Ða-ni-ên. (sách).

        



      Phần lớn của sách Ða-ni-ên viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ; những phần quan hệ đến cuộc đời của dân Do-thái trên đất ngoại bang, đến công việc của vua ngoại bang, đến các lời tiên tri về những đế quốc ngoại bang bắt đầu từ đoạn 2, câu 4, phần B, cho đến đoạn 7, câu 28, thì viết bằng tiếng A-ram, là tiếng thương mãi và ngoại giao trong thời đó (tham khảo cùng một đặc điểm đó trong sách E-xơ-ra).
       Các vua có nói đến trong sách là: Nê-bu-cát-nết-sa (1:1; 2:1; 3:1), Bên-xát-sa, con trai của Nê-bu-cát-nết-sa (5:1, 2, 18, 22), Ða-ri-út người Mê-đi (5:31; 6:1; 9:1), và Si-ru, người Ba-tư (6:28).
       Có thể chia sách Ða-ni-ên làm ba phần:
       1. Tiểu dẫn.--
       Ða-ni-ên và ba đồng bạn được dự bị làm chức vụ (đoạn 1).
       2. Tại triều ngoại bang.--
       Tại triều ngoại bang và trước mặt phần đông người ngoại bang, Ðức Chúa Trời bởi bốn bạn thanh niên đó mà làm chứng Ngài là Ðấng Toàn Năng, Toàn Tri, kiểm soát các thế lực trên thế giới trong sự phát triển của các thế lực ấy và sự tương quan của các thế lực ấy với nước của Chúa (đoạn 2 đến đoạn 7). Phần nầy viết bằng tiếng A-ram. Nó bao gồm giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa về pho tượng bằng bốn thứ kim khí bị phá tan (đoạn 2); ba người bạn của Ða-ni-ên bị mưu hại và được cứu khỏi lò lửa (đoạn 3); Nê-bu-cát-nết-sa chiêm bao thấy cây bị đốn (đoạn 4); chữ viết trên tường đương khi Bên-xát-sa dự tiệc (đoạn 5); Ða-ni-ên bị mưu hại và được cứu khỏi hang sư tử (đoạn 6); Ða-ni-ên được sự hiện thấy về bốn con thú (đoạn 7).
       3. Các sự hiện thấy phụ thêm.--
       Các sự hiện thấy phụ thêm của Ða-ni-ên, cốt bày tỏ số phận của dân Ðức Chúa Trời (đoạn 8 đến đoạn 12). Phần nầy có ba sự hiện thấy:
       -- Sự thôi dâng tế lễ, sự hủy diệt đền thánh, và sự chống nghịch Vua trên các vua (đoạn 8).
       -- Vì có gần hết 70 năm lưu đày nên Ða-ni-ên cầu nguyện, xưng tội của toàn quốc và xin Ðức Chúa Trời tha thứ. Ông được thiên sứ Gáp-ri-ên mách bảo về 70 tuần lễ tiên tri (đoạn 9).
       -- Năm thứ ba đời trị vì của Si-ru, người sáng lập đế quốc Ba-tư, Ða-ni-ên được sự hiện thấy về sự suy sụp của đế quốc ấy, về sự bắt bớ dân Ðức Chúa Trời sẽ theo sau, về sự giải cứu các thánh đồ trong ngày sau rốt và sự sống lại hưởng sự vinh hiển (đoạn 10 đến 12).
       Nhiều nhà phê bình chối rằng không phải ông Ða-ni-ên đã chép sách nầy; họ quả quyết rằng sách chép những năm 168 hoặc 167 T.C. cốt để nâng đỡ đức tin của dân Do-thái đương khi bị Antiochus Epiphane bắt bớ dữ tợn. Họ viện bốn cớ sau đây:
             -- Chừng 200 năm T.C., con trai của Sirach có kê khai các bậc vĩ nhân của dân Do-thái, nhưng không liệt tên Ða-ni-ên, mặc dầu đã liệt tên Ê-xê-chi-ên, Nê-hê-mi và các tiên tri nhỏ.
