Sô-phô-ni

I/. TÁC GIẢ:
1. Tên:
Tên “Sô-phô-ni” có nghĩa là “Chúa Giê-hô-va đã giấu” (Thi thiên 27:5; 83:3). Chính Sô-phô-ni đã chơi chữ khi ghép tên của ông trong 2:3.
2. Gia phổ: 1:1
Trong tất cả các Tiên tri chỉ có Sô-phô-ni tự giới thiệu về gia phổ rõ ràng. Có hai lý do có thể nghĩ đến:
  1. Sô-phô-ni là người có địa vị cao trong xã hội: thuộc Hoàng tộc, chít của vua Ê-xê-chia.
  2. Việc giới thiệu như vậy là một cách bảo đảm sứ điệp của ông là đáng tin, mặc dù Sô-phô-ni không phải là tiên tri chính thức.
Trong Tân Ước, trường hợp của Phaolô cũng đã thường tự giới thiệu gia thế đặc biệt của ông, và thường tự giới thiệu là sứ đồ của Chúa Jêsus Christ, mục đích là để binh vực chức vụ Chúa giao cho ông (Công vụ 22:3; 26:4-5; Philíp 3:4-6)
Sự binh vực như vậy rất cần thiết, vì người Y-sơ-ra-ên thường đòi hỏi tư cách của người giảng (Xuất. 3:13; 4:1, 5; Mathiơ 12:38; Mác 6:1-3; Luca 4:22).
Sô-phô-ni tự giới thiệu ông là chít của vua Ê-xê-chia. Theo nguyên ngữ Hi-bá-lai thì viết Sô-phô-ni làcon (tiếng Việt dịch là chit) của Hizekiah. Khó mà nghi ngờ Hizekiah là Ê-xê-chia. Như vậy, Sô-phô-ni là thế hệ thứ tư của dòng dõi Ê-xê-chia.

II/. NIÊN HIỆU: 1:1
  • Sôphô-ni cho biết ông sống về đời vua Giô-si-a, con trai của A-môn, vua Giu-đa.
  • II Sử 34: - 35:, ghi lại triều đại của vua Giô-si-a (638-608 TC.) với các đặc điểm:
  • Vua Giô-si-a lên ngôi lúc 8 tuổi.
  • 16 tuổi bắt đầu tìm kiếm Chúa (630 – năm thứ 8)
  • 26 tuổi sửa chữa đền thờ, đem lại sự phục hưng cho Giu-đa (620 TC. – năm thứ 18).
  • 38 tuổi qua đời (608 TC. – năm thứ 30).
  • Căn cứ theo II Sử 33:1, Ma-na-se lên ngôi lúc 12 tuổi trị vì 55 năm.
  • Căn cứ theo II Sử 33:21, A-môn lên ngôi năm 22 tuổi, trị vì 2 năm.
  • Căn cứ vào II Sử 34;1, Giô-si-a lên ngôi lúc 8 tuổi, trị vì 30 năm.
Theo đó, Ma-na-se chết lúc 67 tuổi (12 + 55), lúc đó Giô-si-a được 6 tuổi. Giữa khoảng Ma-na-se và Giô-si-a (ông nội và cháu) là 61 năm.
Sô-phô-ni nói sứ điệp tiên tri nầy chỉ trong thời gian 30 năm cai trị của vua Giô-si-a, và có lẽ Sô-phô-ni với Giô-si-a tuổi tác gần bằng nhau. Hoặc là Sô-phô-ni đã chịu ảnh hưởng đức tin của Giô-si-a hoặc ngược lại.

