Phục truyền luật lệ ký


I/. TÊN SÁCH:

  1. Theo tiếng Hi-bá-lai:
Theo nguyên ngữ Hi-bá-lai, như chúng ta đã nói trong các sách trước đây, khi chia Bộ Ngũ Kinh nầy ra 5 phần, sách đã lấy những chữ đầu của phần sách đó làm tên sách.
Vì vậy, tên sách thứ năm nầy có tên là: Haddebharim = Nầy là lời… (1:1).

  1. Theo các Bản Dịch:
a/. Bản Hi-văn:
Bản dịch 70 (Septuagint – Thế kỷ III TC.) có tên là: Deuterosnomos do hai từ ngữ:

  •  Deuteros = lần thứ hai
  •  Nomos = Luât pháp
Từ đó bản Anh ngữ là Deuteronomy
b/. Bản Việt ngữ: dịch là “Phục Truyền Luật Lệ Ký”, có nghĩa là:

  •  Phục = trở lại
  •  Truyền = làm cho người khác biết
  •  ký = ghi
Như vậy, sách Phục Truyền Luật Lệ Ký không phải là truyền một luật lệ mới, nhưng là một sự giải thích, truyền lại luật lệ đã có. Lý do vì những người thế hệ cũ đã qua đời trong hành trình 40 năm, thế hệ mới nầy sắp vào Đất Hứa cần biết rõ luật lệ của Chúa dạy họ.

II/. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁCH:

  1. Đối với Ngũ Kinh:
Bộ Ngũ Kinh tức là 5 sách đầu của Cựu Ước (Penteteuchos = Pente – năm [5]; teuchos = sách), người Y-sơ-ra-ên gọi là “Luật Pháp”, hoặc gọi là “Thứ Luật” (TORAH – Bản dịch Kinh Thánh của Công Giáo Lamã dịch là Thứ Luật
Bộ Ngũ Kinh ghi lại lịch sử thế giới và loài người ít nhất là 2,500 năm trước Chúa giáng sanh và có tương quan với nhau.

PHƯƠNG DIỆN LOÀI NGƯỜI
Thứ tự đặc biệt nầy dành cho dân Chúa qua mọi thời đại
 

SÁNG.Hậu quả của tội lỗi (Sự bại hoại do tội lỗi của loài người – đồng thời cũng được thấy Ân điển của Chúa chọn Áp-ra-ham từ loài người tội lỗi, Chúa không chọn Áp-ra-ham từ những thiên thần – Hê. 11:8)
XUẤT.Sự cứu chuộc (bởi Huyết Chiên Con và đức tin của con người)
LÊ-VI KÝSự Thông công (qua các của Lễ và đức tin của người dâng của Lễ)
DÂN .Sự dẫn dắt (theo ý Đức Chúa Trời và đức tin của người được dẫn dắt))
PHỤC.Hoàn thành (bởi sự thành tín của Chúa và đức tin tin vào sự thành tín của Chúa)


PHƯƠNG DIỆN ĐỨC CHÚA TRỜI
Các Mỹ Đức nầy của Đức Chúa Trời không hề thay đổi
 

Toàn năngSáng tạo và lựa chọn tuyển dân
Yêu thươngGiải cứu
Thánh khiếtBan tiêu chuẩn thánh hóa
Công nghĩaThương xót và nghiêm khắc
Thành tínKỷ luật và làm trọn lời hứa

  1. Đối với tuyển dân Y-sơ-ra-ên:
Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký ghi lại 4 biến chuyển quan trọng của Lịch sử dân Y-sơ-ra-ên:
  •  1:34-40, Thế hệ mới: (trừ Ca-lép và Giô-suê, những người trong thế hệ cũ là những người được cứu ra khỏi Ai Cập đều chết trong đồng vắng, thế hệ mới chuẩn bị vào Đất Hứa.
  •  8:6-10, Địa điểm mới: con đường đồng vắng được thay bằng Đất Hứa Ca-na-an.
  •  8:11-13, Sinh hoạt mơi – Cuộc sống mới: Ngôi nhà thay vì Lều Trại, cuộc sống định cư thay vì lưu lạc, sữa và mật thay vì ma-na
  •  4:37; 7:7-8; 10:15; 23:5, Khải thị mới: được mặc khải về tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Từ Sáng thế ký đến Dân số ký không hề nói đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời; đến Phục Truyền Luật Lệ Ký, chúng ta có từ ngữ kỳ diệu nầy xuất hiện.

  1. Đối với Tân Ước:
Ngũ Kinh được so sánh với 5 sách đầu của Tân Ước (các sách Tin Lành – Mathiơ, Mác, Luca, Giăng, Công vụ).
Riêng sách Công vụ giống với sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, ghi lại những biến chuyển quan trọng:

BIẾN CHUYỂN PHÂN BIỆT
 

PHỤC TRUYỀNCÔNG VỤ
Luât pháp với Lịch sửTin Lành với Thư Tín
Sách thứ 5 của một nhómSách thứ 5 của một nhóm
Thế hệ Mới trong Đất HứaThế hệ Mới trong Đấng Christ
Địa điểm Mới: Ca-na-an thuộc thểCa-na-an thuộc linh: Hội Thánh với phước trong Đấng Christ (Êph. 1:3-14)
Sinh hoạt Mới: NHÀ thay TRẠI; định cư thay lưu lạc, năng lực mới tự tạo nhu cần đời sốngSinh nhật Mới, sinh hoạt Mới bởi ân điển thay vì Luật pháp; năng lực Mới bởi Đức Thánh Linh.
Sự Mặc Khải Mới: Đức Chúa Trời yêu thương (4:37; 7:7-8; 10:15; 23:5Hội Thánh: là sự mầu
nhiệm mới được mặc khải (Êph. 3:4-10)

III/. BỐ CỤC CỦA SÁCH:


Đề mục: ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN
Câu gốc: 6:23
A/. ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN TRONG QUÁ KHỨ: 1: - 11:

  1. Thành tín trên đường đến Sinai: 1: - 3:
  2. Thành tín tại Sinai: 4: - 11:
B/. ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN TRONG HIỆN TẠI: 12: - 34:
  1. Thành tín với Dân Y-sơ-ra-ên: 12: - 30:
  2. Thành tín với Môi-se: 31: - 34:
Trọng tâm Sứ điệp của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký là “Sự Thành Tín của Đức Chúa Trời”, tức là Chúa đã làm hoàn thành lời Ngài đã hứa với Tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham trong Sáng thế ký
  •  12:1-3, Chúa hứa với Áp-ra-ham 3 điều khi Ngài kêu gọi Áp-ra-ham: Chúa sẽ ban cho Áp-ra-ham một xứ để ở, làm cho Áp-ra-ham nên một dân lớn, và các chi tộc thế gian sẽ nhờ Áp-ra-ham mà được phước (tức là Đấng Cứu Thế sẽ đến từ dòng dõi Áp-ra-ham.
  •  13:14-17, Chúa nhắc lại lời hứa ban cho dòng dõi của Áp-ra-ham xứ mà Áp-ra-ham nhìn thấy được, họ sẽ làm chủ xứ đó đời đời.
  •  15:13-16, Chúa cho Áp-ra-ham biết trước dòng dõi của ông làm tôi mọi một dân khác, nhưng sau 400 năm Chúa hứa giải cứu họ và đưa họ về Đất Hứa.
Bây giờ Chúa đã dùng Môi-se đưa họ đến biên giới Đất Hứa. Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký là lời Môi-se nhắc lại tất cả điều Chúa đã hứa và đã làm.
Sứ điệp nầy an ủi chúng ta ngày nay, vì tất cả mọi điều chúng ta trải qua đều được Đức Chúa Trời kiểm soát. Phaolô nhắc lại Lẽ thật nầy trong I Côrintô 1:8-9; II Timôthê 2:13.

IV/. ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH PHỤC TRUYỀN:

  1. Giáo lý Căn Bản: Đức Chúa Trời Ba Ngôi:  6:4-5
Giáo lý căn bản đặc biệt nầy được ghi trong 6:4-5
Chúa Jêsus Christ đã nhắc lại và gọi đây là Điều răn lớn hơn hết (Mác 12:29-30)
Nguyên ngữ Hi-bá-lai, chữ “ĐỨC CHÚA TRỜI của CHÚNG TA” là elohenu, đây là danhelohim  (số nhiều – nghĩa là các thần – gods), ngôi thứ nhất sở hữu cách (The First Personal Possessive) số nhiều.
Vì vậy, câu nầy phải được dịch: “HỠI Y-SƠ-RA-ÊN! HÃY NGHE: GIÊ-HÔ-VA (NHỮNG) ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA CHÚNG TA LÀ GIÊ-HÔ-VA CÓ MỘT KHÔNG HAI” (Hear, O Israel: Jehovah our Gods, Jehovah is one)
Trong Hi-bá-lai ngữ, chữ MỘT (echad) là một chữ nhấn mạnh vào phương diện kết hiệp, không phải là sự đồng nhất tuyệt đối, nhưng là một tập hợp đồng nhất như một chùm nho. Còn chữ MỘT chỉ về phương diện đồng nhất tuyệt đối là chữ yacheed, chữ nầy không bao giờ được dùng trong sự Hiệp Một của Đức Chúa Trời.
Điểm đáng chú ý là trong 6:4-5, Danh Giê-hô-va được xưng tụng 3 (ba) lần, có thể có ý xác định số nhiều là Ba Ngôi. Mathiơ 22;37 có thể Chúa Jêsus Christ đã đề cập đến Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Đây là Giáo lý căn bản mầu nhiệm của Cơ-Đốc Giáo.

