I. Bết-lê-hem của Do-thái, vẫn gọi là Ê-phơ-rát, hay Ép-ra-ba, nghĩa là sản nhiều, cách phía nam thành Giê-ru-sa-lem độ tám cây số. Ra-chên, vợ Gia-cốp, chết vì khó đẻ, chôn ở bên đường cách phía bắc thành Bết-lê-hem độ một cây số (Sáng thế ký 35:19; 48:7; Thi Thiên 132:6). Cha mẹ chồng của Ru-tơ là người Bết-lê-hem. Chồng chết; nàng tái giá cùng Bô-ô (Ru-tơ 1:19; 4:9-11). Vua Ða-vít tức là dòng dõi nàng, ra đời ở Bết-lê-hem, nên thường gọi Ða-vít là người Bết-lê-hem (I Sa-mu-ên 16:1,18; 17:12; 20:6). Trong đời vua Ða-vít, thành Bết-lê-hem đã có phố xá và đường đi rồi (II Sa-mu-ên 23:14,15). Sau khi mãn hạn làm phu tù, có những người Bết-lê-hem trở về Do-thái với Xô-rô-ba-bên (E-xơ-ra 2:21; Nê-hê-mi 7:26).
Cứu Chúa giáng sanh ở Bết-lê-hem: lời tiên tri đó (Mi-chê 5:2) đến sau quả được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 2:1,5,6; Lu-ca 2:4,15). Vậy, dầu Bết-lê-hem nhỏ lắm, và gia tộc Ða-vít đã suy kém nhiều, song Bết-lê-hem nhờ Ðấng Christ giáng sanh, được mặc lấy sự vinh hiển thuộc linh (I Cô-rinh-tô 1:27,28). Vua Hê-rốt tìm kiếm Chúa Jêsus không được, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2:16). Cũng gần Bết-lê-hem, thiên sứ hiện ra cùng người chăn chiên (Lu-ca 2:1-20).
Hiện nay thành nầy tên gọi Beit Lahm. Dân cư độ 3.000 người, đều theo đạo Ðấng Christ. Bây giờ cũng như đời Ru-tơ, ruộng xung quanh thành nầy vẫn còn sản xuất nhiều lúa mì. Ở phía đông thành Bết-lê-hem, mẹ vua Constantin, năm 33 S.C., có xây một cái nhà thờ ở trên hang núi. Trong khu nhà thờ đó có cai núi giả, trên đắp sự tích một đời Chúa Jêsus để làm kỷ niệm về Ngài. Nhà thờ nầy đến nay hãy còn. Tương truyền chỗ hang núi đó là nơi chuồng bò mà Chúa Jêsus đã giáng sanh.
II. Bết-lê-hem của Sa-bu-lôn, cách phía tây bắc thành Na-xa-rét độ 11 cây số (Giô-suê 19:15).