II/. BỐ CỤC:
Đề mục: LỬA GHEN
Câu gốc: 1:18 (hoặc 2:8)
  1. Định Nghĩa Lửa Ghen: 1:
  1. Lửa ghen không phải là ghét: 1:2-6
  2. Lửa ghen có giới hạn: 1:7-18
  1. Lý Do Có Lửa Ghen: 2: - 3:8
  1. Đối với người ăn năn (2:1-3)
  2. Đối với người không ăn năn: 2:4 – 3:8
  1. Hiệu Quả của Lửa Ghen: 3:9-20
  1. Trên các dân (chung) 3:9
  2. Trên tuyển dân: 3:10-20
GIẢI THÍCH BỐ CỤC:
  1. Định Nghĩa Lửa Ghen: 1:
  1. Lửa Ghen không phải là ghét: 1:2-6
Đọc qua những câu nầy, chúng ta thấy Lửa Ghen không phải là ghét (Gia-cơ 4:5). Vì ghen ghét sẽ đưa đến sự trả thù độc hại.
Nhưng Lửa Ghen của Đức Chúa Trời chỉ có mục đích diệt (làm) sạch (clean up) mọi sự. Chúa chỉ trừ bỏ.
  • 1:2-3, đối với loài người, nói chung, thì Chúa sẽ trừ bỏ những gì ngăn trở là trừ bỏ kẻ dữ (hoặc những gì hiệp với kẻ dữ).
  • 1:4-6, đối với dân Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem, Chúa chỉ trừ bỏ những thần tượng và kẻ thờ lạy hình tượng.
Như vậy, Lửa Ghen của Chúa không hề có một ác ý nào (Gia-cơ 1:13b), nhưng hoàn toàn tỏ ý tốt lành cứu mọi người, mọi loài.
  1. Lửa Ghen có giới hạn: 1:7-18
So sánh với II Phi 3:9-10. Lửa ghen có giới hạn trong hai phương diện:
  • Phương diện yêu thương:
Lửa ghen không bùng cháy hỗn loạn, nhưng có ấn định, có cảnh cáo, có báo trước, qua những từ ngữ “Ngày của Đức Giê-hô-va , ngày đó” được lặp lại nhiều lần, hầu như mỗi câu đều nhắc đến. Nghĩa là lúc nào tình yêu thương của Chúa cũng muốn mọi người đều ăn năn.Đó là Lửa Ghen của sự yêu thương (II Phierơ 3:9).
  • Phương diện công nghĩa:
Chúng ta cũng thấy được Lửa Ghen của Chúa đến một mức độ sẽ phải phát ra và phát ra một cách mạnh mẽ:
1:8-9 Chúa sẽ phạt
1:11, bị diệt mất
1:13, bị cướp, hoang vu, không được ở, …
1:14-18, kêu khóc … (II Phieơ 3:10)
  1. Lý Do Có Lửa Ghen: 2:3 – 3:8
  1. Đối với người ăn năn: 2:1-3
Đối với những người biết nhóm lại (2:1) trươc khi Lửa Ghen đổ xuống, họ nhóm lại với lòng nhu mì (hạ mình), với tinh thần theo Lời Chúa dạy (2:2-3a), để tìm kiếm, tìm kiếm, tìm kiếm … thì Chúa sẽ giấu họ, che chở họ trong ngày thạnh nộ.
  1.  Đối với người không ăn năn: 2:4 – 3:8
Chúa liệt kê các dân tộc ở 4 hướng chung quanh nước Y-sơ-ra-ên:
2:4-7, dân Phi-li-tin (tên các thành) và dân ở miền biển Địa Trung Hải, thuộc phía Tây.
2:8-10, dân Mô-áp, Am-môn, phía Đông
2:10-12, dân Ê-thi-ô-bi ở phía Nam
2:13-15, dân A-si-ri phía Bắc
3:1-8, chính thành Giê-ru-sa-lem (ở giữa)
Như vậy, Lửa Ghen của Chúa là lửa ghen công bình, không kể kẻ có tội là vô tội, dù đó là tuyển dân. Ngược lại, Chúa cũng sẵn sàng tha thứ cho người biết ăn năn, dù là dân ngoại.
  1. Hiệu Quả của Lửa Ghen: 3:9-20
  1. Trên các dân: 3:9
3:9 là một câu nói đến công hiệu của Lửa Ghen rõ ràng. Ấy là để môi miệng thánh sạch cho họ và để họ biết quay về thờ phượng, hầu việc Chúa.
  1. Trên Tuyển Dân: 3:10-20.
Riêng đối với tuyển dân, Chúa bày tỏ hiệu quả LỬa Ghen như sau:
  • Kẻ tan lạc sẽ về với vui mừng: 3:10-11
  • Người sót lại sẽ bình an: 3:12-13
  • Chúa sẽ cai trị trực tiếp: 3:14-17
  • Dân Y-sơ-ra-ên sẽ được nổi danh: 3:18-20
I Giăng 4:8, 16, định nghĩa Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Thật vậy, ngay trong cơn giận, Chúa vẫn bày tỏ lòng yêu thương bằng Lửa Ghen, không phải lửa ghét. Ghen vì yêu thương, không ghen vì ghét. Sửa phạt nhưng vẫn tha thứ, sửa phạt là để dạy cho nên Người Công Bình.
III/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Về Tôn giáo: 1:4-13
Thời Sô-phô-ni, dân Y-sơ-ra-ên đã pha trộn Đạo của Chúa với các thần ngoại bang: vừa thờ phượng Đức Chúa Trời, vừa thờ lạy thần Ba-anh nơi nóc nhà; vừa thề Đức Chúa Trời, vừa thề với người (vua mình – nguyên văn dùng chữ Mancam nghĩa là thần Mo-lóc)
Dân Y-sơ-ra-ên không bỏ Chúa hẳn. I Vua 18:21 gọi đó tình trạng Đi Giẹo. Khải huyền 3:15-16 gọi đó là tình trạng hâm hẩm.
1:7-13, cho thấy dân Y-sơ-ra-ên cũng giữ những ngày lễ của Chúa, nhưng
  • Họ dự lễ mà mặc áo lạ (Mathiơ 22:11-13). Nghĩa là miễn cưởng dự, thái độ xem thường. Hoặc họ vào đền thờ để thờ phượng Chúa mà vẫn mặc áo để thờ Ba-anh, sử dụng một áo cho hai loại lễ.
  • 1:12, Chúa mượn phong tục về Lễ Vượt Qua là trước ngày Lễ, những người trong nhà phải soi đèn tìm dọn cho sạch men. Bây giờ, Chúa soi tìm những kẻ phạm tội còn che giấu, ẩn trốn trong Lễ. Thay vì Lễ Thánh, mừng vì được cứu khỏi tội, họ lại dùng để phạm tội.
  1. Phong tục:
  • 1:5, người Y-sơ-ra-ên thời tiên tri Sô-phô-ni đã dựng bàn thờ để thờ cơ binh trên trời nơi nóc nhà (sân thượng), giống như người Trung hoa thờ Thiên Công hay người Việt-nam lập bàn thờ Ông Thiên, nhà nghèo thì để trước nhà, người giàu thì để trên sân thượng. Đây là thói tục của người A-si-ri.
  • 1:7-8, “Tân khách … Áo lạ”
Thời Sô-phô-ni cũng như thời Chúa Jêsus Christ trên đất (Mathiơ 22:11-13), khách dự tiệc phải mặc áo lễ, như người phương Tây phải có veston, có nơ, …
  • 1:9, “Nhảy qua ngạch cửa”. Câu nầy có hai ý:
    • Một thành ngữ chỉ về cách thờ phượng của các tiên tri Ba-anh (I Vua 18:26, 28)
    • Ngạch cửa có thể tiêu biểu là bệ cấp chỗ ngai vua. So với phần dưới câu, có một số quan lại, thuộc hạ dùng gian ác mưu lợi cho vua, nên tỏ ra ỷ thế khinh thường vua, thay vì cung kính đi từng cấp lên, thì họ lại nhảy (bất kính)
    • So với Giăng 10:1, ám chỉ những kẻ ‘nhảy qua ngạch cửa’ là những kẻ cướp, nhờ đó làm giàu cho chủ.
  • 1:10, Cửa Cá
    • Đây là Cửa phía Bắc của thành Giê-ru-sa-lem, từ Ga-li-lê người ta chở cá vào thành Giê-ru-sa-lem theo cửa đó.
    • Phố thứ hai là khu mở rộng của Giê-ru-sa-lem về hướng Bắc (II Vua 22:14), từ đền thờ lên đến Cửa Cá (II Sử 34:22). Đây là thành THÁP (1:11), khu vực có đền thờ, cung điện, thương mại của Giê-ru-sa-lem.
IV/. SÔ-PHÔ-NI VỚI CUỘC CẢI CÁCH ĐỜI VUA GIÔ-SI-A:
  • 1:1, Tiên tri Sô-phô-ni đã nhấn mạnh vào “đời Giô-si-a, con trai A-môn, vua Giu-đa”. Nói đến vua Giô-si-a là phải nói đến cuộc cải cách (phục hưng) tôn giáo như sách II Vua 22: - 23: và II Sử 34: - 35: có ghi lại.
    • II Sử 34:3-8, phá bỏ hình tượng, bàn thờ
    • II Sử 34:8, sửa sang đền thờ của Đức Chúa Trời.
    • II Sử 34:19, 31, vua ăn năn tội và lập ước với Đức Chúa Trời.
    • II Sử 35:18-19, giữ Lễ Vượt Qua trọng thể
  • Theo Kinh Thánh, cuộc phục hưng nầy có hai hạng người khác nhau:
    1. Vua Giô-si-a là người thật lòng ăn năn, tìm kiếm Chúa. Từ sự ăn năn đó, ông muốn cho dân sự cũng ăn năn.
    2. Dân Giu-đa chỉ ăn năn hình thức, phục hưng theo nghi lễ, có thể nói dân Giu-đa ăn năn ‘ăn theo’ vua Giô-si-a. Chúng ta thấy bằng cớ sự ăn năn nầy là giả tạo, ăn năn một nửa (Giê. 3:10)
BẰNG CỚ THỨ I:
*II Sử 34:30, cả dân sự … Đi theo người (người = vua Giô-si-a).
*II Sử 34:32, người (vua) cũng khiến …
*II Sử 34:33b, … và buộc …
*II Sử 34:33c, trọn đời người …
Nghĩa là dân sự chỉ làm theo những điều vua bảo, bắt buộc, không phải từ tấm lòng ăn năn.
BẰNG CỚ THỨ II:
II Sử 34:23-28
Chúa nhận tấm lòng thành thật ăn năn của Giô-si-a, tha thứ và ban ơn cho ông, nhưng Chúa không tha thứ cho dân sự vì họ không thật lòng ăn năn. Chứng tỏ dân Giu-đa chỉ cải cách hình thức.
Cải cách hình thức là cần, nhưng phải phát xuất từ tấm lòng, phải từ sự cải cách bên trong (Ê-sai 1:11-18; 58:1-7)
  • Câu hỏi được đặt ra là Tiên tri Sô-phô-ni đứng trong thời điểm nào của cuộc cải cách đời Giô-si-a?Nghĩa là Sô-phô-ni đóng góp gì cho cuộc cải cách:Trước hay là Sau?
  • Thật ra sự đóng góp của Sô-phô-ni vào cuộc cải cách tôn giáo nầy rất khó xác định thời gian. Nhưng điều khẳng định được là sứ điệp của Sô-phô-ni chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc cải cách. Đặc biệt là đặt sứ điệp của Sô-phô-ni trước hay sau cải cách đều thích hiệp cả.
  • TRƯỜNG HỢP TRƯỚC CẢI CÁCH:
Ngay đoạn 1 cũng đã thích hiệp với những tội lỗi mà dân Giu-đa phạm.
Đoạn 2 thích hiệp với tội lỗi của các dân lân cận đã làm cho nước Y-sơ-ra-ên phía Bắc và Giu-đa phía Nam.Sứ điệp nầy mạnh mẽ như lời giảng của nữ tiên tri Hun-đa (II Sử 34:22-38).
Đoạn 3 của sứ điệp Sô-phô-ni phải được xem như nối tiếp bài giảng của Hun-đa. Kết thúc của nữ tiên tri Hun-đa là kết thúc của Giu-đa sau đời vua Giô-si-a. Sô-phô-ni muốn dân sự trong giờ nghe giảng công kích tội lỗi phải biết ăn năn vì nếu không sẽ bị phạt nặng. Đó là hi vọng mà Sô-phô-ni đoạn 3 đem đến: Đức Giê-hô-va phạt có giới hạn.
  • TRƯỜNG HỢP SAU CẢI CÁCH:
Đứng trước một sự ăn năn bề ngoài, ăn năn theo vua của dân Giu-đa, Sô-phô-ni đã dùng 1: - 3:8 công kích sự giả tạo đó và khẳng định sẽ bị phạt.
Dù vậy, đến 3:9-20 là hi vọng cho dân Chúa khi họ thật lòng ăn năn.
Đi xa hơn cho một tương lai có tính chất tiên tri, Sô-phô-ni cũng trình bày một lời tiên tri KÉP vừa cho hiện tại vừa cho tương lai với sự cai trị của Chúa Jêsus Christ trong Thiên Hi Niên.
Một lần nữa chúng ta lại gặp một người giảng Tin Lành đánh phá tội lỗi nhưng vẫn yêu thương tội nhân biết ăn năn: Đó là SÔ-PHÔ-NI.

