Xa-cha-ri

 I/. TÁC GIẢ:
  1. Tên:
Tên Xa-cha-ri có nghĩa là: Đức Giê-hô-va đã nhớ đến.
  1. Gia thế:
Xa-cha-ri là con trai của Ba-ra-chi, cháu của Y-đô (Ê-xơ-ra 5:1; 6:14)
Về Y-đô, có 2 điều cần nói đến:
  1. II Sử 12:15; 13:22, nói đến Y-đô là đấng tiên kiến, cũng là nhà chép sử cho các vua Giu-đa.
  2. Nêh. 12:4, 12-16, Y-đô thuộc họ Lê-vi, dòng dõi thầy tế lễ, và Xa-cha-ri cũng thuộc dòng dõi thầy tế lễ.
Như vậy, Xa-cha-ri là người có gia thế cao trọng, có nhiều điều kiện gần gũi với Chúa, nhất là trong vấn đề liên quan đến đền thờ.
Qua những dòng gia thế, chúng ta biết Xa-cha-ri là người sống thời hậu lưu đày (1:1, năm thứ hai đời Đa-ri-út – 520 TC.). Có lẽ Xa-cha-ri được sinh ra và lớn lên trên đất Ba-by-lôn và đã hồi hương với E-xơ-ra để góp phần xây lại đền thờ.

II/. NIÊN HIỆU:
Có 3 niên hiệu được ghi trong sách với 3 sự kiện quan trọng khác nhau:
  1. Đoạn 1:1, Tháng 8, năm thứ hai, đời Đa-ri-út:
Chức vụ của Xa-cha-ri bắt đầu vào thời điểm nầy, tức là sau A-ghê độ 2 tháng (A-ghê 1:1, ngày 1 tháng 6), và trước khi A-ghê chấm dứt chức vụ độ 1 tháng (A-ghê 2:10, 20)
Thời gian nầy, Xa-cha-ri đã giảng với lời kêu gọi dân Chúa quay về thờ phượng Chúa.
  1. Đoạn 1:7, Ngày 24 tháng Sê-bát (tháng 11), năm thứ hai đời Đa-ri-út:
 Đây là thời điểm Xa-cha-ri thấy các dị tượng ghi từ 1:7 đến đoạn 6:
  1. Đoạn 7:1, Ngày 4 tháng Kít-lêu (tháng 9), năm thứ tư:
Niên hiệu nầy ghi lại sự kiện qua Xa-cha-ri, Đức Chúa Trời đã trả lời một số câu hỏi của các đại diện cho người Giu-đa về việc kiêng ăn trong tháng 5 như lệ định (7:3)
Tổng cộng chức vụ của Xa-cha-ri đã kéo dài 2 năm: từ năm thứ hai đến năm thứ tư đời vua Đa-ri-út, nghĩa là từ khi đền thờ được phép tiếp tục xây cất lại (Exơra 4:24) và suốt trong thời gian xây cất đó.

III/. VĂN THỂ:
Sách Xa-cha-ri đã dùng 3 loại văn thể:
  1. Văn giảng: 1:1-6
Xa-cha-ri đã bắt đầu phần giảng với bố cục rất chuẩn:
1:1-2   Nguồn gốc bài giảng
1:3       Mục đích bài giảng
1:4-6   Giải thích bài giảng
Tính chất bài giảng bao giờ cũng bao gồm 2 phương diện: kêu gọi và giải thích (lập luận), và Xa-cha-ri đã làm đúng như vậy.
  1. Văn Tự Thuật: 1:7 – 6:
Đây là phần Xa-cha-ri tự thuật những gì ông đã thấy với những từ ngữ: Ta thấy (1:18), ta ngước mắt lên (1:18), Ta xem (1:20), Ta ngước mắt lên và nhìn xem (2:1, 3:1; 4:2; 5:1; 6:1).
Đặc biệt trong phần Văn Tự Thuật nầy, Xa-cha-ri đã thuật lại những sự hiện thấy về các dị tượng (từ 7 đến 10 dị tượng tùy theo cách chia của các nhà giải kinh).
Lối Văn Tự Thuật dị tượng nầy giống như lối văn của Tiên tri Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên (hai Tiên tri Lưu đày).. Có 2 ý giải thích cách dùng Văn Tự Thuật theo lối dị tượng:
  1. Do ảnh hưởng lối văn của người Canh-đê với cách viết theo lối thần bí.
  2. Hoặc để tránh sự dò xét của người Ba-by-lôn đối với tinh thần hoài vọng quê hương của người Y-sơ-ra-ên.
  1. Văn Đối Thoại: 7: - 14:
Phần sứ điệp nầy là câu trả lời của Chúa nên giọng văn tự nhiên như một cuộc trò chuyện, không có tính chất cầu kỳ.

IV/. ĐẶC ĐIỂM:
  1. Dị Tượng:
  1. Người cỡi ngựa: 1:8-17.
Câu 10-11 giải thích ý nghĩa của dị tượng:
  • Những người cỡi ngựa là những sứ giả (thiên sứ) của Chúa.
  • Rất nhiều những màu sắc của ngựa xen lẫn
  • Cả đất yên lặng, nghĩa là tình trạng dân Giu-đa bị lưu đày chưa có dấu hiệu thay đổi như các tiên tri đã rao báo sau 70 năm thì họ sẽ được hồi hương.
  • Sự yên lặng nầy khiến các thiên sứ và Xa-cha-ri thắc mắc (1:12-13)
  1. Bốn Cái Sừng: 1:18-21
“Sừng” chỉ về sức mạnh, quyền thế (I Vua 22:11; Giê. 48:25; Mi-chê 4:13).
So với dị tượng của Đa-ni-ên (7:7-8; 8:3); thì ‘sừng’ chỉ về quyền lực của các đế quốc làm bá chủ thế giới (1:21), có liên hệ đến sự an nguy của dân Y-sơ-ra-ên.
  1. Dây Đo: 2:1-13
Tường thành có công dụng bảo vệ
Một Giê-ru-sa-lem mới được thạnh vượng (2:4) sẽ không cần tường thành vật chất, nhưng chính Chúa sẽ làm tường thành bằng lửa (2:5)
  1. Thầy tế Lễ Giê-hô-sua: 3:
Thầy tế lễ Giê-hô-sua làm hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên, là dân được chọn làm chức tế lễ, được đến gần Đức Chúa Trời.
Áo bẩn là tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên đã phạm, họ như cái đóm ra khỏi lửa (que củi cháy dở – Amốt 4;11), đáng lẽ đã bị diệt hoàn toàn, nhưng được thương xót (Ê-sai 6:13)
  1. Chơn Đèn Bằng Vàng: 4:
Trong sự hiện thấy nầy, ngoài chơn đèn bằng vàng, còn có hai cây Ô-li-ve ở hai bên.
4;14 giải thích hai nhánh Ô-li-ve đó là 2 chứng nhân (Khải huyền 11:4-13). Dầu Ô-li-ve dùng để thắp đèn (Xuất. 27:20), và pha chế làm dầu thánh.
Còn về “chơn đèn” thì được áp dụng theo hai cách:
  • Chơn đèn chỉ về chính Chúa Jêsus Christ (Giăng 8:12), vì Ngài là sự sáng)
  • Chơn đèn cũng chỉ về Hội Thánh (Khải huyền 1:13, 20). Về Hội Thánh, theo nghĩa hẹp là người Y-sơ-ra-ên (Cựu Ước), theo nghĩa rộng là cộng đồng Cơ-đốc nhân (I Côrintô 1:2)
Nhưng trọng tâm của dị tượng nầy là DẦU, dầu Ô-li-ve để thắp đèn. Vì luật lệ qui định đèn phải cháy luôn (Xuất. 27:21), và hai chứng nhân đều được xức dầu (4:14).Điểm nầy được nhấn mạnh trong 4:4 – “bởi Thần ta
  1. Cuốn Sách Bay: 5:1-4
Cuốn sách mô tả ở đây có kích thước lớn, vì 1cuđê = 0, 45m (từ cánh chỏ đến đầu ngón tay). Như vậy, cuốn sách có kích thước dài 9 mét, ngang 4,5 mét.
Cuốn sách bay là sách ghi sự rủa sả (Ê-xê-chi-ên 2:9-10; Khải huyền 10:9-11).
  1. Ê-pha: 5:5-11
Ê-pha là đơn vị đo lường lớn nhất dùng cho các vật khô, ước chừng 36,5 lít. Có lẽ ở đây vật nầy to hơn, vì một người có thể ngồi trong đó, nên Tiên tri mượn một đơn vị to nhất của người Y-sơ-ra-ên để nói đến, hoặc vật đó có hình như Ê-pha.
5:6b, Ê-pha hình bóng vật đo lường tội lỗi cả đất phải dùng đơn vị lớn nhất để đo.
Khối chì tròn là cái nắp hay dấu ấn để đóng khằn trên miệng Ê-pha.
Ê-pha chứa một người nữ (người đàn bà) làm hình bóng về sự gian ác (5:8).Điềm cần lưu ý là có thêm hai người đàn bà nữa (5:9), sự gian ác đã được thêm lên và chắp cánh. Chữ Trung quốc cũng dùng 3 chữ NỮ để chỉ chữ GIAN (gian ác = 姦).
Đất Si-nê-a tức là đồng bằng Ba-by-lôn (Sáng. 10:10). Thành tội ác nầy được nói rõ trong Khải huyền 17: - 18:
  1. Bốn cổ xe: 6:1-8
Núi bằng Đồng. “Đồng” chỉ về sự đoán phạt, cho nên sự hiện thấy nầy mang ý nghĩa về sự đoán phạt.Sự đoán phạt nầy là chắc chắn, vì ra từ Hai hòn núi. Số HAI (2) là số làm chứng.
Bốn cổ xe với 4 ngựa kéo có màu sắc khác nhau. Bốn màu nầy trùng hợp với 4 hướng [theo Dịch lý Đông phương]:
  • Màu đen, xanh dương = hướng Bắc
  • Màu trắng (từ ngữ “Ra Theo Nó” trong tiếng Hi-bá-lai cũng có nghĩa là “Hướng Tây”. Như vậy, con ngựa trắng nầy từ hướng Tây ra đồng lúc với con ngựa màu đen phía Bắc)
Còn lại 2 con ngựa:
  • Xám vá hay là đốm xanh lá cây (dappled gray)
  • Câu 7 chỉ về con ngựa hồng (hung đỏ)
Theo Dịch lý thì màu xanh lá cây thuộc hướng Đông, màu đỏ thuộc hướng Nam. Nhưng câu 6b-7 lại ghi ngựa xanh kéo đến phương Nam, mà không nói đến hướng của ngựa đỏ. Do đó, chúng ta thấy có sự phối hợp của 4 lực lượng chia làm hai phe:
  • Màu ĐEN có sự hỗ trợ của màu TRẮNG
  • Màu ĐỎ có sự hỗ trợ của màu XANH
Cuộc chiến tranh mang tính chất đoán phạt nầy đưa đến 2 kết quả. Theo Xa-cha-ri 6:8,
  • Lực lượng phương Bắc thắng
  • Làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời (Thần ta yên lặng)
  1. Ngày Tái Lâm: 14:
Đặc biệt trong đoạn 14 ghi lại quang cảnh ngày Chúa Jêsus tái lâm trong chặng thứ hai rõ ràng:
  1. Giờ tái lâm: 14:1-2
Ấy là lúc mọi nước kéo về bao vây Giê-ru-sa-lem.
  1. Địa điểm Chúa Jêsus tái lâm: 14:3-5a
Bàn chân của Chúa Jêsus Christ sẽ đặt trên núi Ô-li-ve. Núi ấy sẽ bị chia xé làm hai từ Đông sang Tây.
  1. Cảnh Trạng Chúa Jêsus tái lâm: 14:5b-12
    • 5b, Chúa Jêsus sẽ đến với các thánh (Khải huyền 19:11-14)
    • 6-7, có những biến động trong bầu trời
    • 8-11, Giê-ru-sa-lem được giải cứu
    • 12, khí giới sử dụng rất đặc biệt, khiến con người chết trước khi biết mình chết.
  2. Kết quả Chúa Jêsus tái lâm: 14:13-21
  • 13-19, các kẻ thù nghịch với Giê-ru-sa-lem và thù nghịch với Chúa Jêsus đều bị đoán phạt.
  • 20-21, Chúa được tôn thánh và Giê-ru-sa-lem được tẩy sạch.
V/. BỐ CỤC:
Đề mục: TRỞ LẠI
Câu gốc: 1:3
  1. Nhu cần trở lại: 1:1-6
  1. Vì Chúa kêu gọi: 1:1-3
  2. Vì bài học quá khứ: 1:4-6
  1. Tiến Trình trở lại: 1:7 – 6:
  1. Giải quyết quá khứ: 1:7-21 (các thế lực bị diệt)
  2. Việc làm cho hiện tại: 2: - 4: (Chúa bảo vệ và ban năng lực như đã ban cho Giê-hô-sua với Xô-rô-ba-bên)
  3. Bày tỏ về tương lai: 5: - 6: (sự đoán phạt hoàn thành)
  1. Kết Quả Trở Lại: 7: - 14:
  1. Giê-ru-sa-lem sẽ không còn sầu thảm: 7: - 8:
  2. Giê-ru-sa-lem sẽ không còn bị hà hiếp: 9: - 14:
    • Các nước hà hiếp Y-sơ-ra-ên bị phạt: 9: (9:8)
    • Giê-ru-sa-lem trở nên hùng mạnh: 10: - 12: (10:11-12)
    • Giê-ru-sa-lem được tẩy sạch: 13: (13:2, 9)
    • Giê-ru-sa-lem được Chúa cai trị: 14:3-4
VI/. SO SÁNH VỚI TÂN ƯỚC:
  1. So sánh với các sách Tin Lành:
 Sách Xa-cha-ri được trích dẫn nhiều trong thời kỳ cuối của Chúa Jêsus trên đất, từ khi Chúa Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem đến khi Chúa Jêsus chịu chết.
  • Mathiơ 21:4          Chúa Jêsus vào Giê-ru-sa-lem.
  • Mathiơ 26:31        các môn đồ bị tan lạc (Mác 14:27)
  • Mathiơ 27:10,       Tiền Giu-đa bán Chúa Jêsus
  • Giăng 19:37, Chúa Jêsus chịu chết sẽ sống lại và mọi người sẽ thấy.
Sự trích dẫn nầy tỏ ra Xa-cha-ri được mặc khải nhiều về sự đắc thắng, sự vinh hiển của dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ sau rốt.
Thật vậy, qua sứ điệp của Xa-cha-ri, chúng ta thấy Tiên tri chỉ nhắc đến quá khứ tội lỗi sẽ được trừ bỏ, mô tả một tương lai vinh hiển. Xa-cha-ri đã không nhìn vào sự thương khó của Chúa Jêsus Christ như một cớ đau buồn, nhưng như một bài ca đắc thắng, TOÀN THẮNG. BÀI CA TOÀN THẮNG nầy bắt đầu từ sự kiện vào Giê-ru-sa-lem vinh hiển, kết thúc với câu: CHÚNG SẼ NGÓ THẤY NGƯỜI MÀ MÌNH ĐÃ ĐÂM (Giăng 19:37 so với Xa-cha-ri 12:10).
  1. So với sách Khải huyền:
Chúng ta cũng có thể so sánh giữa sách Xa-cha-ri với sách Khải huyền để thấy sự tương đồng kỳ diệu:
 
