Biến động quan trọng trong chức vụ Phao-lô Zahn Ramsay Lightfoot
Trở lại đạo 35 32 34
Lần thứ nhứt đến Giê-ru-sa-lem 38 34 37
Lần thứ nhì đến Giê-ru-sa-lem 44 45 45
Lần thứ nhứt lưu hành truyền đạo 50-51 46-48 48
Giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem 52 50 51
Lần thứ nhì lưu hành truyền đạo 52 50-53 51
Lần thứ ba lưu hành truyền đạo 54 53-57 54
Bị bắt tại Giê-ru-sa-lem 58 57 58
Tới thành La-mã 61 60 61
Qua đời 66-67 67 67
Ðể khảo cứu niên hiệu và thứ tự, phải nhờ lời tự thuật các bước từng trải của Phao-lô, như nói: "Sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem" (Ga-la-ti 1:18, theo nguyên văn); lại nói: "Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem" (Ga-la-ti 2:1). Lu-ca chép Phao-lô ở Mi-lê nói với trưởng lão Ê-phê-sô rằng đã kiều ngụ tại Ê-phê-sô "trong ba năm" (Công vụ các sứ đồ 20:31). Những thời gian nầy có trước khi Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng và bị bắt, song chưa tính gồm cả thời gian từ lúc Phao-lô hối cải đến khi bị giam cầm. Trong II Cô-rinh-tô 12:2, Phao-lô lại nói đến một sự từng trải kia "cách mười bốn năm trước," tức là trước khi ông ở Ma-xê-đoan, gởi thơ II Cô-rinh-tô nầy trong cuộc hành trình thứ ba. Nếu theo mười bốn năm đó mà tính, thì biết Phao-lô bây giờ đương ở Tạt-sơ, và Ba-na-ba còn chưa mời Phao-lô đi An-ti-ốt (Công vụ các sứ đồ 11:25), và bởi thế thời gian mười bốn năm đều chồng lên nhau, lại gồm ba năm tại Ê-phê-sô. Hèn chi tính suốt các năm kể trên mà vẫn khó tìm tổng số đúng! Nếu cứ khảo theo sách Công vụ các sứ đồ và các thơ tín, thì gỡ được đôi chút mối khó khăn nầy:
a) Sự chết của Ê-tiên.-- Lúc Ê-tiên chết, Phao-lô còn "trẻ tuổi" (Công vụ các sứ đồ 7:58). Theo lệ Do-thái, Phao-lô giống các thanh niên Do-thái khác đến 30 tuổi mới được gọi là "thầy" (Rabbin). Hồi đó, có lẽ Phao-lô đã là một người đứng đầu các thầy, hoặc làm nghị viên trong Tòa Công luận (Công vụ các sứ đồ 26:10). Bôn-xơ-phi-lát mãi đến năm 36 S.C. mới bị cách chức, nhưng trước đó hai năm chức vị người đã bị lung lay rồi. Vậy, Ê-tiên chết vào lúc Phi-lát đã lìa hoặc sắp bị cách chức, nên không dám cậy quyền mình để ngăn trở người Do-thái làm việc trái phép tức giết thánh đồ. Năm 29 hoặc 30 S.C., tức năm Chúa Jêsus bị đóng đinh, Phi-lát đã tỏ ra thái độ hèn nhát, song vẫn còn giữ được lệ luật. Nhưng đến ngày Ê-tiên chết, dường như lề lối bề ngoài của Luật pháp không còn nữa. Xét việc đó, thì Ê-tiên chết vào khoảng 34 hoặc 35 S.C..
b) Phao-lô từ Ða-mách trốn đi.-- Phao-lô chép việc nầy xảy nhằm lúc "quan tổng đốc của vua A-rê-ta giữ thành Ða-mách" (II Cô-rinh-tô 11:32). Xét: Vua A-rê-ta là người A-rạp, không phải người La-mã, là cậu vua Hê-rốtạ c-ríp-ba. A-rê-ta dường như giữ chức đó vào 37 S.C. tức là năm hoàng đế La-mã là Ti-be-rơ băng và Caligula lên trị vì. Có người nói: "Ða-mách bấy giờ không có A-rê-ta cai trị. Kẻ thù nghịch Phao-lô chính là một tên đứng đầu đảng cướp rình bắt Phao-lô ở ngoài thành." Thuyết nầy thật khó công nhận! Dầu sử gia Josèphe không viết gì về A-rê-ta người A-rạp, trong khoảng nầy cai trị Ða-mách, nhưng các nhà khảo cổ không khảo được mảnh bia tàn hay đồng tiền cổ nào đủ làm chứng cớ đế quốc La-mã hồi 35-36 S.C. gồm có thành Ða-mách. Ramsay có viết: "A-rê-ta trước 37 S.C., đóng giữ Ða-mách là việc có thể được." Phao-lô trốn khỏi Ða-mách là cùng năm ông lần thứ nhứt đến Giê-ru-sa-lem sau khi trở lại đạo (Công vụ các sứ đồ 9:26; Ga-la-ti 1:18). Nếu biết đúng năm nào hai việc đó xảy ra, và trừ hai hay ba năm, thì thấy năm Phao-lô trở lại đạo. Theo thuyết của Lightfoot, Phao-lô trở lại đạo 34 S.C., song nói "ba năm" chắc có ý trọn ba năm. Bởi thế, không thể biết chắc tính đúng hay không?
c) Hê-rốtạ c-ríp-ba I, qua đời.-- Cả Lu-ca (Công vụ các sứ đồ 12:1-4, 19-23) và sử gia Josèphe chép hơi giống nhau về sự chết của Hê-rốt nầy. Năm đầu trị vì của Cơ-lốt, hoàng đế La-mã, tức là năm 41 S.C., Hê-rốt chịu phong làm vua. Josèphe viết: Trước khi chết, Hê-rốt đã làm vua toàn xứ Giu-đê trong ba năm. Bởi vậy, có thể đoán định năm 44 S.C. Hê-rốt qua đời, tức sau Lễ Vượt Qua năm đó, vì Phi-e-rơ bị bắt cầm tù bởi Hê-rốt nhằm ngày Lễ Vượt Qua đó (Công vụ các sứ đồ 12:3). Xét Công vụ các sứ đồ 11:29-12:25 Lu-ca chép việc Hê-rốt giết Gia-cơ và việc Phi-e-rơ ra khỏi ngục vào giữa khoảng hai việc Phao-lô cùng Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem rồi trở về An-ti-ốt, chớ không nói rõ việc làm của Hê-rốt nhằm vào lúc Phao-lô và Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem. Vì Lu-ca chỉ chép: "Ðương thuở đó," vậy chỉ có thể nói Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem nhằm lúc Hê-rốt giết Gia-cơ, chớ không thể nói chắc ở vào trước hoặc sau năm 44 S.C. được. Công vụ các sứ đồ 11:30 chỉ chép "các trưởng lão," không chép các Sứ đồ (so Công vụ các sứ đồ 15:4), hoặc giả khi Phao-lô và Ba-na-ba đến Giê-ru-sa-lem thì các Sứ đồ vắng mặt chăng; vì bấy giờ sau khi Gia-cơ bị giết (Công vụ các sứ đồ 12:), Phi-e-rơ ra khỏi ngục rồi lại đi nơi khác (Công vụ các sứ đồ 12:17). Song các Sứ đồ sau lại trở về Giê-ru-sa-lem nữa (Công vụ các sứ đồ 15:4), nên Lightfoot mới định cuối 44 S.C. hoặc 45 S.C., là lúc Phao-lô và Ba-ba-na lên thành Giê-ru-sa-lem; không biết đúng không.
Lại xét: Công vụ các sứ đồ 9:26 và 11:29,30 dẫu nói Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem, song không biết lần sau nầy có phải là lần Ga-la-ti 2:1 nói đến chăng? Ramsay viết rằng Phao-lô lần đó lên Giê-ru-sa-lem theo Ga-la-ti 2:1 là một với Công vụ các sứ đồ 11:29; song Lightfoot viết rằng sự lên Giê-ru-sa-lem chép trong Ga-la-ti 2:1 là lần thứ ba như chép trong Công vụ các sứ đồ 15:4. Vậy, chỉ có thể quyết định chắc chắn Phao-lô theo Ga-la-ti 2:1 và Công vụ các sứ đồ 15:4 lên Giê-ru-sa-lem sau cuộc hành trình lần thứ nhứt như chép trong Công vụ các sứ đồ 13: và 14: thôi.
d) Lần thứ nhứt Phao-lô lưu hành truyền đạo.-- Khi Phao-lô và Ba-na-ba đến đảo Chíp-rơ, Công vụ các sứ đồ 13:7 chép Sê-giút Phau-lút làm quan trấn thủ ở đảo đó. Trên một bia cổ Hy-lạp có đề năm 53 S.C. có tên Sê-giút Phau-lút làm quan trấn thủ song không nói ở đảo Chíp-rơ, nên chắc là trước năm đó. Song biết không phải ông hành chức đó 51 hay 52 nên khi làm trấn thủ có lẽ vào cuối năm 50 S.C. hoặc đầu năm 51 chăng.