  1. Câu căn bản: 6:23
Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy, để dẫn vào xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta.
Câu căn bản nầy là nền tảng Sứ điệp của Cơ-Đốc Giáo, chỉ một câu đã bao gồm hết câu chuyện của Năm (5) sách:

  •  Chúng ta: Sách Sáng thế ký – biết chúng ta từ đâu và tại sao được chọn.
  •  Ra Khỏisách Xuất Ê-díp-tô ký, được cứu ra khỏi.
  •  Dẫn: Sách Lêvi ký = Chúa dẫn chúng ta vào sự hiện diện của Chúa; Sách Dân số ký = Chúa dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
  •  Vào xứ: Sách Phục truyền.
Câu nầy gồm 3 sự kiện quan trọng:
a/. Ngài đã đem chúng ta ra khỏi xứ ấy:
Bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, Chúa đã giải cứu dân Chúa ra khỏi Ai Cập – Cũng cậy, Đức Chúa Trời đã đem chúng ta ngày nay ra khỏi sự đoán phạt tội lỗi (Rôma 8:1-2)
b/. Ngài dẫn chúng ta vào xứ:
Mục đích của sự giải cứu là đưa dân Chúa vào Đất Hứa. Ấy là bởi “ân điển” của Đức Chúa Trời, Ngài đem dân Y-sơ-ra-ên vào xứ đượm sữa và mật (11:20-21) – Cũng bởi ân điển (Êph.2:8), Đức Chúa Trời ban cho Cơ-Đốc nhân một Đất Hứa Ca-na-an thuộc linh, không phải chỉ trên trời trong tương lai, mà ngay trong hiện tại, trên đất, bây giờ với đời sống thánh khiết, thiêng liêng –Êph. 1:3; 3:19; 4:23; 5:18b; Côl. 1:9-11; I Tê 5:23.
c/. Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta:
Đây là LÝ DO. Đức Chúa Trời bởi sự thành tín của Ngài qua giao ước với tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham (Sáng 12:1-3; 13:14-17) – I Timôthê 2:13; I Tê. 5:24.

  1. Mạng lịnh căn bản: 10:12-13
Những chữ “Vậy, … bây giờ” (And now), cho thấy có sự phân biệt của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký với hai phần:
  •  Phục Truyền Luật Lệ Ký là sách của quá khứ và là
  •  Sách của sự hoàn thành công việc trong hiện tại
Dân Y-sơ-ra-ên đã chứng kiến sự thành tín của Đức Chúa Trời suốt trong những ngày nô lệ tại Ai Cập, Đức Chúa Trời đã cứu họ, Đức Chúa Trời đã săn sóc họ và đưa họ đến Đất Hứa.
Mạng lịnh của Đức Chúa Trời bây giờ (nghĩa là sau bao nhiêu việc Chúa đã làm cho dân Chúa) đòi hỏi họ, ấy là “KÍNH SỢ CHÚA” và “GIỮ VÀ LÀM THEO LỜI CHÚA”, mục đích để họ được phước. Phước đó là gì? Là hưởng được sữa và mật trong Đất Hứa.
Mạng lịnh nầy phải phát xuất từ lòng yêu mến Chúa (Kính Chúa và phục sự Ngài – Giăng 21:15-17).

  1. Môi-se: Phục truyền 34:10-12
Sách Phục Truyền Luật Lệ Ký ghi lại những giờ phút cuối cùng của Môi-se trên đất.
Đời sống của Môi-se được chia ra làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 40 năm:

  •  40 năm tại Ai Cập làm con trai của Công chúa Ai Cập.
  •  40 trong đồng vắng Ma-đi-an làm nghề chăn chiên.
  •  40 lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên về Đất Hứa.
  •  Xuất. 2:11 – Công vụ 7:23
  •  Xuất 7:7 – Công vụ 7:29-30
  •  Phục truyền 31:2
4 đoạn cuối của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký đã ghi:
  •  Đoạn 31, lời ủy thác của Môi-se truyền lại cho Giô-suê và người Lê-vi.
  •  Đoạn 32, Bài ca của Môi-se ngợi khen Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên.
  •  Đoạn 33, Lời chúc phước của Môi-se cho các chi phái
  •  Đoạn 34, Sự chết của Môi-se (34:7)
  •  Môi-se là người duy nhất được chính Đức Chúa Trời chôn cất (34:6)
  •  Môi-se là người duy nhất bị ma quỉ giành xác (Giu-đe 9)
  •  Môi-se là người được bước vào vinh hiển với Chúa Jêsus Christ (Luca 9:30-31)
Kết luận:
Một Tôi tớ của Chúa trung tín như Môi-se, dù trải qua những ngày hoạn nạn, khổ nhọc, yếu đuối, nhưng vẫn hoàn thành thiên chức Chúa giao, thì chính Chúa an táng Môi-se, và Môi-se được mặc áo vinh hiển, được ở với Chúa như một người bạn (Giăng 12:26).

 -------------------

Đề mục: ĐẶC ĐIỂM CỦA SÁCH PHỤC TRUYỀN
Kinh thánh: Phục truyền 4:37.

I/. ĐẶC ĐIỂM THỨ I: ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG:

  •  Phục truyền 4:37, Bởi vì Ngài yêu mến các tổ phụ ngươi…
  •  Đối với chúng ta là những Cơ-Đốc nhân, thì quá quen thuộc với tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ngay từ lần đầu tiếp xúc với Tin Lành, chúng ta đã được nghe về tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua câu Kinh thánh trong Giăng 3:16, Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài…
  •  Nhưng đối với lịch sử nhân loại nói chung, và đối với dân Y-sơ-ra-ên nói riêng, thì từ buổi sáng thế đến thời điểm Môi-se viết sách Phục truyền, Đức Chúa Trời chưa hề công bố về tình yêu thương của Ngài.
  •  Nói cách khác, trải qua các sách Sáng thế ký, Xuất Ê-díp-tô ký, Lê-vi ký, Dân số ký, chúng ta chưa hề nghe đến nhóm từ Đức Chúa Trời yêu thương, mặc dù chúng ta có thể thấy được, cảm nhận được tình yêu thương của Chúa:
  •  qua công tác sáng tạo,
  •  qua kế hoạch giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập,
  •  qua sự ban bố luật pháp và các luật lệ cho dân Y-sơ-ra-ên cũng như cho toàn thể nhân loại,
  •  qua sự cho phép con người đến gần Ngài bởi các của lễ
  •  qua bao nhiêu lần nhịn nhục, tha thứ đoàn dân đông nhiều lần nhiều lúc nổi loạn chống nghịch Ngài trong đồng vắng, những kẻ mắt đã thấy, tai đã nghe, miệng đã nếm biết bao vật ngon lạ, để rồi dắt đưa họ đến bờ Đất Hứa cách khải hoàn.
  •  Và cuối cùng, bây giờ chúng ta nghe một lời kỳ diệu: Vì Ngài yêu mến các tổ phụ ngươi, nên chọn lấy dòng dõi các người ấy…
  •  Không phải một lần, mà nhiều lần sách Phục truyền đã công bố:
  •  7:7-8, Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi,… Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi… nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra, chuộc khỏi nhà nô lệ, và cứu khỏi tay Pha-ra-ôn…
  •  10:15, chỉn Đức Giê-hô-va ưa đẹp các tổ phụ ngươi và yêu mến; rồi trong muôn dân, Ngài đã chọn dòng dõi họ, tức các ngươi…
  •  23:5, … Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời … đổi sự rủa sả ra sự chúc phước cho ngươi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi thương mến ngươi.
  •  Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là: Tại sao cho đến giờ nầy, Môi-se mới công bố sự yêu thương của Chúa cho dân Y-sơ-ra-ên?
  •  Câu trả lời hợp lý nhất là: cho đến giờ nầy, Môi-se đã có đủ bằng cớ chứng minh cho dân Y-sơ-ra-ên biết rằng có Đức Chúa Trời yêu thương thế gian và yêu thương họ, qua công trình sáng tạo và qua sự tuyển chọn họ làm dân thuộc về Chúa.
  •  Nói rõ ràng hơn, chính sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được chọn làm dân Chúa là bằng cớ mạnh mẽ nhất, thực tế nhất về sự yêu thương của Đức Chúa Trời.
  •  Có một người thanh niên sống một đời sống bê tha, hư hỏng. Rồi anh tin Chúa, đời sống được biến cãi. Từ đó anh hay hỏi người nầy người khác một câu hỏi giống nhau: TẠI SAO LÀ TÔI? Những người nghe anh hỏi lại hiểu lầm anh bị thần kinh. Cho đến một hôm, vị Mục sư quản nhiệm hỏi ý của anh muốn nói gì khi hỏi câu TẠI SAO LÀ TÔI? Anh thanh niên nầy giải thích: Tại sao trên thế giới có hàng tỉ người tốt, đạo đức, mà Chúa không chọn làm con của Chúa, tại sao Chúa lại chọn anh là một người đáng bỏ đi? Hóa ra anh đã quá ngạc nhiên về tình yêu thương của Chúa đối với cá nhân anh.
  •  Mỗi anh chị em có nhận ra tình yêu thương của Chúa như người thanh niên đó không? Có bao giờ anh chị em tự hỏi: TẠI SAO LÀ TÔI không? Cho đến giờ nầy, anh chị em có thể nói cách vững vàng, mạnh mẽ với mọi người chung quanh như Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Vì Đức Chúa Trời yêu thương bạn. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời yêu thương bạn, Ngài muốn chọn bạn làm con của Ngài, không?
  •  Nguyện mỗi chúng ta là một Môi-se cho thời đại thiếu tình yêu thương nầy!

