Ba ngôi hiệp một.

        

      Một Ðức Chúa Trời chia ra làm ba; Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con và Ðức Thánh Linh. Ðó là một vấn đề rất đáng bàn luận trong đạo Chúa. Trong Tân-Ước cũng như trong Cựu-Ước, nói Chúa là Ðấng có một, không hai. Lại nói Ðấng Christ là Con Ðức Chúa Trời. Ngài được cùng xưng với Ðức Chúa Cha và Ðức Thánh Linh. Nghĩa đó dường chống nghịch nhau. Song trong Hội Thánh đã định rõ cái thuyết Ba là Một, Một là Ba. Nghĩa là rất thuận hiệp. Trong Kinh Thánh dẫu không có lời nói rõ về việc nầy, song dò tìm đến tận nguồn gốc, thì nó là một lối thường dùng bắt đầu từ khi Chúa Jêsus sai môn đồ đi làm lễ báp-têm (Ma-thi-ơ 28:19) và lời chúc phước của Phao-lô (II Cô-rinh-tô 13:13). Vậy nên, khi làm hai lễ đó, Hội Thánh đặt thành bài văn nói rõ ý nghĩa và bàn rộng ra.
       I. Cựu Ước.-- Ðời Cựu Ước, nghĩa nầy dẫu chưa rõ rệt, song đã có cái hình bóng chứa đủ lẽ đạo để soi bảo lòng người. Vậy nên, sau khi Ðấng Christ ra đời, nghĩa đó mới được tỏ rõ và hiệp với các hình bóng trước.
       a) Có người nói: Sứ giả của Chúa, Ðấng ngang với Ngài tức là chỉ bóng về Ðấng Christ (Sáng thế ký 18:1, 2, 22, 23; 19:1; Xuất Ê-díp-tô ký 3:2-6; Giô-suê 5:13, 14; 6:2). Lại có người nói: Sứ giả của Chúa cũng có khác với Ngài (Xuất Ê-díp-tô ký 23:20).
       b) Sự khôn ngoan nói trong Châm Ngôn 8: dường có một tư cách rõ ràng giống với Chúa. Coi thêm I Cô-rinh-tô 1:24.
       c) Lời nói của Chúa như có chép trong Ê-sai 55:11 dường có tư cách giống với chữ Ngôi-Lời trong Giăng 1:1, 2 (Chữ đạo, trong nguyên văn là chữ Ngôi-Lời).
       d) Những chữ Thần như có nói trong Cựu Ước đều là một với Chúa (Thi Thiên 51:10; Ê-sai 48:16; 63:10, 11, 14).
       II. Tân Ước.-- Vấn đề Ba Ngôi hiệp Một vốn gốc ở sự Chúa Jêsus xuống đời làm Người. Cái nghĩa đó bao gồm là Ðấng Christ hiệp một với Ðức Chúa Trời. Nhưng trong chỗ giống cũng có điều khác nhau. Luận về Ðức Thánh Linh cũng vậy. Ðó đều là sự dạy dỗ của Tân-Ước.
       1. Các sách Tin Lành.-- Bấy giờ người Do-thái trông đợi Ðấng Mê-si, coi như ông Vua nước mình vậy. Ngay như các tín đồ đầu tiên cũng không khỏi có cái ý kiến nông nổi đó. Xét bốn sách Tin Lành, thì biết Chúa Jêsus là hình bóng chỉ về sự vinh hiển của Ðấng Mê-si. Trừ ngoài lời Ngài tự xưng là Con người, Ngài chưa từng dùng đến cái tên gọi của đời bấy giờ. Duy những môn đồ được thân cận cùng Ngài bấy giờ, đem những lời hay, nết tốt và quyền phép của mình lần lần cảm hóa các tín đồ khiến họ ngày càng bước ra nơi sáng láng. Bởi vậy, cái chơn tánh họ lại càng rõ lắm. Phi-e-rơ có làm chứng: "Chúa là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời hằng sống" (Ma-thi-ơ 16:16). Ðức Chúa Jêsus bèn khen ông rằng: "Chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy", (Ma-thi-ơ 16:17). Dẫu Chúa Jêsus ít có lời dạy rõ ràng về việc nầy, song những lời nói Ngài là bậc siêu việt hơn người thường thì cũng hằng thấy, chớ không phải ít.