đ) Phao-lô lần đầu đến Cô-rinh-tô.-- Chỗ độc giả nên chú ý là Ga-li-ôn làm trấn thủ xứ A-chai (Công vụ các sứ đồ 18:2). Phao-lô kiều ngụ tại Cô-rinh-tô, Xứ A-chai rõ ràng đã được một năm rưỡi, Ga-li-ôn mới đến nhậm chức. khi Phao-lô mới đến Cô-rinh-tô thì A-qui-la và Bê-rít-sin từ Ý-đại-lợi vừa mới về (Công vụ các sứ đồ 18:2) vì vua Cơ-lốt có chỉ truyền mọi người Do-thái phải lánh khỏi thành La-mã. Sau khi Ga-li-ôn đến xứ A-chai, người Do-thái liền kiện Phao-lô, sau Ga-li-ôn từ chối không xét xử: nên Phao-lô vẫn ở lại xứ. Sau đó ít lâu, Phao-lô cùng A-qui-la và Bê-rít-sin dời sang xứ Sy-ri (18:18). Cứ như Deissmann viết thì Ga-li-ôn, em của Sénèque, đến nhậm chức trấn thủ xứ A-chai nhằm hồi tháng 7 năm 51 hoặc có lẽ năm 52 S.C.. Theo một bia đá cổ tìm được tại Delphi cũng nói đến Ga-li-ôn là trấn thủ xứ A-chai và vua Cơ-lốt được cử làm hoàng đế 26 lần rồi, v.v., nên bởi đó có thể biết chắc Ga-li-ôn bắt đầu làm trấn thủ trong mùa Hạ năm 51 hay 52 S.C.. Vì Phao-lô ở Cô-rinh-tô một năm rưỡi rồi và ở đó hết hai năm thì Phao-lô bỏ Cô-rinh-tô chắc đầu mùa Thu 52 có lẽ đúng hơn 51 S.C.. Vậy biết rõ Phao-lô chép II Tê-sa-lô-ni-ca không sau thời đó. Tóm lại, các việc Phao-lô lưu hành truyền đạo lần thứ hai, cuộc đại hội nghị tại Giê-ru-sa-lem và chuyến ông lưu hành lần thứ nhứt v.v. đều nên vào trước hết năm 52 S.C..
e) Phao-lô ở Trô-ách.-- (Công vụ các sứ đồ 20:6). Về việc nầy Lu-ca chép những ngày và thời trong năm rõ ràng tức khi những ngày ăn bánh không men qua rồi và gặp nhau trong năm ngày. Ramsay tính: Hồi chiều bữa Chúa nhựt, Phao-lô ở Trô-ách họp lại thờ phượng Chúa buổi tối rồi, và qua sáng sớm hôm sau là ngày thứ hai, Phao-lô cùng các người đồng bạn cùng đi đường. Bởi đó, Ramsay luận đến thời kỳ giữ Lễ Vượt Qua ở thành Phi-líp đó, và quyết định vì không đúng vào năm 56, 58 hoặc 59 S.C., song theo Lu-ca chép thì hiệp vào năm 57 S.C. nếu ấy không lầm thì dễ đoán biết lần cuối cùng Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem. Ví bằng niên đại Lu-ca chép đúng không sai, thì sự suy tính của Ramsay cũng hiệp lẽ. Dầu Lightfoot cứ quyết định là năm 58, nhưng theo thuyết của Ramsay 57 S.C. thì đúng hơn.
g) Bốt-tiu Phê-tu kế chức Phê-lít.-- Phê-lít đến nhậm chức năm nào không biết chắc được. Có người nói Phê-lít làm quan trấn thủ vào năm 52 S.C.. Cứ theo Kinh Thánh chép khi Phao-lô bị xét đoán, thì Phê-lít "làm quan án trong nước nầy đã lâu năm" rồi (Công vụ các sứ đồ 24:10). Hai năm sau, Bốt-tiu Phê-tu mới đến thay Phê-lít (Công vụ các sứ đồ 24:27). Nhưng theo giáo phụ Eusèbe viết thì Phê-lít đến nhậm chức năm cuối cùng vua Cơ-lốt trị vì, tức 54 S.C.. Song ấy là sai lầm, vì cứ như sử gia Josèphe viết thì Phê-lít vào đời hoàng đế Néron. Kinh Thánh lại chép Phê-lít "làm quan án trong nước nầy đã lâu năm" (Công vụ các sứ đồ 24:10), v.v.. Vậy, Ramsay có sửa chữa sự sai lầm của Eusèbe: "Hê-rốtạ c-ríp-ba I qua đời nhằm 44 S.C., và Hê-rốtạ c-ríp-ba II mới lên ngôi vào năm 50 S.C.. trong khoảng đó cách nhau 6 năm. Eusèbe không để ý, chỉ cho rằng Bốt-tiu Phê-tu đến thay Phê-lít và năm thứ X đời vua Hê-rốtạ c-ríp-ba II. Vậy, nếu tính đúng từ 50 S.C. thì 59 S.C. là năm Phê-lít đến nhậm chức, đúng với sự thực đã khảo cứu để làm chứng."
Nếu thuyết Ramsay đúng thì lại biết thêm Phao-lô xuống tàu sang La-mã từ trước mùa Hè 59 S.C., qua đầu mùa Xuân 60 S.C. mới tới (Công vụ các sứ đồ 28:11). Khi Lu-ca đóng sách Công vụ các sứ đồ thì chép: "Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê" (28:30). Căn cứ vào cuối năm 63 hoặc đầu năm 64 S.C., Phao-lô được thả ra và lưu hành như chép trong ba thơ đạt cho Ti-mô-thê và Tít, thì biết Phao-lô qua đời đầu mùa Hạ 68 S.C. hoặc có lẽ 67 S.C., trước hoàng đế Néron chưa băng. Về việc nầy sau sẽ luận đến.
Nay có thể tính ngược lại từ 59 S.C. đến 57 S.C. thì thấy rõ ấy là năm Phao-lô bị bắt tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô ở thành Ê-phê-sô rất ít là hai năm ba tháng (Công vụ các sứ đồ 19:8,10), và trong 20:31 gọi chẵn là ba năm. Phao-lô phải mất một năm để tới thành Giê-ru-sa-lem, từ Lễ Ngũ Tuần trước (I Cô-rinh-tô 16:8) đến Lễ Ngũ Tuần sau (Công vụ các sứ đồ 20:16.) Vậy, từ mùa Xuân 57 S.C. Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem thì có thể tính ngược lại mà biết cuối 53 S.C. Phao-lô đến Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:1.) Ga-li-ôn đến cai trị thành Cô-rinh-tô vào mùa Hạ 51 hoặc 52 S.C., và bấy giờ Phao-lô đã ở đó được một năm rưỡi rồi (Công vụ các sứ đồ 18:11); bởi thế Phao-lô có đủ thì giờ đi lữ hành từ Cô-rinh-tô đến Ê-phê-sô, kế đến Sê-sa-rê, rồi dường đến Giê-ru-sa-lem (Công vụ các sứ đồ 18:21 và câu sau), sau lại đến Ê-phê-sô (19:1). Bắt đầu từ cuộc hành trình thứ hai của Phao-lô đến mùa Hạ 51 hoặc 52 S.C., tính ngược lại hai năm thấy cuộc hành trình thứ hai đó (Công vụ các sứ đồ 16:1-6) bắt đầu từ năm 49 hoặc 50 S.C.. Ðại hội nghị tại Giê-ru-sa-lem chừng vào năm đó. Trước đây hai (hoặc ba) năm, tức 47 và 48 S.C. (hoặc 48-49), chắc là thời kỳ Phao-lô đi lưu hành truyền đạo lần thứ nhứt. Phao-lô ở tại An-ti-ốt độ vài tháng (Công vụ các sứ đồ 14:28.) Vậy, theo đó mà tính, thì cuối năm 44 hoặc đầu năm 45 S.C. chắc là lúc Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem như Công vụ các sứ đồ 11:29,30 chép. Trong khoảng khi lên Giê-ru-sa-lem, ngược lại đến năm Phao-lô và Ba-na-ba cùng ở An-ti-ốt (Công vụ các sứ đồ 11:26), vài năm Phao-lô ở Tạt-sơ, xứ Si-li-si, ba năm Phao-lô lui ở A-ra-bi sau khi hối cải (Ga-la-ti 1:17,18), và năm Phao-lô mục kích việc giết Ê-tiên (Công vụ các sứ đồ 7:58). Nhưng niên đại đầu tiên đó không chắc đúng, nhưng cứ tính theo sự thực thì năm 30 S.C. chừng là năm Phao-lô gặp Chúa trên đường Ða-mách. Bởi vậy, năm ông ra đời có lẽ vào khoảng 1-5 S.C., có lẽ gần 1 S.C.. Nếu thật thế, và năm Phao-lô qua đời 67 hoặc 68 S.C. là đúng thì có thể ước đoán tuổi Phao-lô được. Khi Phao-lô từ La-mã gởi thơ cho Phi-lê-môn (câu 9) vào năm 61-63 S.C., thì "đã già rồi."
