Ða-mách. Damas (hoạt động).

        



      Là kinh đô nước Sy-ri, ở về phía nam Li-ban, thành Ða-mách xây ở trên một đồng bằng cao độ 700 thước tây, có hai con sông chảy qua ở đó (II Các vua 5:12). Mặt đông tây thì nó giáp với đồng vắng A-rạp, mặt nam bắc thì có núi làm giới hạn. Ðất đai màu mỡ, phong cảnh rất đẹp; dân cư trong thành được độ 150.000 đến 220.000 người. Sản xuất thép, sắt, đá, cây trái, tơ, bông, lông chim, hàng dệt và các đồ vàng, đồ gỗ. Ở đời tối cổ, Ða-mách đã là một thị trường của các chi phái (Ê-xê-chi-ên 27:18). Ngày nay đường sắt thông thương, buôn bán thạnh vượng. Ða-mách được người các nước châu Á đến du lịch nhiều. Người Anh đã từng truyền đạo ở Ða-mách, song bị người đạo Hồi hồi ngăn trở! Có một con đường tên gọi là đường Ngay Thẳng, dài độ hơn hai cây số, chạy suốt giữa thành Ða-mách đến nay hãy còn. Thiệt hiệp với Công vụ các sứ đồ 9:11 đã nói.
       I. Cựu Ước chép về thành Ða-mách.--
       Cựu Ước lần đầu nói đến tên thành nầy, là ở Sáng thế ký 14:15; 15:2. Thế là trong đời Áp-ra-ham cái thành nầy đã có rồi. Từ đó trở xuống chưa có chỗ nào luận đến tên thành Ða-mách. Mãi đến đời vua Ða-vít, có người đánh bại họ, chiếm lấy thành, rồi đặt quân canh giữ (II Sa-mu-ên 8:5, 6; I Sử ký 18:5).
       Ðời vua Sa-lô-môn, có người bầy tôi của vua Xê-ba tên là Rê-xôn giữ thành Ða-mách mà tự lập làm vua (I Các vua 11:23, 24).
       Hồi A-sa chiến tranh với Ba-ê-sa, vua Giu-đa là A-sa có xin vua Sy-ri ở Ða-mách cứu giúp để chống lại Ba-ê-sa (I Các vua 15:16-21; II Sử ký 16:1-6). Từ đó nước Y-sơ-ra-ên và nước Sy-ri chiến tranh không ngừng, đến đời vua A-háp, quân Sy-ri thua một trận tại A-phéc, và A-háp được lập chợ phố tại Ða-mách (I Các vua 20:34).
       Khi vua Giô-ram trị vì, Na-a-man, quan tổng binh của vua Sy-ri, cầu xin tiên tri Ê-li-sê chữa bịnh phung cho. Ê-li-sê bảo Na-a-man đến sông Giô-đanh mà tắm. Song Na-a-man nổi giận nói: nước sông Ða-mách há chẳng tốt hơn sao? (II Các vua 5:12).
       Ðời Giô-ách, quân Sy-ri hãm đánh nước Giu-đa, cướp lấy của cải đem về Ða-mách (II Sử ký 24:25).
       Ðến đời Rô-bô-am thứ hai, dẫu nói là khôi phục được Ða-mách song chưa thuật lại cái tình hình khôi phục ra sao. Coi việc vua A-si-ri đánh lấy Ða-mách và giết Rê-xin, thì biết thành Ða-mách nầy đã không phải của nước Y-sơ-ra-ên nữa rồi (II Các vua 16. Coi thêm Ê-sai 7:1-9; 10:5-9).
       Tiên tri có nặng lời quở trách Ða-mách và các quân thù nghịch khác của người Giu-đa (Ê-sai 17; Giê-rê-mi 49:23; A-mốt 1:3, 4, 5; Xa-cha-ri 9:1).
       Người Ða-mách thường lấy rượu nho ở Hên-bôn và lông chiên trắng mà đổi chác cùng nước khác (Ê-xê-chi-ên 27:18). Ðất Ða-mách cũng là giới hạn của nước mới mà Ê-xê-chi-ên đã được xem trong sự hiện thấy (Ê-xê-chi-ên 47:17).
       II. Tân Ước chép về thành Ða-mách.-
       Tân Ước nói đến Ða-mách chỉ có ở chỗ chép về việc Phao-lô: Phao-lô đi đến gần thành nầy, thì chịu cảm động quá (Công vụ các sứ đồ 9:1-29). Cũng từ thành nầy Phao-lô được các môn đồ lấy thừng dòng xuống ngoài vách thành cho thoát khỏi tay vua A-rê-ta (Công vụ các sứ đồ 9:25; II Cô-rinh-tô 11:32, 33). Sau ông lại trở về thành nầy (Ga-la-ti 1:17).
       III. Lịch sử chép về thành Ða-mách.--
       Lịch sử tối cổ của Ða-mách cũng không biết rõ thành nầy xây cất vào đời nào. Duy người ta đào ở bờ sông Ni-lơ nước Ai-cập được một bản sách trong đó vài lần chép tên thành nầy. Năm 1888, người ta lại tìm được ở đó 320 tờ chữ đời xưa từ Ba-by-lôn gởi đến Ai-cập. Hồi năm 14 T.C., tên thành Ða-mách cũng đã có ở trong sổ công thuế của một vua ở trào thứ XVIII nước Ai-cập. Năm 1860 S.C. tín đồ đạo Hồi giết hại 6000 người tín đồ Ðấng Christ ở thành nầy. Gần đây thành Ða-mách không có cổ tích mấy, trừ ra cái nhà thờ đạo Hồi, đồn lũy đời trung cổ và một đoạn vách thành cổ. Thói tục ở đó thì hoàn toàn là thói tục phương đông.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.