Đề mục: NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
Kinh Thánh: Sô-phô-ni 1:1-18
Câu gốc: Sô-phô-ni 1:14
Mục đích: Cảnh báo người nghe phải tỉnh thức trước những thảm họa đã và đang xảy ra báo hiệu Ngày Đức Giê-hô-va đang đến.

I/. NGUỒN GỐC SỨ ĐIỆP NGÀY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA:
  • Sô-phô-ni 1:1
  • Trong câu 1, Kinh Thánh giới thiệu chúng ta nhiều điều dạy dỗ rất đặc biệt:
  1. Ý nghĩa tên của Sô-phô-ni là “Đức Giê-hô-va che giấu”, ý nghĩa nầy thật là một sự dạy dỗ cho chúng ta khi học về Ngày của Đức Giê-hô-va mà Tiên tri Sô-phô-ni sắp loan báo như tác giả Thi thiên 27:5 đã nói: “Vì trong ngày tai họa, Ngài sẽ che khuất tôi trong lều Ngài, Giấu tôi nơi kín mật của trại Ngài; Cũng đỡ tôi lên trên một hòn đá”.
Rõ ràng vị Tiên tri khi xưng tên của ông là Sô-phô-ni đã hàm ý Sứ điệp “Ngày của Đức Giê-hô-va” mà ông sắp loan báo là một tai họa lớn lao biết dường nào, để người nghe tìm kiếm sự che chở từ nơi Đấng duy nhất là chính Chúa, không phải là từ nơi ông dù ông là một Tiên tri của Đức Chúa Trời, và ngay cả ông cũng tìm đến sự che chở của Chúa.
Sự giới thiệu tên của Tiên tri Sô-phô-ni cũng xác nhận Sứ điệp “NGày của Đức Giê-hô-va” không phải là từ Sô-phô-ni, ông chỉ là phát ngôn nhân mà thôi.
  1. Câu 1 cũng giới thiệu một danh sách khá dài về dòng dõi của Tiên tri Sô-phô-ni, cuối cùng ông thuộc dòng dõi Hoàng tộc chính thống,nhất là thuộc một vị vua yêu mến Chúa là Ê-xê-chia vua Giu-đa.
Sự giới thiệu nầy có ý nghĩa gì đối với Sứ điệp “Ngày của Đức Giê-hô-va”?
Sự giới thiệu nầy có hai mục đích: (1) mục đích thứ nhất là xác nhận Sứ điệp Ngày Đức Giê-hô-va của Sô-phô-ni là đáng tin; (2) mục đích thứ hai là xác nhận Sứ điệp Ngày của Đức Giê-hô-va không phải của con người Sô-phô-ni, dù địa vị của ông là cao quý – dòng dõi Hoàng tộc.
  1. Nhóm từ bắt đầu câu 1 “Nầy là lời Đức Giê-hô-va phán cùng Sô-phô-ni”, xác nhận Sứ điệp Ngày Đức Giê-hô-va mà Tiên tri Sô-phô-ni sắp công bố là TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA.
  • “Đức Giê-hô-va” là ai? Đây là câu hỏi mà Môi-se đã hỏi Chúa, và được chính Chúa trả lời trong sách Xuất Ê-díp-tô ký 3:13-15
    • Đức Giê-hô-va là Đấng TỰ HỮU HẰNG HỮU
    • Đức Giê-hô-va là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp.
    • GIÊ-HÔ-VA là danh đời đời của Chúa.
Đây là một danh xưng đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ xưng ra với tuyển dân Y-sơ-ra-ên, một danh được Chúa dùng trong khi kết giao ước với tuyển dân.
  •  Các nhà Giải nghĩa Kinh Thánh cho biết rằng dân Y-sơ-ra-ên rất tôn quí Danh xưng Giê-hô-va của Đức Chúa Trời, ít khi nào dám xưng ra. Thế thì khiTiên tri Sô-phô-ni xác nhận Sứ điệp ông sắp công bố là từ Đức Giê-hô-va phán với ông, rõ ràng Sứ điệp “Ngày Đức Giê-hô-va” quan trọng là dường nào, đáng cho chúng ta quan tâm lắng nghe và vâng theo dường nào!