III. Sự dự bị truyền đạo của Phao-lô.-- Nếu chưa xét kỹ và hiểu rõ những hiệu lực đã gây dựng Phao-lô thành Sứ đồ, thì không thể cắt nghĩa đúng lời dạy và việc làm của ông được. Có người không làm vậy, nên hiểu lầm Phao-lô và chức vụ ông. Vì Phao-lô tự xưng "đã làm nhiều việc hơn các Sứ đồ khác" (I Cô-rinh-tô 15:10, và chép trong Ga-la-ti 1:7-9 rằng: "Ai truyền cho anh em một Tin Lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them," nên phải xét có thật không. Deissmann viết đúng: "Về phần thuộc linh, Phao-lô là quyền lực lớn trong đời các Sứ đồ, " và bởi đó, "sử gia nào suy xét những sự đầu tiên của đạo Ðấng Christ thì thấy Phao-lô là thứ nhứt sau Chúa Jêsus." Feine nói rằng: "Phao-lô đã hiểu thấu thể yếu của chức vụ Ðấng Christ." Nếu thử giải nghĩa những ảnh hưởng dự phần trong sự gây dựng đời sống Phao-lô chỉ bằng tập quán và ngoại cảnh, chắc từ chối ảnh hưởng của hai điều đó, thì không tránh khỏi sự sai lầm. Ấy vì Phao-lô là người thể nào là do tư chất vốn có, thời thế hồi bấy giờ, và sự từng trải về Chúa Jêsus Christ. Nay xin đem những điều cần yếu là nảy ra đức tin và mở mang đời thuộc linh của Phao-lô mà luận như sau đây:
a) Thành Tạt-sơ.-- Ðịa dư có quan hệ rất lớn đến đời người. Thuở nhỏ, Giăng Báp Tít sống trong một thành nhỏ thuộc miền núi xứ Giu-đê (Lu-ca 1:39), sai dời đến đồng vắng. Chúa Jêsus, lúc nhỏ, ở tại Na-xa-rét và các miền phụ cận. Tánh tình của cả hai đều tỏ ra ưa thích cảnh thiên nhiên, ấy vì chịu ảnh hưởng chỗ ở nhiều. Phao-lô sanh ra và lớn lên tại Tạt-sơ, là một thành lớn và khi đứng tuổi lại đến ngụ trong các thành lớn đế quốc La-mã. Bởi đó Phao-lô ít thích những vẻ đẹp cõi thiên nhiên, song hằng dò xét để hiểu thấu lòng người. Phao-lô lấy làm vẻ vang vì sanh trưởng tại thành Tạt-sơ danh tiếng (Công vụ các sứ đồ 21:39). Chẳng những thế, Phao-lô còn là "công dân" của thành nữa. Coi vậy thì biết gia đình Phao-lô không phải mới di cư từ Giu-đê đến Tạt-sơ, song đã sanh cơ lập nghiệp tại đó nên có trọn quyền công dân thành. Xét: Tạt-sơ, kinh đô Si-li-si, bấy giờ là thuộc xứ Sy-ri là một tỉnh đế quốc La-mã, có danh hiệu là nơi đô hội và là thành tự do (urbs libera). Tạt-sơ ở trên bờ sông Cydnus giữa một đồng bằng. Ramsay nhờ Sáng thế ký 10:4 chủ trương thuyết dân cư thái cổ là người Hy-lạp lộn với người Viễn Ðông. Ðông và Tây gặp nhau tại đó. Tạt-sơ là thành La-mã có kiều dân Do-thái gồm lại gia đình Phao-lô. Các tôn giáo thời bấy giờ thường tụ họp tại đó. Trường đại học tại Tạt-sơ dầu không bằng ở A-thên và A-léc-xan-tri, nhưng có danh tiếng vì những học giả trứ danh miền đó đều sanh trưởng tại thành nầy. Vậy, có thể nói "người hấp thụ bầu không khí học thức tại Tạt-sơ." Cứ theo Ramsay, sự vẻ vang bao trùm hết của thành Tạt-sơ, duyên cớ cả thế giới chú ý đến, là vì đã sanh sản một người như Sứ đồ Phao-lô; là vì đây là thành duy nhứt có tinh thần Ðông Tây hiệp lại để nung đúc tánh tình của người Do-thái Hê-lê-nít danh tiếng đó; và vì là nơi gây nuôi tấm lòng ngay thẳng, sốt sắng trong Phao-lô đến nỗi xưng ra: "Tôi là người Do-thái, vốn ở thành Tạt-sơ, công dân của một thành có danh tiếng" (Công vụ các sứ đồ 21:39). Ðối với các môn đồ học như chánh trị, xã hội, giáo dục, đạo đức và tôn giáo, Phao-lô nghiên cứu sâu rộng. Học thức đó chính là cái vốn sắm sẵn để sau nầy Phao-lô làm tỏ sáng đạo Tin Lành, và mở đường truyền đạo cho hai dân tộc Hy-lạp và La-mã. Vậy, Phao-lô từ công dân thành Tạt-sơ trở nên công dân của cả thế giới.
b) Quyền công dân La-mã.-- Phao-lô không khoe mình luống công khi nói: "Còn phần tôi thì có quyền lợi đó từ lúc mới sanh ra" (Công vụ các sứ đồ 22:28). Quản cơ nghe nói vậy thì có cớ sợ hãi vì đã biểu trói Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 22:29). Các thượng quan thành Phi-líp nghe biết Phao-lô và Si-la là người La-mã thì "sợ hãi... thả đi,... và xin lìa khỏi thành" (Công vụ các sứ đồ 16:39). Ðối với người La-mã, quyền công dân đó là giấy thông hành trong các xứ xa, là bùa hộ mệnh nơi đất khách quê người lúc gặp khó khăn nguy hiểm. Nhờ đó, Phao-lô được nâng cao phần giai cấp và đứng trong địa vị quan trọng. Vì cớ được đế quốc La-mã che chở và hưởng đặc ơn như thế, tự nhiên Phao-lô chịu cảm động tỏ lòng biết ơn. Vậy, Phao-lô lấy quyền công dân trong đế quốc đó làm tiêu biểu cho quyền lợi trên nước thiên đàng, như nói "Chúng ta là công dân trên trời" (Phi-líp 3:20); lại nói: "Anh em chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ" (Ê-phê-sô 2:19). Nhưng, từ thời Phao-lô cho đến thời Constantin, các hoàng đế La-mã vẫn sợ đạo Ðấng Christ mà Phao-lô truyền giảng, và từng hồi từng lúc bắt bớ dữ tợn. Dầu khi hoàng đế Constantin trở nên tín đồ, và "đạo Ðấng Christ bề ngoài thịnh vượng, đắc thắng, nhưng lẽ đạo thuần túy của Phao-lô giảng trước đã suy yếu; bấy giờ người ta quên rằng Phao-lô là một người và là giáo sư, chỉ tưởng nhớ đến như một ông thánh, dường như là một trong các thần ngoại đạo xưa."
Phao-lô tỏ biệt tài theo người La-mã tổ chức các Hội Thánh chính tay mình đã lập. Các Hội Thánh đó phần nhiều ở trong các thuộc địa đế quốc La-mã, như An-ti-ốt tại Bi-si-đi, Phi-líp, Cô-rinh-tô, v.v.. Phao-lô dùng bức thơ kiệt tác gởi cho Hội Thánh tại La-mã, vì coi kinh thành đó là cái đích của chức vụ mình trong nhiều năm. Phao-lô thông thạo luật pháp La-mã, không những chỉ biết lợi dụng quyền công dân, mà lại biết dùng các danh từ luật pháp đó, như "được làm con nuôi" (Ga-la-ti 4:5). Trong mấy câu đó, con nuôi trở nên con kế tự; và có thể dùng danh từ con kế tự và con đẻ lẫn cho nhau. Ấy là điều chép ở luật La-mã cũ đã bỏ rồi, song vẫn còn thi hành trong các tỉnh (so Ga-la-ti 3:15). Song trong Rô-ma 8:16,17 chép: "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự," ấy trưng dẫn đến luật La-mã lúc đó đã bị thủ tiêu. theo câu đó quyền con kế tự được diễn dịch từ quyền con đẻ, trái với Ga-la-ti 4:5 quyền con đẻ được miễn dịch từ quyền con kế tự vì tại thành La-mã con đẻ buộc phải là con kế tự, song con kế tự không cần phải là con đẻ (so Hê-bơ-rơ 9:15, v.v.). Trong Ga-la-ti 3:24 danh từ "thầy giáo" (hoặc kẻ đỡ đầu) chỉ về một tục lệ Hy-lạp mà người La-mã giữ. Thầy giáo đó (có khi là một tôi mọi) dẫu canh giữ con trẻ, dẫn tới trường học, song thật ra không phải là người coi giữ tài sản của con trẻ đó (Ga-la-ti 4:2).
Phao-lô là công dân La-mã, có biết tiếng La-tinh, song không dám chắc. Phao-lô quả là người quí phái danh giá ở nước La-mã, vì thấy vua chúa và quan trấn thủ cũng phải tỏ ý kính nể. Ngay như khi ở trong tàu vượt biển sang La-mã, Phao-lô cũng được quan quân đối đãi tử tế. Vả lại, cha Phao-lô đã nhập tịch dân La-mã, chắc có sản nghiệp để lại, nên Phao-lô mới có thể đủ tiền kêu lên tận Sê-sa xét xử, và sang tận thành La-mã. Dầu bị tù tại La-mã, và làm "sứ giả ở trong vòng xiềng xích" (Ê-phê-sô 6:20), song tại đó Phao-lô cứ sốt sắng làm chứng và đạt đến bậc cao trọng sâu nhiệm về đạo Ðấng Christ. Có lời truyền khẩu Phao-lô vì là công dân La-mã nên bị chém chớ không phải bị đóng đinh như Phi-e-rơ. Phao-lô cảm thấy ý nghĩa thật của "pax Romana" nên mới nói về "sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết" (Phi-líp 4:7).
c) Văn học Hê-lê-nít.-- Ta không thể biết hết những ảnh hưởng Phao-lô đã chịu buổi thanh niên, song thái trạng về cảm tình chắc Phao-lô không khác gì hạng thanh niên Do-thái bấy giờ. Ramsay nói: Phao-lô gắng công học mọi khoa học lợi dụng mọi dịp tiện thời bấy giờ, đến nỗi về sau có thể dùng mọi điều ích lợi của nền văn minh đó để đạt tới mục đích lớn của mình. Phao-lô tỏ biết đầy đủ những đặc sắc của người Hy-lạp bấy giờ, như tùy cơ ứng biến, chăm học, lanh lẹ, ưa xem xét, v.v. Phao-lô học thạo tiếng Hy-lạp đúng không khác gì người Hy-lạp. Trừ Lu-ca và tác giả thơ Hê-bơ-rơ, trong Kinh Thánh không ai biết dùng tiếng Hy-lạp giỏi hơn Phao-lô. Có người nói Phao-lô là một tay cự phách trong văn thể thi ca, dầu dùng tiếng như một linh hồn sốt sắng đang cháy hơn là theo những luật dùng lời hay của các nhà hùng biện. Nhưng Lightfoot viết: Không đủ chứng cớ tin Phao-lô là người rất học thức và là nhà thông thái. Dầu Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 15:23 trưng dẫn câu phương ngôn về đời sống hằng ngày từ Menander, trong Công vụ các sứ đồ 17:28, một lời tỏ cảm giác đối với tôn giáo của Cléanthes, mà Aratus, chính người Tạt-sơ nhắc lại, trong Tít 1:12, một lời trào phúng của Epimenides, và có lẽ thỉnh thoảng dường như dẫn lời danh nhân khác thảy đều chưa đủ chứng cớ Phao-lô là người học rộng như các danh nhân Hy-lạp.
