưng Giáo hội đã không có Lời Chúa – vì Giáo hội đã đem Kinh Thánh nhốt vào các phòng cấm của Tu viện; Giáo hội thật có thể hiện bản tánh yêu thương của Đức Chúa Trời, luôn tìm cách giết người không theo ý của mình, sống giàu có đế vương trong lúc người dân đói khổ trong thuộc thể lẫn thuộc linh, không ai lo giảng Tin Lành cứu họ; Giáo hội đã không lo tìm kiếm Đức Chúa Trời nữa, vì họ đã dựng lên một Đức Chúa Trời trên đất cho mình.
  • Và Giáo hội đã phạm tất cả điều răn của Đức Chúa Trời!

2/. Số lượng tội lỗi:
  • 4:5-10.
  • Tôi không biết nhân loại đã biết làm thống kê từ lúc nào trong lịch sử nhân loại, nhưng qua phân đoạn nầy, chúng ta bắt gặp một thống kê – thống kê về tội lỗi.
    • câu 5, thói thường tội lỗi diễn ra ban đêm, nhưng kỳ lạ thay, thời kỳ Ô-sê sống, người ta phạm tội trong ban đêm cũng như giữa ban ngày – Ngươi sẽ vấp ngã giữa ban ngày… trong ban đêm
    • câu 7, đến đây chúng ta có một thống kê tội phạm học so với thống kê dân số. Chúa phán: Chúng nó sanh sản nhiều ra bao nhiêu, thì chúng nó lại phạm tội nghịch cùng ta bấy nhiêu. Nếu ngày nay lấy cách so Sánh nầy với các quốc gia như: Malaysia, Singapore, Mông cổ, thì không có nghĩa, vì đó là các quốc gia suit giảm dân số, đang khuyến khích sinh sản, nhưng anh chị em nhớ rằng, Chúa đang so sánh sự gia tăng dân số của Y-sơ-ra-ên – một dân có mức sinh sản được khuyến khích là: Đông như sao trên trời, như cát bãi biển, thì tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên thời kỳ Ô-sê sống nhiều biết bao nhiêu.
    • câu 8, đọc câu 8 nầy, chúng ta thấy tội lỗi đã trở thành một thứ lương thực, một ưa thích – nếu không muốn nói là một nhu cần không thể thiếu của con người thời kỳ Ô-sê sống.
Chúa phán: chúng nó ĂN… Ăn cái gì? Chúng nó Ăn Tội Lỗi. Một bản dịch khác dịch là: chúng nó LIẾM tội lỗi… Kết hợp hai ý lại, chúng ta thấy thời kỳ Ô-sê sống, người ta phạm tội một cách thèm thuồng, giống một em bé ăn hết gói thức ăn rồi vẫn còn thèm ăn tiếp cách thèm thuồng bằng cách liếm cho hết những tồn đọng tội lỗi.
Chúa phán: chúng nó… HAM HỐ… Anh chị em hãy tưởng tượng một đứa bé đang đứng trước một cửa hàng bán đồ chơi. hãy nhìn cặp mắt, cái miệng, hãy lắng nghe nhịp tim của đứa bé, anh chị em sẽ hiểu được hai chữ HAM HỐ là thế nào.

            3. Những Hình thức phạm tội:
  • Ô-sê 4:11-19
  • Anh Chị em biết rằng những dân tộc ngoại bang thời Ô-sê và trước đó thường dùng những buổi lễ tôn giáo làm cơ hội vui chơi phạm tội, nhất là ba thứ tội luôn có trong những dịp lễ Tôn giáo nầy:
  • câu 11, tội ‘Dâm dục’. Anh chị em có thể xem sách Dân số ký 25:1-2 ghi lại hình thức phạm tội nầy. Những buổi Lễ Tôn giáo là cơ hội để thanh niên nam nữ gặp nhau và nhơn đó phạm tội.
  • câu 11, tội ‘rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí khôn chúng nó’. Tất cả Lễ Tôn giáo đều có việc uống rượu, say rượu.
  • câu 12, tội thờ hình tượng. Hành động ‘hỏi tượng gỗ’ giống như việc cầu cơ của người Việt nam, cơ của họ là cây gậy để họ hỏi ý các tà thần.