       a) Cái quyền có đủ trong Ngài, không ai cướp được (Ma-thi-ơ 8:3; 28:18; Giăng 10:18; 17:2).
       b) Người ta hầu việc Chúa Jêsus không phải như hầu việc người đời: dầu đến tan xác, bỏ mạng cũng không quản (Ma-thi-ơ 11:29; 26:10; Mác 8:34-38).
       c) Ðến ngày sau rốt của thế gian, Chúa Jêsus làm Ðấng phán xét, được muôn dân tôn kính (Ma-thi-ơ 25:31; Mác 14:62; Giăng 5:22, 23).
       d) Chính Ðức Chúa Cha từ trên trời làm chứng Chúa Jêsus là Con yêu dấu của Ngài (Mác 1:11; 9:7). Ðức Chúa Jêsus thường kêu Ðức Chúa Trời là Cha, Con và Cha có cái đặc điểm giống nhau (Ma-thi-ơ 11:27; Lu-ca 10:22; Giăng 5:17-26, 36; 10:30).
       e) Ðấng Christ vốn ở cùng với Ðức Chúa Trời (Giăng 8:58;17:5).
       f) Ðấng Christ ra từ Ðức Chúa Trời (Giăng 16:28), làm Ðại biểu cho Cha (Giăng 14:10, 11), sau có Thô-ma nhận Chúa Jêsus là Ðức Chúa Trời; Ngài cũng cứ yên, không từ chối (Giăng 20:28).
       g) Xét việc làm của Chúa Jêsus, thì biết Con và Cha còn có chỗ khác nhau: mỗi đàng có một địa vị, chớ không lẫn lộn (Mác 14:36; 15:34; Lu-ca 23:46).
       h) Luận về Ðức Chúa Con, thì trước biết cái khác và sau biết cái giống của Ngài. Còn luận về Ðức Thánh Linh, thì trước biết cái giống, và sau biết cái khác của Ngài. Trong Cựu-Ước đã có cả hai danh hiệu về Ðức Thánh Linh, song chưa khác hẳn với Ðức Chúa Cha. Từ khi Chúa Jêsus có lời nói về việc sai Ðấng Yên-Ủi (Giăng 14:16; 15:16; 16:7-15), thì biết Ngôi của Ðức Thánh Linh có khác vậy.
       2. Sách Công vụ các sứ đồ.-- Trong sách Sứ-đồ điều cốt yếu mà Phi-e-rơ làm chứng cho người Do-thái là chỉ về Chúa Jêsus từ chết sống lại, rõ ràng là Con Ðức Chúa Trời, là Ðấng Mê-si, là Cứu Chúa, ai tin Ngài thì được hưởng ơn cứu rỗi. Phi-e-rơ chưa hề nói Chúa Jêsus và Ðức Chúa Trời quan hệ với nhau thế nào, song Chúa Jêsus là Ðầy tớ của Ngài mà ông đã nói đến trong Công vụ các sứ đồ 3:13, 26; 4:27. Như vậy không tốt đẽp, đầy đủ bằng lời Chúa Jêsus làm chứng. Song Phi-e-rơ cho Chúa Jêsus là Nguồn sự chữa lành (Công vụ các sứ đồ 3:6, 16), là Chúa sự sống (Công vụ các sứ đồ 3:15), là Ðá góc nhà (Công vụ các sứ đồ 4:11). Phi-e-rơ lại nói: "Chẳng có sự cứu rỗi trong Ðấng nào khác" (Công vụ các sứ đồ 4:12). Ngôi vị và quyền năng như vậy, ngoài Ðức Chúa Trời ra, còn ai xứng đáng?