Dầu sao mặc lòng, Phao-lô chắc hiểu biết bộ Cựu Ước Septante, và các bản Apocryphes và mặc thị bằng tiếng Hy-lạp. Tạt-sơ là quê hương của Athenodorus, và tại đó có tư tưởng khắc kỷ chủ nghĩa (Stoicisme) đông người theo, vì ít nhứt có năm giáo sư trứ danh về phái triết học đó trong trường đại học. Khó tin rằng tuổi thanh niên giỏi như Phao-lô lớn lên tại Tạt-sơ mà không tòng học tại trường như thế. Về các thuyết nói Phao-lô học tại Tạt-sơ và trong trường Ga-ma-li-ên tại Giê-ru-sa-lem bao lâu không thể quyết định được. Văn học Hy-lạp bấy giờ đã tràn khắp nơi, Phao-lô không thể tránh được. Hai phái triết học ở thành A-thên bấy giờ là Épicuriens và Stoiciens đều chê Phao-lô là người "mót nhặt những miếng bánh vụn của học vấn". Song xem I Cô-rinh-tô 1:; 2: thấy Phao-lô coi khinh lối ngụy biện về khôn ngoan và lối năng thuyết khôn khéo của các nhà triết học và hùng biện suông đó. Phao-lô tỏ ra hiểu thấu ý nghĩa thật của trí thức và sự sống. Phao-lô là Sứ đồ cho thế giới Hy-lạp và La-mã, cần phải hiểu những sự về đạo đức và tôn giáo của người Hy-lạp như tỏ trong văn chương, và Phao-lô cứ có thể lấy công tâm mà học đầy đủ tại Tạt-sơ, dầu đã suy còn hơn học tại A-thên khi đương thạnh vượng mọi bề. Dầu người công bình có lẽ nói Phao-lô không phải là nhà triết học chuyên môn, song chỉ cần xét Rô-ma 9:11, đủ biết là một nhà triết học chơn chính về lịch sử.
d) Thần bí giáo.-- Phao-lô có chịu ảnh hưởng của đạo Mithraisme (tức thờ thần mặt trời của người Ba-tư) không? Có thể bác bỏ lập tức thuyết nói Phao-lô tôn Chúa Jêsus như một thần ngoại bang, và xưng Ngài là Ðấng Christ vì chịu ảnh hưởng thần thoại ngoại bang. Không cứ đi đâu, Phao-lô cũng buộc phải chú ý đến sự thờ hình tượng ngoại, như ở A-thên, Phao-lô thấy thành đầy hình tượng đến nỗi nóng lòng, sốt ruột (Công vụ các sứ đồ 17:16.) Phao-lô nhân tiện thấy một bàn thờ có chạm chữ rằng: "Thờ Chúa không biết" làm lời tiểu dẫn để cắt nghĩa cho cư dân về Ðấng Chơn thần (17:23). Song không ai có thể đọc Rô-ma 1: và 2: mà tin rằng Phao-lô bị triết lý hư không, dối giả bấy giờ làm cho sai lạc chút nào. Phao-lô có khi dùng tiếng quen nói của thần bí giáo, như "khôn ngoan" và "mầu nhiệm" trong các thơ I Cô-rinh-tô, Cô-lô-se và Ê-phê-sô, và trong Phi-líp 4:12 "tôi đã tập cả" hoặc dịch là tôi đã học bí quyết; song Phao-lô giải bằng một nghĩa theo mục đích riêng bằng một tài liệu giàu có, đầy đủ hơn, cao thượng hơn. Bác sĩ kia nói: Thần bí giáo đó không có sức gì cảm hóa Phao-lô cả; viện lẽ rằng giáo đó mãi đến thế kỷ thứ II S.C. mới lan rộng đến đế quốc La-mã. Trong đời Phao-lô, thần bí giáo còn sơ khai nên không có hại mấy.
đ) Do-thái giáo.-- Phao-lô quan thiệp với người Hy-lạp và La-mã, song không phải như thế với Ba-by-lôn, dầu Phao-lô vẫn tỉnh biết mọi chiều gió thuyết lý thổi xung quanh mình như thấy trong các thơ Cô-lô-se, Ê-phê-sô, I và II Ti-mô-thê và Tít. Phao-lô tự nói: "Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người" (I Cô-rinh-tô 9:22), song bao giờ cũng còn vẻ người Do-thái. Phao-lô khoe mình được làm chức vụ Sứ đồ cho dân ngoại (Ê-phê-sô 3:8), song bao giờ cũng đặt người Do-thái đứng đầu trong dịp nhận phước, hoặc trong cơn nguy hiểm (Rô-ma 2:9). Vì cớ quá yêu người Do-thái đến nỗi Phao-lô hầu hy sinh bị dứt bỏ lìa khỏi Ðấng Christ vì họ (Rô-ma 9:3). Chính ông tự phụ mình là dòng dõi người Do-thái và khoe mình về điều đó (II Cô-rinh-tô 11:16-22; Công vụ các sứ đồ 22:3; 26:4; Phi-líp 3:4-6). Giả thử Phao-lô không nhập tịch dân La-mã, không tường văn học Hy-lạp, và không có tư chất dồi dào, thì có lẽ không được làm "cái bình lựa chọn" (Công vụ các sứ đồ 9:15) vào việc của Ðấng Christ cho dân ngoại. Giả thử ông không phải hoàn toàn là người Do-thái, theo ý người không thể làm trung gian đem đạo Ðấng Christ từ Do-thái truyền đến Hy-lạp được.
Chính Phao-lô tự nói: "Tôi... về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ" (Phi-líp 3:5) và "là dòng dõi của Áp-ra-ham" (II Cô-rinh-tô 11:22). Chẳng những vậy, Phao-lô cũng hưởng đầy đủ mọi phước hạnh của giao ước và những đặc ơn của dân lựa chọn (Rô-ma 9:1-5), mà sự vinh hiển tột bực là từ giữa dân đó sanh ra Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si. Phao-lô lấy sự tin kính của tổ tiên làm vẻ vang (II Ti-mô-thê 1:3), và "tấn tới trong Do-thái-giáo hơn nhiều người cùng tuổi, cùng nước với mình" (Ga-la-ti 1:14). Phao-lô là "người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ;" và dầu ở Tạt-sơ, gia đình Phao-lô vẫn giữ các cựu truyền của xứ Pha-lê-tin. Trước kia gọi là Sau-lơ, ấy là chứng cớ trung thành với chi phái Bên-gia-min, như sau Phao-lô là một tên tự ở cuối ba tên của người La-mã để chỉ thuộc gia đình hoặc nhà nào.
Về giáo dục gia đình, chắc mẹ Phao-lô dạy Luật pháp (Ga-la-ti 1:14), cũng như mẹ và bà ngoại của Ti-mô-thê vậy (II Ti-mô-thê 1:5). Khi ở Tạt-sơ, chắc Phao-lô hằng đến nhà hội. Cha Phao-lô là một công dân La-mã, có địa vị tại Tạt-sơ, có lẽ có của cải, làm nghề may trại và dạy con mình làm nghề đó, như các tổ phụ Do-thái thường làm, bất luận là hạng người nào. Cha là người Pha-ri-si thì con cũng nên như vậy (Công vụ các sứ đồ 23:6), và cho con đến thành Giê-ru-sa-lem làm môn đệ học dưới chơn Ga-ma-li-ên (Công vụ các sứ đồ 22:3). Ngoài những điều kể trên không khảo thêm về cha Phao-lô nữa. Phao-lô vẫn xưng mình là người Pha-ri-si khác hẳn với người Sa-đu-sê không tin có thiên sứ và sự sống lại (Công vụ các sứ đồ 23:6). Quá nửa lẽ đạo phái Pha-ri-si giống in đạo Ðấng Christ. Sau, khi Phao-lô biện luận với mấy tín đồ cứ khuynh hướng về Do-thái-giáo, thì tỏ ra Phao-lô chưa theo hẳn mọi phương diện lẽ đạo Pha-ri-si (Công vụ các sứ đồ 15:; II Cô-rinh-tô 10:-13:; Ga-la-ti 2:). Phao-lô nói hồi còn nhỏ được dạy dỗ trong khuôn phép nghiêm nhặt của phái Pha-ri-si (Công vụ các sứ đồ 26:5). Như trên đã nói, Giê-ru-sa-lem giữ một phần quan hệ trong sự dạy dỗ của Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 22:3). Lại vì cớ Phao-lô am hiểu tiếng Aramaique, cũng như tiếng Hy-lạp, nên có thể nói khéo mà khiến người Do-thái chú ý nghe (Công vụ các sứ đồ 22:2). Phao-lô thật có dịp may mà học giáo sư lớn như Ga-ma-li-ên, là người tỏ lòng đại lượng khi binh vực các Sứ đồ chống với phe Sa-đu-sê trong Công vụ các sứ đồ 5:34-39; song không đến binh vực Ê-tiên lúc Sau-lơ đứng coi người ta ném đá người (Công vụ các sứ đồ 7:58). Chắc vì Ga-ma-li-ên coi Sau-lơ là học sanh rất thông sáng và là hy vọng tương lai của Do-thái-giáo. Nhưng khi Sau-lơ gặp Chúa trên con đường Ða-mách, thì lòng ông được thay đổi mới, Ðấng Christ trở nên nơi tập trung mọi tư tưởng, song vẫn con giữ ảnh hưởng học vấn trong trường các thầy Rabbins.