  • câu 13, họ phạm tội trên những núi, dưới những bóng cây, nghĩa là khắp nơi.
  • câu 15, dân Y-sơ-ra-ên phía Bắc phạm tội, dân Giu-đa phía Nam cũng phạm tội. Những địa điểm có tên là:
Ghinh ganh: Đây là nơi Trường của các Tiên tri (I Sam. 7:16; 10:8)
Bết A-ven: là tên của Bê-tên đọc trại đi (Bê-tên = Nhà của Đức Chúa Trời; Bết A-ven = Nhà hư không).
  • Chúng ta thấy một tình trạng phạm tội đầy dẫy trong thời Ô-sê
  • Đó là thời đại của Ô-sê, còn thời đại của chúng ta thì sao?
  • Chúa Jêsus phán về thời đại của chúng ta trong sách Mathiơ 24:12, Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều…
  • Thánh Phaolô nói trong II Tim. 3:1-5; 4:3-4
  • Nghĩa là Lời Chúa cảnh báo trước: Tội lỗi sẽ càng lúc càng nhiều hơn, càng gian ác hơn, càng được loài người ưa chuộng hơn.
  • Trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta sẽ làm gì? Cảm ơn Chúa, từ đoạn 5 đến đoạn 8, đã ghi lại thái độ của Ô-sê đối với thời đại của ông sống.

II/. THÁI ĐỘ CỦA Ô-SÊ ĐỐI VỚI THỜI ĐẠI TỘI LỖI:
  • Ô-sê 5 – 8:
1/. Ô-sê rao báo hình phạt:
  • Ô-sê 5: là lời Ô-sê làm nhiệm vụ của một người canh giữ thành ‘thấy kẻ nghịch (là hình phạt tội lỗi) đến’ ông đã thổi kèn báo động.
  • 5:1, Ô-sê rao báo sự phán xét sẽ đến với các thầy tế lễ.
  • 5:8,  Ô-sê thổi kèn, thổi loa, la lối, vì hình phạt đến ngay phía sau lưng.
  • Đó cũng là trách nhiệm mà Chúa đòi hỏi nơi Cơ-Đốc nhân chúng ta khi thấy hình phạt xảy đến, sắp xảy đến (Êxêchiên 33:1-6)
  • Sứ đồ Phaolô cũng đã nói những lời thống thiết với chúng ta về trách nhiệm giảng Tin Lành ngày nay, Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời… (II Tim. 4:2)
  • Tháng vừa qua, thảm họa sóng thần đã xảy ra cho 11 quốc gia quanh Ấn Độ dương. Chúa đã cho các loài thú biết trước thảm họa sẽ đến biết chạy trốn lên nơi cao (Mathiơ 24:16), rất tiếc con người đã không quan tâm đến.
  • Nhưng điều quan trọng mà Lời Chúa nhắc nhở chúng ta trong lúc nầy là: Nhơn thảm họa đó, chúng ta đã rao báo lời nhắc nhở những người thân quen, những bạn hữu, đồng bào, chúng ta biết sự hình phạt của Đức Chúa Trời chưa.

2/. Ô-sê kêu gọi ăn năn:
  • Ô-sê 6:1, hai chữ ăn năn được định nghĩa như sau: ‘ăn năn là sự nhận biết tội lỗi, đau xót về tội lỗi, quyết định lìa bỏ tội lỗi và trở về cùng Đức Chúa Trời.
  • Và trong đoạn 6 nầy, chúng ta thấy Ô-sê kêu gọi tội nhân ăn năn tội quay về:
  • 6:1-2, Ô-sê kêu gọi, Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va… Tại sao phải ăn năn? Vì dù Chúa đã đánh phạt, nhưng Chúa cũng sẽ chữa lành, sẽ buộc lại vết thương, sẽ dựng chúng ta lên.
  • 6:3, Ô-sê kêu gọi: Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Tại sao phải hết sức tìm kiếm Chúa? Vì chắc chắn Chúa sẽ hiện ra như rạng đông đương nhiên sẽ đến, để ban phước như mưa cuối mùa tưới đất.

