I. Lịch sử.-- Cứ theo lời chép trong bảng đất hoặc bảng đá, thì có thể chia lịch sử Ba-by-lôn làm sáu thời đại lớn:
Một là thời đại các thành.-- Dân tộc kiều ngụ sớm hơn hết ở Ba-by-lôn có lẽ là giống Cúc (Sáng thế ký 10:6). Về sau, có giống Sem tiến vào. Song họ đến từ khi nào và phương nào, nay không thể xét được. Cứ như bảng đất đã chép, thì trước khi Ba-by-lôn mở mang thành nước, dân cư đó họp thành từng bộ lạc: Những người ở trong thành ấp, đều nương cậy ở một vách thành để được bền vững. Cho nên mới có tên gọi là thời đại các thành. Kịp khi số người và súc vật của các bộ lạc nhiều lên, họ bèn tranh cạnh nhau về bãi chăn nuôi và việc mua bán. Cuối cùng họ xâu xé lẫn nhau! Ba-by-lôn cũng là một trong các thành. Cái cớ Ba-by-lôn vùng dậy lập được thành nước cũng là vì nó nuốt trôi nhiều bộ lạc khác. Xét trong các thành có một thành tên gọi BABYLONIA xây bên vịnh Ba-tư, phía tây của sông Ơ-phơ-rát. Cách vài chục hoặc vài trăm cây số về mặt đông, tây và bắc cửa thành, còn có năm cái thành nhỏ. Người ta đào trong đó được bảng đất đủ giúp tài liệu để khảo cứu. Trong đống hoang tàn ở đó, phát hiện vô số cổ tích. Xét kỹ, thì biết văn hóa họ đã sớm phát đạt. Ngoài đó còn có hơn năm, sáu thành nữa, song không biết rõ. Tóm lại, thành Ba-by-lôn dấy lên là từ sau khi các thành nói trên suy sụp, mà dường như cùng một thời với thành Cha-ran như có nói trong Sáng thế ký 11:31. Còn như việc các thành tranh cạnh, cứ coi trong bảng đất, thì chừng trải qua nhiều năm cho đến lúc Ba-by-lôn diệt hết các thành mới thôi.
Hai là thời đại mở nước.-- Lối năm 3750 T.C., Ba-by-lôn từ thành bước lên lập làm một nước: người lập nước đó tên là Sargon. Lối năm 2285 T.C., vua Ê-lam tên là Kudurnanhundi, từ Ê-lam xuống chinh phục được Ba-by-lôn. Có người nói vua đó tức là người hiệp với các vua để đánh người Sô-đôm và người Gô-mô-rơ mà Sáng thế ký 14: đã chép đó. Những ông vua sau không có tài gây dựng bởi sáng kiến, đến nổi nước lần lần suy yếu, diễn thành tấn kịch bại vong.
Ba là thời đại biến thiên.-- Cuối trào thứ hai, nước Ba-by-lôn bị người giống Mê-đi đánh bại. Giống nầy bèn giữ lấy nưóc, lập trào thứ ba. Có người nói nó tức là người Cúc như nói trong Sáng thế ký 10:8. Hiệu nước là Ba-by-lôn cũng bắt đầu từ đó chớ trước không gọi như vậy. Cái cớ đặt tên nước bằng ba chữ đó là vì cùng một nghĩa với chữ Bên, tên thần của thành Ba-bên. Ở thời đại nầy, họ đã đánh thắng nước Ê-lam và thường sai sứ đi dâng lễ vua Ai-cập. Về mặt quốc tế, họ giao tiếp rộng và xa: phía tây đến nước... A-ram, Ai-cập; phía đông đến nước Ấn-độ và nước Tàu. Cùng nhau giao thông không có điều gì cách trở.
Bốn là thời đại phục hưng.-- Người giống Sem mất nước không biết trải bao nhiêu năm mới khôi phục được. Ðó là trào thứ tư nước Ba-by-lôn. Ông vua khai sáng trào đó là ông Nê-bu-cát-nết-sa. Ông từng đánh thắng nước Ê-lam, cướp được tượng thần Bên, chiếm được thành Ni-ni-ve. Ông lại xâm chiếm nước A-si-ri, song không được lợi. Sử ký dầu khen nước Ba-by-lôn bấy giờ rất giàu mạnh, song bờ cõi nước đó bị hai nước Ê-lam và A-si-ri hạn chế, nên không mở mang được.
