I/. TÊN SÁCH:
- Chữ RU-TƠ:
Đây không phải là tên Tác giả của sách, nhưng là tên Nhân vật chính trong sách.
- Bà Ru-tơ:
Sáng. 19:37-, Mô-áp là một dân tộc dòng dõi của Lót, dân tộc nầy bị Chúa phạt dù mười đời cũng không được vào hội của Chúa (Phục Truyền 23:34).
Ru-tơ là một phụ nữ góa chồng (chồng là một người Y-sơ-ra-ên di cư qua Mô-áp, người chồng nầy chết sớm).
Ru-tơ là một nàng dâu có lòng yêu thương mẹ chồng là Na-ô-mi.
Ru-tơ được tái giá với Bô-ô và trở nên tổ mẫu của vua Đa-vít và tổ mẫu của Chúa Jêsus Christ.
II/. NIÊN HIỆU SÁCH RU-TƠ:
1:1 cho biết câu chuyện trong sách Ru-tơ xảy ra trong đời Các Quan Xét, nghĩa là xảy ra trước thời Đa-vít từ 60 năm đến 100 năm (1100 TC.)
4:22 tỏ ra sách Ru-tơ được viết ít nhất là lúc đương thời Đa-vít, do đó có ý kiến cho rằng sách được Samuên viết.
III/. SỰ QUAN TRỌNG CỦA SÁCH RU-TƠ:
- So sánh với sách Các Quan Xét:
Sách RUTƠ: là sách của sự bình an (qua thái độ của Ru-tơ), tin cậy, được sản nghiệp, vui mừng phục vụ.
Giữa thời kỳ Các Quan Xét đầy tội lỗi, gian ác, nổi bật lên một người phụ nữ như Ru-tơ khác nào nhưHoa Huệ giữa Gai Gốc (Nhã ca 2:2)
- So sánh với sách Ê-xơ-tê:
RU-TƠ | Ê-XƠ-TÊ |
Người nữ ngoại bang được đem về sống giữa người Y-sơ-ra-ên | Người nữ Y-sơ-ra-ên được đem về sống giữa người ngoại bang |
Có người chồng Y-sơ-ra-ên thuộc Hoàng tộc (tổ phụ vua Đa-vít. | Có chồng người ngoại bang thuộc Hoàng tộc một Đế quốc thù nghịch |
Một phụ nữ trẻ yêu thương bà mẹ chồng, hy sinh cho gia đình chồng. | Một phụ nữ trẻ yêu thương một dân tộc, hy sinh cho dân tộc mình |
CẢ HAI NGƯỜI PHỤ NỮ NẦY ĐỀU LÀ NHỮNG NHÂN VẬT VĨ ĐẠI VÀ ĐẠO ĐỨC |
- So sánh với Gia phổ của Chúa Jêsus Christ: Mathiơ 1:1-17
- Mathiơ 1:3, bà Tha-ma – Sáng. 38:
- Math. 1:5, Bà Ra-háp – Giô-suê 2:; 6:
- Math. 1:5, Bà Ru-tơ – Ru-tơ 1:-4:
- Math. 1:6b, vợ của U-ri – II Samuên 11: - 12:
. Tha-ma là nàng dâu đã lừa cha chồng để đạt được việc có thai với cha chồng bằng cách giả làm kỹ nữ.
. Ra-háp là kỹ nữ của thành Giê-ri-cô
. Ru-tơ là người Mô-áp, tức là thuộc dân tộc không được vào hội của Đức Chúa Trời.
. Bát-sê-ba là người đã làm cho Đa-vít bị mê hoặc đến nỗi Đa-vít giết chồng của bà là U-ri, rồi lại bằng lòng sống với Đa-vít.
Kỳ diệu thay, bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời, bốn người nầy – trong đó có Ru-tơ – đã được ghi vào gia phổ của Đấng Cứu Thế, như Kinh Thánh phán:
Gal. 3:27-29; Êph. 2:8-9, 14, 26, trong Chúa Jêsus Christ không còn phân biệt người Y-sơ-ra-ên hay người ngoại bang, người nam hay người nữ, khi phục vụ Chúa.
Ghi chú: trong gia phổ của Chúa Jêsus Christ, từ A-đam đến Chúa Jêsus Christ giáng sanh có độ 60 thế hệ, chia làm 10 đời: Từ A-đam đến Nô-ê; từ Sem đến Áp-ra-ham; từ Y-sác đến Bô-ô.
- So sánh với Giáo Lý Cứu Rỗi:
b/. Đoạn 1: Giới thiệu một số tên (tên người và tên Địa phương) có ý nghĩa liên quan đến Giáo lý Cứu Rỗi (Theo J. Sidlow Baxter):
. Bết-lê-hem: Bết = Nhà; Lê-hem = Bánh (bánh mì = Bread). Bết-lê-hem là Nhà Bánh.
. Ê-li-mê-léch: Ê-li = Đức Chúa Trời của tôi; mê-léch = vua. Ê-li-mê-léch = Đức Chúa Trời của tôi là vua
Người Y-sơ-ra-ên nầy cưới một người vợ tên Na-ô-mi = ngọt ngào, đặc ân. Họ có hai đứa con là Mạc-lôn= vui mừng, bài ca, và Ki-li-ôn = Sự đẹp đẽ
Dân Y-sơ-ra-ên đời Các Quan Xét theo chế độ Thần quyền, nghĩa là Đức Chúa Trời là vua của người Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên có thể nói: Đức Chúa Trời của tôi là vua của tôi.
Nhưng dưới sự thử nghiệm đức tin qua cơn đói, Y-sơ-ra-ên mất lòng tin, tìm sự nương cậy nơi ngoại bang. Kết quả: Ê-li-mê-léch chết – Y-sơ-ra-ên không còn nói được Đức Chúa Trời là vua của tôi, kết quả kế tiếp là Mạc-lôn (vui mừng) chết, Ki-li-ôn (sự đẹp đẽ) cũng chết, không còn. Na-ô-mi trở thành Ma-ra = cay đắng (1:20)
. Cảm ơn Chúa, với quyết định quay về (ăn năn), Na-ô-mi có Ru-tơ (là bạn hữu, bạn thân, sự an ủi) cùng đi, đã gặp được Bô-ô (trong người có sức lực), do đó tìm lại được sức lực (sản nghiệp) sinh ra tinh thần vui mừng phục vụ (Ô-bết).
c/. 3:12 nói đến “người bà con vô danh” (4:6),
. Người bà con nầy có quyền ưu tiên chuộc lại sản nghiệp của Ê-li-mê-léch (4:4), nhưng khi nghe phải cưới luôn Ru-tơ là người Mô-áp, thì người đó từ chối
Người bà con nầy là LUẬT PHÁP. Luật pháp không cứu được tội nhân như chúng ta (Rôma 3:20), luật pháp chỉ định tội.
. Cảm ơn Chúa, Ru-tơ BỊ đóng lại trước Luật pháp, nhưng ĐƯỢC mở ra bởi Ân điển. Một tội nhân đến với Luật pháp (Núi Sinai) sẽ được nghe: Linh hồn nào phạm tội sẽ chết (Ê-xê-chi-ên 18:4); nhưng khi tội nhân đến với Ân điển (Núi Gô-gô-tha) thì được nghe: Giăng 5:24.
d/. Sách Ru-tơ có 17 lần dùng chữ CHUỘC, bởi đó chúng ta có một Bố cục cho sách Ru-tơ:
. 1: Người được chuộc: (Một người đáng bỏ nhưng được chuộc)
. 2:-3:, Phương pháp được chuộc: Không bởi Luật pháp (Người bà con vô danh), mà bởi ân điển (Bô-ô), vì yêu thương.
