I. Văn Cựu Ước.-- Nguyên văn Kinh Thánh Cựu Ước đại để là văn Hê-bơ-rơ, trong có vài đoạn bằng văn Sy-ri và văn Canh-đê, như Giê-rê-mi 10:11; Ða-ni-ên 2:; 4:-7:28; E-xơ-ra 4:8-6:18; 7:12-26 đều là văn Sy-ri cả. Có người nói Ða-ni-ên 2:4-7:28 vốn là văn Hê-bơ-rơ, sau dịch ra văn Sy-ri. Vì nguồn gốc văn Hê-bơ-rơ và văn Sy-ri ra từ văn Sémitique, tức là thứ văn đặt ra bởi dòng dõi của Sem, con trưởng của Nô-ê con cháu của Sem ở tản mọi chỗ: Ngôn ngữ, văn tự của họ phần nhiều khác nhau. Trong đó có mấy thứ văn nầy là nổi tiếng hơn hết: Hê-bơ-rơ, Sy-ri, A-si-ri, Ba-by-lôn và A-rạp.
II. Văn Hê-bơ-rơ.-- Có người bảo tiếng nói ban đầu của người Do-thái hơi giống với tiếng A-rạp. Kịp sau khi vào Ca-na-an, tiếng nói của họ lần lần thay đổi, bèn thành ra tiếng Hê-bơ-rơ. Ngôn ngữ và văn tự họ cũng có chỗ hơi giống văn Tàu với tiếng Tàu. Về sau, họ lại đổi dùng tiếng Sy-ri; còn văn thì vẫn dùng văn Hê-bơ-rơ. Nhưng tiếng nói họ biến đổi từ năm nào, không thể biết chắc được. Xét II Các Vua 18:26, người Do-thái không hiểu tiếng Sy-ri, vậy biết trong đời tiên tri Ê-sai, người Y-sơ-ra-ên còn chưa biến đổi tiếng Hê-bơ-rơ; ngay như ở sách Nê-hê-mi, tiếng Do-thái cũng vẫn còn thông dụng (Nê-hê-mi 13:24). Ðến năm 100 S.C., xem trong sách Tân Ước có vài chỗ dùng tiếng Sy-ri, thì biết khi Chúa giáng sanh, người Do-thái đã dùng tiếng Sy-ri rồi. Tóm lại, trong vài năm đó, tiếng nói đã biến đổi, mà trong văn tự dùng tiếng Hê-bơ-rơ cũng không khỏi có xen lẫn tiếng Sy-ri nữa. Ngoài đó ra còn có tiếng của các nước khác cũng quan hệ đến nữa, như tiếng A-si-ri thì từ sau khi người Do-thái vào xứ Ca-na-an, tiếng Ba-tư thì nhằm năm 538 T.C., khi đánh hãm thành Ba-by-lôn, tiếng Hy-lạp thì từ năm 332 T.C., sau khi La-mã đánh lấy Do-thái. Trong ngôn ngữ văn tự bốn nước đó đều có xen lẫn tiếng Hê-bơ-rơ vào, vì người ta mượn dùng lẫn nhau.
III. Sao chép lưu truyền.-- Nguyên văn Kinh Thánh, không luận Cựu Ước hay Tân Ước, từ xưa truyền lại, đều là bản viết tay đó người ta sao chép cả. Vì đời xưa chưa có máy in. Người sao chép phải hết sức dụng tâm: một nét, một chấm phải theo đúng nguyên văn, chớ tuyệt không dám làm sai sích một chút nào. Nhưng tựu trung cũng không khỏi có chỗ lầm lẫn chút xíu. Chỗ dễ lầm lẫn là số mục: xem như số mục trong Cựu Ước chép, có vài chỗ thật khó hiểu, vì những chỗ văn trùng nhau, mỗi đàng thấy chép một khác; vậy biết tất có chỗ lầm. Nghiên cứu kỹ bản sao thông dụng ngày nay, thì biết nó là bản chính thức được người Do-thái công nhận từ năm 200 S.C., và người ta sao chép để lưu truyền.
IV. Văn dịch.-- Năm 300 T.C., có người đem năm sách Môi-se dịch ra văn Hy-lạp. Năm 200 T.C. lại có người đem cả bộ Kinh Thánh Cựu Ước dịch ra tiếng Hy-lạp. Khi dịch có tới 70 người làm; nên gọi là "bản 70 người dịch" (Version des Septantes). Bản viết tay rất cổ còn lại là bản sao chép vào khoảng năm 464 S.C.. Văn bản nầy không đều. Như năm sách Môi-se thì đúng từng chữ khi so sánh bản dịch với nguyên văn. Còn sách khác như Sử ký, v. v., thì ý đúng nhưng lời hơi khác. Bản tiếng La-tinh thì dịch theo "bản 70 người", tên gọi "bản La-tinh già" năm 400 S.C., ông giáo phụ Jérôme đem bản La-tinh già đó sửa đổi lại: sau lại theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ mà dịch ra. Bản Kinh Thánh Cựu Ước tiếng La-tinh mà ngày nay vẫn dùng tức là bản ông Jérôme dịch ra.
V. Sự khác nhau giữa các bản sao nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ.-- Nguyên văn bản sao có chỗ không giống nhau vì mấy cớ nầy:
1. Ðời xưa chưa biết cách in sách, chỉ chép bằng tay, hễ không cẩn thận một chút thì không khỏi lầm chữ, sai nét. Người sau cứ lại chép theo cái lầm mà chép truyền đi mãi.
2. Người sao chép thường thường ghi chú nhỏ ở bên để giải nghĩa nguyên văn, đến người sau chép có khi lại viết lẫn chỗ ghi chú vào chính văn, xui nên có sự lầm lẫn.
3. Vì số mục là chữ dễ lầm: Tiếng Hê-bơ-rơ có 24 chữ cái mỗi chữ một số. Khi sao chép hễ không cẩn thận một chút thì lầm ngay! Song, bản nguyên văn Hê-bơ-rơ rất ít lầm. Thánh Linh của Ðức Chúa Trời đã cảm động người thượng cổ viết bản Kinh Thánh nầy, nên về sau Chúa cũng khiến cho ý chỉ của đạo Ngài được rõ rệt bởi Kinh Thánh, không thể sai lầm.