II/. ĐẶC ĐIỂM II: ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI:

  •  Phục truyền 6:4-5, Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức, kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.
  •  Trong tất cả các lẽ đạo, thì lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi là khó giải thích hơn hết. Khó, không phải là không giải thích được, mà vì trí óc hữu hạn của chúng ta không thể đo lường cái vô hạn của Đức Chúa Trời.
  •  Cảm ơn Chúa hơn nữa, chính Đức Chúa Trời đã tự mặc khải Ngài là Đức Chúa Trời Ba Ngôi nhiều lần trong Kinh thánh, và ngay cả trong Phục truyền 6:4 nầy.
  •  Vì một số hạn chế trong Việt ngữ, nên bản dịch tiếng Việt không bày tỏ lẽ đạo nầy rõ ràng. Nhưng,
  •  nhóm từ “Đức Chúa Trời (của) chúng ta” trong nguyên ngữ Hi-bá-lai là elohenu, đây làDanh elohim, ở dạng số nhiều, ngôi thứ nhất sở hữu cách (the first personal possessive plural). Cho nên, câu Kinh thánh nầy được dịch là: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe: GIÊ-HÔ-VA (NHỮNG) ĐỨC CHÚA TRỜI của chúng ta là GIÊ-HÔ-VA CÓ MỘT KHÔNG HAI.
  •  Bản dịch Anh ngữ dịch câu Kinh thánh nầy là: HEAR, O ISRAEL: JEHOVAH OUR GODS (ĐỂ Ý CHỮ GOD SỐ NHIỀU), JEHOVAH IS ONE.
  •  Trong nguyên ngữ Hi-bá-lai, chữ MỘT (có Một) là ECHAD là một chữ nhấn mạnh vào phương diện kết hiệp, không phải là sự đồng nhất tuyệt đối, nhưng là một tập hợp đồng nhất như một chùm nho. Còn chữ MỘT chỉ về phương diện “đồng nhất tuyệt đối” là chữYACHEED, chữ nầy không bao giờ được dùng trong sự hiệp một của Đức Chúa Trời.
  •  Điểm đáng chú ý hơn nữa là trong Phục truyền 6:4-5, Danh Giê-hô-va được xưng tụng ba lần, có thể hàm ý xác định Đức Chúa Trời có Ba Ngôi: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe: GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời chúng ta là GIÊ-HÔ-VA có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức, kính mến GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ngươi.
  •  Chính Môi-se đã nhận thức sự quan trọng của lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nên ông đã bắt đầu bộ Ngũ kinh của ông với sách Sáng thế ký bằng việc bày tỏ Đức Chúa Trời Ba Ngôi:
  •  1:1, Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.
Nguyên ngữ Hi-bá-lai dùng Danh từ Đức Chúa Trời ở số nhiều (Những Đức Chúa Trời), trong khi đó động từ Dựng nên là BARA là ở số ít. Chứng tỏ Ba Ngôi hiệp Một.
  •  1:26, Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người …, rõ ràng CHÚNG TA là số nhiều.
  •  Và bây giờ khi kết thúc bộ Ngũ kinh, Môi-se lại bày tỏ lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
  •  Đây là một lẽ đạo mầu nhiệm của Cơ-Đốc giáo chúng ta. Có người bảo: Chối bỏ lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi thì mất sự cứu rỗi; cố giải thích lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi thì mất linh hồn.
  •  Nguyện Chúa ban ơn cho mỗi chúng ta giữ vững lòng tin quyết lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một để được sự cứu rỗi; đồng thời nhìn biết sự hữu hạn của con người chúng ta để không cố giải thích lẽ đạo nầy, hầu không bị hư mất đời đời.

III/. ĐẶC ĐIỂM III: ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN:

  •  Phục truyền 7:9-10, Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH TÍN , giữ sự giao ước và nhơn từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài; và Ngài báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài, mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hưỡn cùng kẻ nào ghét Ngài đâu, sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó.
  •  Đức Chúa Trời Thành Tín chính là chủ đề mà Môi-se muốn nhắc lại và ông đã chứng minh cho dân Y-sơ-ra-ên, bằng cách ôn lại quá khứ và hiện tại của họ và của chính ông.
1/. Đức Chúa Trời thành tín với một dân tộc: 1: - 30:
  •  Từ đoạn 1 đến đoạn 3, Môi-se đã ôn lại quãng đường từ Núi Sinai đến khi đánh chiếm được vùng đất phía Đông sông Giô-đanh, và đến Bết-Phê-o, ranh giới để vào Đất Hứa. Trên con đường đi đó, nhiều lần nhiều lúc dân Y-sơ-ra-ên đã nổi loạn, nhưng Chúa vẫn thành tín, tha thứ, và đưa họ đến Đất Hứa.
  •  Từ đoạn 4 đến đoạn 30, Môi-se nhắc lại những mạng lịnh và luật lệ của Chúa đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên với lời cảnh báo: Hỡi Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy nghe những mạng lịnh và luật lệ mà ta dạy các ngươi; hãy làm theo, để các ngươi được sống và vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ các ngươi ban cho các ngươi nhận được (Phục truyền 4:1).
  •  Rõ ràng lời cảnh báo nầy chỉ nêu ra mặt tích cực:
  •  làm theo để được sống,
  •  làm theo để được vào Đất Hứa.
  •  Nhưng cũng rõ ràng lời cảnh báo nầy cũng ngụ ý về mặt trái: Nếu không làm theo thì không được sống và không được vào Đất Hứa.
  •  Môi-se muốn nói gì về sự thành tín của Đức Chúa Trời qua những đoạn Kinh thánh nầy? Môi-se muốn nhắc dân Y-sơ-ra-ên và nhắc Cơ-Đốc nhân chúng ta là Y-sơ-ra-ên thuộc linh rằng: Đức Chúa Trời thành tín lời hứa ban phước, nhưng Ngài sũng SẼ THÀNH TÍN GIÁNG HỌA, PHẠT những người không làm theo lời Ngài. Chúa thật đã phạt những kẻ vô tín trong Y-sơ-ra-ên và phạt cả Môi-se vì ông trong một chút nóng giận đã không làm theo lời Chúa dạy – dù ông là người được Chúa yêu thương. (Phục. 1:34-37)
2/. Đức Chúa Trời thành tín với một cá nhân: 31: - 34:
  •  Tôi rất thích suy nghĩ về những lẽ thật nầy. ấy là Đức Chúa Trời của chúng ta thật kỳ diệu:
  •  Chúa quan tâm đến cả vũ trụ bao la, nhưng Ngài cũng quan tâm đến từng sợi tóc, từng con chim sẻ giá chỉ bằng một đồng tiền ăn một phần tư xu (Math. 10:29-30).
  •  Chúa quan tâm đến một dân tộc, nhưng Ngài cũng quan tâm đến từng cá nhân như Môi-se.
  •  Những đoạn cuối của Sách Phục truyền đã ghi lại những giờ phút cuối cùng của Môi-se trên đất để chứng minh Đức Chúa Trời của ông là Đức Chúa Trời thành tín:
  •  đoạn 31:, Đây là lời ủy thác của Môi-se gởi cho Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se đã lấy chính sự thành tín của Chúa đối với ông, thành tín ban phước dùng ông cũng như thành tín phạt ông không được vào Đất Hứa, để khuyến giục Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên tin cậy nơi sự thành tín của Chúa.
  •  đoạn 32, là bài ca mà Môi-se ca tụng sự thành tín của Đức Chúa Trời (32:4). Chúa thành tín đối với tuyển dân, thành tín đối với kẻ thù của tuyển dân.
*Sau năm 1948, khi Y-sơ-ra-ên tuyên bố độc lập, người Y-sơ-ra-ên trên thế giới tìm cách trở về xứ của họ. Tại nước Yemen, có một cộng đồng Y-sơ-ra-ên luôn mong chờ trở về xứ, họ được báo tin và khuyên mời hồi hương, nhưng họ nhất định không về cho đến khi nào Đấng Christ sai chim ưng đến chở họ về như Phục truyền 32:11-12Cuối cùng người ta cho phi cơ đáp xuống và bấy giờ họ mới chịu về, vì đã có chim ưng chở họ.
  •  đoạn 33, Môi-se bày tỏ lòng tin cậy của cá nhân ông nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời, bằng cách lấy đức tin chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đều biết rằng, Chúa thật đã thành tín làm trọn những lời chúc phước bởi đức tin của đày tớ Ngài trên dân Chúa đến từng chi tiết.
  •  đoạn 34, ghi lại sự qua đời của Môi-se. Đức Chúa Trời thành tín giữ đúng lời đã phán, Môi-se không được vào Đất Hứa, nhưng Chúa cũng đã thành tín để tôn quí đầy tớ trung tín của Ngài, tiếp đón ông vào nước đời đời cách vinh hiển.
  •  Một Tôi tớ Chúa trung tín như Môi-se, dù trải qua những ngày hoạn nạn, khổ nhọc, yếu đuối, nhưng vẫn làm xong trọng trách Chúa giao phó, thì Chúa cũng đã thành tín ở cùng ông, dạy dỗ ông, sửa phạt ông, rồi Ngài cũng đã tiếp đón ông về Nước Ngài,
  •  Hôm nay, Cơ-Đốc nhân chúng ta tạ ơn Chúa về những sự thành tín của Đức Chúa Trời trong quá khứ của dân tộc, đồng thời xin Chúa cho mỗi chúng ta cứ tin cậy sự thành tín của Chúa trong hiện tại. Nguyện Chúa dùng bài học nầy để nhắc nhở mỗi chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời luôn thành tín ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài, nhưng cũng thành tín giáng họa cho người nào không trung tín với Ngài để tỉnh thức đến cuối cùng.