e) Ðặc tánh của Phao-lô.--
1. Dáng vẻ của Phao-lô.-- Không có sách nào mô tả hình dáng và vẻ mặt của Phao-lô để nhờ được. Theo một sách xưa kể lại công việc Phao-lô và Thecla, thì hình dung Phao-lô như sau: "Ðầu hói, chơn chữ bát, mạnh khỏe, thấp, lông mi giao nhau, mũi hơi to; song người đầy ơn, có khi trông như người, có khi gương mặt như thiên sứ," song ấy không thể tin chắc được. Dân thành Lít-trơ kêu Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê, còn Phao-lô họ xưng là thần Mẹt-cu-rơ, "vì là người đứng đầu giảng đạo" (Công vụ các sứ đồ 14:12), tỏ ra Ba-na-ba có một vẻ oai vệ, còn Phao-lô chỉ là người thông ngôn lại. Người Man-tơ ban đầu tưởng ông là tay giết người, sau thấy rắn chẳng hề làm hại gì, lại đổi ý mà xưng Phao-lô là một vị thần (Công vụ các sứ đồ 28:4-6). Kẻ nghịch ở Cô-rinh-tô đọc thơ tín của ông thì kính sợ; nhưng thấy Phao-lô người yếu đuối thì lại khinh bỉ (II Cô-rinh-tô 10:9,10). Xem câu 11 thấy Phao-lô xưng mình khi vắng mặt cũng dạn dĩ như khi có mặt thấy tỏ ra một phản ứng rằng hình vóc Phao-lô không tốt đẹp mấy. Phao-lô hằng bị khốn khó hiểm nghèo (II Cô-rinh-tô 11:23-26), còn mang "đốt dấu vết của Chúa Jêsus" nên làm cho ông xấu đi vài phần (Ga-la-ti 6:17). Một lần, sự yếu đau của Phao-lô cũng làm sự thử thách cho người Ga-la-ti, nhưng "anh em cũng chẳng khinh... chẳng chối... mà lại tiếp rước như một vị thiên sứ của Ngài" (Ga-la-ti 4:14). Có khi Phao-lô cảm thấy thân mình yếu đuối như cái "chậu bằng đất" (II Cô-rinh-tô 4:7), lại có khi coi mình như "ở trong nhà tạm, than thở dưới gánh nặng" (II Cô-rinh-tô 5:4). Phao-lô chẳng vì thế mà ngã lòng, song tặng người yếu đuối của ông dẫn đến kết quả là Phao-lô lần nữa cảm biết phải nhờ cậy Ðấng Christ, bèn được quyền phép thuộc linh mới của Chúa rảy tưới cho (II Cô-rinh-tô 11:30; 12:9). Phao-lô có một tật nguyền riêng xảy đến trên ông tại Tạt-sơ (II Cô-rinh-tô 12:1-9) có quan thiệp đến sự hiện thấy và khải thị của Ngài ban cho. Sự đau đớn thường thuộc phần xác "một cái giằm xóc vào thịt" vẫn còn ở trên ông, từ đó làm sứ giả của Sa-tan để vả ông. Giữ ông khiêm nhường mãi. Có người tưởng "giằm xóc" đó tức là bịnh đau mắt, người khác tưởng là một quỷ đến khuấy khỏa Phao-lô, người khác nói là bịnh động kinh hoặc bịnh sốt rét cách nhựt. Vì là một thứ bịnh làm phiền cho Phao-lô (Ga-la-ti 4:12-15) nên Farrar tưởng là bịnh ophthalmie (mắt đau sưng và đỏ), vì cớ không nhận ra thầy cả thượng phẩm (Công vụ các sứ đồ 23:5), cần người thơ ký chép thơ tín, và vì chính tay Phao-lô chép thơ Ga-la-ti "chữ lớn" (Ga-la-ti 6:11). Bất cứ là chứng bịnh gì, Phao-lô cũng nhờ Chúa mà vui lòng khoe mình về sự yếu đuối hầu cho được sức mạnh của Ðấng Christ.
2. Tư chất của Phao-lô.-- Xét các thơ tín của Phao-lô có thể biết trí khôn và linh hồn người. Tại đó, Phao-lô không giấu nhưng tỏ mình rõ, song vì dường như có khi tự mâu thuẫn với mình nên khó hiểu. Về đức tánh, Phao-lô có nhiều phương diện, song tốt nhứt là lòng thương người. Ðây là người mâu thuẫn trong bổn tánh Phao-lô như hai thái cực: người ốm yếu mà làm việc phi thường; khiêm nhường mà can đảm; nản chí mà hiếu thắng; mềm mại mà nghiêm trang; có người yêu nồng nàn, có kẻ ghét thậm tệ; và là người tồn cổ trong đời mình song vẫn còn tận hiến cho thời hiện tại. Phao-lô có tài biện luận, và sức cảm hóa thuộc linh; có tâm linh sáng suốt, và tánh chất thần bí sâu nhiệm; chẳng những là nhà thần học, cũng là người làm chạy việc. Phao-lô có sáng kiến về tương lai với một công việc trọng nhứt mà ông tự buộc mình vào. Tóm lại, Phao-lô là học giả, hiền triết, nhà chính trị tiên kiến, và bậc thánh nữa. Những tánh như: yêu thương, tình cảm, lý tưởng, tỉnh biết, can đảm, hoạt bát mà Phao-lô vốn có đều giúp ông trở nên Sứ đồ của Ngài để giảng đạo cho dân ngoại gây dựng Hội Thánh, và thần học của đạo Ðấng Christ.
Nhà thần học Bevan viết: Tôi không thể hiệp với người nói Phao-lô về việc làm lễ tinh sạch (Công vụ các sứ đồ 21:23), và về sự chia tòa Công luận (23:6) tỏ ra là hèn nhát. Một chỉ tỏ sự cẩn thận trong một việc không cốt yếu còn một là sự khôn khéo phải lẽ để phản kháng những kẻ thù vô lý. Suốt cả các thơ tín, tấm lòng Phao-lô hồi hộp và yêu những người mình dẫn đến cùng Chúa như mẹ hơn là mục sư. Phao-lô có tinh thần mới mẻ luôn, bao giờ cũng vượt khỏi những hồi thử rèn nặng nề và cơn thất vọng bằng sự vui mừng thắng trận trong Ðấng Christ. Phao-lô có một ước vọng lớn là hầu việc Ðấng Christ, Chúa mình, là người của đức tin, của sự cầu nguyện. Ðối với Phao-lô, sống là Ðấng Christ. Phao-lô có biệt tài kết bạn và buộc người khác với mình như bằng móc câu thép, như Ba-na-ba, Si-la, Ti-mô-thê, Lu-ca, Tít. Ông không sợ làm phật ý bạn khi cần vì cớ lẽ thật, như đối với Phi-e-rơ (Ga-la-ti 2:11) và Ba-na-ba (Công vụ các sứ đồ 15:35). Không dám quyết Phao-lô có vợ không (so I Cô-rinh-tô 7:7; 9:5), nhưng vì là hội viên Tòa Công luận mà bỏ phiếu nghịch cùng các môn đồ (Công vụ các sứ đồ 26:10), theo ý lời chép đó thì chắc trước đã cưới vợ.
g) Những sự ban cho thuộc linh của Phao-lô.-- Phao-lô có đủ mọi ân tứ thuộc linh mà các tín đồ khác ở Cô-rinh-tô khoe mình đã được. Trừ ơn nói tiên tri, Phao-lô đều hơi quí chuộng thôi (I Cô-rinh-tô 14:18-29). Phao-lô được sự hiện thấy và khải thị, song không tỏ cùng ai biết điều mình đã thấy (II Cô-rinh-tô 12:1-9). Phao-lô tỏ bằng cớ chức Sứ đồ mình (II Cô-rinh-tô 12:12-14), có quyền làm phép lạ (I Cô-rinh-tô 4:19-21), và sửa dạy (I Cô-rinh-tô 5:4; II Cô-rinh-tô 13:1-3). Song Phao-lô coi hai việc lớn hơn hết là Cứu Chúa hiện đến cùng mình trên đường Ða-mách, và kêu gọi đi truyền đạo cho dân ngoại (I Cô-rinh-tô 14:8).
Phao-lô hối cải tin Chúa.--
1. Sự sửa soạn.-- Hối cải là kỷ niệm lớn hơn hết trong đời Phao-lô. Việc đó là thình lình; song Ðức Chúa Trời đã ngầm cảm động ông, sớm sửa soạn lòng ông để dễ tỉnh biết mà tin Chúa. Thật ra, Phao-lô đang bắt bớ các tín đồ, tưởng việc làm đó rất phải, (Công vụ các sứ đồ 26:9), và ông đang giữ một tôn chỉ trái hẳn với đạo Chúa, (I Ti-mô-thê 1:13) cứ giữ mãi ý đó cho đến khi Chúa Jêsus thình lình phán: "Ngươi đá đến ghim nhọn thì là khó chịu cho ngươi vậy" (Công vụ các sứ đồ 26:14.) Trải qua sự khải thị đó, Phao-lô giựt mình tỉnh ngộ, chơn lý xuất hiện trong trí, thì đầu phục Chúa ngay.