II/. LÝ DO CÓ NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA:
  • 1:2-13
  • Tôi cảm ơn Chúa cho chúng ta học những lời nầy trong một thời điểm đặc biệt rất thích hợp với những thảm họa đã và đang xảy ra trên toàn thế giới trong một năm qua và trong mấy ngày đầu năm mới 2006.
  • Trong năm qua (2005):
    • Năm 2005 bắt đầu với hậu quả của cơn sóng thần Tsunami vùng Ấn độ dương với trăm ngàn người chết, hàng triệu người mất thân nhân, mất nhà cửa, một năm sau vẫn chưa khắc phục được.
    • Chiến tranh khủng bố với những trận đánh bom xe, bom người cảm tử cho bao nhiêu người, từ Iraq, Indonesia, Thái lan, Tây Ban Nha, Pháp, Anh quốc… và lúc nào cũng đe dọa đến an ninh nước Mỹ.
    • Bão lụt hoành hành tại Trung quốc, tại Việt-nam, gây chết chóc, đói kém…
    • Đại dịch thế kỷ 20 là Bịnh AID vẫn tiếp tục lan tràn qua thế kỷ 21 mà chưa có thuốc trị, tiếp đến lại Đại Dịch Cúm gia cầm đe dọa giết hàng triệu người tại Á châu, Âu châu, và có thể trên toàn thế giới.
    • Nồi thuốc súng tại Trung đông giữa Y-sơ-ra-ên với Palestine lại bùng phát, dù hai phe đều hi vọng sau cái chết của Tổng thống Yasser Arafat, sự nhượng bộ rút quân khỏi Gaza của Ariel Saron.
    • Rồi động đất kinh hoàng tại Pakistanvà vùng biên giới Ấn độ gây tử vong, mất nhà mất cửa, cả thế giới kêu gọi nhau tiếp cứu nhưng chẳng thấm vào đâu
    • Riêng tại Hoa Kỳ, sau thảm họa 911 năm 2001, nước Mỹ đã không còn an ninh nữa, lúc nào cũng phải phòng bị khủng bố, với sự đi xuống của một nền kinh tế phồn thịnh nhất thế giới gây ảnh hưởng chung toàn thế giới.
    • Thảm họa lại đến với trận bão Katrina chưa từng có đổ vào phía Nam Iraq, nếu Chúa không thương xót cho cơn bão Rita giảm bớt và lệch hướng thì còn khủng khiếp biết dường nào.
    • Trong những ngày đầu Năm Mới 2006 đến, nước Mỹ chưa kịp tắt nụ cười với câu chúc nhau Happy New Year, thì cháy rừng, cháy nhà khủng khiếp tại Oklahoma, Texas, bão lụt từ bắc California tràn xuống Nam Califonia gây mất điện, đất chùi, nhà trôi. Trong lúc ấy còi báo động động đất kinh hoàng đe dọa Bang Cali lúc nào cũng được nhắc đến. Rồi nổ mỏ than tại West Virginia chết người.
    • Tại Australia, niềm vui Năm Mới còn mới đó, thì thảm họa cháy rừng nổ ra. Rồi tuyết rơi dữ dội tại Nhật, tại Hàn quốc, tại Đức làm sập nhà chết người. Trong lúc Mùa Đông lạnh giá tràn đến thì Âu châu phải lo lắng trước cuộc tranh chấp giá khí đốt giữa Ukrain với Nga đe dọa Âu châu không đủ khí đốt sưởi ấm.
  • Cho đến thời điểm tôi đang viết những lời về Sứ điệp Ngày Đức Giê-hô-va nầy chỉ là tuần lễ đầu tiên của Năm 2006, chúng ta chưa biết sau đó còn thảm họa gì nữa xảy ra – chắc chắn sẽ còn xảy ra và mối nguy hại càng lúc sẽ càng lớn hơn.
  • Cảm ơn Chúa cho chúng ta được học Sứ điệp Ngày của Giê-hô-va từ sách tiên tri Sô-phô-ni, một Sứ điệp đã được rao báo từ 620 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh. Vậy mà ngày nay, sau gần 2,600 năm, Sứ điệp Ngày Đức Giê-hô-va thích hiệp biết dường nào.
  • Tại sao có Ngày của Đức Giê-hô-va hay tại sao có thảm họa kinh khiếp?
  • Câu trả lời từ 1:2-13 mô tả ba lý do khiến thảm họa sẽ đổ xuống trong Ngày của Giê-hô-va:
  • 1:2-6 đã ghi lại lý do thứ nhất khiến xảy ra Ngày của Đức Giê-hô-va:
  • Nhóm từ “loài người trên đất’ nhắc chúng ta nhớ đến lý do Chúa hủy diệt loài người đời Nô-ê như Sách Sáng thế ký 6:1-12 đã ghi: con trai của Đức Chúa Trời kết hiệp với con gái loài người vừa lòng họ (c. 2), Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn (6:5) và tội ác đó đã ảnh hưởng đến môi sinh (6:7), thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác. nầy Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy đều bại họai, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại (6:11-12). Đó là lý do khiến đưa đến Ngày của Đức Giê-hô-va.
Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh nầy qua cơn lũ lụt vừa xảy ra tại Indonesia, khi người ta phá rừng để trồng cà-phê, không còn cây rừng giữ nước lại.
  • Chi tiết hậu quả của thảm họa xảy ra trong Ngày của Đức Giê-hô-va với những động từ: câu 2: diệt sạch, câu 3, diệt, trừ tiệt, câu 4, trừ tiệt, câu 5, diệt, nói lên sự khủng khiếp của thảm họa trong Ngày của Đức Giê-hô-va: thảm họa không phải chỉ như chúng ta đã thấy, đã nghe, mà là diệt sạch, trừ tiệt, không còn gì cả. Hãy nhớ trận Đại Hồng Thủy đời Nô-ê và lời cảnh cáo của Chúa Jêsus Christ so sánh thời kỳ trước khi Chúa tái lâm với thời Nô-ê trong Mathiơ 24:37-39; Luca 17:26-30.
  • 1:7-9, ghi lại lý do thứ hai đưa đến Ngày của Đức Giê-hô-va là vì những “tân khách” (1:7) của Chúa, đã mặc áo lạ – áo không có trong qui định trong ngày tế lễ của Chúa (1:8); là những người “nhảy qua ngạch cửa” – ấy là những kẻ chẳng bởi cửa mà vào (Giăng 10:1), những kẻ lấn quyền hay cướp quyền.
Nói chung đây là những kẻ kiêu ngạo, trước đây đã từng ở trong nhà Chúa, nhưng bây giờ đã lên mình kiêu ngạo hoặc trật phần ân điển (Hêb. 12:15-17)
  • Đến đây, chúng ta sẽ gặp động từ “Phạt”:
  • câu 8, ta sẽ phạt
  • câu 9, ta sẽ phạt
    • Tại sao “Phạt” mà không “diệt”? Tham khảo với Mathiơ 22:11-14, chưa hẳn chữ “phạt” ở đây là nhẹ hơn chữ “diệt”, vì kẻ không mặc áo lễ đã bị trói và bị quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.
    • 1:10-13, lý do thứ ba đưa đến Ngày của Đức Giê-hô-va là “những kẻ đọng trong cặn rượu và tự nói trong lòng mình rằng: Đức Giê-hô-va sẽ chẳng xuống phước cũng chẳng xuống họa”.
“Những kẻ đọng trong cặn rượu” là những kẻ nán trễ bên rượu (Châm ngôn 23:30a), cứ mãi mê say sưa, vui chơi hưởng lạc, lại còn phạm thượng với Chúa cho rằng Chúa chẳng xuống phước giáng họa – hàm ý không có Đức Chúa Trời, họ chỉ lo tích trữ của cải, nhà cửa, làm giàu cho mình.
  • Hành động của Chúa “dùng đèn đuốc lục soát” cho thấy Chúa diệt sạch, không một kẻ nào như vậy trốn thoát được – chạy trời không khỏi nắng, một mảy lông cũng không lọt.
  • Thật lòng mà nói, những kẻ mà Chúa nêu ra tội lỗi của họ qua 1:2-13, có đáng diệt không? Chắc chắn không thể tha thứ. Đó là lý dó đưa đến NGày của Đức Giê-hô-va.