 ------------------

Đề mục: CÂU CHUYỆN SÁCH PHỤC TRUYỀN
Kinh thánh: Phục truyền 6:23
Mục đích: Học tiếp qua các sách trong Kinh thánh. Học qua nội dung sách Phục truyền, đặc biệt trong những ngày Lễ Tạ Ơn

I/. CÂU CHUYỆN THỨ I: NGÀI ĐÃ ĐEM CHÚNG TA RA KHỎI XỨ ẤY.

  •  Sách Phục truyền không phải là sách truyền một mạng lịnh mới cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng qua tên của sách đã nói lên mục đích của Sách là Sự Giải Thích Lại Luật lệ của Chúa cho một thế hệ mới trước khi họ bước vào Đất Hứa Ca-na-an.
  •  à bây giờ qua đoạn 6 câu 23, là câu hầu như đã tóm tắt toàn bộ nội dung của Sách nói riêng, và của cả Năm Sách đầu Kinh thánh nói riêng.
  •  Sự kiện thứ nhất mà câu gốc đề cập là nhắc lại câu chuyện quá khứ về sự giải cứu của Đức Chúa Trời, đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi XỨ ẤY.
  •  Xứ ấy là xứ nào?
  •  Xứ ấy là xứ Ai-cập. Câu chuyện được ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô ký,
  •  thế nào mà Đức Chúa Trời đã nghe tiếng kêu van của dân Y-sơ-ra-ên bị làm nô lệ, bị hà hiếp, bị âm mưu diệt chủng của Hoàng đế Ai-cập.
  •  Thế nào mà Đức Chúa Trời đã dấy lên một người tên là Môi-se, ủy thác cho Môi -se thay mặt Chúa tranh chiến với Hoàng đế Ai-cập, cậy quyền năng của Chúa thi hành 10 tai vạ để hành hại xứ Ai-cập, giải cứu dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ đó.
  •  Tại sao Môi-se phải nhắc lại câu chuyện kỳ diệu nầy?
  •  Sở dĩ Môi-se phải nhắc lại vì trước mặt ông là một tập thể hơn 2 triệu người chưa từng kinh nghiệm sự giải cứu ra khỏi Ai-cập như tổ phụ họ 40 năm trước. Cha mẹ họ là những người từng được giải cứu ra khỏi Ai-cập đó đều đã ngã chết suốt hành trình lang thang trong đồng vắng  40 năm.
  •  Bây giờ, họ là những người sanh ra và lớn lên trong đồng vắng – một thế hệ mới, sắp đặt chân vào Đất Hứa, cần phải biết cái quá khứ kỳ diệu đó. Không có quá khứ thì không thể có hiện tại và tương lai.
  •  Biến cố được cứu ra khỏi Ai-cập trọng đại nầy thường được nhắc đến suốt Kinh thánh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, đến nỗi kỷ niệm đó đã trở thành một Lễ Vượt Qua, mỗi năm một lần bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào cũng tham dự.
  •  Tôi cảm ơn Chúa vì trong sự an bày của Chúa, sắp đặt cho chúng ta có thể học được bài học nầy đúng vào Mùa Lễ Tạ Ơn. Lý do tôi nói như vậy, là vì:
1/. Về phương diện lịch sử Lễ Tạ Ơn:
  •  Nếu đọc lại lịch sử của Nước Mỹ, so với lịch sử các nước trên thế giới, thì chỉ có Nước Mỹ là có Lễ Tạ Ơn.
  •  Nguyên nhân có Lễ Tạ Ơn là vì những người tiên phong đến Nước Mỹ lập nghiệp là những người đã từng bị bắt bớ vì cớ đức tin nơi Chúa Jêsus Christ tại các nước Âu châu, qua những cuộc Tôn giáo chiến. Tổ phụ của những người Mỹ thật có thể nói như nói về Áp-ra-ham: Họ đi mà không biết mình đi đâu. Và Đức Chúa Trời đã yêu thương dẫn họ ra khỏi cơn bách hại tàn khốc.
  •  Anh chị em có thể đọc lại lịch sử Hội Thánh trong những thế kỷ trước khi khai sáng Nước Mỹ để thấy những xác người bị thiêu sống như Wycliff, Jean Hus, cuộc thảm sát Đêm St. Barthelemy ngày 23-8-1572 tại Pháp. Biết bao nhiêu Cơ-Đốc nhân chân chính đã ngã chết chỉ vì không chịu cúi mình trước con người, trước các hình tượng, trước các mê-tín dị đoan.
  •  Cuối cùng Đức Chúa Trời đã đem những Cơ-Đốc nhân đó ra khỏi Âu châu, ra khỏi nước Anh dưới sự bắt bớ tàn bạo của Nữ Hoàng Mary.
  •  Với sự yêu thương của Chúa dẫn họ ra khỏi cảnh bắt bớ đó, làm sao mà họ không Tạ Ơn Chúa? Chẳng những cá nhân họ, thời đại họ Tạ Ơn, mà họ cũng muốn dòng dõi đời sau cũng Tạ Ơn Chúa. Cảm ơn Chúa, và có Lễ Tạ Ơn.
2/. Về kinh nghiệm thuộc linh cá nhân:
  •  Phao-lô đã áp dụng sự kiện Chúa đem chúng ta ra khỏi XỨ ẤY trong thư Rôma 8:1-2.
  •  Xứ Ấy mà Đức Chúa Trời đã đem chúng ta ra khỏi là Luật pháp của Sự Tội và Sự Chết.
  •  Phao-lô cũng nói điều đó trong thư Êphê-sô 2:1-5, chúng ta vốn đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, vốn là nô lệ của tội lỗi và ma quỉ, và của xác thịt hay chết nầy. Số phận chỉ dành cho sự định tội, sự đoán phạt, sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời chí thánh. Nhưng Đức Chúa Trời giàu lòng yêu thương đã bởi Chúa Jêsus Christ đem chúng ta ra khỏi án phạt kinh khiếp đó.
  •  Tôi tin rằng ai đã từng ở trong tội lỗi, khốn khổ vì tội lỗi, biết được Chúa đã đem chính mình ra khỏi tội lỗi làm sao, được tha thứ như thế nào, chắc chắn cũng sẽ đầy lòng Tạ Ơn Chúa, không thể im lặng.
  •  

II/. CÂU CHUYỆN THỨ II: NGÀI DẪN (CHÚNG TA) VÀO XỨ… :