Còn Phao-lô có chính mắt thấy Chúa Jêsus hồi còn trong xác thịt không, ấy khó trả lời. Có lẽ Phao-lô sau khi ra khỏi trường Ga-ma-li-ên vẫn cứ ở tại Giê-ru-sa-lem thì có lẽ có mặt lúc Chúa Jêsus bị xử tử và bị đóng đinh, nhưng chính Phao-lô và Kinh Thánh không chép rõ. Chắc trong I Cô-rinh-tô 9:1 Phao-lô nói về Ðấng Christ phục sanh, và trong II Cô-rinh-tô 5:16, nên chú ý chép là "theo xác thịt" chớ không phải trong xác thịt. Có thể thêm ý chính Chúa Jêsus phải phán cho Phao-lô biết Ngài là Ai (Công vụ các sứ đồ 9:5). Ấy tỏ ra Phao-lô không biết Ngài từ trước.
2. Từng trải sự hối cải.-- Có người vô tín thử lấy lẽ tự nhiên giải nghĩa sự từng trải trên đường Ða-mách của Phao-lô, nói rằng: Phao-lô lên cơn động kinh, bị cảm nắng, ngã từ trên ngựa, bị đóng bè, bị đui bởi chớp nhoáng, và vì xúc động chỉ tưởng tượng thấy Ngài. v.v.. Song các chứng cớ đó không đủ cắt nghĩa. Ta phải tình nguyện tra xét truyện chép trong Kinh Thánh, như: có người làm chứng thấy ánh sáng chói lòa (Công vụ các sứ đồ 26:13) và nghe tiếng (9:7), mà chỉ riêng Phao-lô hiểu (22:9), vì chỉ một mình Phao-lô ngắm xem Chúa Jêsus thôi. Có người nói có lẽ Phao-lô ngất trí, không thật chính mắt thấy Chúa. Chúa Jêsus (Giăng 21:1) "hiện ra" và Phao-lô chép đã "từng thấy" Chúa Jêsus (I Cô-rinh-tô 9:1) và "Ngài hiện ra cho tôi xem" (I Cô-rinh-tô 15:8.) Vậy, thực sự nầy là cả về khách quan và chủ quan. Biến động nầy xảy ra cũng rõ như Phao-lô đương sống vậy. Sách Công vụ các sứ đồ chép chuyện nầy ba lần (9:; 22:; 26:) chỉ những tiểu tiết hơi khác: Ðoạn 9 là bài tường thuật sự tích, đoạn 22: chép lý cớ Phao-lô binh vực mình trước đoàn dân tại Giê-ru-sa-lem, và đoạn 26: là lời thân oan trước mặt vuaạ c-ríp-ba. Ðoạn 26: chép chính Chúa Jêsus trực tiếp kêu gọi Phao-lô truyền đạo cho dân ngoại, còn đoạn 9: và 12: là nhờ A-na-nia (ấy chỉ là phụ thêm). Theo nguyên văn Hy-lạp thì 9:7 "nghe tiếng nói" không mâu thuẫn với 22:9 "chẳng nghe tiếng" vì theo văn pháp Hy-lạp sự khác nhau duy ở thuộc cách (cas génitif) và đối cách (cas accusatif), tức theo âm thanh mà chẳng hiểu nghĩa. Findlay nhận rằng sự từng trải hối cải của Phao-lô là một vấn đề về tâm lý và luân lý không thể cắt nghĩa được, ngoài lời của chính Phao-lô về sự thay đổi trong lòng ông: tức Phao-lô thấy Chúa, liền đầu phục Ngài.
3. Hiệu quả của sự hối cải Phao-lô.-- Chỉ trong giây phút, Phao-lô đổi ý thay lòng trở lại vâng phục Chúa, thưa rằng: "Lạy Chúa, tôi phải làm chi?" (Công vụ các sứ đồ 22:10). Ðó "bởi cớ sự chói lói của ánh sáng" Phao-lô không thấy được (22:11), song đã thấy "sự sáng Ngài... để sự thông biết về vinh hiển Ðức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Ðức Chúa Jêsus Christ" (II Cô-rinh-tô 4:6). Cho nên thần của thế gian nầy không thể che mắt ông được nữa. Vì đã thấy Chúa Jêsus thì những sự khác không thể quyến rũ ông được. Quang cảnh Phao-lô đui mù, phải nhờ người khác cầm tay dắt vào thành Ða-mách, thật cảm động dường nào! (Công vụ các sứ đồ 9:8). Mọi sự kiêu căng và quyền thế tiêu tán đi, cùng với sự ham muốn phục thù nữa. Tiếng hung dữ của tên Sau-lơ được tỏ rõ khi A-na-nia vẫn còn sợ dầu có mạng Chúa truyền phán về người (9:10-14). Chắc A-na-nia tưởng Chúa làm cách rất lạ khi lựa chọn Sau-lơ làm đồ dùng để danh Ngài đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên (9:15). Song khi nghe Chúa phán Sau-lơ "phải chịu đau đớn vì danh Ngài" (9:16), thì A-na-nia bấy giờ mới nảy hy vọng, và đi kêu ngay Sau-lơ là anh em. Phao-lô liền được đầy Ðức Thánh Linh, cái chi như cái vảy từ mắt ông rớt xuống, và ông chịu lễ báp-têm. Tình hình Phao-lô từ đó về sau: đối với quyền thế, với địa vị, với tôn vinh của người dòng Do-thái kiêu ngạo vốn có kia. Phao-lô há chẳng quăng hết đi mà theo Người Na-xa-rét hèn mọn sao? Ðối với cuộc tương lai của thế giới, Phao-lô há chẳng có một cái trách nhiệm khác sao? Ban đầu Phao-lô không dám trở về thành Giê-ru-sa-lem ngay, và những người Do-thái-giáo tại Ða-mách bấy giờ không chịu ông nữa. Các tín đồ Ðấng Christ có bằng lòng tiếp rước không? Họ bằng lòng, thì "Sau-lơ ở lại một ngày với các môn đồ tại thành Ða-mách" (9:19). Vả, nhờ A-na-nia làm chứng, Phao-lô được giúp đỡ, nên can đảm vào nhà hội, giảng dạy "Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời" (9:20). Ấy là lời tuyên ngôn trước mặt công chúng, và là sự tin kính mới của Phao-lô. Người Do-thái nghe vậy thì lấy làm lạ lùng, (9:21). Lời giảng dạy "Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời" tức là cái tinh túy sứ mạng Phao-lô (13:; 17:3), là nền tảng của sự từng trải Phao-lô về ơn cứu rỗi. Toàn thể thần đạo của Phao-lô, ngoài sự giải nghĩa sự hối cải tin Chúa của mình, thì có gì khác đâu. Ðây không cần luận đến Phao-lô nay lập tức có hiểu hết sứ mạng mới, song chắc đã thấu hiểu điều cốt yếu rồi.
IV. Công việc của Phao-lô.--
a) Cải tà qui chính. Mới hối cải tin Chúa, dường như trong lòng Phao-lô có sự náo nhiệt, ấy vì về phần trí thức và linh tánh Phao-lô vừa trải qua một phen cải tạo rất lớn. Vậy, trước khi tiến hành, cách khôn ngoan là để thì giờ suy nghĩ về những sự rất quan hệ có thể xảy ra vì cớ từng trải mới nầy. Dầu Lu-ca không chép về thời gian đó, nhưng có thể đặt ở giữa Công vụ các sứ đồ 9:21 và 22. Chính Phao-lô chép về thời gian đó trong Ga-la-ti 1:17, mình "đi qua xứ A-ra-bi, rồi sau trở về thành Ða-mách," ấy để tỏ ra mình độc lập đối với các Sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô không đến cùng Sứ đồ nào để học đạo, hoặc để lãnh quyền hành chức. Phao-lô không chịu theo những lời truyền khẩu về Jêsus là Ðấng Mê-si. Phao-lô tự nhiên biết lẽ đạo Ðấng Christ vì trước hồi gặp Chúa đã từng cãi lẫy nhiều với các tín đồ. Nhưng nay những lý cớ trước đã bỏ rồi, Phao-lô phải quay về mặt khác để có thể làm cho Tin lành mới của mình được tỏ rõ và có sức mạnh. Phao-lô không còn cho Cứu Chúa là Ðấng đáng rủa sả nữa (I Cô-rinh-tô 12:3), song từ đó nhận Ngài là Chúa. Phao-lô kiều ngụ tại A-ra-bi ở đâu, và sống thể nào, không thể biết được. Có lẽ Phao-lô ở núi Si-na-i vì cớ tìm tòi suy gẫm về ơn điển trong bầu không khí của Luật pháp, song cần gì phải làm như vậy. Có thể biết rõ là trong vài năm đó Phao-lô tìm kiếm nghiên cứu nhiều hơn về lẽ cốt yếu thuộc Ðấng Christ, và quả thật từ đó trở đi càng ngày càng đạt tới mục đích đó. Trước sau, bao giờ Phao-lô cũng vẫn chứng rằng: Ðức Chúa Trời "bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo" (Ga-la-ti 1:16). Xét các thơ Phao-lô, thấy lý lẽ mầu nhiệm, gồm ý nghĩa sâu sắc, tỏ bày nguồn gốc ơn cứu rỗi, cốt mở mang không hề lẫn lộn chút nào. Không thể không quyết định ngay khi hối cải, Phao-lô hiểu thấu ý nghĩa và giá trị của thập tự hầu đồng thời với lòng tin chắc có sự sống lại, và Chúa Jêsus là Ðấng Mê-si. Người Do-thái theo khuôn khổ hẹp hòi đó đã dâng mình đầu phục Ðấng Christ là Ðấng chết chuộc tội cả thế gian. Tin lành phổ thông ghi tạc vào lòng và trí, và sẽ hành động rất hiệp lẽ trong Phao-lô. Vậy, thời gian Phao-lô ở A-ra-bi không phải là vô ích. Kịp khi Phao-lô từ A-ra-bi về Ða-mách (Công vụ các sứ đồ 9:22), tức càng thêm vững chắc và nghị lực cũng vậy, nên kết quả ngay. Từ đó, Phao-lô là tôi mọi của Ðấng Christ. Phao-lô biết không phải mình sống nữa, nhưng là Ðấng Christ sống trong mình, vì người cũ đã bị đóng đinh với Ðấng Christ (Ga-la-ti 2:20), vậy hoàn toàn ở trong Ðấng Christ. Tóm lại, chìa khóa cốt yếu của một đời Phao-lô là mình liên hiệp với Ðấng Christ. Sự giao thông với Ðấng Christ như thế là quí hơn lẽ đạo Ngài nhiều. Như vậy, người có lẽ chẳng từng thấy Chúa Jêsus trong xác thịt đã hiểu Ngài hơn hết.