XA-CHA-RIKHẢI HUYỀNÝ NGHĨA
1:1-61: - 3:1Lời khuyên
1:7-134: - 18:Dị tượng và án phạt
14:19: - 22:Chung cuộc
Đọc sách Xa-cha-ri, người đọc sẽ có cảm nghĩ như đọc sách Khải huyền: Khó hiểu các dị tượng, nhưng chắc chắn cũng sẽ có sự vui mừng vì,
  • Nhận được một lời khuyên ăn năn
  • Biết được số phận của kẻ thù nghịch là ma quỉ sẽ kết thúc.
  • Nhìn thấy được cảnh ToànThắng của Chúa Jêsus Christ và các thánh đồ.



Đề mục: TRỞ LẠI CÙNG CHÚA
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 1:1-6
Câu gốc: Xa-cha-ri 1:3
Mục đích: Một đời sống biết trở lại cùng Chúa bao giờ cũng là một đời sống phước hạnh.

I/. NGƯỜI CẦN TRỞ LẠI CÙNG CHÚA:
  • 1:3, Vậy ngươi khá nói cùng CHÚNG rằng: Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Hãy trở lại cùng ta, thì ta sẽ trở lại cùng CÁC NGƯƠI…
  • Niên hiệu ghi trong 1:1, Tháng tám năm thứ hai Đa-ri-út… cho chúng ta biết lời của Chúa đang phán với dân Y-sơ-ra-ên đang ở dưới sự cai trị của người Phe-rơ-sơ (Hay là người Mê-đi Ba-tư).
  • Tại sao dân Y-sơ-ra-ên bị người Phe-rơ-sơ cai trị? Lịch sử Kinh Thánh và Lịch sử thế giới đã ghi lại người Y-sơ-ra-ên bị dân Ba-by-lôn bắt lưu đày từ năm 606 TC. Đến năm 538 TC. người Phe-rơ-sơ hay người Mê-đi Ba-tư đã nổi lên đánh hạ được Đế quốc Ba-by-lôn, bởi đó dân Y-sơ-ra-ên đang bị người Ba-by-lôn lưu đày được chuyển sang cho người Phe-rơ-sơ cai trị.
  • Cũng chính vào năm đó, vua Si-ru của người Mê-đi Ba-tư đã ra chiếu lịnh cho phép dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương (II Sử 36:22-23; E-xơ-ra 1:1-4)
  • 1:1, vua Đa-ri-út nầy là người cai trị nước Phe-rơ-sơ từ năm 521-485 TC., là người đã hứa cho người Y-sơ-ra-ên tiếp tục hồi hương và tái thiết Đền thờ dưới sự chỉ huy của Xô-rô-ba-bên.
  • Trong thời gian tái thiết Đền thờ, Tiên tri A-ghê mà chúng ta đã học, chú trọng đến sự chểnh mảng của dân Chúa đối với việc xây dựng Đền thờ, còn Tiên tri Xa-cha-ri – 1:3, truyền lại mạng lịnh của Chúa kêu gọi dân Chúa ăn năn tội lỗi với Chúa.
  • Cho nên những chữ NGƯƠI, CÁC NGƯƠI trong câu gốc là Chúa đang phán với dân Y-sơ-ra-ên của Chúa.
  • Lời kêu gọi ăn năn tội nầy được bắt đầu bằng việc Chúa nhắc lại quá khứ của dân Chúa qua các tổ phụ họ trước lúc bị lưu đày đã không nghe lời dạy của Chúa, họ chẳng nghe, chẳng hề để ý đến. Những điều mà dân Chúa tỏ ra không vâng theo Lời của Chúa dạy là:
    • Trước khi bị lưu đày, dân Chúa phạm tội thờ lạy hình tượng (Giê-rê-mi 11:13; Ê-xêchi-ên 8:10-11)
    • Trước khi bị lưu đày, đời sống của dân Chúa đầy dẫy tội lỗi – Ô-sê 4:1-2  cho thấy xã hội không có lẽ thật, không có nhơn từ, không có sự nhìn biết Đức Giê-hô-va, trái lại họ chỉ có thề gian, thất tín, giết người, ăn trộm và tà dâm.
    • Trước khi bị lưu đày, dân Chúa đã vi phạm ngày Sa-bát của Chúa, suốt 490 năm từ khi Sa-lô-môn phạm tội đến đời vua sau cùng của nước Giu-đa là Sê-đê-kia, tổng cộng họ ăn cắp của Đức Chúa Trời 70 năm Sa-bát – đó là lý do Chúa phạt dân Chúa bị lưu đày 70 năm cho đất nghỉ.
  • Dù Chúa đã sai nhiều Tiên tri đến giảng dạy quở trách họ, kêu gọi họ ăn năn, nhưng như Chúa phán:c. 4, họ chẳng nghe, chẳng hề để ý nghe. Kết quả là những người của thế hệ 70 năm trước đã bị Chúa phạt lưu đày qua Ba-by-lôn.
  • 1:5-6, Cảm ơn Chúa, sau khi thế hệ bị phạt lưu đày và các tiên tri đã chết, đến thế hệ bị lưu đày biết ăn năn và Chúa đã tha thứ cho họ hồi hương.
  • 1:8-13, (11, 12), cho chúng ta thấy sự kiện dân Y-sơ-ra-ên hồi hương là quan trọng biết dường nào, việc chuẩn bị sự kiện nầy đã được Chúa bày tỏ cho Tiên tri Xa-cha-ri qua một sự hiện thấy. Rõ ràng chính các thiên sứ trên trời cũng nôn nóng về nhu cần hồi hương của dân Y-sơ-ra-ên khi thời hạn 70 năm lưu đày đã hết rồi mà cả đất vẫn yên lặng, đến nỗi họ phải hỏi Chúa: Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân! Ngài sẽ không thương xót Giê-ru-sa-lem và các thành của Giu-đa cho đến chừng nào, là những thành Ngài đã nổi giận, nghịch cùng nó bảy mươi năm nay? (1:12).
  • Anh chị em hãy để ý câu 13, khi nghe thiên sứ hỏi tại sao qua 70 năm rồi mà dân Y-sơ-ra-ên chưa được hồi hương? Đức Giê-hô-va lấy những lời lành (lời nhân từ) để an ủi thiên sứ, Chúa muốn nói với thiên sứ là không cần phải nôn nóng như vây, dường như Chúa đang chờ đợi một điều – Chúa đang chờ đợi dân Chúa: Hãy trở lại cùng ta … Chúa chờ đợi dân Chúa thật lòng ăn năn quay về với Chúa.
  • Sự ăn năn trở lại với Chúa bao giờ cũng là một sự bắt đầu trang sử mới của một quốc gia, một gia đình, và một con người.
    • II Sử ký 7:14, Chúa hứa: khi một dân tộc biết ăn năn hạ mình trở lại cùng Chúa, thì Chúa sẽ cứu xứ khỏi tai họa.
    • Luca 15:17-20, một con người biết ăn năn quay trở lại cùng Chúa chẳng những sẽ làm thay đổi tình trạng của gia đình mà cũng thay đổi tình trạng tuyệt vọng cá nhân, như tình trạng tuyệt vọng của người con trai hoang đàng sẽ không bao giờ thay đổi cho đến khi nó quyết định trở về với Cha mình. Và khi nó trở về ăn năn với Cha, một trang sử mới cuộc đời của nó đã được lật qua và gia đình của nó trở nên một gia đình vui vẻ.
  • Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc Việt-nam chúng ta biết trở lại cùng Chúa để được thay đổi – nhưng sự ăn năn trở lại cùng Chúa phải bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta là những người đã thuộc về Chúa. Lạy Chúa, xin hãy phục hưng đất nước của con, phục hưng dân tộc của con, phục hưng Hội Thánh của Ngài, bắt đầu từ chính con!

II/. TẠI SAO PHẢI TRỞ LẠI CÙNG CHÚA?
  • 1:14-21
  • Phân đoạn nầy giải thích lý do tại sao dân Chúa cần trở lại cùng Chúa bằng cách giới thiệu về Chúa:
  • 1:14-17, Chúa là Đức Giê-hô-va xác nhận rằng Chúa “động lòng ghen”. Tại sao Chúa “ghen”? Người ta nói có thương mới ghen. Thư Gia-cơ 4:5 xác nhận Đức Thánh Linh yêu mến chúng ta đến nỗi ghen tương.
câu 15 nói lên lòng yêu thương của Chúa rất hay: Chúa có giận dân Chúa một chút (hơi không bằng lòng), nên Chúa có dùng kẻ thù nghịch của dân Chúa làm cái roi sửa phạt dân Chúa, nhưng họ làm quá giới hạn mà Chúa cho phép. Chúa muốn nói bao giờ Chúa cũng yêu thương dân Chúa, dù trong cơn giận, người ta có câu để diễn tả tâm trạng nầy: Giận con năm sáu chớ chín mười thương.
1:16-17, Chúa đã công bố sự yêu thương của Chúa đối với thành thánh và dân thánh: Chúa sẽ xây lại thành thánh…, Chúa sẽ làm cho thành thánh được thịnh vượng, Chúa sẽ an ủi cũng như tiếp tục kén chọn Giê-ru-sa-lem.
Đó là lý do dân Chúa phải trở lại với Chúa, vì sự giận của Chúa chỉ trong một lúc, còn ơn của Chúa còn đến ngàn đời (Thi thiên 30:5)
  • 1:18-21, lý do thứ hai để dân Chúa ăn năn quay về với Chúa bởi vì Chúa là Đấng Toàn năng duy nhất có quyền để giải cứu chúng ta.
  • Trong 1:18 nói đến “4 cái sừng”. “Sừng” chỉ về sức mạnh, và Tiên tri Xa-cha-ri được cho biết “ 4 cái sừng” đó là những nước đã làm tan tác Giu-đa, Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem.
Bốn nước nào đã từng làm tan tác dân Y-sơ-ra-ên của Chúa? Có hai cách giải thích về bốn nước nầy:
  • Nếu giải thích theo quá khứ thì Các sách Lịch sử của Kinh Thánh đã chứng minh 4 cái sừng đó là 4 Đế quốc hùng mạnh thời bấy giờ thay nhau cai trị vùng Lưỡng hà – Trung Đông, gồm các nước: Ai Cập, A-si-ri, Ba-by-lôn và Mê-đi Ba-tư (tức là nước Phe-rơ-sơ).
  • Nếu giải thích theo cách nhìn của Tiên tri Đa-ni-ên đoạn 2: liên hệ đến cả tương lai, thì đó là 4 Đế quốc lần lượt tiếp nối nhau liên quan trực tiếp đến dân Y-sơ-ra-ên: Ba-by-lôn, Mê-đi Ba-tư, Hi lạp và Lamã.
Tuy nhiên điều quan trọng là chỉ có Đức Giê-hô-va – Đức Chúa Trời có quyền bẻ gãy 4 cái sừng đó và ném bỏ chúng đi. Thật vậy cả 4 Đế quốc đều đã bị suy tàn, có những Đế quốc bị diệt vong không còn nhắc đến (Đế quốc Ba-by-lôn).
  • Ai có quyền phá tan các Đế quốc hùng mạnh đó? Không thể nào có câu trả lời tốt hơn và chính xác hơn: Chính Đức Chúa Trời đã thi hành quyền của Ngài (Châm ngôn 21:1; Đaniên 2:34-35; 44)
  • Cảm ơn Chúa, đó là lý do mà dân Chúa trong đó có chúng ta phải trở lại cùng Đức Giê-hô-va, chỉ có Chúa là Toàn năng phá tan tất cả quyền lực của Satan và ma quỉ, chỉ có Chúa có quyền phá tan quyền lực trói buộc của thế gian, và sức mạnh của bản ngã xác thịt chúng ta.
  • Để nhận được tình yêu thương của Chúa, cũng như nhận được quyền toàn năng của Chúa, loài người chúng ta không có cách nào khác hơn là Trở Lại với Chúa – Ăn năn quay về với Chúa.