. 4: Kết quả việc được chuộc: Được sản nghiệp, được khen thưởng.
IV/. BỐ CỤC:
A/. Tổng quát:
Đề mục: RU-TƠ
Câu gốc: 1:16-17
I/. Ru-tơ quyết định – 1:
(Người con gái trung thành)
II/. Ru-tơ Phục sự – 2:
(Công việc thấp hèn: mót lúa)
III/. Ru-tơ yêu cầu – 3:
(Người nữ tài đức yêu cầu một người bà con hào hiệp)
IV/. Ru-tơ được thưởng – 4:
(Một người vợ và người mẹ được yêu thương).
Điểm nổi bật của Ru-tơ là Tình Yêu thương mà Ru-tơ dành cho mẹ chồng Na-ô-mi và gia đình bên chồng, nên chúng ta có thể chia Bố cục theo Đề Tài: TÌNH YÊU THƯƠNG
Đề mục: TÌNH YÊU THƯƠNG
- Quyết Định của Tình Yêu thương – 1:
- Hành động của Tình Yêu thương – 2:
- Đặc Tính của Tình Yêu thương – 3:
- Phần thưởng của Tình Yêu thương – 4:
B/. Bố cục chi tiết:
ĐOẠN 1:
QUYẾT ĐỊNH CỦA RU-TƠ
1:1 cho biết câu chuyện xảy ra thời Các Quan xét. Một vùng xứ Ca-na-an là Bết-lê-hem bị đói kém.
Trước hoạn nạn đó, Ê-li-mêléc cùng vợ là Na-ô-mi lìa bỏ Bết-lê-hem đến cư ngụ ở Mô-áp là xứ thờ hình tượng.
Quyết định của Ê-li-mê-léc là một quyết định sai lầm. Họ không biết rằng lý do xứ bị đói kém là do dân Chúa bội nghịch giao ước với Đức Chúa Trời (Lê-vi 26:3-5, 14-20). Thay vì ăn năn với Chúa, họ vội lìa bỏ Đất Hứa của Chúa (Hội Thánh)
Tới Mô-áp, họ tìm thấy bánh tạm nhưng cũng tìm thấy những phần mộ cho mình.
. Ê-li-mê-léc chết
. Hai con trai kết hôn với người nữ Mô-áp, trái mạng lịnh của Đức Chúa Trời (Phục 7:3). Mười năm sau họ cũng nằm xuống trong lòng đất Mô-áp.
Sau 10 năm còn lại 3 người đàn bà góa: một già hai trẻ.
Na-ô-mi nghe tin quê hương được phước, liền trở về với 2 người con dâu. Nửa đường, Ọt-ba trở lại Mô-áp, còn Ru-tơ quyết định đi cùng mẹ chồng (1:16-17 – Tham khảo Rôma 8:38-39).
Đây là đoạn Kinh Thánh đặc biệt trình bày tình yêu thương giữa mẹ chồng với nàng dâu – một việc hiếm có thời xưa.
Đoạn 1 có 3 quyết định:
. Quyết định của Ê-li-mê-léc – một quyết định sai lầm bỏ Bết-lê-hem là nhà Bánh đến xứ Mô-áp thờ hình tượng.
. Quyết định của Ọt-ba – quyết định theo nửa đường rồi trở lại đường cũ để chìm mất trong tội lỗi (II Timôthê 4:10).
. Quyết định của Ru-tơ – theo đến cùng (II TImôthê 4:6-8; Khải huyền 2:10b).
ĐOẠN 2:
TINH THẦN PHỤC VỤ CỦA RU-TƠ.
Công việc của Ru-tơ là “Mót Lúa”. Đây là công việc thấp hèn dành cho những người quá nghèo không có sản nghiệp, đi theo những người gặt lúa để lượm lấy những gié lúa rơi rớt, sót lại. Người mót lúa có địa vị còn kém hơn “đầy tớ” trong gia đình.
Luật pháp của Chúa dạy người chủ ruộng về việc mót lúa:
. Lêv. 19:9-10; 23:22
. Phục truyền 24:19
Dù là một công việc thấp hèn, nhưng Ru-tơ rất tận tâm phục vụ – 2:7, 11, 17)
Câu 18 làm chứng rằng nàng làm việc vì yêu thương mẹ chồng.
Tinh thần phục vụ của Ru-tơ đã cảm động lòng nhiều người như:
. 2:6, cảm động các đầy tớ của Bô-ô
. 2:8-9, 12, 14, 15-16, Bô-ô nhìn nhận và thưởng cho Ru-tơ
. 2:23, cảm động Na-ô-mi.
. Giăng 13:14; Rôma 12:11; Êph. 4:28; Côl. 3:23; II Tê. 3:10, là những bài học Chúa dạy về tinh thần phục vụ..
ĐOẠN 3:
YÊU CẦU CỦA RU-TƠ.
Muốn hiểu được phong tục của người Y-sơ-ra-ên trong đoạn 3 nầy về việc Chuộc Sản Nghiệp, thì chúng ta phải đọc Luật của Chúa dạy trong Phục truyền 25:5-6.
Căn cứ vào Luật của Chúa dạy, Na-ô-mi đã sai Ru-tơ tìm đến Bô-ô với 3 mục đích:
- Để Ru-tơ có một chỗ an thân và phước hạnh – 3:1
- Để có người chuộc lại sản nghiệp cho dòng họ Ê-li-mê-léc – 3:10
- Để có con trai nối tiếp sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc.
Hành động của Ru-tơ không phải có ý xấu, trái lại còn được khen vì đúng luật và Ru-tơ được công nhận là trong sạch (3:10).
ĐOẠN 4: PHẦN THƯỞNG CỦA RU-TƠ
Có 3 điểm về phong tục của người Y-sơ-ra-ên được ghi nhận ở đây:
. 4:1-2, việc phân xử thuộc thẩm quyền của các Trưởng lão (những người già hay người đứng đầu các chi phái). Những người nầy thường ngồi trước cửa thành, tìm cách dàn xếp hai bên.
. 4:7-8, hành động cỡi giày (dép) của người không chuộc sản nghiệp trao cho người chuộc sản nghiệp. Đây là một sự sỉ nhục dành cho người không làm trọn bổn phận đối với anh em (Phục. 25:5-10)
. 4:16, con đầu lòng sẽ mang danh và quản trị sản nghiệp cho người chồng đã chết.