             -- Tác giả dùng tiếng Hy-lạp, đủ tỏ ra ông sống trong thời kỳ đế quốc Hy-lạp.
             -- Các biến động trong sách Ða-ni-ên không đúng với sử ký, đủ tỏ ra tác giả không mắt thấy tai nghe các biến động ấy, nhưng đã sống lâu đời về sau.
             -- Các lời tiên tri chỉ nói tỉ mỉ cho tới sự chết của Antiochus Epiphane.
       Xin bài bác bốn cớ ấy như sau đây:
       1. Thật con trai của Sirach đã quên liệt tên Ða-ni-ên; nhưng ông cũng đã quên liệt tên nhiều bậc vĩ nhân khác, như E-xơ-ra, Ghê-đê-ôn, Sam-sôn, và Giô-sa-phát.
       2. Tác giả chỉ dùng tiếng Hy-lạp ở 3:5 để chỉ tên các nhạc khí. Nhưng có phải vì đó mà quả quyết được rằng sách Ða-ni-ên chẳng được chép tại Ba-by-lôn chừng 530 năm T.C. chăng? Không. Vì trong đời Ða-ni-ên, các nhạc khí ấy đã có dùng trong thung lũng các sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát rồi. Ai cũng biết rằng bấy giờ người ta dùng nhạc khí trong những cuộc khải hoàn và trong triều vua. Họ bắt bốn phu tù đánh nhạc khí riêng của nước mình (xem Thi Thiên 137:1-3).Trong thời kỳ ấy các vua ở dọc theo sông Ti-gơ-rơ và sông Ơ-phơ-rát thường giao chiến với các nước phương tây, cả đến Nê-bu-cát-nết-sa cũng giao chiến với các thành ở bờ Ðịa Trung Hải. Vậy, khi chiến thắng, các vua ấy chắc đem nhạc khí và nhạc công của nước Hy-lạp về nước mình. Sau rốt, khúc sách có xen chữ Hy-lạp đó lại chép bằng tiếng A-ram. Người A-ram khi ấy đã giao thiệp với phương tây từ lâu đời, và tiếng A-ram là tiếng ngoại giao quốc tế trong thời kỳ ấy (xem II Các vua 18:26). Tiếng A-ram vì đó vẫn lẫn nhiều tiếng ngoại quốc. Vậy, khi chép bằng tiếng A-ram, tác giả sách Ða-ni-ên lấy tiếng Hy-lạp để chỉ tên các nhạc khí là đích đáng lắm.
       3. Các biến động trong sách Ða-ni-ên chỉ không phù hiệp với các bộ sử ký chép từ đời xưa. Nhưng từ khi nhà khảo cổ học giúp tài liệu cho nhà chép sử, thì không còn gì phản trái cả. Các bia ghi cổ tự mà nhà khảo cổ học đào bới được làm chứng rõ ràng các biến động trong sách Ða-ni-ên thật in như sử ký, và tác giả thật sống đồng thời với các biến động ấy.
       4. Quả thật, các lời tiên tri chỉ nói tỉ mỉ cho tới sự chết của Antiochus Epiphane (đoạn 8). Nhưng các lời tiên tri ấy há chẳng cũng bao trùm các thời kỳ sau Antiochus Epiphane sao? Nước thứ tư mô tả trong đoạn 2 và đoạn 7 chính là nước La-mã sáng lập sau đời Antiochus Epiphane.
       Ðấng Christ nhận rằng sách Ða-ni-ên là tác phẩm của ông tiên tri Ða-ni-ên (Ma-thi-ơ 24:15). Sử gia Josèphe tin rằng các lời tiên tri trong sách Ða-ni-ên đã chép trước đời Alexandre đại đế (năm 330 T.C.).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.