III/. PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ TRỞ LẠI CÙNG CHÚA:
  • Trong đoạn 2 ghi lại nhiều phước hạnh Đức Chúa Trời dành cho một dân tộc, một gia đình, một cá nhân biết vâng lời Chúa dạy Trở lại cùng Chúa, biết ăn năn tội quay về với Chúa:
  1. Phước hạnh thứ 1: 2:4
  • Phước hạnh thứ 1 lập tức được tỏ ra rõ ràng: Giê-ru-sa-lem sẽ có dân cư và súc vật đông cho đến nỗi như thành không có tường bao che vì không chứa hết được.
  • Phước hạnh nầy là một đời sống vật chất bình an, thỏa lòng – không có nghĩa là giàu có nhưng là thỏa lòng như Thi thiên 23:1.
  1. Phước hạnh thứ 2: 2:5
  • Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ làm tường bằng lửa chung quanh nó và sẽ làm sự vinh hiển ở giữa nó.
  • Bức tường lửa nầy không phải là loại “tường lửa – Fire Wall” ngăn chận những thông tin, nhưng là tường thành bảo vệ người thuộc về Chúa.
  • Điều kỳ diệu và phước hạnh cho dân Chúa là Chúa không dùng phương tiện vật chất hay thuộc linh nào để làm tường thành bảo vệ chúng ta, nhưng Chúa phán: Ta sẽ làm … Chúa lấy chính mình Chúa che chở bảo vệ dân Chúa.
    • Thi thiên 3:3, chính Chúa là Cái Khiên – không phải Chúa lấy cái khiên – che chở dân Chúa.
    • Thi thiên 34:7, Thiên sứ Đức Giê-hô-va (đây là Danh xưng được dùng chỉ về chính Chúa Jêsus Christ trong Cựu Ước) đóng lại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài…
Rất tiếc là nhiều Cơ-Đốc nhân đã không hiểu lẽ thật mầu nhiệm nầy, họ cứ xin Chúa dùng phương tiện mà họ nghĩ là chắc chắn mà không hiểu Chúa dùng chính mình Chúa che chở bảo vệ chúng ta.
  1. Phước hạnh thứ 3: 2:8
  • Đọc đến phươc hạnh thứ 3 nầy lòng anh chị em có cảm nhận được tình yêu cao quý của Chúa đối với chúng ta không? Chúa xem những người biết ăn năn tội trở lại với Chúa như “Con Ngươi” của mắt Chúa.
  • “Con Ngươi” trong con mắt là phần tối quan trọng, Chúa bảo đảm rằng ai đụng đến dân Chúa là “đụng đến con ngươi mắt Chúa”.
  • Bài học nầy Chúa đã cho Phaolô học khi ông đụng đến Hội Thánh của Chúa, Chúa phán với ông:đụng đến Hội Thánh của Chúa là đá nhằm gai nhọn (Công vụ 26:14-15). Chúa xem chúng ta là quý báu biết dường nào đối với Chúa!
  1. Phước Hạnh thứ 4: 2:10-13
  • Câu hỏi mà tôi muốn được gởi đến các con cái Chúa trong khi đọc đến những câu Kinh Thánh nầy là: Anh chị em có vui trước những Phước Hạnh mà Chúa ban cho người biết trở lại với Chúa không?
  • Thật là vui biết bao cho một người biết ăn năn quay trở lại với Chúa. Tại sao vui?
    • Câu 10, vui vì Chúa ở giữa – tức là ở trong và ở với người biết ăn năn ấy để che chở bảo vệ, ban phước.
    • Câu 11, vui vì người biết ăn năn trở lại với Chúa không phải chỉ sống cho mình, mà còn được Chúa dùng làm nguồn phước cho những người chung quanh, những người chung quanh sẽ qui phục vì biết Đức Giê-hô-va sai người ấy đến chia sẻ ơn phước.
    • Câu 12, vui vì người biết ăn năn chẳng những được tha thứ, được vui, mà còn trở nên sản nghiệp của Chúa – hay là làm con cái yêu dấu của Chúa (Thi thiên 127:3-4)
    • Câu 13, vui vì Đức Giê-hô-va Chúa Chí Thánh Ngự trong đời sống người ấy.
  • Hình ảnh rất quen thuộc cho chúng ta thấy niềm vui của một người biết ăn năn tội quay trở về với Chúa được Chúa Jêsus Christ thuật kể trong Luca 15:5-7, 9-10 và 22-24.
  • Để biết được những phước hạnh của một người đã từng tin Chúa bị vấp ngã, phạm tội, bây giờ biết ăn năn trở lại với Chúa, anh chị em hãy đọc những tài liệu nói về sự phục hưng của Chúa trên các Hội Thánh trải qua các thời đại từ sách Công vụ các Sứ đồ đến các sách sau nầy.
  • Tôi xin Chúa cho mỗi anh chị em học Lời Chúa trong sách Tiên tri Xa-cha-ri hôm nay không phảichỉ học cho biết, nhưng được cảm động khát khao những phước hạnh kỳ diệu chúng ta đã nghe Lời Chúa nói đến sẽ trở thành hiện thực trong đời sống chúng ta. Phước hạnh đó chắc chắn sẽ đến khi chúng ta biết Trở lại cùng Chúa! biết ăn năn tội lỗi với Chúa.

Đề mục: BA NHẬN VẬT CHÍNH
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 1: - 4:
Câu gốc: Xa-cha-ri 4:6
Mục đích: Qua ba nhân vật chính trong sách Xa-cha-ri, giúp người nghe biết rằng chức vụ hầu việc Chúa phải được Chúa kêu gọi và sẽ có nhiều trở ngại.

I/. NHÂN VẬT THỨ I: TIÊN TRI XA-CHA-RI:
  • Xa-cha-ri 1: - 2:
  • Học sách tiên tri Xa-cha-ri mà chúng ta không biết về Xa-cha-ri sẽ là một sự thiếu sót rất lớn. Cảm ơn Chúa, qua 2 đoạn 1 và 2, chúng ta có thể biết khá nhiều về Xa-cha-ri, đặc biệt là những điều liên quan đến chức vụ hầu việc Chúa của ông. Chúng ta có thể khảo học hai điều về Xa-cha-ri:
  1. Xa-cha-ri được nghe Chúa phán:
  • Xa-cha-ri 1:1-6.
  • Ngay 1:1, chúng ta được biết Xa-cha-ri:
    • là người sống trong thời dân Y-sơ-ra-ên đang ở dưới sự cai trị của nước Mê-đi ba-tư, tức là nước Phe-rơ-sơ, vào triều đại vua Đa-ri-út năm (521-485 TC), thời gian nầy là 520 TC. Và nếu tham khảo 2:4, thì Xa-cha-ri lúc bấy giờ còn trẻ, như vậy ông là người được sanh ra và lớn lên trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-by-lôn.
    • Xa-cha-ri cũng giới thiệu ông là Tiên tri. Một số ít các Tiên tri xưng nhận chức vụ rõ ràng như Tiên tri Ha-ba-cúc (Habacúc 1:1), Tiên tri A-ghê (Aghê 1:1) và Xa-cha-ri. Sự xưng nhận nầy có lẽ hàm ý họ là những Tiên tri xuất thân từ trường Tiên tri chánh thức.
  • Tuy nhiên điều quan trọng là Xa-cha-ri xác nhận ông được nghe Chúa phán dạy những sứ điệp để truyền cho dân Chúa, đúng như chức năng của một Tiên tri – Tiên tri là người phát ngôn của Đức Chúa Trời, truyền lại những ý chỉ, mạng lịnh của Đức Chúa Trời cho một đối tượng nào đó.
  • Với số tuổi còn trẻ, đứng trước dân Chúa, trong đó có đủ mọi thành phần, cảm ơn Chúa, Xa-cha-ri đã biết sử dụng đúng chức năng của một Tiên tri, ông không hề nói rằng Tôi (hay là ta) giảng, phán… với Quý Vị, nhưng Xa-cha-ri luôn luôn nói:
    • 1:1, Đức Giê-hô-va phán
    • 1:3, Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy … Đức Giê-hô-va vạn quân phán… Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy – trong một câu, ba lần Xa-cha-ri nhấn mạnh Đức Giê-hô-va vạn quân phán.
    • 1:4, … Đức Giê-hô-va vạn quân phán … Đức Giê-hô-va phán vậy.
  • Tổng cộng 6 lần trong 6 câu, Xa-cha-ri đã luôn nhắc lại Chúa phán, ông muốn chứng tỏ ông chỉ là công cụ của Chúa, một máy phóng thanh cho Chúa. Sức mạnh lời giảng chính là điểm nầy.
  • Rất tiếc ngày nay, Cơ-Đốc nhân chúng ta – nhất là các Cơ-Đốc nhân sống trong những nước tự do quá xem thường Kinh Thánh, dù biết Kinh Thánh là Lời Chúa, nhưng lúc nào cũng sợ rằng nói đến Kinh Thánh là người ta không muốn nghe phải có một “cái gì’ đó thu hút người nghe. Sự cám dỗ đó làm cho Cơ-Đốc nhân chúng ta xa rời Kinh Thánh mà không biết rằng lỗi lầm là vì chúng ta không biết cách truyền đạt Lời Chúa, chính chúng ta không tin Lời Chúa có quyền năng.
  • Hãy học bài học của Tiên tri Xa-cha-ri, hãy nói thẳng với người nghe rằng: Chúa phán như vậy – phải nhớ lời đó đúng là Lời Chúa!
  1. Xa-cha-ri được Chúa cho thấy:
  • Xa-cha-ri 1:7 – 2:13
  • Sau khi được nghe Chúa phán, đến phân đoạn nầy, nhiều lần Xa-cha-ri cho chúng ta biết ông được Chúa cho THẤY:
    • 1:8, ta thấy trong ban đêm…
    • 1:18, Đoạn, ta NGƯỚC MẮT LÊN, TA NHÌN XEM…
    • 1:20, Đoạn, Đức Giê-hô-va cho ta XEM…
    • 2:1, Ta lại NGƯỚC MẮT LÊN VÀ NHÌN XEM, …
  • Điều Tiên tri Xa-cha-ri nhấn mạnh mỗi sự hiện thấy của ông là: Chúa cho ông thấy. Xa-cha-ri thấy điều gì? Ông thấy những sự hiện thấy bày tỏ ý chỉ của Đức Chúa Trời trên dân Chúa và thành thánh, ông thấy những sức mạnh đời nầybị bẻ gãy, ông thấy sự lập lại Thành Giê-ru-sa-lem và lời hứa bảo vệ của Chúa trên dân Chúa.
  • Thành ngữ “Tai Nghe Mắt Thấy” được Xa-cha-ri áp dụng rõ ràng trong chức vụ của ông, không hề có một chút nghi ngờ đối với Chúa. Thế thì chức vụ của Xa-cha-ri làm sao mà không thành công.
  • Các Thánh đồ đứng vững trong chức vụ qua mọi hoàn cảnh ấy là vì họ biết rõ Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ, Đức Chúa Trời có dùng đời sống của họ, không có một chút nghi ngờ:
    • Êsai 6:1, 6, chính Tiên tri Ê-sai làm chứng rằng mắt của ông thấy Chúa, tai ông nghe Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi …?
    • Giê-rê-mi 1:4-5, 11, 13, Tiên tri Giê-rê-mi cũng tai nghe Chúa phán rằng Chúa kêu gọi ông và Chúa cho ông thấy ý chỉ của Chúa trong tương lai.
    • II Timôthê 1:11-12, Sứ đồ Phaolô khẳng định rằng ông biết chắc Đấng mà ông phó thác đời sống ông cho Ngài.
    • II Phierơ 1:18-19, Sứ đồ Phierơ cũng khẳng định: Chính chúng tôi cũng từng nghe… nhơn đó chúng tôi càng tin chắc.
    • I Giăng 1:1, Sứ đồ Giăng nói rằng chẳng những ông đã nghe, đã thấy, đã ngắm, mà ông còn đã RỜ (chạm) đến Lời Sự Sống.
  • Đây là bí quyết thành công của Xa-cha-ri, bí quyết đó là tin chắc, biết rõ. Tôi tin rằng những gì các Tiên tri và Thánh đồ nghe, thấy, cũng không xa lạ gì với chúng ta ngày nay. Chỉ xin Chúa cho mỗi chúng ta tin chắc từ sự biết rõ đó để đứng vững hầu việc Chúa trong thời kỳ cuối cùng nầy.