Riêng Ru-tơ cũng nhận được những phần thưởng:
- Có một người chồng giàu có và quyền thế (2:1 và 4:9-10)
- Chuộc lại sản nghiệp cho người chồng đã chết (4:10b)
- Sanh một con trai (4:13) nghĩa là không còn bị sỉ nhục vì không có con (Sáng 21:6-7; I Samuên 1:6-7; Luca 1:25)
- Ru-tơ được mọi người khen ngợi (4:14-15)
- Trở nên Tổ mẫu của vua Đa-vít (4:17), dự phần vào chương trình cứu rỗi cho nhân loại (Mathiơ 1:5)
KẾT LUẬN SÁCH RU-TƠ
BẮT ĐẦU SÁCH | KẾT THÚC SÁCH |
Bắt đầu với cái chết | chấm dứt với sự sanh ra |
Bắt đầu với tuyệt vọng, | kết thúc với hi vọng |
Bắt đầu với nước mắt, | chấm dứt với vui mừng |
Bắt đầu với tên mới Ma-ra (cay đắng), | kết thúc với tên mới là Ô-bết (phục sự, thờ phượng) |
Ru-tơ như hoa huệ ở giữa gai gốc (Nhã ca 2:2) | |
Bô-ô như cây bình bát giữa các cây rừng (Nhã ca 2:3) |
Đề mục: QUYẾT ĐỊNH
Kinh thánh: Ru-tơ 1:
Câu gốc: Rutơ 1:16-17
Mục đích: Học tiếp các sách trong Kinh thánh. Nhân năm mới 2003, tìm kiếm một quyết định mới qua bài học sách Rutơ
I/. QUYẾT ĐỊNH CỦA NA-Ô-MI:
- Rutơ 1:1-7
- Sách Rutơ bắt đầu với những sự mô tả tình cảnh bi thương:
. 1:1, một cơn đói kém xảy đến trong xứ. Cơn đói kém nầy khiến những người ở một địa điểm được gọi là Nhà Bánh (Bết-lê-hem) cũng phải bỏ xứ mà đi.
. 1:1, từ Bết-lê-hem … kiều ngụ trong xứ Mô-áp. Những lời khiến chúng ta nhớ đến một câu cũng giống như vậy trong Luca 10:30, có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, hầu như tất cả nhà giải nghĩa Kinh thánh đều đồng ý áp dụng cho những cuộc đời xuống dốc.
Một người là dân Chúa có một cái tên rất thiêng liêng: Ê-li-mê-léc nghĩa là Đức Chúa Trời là Vua của tôi, ở một nơi phước hạnh là Nhà Bánh (Bết-lê-hem) lại đi xuống một xứ Mô-áp bị rủa sả (Phục. 23:3). Đó là một quyết định sai lầm của Ê-li-mê-léc
. 1:3-5, thật là một tình cảnh bi thảm: Ê-li-mê-léc qua đời… Kế sau, Mạc lôn và Ki-li-ôn cũng thác, để Na-ô-mi ở lại không chồng không con. Câu 5 thật sự là một tiếng than nặng nề cho tình cảnh của Na-ô-mi biết bao nhiêu.
- Đứng trước hoàn cảnh bi đát như vậy, chúng ta sẽ làm gì ? Thông thường là chúng ta sẽ khóc, sẽ than thở, nếu không muốn nói là đôi khi có những ý nghĩ dại dột.
- Nhưng cảm ơn Chúa, đến 1:6-7, nói đến cách Na-ô-mi giải quyết vấn đề rất đặc biệt, đáng cho chúng ta phải học:
Đây là cách mà Cơ-Đốc nhân chúng ta phải học khi đứng trước một Hội Thánh không phát triển, một tình cảnh dường như tuyệt vọng: Hãy lắng nghe điều Đức Chúa Trời đã và đang làm cho những nơi nầy nơi khác, điều đó sẽ khiến chúng ta khao khát Chúa làm cho Hội Thánh chúng ta, cho chính tình cảnh của chúng ta.
Lịch sử Hội Thánh tại Scotland ghi lại rằng, trong một Hội đồng, mọi người đang lắng nghe một Giáo sĩ đang làm chứng về cuộc phục hưng đang diễn ra tại Triều tiên, thình lình có một người đứng lên và nói:Đức Chúa Trời có thể phục hưng tại đó là vì dân tộc đó còn lạc hậu; còn chúng ta ở đây văn minh tiến bộ, nên không thể phục hưng. Cả Hội đồng đã bất chợt yên lặng vì không ai còn biết nói gì hơn. Nhưng chợt có một người đứng lên và nói: Nếu Đức Chúa Trời có thể phục hưng tại Triều tiên mà không phục hưng Hội Thánh tại Scotland được, thì chúng ta với Hội Thánh tại đó có hai Đức Chúa Trời khác nhau.
Lời nói đó đã làm tan vỡ tất cả mọi người, phục hưng đã tràn đến Scotland. Và anh chị em biết không, nhiều cuộc phục hưng đã xảy đến là do Hội Thánh trong cơn khô hạn đã biết lắng nghe những lời làm chứng phước hạnh mà Chúa đã làm nơi nầy hoặc nơi khác.
Năm 1972, đang lúc các sinh viên Thần học viện tại Nha-trang lắng nghe cuộc phục hưng tại Indonesia qua lời làm chứng của một sinh viên, Đức Chúa Trời đã làm tràn ngập ơn phước trên phòng nhóm trên Lễ Bái đường, rồi tràn ra các Miền Nam Thượng Hạt, Trung Thượng Hạt, một số Hội Thánh Miền Tây tại Việt-nam. Tôi phải nhìn nhận rằng chúng ta đã hầu như không được nghe về những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã và đang làm nhiều nơi trên thế giới, nên chúng ta trở nên xa lạ với ơn phước của Đức Chúa Trời.
Cảm ơn Chúa, bà Na-ô-mi đã làm gương cho chúng ta, trong bi thương, bà Na-ô-mi đã biết dành thì giờ để nghe điều Đức Giê-hô-va làm cho dân Chúa và ban lương thực cho họ
. 1:6b-7, (Na-ô-mi) bèn đứng dậy … từ xứ Mô-áp trở về. Vậy, người lìa bỏ chỗ mình đã ở, cùng hai dâu mình lên đường đặng trở về xứ Giu-đa.
Anh chị em đọc xong những lời nầy, có nhớ một câu chuyện nào có hành động giống như vậy không ? Đó là câu chuyện mà Chúa Jêsus Christ đã thuật kể trong Luca 15:17-20. Sau những đau khổ phải trả do quyết định lìa bỏ nhà Cha cách sai lầm, đứa con trai hoang đàng đã tỉnh ngộ và Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình.
Một quyết định đúng đắn, đúng lúc !
- Cảm ơn Chúa, Bà Na-ô-mi đã quyết định đứng dậy, trở về xứ Giu-đa, xứ của sự ngợi khen (ý nghĩa của chữ Giu-đa).
- Chúng ta đang ở vào thời điểm bắt đầu một năm mới 2003. Năm Mới bao giờ cũng là thời điểm để có những mong ước phước hạnh từ Chúa ban. Và để có những phước hạnh như Chúa đã và đang ban cho Hội Thánh nầy Hội Thánh khác, cá nhân nầy cá nhân khác, tôi thiết tha kêu gọi anh chị em hãy cùng tôi bắt chước bà Na-ô-mi:
- Hãy dành thì giờ Lắng Nghe điều Chúa đã và đang làm qua các thời đại trong Kinh thánh cũng như hiện nay trên các Hội Thánh qua lịch sử Hội Thánh và trên biết bao cá nhân, để rồi với tất cả lòng khát khao dâng lên Chúa lời cầu xin như tác giả bài Thánh ca 256,
Nguyện nghe tiếng cầu tôi.
Lúc bao người được thăm gọi mừng vui.
Mong Ngài nhớ đến tôi.