3/. Ô-sê nêu ra thực trạng:
  • Ô-sê 7: - 8:
  • Trong phần nầy Ô-sê dùng những hình ảnh thực tế trong gia đình để bày tỏ thực trạng của dân sự:
  • 7:4, Ô-sê cho thấy thực trạng dân sự như bột nhồi dậy lên mà lò nướng chưa đốt lửa, bột sẽ trào ra, bị chua và hư.
  • 7:6, họ như bánh nướng trong lửa ngọn thay vì nướng bằng lửa than. Người nướng bánh đốt lò cho thật nóng, rồi họ dập lửa đi chỉ để lại than đã cháy đỏ và giữ hơi nóng trong lò, trong khi ở đây họ nướng trong lò phun lửa ngọn.
  • 7:8, họ khác nào bánh nướng không đều lửa, nửa sống nửa chín khét
  • 8:11, họ đầy dẫy bàn thờ hình tượng.
  • 8:12, trong khi đó họ lại khinh thường Lời của Chúa, chẳng thèm quan tâm đến.
  • Qua thái độ của Ô-sê trước thời đại của ông đang sống, tôi xin Chúa cho mỗi chúng ta học lấy và làm theo: Lúc nào cũng cảnh báo tội lỗi mọi người; lúc nào cũng hết lòng kêu gọi mọi người ăn năn; và lúc nào cũng nhờ ơn Chúa chỉ cho mọi người thấy tội lỗi đang cai trị họ, hầu cho mọi người đều ăn năn mà được cứu.



Đề mục: ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA Ô-SÊ
Kinh Thánh: Ô-sê 11:1-11
Câu gốc: Ô-sê 11:9
Mục đích: Học biết về bản tánh của Đức Chúa Trời, để sống đẹp lòng Chúa.

I/. ĐCT CỦA Ô-SÊ LÀ ĐẤNG YÊU THƯƠNG:
  • Ô-sê 11:1-4
  • Chúng ta phải nói điều nầy, như Kinh Thánh thư Rôma 1:19, mọi người đều biết Đức Chúa Trời, nhưng người chưa tin Chúa thì biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, là Đấng phạt kẻ ác nên mỗi khi họ ghét người nào họ hay nói: Trời phạt mầy đi! Trong khi đó, chỉ người tin Chúa, nhờ đọc Lời Chúa là Kinh Thánh thì biết được một bản tánh kỳ diệu của Đức Chúa Trời, ấy là Đức Chúa Trời yêu thương.
  • Rất nhiều lần Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời yêu thương loài người – dù con người không biết yêu thương Chúa.
    • Giăng 3:16
    • Rôma 5:6, 8.
    • I Giăng 4:8-10, 16
  • Đặc biệt trong sách tiên tri Ô-sê 11:1-4, chính Chúa bày tỏ cho chúng ta biết về tình yêu thương của Ngài:
  • 11:1, Chúa bày tỏ Ngài yêu thương chúng ta như cha thương con trai ruột thịt của mình. Anh Chị Em thấy Chúa không nói yêu thương cách chung chung, nhưng
    • Chúa đã lấy tình yêu thương của người cha đối với con.
    • Chúa yêu thương chúng ta như cha yêu thương con khi còn thơ ấu. Hầu hết trong chúng ta đều kinh nghiệm sự yêu thương nầy, khi con cái của chúng ta còn bé, chúng rất dễ thương, ai cũng thương, rồi khi chúng lớn lên có thể nhiễm thói hư tật xấu gì đó, nên sẽ có thể làm giảm mất lòng yêu thương của cha mẹ.
    • Lời Chúa còn phán rõ: Chúa yêu thương chúng ta như cha yêu thương con trai. Anh Chị Em phải đứng vào quan niệm của người Y-sơ-ra-ên cũng như người Á Đông mới hiểu được loại tình yêu thương nầy. Người Y-sơ-ra-ên cũng như người Á Đông đều yêu thương con trai hơn con gái – quan niệm nầy đã có từ mấy ngàn năm tại Trung quốc, Việt nam, Ấn độ và những quốc gia chịu ảnh hưởng của hai nền Triết lý Ấn-Hoa.