II/. NHÂN VẬT THỨ HAI: THẦY TẾ LỄ GIÊ-HÔ-SUA:
  • Xa-cha-ri 3:1-10
  • Nhân vật thứ hai mà Xa-cha-ri đề cập đến là Thầy tế lễ Giê-hô-sua
  • 1:1, nhưng trước khi nói đến Giê-hô-sua, chúng ta phải để ý đến nhân vật đứng bên hữu Giê-hô-sua. Nhân vật nầy là ai? Làm gì?
    • Nhân vật nầy là quỉ Satan. Chữ Satan có nghĩa là “đối địch
    • Công việc của quỉ Satan là đối địch như 1:1 đã nói đến.
Thật vây, Kinh Thánh nhiều lần nói đến công việc thích kiện cáo của quỉ Satan đối với những người yêu mến Đức Chúa Trời:
  • Gióp 1:6-12, lần thứ nhất quỉ Satan kiện cáo Gióp trước mặt Đức Chúa Trời.
  • Gióp 2:1-6, lần thứ hai quỉ Satan kiện cáo Gióp trước mặt Chúa.
  • Khải huyền 12:9-10 xác nhận rằng quỉ Satan … là kẻ ngày đêm kiện cáo anh em chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời.
Truyện kể rằng: Có một ông tín đồ lúc nào cũng tìm cách chỉ trích một ai đó trong Hội Thánh. Một hôm trên đường từ nhà thờ về, ông tín đồ nầy nói chuyện với một Chấp sự nội dung là chỉ trích một người tín đồ khác trong Hội Thánh. Vị Chấp Sự đang đi thình lình dừng lại nói với ông tín đồ: “Tôi thấy ông giống một nhân vật đặc biệt lắm”. Ông tín đồ hỏi: “Đó là ai vậy?”Vị Chấp sự trả lời: “Giống Satan là kẻ ngày đêm kiện cáo anh em chúng ta”.
  • Bây giờ trong Xa-cha-ri 3:1, quỉ Satan đang kiện cáo Thầy tế lễ Giê-hô-sua
  • Quỉ Satan kiện cáo Thầy Tế lễ Giê-hô-sua về việc gì?
  • 3:2-3, Quỉ Satan kiện cáo Thầy Tế lễ Giê-hô-sua đang mặc chiếc áo bẩn (áo dơ) – một Thầy Tế lễ là người thánh lại mặc chiếc áo bẩn – có thể Giê-hô-sua không mặc áo của Thầy Tế lễ như qui định (Xuất. 28:2-5)
  • Cảm ơn Chúa, ngay lập tức chính Chúa binh vực Giê-hô-sua bằng hai cách:
  1. Chính Chúa giải thích tại sao Giê-hô-sua mặc áo bẩn:
  • 3:2, Chúa cho Satan biết lý do Giê-hô-sua còn mặc áo bẩn vì ông là cái đóm vừa kéo ra khỏi lửa – một que củi đáng lẽ bị cháy tàn lụi nhưng được Chúa thương xót kéo ông ra khỏi lửa, ông từ một người dân lưu đày trở về làm sao có được chiếc áo lễ.
  1. Chúa thay áo cho Giê-hô-sua:
  • 3:5, cảm tạ Chúa thêm nữa, chẳng những Chúa kéo Giê-hô-sua ra khỏi lửa mà còn lột áo bẩn của ông, thay cho Giê-hô-sua một áo mới – mới hoàn toàn; chẳng những thay áo mới mà Chúa còn bỏ sự gian ác khỏi ông, mặc cho ông áo mới và đẹp, lại đội mũ sạch cho ông.
  • Thật sự, sự hiện thấy của Tiên tri Xa-cha-ri về Thầy tế lễ Giê-hô-sua là một hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên vừa được Chúa tha thứ sau 70 năm lưu đày, được hồi hương trở về quê hương. Qua sách Tiên tri A-ghê, chúng ta thấy dân Chúa sau khi được hồi hương thì lại yếu đuối lo cho nhà riêng mình mà không lo cho Nhà Chúa. Nếu tham khảo sách Tiên tri Ma-la-chi, dân Chúa còn yếu đuối một việc nữa là không dâng của lễ đẹp lòng Chúa: họ dâng những sinh tế bị loại (Malachi 1:8); họ ăn  trộm phần mười của Chúa (Malachi 3:8) – đây chính là chiếc áo bẩn của dân Chúa đang mặc khiến quỉ Satan có cớ để kiện cáo với Chúa.
  • Điều quan trọng là Chúa phủ nhận chiếc “áo bẩn” của Giê-hô-sua đang mặc, Chúa đã thay cho ông chiếc áo mới. Và Chúa lại không quên dạy dỗ Giê-hô-sua (hay dạy dỗ dân Chúa) hai điều sau khi mặc áo mới, đội mũ mới:
  • 3:6, Chúa đòi Giê-hô-sua phải bước đi trong đường lối của Chúa, vâng giữ điều Chúa đã dạy.
  • 3:9, Giê-hô-sua phải nhớ Chúa đang để “một hòn đá có bảy con mắt” trước mặt Giê-hô-sua, nghĩa là Chúa thấy rõ hết mọi điều ông làm, cách ông sống, nhưng cũng có nghĩa là Chúa luôn quan phòng ông.
  • Chúa thật là nhân từ, Ngài không xét về lý lịch quá khứ nhưng Chúa muốn thấy cuộc sống hiện tại và tương lai.
  • Câu chuyện nầy nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện “Người con trai hoang đàng” mà Chúa Jêsus đã thuật kể trong Luca 15:11-24, người Cha yêu thương đã tha thứ và ra lịnh mặc áo mới vào cho nó, đeo nhẫn vào tay nó, hãy tổ chức ăn mừng … khi đứa con hoang đàng trở về với lòng thống hối ăn năn.
  • Tôi thấy hình ảnh nhân từ của Chúa Jêsus Christ đối với Phierơ bên Bờ Biển Ti-bê-ri-át – Giăng 21:15-17, Chúa không quở trách tội lỗi chối Chúa của Phierơ vì Ngài biết ông đã ăn năn, Chúa đã kéo Phierơ ra khỏi lửa, tha thứ cho Phierơ, còn phong chức cho ông từ một Người Đánh Lưới lên làm Người Chăn Chiên của Chúa.
  • Một sự dạy dỗ cao quý khác mà Cơ-Đốc nhân chúng ta – nói chung, những người hầu việc Chúa – nói riêng, họ được Giê-hô-sua bị kiện cáo là chúng ta phải luôn nhớ chúng ta là những người được quý trọng trước mặt Chúa, nhờ ơn Chúa sống đừng để ma quỉ kiện cáo, và nếu nó có kiện cáo thì nhờ ơn Chúa hãy ăn năn và tin chắc chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha (Rôma 8:33-34), và hơn thế nữa, Chúa luôn quan phòng chúng ta như Chúa đã phán trong Xa-cha-ri 2:5, 8.

III/. NHÂN VẬT THỨ III: XÔ-RÔ-BA-BÊN
  • 4:1-14 (6-7)
  • Nhân vật thứ 3 được sách Tiên tri Xa-cha-ri nói đến là Xô-rô-ba-bên. Xô-rô-ba-bên là ai?
  • Tính theo Gia phổ thì Xô-rô-ba-bên thuộc dòng dõi vua Đa-vít (Mathiơ 1:12), được sanh ra và lớn lên trong thời lưu đày tại Ba-by-lôn, tên của ông đã nói lên điều đó (Xô-rô-ba-bên có nghĩa là sanh tại Ba-bên tức là Ba-by-lôn)
  • Ông là “Quan trấn thủ” của dân Y-sơ-ra-ên hồi hương – vì Y-sơ-ra-ên vẫn còn dưới sự cai trị của Đế quốc Phe-rơ-sơ, nên không thể có vua, nước Y-sơ-ra-ên chỉ là một tỉnh của cả Đế quốc rộng lớn.
  • Xô-rô-ba-bên là người đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên hồi hương từ Ba-by-lôn trở về theo lịnh của vua Si-ru (Exơra 1:8; Nêhêmi 7:6-7) xây lại Đền thờ cho Đức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem.
  • Công việc dẫn dân Chúa hồi hương và xây lại Đền thờ cho Chúa sau 70 năm lưu đày biệt xứ thật là một công tác đầy khó khăn:
  • Khó khăn thứ nhất là dẫn một đoàn người vốn là dân lưu đày trên 42,360 người chưa kể tôi trai tớ gái, chưa kể những người nam nữ ca hát (Exơra 2:64-67), chắc chắn là phải đi bộ, nhiều lắm là một ít người có thể đi ngựa, lạc đà, lừa, la (Exơra 2:66-67), quả là một gánh nặng.
  • Khó khăn thứ hai là thù nghịch ngăn trở, xui cho dân Chúa ngã lòng nhát sợ, ngoài ra còn hối lộ những người không thích dân Chúa thưa kiện lên vua Phe-rơ-sơ (Exơra 4:1-2, 4-5), chưa kể kẻ thù nghịh còn tìm cách đánh phá dọc đường (Exơra 8:21-23)
  • Khó khăn thứ ba là trở về một xứ sở đã hoang tàn 70 năm, ngay đến thời Nê-hê-mi về sau để tái thiết vách thành cũng còn đầy rác (Nêhêmi 4:10).
  • Khó khăn thứ tư là lòng của dân Y-sơ-ra-ên sau 70 năm xa cách Lời Đức Chúa Trời, hầu như nguội lạnh với công việc Chúa (A-ghê 1:2-4), phạm tội cưới gã với dân ngoại, vi phạm ngày Sa-bát, nói chung là không sống theo Lời Chúa dạy.
  • Xa-cha-ri 4:7, Chúa nhìn nhận những khó khăn đó là những “Núi Lớn” ngăn trở Xô-rô-ba-bên và chắc chắn Xô-rô-ba-bên cũng ý thức những khó khăn trong công việc Chúa.
  • Cảm ơn Chúa, khi đọc đến Xa-cha-ri đoạn 4, chắc chắn chúng ta không thể nói gì hơn là “Cảm Tạ Chúa”, vì Chúa đã giải quyết những khó khăn cho mỗi Tôi Tớ của Chúa khi Chúa dùng đời sống của họ phục vụ dân Chúa.
  • Đối với Xa-cha-ri là một Tiên tri, Chúa đã phán đã cho ông thấy những sự hiện thấy để chứng mình chức vụ Xa-cha-ri là từ Chúa chọn, bảo đảm chức vụ cho ông trước mặt mọi người.
  • Đối với Giê-hô-sua là một Thầy Tế lễ bị Satan kiện cáo, Chúa đã binh vực và ban cho Giê-hô-sua áo và mũ của một Thầy tế lễ, lại còn chỉ dạy ông, quan phòng ông.
  • Bây giờ trong đoạn 4, đối với Xô-rô-ba-bên, Chúa cảm thông những khó khăn mà ông đang gặp, Chúa đã dùng Tiên tri Xa-cha-ri phán những lời kỳ diệu cho Xô-rô-ba-bên:
  • 4:3, Chúa cho Xô-rô-ba-bên biết rằng ông là một trong hai cây Ô-li-ve bên cạnh chơn đèn vàng (còn cây Ô-li-ve kia là Thầy tế Lễ Giê-hô-sua), tức là chức vụ của Xô-rô-ba-bên cũng như Giê-hô-sua là hai người được Chúa xức dầu phục vụ Chúa, họ có bổn phận tuôn ra dầu để đèn của Chúa được cháy sáng – họ là chứng nhân làm cho mọi người biết Chúa, đem Sự Sáng của Chúa chiếu rọi cho mọi người.
  • 4:6-7, Chúa cho Xô-rô-ba-bên biết rằng năng lực để ông phục vụ Chúa không phải là quyền thế, cũng không bởi năng lực sức riêng của ông, mà là Bởi Thần của Chúa. Thật là lời hứa kỳ diệu, Chúa phán: Hởi núi lớn, ngươi là ai? Ở trước mặt Xô-rô-ba-bên ngươi sẽ trở nên đồng bằng. Mọi trở lực sẽ bị san bằng bởi Thần Đức Chúa Trời, bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời.
  • Sau khi Chúa Jêsus Christ thăng thiên về trời, các môn đồ đầu tiên phải đối diện với biết bao nhiêu vấn đề, một tương lai sẽ đi về đâu giữa một Giê-ru-sa-lem thù nghịch. Kỳ diệu thay, khi Đức Thánh Linh đầy dẫy trên họ, mọi núi lớn đã trở nên đồng bằng, Hội Thánh được thành lập, Hội Thánh được mở mang, Hội Thánh phát triển tràn khắp Đế quốc Lamã – chỉ bởi Thần Đức Chúa Trời, bởi Đức Thánh Linh.
  • Anh chị em có nhận ra chỗ kém thiếu của Hội Thánh chung, chỗ kém thiếu của chính mình chưa? Chúng ta thiếu một kinh nghiệm về Chúa tỏ tường như Xa-cha-ri; chúng ta thiếu một đời sống thánh hóa như Giê-hô-sua; và bởi đó chúng ta không có Thần Đức Chúa Trời thì làm sao san bằng những núi lớn trong công việc Chúa?