  •  Ngài … dẫn (chúng ta) vào xứ Ngài đã thề…
  •  Sách Phục truyền cũng đã nhắc lại quá trình dẫn dắt của Đức Chúa Trời trên dân Y-sơ-ra-ên. Thật kỳ diệu, Chúa đã đem Y-sơ-ra-ên ra khỏi nhà nô lệ, rồi không phải như dân Y-sơ-ra-ên trong những phút yếu đuối đã nói với Môi-se và A-rôn: … hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đặng làm cho cả đoàn dân đông nầy đều bị chết đói(Xuất. 16:3b)
  •  Không, Chúa không bao giờ làm như vậy. Anh chị em hãy nghe Chúa mô tả xứ mà Ngài sẽ dẫn dân Chúa vào: Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu… vì cớ xứ tốt tươi mà Ngài đã ban cho (Phục. 8:7-10)
  •  Mặc dù đến Sách Phục truyền, dân Y-sơ-ra-ên chưa đặt chân vào Đất Hứa, nhưng họ đã ở ngay ranh giới Đất Hứa. Dù chưa thực sự hưởng nhận, nhưng đã một lần họ đã thấy, đã nghe, đã thưởng thức những chùm nho to lớn từ xứ Ca-na-an đượm sữa và mật nầy (Dân. 13:23-24).
  •  Nói đến đây, chúng ta phải nhìn nhận rằng Chúa thật có dẫn tổ tiên của người Mỹ vào Đất Mỹ nầy, là một xứ đượm sữa và mật. Bằng chứng là hình ảnh Lễ Tạ Ơn của những ngày đầu tiên là những hoa quả ngon ngọt, những chú gà tây to béo, đất đai trù phú, ngay cả đến ngày nay.
  •  Vì vậy, không có lý do gì các Cơ-Đốc nhân của Nước Mỹ lại không tiếp nối truyền thống tốt đẹp Tạ Ơn Chúa.
  •  Tôi cũng xin được nhân đây để nói lời nầy. Dù muốn dù không chúng ta phải nhìn nhận rằng Chúa đã ban cho chúng ta được ở trên Đất Hứa dành cho các Cơ-Đốc nhân trung tín. So với những người Việt-nam đang sống tại quê hương Việt-nam, chúng ta sống đầy đủ hơn mọi phương diện thuộc thể lẫn thuộc linh.
  •  Ăn uống đầy đủ hơn, an toàn hơn.
  •  Những tiện nghi cuộc sống đầy đủ hơn.
  •  Đời sống thuộc linh thờ phượng Chúa dễ dàng hơn.
  •  Những ơn phước đó không đủ để chúng ta Tạ Ơn Chúa sao? Trong khi còn ở Việt-nam, tôi nhìn thấy
  •  còn quá nhiều người sống cực khổ
  •  nhất là còn quá nhiều người chưa hề được nghe đến Tin Lành cứu rỗi của Chúa, chưa hề biết đến một Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, yêu thương họ
  •  Trong khi đó tại nơi Nước Mỹ nầy, lúc nào chúng ta cũng có thể thờ phượng Chúa, lúc nào cũng sẵn có đủ mọi phương tiện học Lời Chúa.
  •  Về thuộc linh, Đức Chúa Trời lại ban cho Cơ-Đốc nhân chúng ta một Ca-na-an thuộc linh, không phải chỉ là ở trên trời, mà ngay trong hiện tại, trên đất, ngay bây giờ với cuộc sống thánh khiết, thiêng liêng (Êphê-sô 1:3-6)
  •  Hoàn cảnh thuận lợi như thế nầy, anh chị em há lại không Tạ Ơn Chúa sao?
  •  Nếu người Mỹ biết Tạ Ơn Chúa, thì người Việt-nam chúng ta sống trên Đất Mỹ nầy càng phải Tạ Ơn Chúa nhiều hơn.

III/. CÂU CHUYỆN THỨ III: NGÀI ĐÃ THỀ CÙNG TỔ PHỤ CHÚNG TA:

  •  Xứ Ngài đã thề cùng tổ phụ chúng ta; để ban cho chúng ta.
  •  Có một điều đặc biệt mà cả thế giới không có, chỉ có dân Y-sơ-ra-ên có được, ấy là dân có một Đất Hứa – Đất mà Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương đã hứa ban cho họ, lời hứa được Chúa ban cho từ tổ phụ họ.
  •  Tổ phụ của họ là ai?
  •  Tổ phụ của họ – dân Y-sơ-ra-ên – là Áp-ra-ham. Lời hứa đó đã được ghi lại trong sách Sáng thế ký:
  •  12:1, Chúa kêu gọi Áp-ra-ham theo Ngài đi đến xứ mà Chúa sẽ chỉ cho.
  •  12:7, khi Áp-ra-ham đặt chân trên đất Ca-na-an, Chúa xác định lời hứa: Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi đất nầy.
  •  13:14-17, Chúa vạch ra phạm vi Đất Hứa cho Áp-ra-ham.
  •  Tuy nhiên, qua Sách Phục truyền, Môi-se nhắc lại hành trình từ Ai-cập về Đất Hứa của dòng dõi Áp-ra-ham là dân Y-sơ-ra-ên, với bao nhiêu lần họ nổi loạn chống nghịch Chúa, tìm đủ mọi cách để oán trách, từ chối tiến tới Đất Hứa, bao nhiêu lần bị Chúa phạt để tỉnh thức, nhưng cũng cứ bội nghịch cùng Chúa.
  •  Dù vậy, bởi giao ước mà Chúa đã lập cùng Áp-ra-ham, và Chúa là Đấng Thành Tín, như Phao-lô đã khẳng định trong
  •  thư II Timôthê 2:13, Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.
  •  thư I Têsalônica 5:24, Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó.
  •  Đọc qua Sách Phục truyền, chúng ta thấy rõ ràng sự thành tín của Chúa đối với tuyển dân của Ngài, dù trong tiến trình thực hiện lời hứa của Chúa, ma quỉ, xác thịt và sức mạnh của thế gian luôn tìm cách ngăn cản Chúa làm trọn lời hứa.
  •  Cảm ơn Chúa, chẳng những Chúa thành tín với một dân tộc, mà Chúa cũng thành tín với cá nhân – điển hình là cá nhân Môi-se. Những đoạn cuối Sách Phục truyền, là những lời ôn kết của chính Môi-se suốt 120 năm theo Chúa, phục vụ Chúa, ông ca ngợi sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với chính ông.
  •  Ngày nay mỗi lần chúng ta hiệp lại để làm Lễ Tạ Ơn Chúa, là mỗi lần chúng ta nhắc đến sự thành tín của Chúa đối với tổ phụ của Người Mỹ, Chúa cũng đã thành tín với Cơ-Đốc nhân chúng ta.
  •  Đối với cá nhân tôi, tôi xin được nhắc lại Lời Chúa trong Thi thiên 23:5, lời hứa mà Chúa đã cho ghi lại trước tôi hơn 3.000 năm, ngày nay Chúa đã làm thành. Bằng cớ là Chúa đã làm trong bao năm qua trong công tác truyền giảng Tin Lành, đem tình yêu thương của Chúa cho đồng bào Việt-nam tại quê hương
  •  Thật Chúa đã dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi
  •  Thật Chúa đã xức dầu cho đầu tôi, đã khiến cho chén tôi được đầy tràn.

 ----------------------

Đề mục: QUÊN
Kinh Thánh: Phục truyền 8:1-20
Câu gốc: Phục truyền 8:11

I/. QUÊN ĐIỀU GÌ?