       3. Các thơ tín.-- Những thơ gởi cho các Hội Thánh đã thành lập cố nhiên không cần như bước đầu dạy con nít; nên luận về sự vinh hiển của Chúa Jêsus, tác giả cứ nói thẳng mà không giấu, nghĩa là thường xưng Ngài là Chúa, và cũng xưng Ngài ngang với Ðức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:11; I Cô-rinh-tô 8:6; Khải Huyền 1:4, 5, 6). Lại nói Ðấng Christ là hình ảnh của Ðức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:15; 2:9; Hê-bơ-rơ 1:3). Ngài vốn đồng đẳng với Ðức Chúa Trời, song tự hạ mình mà trở nên giống như loài người (Phi-líp 2:6, 7, 8; coi thêm Giăng 1:14). Ngài được khen ngợi giống Ðức Chúa Trời (Phi-líp 2:10; Hê-bơ-rơ 1:6; Khải Huyền 5:13). Lại có lời làm chứng rõ rệt đặc biệt về Ba ngôi (I Cô-rinh-tô 12:4, 5, 6; I Phi-e-rơ 1:2; Ê-phê-sô 4:4, 5, 6; Rô-ma 15:30). Ðó là cội gốc và lẽ đạo Ba ngôi hiệp Một vậy.
       III. Sau Chúa hai trăm năm, trong Hội Thánh đời sau nổi lên nhiều lời cãi lẫy. Có người nói lầm rằng trong một Ngôi Ðức Chúa Trời có ba mặt: Ðấng dựng nên là Cha, Ðấng Cứu chuộc là Con, Ðấng ban sự sống là Ðức Thánh Linh. Lại có người nói Ngôi Lời từ ban đầu cùng ở với Cha; Từ khi Chúa Jêsus giáng sanh, mới có Con; công cứu chuộc làm trọn rồi, vẫn là Ngôi Lời, bèn trở về hiệp một với Cha. Thuyết đó lầm! Lầm vì luận Ðức Chúa Trời chỉ hiệp một chớ không chia, chẳng qua khi Ngài tỏ ra thì tạm chia làm ba, nhưng không quan hệ đến cái tánh hằng còn của Ngài! Bấy giờ có người bẻ lại rằng Một ngôi chia làm Ba là vì ban đầu đã có Ngôi Lời, chắc Cha và Con đều hằng còn cả. Vì như cái cây: gốc thân và trái, dầu chia làm ba, song thể nó thì một. Sau đó cái thuyết Ba Ngôi hiệp Một là tiếng dùng thông thường trong các Hội Thánh. Sau có người nói Ba Ngôi hiệp lại làm một Ðức Chúa Trời, một Chúa và một Ðấng Toàn Năng. Nếu chỉ nói Ba ngôi đó đều là Ðức Chúa Trời, đều là Ðấng Toàn Năng cũng được. Song, nói tóm lại, cái thuyết nói không có ba Ðức Chúa Trời, ba Ðấng Toàn Năng, mà chỉ có một thôi, thì được Hội Thánh công nhận ý đó, cho chép vào sách trong đạo. Còn về thứ bực của Ba Ngôi đó thì từ xưa đã có lời biện luận rồi. Trong Ba Ngôi có chia thứ bực trên dưới không? Ðiều đó cứ xét ở lời Chúa Jêsus đã nói, thì biết Con kém Cha. Như nói: "Về ngày và giờ đó,... Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha biết mà thôi" (Mác 13:32). Và " ... Cha tôn trọng hơn ta" (Giăng 14:28). Ông.... cho đó là chỉ về sự Chúa Jêsus lấy hình tôi tớ (Phi-líp 2:7). Song xét I Cô-rinh-tô 15:24, 28 thì thấy hầu việc Ðức Chúa Trời chẳng những về sự Ngài hạ mình xuống đời thôi, mà cũng chỉ về ý Ngài hằng còn cho đến thời kỳ sau rốt. Vậy thì cái thuyết thứ bực bắt đầu từ bao giờ? Bắt đầu từ chỗ nói Cha là Ðấng làm đầu, còn Con và Ðức Thánh Linh là Ðấng bị sai (Giăng 15:26; 17:3). Và cái ý chỉ và quyền phép Con làm hay thôi một việc gì đều do nơi Cha hết (Giăng 5:19-23, 26, 27; 6:38; 12:49). Có ông Giáo phụ nói rằng: Ðức Chúa Cha coi hết mọi sự, ban sự sống cho muôn loài. Sau Cha đến Con: ấy là chỉ sự sắp đặt thứ tự theo cái tánh linh minh của Ngài. Sau nữa đến Ðức Thánh Linh, vì cớ Ngài chỉ giáng trên tín đồ thôi.