Đề mục: CÁC DỊ TƯỢNG CỦA XA-CHA-RI
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 1: - 6: (Đọc trước đoạn 5:, vì đoạn 1 đến đoạn 4 đã học)
Câu gốc: Xa-cha-ri 6:15b
Mục đích: Tìm hiểu ý nghĩa các dị tượng trong sách để áp dụng vào cuộc sống thực tế.

I/. CÁC DỊ TƯỢNG LIÊN QUAN TUYỂN DÂN:
  • Xa-cha-ri 1: - 4:
  • Một trong những cái khó cho người học sách Tiên tri Xa-cha-ri là có một số các dị tượng mà Đức Chúa Trời cho Tiên tri Xa-cha-ri được xem thấy.
  • Dị tượng là gì?
  • Dị tượng là những sự hiện thấy những hình ảnh người hay vật khác thường. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thường cho các Thánh đồ hay các Tiên tri thấy những dị tượng, qua đó Chúa muốn turyền đạt một thông tin hay một sứ điệp đặc biệt cho tuyển dân, cho thế giới hoặc cho cá nhân, như
    • Ê-sai thấy dị tượng về các Sê-ra-phim trong đoạn 6
    • Giê-rê-mi được Đức Chúa Trời cho thấy dị tượng trong đoạn 1 về cây hạnh và nồi nước sôi…
    • Ê-xê-chi-ên được Đức Chúa Trời cho thấy các dị tượng về tương lai của tuyển dân Y-sơ-ra-ên.
    • Đa-ni-ên được Đức Chúa Trời cho thấy những dị tượng về tương lai của thế giới.
  • Và bây giờ khi học sách Tiên tri Xa-cha-ri, chúng ta cũng gặp một số các dị tượng. Để hiểu được sứ điệp của Tiên tri Xa-cha-ri muốn chuyển tải, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của các Dị tượng nầy.
  • Các dị tượng trong sách Tiên tri Xa-cha-ri tập trung vào phần đầu chức vụ của ông từ đoạn 1 đến đoạn 6, và chúng ta có thể chia ra làm ba (03) loại dị tượng theo muc đích liên quan của dị tượng
    • Loại thứ I từ đoạn 1 đến đoạn 4, là các dị tượng liên quan đến Tuyển dân Y-sơ-ra-ên.
    • Loại thứ II trong đoạn 5 là các dị tượng liên quan đến tội lỗi chung cả thế giới.
    • Loại thứ III trong đoạn 6, là dị tượng liên quan đến sự cuối cùng của thế giới.
  • Trong phần các dị tượng liên quan đến tuyển dân từ đoạn 1 đến đoạn 4, có những di tượng như sau:
    • 1:8-11, Dị thượng về những người cỡi ngựa và những ngựa.
  • Xa-cha-ri được Chúa cho thấy di tượng về người cỡi ngựa màu hồng đứng dưới những cây sim và phía sau còn có những ngựa hồng, ngựa xám, ngựa trắng khác.
  • Dị tượng nầy được thiên sứ giải thích cho Xa-cha-ri hiểu những ngựa đó là những sứ giả của Chúa (1:10) sai đi khắp đất và họ đã báo cáo lại cho Chúa những gì họ thấy trong câu 11, Chúng tôi đã đi lại trải qua đất; nầy, cả đất đều ở yên và im lặng.
  • “Đất” ở đây là nước Y-sơ-ra-ên. Sự yên lặng trong xứ Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ là tình trạng xứ bị bỏ hoang trong thời gian 70 năm lưu đày, các sứ giả của Chúa cho thấy sự nôn nóng của họ sao tới ngày hạn kỳ 70 năm sắp hết mà chưa có dấu hiệu khôi phục (1:12-13)
    • 1:18-21, Dị tượng về bốn cái sừng.
  • Theo ý nghĩa hình bóng, cái “sừng” chỉ về sức mạnh, quyền thế của một người hay của một nước (I Vua 22:11; Giêr. 48:25; Đan. 7:7-8; 8:3 – các phần Kinh Thánh nầy chỉ để tham khảo không cần đọc trong lúc giảng).
  • Và theo sự giải thích của chính Chúa, thì
1:19, Bốn sừng nầy là những nước đã hà hiếp tuyển dân của Chúa
1:20-21, Chúa đã sai bốn thợ rèn đến – vì đây là những sừng bằng sắt – bẻ gãy bốn sừng ném bỏ và họ bị tan tác, tức là bị như họ đã làm cho dân Chúa.
  • 2:1-13, Dị tượng về dây đo (có thể đọc 2:1-2)
  • Dị tượng nầy báo trước về thành Giê-ru-sa-lem sẽ được xây dựng lại.
  • Công dụng của tường thành là để bảo vệ những người trong thành, chẳng những dân Chúa được bảo về bằng những tường thành vật chất mà còn được bảo vệ bởi chính Đức Chúa Trời (2:5).
    • 3:, Dị tượng về Thầy Tế lễ Thượng phẩm Giê-hô-sua.
  • Thầy tế Lễ Thượng phẩm Giê-hô-sua làm hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên được chọn.
  • Thầy tế lễ Giê-hô-sua mặc áo bẩn (áo dơ) chỉ về dân Chúa phạm tội nên đã bị Chúa phạt lưu đày 70 năm, làm cớ cho quỉ Satan cáo kiện họ với Chúa.
  • Nhưng Chúa đã binh vực dân Chúa bằng hai cách:
3:2b, Chúa giải thích dân Chúa đã bị Chúa sửa phạt rồi, họ đã qua lửa luyện sạch, bây giờ họ như “cái đóm” được Chúa thương xót kéo ra khỏi lửa, nghĩa là Chúa không bỏ qua tội lỗi của dân Chúa, điều cần phạt thì Chúa đã phạt.
3:4, sau khi giải thích, Chúa còn tẩy sạch dân Chúa bằng cách thay áo mới cho Giê-hô-sua, tức là khôi phục dân Chúa.
  • 4:1-3, Dị tượng về chơn đèn vàng với hai cây ô-li-ve hai bên.
  • Chơn đèn ở đây là chính dân Chúa (nghĩa đen là dân Y-sơ-ra-ên; nghĩa bóng là Hội Thánh), trách nhiệm của tuyển dân là tỏ ra sự sáng của Chúa cho cả thế giới. Chơn đèn nầy lại được tiếp tục chiếu sáng, bên cạnh của họ là: Xô-rô-ba-bên và Giê-hô-sua, hai nhà lãnh đạo thế quyền và thánh quyền, dẫn dắt họ trở về.
  • Hai vị lãnh đạo nầy là hai cây Ô-li-ve sẽ cho dầu Ô-vi-ve là dầu dùng để thắp đèn cháy sáng.
  • Kết nối tất cả các dị tượng lại, chúng ta có một ý nghĩa chung là trong lúc thời hạn lưu đày sắp hết, Chúa cho các sứ giả của Chúa biết rằng hành động trước hết là Chúa sẽ phạt các nước hà hiếp dân Chúa (bẻ gãy sừng), rồi Chúa sẽ cho dân Chúa trở về xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem bảo vệ họ, tẩy sạch họ (thánh hóa họ) và tiếp tục dùng họ chiếu sáng vinh quang của Chúa.
  • Đó là cách giải thích theo nghĩa đen áp dụng cho dân Y-sơ-ra-ên. Nếu chúng ta áp dụng nghĩa bóng tuyển dân là Hội Thánh, là cá nhân đời sống Cơ-Đốc nhân, thì chúng ta có bài học dạy dỗ thật quý báu: Trong đời sống của Cơ-Đốc nhân, có những lúc Chúa phải sửa phạt chúng ta vì sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta phạm tội với Chúa. Nhưng Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ khi chúng ta ăn năn, Ngài sẽ lại thánh hóa chúng ta, tiếp tục dùng chúng ta làm chứng nhân cho Chúa.
II/. CÁC DỊ TƯỢNG LIÊN QUAN TỘI LỖI CỦA THẾ GIỚI:
  • Xa-cha-ri 5: 1-11
  • Trong đoạn 5, Đức Chúa Trời cho Tiên tri Xa-cha-ri thấy hai dị tượng có liên quan đến tội lỗi.
    • 5:1-4, Dị tượng về cuốn sách bay.
  • Nếu tính theo đơn vị cu-đê như đã ghi trong câu 2, thì cuốn sách nầy rất lớn.
  • Một cu-đê có chiều dài bằng từ đầu ngón tay đến cánh chỏ, tức là dài khoảng 0.45 mét. Theo kích thước nầy, cuốn sách dài 9 mét, ngang 4.5 mét.
  • Chúa giải thích cho Xa-cha-ri biết “cuốn sách bay” là sự rủa sả tội lỗi tràn ra khắp đất, không phải thuộc một xứ trên đất mà từ trời tràn ra khắp đất.
  • Có lẽ đây là cuốn sách mà Tiên tri Ê-xê-chi-ên đã ăn theo lịnh của Chúa (Êx. 2:9-10) và Sứ đồ Giăng cũng đã được Chúa ra lịnh nuốt vào bụng (Khải. 10:9-11).
  • Tội lỗi bị rủa sả được cuốn sách nói đến là những tội đối với con người thời đại ngày nay dường như là không đáng kể: tội trộm cắp và tội thề dối, nhưng đối với Chúa thì cũng đáng bị rủa sả (Galati 5:19-21; Êph. 5:3-5; Khải. 21:8).
    • 5:5-11, Dị tượng về cái Ê-pha và người đàn bà.
  • Trước khi nói đến ý nghĩa của dị tượng, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của từng người hay vật trong dị tượng:
Ê-pha (5:6): Ê-pha là một dụng cụ để đo lường các vật khô, thể tích độ 36.5 lít.
Khối chì tròn (5:7a): một là cái nắp đậy Ê-pha, hai là dấu ấn niêm trên miệng Ê-pha, bảo đảm Ê-pha đúng tiêu chuẩn đo lường.
Người đàn bà ngồi trong Ê-pha (5:7b): Theo lời giải thích trong câu 8 thì người phụ nữ ngồi trong Ê-pha hình bóng về sự hung ác. Một điểm đáng chú ý là có thêm hai người đàn bà khác xuất hiện đem Ê-pha có người đàn bà ngồi trong đó đến đất Si-nê-a.
Hình ảnh rât là lý thú: (1) Người đàn bà ngồi trong Ê-pha là sự hung ác, lại có hai người đàn bà khác có cánh như cánh con cò (cánh hạc). Ý nghĩa một người đàn bà là sự hung ác (đồi bại, độc ác – BDY), bây giờ có thêm hai người nữa là sự hung ác tăng thêm, sự hung ác chẳng những tăng thêm mà lại được chắp cánh – hùm có cánh, thế thì sự hung ác càng hung ác cực kỳ.; (2) Nếu xét theo tiếng Trung quốc thì ba người đàn bà là ba chữ nữ (Một chữ giữ ở trên với chữ nữ hai bên phía dưới) là chữ GIAN (gian ác).
Đất Si-nê-a: tức là đồng bằng Ba-by-lôn (Sáng. 10:10), cũng được Kinh Thánh gọi là “thành tội ác” (Khải. 17: - 18:).
  • Bây giờ gồm chung tất cả hai dị tượng lại, chúng ta có một ý nghĩa về tội lỗi của nhân loại trước mặt Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời đã đong, đo, đếm, tội ác của nhân loại chẳng những đầy Ê-pha mà còn tràn ra ngoài gấp đôi (một người đàn bà trong Ê-pha, còn thêm hai người đàn bà bên ngoài lại thêm được chắp cánh). Tôi ác của nhân loại càng gia tăng (Mathiơ 24:12) để xây thành một Ba-by-lôn lớn như đã được nói đến trong Khải huyền 16: và 17:, chúng ta gặp lại một người đàn bà không phải ngồi trong cái Ê-pha mà ngồi trên lưng con thú với danh hiệu Đại Dâm Phụ (Khải. 17:4-6).
  • Đức Chúa Trời đã cho Tiên tri Xa-cha-ri một sự hiện thấy đến cuối cùng các thời đại. Và Lời Chúa cho chúng ta thấy trái với lòng mong ước của con người muốn làm lành, muốn cải thiện thế giới tốt đẹp hơn, nhưng thực tế thì tội ác thêm nhiều, lòng yêu mến của phần nhiều Cơ-Đốc nhân nguội lần.
  • Mathiơ 24:12-13, vấn đề là ai bền chí đến cuối cùng thì sẽ được cứu! Cũng phải đặt ra câu hỏi: Chúa cho Tiên tri Xa-cha-ri ngày xưa và chúng ta ngày nay biết được tội ác của nhân loại thêm nhiều để làm gì? Có phải để chúng ta sợ hãi? Có phải để chúng ta nản lòng không? Chắc chắn là không. Ấy là Chúa muốn Cơ-Đốc nhân phải làm muối của đất, làm sự sáng của thế gian, phải như dân Y-sơ-ra-ên dù là một dân đã chịu hình phạt mới khôi phục, vẫn phải tiếp tục làm Đèn đầy dầu (có hai cây Ô-li-ve hai bên) chiếu sáng như đuốc trong thế gian (Philíp 2:15).