III/. KHI NÀO CÓ NGÀY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?
  • 1:14-18.
  • Phân đoạn nầy cho chúng ta biết khi nào Ngày của Đức Giê-hô-va xảy đến.
  • 1:14, Ngày lớn của Đức Giê-hô-va ĐÃ GẦN, ĐÃ GẦN RỒI; NÓ ĐẾN RẤT KÍP…
  • Cách dùng từ ngữ ở đây: đã gần, đã gần rồi, đến rất kíp, rõ ràng là một sự thúc hối, thời gian xảy ra Ngày của Đức Giê-hô-va đến cận kề.
  • Cách dùng từ như thế nầy thường được sử dụng trong Tân Ước để nói đến Ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm:
Philíp 4:5, … Chúa đã gần rồi.
Gia cơ 5:7, 8, 9, … kỳ Chúa đến… kỳ Chúa đến gần rồi… Đấng xét đoán đứng trước cửa
Khải. 2: và đoạn 3, … ta sẽ đến (2:5), … ta sẽ đến mau kíp (2:16), … ta đến (2:25), … ta sẽ đến như kẻ trộm (3:3), … ta đến mau kíp (3:11), … Nầy ta đứng ngoài cửa mà gõ (3:20).
Một giọng điệu dồn dập báo hiệu Ngày của Đức Giê-hô-va hay nói cách khác Ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm quá gần rồi.
  • Tôi quyết chắc rằng từ ngày 911 năm 2001 đến nay, dù người tin Chúa hay không tin Chúa cũng đều ý thức rằng Ngày cuối cùng của thế giới nầy quá cận kề, chỉ cần một cái bấm nút của ai đó thì nhân loại sẽ trải qua thảm họa không lường được, chưa kể đến những thảm họa từ thiên nhiên càng lúc càng khốc liệt hơn.
  • 1:18b, … vì Ngài sẽ diệt hết dân cư đất nầy cách thình lình.
  • Ngày của Đức Giê-hô-va chẳng những đến rất gần, mà còn được rao báo là “thình lình”, không ngờ.
  • Đây cũng là thời gian của Ngày Chúa Jêsus Christ tái lâm được nói đến rất nhiều lần là thình lình, như kẻ trộm, không ngờ
Mathiơ 24:39, 42, 44,
Mathiơ 25:13.
Mác 13:35-37
  • Trước đây người ta nghĩ rằng sự tiến bộ của khoa học sẽ giúp con người biết trước những thảm họa thiên nhiên khi nào xảy đến. Nhưng ngày hôm nay, ít nhất là suốt một năm qua, nhất là mấy ngày đầu năm mới 2006, không có một thảm họa nào đã xảy ra được tiên báo trước cả, hậu quả vẫn là tàn khốc.
  • Cảm ơn Chúa, chúng ta là Cơ-Đốc nhân không cần phải đợi đến các phương tiện khoa học loan báo trước khi nào thảm họa xảy đến, chúng ta có Lời của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh loan báo trước rồi – không phải mới loan báo gần đây, mà đã loan báo ít nhất hơn 2,600 năm trước từ sách tiên tri Sô-phô-ni.
  • Chúa cho tiên tri loan báo để làm gì? Há không phải để mọi người ăn năn trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa đến; và há không phải để tạo cơ hội cho ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu sao? (Công vụ 2:20-21).
  • Anh chị em và tôi đã nghe những lời loan báo nầy thì thái độ thế nào? Dửng dưng hay tỉnh thức? Tỉnh thức để làm gì?


Đề mục: TÌM KIẾM CHÚA
Kinh Thánh: Sô-phô-ni 2:1-15
Câu gốc: Sô-phô-ni 2:3
Mục đích: Kêu gọi người nghe tìm kiếm Chúa trước khi tai vạ cuối cùng xảy đến.

I/. CƠ HỘI TÌM KIẾM CHÚA:
  • 2:3, … hãy tìm kiếm …, hãy tìm kiếm …, tìm kiếm …
  • Trong đoạn 1, chúng ta đã được nghe những lời công bố án lịnh về ngày của Đức Giê-hô-va với những hình phạt thật đáng run sợ qua:
    • những động từ trong câu 2-5, diệt sạch, trừ tiệt, phạt,
    • qua những hình ảnhvà âm thanh đáng sợ trong câu 14-16, có tiếng động, kêu khóc đắng cay, hoạn nạn, buồn rầu, hủy phá, hoang vu, tối tăm, mờ mịt, mây và sương mù, tiếng kèn và tiếng báo giặc…
    • qua những sự so sánh trong câu 17-18, chúng nó sẽ đi như kẻ mù, máu chúng nó đổ ra bụi, thịt như phân, cả đất nầy sẽ bị lửa ghen Ngài thiêu hủy, Ngài sẽ diệt hết… cách thình lình.
  • Khi nào Ngày của Chúa đến?
  • 1:14 trả lời, Ngày lớn của Đức Giê-hô-va đã gẫn, đã gần rồi; nó đến rất kíp.
  • Cảm ơn Chúa, lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy được ân điển của Chúa
    • như Sứ đồ Phao lô nói trong thư Rôma 5:20 … nơi nào tội lỗi gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa.
    • như Sứ đồ Phierơ nói trong thư II Phierơ 3:9, Chúa không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn mọi người đều ăn năn.
    • như chính Chúa Jêsus Christ đã phán trong sách Mathiơ 12:20, Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn.
  • Vì vậy, vừa loan báo những hình phạt ghê gớm trong đoạn 1 xong, bắt đầu đoạn 2, Chúa liền kêu gọi:
    • 2:1, hãy nhóm hiệp lại, phải hãy nhóm hiệp lại … để tìm kiếm Chúa, để được Chúa giấu kín trong ngày thạnh nộ (2:3)Đặc biệt lời kêu gọi nhóm hiệp lại tìm kiếm Chúa nầy dành cho dân chẳng biết xấu hổ – tức là cho dân Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa, một dân tộc được Chúa ban ơn rất nhiều, nhưng lại là một dân tộc không biết xấu hổ vì hay bội nghịch và hay nói trái (Rôma 10:21).
Dĩ nhiên Chúa cũng tìm thấy trong đám dân không biết xấu hổ đó còn có những người nhu mì của đất, vẫn còn biết làm theo mạng lịnh của Chúa (2:3)
  • 2:2,  Chúa kêu gọi họ tìm kiếm Chúa khi nào? Ấy là trước khi Ngày thạnh nộ của Chúa đến. Trong câu 3 nầy Chúa lập lại 3 lần cơ hội tìm kiếm Chúa: Trước khi, trước khi, trước khi
Trước khi mạng lịnh chưa ra! Nhưng thời hạn mạng lịnh được đưa ra đến cận kề nhanh như Trấutrong lúc người ta giê lúa (Thi thiên 1:4), bay rất nhanh.
trước khi sự nóng giận của Đức Giê-hô-va chưa đến… - nghĩa là cơn giận của Chúa đang bùng phát, sắp tràn đến.
trước khi ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Chưa đến không có nghĩa là còn lâu mà rất gần, đến rất kíp (1:14).
  • Một lần nữa chúng ta lại thấy được tình yêu thương của Đức Chúa Trời không muốn một người nào chết mất, nhưng muốn mọi người đều ăn năn được cứu. Dù thời hạn Ngày của Chúa rất gần, nhưng Chúa cũng dành thì giờ kêu gọi loài người tìm kiếm Chúa trước khi ngày ấy xảy đến.
  • Không có lúc nào bằng lúc nầy để áp dụng Lời Chúa cho chính mỗi chúng ta về lời Chúa kêu gọi tìm kiếm Chúa trước khi những ngày tai họa xảy đến.
    • Đầu năm 2005, cả thế giới bước vào năm mới với sự kinh hoàng và tiếng than khóc của gần cả triệu nạn nhân của sóng thần. Từ đó lúc nào thế giới cũng lo lắng về sóng thần, ngay cả nước Việt-nam là một quốc gia chưa bao giờ bị sóng thần, dân chúng giao động, bỏ chạy lên núi như tại Đà-nẵng. Và cứ thế các thảm họa tiếp nối đổ xuống tại quốc gia nầy, quốc gia khác, ngay cả nước Mỹ cũng không ngoại lệ.
    • Đầu năm 2006 vừa còn vang tiếng chúc mừng năm mới, thì các thảm họa xảy ra liên tiếp: cháy cỏ biến thành biển lửa vùng Oklahoma, vùng Texas, bây giờ đến Colorado, Arkansas, rồi nổ mỏ than chết người, rồi bão lụt vùng Bắc California;  tuyết dầy chưa từng có đổ xuống nước Pakistan ngay vùng năm rồi đã chịu động đất, tuyết đổ xuống nước Nhật gần 4 mét gây chết người; cháy rừng tại Úc, …
  • Cả thế giới đều biết đó chỉ là đầu tai họa, tất cả đều đang chờ đợi cái gì đó khủng khiếp hơn.
  • Thế thì Lời Chúa hôm nay trong sách tiên tri Sô-phô-ni 2:1-3 kêu gọi chúng ta: Hãy nhóm hiệp lại tìm kiếm Chúa; hãy nhóm hiệp lại tìm kiếm Chúa trước khi mạng lịnh hình phạt của Chúa chưa được thi hành, hãy tìm kiếm Chúa trước khi cơn giận của Chúa chưa tràn tới, trước khi ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va chưa đến.
  • Không còn thì giờ nào thích hiệp hơn!

