Ða-vít. ( được yêu thương).

       



      Vua đời thứ hai nước Y-sơ-ra-ên, trị vì ở thành Giê-ru-sa-lem, cha là Y-sai. Có tám anh em. Ða-vít là em út. Ông là người chi phái Giu-đa. Sự thực có chép kỹ ở I Sa-mu-ên đoạn 16; I Các vua đoạn 2; I Sử ký 11:29; và thấy tản mát trong Thi Thiên. Bộ cổ sử, cuốn thứ 7, của Josèphe cũng chép rất kỹ về việc đó. Phàm những sách chép về sự thực vua Ða-vít đều khác nhau về mặt văn tự: sách thì bằng tiếng Hê-bơ-rơ, sách thì bằng tiếng Hy-lạp của Alexandre Le Grand. Có thể chia cuộc đời vua Ða-vít làm ba thời kỳ:
       -- Thời kỳ thiếu niên (I Sa-mu-ên 16:20);
       -- Thời kỳ trốn tránh (I Sa-mu-ên 21:1 tới II Sa-mu-ên 2:4);
       -- Thời kỳ làm vua (II Sa-mu-ên 2:5 tới I Các vua 2:11; I Sử ký 11-29).
       Suốt đời, ông một niềm thành thật nhờ cậy Chúa, được Chúa đẹp lòng. Ông rất can đảm, oai tiếng lẫy lừng. Vả, đờn hay, thơ giỏi, (II Sa-mu-ên 1:17-27; 22:2-51; Thi Thiên 18; A-mốt 6:5). Ông làm khuôn mẫu quí báu cho người sau về mặt âm nhạc và thi ca. Chế độ và giáo hóa trong bốn mươi năm ông cai trị nước đều trổi hơn các vua Do-thái. Còn về tôn giáo, ông có việc rất lẫy lừng là lập cung điện ở thành Si-ôn. Ông thọ 71 tuổi.
       Tiến sĩ Scofield chú thích về giao ước với Ða-vít ở II Sa-mu-ên 7:8-17 rằng: Bởi giao ước Ðức Chúa Trời lập với Ða-vít, nước vinh hiển của Ðấng Christ, là Ðấng "theo xác thịt thì bởi dòng dõi vua Ða-vít sanh ra" (Rô-ma 1:3), sẽ được lập, và được bảo lãnh như sau nầy:
       1. Một "nhà" Ða-vít; tức là dòng dõi họ hàng.
       2. Một "ngôi"; tức là trị vì.
       3. Một "nước"; tức là phạm vi cai trị.
       4. Vẫn có; tức là "cho đến đời đời".
       5. Giao ước gồm cả bốn phần trên, chỉ có một điều kiện; sự không vâng phục trong họ hàng Ða-vít phải bị sửa phạt, song không hủy giao ước (II Sa-mu-ên 7:15; Thi Thiên 89:20-37; Ê-sai 24:5; 54:3).
       Thật có sự sửa phạt đó: trước trong đời vua Rô-bô-am chia nước ra làm hai, và sau bị bắt làm phu tù (II Các vua 25:1-7). Từ khi ấy chỉ có một vua của họ hàng Ða-vít được tôn lên tại Giê-ru-sa-lem, và Vua ấy được đội mão triều gai. Nhưng giao ước với Ða-vít, là giao ước được vững lập bởi lời thiên sứ Gáp-ri-ên báo cho bà Ma-ri, là chắc chắn không hề thay đổi được (Thi Thiên 89:30-37). Một ngày kia, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời sẽ cho Ðấng đã đội mão triều gai ngồi trên "ngai vua Ða-vít, Cha Ngài" (Lu-ca 1:31-33; Công vụ các sứ đồ 2:29-32; 15:14-17).
       Tiến sĩ Scofield chú thích:
       Như nhiều lần khác, trong I Sử ký 17:7, Ða-vít làm hình bóng về Con theo xác thịt của Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 1:1; Rô-ma 1:3), là Ðấng Chăn Giữ, là Vua. Lần thứ nhứt giáng thế, Chúa là người chăn giữ:
       -- Thứ nhứt, trong sự chết (Giăng 10:11);
       -- Thứ hai, hiện nay, trong quyền của sự sống lại (Hê-bơ-rơ 13:20);
       -- Thứ ba, khi tái lâm, Chúa sẽ "cai trị làm Vua" của dân Y-sơ-ra-ên (Ê-sai 11:10-12; Giê-rê-mi 23:5-8; Lu-ca 1:32-33; Công vụ các sứ đồ 15:14-17).
       Ấy là thứ tự đúng của Thi Thiên 22; 23; 24. Trong Thi Thiên 22, thấy kẻ chăn tốt lành vì chiên phó sự sống mình; trong Thi Thiên 23, thấy kẻ đang chăn giữ bầy chiên; trong Thi Thiên 24, thấy Chúa đến làm Vua vinh hiển mà cai trị.
       Tiến sĩ cũng chú thích nữa:
       Thi Thiên 89: vừa làm vững vàng, vừa giải nghĩa giao ước với Ða-vít (II Sa-mu-ên 7:9-14). Trong câu 27, thật bày tỏ chính giao ước đó lo xa hơn đời vua Ða-vít và vua Sa-lô-môn nhiều. "Vua cao hơn hết các vua trên đất" chỉ có thể chỉ về Em-ma-nu-ên (Ê-sai 7:13-15; 9:6, 7; Mi-chê 5:2). Thiên nầy chia làm bốn phần:
       1. Giao ước nầy, dầu từ lòng nhơn từ của Ðức Giê-hô-va mà ra nhưng vẫn nhờ lời thề của Ngài (câu 1-4).
       2. Giê-hô-va vì dự phần về giao ước nầy, thì được vinh hiển bởi quyền phép và nhơn từ Ngài (câu 5-18).
       3. Giê-hô-va trả lời (câu 19-37): có hai phần:
             a. làm vững vàng giao ước (câu 19-29), song:
              b. răn dạy rằng sự không vâng phục của dòng dõi vua Ða-vít sẽ bị sửa phạt (câu 30-32). Về phần lịch sử, sự sửa phạt đó bắt đầu khi chia nước vua Ða-vít ra làm hai (I Các vua 11:26-36; 12:16-20),
              c. và cuối cùng dân Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù và cứ phục dân ngoại bang cho đến ngày nay. Coi thêm Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14.
       4. Lời xin của dân sót lại (Ê-sai 1:9; Rô-ma 11:5) vì bị sửa phạt nghiêm nhặt và lâu dài (câu 38-52).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.