b) Sự phản nghịch với Phao-lô.-- "Còn Sau-lơ lần lần càng thêm vững chí, bắt bẻ những người Do-thái tại thành Ða-mách, mà nói rõ rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ" (Công vụ các sứ đồ 9:22). Trước, Phao-lô chỉ "răn dạy" (9:20); nhưng nay "chứng tỏ" (nguyên văn) Cứu Chúa tức là Ðấng Christ! Lời làm chứng của Phao-lô khéo léo lạ lùng đến nỗi những người Do-thái trước không biết suy nghĩ thế nào sau nổi hung muốn giết đi. Người anh hùng của họ xưa nay đã thành kẻ thù. Những môn đồ trước lánh xa Sau-lơ nay đặt người vào trong cái thúng giòng ra ngoài thành ban đêm, rồi để người đi (9:23). Ấy là khởi đầu chức vụ hoạt động của Phao-lô là người được gọi làm "bình lựa chọn" để đem danh Chúa đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên. Phao-lô không cần về đồng vắng nữa; ông đã hiểu rõ chức vụ, đã có sứ mạng mình và sứ mạng đó chiếm cả lòng ông. Phao-lô trước không tránh Giê-ru-sa-lem vì khinh bỉ, thịt và huyết, nhưng vì không cần các Sứ đồ chỉ dạy nữa, vì sự khải thị thiên thượng đã khiến Phao-lô đem hết quyền lợi và chú hết tâm lực vào đó. Cửa truyền đạo cho dân ngoại chưa mở. Hoặc sớm hoặc muộn, Phao-lô phải đi lên thành Giê-ru-sa-lem để bàn với các vị đầu trưởng về sự truyền đạo khắp thế gian. Sau-lơ biết rằng, vì cớ trước đã phản đối Cứu Chúa thì các môn đồ tại Giê-ru-sa-lem khó khỏi ngờ vực. Tốt hơn là nên đi, song Phao-lô không muốn xin các Sứ đồ ơn nào. Thật ra, Phao-lô đi lên để "làm quen với Sê-pha" (Ga-la-ti 1:18). Cố nhiên, hai người đã biết nhau từ thù nghịch. Song Sau-lơ đến với kẻ thù xưa với sự hòa hảo. Phao-lô cắt nghĩa đặc biệt "không thấy một Sứ đồ nào khác" (Ga-la-ti 1:19). Gia-cơ, em Chúa, dầu đã tiếp kiến, song không phải là một trong số mười hai Sứ đồ. Thử coi Công vụ các sứ đồ 9:26, thấy bấy giờ Phi-e-rơ và Gia-cơ còn sợ Sau-lơ, "không tin là môn đồ." Trước đó ba năm, nếu có nghe sự báo cáo rằng Phao-lô đã hối cải tin Chúa tại Ða-mách, nhưng vẫn khó tin. Mọi sự bắt bớ đã yên, và nay chợt thấy Sau-lơ trở lại Giê-ru-sa-lem, xưng mình là tín đồ. Các môn đồ vẫn sợ rằng biết đâu chẳng là một mưu kế để làm trọn việc xưa. Nếu không có Ba-na-ba cùng đi với để cắt nghĩa, có lẽ Sau-lơ không thể ở chung với Phi-e-rơ 15 ngày. Ba-na-ba là người Hê-lê-nít sanh ở Chíp-rơ, rất tin chuyện Phao-lô thuật là thật, nên dẫn người đến ra mắt các Sứ đồ. Vậy, Phao-lô có dịp tiện giảng Tin lành tại Giê-ru-sa-lem, có lẽ trong các nhà hội xưa ông đã nghe Ê-tiên; song nay chính Phao-lô lại đặt tay mình vào chỗ Ê-tiên mà cãi lẫy với người Do-thái nói tiếng Hy-lạp (9:29) Trong lúc đó, Phao-lô hưởng hạnh phước giao thông với các môn đồ (9:28), cho đến khi người Hê-lê-nít "tìm thế để hại mạng người," như trước Sau-lơ đã xử với Ê-tiên (9:29). Bấy giờ, quang cảnh bắt bớ Sau-lơ cũng giống lúc ở Ða-mách; song Sau-lơ không muốn trốn đi nữa. Trong khi cầu nguyện, Phao-lô ngất trí, thấy Chúa Jêsus phán: "Hãy vội vàng lập tức ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem." Phao-lô nhắc lại số phận của Ê-tiên, song Ngài truyền: "Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa..." (22:17-21). Một người tử vì đạo như Ê-tiên ở đó đủ rồi; vậy các anh em bèn đem ông đến thành Sê-sa-rê (Công vụ các sứ đồ 9:30). Sau-lơ rõ thật được kêu gọi, song bước đầu chức vụ gặp sự không may. Bây giờ Sau-lơ đi đâu?
c) Phao-lô chờ đợi.-- "Các anh em... sai đi đất Tạt-sơ" (9:30). Tại đó có ai hoan nghênh Sau-lơ không? Khi ở Giê-ru-sa-lem, Phao-lô dường như tránh Ga-ma-li-ên và Tòa Công luận, song ở với các tín đồ và truyền đạo cho người Do-thái nói tiếng Hy-lạp. Phàm những người Do-thái đều cho Sau-lơ là người mặc áo trái tức không trung tín với Do-thái-giáo. Dường như không có tín đồ tại Tạt-sơ, miễn là không có tín đồ bị Sau-lơ đuổi khỏi Giê-ru-sa-lem đã tới đó như có người đi đến An-ti-ốt (11:19). Phao-lô không phải là người biếng nhác, sợ khó: dầu ở trong thời kỳ tối tăm, mà vẫn hoạt động trong các miền tại xứ Sy-ri và Si-li-si (Ga-la-ti 1:21). Mặc dầu những người ở Ða-mách và Giê-ru-sa-lem không muốn nghe, nhưng có lẽ mọi người ở Si-li-si và Sy-ri là nơi quê hương, rất muốn tiếp nhận. Không biết Phao-lô chỉ giảng cho người Do-thái hay cả dân ngoại nữa. Sau-lơ đã được kêu gọi đặc biệt giảng cho dân ngoại, nhưng giảng cho người Do-thái trước, dân ngoại sau, cũng được chớ sao? Phao-lô không cần phải thắng sự quá ngần ngại về việc mình làm như Phi-e-rơ. Khi sau giảng tại An-ti-ốt với Ba-na-ba, Phao-lô dường như thông thạo việc rồi. Có lẽ trong khoảng tám hoặc mười năm khởi đầu chức vụ tại Tạt-sơ đó, Phao-lô được kết quả nhiều mà ta không biết. Phao-lô cho rằng công việc mình tại miền đó xong rồi, vì ngoài An-ti-ốt xứ Sy-ri, thì trong cuộc lưu hành thứ hai, Phao-lô chỉ đến để làm cho bền vững các Hội Thánh thôi (Công vụ các sứ đồ 15:41). Có lẽ các Hội Thánh đó là bông trái nảy ra từ thời gian khởi đầu chức vụ. Trong chuyến đó cũng có người ngoại tin Chúa vì trong thơ từ giáo hội nghị tại Giê-ru-sa-lem có "gởi lời chào thăm anh em trong những người ngoại tại An-ti-ốt, trong xứ Sy-ri và Si-li-si" (Công vụ các sứ đồ 15:23). Si-li-si bấy giờ là thuộc tỉnh Sy-ri của đế quốc La-mã. Không biết cha mẹ của Phao-lô có thuận tình cho con mình thay đổi tin tưởng. Người ta đoán cha mẹ Phao-lô cho con đi học trường Ga-ma-li-ên, tưởng con sẽ nối nghiệp nhà, không ngờ con trở theo Chúa Jêsus, người Na-xa-rét. Vậy có lẽ Phao-lô bị đuổi ra khỏi nhà nên Phao-lô mới thốt ra lời khuyên cha mẹ chớ chọc giận con cái mình (Ê-phê-sô 6:4). Thật cũng là sự thử luyện đức tánh khi mọi cửa đều đóng chặt. Song Phao-lô đổi sự thất bại trở nên sự thành công vinh hiển.