- Lắng nghe chưa đủ, ngay thời điểm Năm Mới nầy, chúng ta hãy dâng lên Chúa quyết định giống như Na-ô-mi đã quyết định, quyết định trở về với đời sống mà Chúa muốn chúng ta có, đừng đi con đường tìm bánh mà trở về với chính Chúa là Đấng ban lương thực cho chúng ta.
II/. QUYẾT ĐỊNH CỦA RU-TƠ:
- Rutơ 1:8-18
- Đọc qua những lời mô tả cuộc chia tay giữa ba người đàn bà vừa góa bụa vừa nghèo nầy, một cuộc chia tay đầy bịn rịn và cũng đầy nước mắt. Rồi nàng dâu Ọt-ba đã quay lại xứ Mô-áp của mình.
- Kế đó, đến câu 16-17 ghi lại lời quyết định của Rutơ, nghe sao vừa ngậm ngùi vừa đầy cương quyết. Rutơ đã quyết định điều gì ?
“Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó”.
Anh chị em phải nhớ, đây là lời của một nàng dâu đối với mẹ chồng. Tôi nghĩ rằng, là người Việt-nam, ai cũng biết thành ngữ: Mẹ chồng nàng dâu, mô tả cuộc chiến tranh bao đời không dứt trong xã hội Việt-nam từ xưa cho đến ngay cả ngày nay giữa hai người đàn bà trong gia đình.
Ru-tơ đã quyết định yêu thương một người mà thói thường khó thương.
Quyết định nầy làm cho tôi nhớ đến quyết định của Phao-lô đối với những người bà con thân tộc của ông, mà ông đã ghi lại trong Rôma 9:3; 10:1. Nếu anh chị em đọc lại các cuộc hành trình truyền giáo của Phao-lô sẽ thấy người I-sơ-ra-ên lúc nào cũng theo đuổi để làm hại Phao-lô, ngăn trở việc giảng Tin Lành của Phao-lô. Theo xác thịt thì Phao-lô khó mà thương những người I-sơ-ra-ên đó. Cảm ơn Chúa, thế mà Phao-lô quyết định: Bởi tôi ước ao có thể chính mình bị dứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác, tức là dân I-sơ-ra-ên … ấy là cho họ được cứu.
Tôi đứng ở đây để kêu gọi anh chị em hãy vì những người cứng lòng đáng giận đối với Tin Lành, đối với chúng ta, mà quyết định yêu thương họ như Ru-tơ đã yêu thương mẹ chồng, như Phao-lô yêu thương dân I-sơ-ra-ên của ông, mong làm sao họ được cứu rỗi. Hãy biến những kẻ thù đó thành bạn ! Và hơn thế nữa, hãy biến những kẻ thù đó thành anh chị em trong Chúa của chúng ta.
. Đối với dân Chúa:
“Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con”.
“Dân sự của mẹ” mà Rutơ nói đến là dân Chúa, là Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Câu nói nầy nói lên tinh thần sẵn sàng phục vụ của Rutơ góp phần vào trách nhiệm của tuyển dân. Và cảm ơn Chúa, Rutơ đã góp phần rất lớn, nàng đã trở nên tổ mẫu của vua Đa-vít, nàng đã lưu lại dòng dõi để Đấng Cứu Thế có thể đến thế gian.
Đó há không phải là quyết định mà Chúa hằng mong muốn nơi Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay đối với Hội Thánh của Chúa sao ?
Có câu chuyện giả sử rằng, khi Chúa Jêsus thăng thiên về trời, các thiên sứ vui mừng đến chào đón Ngài và hỏi Chúa: Bây giờ Chúa trở về Thiên đàng, vậy thì công việc của Ngài qua Hội Thánh ai sẽ làm ? Chúa Jêsus trả lời rằng: Ta đã giao cho 12 Sứ đồ rồi. Các thiên sứ hỏi tiếp: Nếu 12 người đó không làm gì cho Hội Thánh của Ngài, thì Chúa làm sao ? Và anh chị em có biết câu trả lời của Chúa Jêsus như thế nào không ? Chúa Jêsus trả lời: Nếu họ không làm thì ta cũng không biết làm sao nữa.
Và hôm nay Chúa cũng trả lời với chúng ta: Nếu anh chị em không làm gì cho Hội Thánh, thì Chúa cũng không biết làm sao phát triển Hội Thánh của Ngài nữa (Rôma 10:15)
Chúa đang chờ quyết định góp phần vào công việc của Hội Thánh của mỗi chúng ta. Chúa đang muốn nghe mỗi chúng ta quyết định như Rutơ đã quyết định: Dân sự của mẹ, tức là dân sự của con, nói cách rõ hơn: Hội Thánh của Chúa là Hội Thánh của con !
. Đối với Chúa:
“Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”.
Thật là một quyết định đầy đức tin.
Đức Chúa Trời của Na-ô-mi là Đức Chúa Trời như thế nào ?
-Đức Chúa Trời của Na-ô-mi mà Rutơ đã nhìn thấy rõ ràng là một Đức Chúa Trời nghiêm khắc, sẵn sàng sửa phạt những kẻ thuộc về Ngài mà không tin cậy Ngài, đi tìm sự nương dựa ở thế gian, như Ê-li-mê-léc, như dân I-sơ-ra-ên trong đời Quan xét, như Bết-lê-hem thành được chọn làm Nhà bánh mà không có lương thực cho mọi người.
-Đức Chúa Trời của Na-ô-mi mà Rutơ đã nhìn thấy là một Đức Chúa Trời hay thương xót, luôn đoái xem dân Chúa và ban lương thực, nhu cần cho họ.
Và cảm ơn Chúa, dù Chúa đối với bà như thế nào, Na-ô-mi vẫn quyết định tin cậy nơi Chúa. Đức tin đó đã tác động trên Rutơ và nàng cũng đã quyết định đầy đức tin như vậy.
Một quyết định đầy đức tin như vậy đã được Gióp tuyên bố trong Gióp 13:15, Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài”
Tiên tri Ha-ba-cúc cũng đã công bố quyết định đức tin của ông nơi Chúa trong Sách Ha-ba-cúc 3:17-19,Vì dầu … tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va … Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức mạnh của tôi ….
Một quyết định như vậy có thiệt hại không ?
Cảm ơn Chúa, Bà Na-ô-mi đã từ cay đắng trở thành ngọt ngào; nàng dâu Rutơ xuất thân từ một dân tộc bị rủa sả trở thành tổ phụ dòng dõi tuyển dân; một ông Gióp được đền bù bội phần hơn.
- Tôi thích những lời cuối của Rutơ đoạn 1:22, Hai người đến Bết lê hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch. Tôi nhìn thấy sự ban thưởng của Đức Chúa Trời ngay tức thì trên hai người có quyết định đầy đức tin:
. đến Bết-lê-hem, họ thật đã đến được một địa điểm thuộc về Chúa, một thành phước hạnh.
. nhằm đầu mùa gặt, rõ ràng họ không còn sợ chết đói nữa, mà đã tức thì kinh nghiệm sự dư dật trong Chúa bởi đức tin.
- Nhân Ngày đầu Năm Mới 2003, xin Chúa ban cho mỗi chúng ta có những quyết định đúng đắn, mà qua những quyết định đó, phước hạnh và sự thương xót của Chúa sẽ theo chúng ta luôn. Muốn thật hết lòng !
