Tên biển.-- Ðời Cựu Ước gọi là Biển Muối (Sáng thế ký 14:3; Dân số ký 34:3,12; Giô-suê 3:16; 15:2). Lại gọi là biển đồng bằng (Phục truyền luật lệ ký 3:17; 4:49), hoặc biển (Ê-xê-chi-ên 47:8), hoặc biển Ðông (Ê-xê-chi-ên 47:18; Giô-ên 2:20; Xa-cha-ri 14:8). Phần nửa thế kỷ thứ II sau Chúa, người Hy-lạp mới gọi biển nầy là biển Chết. Người A-rạp gọi là biển Lót.
Ðịa thế.-- Biển Chết, ở giữa trũng dài độ 400 cây số từ núi Hẹt-môn cho đến vịnh Akabah, -- trong đất Palestine, cách phía đông thành Giê-ru-sa-lem độ 24 cây số. Mặt nam bắc biển nầy dài độ 76 cây số; mặt đông tây, chỗ rộng được độ 16 cây, chỗ hẹp độ 4 cây rưỡi, chỗ sâu nhứt độ 400 thước tây. Phía đông có dãy núi Mô-áp cao hơn mặt biển gần 1.000 thước tây. Bờ biển có chỗ núi đá mọc đứng thành vại cao đến 800 thước tây. Mặt nước thấp kém Ðịa-trung-hải 398 thước tây. Nó là một biển thấp hơn hết ở trong thiên hạ. Cứ trong 24 giờ thì nước sông Giô-đanh chảy đổ vào biển nầy độ 6 triệu tấn. Nước nó chứa chất mặn hai mươi lăm phần trăm: người ta đã thí nghiệm 50 cân nước biển lớn lọc được 3 cân 100 muối; 50 cân nước biển Chết lại lọc được tới 13 cân muối. Vì vậy, nếu tắm trong biển nầy, người ta sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chớ không chìm được. Khi tắm xong, thấy mình cứng những muối và có chất dinh dính như dầu. Các nhà khảo cứu đã đến tận nơi xem xét tại sao biển Chết có nhiều muối như vậy, vì thấy gần đó có một trái núi kết thành đá. Song không phải núi nầy sanh ra muối đâu, mà chính nước muối ở biển đã kết thành núi nầy. Nguyên nhơn chỉ vì nước sông Giô-đanh có chất muối chảy vào biển Chết, tù hãm lâu đời, nên muối mới đọng lại nhiều đến thế. Mấy thế kỷ trước, mặt nước biển còn cao hơn, sau vì nước đọng lâu ngày không tiêu thoát, nên hơi nước bốc lên mà cạn mãi đi. Có công ty đến đó doanh nghiệp, kiếm lợi rất nhiều về diêm tiêu (potasse) và các thứ muối hóa học do biển Chết sản ra. Trong nước không có loài có mu, nên đặt tên là biển Chết thì đúng lắm.
Tương truyền thành Sô-đôm và thành Gô-mô-rơ đều chìm xuống biển nầy (Sáng thế ký 19:24). Biển Chết vì chỉ chứa nước mà không đổ ra, thì làm thí dụ về Chúa mà người tín đồ lãnh phước của Chúa mà không chia sẻ cho ai. Coi thêm bài: SÔ-ÐÔM.