III/. DỊ TƯỢNG LIÊN QUAN ĐẾN KỲ CUỐI CÙNG:
  • Xa-cha-ri 6:1-15 (Đọc 6:1-8)
  • Trong “dị tượng” nầy, chúng ta cần hiểu những ý nghĩa căn bản để từ đó có thể hiểu ý nghĩa của dị tượng.
    • Bốn cỗ xe ngựa:
  • Xa-cha-ri 6:1-3
  • Cỗ xe được nói đến ở đây là “Xe Ngựa”. Đây là những loại xe dùng cho chiến trận, các vị chỉ huy thường đứng trên đó (I Vua 22:29-38), xe ngựa chiến cũng biểu trưng cho sức mạnh của đội quân, đội quân nào có nhiều cỗ xe ngựa chứng tỏ đó là đội quân hùng mạnh.
  • Đặc điểm của bốn cỗ xe nầy là bốn con ngựa kéo có bốn màu khác nhau: màu hồng, màu đen (ô), màu trắng, và màu xám vá. Chúng ta có thể nhận xét về bốn con ngựa nầy như sau:
Bốn con ngựa có bốn màu gần giống bốn con ngựa trong Khải huyền 6:1-8, chỉ khác màu xám vá thay vì màu vàng vàng, cho nên có thể ý nghĩa chắc chắn là một, chỉ về những tai họa xảy đến trong thờ cuối cùng sau khi Chúa Jêsus Christ tái lâm chặng thứ nhất và trước khi Chúa Jêsus Christ tái lâm chặng thứ hai.
Bốn tai họa đó là gì?
Con ngựa màu trắng: Thế giới sẽ bị một nhân vật chống nghịch lại Chúa Jêsus Christ mê hoặc bởi nó sẽ đến tạo ra một nền hòa bình giả tạo (I Tê. 5:1-2). Đó là kẻ địch lại Chúa Jêsus Christ., hay là Đấng Cứu thế giả.
Con ngựa màu đỏ: Sau khi tạo ra một thế giới hòa bình giả tạo để khiến con người suy phục thờ lạy nó, Quỉ Satan và Kẻ địch lại Chúa Jêsus Christ sẽ phát động chiến tranh hầu qua đó kiểm soát nhân loại, như người cỡi ngựa màu hồng được quyền cất lấy hoà bình khỏi thế giới.
Con ngựa ô: Chiến tranh bao giờ cũng sẽ đem đến hậu quả là đói kém và bởi đó sẽ có một chế độ kiểm soát lương thực chính (nhu yếu phẩm – lúa mì, mạch nha). Quỉ Satan và Kẻ địch lại Chúa Jêsus Christ sẽ khống chế nhân loại bằng lương thực.
Con ngựa màu vàng vàng (xám vá): Tất cả những tai họa chắc chắn dẫn tới Sự chết và đưa con người vào Âm phủ hư mất đời đời. Đây chính là mục đích tối hậu của quỉ Satan và Kẻ địch lại Chúa Jêsus Christ, muốn nhân loại xa rời tình yêu thương và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Bốn con ngựa hoạt động theo từng đôi: ngựa trắng từ hướng Tây (trong tiếng Hi-bá thì “ra theo nó” có nghĩa là hướng Tây), chạy theo ngựa ô (là hướng Bắc); ngựa xám vá (dappled grey) chạy theo ngựa hướng nam là hướng con ngựa màu hồng (đỏ – theo Dịch lý Đông phương thì màu đỏ là phía nam).
  • Như vậy, cuối cùng thế giới sẽ chia ra hai phe chính: Phe phía Bắc – màu đen (hay xanh dương) có màu trắng hổ trợ, và Phe phía Nam – màu đỏ có màu xanh lá cây hổ trợ, đối địch nhau và kết quả là phía Bắc thắng (6:8), đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời (đẹp lòng Đức Chúa Trời – Thần Chúa yên lặng).
    • Hai hòn núi bằng đồng:
  • Theo hình bóng học, “Đồng” chỉ về sự đoán phạt. Như vậy, bốn con ngựa hình bóng về những tai họa ra từ sự đoán phạt. tại đây, chúng ta có hai hòn núi – số 2 là số làm chứng, nên tai họa hình phạt nầy là chắc chắn.
  • Nói chung lại, qua loại Dị tượng thứ ba, Đức Chúa Trời cho Tiên tri Xa-cha-ri và cho Cơ-Đốc nhân chúng ta ngày nay đang đọc những lời tiên tri nầy biết rằng trong thời kỳ cuối cùng, thế giới mà chúng ta đang sống sẽ bước vào thời kỳ khốn nạn, đầy dẫy tai họa, Cơ-Đốc nhân cũng không tránh khỏi.
  • Tuy nhiên, lời Chúa không kết thúc trong chỗ tai họa mà như 6:9-15, tất cả những biến động đó, những dị tượng mà chúng ta đã học, mục đích là để dọn đường cho một người tên là Chồi Mống sẽ đến để xây lại Đền thờ cho Đức Chúa Trời và Người sẽ cai trị, làm thầy tế lễ, làm vua (6:12-13), ấy là chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta đang chờ đợi.
  • Lời Kết luận cho các Dị tượng dành cho chúng ta là lời hứa của Đức Chúa Trời trong 6:15b, nếu các ngươi siêng năng vâng theo tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, thì sự đó sẽ xảy đến.
  • Ha-lê-lu-gia! Nguyện Chúa mau đến!



Đề mục: SỰ KIÊNG ĂN
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 7: và 8:
Câu gốc: Xa-cha-ri 8:19
Mục đích: Nhắc nhở người nghe điều quan trọng không phải là nghi lễ (sự kiêng ăn) mà là sống chơn thật và bình an.

I/. KIÊNG ĂN LÀ GÌ?
  • Xa-cha-ri 8:19, Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy: Sự kiêng ăn về tháng tư, … kiêng ăn …. kiêng ăn …, kiêng ăn …,
  • Bốn lần trong câu gốc nhắc đến lẽ đạo “kiêng ăn”, rõ ràng trong đoạn 7 và 8, sự “kiêng Ăn” là chủ đề chính, và là một thắc mắc của dân Y-sơ-ra-ên qua những đại diện của họ đến hỏi ý kiến Tiên tri Xa-cha-ri về một lẽ đạo, và chính Đức Chúa Trời đã trả lời cho họ.
  • Lẽ đạo mà những người đại diện dân Y-sơ-ra-ên hỏi là: Sự Kiêng Ăn (7:1-3) và họ muốn biết: Có nên tiếp tục Kiêng Ăn không?
  • “Sự kiêng ăn” theo như Do thái Giáo có các trường phái khác nhau:
    • Trường phái Bảo thủ tuyệt đối là không ăn gì cả, như Môi-se ở trên núi 40 ngày 40 đêm (Phục. 9:9, 18).
    • Trường phái Bảo thủ tương đối thì chủ trương không ăn bất cứ vật gì, chỉ uống nước (có thể như trong trường hợp của Chúa Jêsus Christ trong đồng vắng – Luca 4:2)
    • Trường phái cấp tiến thì cho rằng không ăn thức ăn nặng, chỉ ăn rau, uống nước (như trường hợp của Đa-ni-ên trong Đan. 1:8)
  • Nhất là sau khi bị lưu đày thì dân Y-sơ-ra-ên đã tăng thêm sự Kiêng Ăn như họ đang thắc mắc hỏi Tiên tri Xa-cha-ri trong Xach. 7:3.  Trong câu 3 nầy, họ nêu ra một sự Kiêng Ăn vào tháng 5, nhưng tham khảo với 8:10, thì còn có 3 kỳ Kiêng Ăn nữa trong năm:
    • Kỳ Kiêng Ăn tháng 4 là để than khóc về việc vua Nê-bu-cát-nết-sa phá thành Giê-ru-sa-lem (II Vua 25:3-4).
    • Kỳ Kiêng Ăn tháng 5 là để kỷ niệm việc Đền thờ bị vua Nê-bu-cát-nết-sa đốt phá (II Vua 25:8-10).
    • Kỳ Kiêng Ăn tháng 7 đánh dấu kỷ niệm việc Ghê-đa-lia bị ám sát (II Vua 25:22-25).
    • Kỳ Kiêng Ăn tháng 10 để than khóc việc Nê-bu-cát-nết-sa bắt đầu vây thành Giê-ru-sa-lem (II Vua 25:1).
  • Suốt thời lưu đày, dân Y-sơ-ra-ên đã Kiêng Ăn, bây giờ họ đã được hồi hương, nên họ thắc mắc không biết có cần tiếp tục kiêng ăn không.
  • Điều chúng ta phải cảm tạ Chúa là Chúa đã trả lời thắc mắc của dân Chúa.
  • 7:4-7, Chúa không trả lời là Có nên Kiêng Ăn hay không, vì chúng ta biết rõ Sự Kiêng Ăn là một trong những điều Chúa dạy dân Chúa phải làm và các thánh đồ trải qua các thời đại đã làm theo lời Chúa dạy, ngay cả chính Chúa Jêsus Christ của chúng ta Ngài cũng đã dành thì giờ Kiêng Ăn trước khi chính thức thi hành chức vụ (Mathiơ 4:1-11).
  • Điều quan trọng là Chúa hỏi dân Chúa: (7:4-5), Các ngươi kiêng ăn khóc lóc … có phải VÌ TA, THẬT LÀ VÌ TA …mà giữ lễ kiêng ăn đó chăng?
  • Câu 6, Chúa đã quở trách họ ăn uống và kiêng ăn chỉ VÌ MÌNH, vì chính họ không phải vì Chúa.
  • Kiêng Ăn “Vì Mình” là thế nào?
  • Mathiơ 6:16, Chúa Jêsus Christ đã giải thích “sự Kiêng Ăn Vì Mình” của bọn giả hình: Họ Kiêng Ăn … cho mọi người biết họ kiêng ăn.
  • Câu hỏi của Chúa trong câu 6 tức là câu trả lời của Chúa: Vấn đề không phải là nên Kiêng Ăn hay không mà là Kiêng Ăn vì Ai? Kiêng Ăn để làm gì? Trong câu 7, Chúa đã nhắc lại rằng Chúa đã từng sai các Tiên tri rao giảng lẽ thật về sự Kiêng Ăn Vì Ai và Kiêng Ăn để Làm gì, như Tiên tri Ê-sai đã giảng trong Ê-sai 58:1-7, nhưng rất tiếc là dân Chúa đã không chịu vâng theo lời dạy của Chúa (Xa-cha-ri 7:11-12)
  • Đây cũng là câu trả lời cho chúng ta ngày nay về tinh thần “Kiêng Ăn và Cầu nguyện”, tôi muốn nói kiêng ăn và CẦU NGUYỆN, vì kiêng ăn là để cầu nguyện, có thể cầu nguyện mà không kiêng ăn, nhưng không thể kiêng ăn mà không phải để cầu nguyện – nếu kiêng ăn mà không cầu nguyện thì giống như một cuộc tuyệt thực để phản kháng hay một hành động “nhịn ăn trị bịnh’ hay “nhịn ăn để giảm cân”. Thế thì việc mà anh chị em kiêng ăn cầu nguyện là vì Ai? Và để làm gì?