Đề mục: GIÁO LÝ CỨU CHUỘC TRONG SÁCH RU-TƠ
Kinh thánh: Ru-tơ 4:9-22
Câu gốc: 4:9-10a
Mục đích: Học tiếp sách Ru-tơ, đặc biệt với giáo lý cứu chuộc của Cơ-Đốc giáo qua Ru-tơ làm hình bóng về Hội Thánh đối với Đấng Christ – một người không phải tuyển dân được làm tuyển dân
I/. NHU CẦN ĐƯỢC CỨU CHUỘC:
- 1:1-5
- Trong đoạn 1:1 nầy chúng ta được giới thiệu tổng quát về bối cảnh sách Ru-tơ gồm:
. Địa điểm là từ Bết-lê-hem xuống Mô-áp, nghĩa là Nhà Bánh của Chúa sang một nơi bị rủa sả.
. Sự kiện là trong một nạn đói xảy ra lúc tình hình tối tăm.
- Đặc biệt là chúng ta sẽ được giới thiệu một loạt các nhân vật xuất hiện trong toàn bộ sách Rutơ với ý nghĩa đặc biệt làm hình bóng về giáo lý cứu chuộc của Cơ-Đốc giáo.
- 1:2, nhân vật thứ nhất Ê-LI-MÊ-LÉC
- Tên Ê-li-mê-léc là do hai từ ghép lại: Ê-li = nghĩa là Đức Chúa Trời của tôi; Mê-léc = nghĩa là Vua.
- Như vậy, nhân vật nầy có một cái tên rất thiêng liêng, có nghĩa Đức Chúa Trời là Vua của tôi và người vốn ở trong nơi phước hạnh của Đức Chúa Trời, ấy là Bết-lê-hem.
. Về phương diện tiên tri, Bết lê hem là nơi Đấng Cứu Thế vào đời.
. Về phương diện thuộc thể, Bết-lê-hem đó là nơi được gọi là Nhà Bánh.
- Con người đã thiêng liêng, mà nơi ở cũng thiêng liêng. Thật là một phước hạnh lớn lao cho một người được xưng tụng là con Đức Chúa Trời – ở đất cũng như ở trời.
- Ê-li-mê-léc hưởng phước hạnh kế đó là có một người vợ tên là Na-ô-mi – nghĩa là ngọt ngào, đặc ân. Sau đó sinh ra hai con trai có tên là:
- Mạc-lôn: nghĩa là Sự Vui Mừng.
- Ki-li-ôn: nghĩa là Sự Đẹp Đẽ
- Nhưng rất tiếc vì một chút cám dỗ về “cái ăn” (đói) Ê-li-mê-léc đã bỏ lòng tin cậy Chúa, quay về xứ bị rủa sả là Mô-áp (Phục. 23:3), để rồi gánh ấy hậu quả tàn khốc: Chết trong xứ bị rủa sả, đến dòng dõi cũng bị rủa sả, Mạc-lôn chết, Ki-li-ôn cũng chết (1:5), để lại một Na-ô-mi ngọt ngào thành Ma-ra cay đắng không chồng không con
- Rõ ràng Ê-li-mê-léc làm hình bóng về loài người được Đức Chúa Trời dựng nên đầy phước hạnh, Chúa chính là Vua của loài người.
- Sách Sáng Thế ký 1:-2:, bày tỏ loài người ban đầu là thế, có Đức Chúa Trời làm Vua đã sống đầy vui mừng, đẹp đẽ, hưởng vinh hiển từ Chúa. Loài người được ở trong một vườn Ê-đen phước hạnh. Thế rồi vì bị cám dỗ “cái ăn” trái cây mà Chúa cấm, mà mất cả phước hạnh, bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, sống đời sống bị rủa sả đến ngày trở về bụi đất, dòng dõi loài người tiếp tục bị rủa sả (Rôma 5:12) thay vì ngọt ngào, hưởng được đặc ân từ Chúa; cực khổ thay vì vui mừng; trở về bụi đất thay vì sự đẹp đẽ. (Sáng. 3:16-19).
- Tôi tin chắc rằng, tất cả chúng ta đã kinh nghiệm một đời sống bị rủa sả khi chưa tin Chúa, như Phao-lô đã nói trong thư Ê-phê-sô 2:1-3, Còn anh em ngày trước… cũng như mọi người khác.
- Thế thì nhu cần của loài người chúng ta là gì ? Há chẳng phải là khao khát được cứu chuộc khỏi sự rủa sả hay sao ? Sự khao khát đó đã thể hiện qua những nổ lực về tôn giáo, về triết lý nhân sinh, về những khuyên răn đạo đức, kể cả những người liều mạng theo kiểu “cùi không sợ lỡ” với lời kêu gọi “ăn đi, uống đi, ngày mai chúng ta sẽ chết” (I Cô. 15:32b-33).
- Với một vài câu ngắn ngủi, Thánh Linh Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta một lẽ thật về nhu cần lớn nhất, quan trọng nhất của con người: Nhu cần được cứu chuộc !
- Tiếc thay, có rất nhiều người không nhìn thấy nhu cần được cứu chuộc khỏi sự rủa sả, hoặc giả họ không muốn nhìn thấy, họ chỉ muốn có những nhu cần tạm bợ, nhất thời, như có ăn, có mặc… Họ giống như một người đang chết đuối, có người quăng cái phao để cứu họ, hoặc có người liều mình đến cứu họ khỏi chết đuối, nhưng họ cứ đòi: Tôi không cần cứu tôi khỏi chết đuối, cho tôi gạo, cho tôi tiền, cho tôi hết bịnh là điều tôi cần.
- Quý vị thử nghĩ có ai như thế không ? Câu trả lời chắc chắn là không ai làm thế bao giờ. Đúng, vấn đề là được cứu khỏi chết cái đã, rồi những điều khác mới tính, còn người còn của mà ! Vậy mà chúng ta lại làm giống như người chết đuối đó đối với sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta qua Chúa Jêsus Christ.
. Chúa muốn cứu chuộc chúng ta khỏi chết trong địa ngục hình phạt đời đời, thì chúng ta lại đòi: Tôi tin Chúa, Chúa có cho tôi mua may bán đắt không ?
- Xin Chúa ban cho tất cả nhìn thấy nhu cần được cứu chuộc khỏi sự rủa sả của tội lỗi là trước hết, để mau tìm đến với Chúa.
II/. NGƯỜI ĐƯỢC CỨU CHUỘC:
- Ru-tơ 1:16-18
- Nhân vật thứ hai được nói đến trong đoạn nầy, cũng là nhân vật chính của sách Ru-tơ: chính là RU-TƠ.
- Chúng ta tìm hiểu một chút về nàng Ru-tơ:
Lý do dân Mô-áp bị rủa sả, vì tổ phụ của họ là Lót đã sanh ra dân tộc nầy trong tội lỗi (Sáng. 19:36-37). Cũng chính dân Mô-áp, qua Ba-lác, đã nhiều lần nhiều lúc thuê Ba-la-am rủa sả dân Chúa (Dân. 22: - 25:).
Thế thì Ru-tơ cũng đồng chung số phận bị rủa sả.
. Tên của Ru-tơ có nghĩa là dịu dàng, hay là bạn thân.