Năm là thời đại suy yếu.-- Khi Ba-by-lôn lập trào thứ tám thì nước A-ram quật khởi, đánh lui người A-si-ri và người Ba-by-lôn. Ðồng thời người Canh-đê cũng đánh lấy phía nam nước Ba-by-lôn. Từ đó các nước nhỏ ở phía tây như Phi-li-tin và Y-sơ-ra-ên, v. v., đều nhơn dịp nổi lên tự lập; Ba-by-lôn không thể ngăn cấm được. Xét ra thời đó, Ba-by-lôn đã có việc chiến tranh với A-ram và Canh-đê. Về sau, Ba-by-lôn lại càng suy yếu, đất nước bị xâm lấn dưới thế lực nước A-si-ri. Tới đời Tukultiadar, vua A-si-ri, lối năm 1270 T.C., Ba-by-lôn hầu như bị A-si-ri diệt mất. Ðộ 700 năm sau, Ba-by-lôn đứng vào hạng nước nhược tiểu. Mãi đến năm 606 T.C., nước Mê-đi đánh hãm thành Ni-ni-ve của nước A-si-ri, bấy giờ nước Ba-by-lôn mới hơi tự cường được. Hồi đó, Nécho, vua Ai-cập, sắp đánh A-si-ri, đi đến Carchemish, bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đón đánh tan vỡ hết! Ðó là việc năm 605 T.C., Sau đó, sức nước Ba-by-lôn ngày một mạnh lên; Nê-bu-cát-nết-sa chiếm lấy rồi tàn phá thành Giê-ru-sa-lem, bắt dân Do-thái làm phu tù. Các nước phía tây nước A-si-ri cũng lần lần thuộc về Ba-by-lôn cả. Tiếc rằng những việc trong vòng ngót 44 năm dưới quyền trị vì của Nê-bu-cát-nết-sa phần nhiều thiếu sót! Cứ như bảng đất đã chép, thì ông chỉ thích việc kiến trúc mà thôi. Lên ngôi từ năm 605 T.C., đến năm 562 T.C., Nê-bu-cát-nết-sa băng; con ông là Ê-vinh-Mê-rô-đắc lên ngôi, bấy giờ là năm 561 T.C., Ông lấy ân huệ xử với vua Do-thái là Giê-hô-gia-kim (II Các Vua 25:27; Giê-rê-mi 52:31). Về sau, ông bị anh vợ giết chết và cướp mất ngôi.
Sáu là thời đại nghiêng đổ.-- Lối năm 556 T.C., Nérigerissar lên ngôi, là do các thầy tế lễ tôn lên (Giê-rê-mi 39:3); Ông chú trọng về sự kiến trúc. Ðến năm 539 T.C., vua nước Ba-tư là Si-ru, đánh phá Ba-by-lôn, bắt bỏ tù vua Nérigerissar. Nước Ba-by-lôn bèn thuộc về nước Ba-tư. Si-ru, sau khi đã lên ngôi vua Ba-by-lôn, theo đúng hết thảy lễ nghi, chế độ và cứ giữ phong tục của Ba-by-lôn, rất được lòng nhân dân suốt cả nước đó. Còn thế lực người giống Sem thì từ đó tiêu mòn đến hết!
II. Văn tự.-- Nước Ba-by-lôn có văn tự rất sớm. Ban đầu họ lấy cọng cỏ khắc trên bảng đất thành những chữ có hình ba góc; sau biến ra lối chữ hình nhọn. Cái lối đặt chữ của họ trước hết theo phép hội ý và tượng hình, như vẽ một cái đầu trâu hoặc một con trâu để tỏ ý có sức khỏe. Rồi nhơn theo đó đặt ra những chữ có ý nghĩa là quyền lực. Lối hài thanh thì ghép hai chữ lại, để chuyển sang âm khác mà thành ra nghĩa khác. Lại có phép giả tá, như vẽ một ngôi sao để chỉ về trời, cũng có thể chỉ về những cái ở cao và ở trên. Ban đầu văn tự Ba-by-lôn chỉ có độ năm trăm chữ: song lần lần về sau, theo cách ghép chữ mà đặt rộng mãi ra, dường đã có thể ứng dụng vô cùng được.