II/. ĐIỀU KIỆN KIÊNG ĂN:
  • Xa-cha-ri 8:19, Đức Giê-hô-va phán … Vậy, hãy ưa sự chơn thật và bình an.
  • Chúng ta phải khẳng định một điều là: Chúa không dạy không cần cầu nguyện, không cần kiêng ăn, nhưng Chúa đòi hỏi điều kiện kiêng ăn cầu nguyện là Ưa sự chơn thật và bình an.
  • Từ ngữ “ƯA” là ham thích, yêu thích, Chúa đòi hỏi người kiêng ăn cầu nguyện phải là người ưa sự chơn thật, yêu thích sự chơn thật.
  • Đây là điều kiện mà Lời Chúa luôn đòi hỏi con dân của Chúa phải có khi nói đến kiêng ăn cầu nguyện:
    • Thi thiên 15:1-2, tác giả Thi thiên nầy là Đa-vít đã khẳng định người ngụ trong đền tạm, ở trên núi thánh của Chúa là người đi theo sự ngay thẳng, làm điều công bình, và nói chơn thật trong lòng mình.
    • Thi thiên 51:6, Chúa muốn sự chơn thật nơi bề trong …
  • Đa-vít thật kinh nghiệm từ chính bản thân ông sau những lần yếu đuối phạm tội với Chúa và cầu nguyện xin Chúa tha thứ, Chúa đã tha thứ cho ông vì sự cầu nguyện (kiêng ăn chơn thật của ông (II Samuên 12:16-17). Nếu chúng ta so sánh về tánh chất tội lỗi mà vua Sau-lơ đã phạm với tội lỗi mà Đa-vít đã phạm, thì rõ ràng tội của Đa-vít thật quá nặng nề.
    • I Samuên 13:8-14; 15:13-23, vua Sau-lơ chỉ phạm tội không vâng lời trọn vẹn như Chúa phán dạy; còn Đa-vít đã phạm tội gì? II Samuên 11; 12:7-9, vua Đa-vít đã khinh bỉ lời Chúa dạy, đã phạm tội tà dâm, rồi cướp vợ người, lại còn giết người.
    • Dù vậy, chúng ta không thấy sự chơn thật trong sự ăn năn của vua Sau-lơ, I Samuên 13:11-12; 15:24-25, 30, Sau-lơ cố tìm cách để bào chữa cho tội lỗi của ông và giữ thể diện, thay vì chơn thật ăn năn. Trong khi đó vua Đa-vít  thì bày tỏ sự chơn thật, II Samuên 12:13a, vừa khi nghe Tiên tri na-than quở trách tội lỗi của vua, Đavít lập tức nhìn nhận: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va! Và bài Thi thiên thứ 51 là lời ăn năn xưng tội chơn thật của Đa-vít.
  • Làm sao biết một người có chơn thật hay không?
  • 8:16-17, Chúa chỉ ra cách dân Chúa thể hiện sự chơn thật: Ai nấy khá lấy điều thật nói cùng kẻ lân cận mình; hãy làm sự chơn thật … Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân cận; và chớ ưa sự thề dối, vì ấy đó là những điều ta ghét, Đức Giê-hô-va phán vậy.
  • Chúng ta học được điều gì về cách bày tỏ sự chơn thật mà Chúa muốn chúng ta có. để qua đó sự kiêng ăn cầu nguyện của chúng ta được kết quả?
    • Chơn thật đối với ai? Chơn thật đối với kẻ lân cận ngươi. Sứ đồ Giăng nói: Ví có ai nói rằng:Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối …  yêu Đức Chúa Trời thì cũng phải yêu anh em mình.
Luca 10:29-37 là câu chuyện mà Chúa Jêsus Christ đã kể cho thầy dạy luật nghe để chỉ cho thầy ấy biết kẻ lân cận của thầy ấy ở đâu, hoặc là ai.
Thầy dạy luật nầy muốn bày tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus đã dạy cho thầy ấy biết thể hiện tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời bằng cách phải yêu thương kẻ lân cận. Nhưng thầy ấy chỉ nhìn lên trời mà không thấy những người chung quanh đang cần thầy giúp đở, như thầy tế lễ và người Lê-vi trong câu chuyện.
Cách bày tỏ lòng chơn thật đối với Chúa là hãy chơn thật đối với người lân cận.
  • Chơn thật như thế nào?
Đức Chúa Trời phán dạy (8:16-17): khá lấy điều thật NÓI … hãy LÀM điều thật cùng kẻ lân cận – nói thật và Hãy LÀM sự chơn thật, phán xét bình an, không phải chỉ NÓI, mà còn phải LÀM, và PHÁN XÉT, không phải chỉ LÀM mà cũng phải biết NÓI.
  • Chớ toan sự dữ trong lòng nghịch cùng kẻ lân cận. Có những người bề ngoài dường như chơn thật, nhưng trong lòng thì toan sự dữ – dạng người “khẩu Phật tâm xà”.
  • Và một lời cảnh cáo của Chúa, Chúa phán: Ta GHÉT – Chúa ghét sự thiếu chơn thật.
  • Anh chị em ơi, Chúa có dùng những lời nầy để nhắc anh chị em tại sao lời cầu nguyện – dù được kết hợp với sự kiêng ăn, Chúa cũng không nghe, không trả lời, không? Hãy đọc lại Ê-sai 58:1-4. Hãy đọc lại Gia-cơ 1:26; 4:8-10, và hãy làm theo điều kiện của Chúa đã đưa ra, khi ấy chắc chắn lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa nhậm lời, dù anh chị em không có kiêng ăn.

III/. PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ KIÊNG ĂN:
  • 8:19, Đức Giê-hô-va vạn quân có phán như vầy:  Sự kiêng ăn … sẽ làm sự vui mừng, hớn hở và ngày lễ vui chơi cho nhà Giu-đa.
  • Thật ra chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ, tức là lúc Chúa đang phán những lời nầy thì mới hiểu được cái Phước Hạnh của sự Kiêng Ăn cầu nguyện mà dân Y-sơ-ra-ên của Chúa mong đợi.
  • Hoàn cảnh của họ lúc bấy giờ là:
    • 7:5, dân Y-sơ-ra-ên đã kiêng ăn khóc lóc 70 năm rồi để tìm kiếm cho được những ngày vui mừng, hớn hở, có được những ngày lễ vui chơi, như tác giả Thi thiên thứ 42:1, 4 đã diễn tả: Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa... Linh hồn tôi khát khao Chúa … Rày tôi nhớ lại điều ấy, và lòng buồn thảm, và suốt 70 năm lưu đày không thể nào họ vui mừng được như tác giả Thi thiên 137:4, Trên đất ngoại bang, chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?
    • 8:10, vì chưngtrước những ngày đó chẳng có tiền công cho người ta, cũng chẳng có tiền công cho thú vật…
  • Giống như dân Y-sơ-ra-ên sau 3 năm rưởi hạn hán không có mưa trong đời Tiên tri Ê-li, họ mới cảm thấy quý những giọt mưa từ trời, để từ đó khao khát, mong đợi mưa (Gia-cơ 5:17-18).
  • Phước Hạnh nầy là sự hấp dẫn biết bao đời sống sẵn sàng trả giá kiêng ăn hạ mình, cầu nguyện tìm kiếm Chúa trông đợi Đức Thánh Linh giáng lâm đem sự phục hưng đến. Rồi khi Đức Thánh Linh giáng lâm đầy dẫy trên Hội Thánh và trên cá nhân của họ, không thể nào mô tả cho hết được nỗi vui mừng, hớn hở, của những đời sống thật sự được phục hưng từ những buổi nhóm cầu nguyện kiêng ăn của họ.
  • Anh chị em hãy đọc, hãy hỏi những người từng được nhận lấy phước hạnh của sự kiêng ăn cầu nguyện, nhất là qua sách Công vụ Các Sứ đồ
    • 1:14, khi Hội Thánh kiêng ăn cầu nguyện, thì Đức Thánh Linh đã giáng lâm và ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh khởi sự nói các thứ tiếng khác theo như Đức Thánh Linh cho họ nói (Công vụ 2:1-4)
    • 4:31, Kinh Thánh làm chứng rằng khi Hội Thánh đã cầu nguyện thì nơi nhóm lại rúng động, ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh khởi sự giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ
  • Bởi sự dạy dỗ quý báu đó, chúng ta có thể nói ngược lại: Tại sao có nhiều đời sống hay nhiều Hội Thánh, không chịu dành thì giờ cầu nguyện, không chịu kiêng ăn? Câu trả lời sẽ là vì họ không biết rằng mình có tiếng là sống nhưng mà là chết (Khải. 3:1), họ không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lỏa lồ (Khải 3:17), nên họ không cảm thấy cần kiêng ăn cầu nguyện.
  • Chúng ta phải đọc tiếp Xa-cha-ri 8:20-23 để thấy phước hạnh mà Chúa ban cho một người hay một Hội Thánh biết kiêng ăn cầu nguyện như dân Y-sơ-ra-ên của Chúa lớn biết là dường nào:
    • 8:20-22, phước hạnh vui mừng, hớn hở, đã làm cho tất cả các dân khác chạy đến tìm kiếm Chúa để được như dân Chúa.
    • 8:23, các dân khác nài nỉ để có được những phước hạnh như vậy
  • Giăng 14:16-17, Chúa Jêsus Christ phán rằng phước hạnh  Chúa ban cho dân Chúa khi họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh là phước hạnh thế gian không thể nhận lãnh được. Quả thật vậy, khi Hội Thánh đầu tiên kiêng ăn cầu nguyện và Đức Thánh Linh được ban xuống thì khiến cho các dân thiên hạ chạy đến, ai nấy đều sững sờ… không biết nghĩ làm sao, bèn nói với nhau rằng: Việc nầy là nghĩa làm sao? (Công vụ 2:6, 12)
  • Vấn đề của chúng ta bây giờ sau khi học đề tài Sự Kiêng Ăn qua hai đoạn Kinh Thánh sách Xa-cha-ri là: CHÚNG TA CÓ THẤY CẦN KIÊNG ĂN CẦU NGUYỆN KHÔNG? Nguyện Chúa cảm động tất cả chúng ta đều trả lời là: CÓ, và hết thảy chúng ta sẽ hết lòng kiêng ăn cầu nguyện.

Đề mục: CHÚA ĐẾN
Kinh Thánh: Xa-cha-ri 14:1-21
Câu gốc: Xa-cha-ri 14:9
Mục đích: Giúp người nghe hiểu lẽ thật Chúa Tái lâm để tỉnh thức.