. Ru-tơ có chồng tên là Ki-li-ôn (sự đẹp đẽ, được đặc ân) những mong cuộc đời được thay đổi tốt đẹp hơn. Nhưng Ki-li-ôn đẹp đẽ đó đã chết. Ru-tơ không thể tự cãi sửa tình trạng bị rủa sả của nàng được, vì sự đẹp đẽ đó cũng ở trong xứ bị rủa sả.
- Một lần nữa, chúng ta thấy nhân vật chính thứ hai của sách Ru-tơ làm hình bóng về người cần được cứu chuộc.
Kinh thánh khẳng định địa vị tội lỗi hư mất của nhân loại: Chẳng có phân biệt chi hết, vì mọi người đều đã phạm tội (Rôma 3:23) và tiền công của tội lỗi là sự chết – chết thể xác, chết tâm linh và chết đời đời nơi địa ngục.
. Việc Ru-tơ có một cái tên mang ý nghĩa là dịu dàng, bạn thân, rồi lại có chồng là sự đẹp đẽ, đã nói lên sự khao khát vươn lên với Đức Chúa Trời của loài người qua nếp sống hiền lành, đạo đức, tìm kiếm chân thiện mỹ, từ những nghi thức tôn giáo, những giáo huấn cao siêu của các bậc thánh hiền, triết gia. Nhưng người chồng đẹp đẽ của Ru-tơ cũng chết, cái dịu dàng, hiền lành, đạo đức của Ru-tơ cũng để lại cho nàng một sự trống vắng trong cuộc đời góa bụa, cô đơn, ngay lúc còn rất trẻ – tuổi của vui mừng.
Tại sao vậy ? Anh chị em ơi, vì sự đẹp đẽ bên ngoài đó làm sao che lấp được sự rủa sả bên trong ? Các bậc hiền nhân, thánh thiện đó cũng là người, mà người thì đã phạm tội, là tội nhân từ trong lòng mẹ đối với Chúa rồi.
- Cảm ơn Chúa, vậy mà người được cứu chuộc lại là Ru-tơ. Làm sao Ru-tơ được cứu chuộc ?
- Lý do hay là cách khiến cho một người sanh ra đã chịu sự rủa sả hình phạt như Ru-tơ được cứu chuộc, đã được chính Ru-tơ bày tỏ trong 1:16,
Rõ ràng Ru-tơ muốn được như Na-ô-mi, là dân của Chúa.
Rutơ muốn làm theo điều Na-ô-mi đã làm: Quay trở lại với Đức Chúa Trời ! Phải nhớ Ru-tơ không nói lời nầy khi còn ở Mô-áp, nhưng nàng nói lời quyết định nầy khi Na-ô-mi – một người con của Chúa – bằng lòng quay về với Chúa.
. 1:16b, sau khi quyết tâm từ bỏ đời sống trong tội lỗi, Ru-tơ quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Ru-tơ nói, Đức Chúa Trời của mẹ tức là Đức Chúa Trời của con.
- Chắc chắn Ru-tơ đã nhận ra Đức Chúa Trời của Na-ô-mi khác với các thần xứ Mô-áp bị rủa sả. Khác như thế nào ?
. 1:6b, Đức Chúa Trời của Na-ô-mi mà Ru-tơ khám phá được là Chúa chẳng những yêu thương cứu chuộc con người tội lỗi như chúng ta, mà Ngài còn là Đấng ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta nữa. Mọi sự đó là gì ? Đó là mọi điều chúng ta cần thuộc linh cũng như thuộc thể; linh hồn cũng như thể xác.
- Cảm ơn Chúa, mặc dù một người đáng hư mất như Ru-tơ, nàng đã để lại cho chúng ta một gương để được cứu chuộc: Quyết tâm từ bỏ đời sống cũ, quay lại với Đức Chúa Trời một cách dứt koát. Cách được cứu chuộc như vậy có khó quá cho anh chị em không ? Chắc chắn đó là cách dễ nhất, không còn có thể dễ hơn: Tấm lòng thành thật và đổi hướng quay về thờ phượng Đức Chúa Trời ! Tức thì Quý Vị sẽ được cứu chuộc. Lời Chúa phán: “Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà ngươi sẽ được cứu (Công vụ 16:31; Giăng 3:16; 3:36; 5:24).
- Dễ như thế, nên tôi thiết tha kêu gọi Quý vị thân hữu quyết tâm mau tránh xa con đường hư mất và trở về với Chúa hôm nay.
III/. KẾT QUẢ CỦA SỰ CỨU CHUỘC:
- Ru-tơ 4:9-10a.
- Có rất nhiều người thường hỏi một câu giống nhau: Một người tin Chúa Jêsus Christ thì được điều gì ? Có giúp đỡ gì không ?
- Câu hỏi nầy cũng thường được một số người đã tin Chúa trong Hội Thánh trả lời: tin Chúa thì được cứu. Được cứu cái gì ? Câu trả lời tiếp theo là được cứu linh hồn.
- Thật sự người hỏi rõ ràng chưa hiểu, mà người trả lời cũng chưa đúng. Chúng ta hãy xem sau khi Ru-tơ được cứu chuộc, thì nàng được kết quả gì ?
- Rutơ được lại sản nghiệp đã mất:
- 4:9, Lời nói của Bô-ô, người cứu chuộc Rutơ, đã nói: “… tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-li-ôn, và về Mạc-lôn”.
- Tài sản nầy mất khi nào ?
- Tài sản nầy mất từ khi Ê-li-mê-léc mất lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời là Vua của mình, bỏ xứ Bết-lê-hem là Nhà Bánh phước hạnh, để đi vào xứ Mô-áp bị rủa sả vì tội lỗi. Nói ngắn gọn, thì mất từ khi xa cách Chúa, không để Đức Chúa Trời làm chủ đời sống của mình nữa. Nói theo Kinh thánh, loài người chúng ta đã bị mất sản nghiệp vinh hiển mà Đức Chúa Trời muốn ban cho, từ khi tổ phụ loài người chúng ta phạm tội nơi vườn Ê-đen, buổi sáng thế.
- Kinh thánh phán: Mọi người đều đã phạm tội, THIẾU MẤT (ĐÁNH MẤT) SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ! Từ đó loài người đã mất liên hệ với Chúa, sống trong tội lỗi và đầy dẫy tội lỗi.
- Cảm ơn Chúa, ngay khi Rutơ được cứu chuộc, nàng đã được lại sản nghiệp đã mất. Một người tin Chúa Jêsus Christ được cứu chuộc bởi huyết Ngài, tức thì được tha tội, không còn bị kể là tội nhân đáng chết nữa, được nhận lấy sản nghiệp đời đời trên trời là sản nghiệp không hư đi không ô uế không suy tàn, mà Đức Chúa Trời đã để dành cho người được cứu chuộc bởi tin Chúa Jêsus Christ làm Đấng Cứu Thế của đời sống mình (I Phi. 1:3-5)
- Ru-tơ được làm vợ một người giàu có:
- Phải nói rõ là tin Chúa Jêsus không phải để được giàu. Kinh thánh phán tỏ tường: Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết (I Cô. 15:19). Nhưng qua câu Kinh thánh I Cô. 15:19 đó và gương của Rutơ chứng tỏ người tin Chúa Jêsus cũng được quyền trông cậy về đời nầy, ngoài sự trông cậy về đời sau.