Hồi thế kỷ thứ mười sáu T.C., các quan cai trị ở Palestine có dùng ngôn ngữ và văn tự để giao thiệp với triều đình Ai-cập. Lối văn tự tối cổ, cứ xét ở bảng đất, thỉnh thoảng có chỗ khó hiểu nghĩa lắm! Những điều ghi chép bằng lối văn tự tối cổ đó quá nửa là việc thờ lạy tà thần và lịch sử các thần ấy. Họ cũng chép cả phong tục và việc nhà luôn với hết thảy luật pháp ở đời bấy giờ. Lại có giảng luận về những món cách trí, thiên văn và nói những truyện lành, dữ, họa, phước, khuyên người bỏ dữ làm lành. Có những câu như: "Phàm những kẻ miệng tử tế, lòng độc ác, cân điêu, gian, lìa bỏ họ hàng, lừa dối bạn hữu, gièm chê người khác ắt bị thần phạt! Ta không nên làm theo họ". Lại như: "Chớ nhút nhát mà không làm lành! Vì người ta ai cũng có thể làm điều lành được". Và như: "Phàm việc người phụ mình thì được; chớ mình quyết đừng phụ người!" Những lời khuyên lành như vậy thấy trong bảng đất rất nhiều.
Lại có chỗ luận về thuốc, song cách chữa thì thường thường chỉ là những lối phù phép bùa ếm thôi. Còn về số học, cứ coi trong bảng đất, thì bấy giờ đã có các phép tính về phương số, lập phương, thể tích, diện tích và đo lường. Ngay như thì giờ đồng hồ của các nước ngày nay cũng do Ba-by-lôn đặt trước: song số giây, phút có lấy sáu mươi làm một độ hay không thì không thể khảo được.
III. Tôn giáo.-- Lòng tín ngưỡng của nhơn dân Ba-by-lôn không nhứt trí; Hoặc thờ lạy mặt trời, hoặc mặt trăng, hoặc kim tinh, v. v... Người trong thành thờ lạy thần Bên. Ngoài đó ra còn có nhiều thần khác, tùy theo lòng tín ngưỡng của nhơn dân; song mỗi người chỉ thờ một thần hoặc bởi tự mình chọn lấy, hoặc theo gia đình truyền lại, chớ không thờ hai thần. Từ khi Ba-by-lôn nuốt các thành, gồm lại làm một nước, lòng tín ngưỡng của nhơn dân lần lần quay vào vị thần mà trong kinh đô thờ phượng.
Thói tục họ quá tin đồng bóng: họ thường cho rằng trong khoảng không có nhiều ma quỉ, chỉ có phù phép bùa ếm mới đủ trừ được. Thành thử bọn đồng bóng và tướng số được đời trọng hơn thầy tế lễ và thầy thuốc. Tục lệ xưa nay, trong một nhà phải có một thầy tế lễ, do người gia trưởng đứng làm: đời nọ truyền đời kia cũng giữ như vậy. Về sau, các miếu có lập thầy tế lễ, hoặc những người có chơn tư pháp, thư lại và thầy thuốc đều hay kiêm làm chức đó. Trong khi các thành chưa bị gồm lại làm một, thì quyền thế thầy tế lễ nghiễm nhiên ngang với ông vua. Ðó vì thầy tế lễ là người đại biểu của vua; còn cái chức vua, theo con mắt người Ba-by-lôn, thì là người làm việc thay cho thần. Vậy, người tôn làm chúa một nước thì được nắm hết quyền binh bị, quyền tư pháp và quyền xây cất cung miếu. Nhơn dân suốt cả nước, được nhờ ơn giữ gìn binh vực đều nên yêu mến, vùa giúp ông vua.
IV. Thành Ba-by-lôn.-- Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, nghĩa là cửa thần. Thành nầy ở về phía đông sông Ơ-phơ-rát. Kinh Thánh có mấy chỗ nói đến thành Ba-by-lôn: Sáng thế ký 10:10; Ê-sai 23:13. Cái nền cũ của thành đã nói kỹ ở chữ Ba-bên. Thành nầy cao và rộng lắm (Giê-rê-mi 51:44-58). Một nhà sử học chừng năm 40 T.C., có nói: chu vi thành được độ hơn 60 cây số; còn diện tích thì được độ 150 cây số vuông. Xung quanh thành có hào; cửa thành làm bằng đồng, cộng một trăm cái: mỗi bên 25. Cửa nọ với cửa kia có đường lối đối nhau, thẳng như mũi tên, vuông như ô bàn cờ. Trong thành có vườn hoa treo trên khoảng không. Người ta đặt máy dẫn nước để tưới cây hoa trên vườn.