II/. TÌM KIẾM CHÚA LÀ TÌM KIẾM ĐIỀU GÌ?
  • 2:3, … hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, hãy tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhu mì …
  • Để hiểu được tìm kiếm Chúa là tìm kiếm điều gì, chúng ta phải đọc lại những lời của Chúa phán trong sách tiên tri Ê-sai 58:2-4, tuyển dân đã ngày ngày tìm kiếm Chúa, nhưng Chúa không quan tâm đến, vì đang lúc họ tìm kiếm Chúa bằng sự kiêng ăn mà họ cứ tìm sự đẹp ý mình, và làm khổ cho kẻ làm thuê … tìm sự cãi cọ tranh cạnh, đến nỗi nắm tay đánh nhau cách cộc cằn…
  • Vậy thì Chúa muốn người tìm kiếm Chúa là tìm kiếm cái gì?
  • Ê-sai 58:6-7 đã ghi lại người tìm kiếm Chúa là bẻ xiềng hung ác, mở những trói của ách, thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách… chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình, thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ trinh những kẻ cốt nhục.
  • Bây giờ trong Sô-phô-ni 2:3, Chúa giải thích rõ tìm kiếm Chúa không phải là thực hành những nghi thức tôn giáo như kiêng ăn, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, mà là tìm kiếm sự công bình, tìm kiếm sự nhu mì.
  • Tìm kiếm Chúa là sống đời sống công bình theo như Lời Chúa dạy, sống đời sống khiêm nhường, nhu mì yêu thương mọi người.
  • Chúng ta nhớ lại sách Mi-chê 6:8 cũng ghi lại sự đòi hỏi của Chúa đối với kẻ tìm kiếm Chúa: … cái điều Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhơn từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?
  • Mathiơ 6:33, Chúa Jêsus Christ phán dạy về sự tìm kiếm Chúa: Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài…
  • Lúc nào chúng ta cũng nghe Chúa dạy tìm kiếm Chúa không phải là thực hành nghi thức tôn giáo, mà là áp dụng Lời Chúa dạy sống giữa đời thường, sống công bình, thánh khiết, yêu thương.
  • Thế giới ngày nay có quá nhiều tôn giáo, có quá nhiều triết lý nhân sinh, càng lúc loài người càng thích đi vào cái gì huyền bí, siêu hình, còn những việc áp dụng cho đời sống công bình, nhu mì, yêu thương thì dường như trở thành một thứ xa xí phẩm, đôi khi còn bị coi là lạc hậu.
  • Trong một thế giới như vậy, Cơ-Đốc nhân chúng ta dễ bị cuốn theo chiều gió, có đạo mà không có đức, có Đạo mà không có Chúa. Sứ đồ Phaolô kêu gọi tín đồ tại Philíp: Hãy cho mọi người biết nết nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi (Philíp 4:5), không phải cho họ thấy chúng ta có đạo mà cho mọi người chung quanh thấy cách sống đạo của chúng ta.

III/. PHƯỚC HẠNH TÌM KIẾM CHÚA:
  • 2:3, … hoặc giả các ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va.
  • Theo ý nghĩa thì tên SÔ-PHÔ-NI có nghĩa là Đức Giê-hô-va đã giấu, có lẽ trong 2:3 nầy Tiên tri Sô-phô-ni đã lồng tên của ông vào đó.
  • Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là:
    • Trong ngày thạnh nộ của Chúa, Chúa giấu tôi ở đâu?
    • Trong ngày thạnh nộ, Chúa giấu tôi để làm gì?
  • Nhưng câu hỏi như vậy đã được Thi thiên 27:5-6 trả lời thật rõ ràng:
    • Vì trong ngày tai họa, Ngài sẽ che khuất tôi trong lều Ngài, giấu tôi nơi kín mật của trại Ngài. Cảm ơn Chúa, Chúa giấu tôi trong Lều, trong Trại của Chúa.
Tại sao Chúa không giấu tôi trong nhà Chúa, mà lại giấu tôi trong lều, trong Trại của Chúa.? Cái Lều, cái Trại là nơi trú ngụ lúc còn lang thang trong đồng vắng, hàm ý đang khi chúng ta còn sống trên đất nầy, Chúa vẫn bảo vệ chúng ta. Khi vào nhà Chúa là lúc chúng ta chấm dứt cuộc sống trên đất, được vào nhà đời đời trên trời rồi (II Côrintô 5:1-4)
Thật vậy, trong tình hình thế giới ngày nay với biết bao thảm họa từ con người (thảm họa khủng bố trên máy bay, trong xe lửa, xe bus, trong chợ, ngay cả trong đám cưới đám tang cũng bị khủng bố), từ thiên nhiên (sóng thần, động đất, bão lụt, lũ quét, mưa đá, mưa tuyết… ), từ dịch lệ (bịnh AIDS, cúm gia cầm, Ebola…), chúng ta được nghe những lời hứa nầy của Chúa: các ngươi sẽ được giấu kín trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va, không có gì phước hạnh hơn, thỏa lòng, bình an hơn.
Anh chị em ơi, có rất nhiều lời hứa tương tự như vậy được ghi trong Kinh Thánh, như:
Thi thiên 23:4
Thi thiên 91:
Mathiơ 28:20b
Giăng 16:33
Anh chị em hãy đọc và ghi nhớ để ngày mai khi ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va xảy đến, Lời Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta bình an.
  • Trong ngày thạnh nộ, Chúa giấu tôi để làm gì?
  • Một lần nữa chúng ta phải học kinh nghiệm của Đa-vít trong Thi thiên 27:5bb và câu 6:
    • Chẳng những Chúa giấu tôi, mà Ngài còn đỡ tôi lên trên một hòn đá, nghĩa là Chúa bảo vệ tôi đồng thời cũng ban cho tôi được vững tin như một người đứng trên hòn đá, không phải đứng trong bùn sình.
    • Câu 6, Chẳng những Chúa giấu tôi, bảo vệ tôi khỏi mọi tai họa, mà Chúa còn làm cho đầu tôi ngước cao hơn các kẻ thù nghịch vây quanh tôi; trong trại của Chúa – nghĩa là đang lúc chúng ta sống trên đất tạm nầy, Chúa cho chúng ta cuộc sống vui vẻ, hát mừng, ca tụng Chúa.
  • Có rất nhiều người sau khi thoát khỏi một thảm họa nào đó như sóng thần, động đất, bão lụt, nhà cháy, thường thường họ bị khủng hoảng tinh thần, khiếp sợ, đôi khi đưa đến bịnh tâm thần. Cảm ơn Chúa, nếu chúng ta biết tìm kiếm Chúa bằng cách sống công bình, nhu mì, yêu thương, Chúa hứa sẽ bảo vệ, ban bình an, vui mừng cho kẻ vâng lời Chúa.
  • Điều quan trọng cho bài học Lời Chúa hôm nay không phải là chúng ta ngồi chờ tai họa đến, ngồi chờ ngày của Chúa đến, mà là tìm kiếm Chúa – không phải tìm kiếm những nghi lễ, nhưng là tìm kiếm cuộc sống như Lời Chúa dạy giữa đời nầy, ngay hôm nay.