    • Chưa hết, Chúa còn nhấn mạnh: Chúa yêu thương con người như người cha yêu thương con traiyêu dấu. Sách Sáng thế ký 22:2, khi Chúa phán bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác, Chúa nói rõ: Hãy bắt con trai một ngươi yêu dấu…
  • Thật là kỳ diệu, chỉ cần một câu Kinh Thánh trong Ô-sê 11:1 đã nói lên tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta lớn lao là dường nào.
  • Thật sự có những gia đình đôi khi cha mẹ không yêu thương con cái, đó là một điều đáng buồn – có lẽ do cha hay mẹ có điều gì đó bị gây ấn tượng không tốt đối với con; hoặc do người con không làm vui lòng cha mẹ. Nhưng đó chỉ là số rất ít, rất nhỏ trên thế giới nầy, còn đa số nếu có thể nói là trên 90% cha mẹ đều yêu thương con. Chúa cũng đã thương dùng cách nầy cách khác để nói đến tình yêu thương của Ngài đối với con người chúng ta như cha yêu thương con, nhất là câu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng trong Luca 15:11-24, một người cha yêu thương con trai mình dù nó hoang nghịch bỏ nhà, bỏ cha; khi nó biết ăn năn quay về thì người cha sẵn sàng tha thứ phục hồi địa vị cho nó.
  • 11:2-4, Lời Chúa cũng cho chúng ta thấy Chúa không yêu thương chúng ta bằng lời nói, mà Chúa bày tỏ bằng hành động qua những hành động của người cha trên đất đối với con:
  • 11:1b-2, ta gọi con trai ta ra khỏi Ê-díp-tô. Kinh Thánh nói đến xứ Ê-díp-tô là nói đến cảnh nô lệ 400 năm của dân Y-sơ-ra-ên tại Ai Cập; và cũng nói đến hình bóng về loài người là nô lệ cho tội lỗi, ma quỉ, thế gian. Chúa đã yêu thương dân Y-sơ-ra-ên, cứu họ khỏi nhà nô lệ Ai Cập; Ngài cũng yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Rất tiếc là dân Y-sơ-ra-ên cũng như loài người chúng ta, Chúa càng gọi con người đến với sự yêu thương của Ngài chừng nào, loài người lại càng tìm cách xa lánh Chúa chừng nấy.
  • 11:3a, chẳng những Chúa yêu thương cứu chuộc, Ngài còn yêu thương nuôi dạy dân Y-sơ-ra-ên, nuôi dạy loài người chúng ta, như người cha tập con mình bước đi – dạy Ép-ra-im bước đi, lấy cánh tay mà nâng đỡ nó.
  • 11:3b, phần b câu nầy nhắc chúng ta nhớ đến sự lo lắng của người cha yêu thương, thức đêm khi đứa con bị bịnh. Rất tiếc là khi khôn lớn, đứa con thường không nhớ đến sự yêu thương nầy.
  • 11:4, Chúa còn dùng hình ảnh tình yêu thương của người cha chăm sóc sự ăn uống của con mình, chịu lao khổ cực nhọc cho con mình có ăn, đôi khi lại đút cho con ăn nữa – để đồ ăn trước mặc chúng nó.
  • Thật vậy, khi chúng ta nhìn vào muôn vật chung quanh, Chúa đã ban cho chúng ta mọi nhu cần, từ không khí, thức ăn, nắng, mưa, sức khỏe… Chúng ta có thể nói, khi chúng ta chạm đến bất cứ vật gì chung quanh, nhìn thấy một người nào, chúng ta đều thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta.

II/. ĐCT CỦA Ô-SÊ LÀ ĐẤNG CÔNG BÌNH (THÁNH KHIẾT):
  • Ô-sê 11:5-7
  • Chúng ta vừa nói đến tình yêu thương của Chúa với biết bao bằng cớ cụ thể. Đến phân đoạn nầy thì một bản tánh khác của Đức Chúa Trời được Lời Chúa bày tỏ: Đó là Đức Công Bình – Thánh Khiết của Đức Chúa Trời.
  • Công bình của Chúa có nghĩa gì? Có nghĩa là Chúa yêu thương nhưng kẻ có tội thì Chúa phải phạt; kẻ vâng phục Chúa thì sẽ được thưởng (Xuất. 34:6-7).