Trong đời vua Nê-bu-cát-nết-sa, thành nầy rất thạnh vượng: khách buôn các nước như mây họp lại; của cải dư dật. Vậy nên nó được kêu là "thành của người buôn bán" (Ê-xê-chi-ên 17:4). Tiên tri kêu nó là "thành mà cả thiên hạ đều ngợi khen" (Giê-rê-mi 51:41), là "sự hoa mỹ của lòng kiêu ngạo người Canh-đê" (Ê-sai 13:19), là "chủ mẫu của các nước" (Ê-sai 47:5), là "con gái dịu dàng yểu điệu", là "đờn bà sung sướng yên ổn", (Ê-sai 47:1, 8).
Dân cư đã xa hoa giàu có như vậy, nhơn đó những sự tội lỗi dâm dục cũng sanh ra nhiều; nên tiên tri thường nghiêm trách nó. Và những lời tiên tri về Ba-by-lôn đã được ứng nghiệm (Ê-sai 13:; 14:1-23; 21:1-10;46:1, 2; 47:1-3; Giê-rê-mi 25:12; 50:24, 46, 51). Ðến năm 539 T.C., vua Si-ru khơi nước sông Ơ-phơ-rát, rồi từ đó xông vào thành mà chiếm lấy thành. Vua Ða-ri-út phá hủy cửa thành, bạt thấp vách cửa thành xuống. Về sau tháp Bên cũng bị vua Phe-rơ-sơ hủy phá! Ðến đời A-léc-xan-đơ, thành Ba-by-lôn hầu thành một bãi hoang vu! Sau, chỗ đó chỉ còn là một xứ nhỏ hẹp mà người Do-thái dời đến ở thôi (I Phi-e-rơ 5:13). Nay nó hoang vu đã lâu, khắp chỗ có thú dữ ở. Người ta đào trong đất đó được những bảng đất có khắc chữ cổ để giúp làm tài liệu khảo cứu.
Tiến sĩ Scofield viết về "gánh nặng về Ba-by-lôn" (Ê-sai 13:1) như sau nầy
Gánh nặng (Tiếng Hê-bơ-rơ là Massa, một thứ nặng nề) là lời tiên tri Chúa phán về Ba-by-lôn, A-si-ri, Giê-ru-sa-lem,v.v... Lời đó là "nặng nề" vì cớ có sự thạnh nộ của Chúa, đấng tiên tri lấy làm đau đớn mà nói ra.
Tùy theo những câu trước và sau, Ba-by-lôn trong câu 1 thật không chỉ về chính thành Ba-by-lôn. Ta nên chú ý nhận biết rõ lúc dùng tên nầy làm hình bóng thì có nghĩa gì. Ba-by-lôn là tên tiếng Hy-lạp; trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu ước, tên chỉ là Ba-bên, nghĩa là lộn xộn, và tên nầy hay làm hình bóng chỉ về ý nghĩa đó.
1. Vậy, trong các sách tiên tri khi không dùng tên nầy chỉ về chính thành đó, thì là chỉ về "sự lộn xộn" của cả xã hội trong thế gian nầy, là một thế gian đã phục dưới quyền của dân ngoại bang quản trị cả thế giới (xem lời ghi chú của Tiến sĩ Scofield về Lu-ca 21:24; Khải Huyền 16:14, thì thấy "Kỳ các dân ngoại" ấy bắt đầu từ khi Nê-bu-cát-nết-sa đem dân Do-thái đi làm phu tù (II Sử ký 36:1-21), và kể từ khi ấy Giê-ru-sa-lem ở dưới quyền dân ngoại; và kỳ các dân ngoại sẽ hết, "khi có một hòn đá chẳng phải bởi tay đục ra" (Ða-ni-ên 2:34, 35, 44) đến (nghĩa là Chúa lấy vinh hiển mà trở lại) (Khải Huyền 19:11, 21) để hủy diệt sự quản trị của dân ngoại cả thế giới. Vậy Giê-ru-sa-lem sẽ cứ ở dưới quyền quản trị của dân ngoại cho đến khi Chúa trở lại. (Lu-ca 21:24).