- Rutơ 4:10a, Bô-ô tuyên bố: (tôi) cũng lấy Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi… Ru-tơ được hưởng phước hạnh ngay cả trong đời nầy:
. Ru-tơ không còn là vợ của Mạc-lôn, vẽ đẹp tạm ở thế gian, mà bây giờ là vợ của Bô-ô – một người có sức lực (ý nghĩa tên của Bô-ô)
. Bô-ô khẳng định Ru-tơ là vợ tôi, một đặc quyền mới mẻ. Dĩ nhiên, chúng ta không cần kể lể cuộc sống giàu có mới của Ru-tơ, chỉ cần nghĩ ngay đến cảnh Ru-tơ không cần đi mót lúa từng gié rơi rụng nữa, mà đã trở nên chủ nhân của cả một kho lúa, cũng đã thấy vui rồi.
- Kết quả của người được cứu chuộc mà Chúa cho ghi vào sách Ru-tơ như thế nầy gồm cả hai mặt:
. Đối với phương diện thuộc thể, người thật tin Chúa Jêsus được cứu chuộc, là người hưởng phần phước ngay cả trên đời nầy, không phải là sẽ giàu có, nhưng ít nhất người đó sẽ không còn cơ cực, sẽ có một cuộc sống thỏa lòng, như bài hát: Có Chúa dắt đưa, đời tôi thấy thỏa lòng …
Đề mục: RU-TƠ (3)
Kinh thánh: Sách Ru-tơ 1: - 4:
Câu gốc: Ru-tơ 1:16-17
Mục đích: Học hết toàn bộ sách Ru-tơ
I/. QUYẾT ĐỊNH CỦA RU-TƠ
- Rutơ đoạn 1.
- 1:1, câu chuyện xảy ra trong thời kỳ Quan xét, một vùng nào đó trong xứ Ca-na-an bị đói kém, có lẽ gần làng Bết-lê-hem.
- Trước sự hoạn nạn đó, một người I-sơ-ra-ên tên là Ê-li-mê-léc đã dẫn vợ tên Na-ô-mi, cùng hai con trai tên Ki-li-ôn và Mạc lôn, lìa Bết-lê-hem đến xứ Mô-áp, là một xứ thờ lạy hình tượng.
- Quyết định của Ê-li-mê-léc là một quyết định sai lầm. Ông quên rằng một trong những lý do đưa đến sự đói kém trong xứ là do sự bội nghịch giao ước của tuyển dân với Chúa, như Lời Chúa đã từng phán trong Lê-vi ký 26:3-5, 18-20, Nếu các ngươi tuân theo luật pháp ta, gìn giữ các điều răn ta và làm theo, thì ta sẽ giáng mưa thuận hòa, đất sẽ sanh hoa lợi, và cây ngoài đồng sẽ kết bông trái. Mùa đập lúa sẽ lần đến mùa hái nho, mùa hái nho sẽ lần đến mùa gieo mạ; các ngươi sẽ ăn no, ở bình yên trong xứ mình… Nếu đến đỗi vậy mà các ngươi không khứng nghe ta… Ta sẽ khiến trời các ngươi cứng như sắt và đất trơ như đồng; năng lực mình hao mòn vô ích, đất không sanh sản huê lợi, cây cối không kết bông trái.
- Tới Mô-áp, họ tìm thấy bánh tạm nhưng cũng tìm thấy phần mộ cho mình:
. 1:4, chúng nó kết hôn với những người nữ Mô-áp, tức là làm trái mạng lịnh của Chúa đã phán trong Phục truyền 7:3, Ngươi chớ làm sui gia với chúng (tức là với những dân trong xứ Ca-na-an), chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình.
. 1:5, rồi hai con trai họ cũng chết – chết nơi xứ người, chết mà không có một đứa con nào để lại. Chỉ còn lại ba người đàn bà góa bụa: một già hai trẻ.
- Cảm ơn Chúa, trong hoàn cảnh tuyệt vọng bi thương đó, Bà Na-ô-mi đã quyết định lìa bỏ xứ Mô-áp thờ hình tượng để trở về quê Bết-lê-hem với hai người con dâu. Nửa đường, người con dâu lớn tên Ọt-ba trở về xứ Mô-áp, còn người con dâu út:
. quyết định nhận quốc tịch mới của gia đình bên chồng – quốc tịch I-sơ-ra-ên.
. quyết định nhận Đức Chúa Trời của gia đình bên chồng làm Đức Chúa Trời của chính mình, nghĩa là Ru-tơ quyết định không thờ hình tượng nữa.
- Tôi suy nghĩ chỉ có một con đường từ Bết-lê-hem đến Mô-áp, mà có bốn người có bốn cách đi đường khác nhau:
- Ê-li-mê-léc là một người mang danh Đức Chúa Trời là vua tôi (theo ý nghĩa của tên), thế mà lại vì một chút thử thách vật chất đã vội bỏ Bết-lê-hem, xứ thánh, mà vào Mô-áp thờ hình tượng.
- Na-ô-mi trên đường trở lại xứ thánh, quê hương Bết-lê-hem, với tâm trạng cay đắng, chỉ muốn đi một mình, không muốn những người thân yêu của bà là cô con dâu đi cùng.
- Nàng dâu lớn Ọt-ba thì cũng bỏ nơi thờ hình tượng về Bết-lê-hem xứ thánh, nhưng chỉ đi nửa đường rồi trở lại xứ Mô-áp.
- Còn Ru-tơ, một người nữ Mô-áp, theo luật của Chúa không được vào hội của Đức Chúa Trời, nhưng dám quyết định rời bỏ thờ hình tượng đến Bết-lê-hem xứ thánh, nhận Đức Chúa Trời làm Đức Chúa Trời của mình, và đã đi đúng đường, và đến được quê hương mới cách khải hoàn.
- Tôi muốn mượn lời của William Barclay trong Quyển Giải nghĩa sách Tin Lành Giăng, phần giải thích đoạn 2, nói về việc Chúa Jêsus hóa nước thành rượu: Đời sống của Ê-li-mê-léc là hạng Cơ-Đốc nhân vốn là rượu ngon trở thành nước lã; còn đời sống của Ru-tơ thật là nước lã biến thành rượu ngon.
- Anh chị em bắt gặp hình ảnh của mình là ai trong bốn hạng người đi trên đường Bết-lê-hem – Mô-áp ?
II/. TINH THẦN PHỤC SỰ CỦA RU-TƠ:
- Ru tơ 2:
- Công việc của Ru-tơ tại quê hương mới chỉ là mót lúa, một công việc thấp hèn dành cho những người thật nghèo, như Ru-tơ đã nhìn nhận trong 2:13, … tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa.
- Theo luật pháp của Chúa dạy những người chủ ruộng về việc mót lúa được ghi trong Ngũ kinh được nhắc đến nhiều lần:
. Lê-vi ký 23:22
. Phục truyền 24:19
- Rõ ràng mục đích Chúa ban luật mót lúa là vì tình yêu thương đối với người nghèo, kẻ góa bụa và khách ngoại bang. Trong khi đó, Na-ô-mi cùng với con dâu là Ru-tơ từ Mô-áp về đến Bết-lê-hem với hai bàn tay không (1:21).