  • Thánh Khiết của Chúa có nghĩa gì? Có nghĩa là bản tánh thánh khiết của Chúa đối địch, không dung chịu tội lỗi (Xuất. 20:5-6)
  • Hiểu được như vậy, chúng ta đọc những câu trong Ô-sê 11:5-7 sẽ thấy hành động công bình và thánh khiết của Chúa:
  • 11:5, Chúa phạt dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ cho vua A-si-ri, thay vì nô lệ Ai Cập như trước kia. Lý do: Vì chúng nó chẳng khứng trở lại với ta, nghĩa là dân Chúa không chịu ăn năn quay lại với Chúa. Hay nói cách khác, vì con người cứng lòng không ăn năn nên dù yêu thương Chúa vẫn phải phạt họ, để họ trở lại làm nô lệ cho tội lỗi, ma quỉ, nô lệ thế gian.
  • 11:6-7, khi đọc đến những lời: Thật, dân ta quyết ý trái bỏ ta… chẳng một người nào dấy lên, trong lúc gươm hủy diệt đến trên các thành của họ, họ đang bị sự hủy diệt nuốt họ; trong lúc người ta khuyên họ ăn năn quay lại với Đức Chúa Trời. Anh chị em có thấy họ có đáng bị Chúa phạt không? Con người là thế!
  • Lòng cứng cỏi nầy đến nỗi Chúa Jêsus Christ phải khóc về họ (Luca 19:41-44). Đức Công Bình Thánh Khiết của Chúa khiến Ngài phải phạt con người, trong khi lòng yêu thương của Chúa khiến Ngài phải khóc.
  • Tôi muốn nhắc lại những lần mà loài người chúng ta QUYẾT Ý trái bỏ Chúa:
  • Mathiơ 24:37-39, trước ngày nước lụt, dù đã được cảnh báo, Nô-ê đã rao giảng án phạt (II Phi. 2:5), nhưng họ cứ ăn, uống, cưới, gả, như thường.
  • Khải. 8:14-17, giữa lúc cơn giận của Đức Chúa Trời giáng xuống, trái đất bị rung chuyển, loài người cũng không ăn năn, họ chỉ muốn tạm thời trốn đâu đó.
  • 9:20-21, sau bao nhiêu tai họa, loài người vẫn không ăn năn và cứ không ăn năn.
  • Đó là điều Kinh Thánh nói đến, bây giờ chúng ta hãy kiểm chứng qua thực tế những gì chúng ta thấy, nghe được:
  • Sau 30 năm chiến tranh, rồi những khổ cực, chết chóc của những ngày sau 1975 với cảnh vượt biên trước hải tặc, cưúp biển, bão biển đắm tàu, rồi những ngày tù đày, người Việt nam chúng ta dường như có tỉnh thức nhớ đến Chúa – tôi nói là ‘dường như’, vì sau những xáo trộn, đa số người Việt nam chúng ta cũng trở lại con đường quên Đức Chúa Trời.
  • Sau ngày 11-9-2001, nước Mỹ dường như tỉnh lại, nhưng rồi đã ngủ lại.
  • Sau ngày 26-12-2004, dường như một số con cái Chúa trên thế giới dường như có tỉnh thức, chính chúng ta cũng có tỉnh thức, nhưng hiện nay thì sao?
  • Có đáng cho Chúa phạt không? Chắc chắn câu trả lời là ĐÁNG PHẠT!

III/. ĐCT CỦA Ô-SÊ LÀ ĐẤNG THÀNH TÍN:
  • Ô-sê 11:8-11
  • Nếu sách Tiên tri Ô-sê chấm dứt ở đoạn 11:7, thì Kinh Thánh là một sách buồn thảm, nhưng cảm ơn Chúa, Chúa vẫn còn tiếp tục phán với chúng ta qua Ô-sê, vì Chúa vẫn còn một bản tánh nữa không thể bỏ qua, ấy là Đức Thành Tín của Chúa.