I/. DẤU HIỆU CHÚA ĐẾN:
  • Xa-cha-ri 14:1-2
  • Điều quan trọng mà chúng ta cần phải xác định trước khi học những phần Kinh Thánh nói về sự Tái lâm của Chúa Jêsus Christ, ấy là Chúa không cho chúng ta biết ngày giờ Chúa Jêsus Christ tái lâm. Chúa Jêsus Christ đã khẳng định lẽ thật nầy nhiều lần (Mathiơ 24:26; Công vụ 1:7).
  • Tuy nhiên, chúng ta cảm ơn Chúa, dù Chúa không cho chúng ta biết ngày giờ chính xác Chúa Jêsus Christ trở lại thế giới nầy, nhưng Chúa đã cho chúng ta biết những dấu hiệu để nhìn biết thì giờ cận kề sự tái lâm của Ngài.
  • Xa-cha-ri 14:1-2, Lời Chúa trong phân đoạn Kinh Thánh nầy nêu ra 2 dấu hiệu để qua đó chúng ta biết thì giờ Chúa đến:
  1. Dân Chúa gặp khốn khổ:
  • 14:1,
  • Trong câu 1 nầy có một từ ngữ cần được giải thích là” của cướp”. Chúng ta phải đọc Êsai 9:2 … như người ta reo vui trong lúc chia của cướp, của cướp được nói đến không phải là “của cải, tài sản đi cướp của người khác”, mà là chiến lợi phẩm sau khi chiến thắng, nhóm từ nầy dùng để chỉ sự vui mừng.
  • Như vậy, Xa-cha-ri 14:1 muốn nói đến dân Chúa không còn những ngày vui nữa, không còn chiến thắng mà là BỊ người khác chiến thắng, dân Chúa bị hà hiếp, bị khốn khổ.
  • Đó là thời điểm Chúa đến.
  1. Thành thánh bị vây:
  • 14:2.
  • Câu 2 nầy mô tả thành Giê-ru-sa-lem bị các nước bao vây.
  • Lịch sử cho chúng ta biết thành Giê-ru-sa-lem đã từng bị quân của kẻ thù nghịch bao vây, cướp phá:
    • II Sử ký 36:17-21 đã ghi lại cảnh Giê-ru-sa-lem bị quân đội Ba-by-lôn bao vây và cướp phá vào năm 587 TC.. Đọc qua, đây là một cảnh thật khủng khiếp, thành thánh bị đốt phá, đền thờ cũng bị đốt phá, dân chúng bị giết, bị bắt lưu đày, …
    • Mathiơ 24:2, 15-22, Chúa Jêsus Christ đã mô tả tiên tri cảnh Giê-ru-sa-lem sẽ bị cướp phá đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá khác. Quả thật vậy, 40 năm sau khi Chúa Jêsus thăng thiên, quân đội Lamã đã kéo đến bao vây Giê-ru-sa-lem gần 2 năm vì người Y-sơ-ra-ên nổi loạn chống lại ách cai trị của Đế quốc Lamã. Kết quả của việc bao vây và tấn công nầy là thành Giê-ru-sa-lem bị san bằng, đền thờ bị đốt tan, dân Y-sơ-ra-ên bị tàn sát và tan lạc khắp thế giới gần 2 ngàn năm.
  • Tuy nhiên lời tiên tri của Chúa Jêsus phán chưa ứng nghiệm 100%, vì trận chiến đó người Lamã còn chừa lại một bức tường ngày nay gọi là Bức Tường Than Khóc, nên chắc chắn lời tiên tri của Chúa Jêsus Christ sẽ ứng nghiệm trọn vẹn như Xa-cha-ri 14:2 nầy.
  • Lời tiên tri nầy cũng đã được xác định trong các sách khác trong Kinh Thánh:
    • Ê-xê-chi-ên 38 và 39:, khi dân Gót và Ma-gót dẫn quân các nước tấn công tuyển dân Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem, để rồi bị tiêu diệt đến nỗi dân Y-sơ-ra-ên phải dùng 7 năm để thu chiến lợi phẩm (Ê-xêchiên 39:9) và 7 tháng để chôn xác chết (39:12)
    • Khải huyền 19:19; 20:7-10.
  • Nói chung lại, dấu hiệu Chúa đến hay Chúa tái lâm được bày tỏ qua việc tuyển dân Y-sơ-ra-ên bị các nước thù nghịch bao vây tấn công. Tuy nhiên, cũng qua Kinh Thánh, trong thư I Têsalônica 4:13-18, và những lời dạy dỗ trong các sách khác (Mathiơ 24:30-31; Rôma 11:25-27)), chúng ta biết rằng trước khi dân Y-sơ-ra-ên và thành Giê-ru-sa-lem bị các nước bao vây, thì Chúa Jêsus Christ sẽ đến chặng thứ nhất tiếp Hội Thánh lên nơi không trung, chấm dứt thời kỳ Ân điển, hay thời kỳ Dân Ngoại.
  • Bây giờ, nhìn lại tình hình thế giới, ngay tâm điểm của lời tiên tri mà chúng ta vừa học là tình hình dân Y-sơ-ra-ên, chúng ta chỉ có thể nói một lời: Nguyện Chúa mở mắt, mở lòng chúng ta là con cái Chúa thời kỳ Ân Điển nầy, để chúng ta tỉnh thức trước khi diễn ra biến cố Chúa đến chặng thứ hai.

II/. ĐỊA ĐIỂM CHÚA ĐẾN:
  • Xa-cha-ri 14:3-5.
  • Như chúng ta biết, Chúa đến hai chặng:
    • Chặng thứ nhất: Chúa đến nơi không trung (I Têsalônica 4:16-18) để cất rước Hội Thánh lên nơi không trung gặp Chúa, kết thúc thời kỳ Ân Điển. Đây là việc Chúa đến ẩn nhiên.
    • Chặng thứ hai: Chúa đến trên núi Ô-li-ve như lời thiên sứ phán trong Công vụ 1:11 khi Chúa Jêsus Christ thăng thiên. Chặng thứ hai nầy Chúa đến để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên của Chúa khỏi sự bao vây như chúng ta đã học trong Xa-cha-ri 14:1-2.
  • Và phân đoạn Xa-cha-ri 14:3-5 nầy là chặng thứ hai trong sự đến của Chúa Jêsus Christ. Thật là kỳ diệu, Kinh Thánh mô tả rõ ràng từng chi tiết sự đến của Chúa:
    • 14:3, xác định là sự trở lại của Chúa Jêsus Christ để giải cứu dân Chúa bị bao vây.
    • 14:4 khi Chúa đến, chơn của Chúa sẽ đứng trên núi Ô-li-ve. Anh chị em có biết rằng những lời nầy được viết ra khi nào không? Tiên tri Xa-cha-ri đã viết những lời nầy vào khoảng 520 năm trước khi Chúa Jêsus giáng sanh. Rồi 520 năm sau, tại núi ô-li-ve, đang lúc hơn 500 môn đồ còn ngước mắt nhìn lên trời với tất cả bàng hoàng trước cảnh trạng Chúa Jêsus thăng thiên, thì hai thiên sứ của Chúa đã tái xác nhận: Jêsus nầy được cất lên trời thể nào, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi thấy Ngài lên trời vậy, tức là Chúa Jêsus Christ từ trời trở lại như Ngài từ đất thăng thiên lên trời; địa điểm Chúa đến là núi Ô-li-ve như tại núi Ô-li-ve Chúa đã thăng thiên; lúc Chúa Jêsus thăng thiên có nhiều người xem thấy thì lúc Chúa đến cũng có nhiều người thấy.
Tiên tri Xa-cha-ri còn nói rõ: … Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông.
  • 14:4b-15a, sư đến của Chúa Jêsus chặng thứ nhất thì sẽ có tiếng kêu lớn, tiếng kèn của Đức Chúa Trời thổi (I Tês. 4:16; I Côrintô 15:52). Nhưng trong chặng thứ hai nầy đã có một trận động đất dữ dội lắm đến nỗi có thể khiến cho núi Ô-li-ve bị cắt làm hai. Kinh Thánh nói rõ là đường cắt theo hướng đông tây, phân nửa núi dời qua phía bắc, phân nửa dời qua phía nam, tạo nên một thung lũng lớn. Trận động đất nầy được so sánh với trận động đất đời vua Ô-xia (II Sử ký 26; Amốt 1:1).
  • 14:15b, … hết thảy các thánh sẽ ở cùng ngươi. Tham khảo với Khải huyền 19:14, Chúa Jêsus Christ không đến một mình cô độc như lúc giáng sanh, mà cùng với các thiên binh thánh đồ.
  • Nếu muốn được cùng từ trời đến với Chúa Jêsus tại núi Ô-li-ve, thì xin Chúa cho chúng ta trung tín để được cất lên nơi không trung. Còn nếu lúc Chúa đến tại núi Ô-li-ve mà ai đó trong chúng ta nhìn xem thì đó là những người bị bỏ lại trong chặng thứ nhất.
  • Câu hỏi tôi muốn gởi đến anh chị em là lúc Chúa đến anh chị em nhìn xem hay cùng đến với Chúa?

III/. MỤC ĐÍCH CHÚA ĐẾN:
  • Xa-cha-ri 14:6-21
  1. Đối với tuyển dân Y-sơ-ra-ên:
  • Đọc qua phân đoạn nầy, chúng ta thấy rõ mục đích của Chúa đến thế gian lần thứ hai nầy hoàn toàn khác với mục đích Chúa đến lần thứ nhất khi Chúa giáng sanh tại Bết-lê-hem 2 ngàn năm trước (Hêb. 9:28).
    • Hai ngàn năm trước Chúa đến thế gian bằng lòng hạ mình xuống giáng sanh làm người, được sanh ra trong chuồng chiên máng cỏ, với mục đích mở đầu chương trình cứu rỗi loài người, bày tỏ cho loài người biết có một Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài,
    • Còn Chúa đến lần thứ hai nầy với mục đích kết thúc chương trình cứu rỗi của Chúa đối với loài người: hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
  • Một điều quan trọng nữa là sự đến lần thứ hai của Chúa có hai chặng: “Chặng đến thứ hai” nầy có mục đích khác với “chặng đến thứ nhất”:
    • chặng đến thứ nhất: có liên hệ với Hội Thánh, tức là những người không phải Y-sơ-ra-ên tin Chúa khắp thế giới, như chúng ta ngày nay. Mục đích để cất Hội Thánh lên nơi không trung ở với Chúa, kết thúc thời kỳ Ân Điển dành cho Dân Ngoại.
    • chặng đến thứ hai: có liên hệ với người Y-sơ-ra-ên, là tuyển dân theo lời hứa của Chúa với tổ phụ của họ là Áp-ra-ham, mục đích để giải cứu dân Chúa khỏi thời kỳ Đại nạn và làm trọn giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham.
  • Với mục đích của chặng thứ hai như vậy, Tiên tri Xa-cha-ri đã công bố những công việc mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho dân Y-sơ-ra-ên của Chúa trong ngày Chúa đến:
    • câu 6-7, bóng tối bao giờ cũng tượng trưng cho tội lỗi, quyền lực của ma quỉ, Chúa đến hủy diệt sự tối tăm, hủy diệt quyền lực của ma quỉ. Sự sáng của thế giới không phải từ các vì sao, mà từ Sự Sáng thật là Chúa Jêsus Christ (Giăng 8:12; Khải 21:23-26)
    • câu 8-11, trong câu 2 thì Giê-ru-sa-lem bị bao vây và bị tàn phá, khốn khổ, cảm ơn Chúa khi Chúa đến thì Giê-ru-sa-lem tràn ngập phước hạnh của Chúa ban: từ Giê-ru-sa-lem sẽ chảy tràn ra nước sống khắp nơi (câu 8)Chúa làm Vua tại Giê-ru-sa-lem và Giê-ru-sa-lem chỉ thờ phượng một mình Chúa mà thôi – nghĩa là không còn hình tượng nữa (câu 9), người ta sẽ ở đó, Giê-ru-sa-lem không còn bị rủa sả nữa, Giê-ru-sa-lem sẽ được yên ổn (câu 10-11).
  • Giê-ru-sa-lem sẽ trở thành thủ đô Vương quốc của Chúa Jêsus Christ, Kinh Thánh luôn nói đến địa vị độc đáo nầy của Giê-ru-sa-lem.
  1. Đối với các dân thù nghịch Y-sơ-ra-ên:
  • 14:12-21.
  • Trái với phân đoạn từ câu 6 đến câu 11 đầy những phước hạnh, thì từ câu 12 đến 21, xuất hiện nhiều lần những từ ngữ liên hệ đến sự đoán phạt:
    • câu 12, tai vạ, để phạt …
    • câu 13, Đức Giê-hô-va sẽ gieo sự rối loạn (Chúa phạt) … người nầy sẽ giá lên nghịch cùng tay người kia …)
    • câu 14, tranh chiến
    • câu 15, ôn dịch … bị ôn dịch.
    • câu 17, … sẽ không có mưa trên chúng nó.
    • câu 18, … mưa cũng không xuống … bị ôn dịch… là ôn dịch … phạt các nước ….
    • câu 19, … hình phạt…
  • Nếu sách Tiên tri Xa-cha-ri kết thúc ở câu 19 thì thật là một tin tức khủng khiếp, không phải Tin Lành. Cảm ơn Chúa, Lời Chúa còn tiếp tục phán dạy cho chúng ta biết rằng những hình phạt, tai vạ Chúa cho phép xảy đến là để THÁNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA … thánh cho Đức Giê-hô-va vạn quân … ,
  • Rõ ràng Chúa đoán phạt mọi dân thù nghịch với tuyển dân ấy là để biệt riêng họ cho Chúa – Chúa sửa phạt cho thế giới hoàn hảo hơn, thánh thiện hơn, để không còn tội lỗi, mua gian bán lận trong Vương quốc, trong nhà của Chúa nữa! Thật Đức Chúa Trời là nhơn từ, yêu thương!
 


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.