Đề mục: ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÔNG BÌNH
Kinh Thánh: Sô-phô-ni 3:1-20
Câu gốc: Sô-phô-ni 3:5
Mục đích: Giúp con cái Chúa hiểu rằng Chúa là Công bình, nên Chúa cũng sẽ đoán phạt nếu không ăn năn.

I/. BẰNG CỚ THỨ I: ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ CÔNG BÌNH:
  • Sô-phô-ni 3:1-5
  • Hầu hết các Cơ-Đốc nhân đều biết rất nhiều về Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, nhất là câu Kinh Thánh trong Giăng 3:16 được tất cả Cơ-Đốc nhân thuộc nằm lòng.
  • Hiểu biết Đức Chúa Trời yêu thương là một điều tốt, nhưng rất tiếc là chúng ta lại quên mất những phương diện khác của Đức Chúa Trời như Đức Chúa Trời thánh khiết, Đức Chúa Trời công bình.
  • Những người chưa tin Chúa cũng vậy, hầu như ai cũng nghĩ đến Ông Trời là nghĩ đến một Vị Thần yêu thương, cho nên khi gặp một hoàn cảnh nào đó trong cuộc sống, người ta thường oán trách Đức Chúa Trời. Hoặc khi nhìn thấy một tai họa nào đó, người ta thường đặt vấn đề: Có Đức Chúa Trời hay không? Nếu có tại sao lại để xảy ra những cảnh thương tâm, đau khổ như vậy?
  • Những hiểu biết phiến diện như vậy khiến loài người nói chung, và Cơ-Đốc nhân nói riêng thường sống dường như không có Đức Chúa Trời hiện hữu trên thế gian, Đức Chúa Trời không hiện hữu trong đời sống của họ, nên họ sống như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ (Philíp 3:18b).
  • Cảm ơn Chúa, qua Kinh Thánh nói chung và qua sách tiên tri Sô-phô-ni, chúng ta học được Đức Giê-hô-va ở giữa nó là công bình … (3:5). Đặc biệt qua câu gốc nầy, Lời Chúa giải thích sự công bình của Chúa thật rõ ràng:
    • Chúa là công bình chẳng hề làm sự gian ác.
    • Sự công bình của Chúa được tỏ ra giữa sự sáng mỗi buổi sớm mai không hề dứt (Ca-thương 3:23)
    • Tuy nhiên, dù sự công bình của Chúa tỏ ra rõ ràng dường ấy, nhưng kẻ bất nghĩa là không biết kính sợ – nghĩa là không phải ai cũng biết kính sợ sự công bình của Chúa để sống công nghĩa.
  • Qua 3:1-5, chúng ta thấy được bằng cớ sự công bình của Chúa đối với loài người, dù họ biết Đức Chúa Trời công bình, không kể kẻ có tội là vô tội, nhưng họ vẫn sống:
    • câu 1, bạn nghịch, ô uế, làm sự bạo ngược.
    • câu 2, họ không nghe lời, không chịu sửa dạy, không nhờ cậy Chúa, không đến gần Chúa.
    • câu 3, những người có chức quyền như sư tử gầm thét, như muông sói ban đêm, những loài thú dữ nầy đang ở trong cơn đói đang tìm mồi: sư tử gầm thét là sư tử đang tìm mồi, ban đêm là giờ kiếm mồi của muông sói. Những người có chức quyền thay vì là phụ mẫu chi dân – cha mẹ của dân, lo cho dân, thì họ lại tìm cách để bòn rút của dân, làm hại dân.
    • câu 4, các tiên tri – tức là những người dạy đạo đức là những người nói những lời càn dỡ dối trá; các thầy tế lễ – tức là những người làm tôn giáo thì lại làm ô uế nơi thánh, giải thích luật pháp theo ý riêng bằng cách nói quanh quẹo.
  • Nói chung một lời, thay vì nhờ cậy Chúa, đến gần Chúa, sống đời tìm cầu Chúa, kính sợ Chúa, loài người làm ngược lại hoàn toàn. Không phải là loài người không biết Đức Chúa Trời công bình, vì ai cũng biết những từ ngữ: Trời phạt, Trời cho… Họ nhìn vào muôn vật, sinh hoạt hằng ngày chung quanh, họ đều biết quả thật có Đức Chúa Trời công bình chẳng kể kẻ có tội là vô tội. Nói như Phaolô nói trong thư Rôma, điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi… vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa… (Rôma 1:19-23)
  • Bởi đó dù Đức Chúa Trời là sự yêu thương, dù Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi không tiếc chính Con mình nhưng vì chúng ta mà ban Con ấy cho…, Chúa cũng phải thi hành sự đoán phạt để loài người biết Ngài cũng là công bình. Đức Chúa Trời ban sự đoán phạt không phải vì Chúa là ác mà là vì công bình chẳng hề làm sự ác, không dung chịu tội lỗi.