  • Đây cũng chính là đặc điểm của các sách Tiên tri. Nhiều người thường hay cho rằng các sách Tiên tri chỉ là những lời quở trách, rao án phạt của Chúa đối với dân Chúa. nhưng nếu đọc thật kỹ chúng ta sẽ thấy những án phạt, những lời quở trách ấy chỉ là cái roi yêu thương của người cha đối với con, bằng cớ là sau những lời quở trách, bao giờ cũng là những lời hứa tha thứ, ban sự khôi phục.
  • Đó chính là Tin lành.
  • Tại sao Chúa luôn ban cho sự tha thứ, khôi phục mặc dù con người vẫn tìm cách chống nghịch Ngài? Thánh Phaolô trả lời trong thư II Timôthê 2:14, nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được, nghĩa là Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Thành Tín, Chúa hứa điều gì thì Ngài sẽ làm xong lời Ngài hứa.
  • Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên là chứng cớ cho sự thành tín của Đức Chúa Trời. Chúa đã hứa với Áp-ra-ham là tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên ban cho họ Đất Hứa Ca-na-an. Bởi lời hứa đó, dù bao nhiêu lần dân Y-sơ-ra-ên phản loạn nghịch cùng Chúa như sách Dân-số ký và sách Các Quan xét đã ghi lại, Chúa vẫn thành tín đưa họ đến bến bờ bình an.
  • Bây giờ, qua sách tiên tri Ô-sê 11:8-11, chúng ta lại thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời, sau khi đã học về sự yêu thương và Công bình Thánh khiết của Ngài.
  • Anh Chị Em hãy nghe sự thành tín của Chúa đối với dân Chúa:
  • 11:8, sau những lời quở trách, những án phạt được đưa ra từ câu 5 đến câu 7 với những lời cứng rắn, đột nhiên đến câu 8, Lời Chúa thay đổi đầy tình cảm với những nhóm từ: thể nào ta bỏ được ngươi? … thể nào ta lìa được ngươi?Thể nào … Lòng ta rung động trong ta… Hay nói cách khác là ‘trái tim ta rung động’. Thật như câu nói của người Việtnam của chúng ta: Giận con năm, sáu, chớ chín mười thương. Đang lúc đánh phạt, nhưng lòng của người cha thật là đau đớn, những cái roi đánh xuống đứa con là những cái roi cũng đánh vào người cha.
  • 11:9, Đức Chúa Trời thành tín đã cầm giữ sự giận lại, vì Chúa là Đức Chúa Trời không phải con người.
  • 11:10-11, chúng ta thấy nhân xưng đại danh từ ngôi thứ ba thay đổi là: CHÚNG NÓ chỉ về dân được tha thứ: chúng nó sẽ theo …  chúng nó sẽ run rẩy… Tại sao Chúa tha thứ nhớ lại sự thành tín của Ngài? Vì chúng nó biết ăn năn quay về theo Chúa, biết run rẩy kính sợ Chúa. Do đó, Chúa đã khiếnchúng nó ở trong nhà của chúng nó. Và Chúa đã ký tên khẳng định chứng cho lời hứa của Ngài: Đức Giê-hô-va phán vậy.
  • Không phải tôi cực đoan, chủ quan, nhưng với tất cả hiểu biết Lời Chúa mà tôi có được và với những kinh nghiệm Chúa ban cho tôi có được, tôi quả quyết rằng: Anh Chị Em không thể tìm đâu một Đức Chúa Trời kỳ diệu như thế: Vừa yêu thương, vừa công bình thánh khiết, và vừa là Đức Chúa Trời Thành tín.
  • Biết rõ Đức Chúa Trời như vậy, Cơ-Đốc nhân chúng ta là con của Chúa phải làm gì?
  • Ai đang sống cô đơn, buồn phiền, hãy nương dựa vào tình yêu thương của Chúa, vì Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương.
  • Ai đang ở trong tội lỗi, hãy tỉnh thức, e rằng Chúa sẽ đoán phạt, vì Ngài là Đức Chúa Trời công bình thánh khiết, ghét tội lỗi.
  • Ai đang chịu sửa phạt, hoạn nạn, hãy ăn năn và vui lên vì Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài sẵn sàng tha thứ và khôi phục đời sống của chúng ta.



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.