Ê-sai 13:4 tỏ ra những sự lộn xộn Chúa thấy trong các dân ngoại tranh chiến với nhau. Ý định mà Chúa tỏ ra trong Ê-sai 11: ấy là dân Y-sơ-ra-ên sẽ ở trong quê hương mình, là xứ thánh, và từ nơi trung tâm điểm đó Chúa sẽ quản trị cả thế gian và làm nguồn ban phước hạnh; và các dân ngoại cũng giao thông với dân Y-sơ-ra-ên mà được phước. Ngoài ý định đó, về phần chính trị, chỉ là "Ba-bên" lộn xộn.
2. Trong sách Khải Huyền 14:8-11; 16:29 tỏ ra quyền quản trị cả thế gian của các dân ngoại quan thiệp với Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền 16:14; 19:21). Song trong Khải Huyền 17:1 thì "con đại dâm phụ" là Ba-by-lôn tôn giáo, hình bóng về Hội Thánh bội đạo, bị các dân ngoại, là Ba-by-lôn chánh trị (Khải Huyền 17:16) ở dưới quyền con thú và tiên tri giả (Ða-ni-ên 7:8; Khải Huyền 17:17; 19:20), diệt đi để chỉ có con thú đó được thờ lạy (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 4: Khải Huyền 13:15).
Trong sách Ê-sai, Ba-by-lôn chánh trị được tỏ ra, trước chỉ về chính thành còn lại lúc đó, và sau cũng làm hình bóng về kỳ các dân ngoại. Trong sách Khải Huyền, cả hai Ba-by-lôn chánh trị và Ba-by-lôn tôn giáo được tỏ ra bởi vì tại đó cả hai ở dưới quyền ức hiếp của con thú. Ba-by-lôn tôn giáo bị phá bởi Ba-by-lôn chánh trị (Khải Huyền 17:16); rồi Ba-by-lôn chánh trị bị hủy phá bởi sự Chúa hiện đến cách khải hoàn (Khải Huyền 19:21) trong cơn chiến tranh rất lớn tại Ha-ma-ghê-đôn.
3. Thành Ba-by-lôn thật chắc không được xây lại, bởi vì trong Ê-sai 13:19-22 và Giê-rê-mi 51:24-26, 62-64 nói rõ lắm. Ba-by-lôn chánh trị tức là chỉ bóng về chánh giới của các dân ngoại (xem lời ghi chú của Tiến sĩ Scofield ở mục "thế giới", Giăng 7:7; Khải 13:18). Song trong Khải 18:10, 16, 18 dường như chắc chắn nhận Ba-by-lôn "thành lớn" có buôn bán to và sung sướng là "Ba-by-lôn" nơi trung tâm điểm của tôn giáo, nghĩa là La-mã.
Có thể phụ thêm nữa về hình bóng Kinh Thánh, như xứ Ai-cập chỉ về thế gian, thành Ba-by-lôn chỉ về thế giới chánh trị và tôn giáo trở nên hư hỏng, và thành Ni-ni-ve chỉ về sự kiêu ngạo sung sướng của thế gian.
Ê-sai 13:12-16 chép tiên tri chỉ về những sự đoán phạt chép trong sách Khải Huyền 6:-13:; Ê-sai 13:17-22 chép tiên tri chỉ về thời gần và xa. Những câu ấy chỉ về thành Ba-by-lôn thật, lúc đó vẫn còn, sau sẽ bị hủy phá; và lại chép khi thành ấy bị phá rồi, thì không được xây lại nữa (Giê-rê-mi 51:61-64). Hết thảy lời tiên tri nầy quả đã được ứng nghiệm rồi. Song những lời tiên tri chỉ bóng về Ba-by-lôn chánh trị và Ba-by-lôn tôn giáo trong thời kỳ con thú, tỏ ra thành Ba-by-lôn thật đã bị hủy phá rồi, ấy chỉ bóng về sự hủy phá lớn hơn mà Ba-by-lôn tôn giáo và chánh trị phải chịu.
Về Ba-by-lôn, cũng xem bài "Ê-PHA" nữa.