  •  Phục truyền 8:1-10
  •  Có bao giờ anh chị em đặt câu hỏi: Tại sao những người tị nạn Tôn giáo, tức là những người Mỹ đầu tiên đến bến bờ Mỹ châu ngày 11 tháng 12 năm 1620, họ đã làm lễ Tạ Ơn Chúa và cảm ơn người da đỏ sau một năm (tức năm 1621). Thế mà phải đợi đến năm 1863 với quyết định của Tổng Thống Abraham Lincoln sau 40 năm vận động của bà Sarah Josepha Hale, lấy ngày Thứ Năm cuối tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn, kế tiếp là năm 1941 với Tổng Thống Franklin Roosevelt, người Mỹ mới có một Lễ Tạ Ơn chính thức cấp Quốc gia vào ngày thứ năm tuần thứ tư không? Tại sao bà Hale phải kiên trì 40 năm vận động để có ngày Lễ Tạ Ơn này và tại sao phải kéo dài hơn 200 năm mới quyết định?
  •  Câu trả lời là người Mỹ cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới đều là con người, mà con người thì có một đặc tánh là nhớ rất nhiều thứ, nhưng lại Hay Quên Ơn – phải nói cho rõ là con người nhớ rất lâu những ơn mà mình làm cho người khác, ngược lại thì rất dễ quên ơn của người khác làm cho mình, nhất là Quên Ơn của Đức Chúa Trời đã làm cho mình!
  •  Từ 1,500 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh, sau 40 năm vâng lịnh Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, đưa họ về đến bến bờ Đất Hứa là xứ Ca-na-an ngày nay, ông Môi-se biết bản tánh con người là hay quên và ông lo rằng dân Chúa sẽ quên ơn Chúa, do đó, Môi-se đã giảng một bài trong sách Phục truyền đoạn 8, với lời nhắc nhở: Ngươi khá cẩn thận, E QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, …
  •  Môi-se lo ngại dân Chúa quên điều gì?
  •  Câu 2, Hãy nhớ – nghĩa là không được quên – trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn người đi trong bốn mươi năm nầy…
  •  Trong bốn mươi năm đó, Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân Chúa như thế nào?
  •  Từ câu 3-10, Môi-se đã nhắc lại một trong những người điều kỳ diệu Chúa đã làm ơn cho dân Chúa:
    • Câu 3, trong 40 năm Chúa đã nuôi dân Chúa bằng ma-na. Anh chị em hãy đọc lại sách Xuất Ê-díp-tô ký 16:13-15, 31, để thấy ơn kỳ diệu mà Chúa đã làm cho dân Chúa trong việc ban lương thực ma-na cho họ. Dân Y-sơ-ra-ên chỉ việc ngủ một giấc thức dậy, chờ sương tan, thì Chúa đã dọn bàn sẵn bằng bánh ma-na cho họ, không phải một năm mà suốt cả 40 năm cho đến ngày dân Chúa vào Đất Hứa và ăn thổ sản trong Đất Hứa (Giô-suê 5:11-12)
  •  Anh chị em có thấy thật là kỳ diệu không? Dân Y-sơ-ra-ên không làm gì cả, chỉ mỗi sáng thức dậy lượm lấy thức ăn mình và cho gia đình.
  •  Tôi thấy có một số người Việt-nam chúng ta đang sống trên đất Mỹ nầy thật sự phải cảm ơn Chúa vì họ được kinh nghiệm ma-na mà Chúa lo liệu cho họ đủ ăn hằng ngày, nếu không muốn nói là còn có dư nữa, qua luật lệ của Chúa dạy cho người Mỹ cung cấp cần dùng cho họ.
  •  Câu 4, trong bốn mươi năm nầy áo xống ngươi không hư mòn, chân ngươi chẳng phù lên. Bốn mươi năm áo không rách, giày không mòn. Đức Chúa Trời đã lo cho dân Chúa từ cái ăn, cái mặc, ấy là chưa kể trụ mây ban ngày làm bóng mát cho họ, trụ lửa ban đêm để làm đèn sáng và sưởi ấm cho họ trong những ngày đi trong hoang mạc.
  •  Kỳ diệu! Thật là kỳ diệu!
  •  Nhìn lại những ơn mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong quá khứ bốn mươi năm, và những ơn Đức Chúa Trời đã ban cho người Việt-nam tị nạn chúng ta tại đất Mỹ này hơn 30 năm qua, anh chị em ơi, hãy nghe Chúa phán: Ngươi khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi …
    • Câu 6 đến câu 10, sau khi nhìm lại quá khứ, Môi-se nhắc dân Chúa nhìn vào hiện tại và tương lai:
  •  Câu 7-10, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi… Vậy ngươi sẽ ăn no nê.
  •  Lịch sử cho chúng ta biết rằng dân Y-sơ-ra-ên đã bị làm nô-lệ 400 năm tại Ai Cập, rồi kế đó lại trải qua 40 năm trong đồng vắng khô khan, Chúa đã dẫn dân Chúa vào Đất Hứa, xứ được gọi là ‘đượm sữa và mật’, mà Môi-se đã mô tả cho họ nghe: xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi, xứ có lúa mì, lúc mạch, …
  •  Nghe Môi-se kể những điều tốt đẹp trong Đất Hứa, tôi chợt nghĩ đến người Việt-nam chúng ta trên đất Mỹ. Dù có câu nói rằng: Không đâu đẹp bằng quê hương, nhưng chúng ta phải thành thật nhận rằng Đức Chúa Trời thật có ban cho những người tin Chúa bởi đức tin đã đến từ năm 1620 một nước Mỹ đẹp và giàu có, thịnh vượng, giàu tài nguyên, cây cỏ bông hoa thật đẹp và phong phú, đồi núi hùng vĩ, các loài thú từ chim, cá, gia súc đến các loài thú đều dư dật. Và Đức Chúa Trời đã chúng ta đang tạm sống trên vùng đất đượm sữa và mật này.
  •  Tôi tin rằng Lời Chúa phán dạy dân Chúa trong sách Phục truyền 8:11, cũng là Lời Chúa phán với người Việt-nam chúng ta trên đất Mỹ: Ngươi khá cẩn thận, E QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời người.

II/. NGUYÊN NHÂN KHIẾN QUÊN:

  •  Phục truyền 8:11-18
  •  Theo một tài liệu gần đây nói đến những lý do mà người ta QUÊN.
  •  Họ gọi ‘Quên’ là một rối loạn về trí nhớ, nếu trầm trọng thì gọi là bịnh Alzeimer.
    • Quên có thể là do tuổi già hoạt động của não giảm hay chậm.
    • Quên có thể là do có quá nhiều việc cần giải quyết
    • Quên cũng có thể là một dạng tâm thần nhẹ.
  •  Nhưng trong phân đoạn Kinh Thánh Phục truyền 8:11-18, Lời Chúa nói đến một nguyên nhân khiến con người Quên Ơn Chúa, không phải vì tuổi già, không phải vì bận rộn công việc, cũng không phải vì người đó bị bịnh thuộc tâm trí, nhưng là vì:
    • Câu 11, vì con người nhớ nhiều thứ nhưng lại thường quên Lời Chúa dạy. Vì cảm nghĩ của rất nhiều người tin Chúa đối với Kinh Thánh là Lời Chúa là Lời Chúa không cần thiết, chỉ là một sự trang trí thêm cho đời sống có vẻ đạo đức, thay vì là lý do khiến đời sống được may mắn và được phước (Giô-suê 1:8)
    • Câu 12-14, nguyên nhân khiến người ta quên ơn Chúa là khi họ được giàu có, no nê, thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi…
  •  Tự cao như thế nào?
  •  Câu 15-18, tự cao bằng việc tự cho: Ấy là nhờ quyền năng ta và sức lực của tay ta mà đoạt được những sản nghiệp nầy. Họ ‘Quên’ rằng ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp… (câu 18)
  •  30 năm trước đây, một người Việt-nam đã dám tự cao quên ơn Chúa khi nói rằng:
Bàn tay nầy làm nên tất cả,
Bàn tay nầy sỏi đá cũng thành cơm

  •  Kết quả những năm đó người Việt-nam chúng ta trong nước thật đã ăn cơm với sỏi đá, mỗi lần ăn là mỗi lần phải ngồi lượm những sạn đá. Và công việc chính yếu của mỗi gia đình là dành thì giờ lượm thóc, sỏi, sạn, bông cỏ trong gạo trước khi nấu cơm.
  •  Rồi khi tụ tập đào kinh dẫn nước, con người dám viết một tấm bảng cắm giữa lòng kinh với nội dung: CHỐNG TRỜI!, rồi còn chụp hình đăng báo lấy làm hãnh diện. Kết quả là mấy năm sau phải vội vàng phá bỏ những con kinh đào đó vì nắng hạn đã làm nước mặn từ biển xâm nhập vào đất liền.
  •  Trong Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời luôn dạy chúng ta phải siêng năng, phải làm việc:
    • Rôma 1211, Lời Chúa dạy: Hãy siêng năng mà chớ làm biếng
    • II Têsalônica 3:10b, Lời Chúa dạy: Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.
  •  Nhưng điều quan trọng không được QUÊN là phải nói như Phaolô nói trong thư Philíp 4:13, Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi. Phaolô cũng tuyên bố: TÔI LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ, nhưng quan trọng là mệnh đề thứ hai, Phaolô đã không QUÊN ấy là nhờ Chúa ban thêm sức cho ông.
  •  Phục truyền 8:18, Lời Chúa dạy: Hãy nhớ lại – nghĩa là không được QUÊN - … ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp.
  •  Cảm ơn Chúa, tôi không biết trong suốt một năm qua, anh chị em Tạ Ơn Chúa mấy lần, nhưng ít nhất hôm nay, nhân ngày Lễ Tạ Ơn toàn quốc, anh chị em phải nắm lấy cơ hội hôm nay Tạ Ơn Chúa, chớ quên các huệ của Chúa.
  •  Bây giờ, để chứng tỏ anh chị em KHÔNG QUÊN ƠN CHÚA, anh chị em có thể thuật lại một ơn Chúa nào trong những ngày gần đây mà Chúa đã ban cho anh chị em không?
  •  Xin Chúa cho không ai QUÊN!