II/. BẰNG CỚ THỨ II: ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ CÔNG BÌNH:
  • 3:6-8
  • Bắt đầu với câu 6, Kinh Thánh mô tả sự đoán phạt của Chúa thật khủng khiếp:
    • Ta sẽ diệt các dân tộc.tháp góc thành chúng nó đều hoang vu.
    • Ta sẽ làm cho phố chợ nó ra vắng vẻ, đến nỗi không ai đi qua.
    • Thành nó đã bị phá diệt, không còn một người nào, và chẳng có ai ở đó.
  • Có lẽ trước năm 1945, loài người trên thế giới khó tưởng tượng ra hình ảnh của những lời tiên tri nầy:  thành phố bị diệt hết, không có ai ở và đi qua … Nhưng khi lần đầu tiên những trái bom nguyên tử nổ ra trên hai đảo Hiroshima và Nawashaki thì loài người biết lời tiên tri rao báo trong Kinh Thánh, như trong sách tiên tri Sô-phô-ni là chân lý, không phải là một câu chuyện thần thoại. 60 năm qua từ 1945 đến nay (2006), chuyện vũ khí hủy diệt hàng loạt đã không còn là chuyện khoa học giả tưởng, mà là thực tế.
  • Đó là phương diện con người.
  • Về phương diện Đức Chúa Trời, gần hơn là trong năm qua, từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2006, mỗi lần thiên tai kéo đến một nơi nào đó, ngay cả trên đất của một siêu cường như nước Mỹ, thì nơi đó đã trở thành bình địa, vắng người.
  • Tuy nhiên chúng ta phải cảm tạ Chúa, vì Kinh Thánh không ngừng ở những câu Kinh Thánh như vậy, như câu gốc 3:5 đã chứng tỏ: Đức Giê-hô-va ở giữa nó là công bình, CHẲNG HỀ LÀM SỰ GIAN ÁC, Chúa chỉ muốn tỏ cho loài người biết sự công bình của Ngài để loài người sống công bình đạo đức.
  • Do đó, 3:7, sau khi công bố đoán phạt, Chúa lại phán: Ngươi chỉ nên kính sợ ta, chịu sửa dạy, thì chỗ ở nó sẽ không bị dứt đi, theo mọi sự ta đã định về nó.
  • Rõ ràng Chúa phạt để loài người kính sợ Chúa, chịu sửa dạy, như vậy loài người sẽ tránh được hình phạt Chúa đã định.
  • Đáng buồn thay, 3:7b, Chúa phải than thở: Nhưng chúng nó chổi dậy sớm, - không phải dậy sớm để nghe Chúa phán dạy (Êsai 50:4b), họ dậy sớm để làm bại hoại mọi công việc mình, nghĩa là họ không sợ và cứ phạm tội tiếp tục.
  • Thêm một điều nữa để chúng ta cảm ơn Chúa về sự công bình của Chúa.
  • Trong 3:8, sau khi Chúa công bố hình phạt đổ xuống thật lớn, thật kinh khiếp, hình phạt sẽ giáng trên các dân tộc và các nước; còn mức độ hình phạt là Chúa sẽ đổ sự thạnh nộ và cả sự nóng giận của Chúa trên các dân các nước đó, đáng cảm tạ sự công bình của Đức Chúa Trời, Chúa phán: vì cả đất sẽ bị nuốt bởi LỬA GHEN TA.
  • Tại sao Chúa ghen? Thư Gia-cơ 4:5 giải thích Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương, nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa.
  • Lời đó có nghĩa gì? Lời đó Chúa muốn nói với con người rằng Chúa phạt con người vì yêu thương con người, đáng lẽ con người do Chúa dựng nên phải yêu thương Chúa, họ lại chối bỏ tình yêu thương của Chúa, hình phạt chỉ có mục đích sửa dạy, để cứu con người khỏi diệt vong (3:7)
  • Có người nói: “Chạm đến Đức Chúa Trời là chạm đến yêu thương” ngay cả chạm đến sự công bình đoán phạt của Chúa.

III/. BẰNG CỚ THỨ III: ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ CÔNG BÌNH:
  • 3:9-20
  • Trong tuần vừa qua, có một sinh viên Thần học sau 3 năm hơn học ở một Trường Thần học, đã bỏ trường ra đời đi làm kiếm sống, anh ấy đã gọi điện thoại cho tôi và cho rằng Đức Chúa Trời là thiện nhưng cũng là ác. Anh Sinh viên nầy chứng minh Đức Chúa Trời đã giết người – đó là ác. Tôi nói anh Sinh viên đó một quan tòa tuyên án phạt một tội nhân, ngay cả án phạt tử hình, không ai cho rằng quan tòa đó ác. Đức Chúa Trời ra lịnh giết một người như A-can, diệt một dân tộc như các dân trong xứ Ca-na-an, không phải vì sự ác xui giục mà là vì bản tánh thiện của Chúa đòi hỏi Ngài phải phạt tội nhân không ăn năn.
  • Đức Chúa Trời phạt tội nhân với mục đích gì?
    • Như chúng ta đã nói qua Sô-phô-ni 3:1-5, Đức Chúa Trời phạt con người vì họ không lo tìm kiếm Chúa, nhờ cậy Chúa, lại đi làm bạn nghịch, làm bạo ngược, càn dỡ dối trá, ô uế nơi thánh, quanh quẹo luật pháp.
    • 3:6-8, Đức Chúa Trời phạt con người vì Chúa đã kêu gọi con người kính sợ Chúa, chịu sửa dạy để sống công bình đạo đức. Nhưng chúng nó chổi dậy sớm, làm bại họai mọi công việc mình.
  • Rõ ràng mục đích Chúa phạt chỉ để cứu người không phải để giết người.
  • Truyện xưa Việt-nam kể rằng: Có một người khách đến nhà tìm cha mẹ của thần đồng Lê Quý Đôn – lúc ấy Lê Quý Đôn còn là một đứa bé. Khách hỏi cha mẹ đi đâu, Lê Quý Đôn trả lời:  cha tôi đi giết người, mẹ tôi đi cứu người.  Khách không hiểu phải chịu thua thần đồng Lê Quý Đôn khi nghe cậu bé giải thích: cha tôi đi nhổ mạ, còn mẹ tôi đi cấy lúa. Nhổ mạ được xem là giết người. 
  • Một lần nữa chúng ta lại thấy sự công bình của Chúa tỏa ra tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người qua phân đoạn Kinh Thánh 3:9-20 nầy.
  • Sự công bình đòi Chúa phạt, nhưng Chúa phạt con người với mục đích gì?
    • 3:9, vì bấy giờ ta sẽ ban môi miếng thanh sạch cho các dân, …
    • 3:11, trong ngày đó, ngươi sẽ không còn xấu hổ vì cớ mọi việc mình làm, là những việc đã phạm tội nghịch cùng ta…
    • 3:15, Đức Giê-hô-va đã trừ bỏ sự phán xét ngươi… ngươi sẽ không gặp tai vạ nữa…
  • Những lời kỳ diệu đó có khiến anh chị em là những người đã trải qua những ngày hoạn nạn, khó khăn biết cảm tạ Chúa không?
  • Sự đoán phạt từ sự công bình của Đức Chúa Trời giống như lửa, không phải loại lửa cháy rừng, nhưng là lửa của thợ luyện bạc luyện vàng. Nhiều lần Kinh Thánh nhắc đến loại lửa nầy của Chúa:
    • Êsai 4:4, Chúa đem thần công bình cùng thần thiêu đốt mà rửa sự ô uế của con gái Si-ôn, tẩy sạch huyết Giê-ru-sa-lem khỏi giữa nó.
    • Malachi 3:2-3, lửa của Chúa giống như lửa của thợ luyện mục đích để tẩy sạch cáu cặn.
  • Và sự hình phạt của Đức Giê-hô-va cũng vậy, Chúa phạt là để:
    • 3:17, ban sự giải cứu.
    • 3:19, cứu kẻ què, thâu kẻ bị đuổi, làm cho chúng nó được khen ngợi và nổi danh tiếng.
  • Sự công bình của Chúa được tỏ ra là để sửa phạt, như cái roi của người cha nhân từ.
  • Một Năm Ất Dậu 2005 đã qua, trên con đường theo Chúa, chắc chắn có nhiều lúc nhiều lần chúng ta lầm lỗi với Chúa và vì cớ đó có nhiều lần Chúa đã cho phép sự thử thách, đau ốm, bịnh tật, hoạn nạn, khó khăn, xảy đến cho chúng ta. Trong những giờ phút đó anh chị em có trách Chúa: Sao Chúa không yêu thương con không? Có nghi ngờ tình yêu thương của Chúa không? Xin Chúa dùng bài học qua sách tiên tri Sô-phô-ni nầy để mỗi anh chị em chúng ta tỉnh thức nhớ lại Đức Chúa Trời chúng ta là yêu thương và cũng là công bình; Đức Chúa Trời chúng ta là công bình sửa phạt chúng ta nhưng cũng là Đức Chúa Trời yêu thương vì Ngài phạt để cứu chúng ta.
 



Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.