       IV. Sự ứng dụng về đạo.
       a) Cái chìa khóa rất cần của lý luận nầy là đánh đổ cái mậu thuyết nói có ba Ðức Chúa Trời. Phải biết rằng Sứ đồ là người Do-thái, vẫn tin Ðức Chúa Trời là Ðấng thuần nhứt. Dầu coi Ðấng Christ là Ðấng tôn quí bằng Ðức Chúa Trời, song Sứ đồ chưa hề nói gì mâu thuẫn trong việc nầy. Duy trong Hội Thánh xưa khó khỏi có kẻ quen coi Ba Ngôi như Ba Ðức Chúa Trời. Nay ta đi làm chứng đạo cho người đời, chi bằng cứ theo lời dạy trong Tân-Ước: cho Ðức Chúa Trời là Cha, Chúa Jêsus là Chúa, Ðức Thánh Linh là Thần Linh của Ðức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 12:3). Như vậy mới có thể tránh khỏi lầm lẫn.
       b) Lẽ đạo nầy không bó buộc trong vấn đề khoa học được, song chỉ dính líu về sự từng trải của tín đồ thôi. Cứ theo Kinh-Thánh dạy, rồi từ cạn đi đến sâu: Như sau đời Cựu-Ước, Ðức Chúa Trời mới tỏ là Cha, song phải đợi Con rồi sau mới rõ rệt. Sau khi Ðức Chúa Jêsus làm thành công, trở về cùng Cha mới rõ Ðấng Christ từ trời giáng thế; song phải đợi Ðức Thánh Linh đến mới biết là Con Ðức Chúa Trời. Ðức Thánh Linh cũng vậy. Nay Ngài ở Hội-Thánh thấu suốt lòng người; nhưng cái ngôi tôn vinh của Ngài không rõ rệt, cũng phải đợi Hội-Thánh làm trọn công việc, ai nấy đều lấy lại sự sáng từ trời bấy giờ mới rõ rệt cái ngôi tôn vinh đặc biệt của Ngài vậy.
       c) Lẽ đạo nầy có thể khiến cho người ta được giao thông với Chúa. Xét: đạo Do-thái từ sau khi bỏ Chúa Jêsus, lòng thành kính của họ vẫn không kém xưa, song họ cho rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng siêu việt u-ẩn, cao xa, không soi xét việc làm của người đời! Ðạo Hồi lại càng phạm vào tệ đó! Vì nhơn đạo không trọn vẹn: hoặc riêng giữ cái lý siêu việt hoặc xướng lên cái thuyết Chúa tức là lý, nên linh tánh của Chúa và của người lẫn lộn mà không chia riêng! Duy theo cái lẽ đạo Ba ngôi hiệp Một, thì Chúa vẫn ở trên cao vút, mà cũng ở cả lòng người, có dự vào việc đời nữa. Vậy người đời với Chúa, có tin cậy, có trông mong, có yêu thương. Ðó là kết quả của lẽ đạo nầy.


Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.