- Cảm ơn Chúa, dù là công việc thấp hèn, nhưng Ru-tơ làm việc với tinh thần hết sức siêng năng, tận tâm. Sự siêng năng tận tâm nầy được nhiều người công nhận:
. 2:11, đây là lời xác nhận của chính Bô-ô sau khi nghe đầy tớ của mình làm chứng về sự siêng năng của Ru-tơ.
. 2:17-18, tác giả sách Ru-tơ làm chứng sự siêng năng tận tâm của Ru-tơ.
- Điều quan trọng mà chúng ta phải ghi nhận ở đây nữa là sự siêng năng hết lòng của Ru-tơ phát xuất từ động cơ của lòng yêu thương của nàng đối với người mẹ chồng góa bụa.
- Siêng năng làm việc là điều Kinh thánh luôn khuyên dạy Cơ-Đốc nhân chúng ta:
. Côl. 3:23, Hễ làm việc gì hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.
. Ê-phê-sô 4:28, … thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện…
. II Tê. 3:10, … ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.
- Cảm ơn Chúa, tinh thần làm việc của Ru-tơ đã cảm động nhiều người, được đầy tớ của Bô-ô làm chứng; được Bô-ô nhìn nhận và ban thưởng, ngay cả bà mẹ chồng cũng phải khen ngợi.
- Xin Chúa ban cho mỗi Cơ-Đốc nhân chúng ta siêng năng việc Chúa lẫn việc việc nhà. Tôi cầu xin như vậy, vì có những người siêng năng việc gọi là “việc Chúa”, nhưng lại rất lười biếng việc nhà; ngược lại có người siêng việc nhà mà lại lười biếng việc Chúa. Cả hai đều đáng trách cả.
III/. LỜI YÊU CẦU CỦA RU-TƠ:
- Rutơ đoạn 3.
- Câu chuyện nổi bật của đoạn nầy là thủ tục chuộc sản nghiệp về cho gia đình bên chồng của Ru-tơ. Nó quan trọng đến đỗi cả sách có 17 lần nhắc đến chữ CHUỘC.
- Muốn hiểu được thủ tục chuộc sản nghiệp, chúng ta phải đọc lại Luật của Chúa trong sách
. Phục truyền 25:5-6, luật về việc nối dõi cho người thừa kế sản nghiệp đã chết.
- Tức là sản nghiệp là đất đai đã bán, thì người bà con gần nhất phải có bổn phận chuộc lại. Nếu người chết không có con, thì anh em, bà con gần nhất có bổn phận cưới người vợ góa của người chết sanh một con trai lấy tên người đã chết.
- Theo luật nầy, Na-ô-mi đã sai Ru-tơ tìm đến Bô-ô với ba mục đích:
- 3:1, để Ru-tơ có chỗ an thân và phước hạnh.
- 3:10, để chuộc lại sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc
- 3:10, cũng để nối dòng cho người chủ sản nghiệp đã chết.
- Cho nên khi Na-ô-mi sai Rutơ đến gặp và nằm dưới chân Bô-ô, và thức dậy trước khi trời sáng tỏ, thì
. 3:10-12, Bô-ô cũng hiểu liền
- Thật ra theo quan niệm của người ngoài Do thái, thì hành động của Ru-tơ dở mền Bô-ô để nằm dưới chân Bô-ô là một hành động dễ gây chê cười. Nhưng rõ ràng ở đây, tác giả sách Ru-tơ cho thấy những người liên hệ như Na-ô-mi, Ru-tơ, Bô-ô đều không thấy đó là ý xấu, trái lại còn khen ngợi Ru-tơ, vì đúng luật và Ru-tơ hoàn toàn trong sạch (3:10)
- Đặc biệt trong Kinh thánh, có những người đàn bà đã dũng cảm dám hi sinh cho công việc của Chúa, như:
. Cô Ma-ri, người đã sanh Chúa Jêsus, cô đã dám hi sinh danh dự của mình, ngay cả mạng sống có thể bị ném đá cho chết vì chưa có chồng mà đã mang thai (Math. 1:18-19)
- Và bây giờ chúng ta lại có hình ảnh của Ru-tơ, dám hi sinh danh dự, bất chấp lời đồn đại, để tìm cách chuộc sản nghiệp lại bên chồng nàng.
- Tôi tin rằng đó là lý do Ru-tơ được Chúa ban thưởng ghi tên vào Bảng gia phổ của Chúa Cứu Thế Jêsus.
- Không có sự hi sinh nào cho Chúa, vì Chúa, mà bị bỏ quên, nhưng trái lại: Nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người (Giăng 12:26)
IV/. PHẦN THƯỞNG CỦA RU-TƠ:
- Ru-tơ đoạn 4.
- Chúng ta có thể gọi đoạn 4 nầy là PHẦN THƯỞNG CHO NGƯỜI NGAY LÀNH TRUNG TÍN, như Chúa Jêsus đã ban trong Ma-thi-ơ 25:21. Và cũng qua đoạn 4 nầy, chúng ta có thể liệt kê một số phần thưởng TRÊN ĐẤT mà Chúa đã ban cho người ngay lành trung tín như Ru-tơ:
- Chúa đã cho Ru-tơ chuộc lại được sản nghiệp cho chồng (4:9), Ru-tơ đã làm đúng theo điều Luật của Chúa qui định.
- Chúa đã cho Ru-tơ một người chồng giàu có và quyền thế (2:1; 4:10a)
- Chúa cho Ru-tơ một đứa con trai, nghĩa là thoát cảnh sỉ nhục vì không có con (4:13)
- Chúa cho Ru-tơ được mọi người khen ngợi, đến nỗi so sánh nàng còn quí hơn bảy người con trai (4:14-15)
- Chúa cho Ru-tơ được trở nên Tổ Mẫu của vua Đa-vít (4:17), dự phần vào chương trình cứu rỗi nhân loại
- Khi chúng ta đọc lời ban thưởng của Chúa Jêsus trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ 25:21, Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi, Chúng ta khó hình dung cho hết những phần thưởng cao quí nào mà Chúa thưởng.
- Nhưng khi đọc sách Ru-tơ đoạn 4, chúng ta có thể thấy rõ từng phần thưởng ngay trên đất mà Chúa thưởng cho người ngay lành trung tín, điển hình là cho chính Ru-tơ.
- Bây giờ, nhìn lại lời giới thiệu bối cảnh của sách trong đoạn 1:1, là một thời gian tối tăm trong lịch sử I-sơ-ra-ên, với những người thuộc hàng tuyển dân mà không có đức tin như Ê-li-mê-léc, sống trong buồn rầu cay đắng như Na-ô-mi. Từ chính trong thời kỳ đen tối, từ chính trong một gia đình đen tối, tác giả đã cho Ru-tơ xuất hiện với sự siêng năng, ngay lành, trung tín, yêu thương mẹ chồng… Phải chăng tác giả sách Ru-tơ muốn nói với chúng ta rằng: RUTƠ LÀ HOA HUỆ GIỮA GAI GỐC mà Nhã ca 2:2 đã nói đến ?
- Một hoa huệ ở giữa gai gốc, không bị gai làm cho nghẹt ngòi, mà trái lại vươn lên giữa gai gốc tỏa mùi thơm. Nguyện đời sống ủa mỗi Cơ-Đốc nhân chúng ta ở giữa thế gian nầy được như vậy, tỏa mùi thơm của Đấng Christ khắp chốn.