III/. HẬU QUẢ QUÊN:

  •  Phục truyền 8:19-20
  •  Y học nói về hậu quả bệnh QUÊN như sau: “Giảm trí nhớ là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh … Trong giai đoạn đầu, chủ yếu là giảm trí nhớ gần – người bệnh không có khả năng học những thông tin mới. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân quên cả những thông tin đã nhận được truớc đó, kể cả quên tên người thân. Ngoài ra, bệnh nhân còn có biểu hiện: mất ngôn ngữ, không tìm được đúng từ để diễn tả một vật (như chìa khóa thì gọi là cái mở cửa; tách trà thì gọi là cái đựng nước uống, …); nói nửa chừng, nói sai ngữ pháp. Giai đoạn muộn, bệnh nhân không hiểu được ngay cả những câu đơn giản, thường nói lẩm bẩm hoặc hoàn toàn im lặng. Bệnh nhân trong tình trạng mất sử dụng động tác – không có khả năng thực hiện những công việc thường ngày, thậm chí cả những việc đơn giản như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Cuối cùng là gây tàn phế không còn khả năng nhận biết những đồ vật thường dùng.”
  •  Trong đời sống thuộc linh cũng vậy, rõ ràng những người QUÊN ơn Chúa, không biết nói lời cảm ơn Chúa, lần lần bệnh càng nặng hơn, họ trở thành im lặng không còn nói lời nào về ơn Chúa, họ QUÊN hoàn toàn ơn Chúa đối với họ, không muốn nói với ai về ơn Chúa và cuối cùng là hoàn toàn sống như người chưa hề biết Chúa.
  •  Đó là hậu quả theo đời thường, còn Phục truyền 8:19-20, Lời Chúa nói rõ hậu quả những người QUÊN ơn Chúa như sau:
    • Câu 19, nếu ngươi QUÊN Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà theo các thần khác, hầu việc và quì lạy trước các thần ấy, THÌ NGÀY NAY TA CÁO QUYẾT RẰNG: CÁC NGƯƠI HẲN SẼ BỊ DIỆT MẤT.
  •  Lịch sử của tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã chứng minh Lời Chúa nhiều lần ứng nghiệm:
    • Quan xét 2:10b, ngay khi vào đến xứ Ca-na-an, dân Chúa đã QUÊN Lời Chúa dạy, QUÊN ơn Chúa đã giải cứu họ ra khỏi nhà nô lệ Ai Cập, dẫn họ vào xứ tốt tươi. Hậu quả là dân Y-sơ-ra-ên đã bị Chúa phạt suốt gần 400 năm, một thời kỳ được gọi là thời kỳ tối tăm dưới đời các Quan xét.
    • II Vua 17:22-23, dân Y-sơ-ra-ên đã QUÊN Lời Chúa dạy, QUÊN ơn Chúa ban, đi thờ hình tượng. Hậu quả là Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu đày qua A-si-ri
    • II Sử ký 36:15-21, dân Giu-đa phía nam dù thấy anh em mình phía bắc bị Chúa phạt lưu đày, nhưng họ cũng không ăn năn, cứ tiếp tục QUÊN CHÚA, QUÊN ƠN CHÚA, đi theo các tà thần. Hậu quả là Đức Chúa Trời cho phép dân Ba-by-lôn đánh phá Giê-ru-sa-lem và đày cả xứ qua Ba-by-lôn 70 năm.
  •  Năm 1980, khi viết về nước Mỹ trong quyển sách tựa đề Sự Phục Hưng Hầu Đến, Tiến sĩ Bill Bright đã cảnh cáo: Nếu nước Mỹ không ăn năn, nước Mỹ sẽ bị hủy diệt.
  •  Nếu chúng ta phải viết một lời cho nước Việt-nam chúng ta thì chúng ta phải nói gì? Suốt 2 tháng qua, thảm họa liên tục đổ xuống, tràn vào cả nước Việt-nam chúng ta, từ lũ lụt, bão tố, dịch tả, hết trận nầy đến trận khác kế tiếp. Trong lúc đó, lương thực cứu đói cho đồng bào Miền Trung trở nên khó khăn, nhiều nơi phải vận chuyển bằng trực thăng, giá lương thực lên cao chưa từng có. Ngay bây giờ (ngày 20 tháng 11 năm 2007), Việt-nam sẽ chuẩn bị đón một trận lũ nữa tại Miền Trung, Sàigòn sẽ đón một trận ngập triều cường rất lớn, từ miền Trung đến Miền Nam sẽ đón trận bão đôi, nghĩa là 2 cơn bão liên tiếp sẽ thổi vào. Hậu quả là gì? Chưa thể tiên đoán được. Tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa cho dân tộc Việt-nam của chúng ta biết ăn năn, xin Chúa cho Hội Thánh hạ mình tìm kiếm mặt Chúa để cứu xứ ra  khỏi tai họa.
  •  Nhìn xa rồi nhìn lại hơn một triệu người Việt-nam đang sống trên đất Mỹ nầy. Sau 30 năm, chúng ta thật đã QUÊN và QUÊN ƠN Chúa NHIỀU LẮM! Người Việt-nam chúng ta nơi hải ngoại nầy thay vì nhớ ơn Chúa, thì trái lại đã QUÊN ơn Chúa.
  •  Hội Thánh Việt-nam hải ngoại nầy cũng vậy, bây giờ chúng ta không còn muốn đền ơn Chúa bằng cách cầm cái chén cứu rỗi mà rao truyền sự chết của Chúa nữa.
  •  Phải nói gì đây? Tôi xin Chúa cho mỗi chúng ta hạ mình đọc lại hai câu 19 và 20 nầy và tỉnh thức!

------------------

Đề mục: NHỚ
Kinh Thánh Phục truyền 24:17-22
Câu gốc: Phục truyền 24:18

I/. NHỚ ĐÃ LÀM TÔI MỌI:

  •  Phục truyền 24:18, “Khá nhớ rằng mình đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô…
  •  Chúa phán rõ: …làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô!
  •  Chúa muốn dân Y-sơ-ra-ên nhớ lại hay nói cách khác là không được quên hơn 400 năm họ đã từng làm nô lệ tại xứ Ai Cập (Ê-díp-tô).
  •  Sách Xuất Ê-díp-tô ký đã ghi lại tình cảnh 400 năm nô lệ của người Y-sơ-ra-ên:
    • Xuất. 1:11, làm xâu (làm sưu), tức là làm công việc nặng nhọc không được trả tiền công.
    • Xuất. 1:13-14, những từ ngữ: nhọc nhắn, cay đắng. Những người Việt-nam sống dưới chế độ thực dân Pháp chắc chắn hiểu được cảnh bị bắt làm cơm nhà áo vợ, bỏ nhà bỏ con, đi đến một nơi nào đó để làm những công việc như đắp đường, xây nhà, mà không được trả tiền công. Cực khổ biết bao nhiêu!
    • Xuất. 1:15-16, trong tình cảnh nô lệ đó, các con trai sơ sinh của người Y-sơ-ra-ên lại bị giết theo chánh sách diệt chủng của vua Ai Cập.
  •  Anh chị em xem lại những công trình xây dựng nổi tiếng tại Ai Cập thời bấy giờ cách đây 3,000 năm hơn, như các kim tự tháp, đền đài, với những phương tiện đơn sơ, phần lớn chỉ dựa vào sức người, sẽ hiểu được nỗi nhọc nhắn, cay đắng mà người Y-sơ-ra-ên phải chịu hơn 400 năm.
  •  Anh chị em cũng phải hiểu chữ “tôi mọi”, hay là nô lệ. Hãy đọc những quyển sách nói về cảnh nô lệ đã được các nhà văn viết thành tiểu thuyết như: Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu, Chiếc lều của chú Tom, Cội Rễ…, dù chỉ là đọc, chắc chắn anh chị em cũng cảm nhận được phần nào cuộc đời khốn khổ của các nô lệ.
  •  Phaolô đã áp dụng tình cảnh nô lệ đó vào đời sống thuộc linh trong:
    • Rôma 6:19b, 20a, 21
    • Êphêsô 2:1-3
  •  Đó là kinh nghiệm của tất cả chúng ta từng sống dưới ách nô lệ của tội lỗi, nô lệ cho ma quỉ như vậy.
  •  Và hôm nay Lời Chúa phán với chúng ta: KHÁ NHỚ, không được quên (Phục. 24:18a).
  •  NHỚ để làm gì?
  •  Nhớ để làm được những điều Chúa dạy:
    • 24:17, nếu không nhớ quá khứ mình từng làm tôi mọi, làm nô lệ, thì chúng ta sẽ ăn ở bất công với những người khách lạ, kẻ mồ côi, người góa bụa.
    • 24:19-21, nếu không nhớ quá khứ mình đã từng làm tôi mọi, làm nô lệ, thì chúng ta không thể thương xót những người nghèo khó.
  •  Nếu không nhớ chúng ta từng làm tôi mọi cho tội lỗi, làm nô lệ cho ma quỉ, thì chúng ta không thể yêu thương những người chưa được cứu. Không yêu thương được những người chưa được cứu thì chúng ta không thể đem sự cứu rỗi yêu thương của Chúa cho họ.
  •  Nếu không nhớ chúng ta từng làm tôi mọi cho tội lỗi, làm nô lệ cho ma quỉ, thì chúng ta không thể sống khiêm nhường để yêu thương anh em mình trong Chúa. Chúng ta dễ lắm kiêu ngạo cho mình là cao trọng hơn anh em.
  •  Một thanh niên mới tin Chúa được hai tuần đã dắt được 3 người bạn chưa tin Chúa đến nghe Truyền giảng Tin Lành và cả 3 đã tin Chúa. Một Chấp sự trong Hội Thánh ngạc nhiên nói với tôi: Lạ thật! Thanh niên nầy mới tin Chúa mà dắt được 3 người đến với Chúa. Tôi nói với ông Chấp sự rằng: Tại anh thanh niên nầy mới tin Chúa vẫn còn nhớ tình cảnh khốn khổ của mình dưới ách nô lệ tội lỗi nên còn yêu thương những người bạn chưa tin Chúa; còn chúng ta tin Chúa lâu nên đã quên mình đã từng làm nô lệ cho tội lỗi đau khổ thế nào, nên không còn yêu thương những người chưa tin Chúa, bởi đó không còn muốn mời thân hữu đến nghe Tin Lành.

II/. NHỚ GIÊ-HÔ-VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ CHUỘC NGƯƠI:

  •  Phục truyền 24:18b, Khá nhớ rằng … Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc ngươi khỏi đó…
  •  Nếu chúng ta nhớ một quá khứ nô lệ, thì Lời Chúa cũng dạy chúng ta cũng phải NHỚGiê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc chúng ta khỏi tình cảnh nô lệ đó.
  •  Chúa đã làm cách nào để chuộc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập?
  •  Thi thiên 105:25-45 đã ghi lại cách mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chuộc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Đây là một bảng tường thuật cũng là một bài ca nhắc lại công ơn cứu chuộc của Chúa đã được sách Xuất Ê-díp-tô ký đến sách Phục truyền ghi lại.
    • Chúa đã dùng chính cánh tay Ngài cứu chuộc họ, nghĩa là Chúa không dùng phương tiện mà chính Ngài trực tiếp hi sinh làm công việc cứu chuộc họ.
    • Chúa không chỉ dùng cánh tay Ngài giải cứu họ, mà Chúa còn dẫn dắt họ về Đất Hứa.
    • Chúa không chỉ dẫn dắt họ mà Chúa còn nuôi dưỡng họ 40 năm trong đồng vắng.
    • Chúa không chỉ nuôi dưỡng họ 40 năm, mà Chúa còn tha thứ khi họ phản nghịch chống lại Chúa.
    • Chúa không chỉ tha thứ họ, mà Chúa còn đưa họ vào Đất Hứa, ban cho xứ tốt tươi đượm sữa và mật.
  •  Sứ đồ Phierơ đã so sánh điều nầy với sự cứu chuộc mà Chúa Jêsus Christ đã làm cho chúng ta ngày nay, trong I Phierơ 1:18-20, Chúa Jêsus Christ cứu chuộc chúng ta không phải bằng bạc hay vàng, mà là bởi Huyết Chiên Con của Đức Chúa Trời, tức là bằng chính sự sống của Con Đức Chúa Trời!
  •  Anh chị em có thấy để cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập đem họ về Đất Hứa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm bao nhiêu phép lạ, bao nhiêu quyền năng. Nhưng kỳ diệu thay, để cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi, ra khỏi ách nô lệ ma quỉ và quyền lực của tội lỗi, của ma quỉ, Chúa không làm phép lạ, Chúa không dùng phương tiện, Chúa đã dùng chính mạng sống của Ngài, hạ mình xuống làm người, thậm chí chết trên thập tự giá như một tội nhân tội nặng nhất, địa vị hèn hạ nhất, đổ huyết cứu chúng ta.
  •  Hôm nay, chúng ta phán: Khá nhớ … Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã chuộc ngươi, khá nhớ công ơn cứu chuộc của Chúa Jêsus Christ.
  •  Nhớ Chúa cứu chuộc chúng ta để làm gì?
  •  Để anh chị em có thể nói những lời như trong Phục truyền đoạn 26:5-10 và sống vui vẻ dâng hiến cho Đức Chúa Trời.
  •  Tôi nói Dâng hiến vui vẻ cho Chúa, vì cảm ơn Chúa.
  •  Nói đến đây, nhắc chúng ta nhớ đến bài Thánh ca: Ta hi sinh vì con hết… mà chúng ta hát bao nhiêu lần, được nhắc lại công ơn cứu chuộc của Chúa Jêsus Christ. Với điệp khúc là những câu hỏi được hỏi bao nhiêu lần, mà hình như chưa bao giờ được chúng ta trả lời..
  •  Trong quyển Những Tia Sáng II, trang 396, của Mục sư Lê văn Thái, có ghi một câu chuyện: Ông Sam Jones gặp một tín đồ than với ông:
*Tôi đóng góp vào Hội Thánh nặng quá!
Ông Sam Jones hỏi: “Bao nhiêu một năm?”- 5 đôla.
Ông tin Chúa được bao lâu rồi? – 4 năm.
Trước khi tin Chúa, ông làm nghề gì? – Nghiện rượu.
Mỗi năm uống rượu hết bao nhiêu tiền? - 250 đôla
Khi ấy ông có đất ruộng gì không? – Phải mướn đất cày với một con bò.
Bây giờ có gì? – Một khu ruộng tốt và một đôi ngựa cày.
Mỗi năm ông nộp cho ma quỉ 250 đôla để được cày thuê với một con bò. Nay ông được Chúa cứu khỏi quyền lực ma quỉ, được đất riêng với đôi ngựa để cày. Thế mà dâng cho Chúa có 5 đôla ông lại cho là nặng! Thật là người bội bạc từ đầu đến chân.

III/. NHỚ LỜI CHÚA DẠY:

  •  Phục truyền 24:18c, … Cho nên ta dặn biểu ngươi phải làm như vậy.
  •  Phải công nhận học cái gì cũng dễ nhớ, nhưng học Lời Chúa là Kinh Thánh thì khó nhớ.
  •  Càng khó hơn nữa khi phải học Lời Chúa để nhớ làm theo như trong câu Phục truyền 24:18c nầy: Phải làm như vậy!
  •  Galati 5:17 giải thích lý do khó nhớ Lời Chúa, vì chúng ta thích chiều theo xác thịt là những điều Galati 5:19-20 nói đến. Còn Lời Chúa thì lại là lời bẻ trách, sửa trị.
  •  Chúng ta lấy một thí dụ cụ thể: Tuần qua chúng ta nghe đọc bao nhiêu câu Kinh Thánh? Có sự dạy dỗ nào nhận được và đã được làm theo? Và được làm theo cách cẩn thận?
  •  Ôsê 8:12-13 là tiếng than thở của Chúa: Ta ban cho chúng nó một vạn điều, nhưng nó coi như chẳng can gì đến mình…
  •  Khó nhớ Lời Chúa vì chúng ta không biết rằng nếu không nhớ Lời Chúa để làm theo thì sẽ bị rủa sả (Phục truyền 27:26).
  •  Một người làm nghề xây dựng. Lúc thất nghiệp thì siêng năng nhóm lại, thăm viếng chứng đạo. Đến khi có việc làm trong một Công ty lắp ráp nhà tiền chế cho ngoại quốc thì bỏ nhóm, không tham gia công việc Chúa. Anh em trong Hội Thánh đến thăm mời nhóm lại, thì anh nầy cho rằng để thì giờ đi nhà thờ là không thực tế; đi làm kiếm tiền là thực tế hơn. Người đó không nhớ Lời Chúa dạy trong Xuất. 20:8-11; Hêb. 10:25; cũng không nhớ Lời Chúa dạy trong Malachi 3:10-11.
Kết quả vào một cuối ngày, anh được lịnh của Giám đốc công ty bảo phải lên kiểm tra việc lắp ráp tầng trên trước khi ra về. Anh cùng một người bạn không tin Chúa được cần cẩu đưa lên tầng trên, bất ngờ cần cẩu đứt dây khiến hai người rơi xuống. Người bạn không tin Chúa thì chết ngay tại chỗ, còn anh bị gãy chân phải cấp cứu nơi bịnh viện. Khi hay tin, anh em trong Hội Thánh lại vào thăm, nơi giường bịnh, anh ấy biết rằng làm theo Lời Chúa dạy là thực tế hơn, xuýt chút nữa anh đã chết chung với kẻ chẳng tin.
  •  Cảm ơn Chúa, ngược lại, Chúa có hứa ban thưởng cho người nào làm theo Lời Chúa dạy:
  •  Hãy đọc Phục truyền 28:1-14
  •  Hãy thử nghiệm Lời Chúa hứa!
  •  Hãy thử nghiệm chính ngay những điều Chúa dạy hôm nay:
    • Hãy NHỚ quá khứ nô lệ tội lỗi để yêu thương mọi người, yêu thương những người chưa được cứu, để sống khiêm hường trong Chúa.
    • Hãy NHỚ công ơn cứu chuộc của Chúa để vui lòng dâng hiến tài vật, dâng hiến đời sống cho Chúa.
    • Và hãy NHỚ Lời Chúa để sống theo Lời Chúa dạy mỗi ngày hầu cho chúng ta được may mắn trong con đường mình và được phước.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.