d) Dịp tiện.-- Phần nhiều học giả nói: (II Cô-rinh-tô 12:1-9) chép về Phao-lô được sự khải thị, tức Phao-lô được đem lên đến từng trời thứ ba, là việc xảy ra trước khi đến thành An-ti-ốt. Nếu xét niên đại thì việc đó tính từ khi Phao-lô đi Giê-ru-sa-lem 56 S.C. trừ đi 14 năm thì biết được sự khải thị đó vào năm 42 S.C.. Trước khi đi Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã ở An-ti-ốt một năm (Công vụ các sứ đồ 11:29.) Có người tưởng Phao-lô được sự khải thị trước khi nghe tiếng kêu gọi đến An-ti-ốt; có người tưởng sau. Mặc dầu, Phao-lô đã thấy dị tượng và được cất lên, và cái giằm xóc trong xác thịt buộc phải hạ mình, trước khi đến thành An-ti-ốt theo lời khuyên mời của Ba-na-ba. Chắc công việc Phao-lô tại xứ Sy-ri và Si-li-si đã kết quả vài phần; và Si-li-si đã kết quả vài phần; Ðức Chúa Trời đã đóng dấu ban ơn trên việc đó giữa dân ngoại. Nhưng Phao-lô chán nản, vì thái độ lãnh đạm của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đối với việc mình, dường như muốn bỏ một mình ông làm riêng. Cảm giác đó mới cắt nghĩa bằng giọng nói đến sự quan thiệp với các Sứ đồ như tỏ ra trong Ga-la-ti 1:11-24. Trong giọng nói đó, không có sự cay đắng chỉ có sự ngạc nhiên không hiểu. Dường như lúc đó, 12 Sứ đồ vắng mặt, chỉ có Gia-cơ, em Chúa làm đầu trưởng tại Giê-ru-sa-lem. Trong Hội Thánh đó, có một số tín đồ Do-thái theo chủ nghĩa hẹp hòi của người Pha-ri-si, nên họ đối với dân ngoại đặt cái hàng rào ngăn cách rất nghiêm nhặt. Ấy được tỏ ra khi Phi-e-rơ từ Sê-sa-rê về đến Giê-ru-sa-lem, liền bị số đông vặn hỏi (Công vụ các sứ đồ 11:1-18.) Dầu họ cho việc Phi-e-rơ làm đối với Cọt-nây là phải, nhưng có ý là một trường hợp đặc biệt của việc Chúa. Bởi đó họ vẫn nghi ngại sự giảng Tin lành cho người Hy-lạp tại An-ti-ốt, nên sai Ba-na-ba đến tra xét và trình lại (11:19-22). Nhưng Ba-na-ba là người Hê-lê-nít không hiệp với quan thiệp hẹp hòi của số tín đồ Do-thái đó tại Giê-ru-sa-lem (11:2), vì Ba-na-ba thấy Chúa ban ơn tại An-ti-ốt thì lấy làm thỏa lòng lạ lùng (11:23). Có lẽ vì nhớ lại cách họ thử sửa trị Phi-e-rơ, nên Ba-na-ba không trở về Giê-ru-sa-lem vội. Vả Ba-na-ba tin cậy Phao-lô và công việc người, nên mới cho Phao-lô dịp tiện lớn giảng tại An-ti-ốt. Vậy, hai anh em cùng hầu việc Chúa ở An-ti-ốt: Trong một năm hái được kết quả rất tốt đẹp (11:26.) Vì số tín đồ thêm lên rất đông, nên nhận lấy một số tên mới để phân biệt với dân ngoại và người Do-thái. Nhưng danh từ "Cơ-rê-tiên" (Chrétien, tức Cơ đốc nhân) một hồi lâu không được phổ thông. Hội Thánh Hy-lạp lớn thành lập ở An-ti-ốt, có lẽ bấy giờ không kém gì Hội Thánh Do-thái ở Giê-ru-sa-lem. Lời A-ga-bút nói tiên tri sẽ có cơn đói kém được ứng nghiệm, ấy làm dịp tốt để cho Ba-na-ba và Sau-lơ có cớ trở về Giê-ru-sa-lem cũng đem theo tiền lạc quyên, "mỗi người tùy sức riêng mình." Từ Hội Thánh Hy-lạp gởi đến giúp Hội Thánh Do-thái tại Giê-ru-sa-lem (11:29,30). Số tiền lạc quyên nầy giúp đỡ các tín đồ tại Giê-ru-sa-lem hiểu rõ những tín đồ Hy-lạp thật lòng theo Chúa.
đ) Cuộc lưu hành truyền đạo thứ nhứt của Phao-lô.-- (Công vụ các sứ đồ 13: và 14:, 47-48 S.C.). Phao-lô đã giảng đạo độ 10 năm tại xứ Si-li-si cho dân ngoại nên đã quen rồi. Lần trước, ở Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã được kêu gọi đặc biệt liền vâng mạng ngay. Nhưng lần nầy có một một hoàn cảnh mới khác hẳn trước. Lần trước, chỉ một mình Phao-lô làm ở Si-li-si. Lần nầy, Ðức Thánh Linh chỉ bảo đặc biệt Hội Thánh phải để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ cùng làm việc (Công vụ các sứ đồ 13:2). Hai người phải đồng đi, và có Hội Thánh lớn đồng tình và cầu nguyện cho. Ðặt tay trong 13:3 có lẽ không có nghĩa "phong chức," song là một việc từ biệt và chúc phước cho hai nhà truyền giáo lúc đi giảng khắp thế gian bấy giờ. Chắc tại Giê-ru-sa-lem Hội Thánh Do-thái không thể đều hiệp ý như vậy. Cho đến nay, việc truyền đạo cho dân ngoại là bất thường và tạm thời. Không rõ Hội An-ti-ốt có lo liệu phần tài chánh như sau Hội Thánh Phi-líp có trợ cấp; song vì Phao-lô biết nghề may trại nếu cần có thể tự kiếm nuôi thân. Có Giăng Mác cùng đi "để giúp cho" (13:5), có lẽ vì là em họ của Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10). Lẽ tự nhiên là mấy anh em thăm viếng Chíp-rơ là quê hương Ba-na-ba. Ðảo đó gần và bấy giờ đã có tín đồ rồi (Công vụ các sứ đồ 11:20). Mấy anh em đến thành Sa-la-min giảng trước nhứt trong các nhà hội người Do-thái (13:5). Không thấy Kinh Thánh chép về kết quả và đường đi suốt đảo đến Ba-phô. Tại đó, anh em gặp quan trấn thủ La-mã tên là Sê-giút Phau-lút, là người danh tiếng và thông minh. Quan nầy muốn nghe đạo Chúa, nhưng đang ở dưới quyền mê hoặc của một thuật sĩ là Ê-ly-ma, tên Do-thái là Ba-Giê-su (so truyện Phi-e-rơ với thuật sĩ Si-môn, 8:9-24). Ðể dẫn quan nầy trở nên tín đồ Ðấng Christ, Phao-lô nhờ "quyền Chúa ban cho" là phép lạ mà phạt Ba-Giê-su mù mắt (13:11 so I Cô-rinh-tô 5:4 và II Cô-rinh-tô 13:10). Từ đây trong sách Công vụ các sứ đồ chép tên Phao-lô thế cho Sau-lơ, dầu có lẽ từ trước đã có cả hai tên. Từ đó về sau, trong sách Công vụ các sứ đồ đều đặt tên Phao-lô đứng đầu, như chép "Phao-lô với dồng bạn mình" (Công vụ các sứ đồ 13:13). Ðối với các việc đó, không có chứng cớ Ba-na-ba không chịu Phao-lô đứng đầu như thế. Khi Phao-lô với đồng bạn đến Bẹt-giê, Giăng Mác trở về Giê-ru-sa-lem (nhà mình) không phải An-ti-ốt xứ Sy-ri. Phao-lô và Ba-na-ba cứ đi đến thành An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi (13:14), sau lại đến Y-cô-ni (13:51), Lít-trơ (14:8), và Ðẹt-bơ (14:20), là các thành xứ Ly-cao-ni thuộc phía Nam tỉnh Ga-la-ti của đế quốc La- mã. Anh em giảng đạo ở đó được nhơn dân hoan nghinh lắm. Trong các thành nầy, trên đường cái La-mã lớn từ Ðông sang Tây, Phao-lô có dịp tiện giảng cho các người ở thành thị như sau thường làm. Tại An-ti-ốt xứ Bi-si-đi, nghe Phao-lô diễn giảng thì các tín đồ sốt sắng mời đến ngày Sa-bát sau giảng lời đó nữa (Công vụ các sứ đồ 13:42). Bấy giờ, dân ngoại tin theo đông lắm. Người Do-thái thấy vậy, sanh lòng ghen ghét, thờ những phụ nữ sang trọng trong thành nổi lên chống nghịch. Vì người Do-thái phản đối như thế, thì Phao-lô và Ba-na-ba "mới xây qua người ngoại" (13:46). Họ lại xui giục các bậc trưởng thượng đuổi hai Sứ đồ ra khỏi phần đất mình (13:50). Sau đến thành Y-cô-ni cũng lại như vậy. Khi mới đến Lít-trơ, vì Phao-lô chữa lành cho một người liệt chơn, nên kẻ tin theo Ngài càng thêm đông, đến nỗi có kẻ nhận lầm Phao-lô là thần Mẹt-cu-rơ và Ba-na-ba là thần Giu-bi-tê, và muốn thờ lạy. Phao-lô phải hết sức phân giải việc đó (14:15-18). Chẳng dè, người Do-thái đến từ An-ti-ốt và Y-cô-ni, xui giục dân chúng ném đá Phao-lô: ông té xuống đất thiếu điều bỏ mạng! Khi các môn đồ nhóm quanh, thì Phao-lô thình lình vùng dậy. Có lẽ Ti-mô-thê, con của Phao-lô sanh bởi Tin lành, bấy giờ cũng ở trong số đó. Phao-lô bèn cùng đồng bạn mình đi Ðẹt-bơ, sau đó lại theo đường cũ trở về Lít-trơ, Y-cô-ni và An-ti-ốt, để giục các môn đồ vững lòng và khiến lựa chọn trưởng lão trong mỗi Hội Thánh. Kế đó, hai Sứ đồ đến xứ Bam-phi-li, giảng tại thành Bẹt-giê, xuống thành Át-ta-li, rồi mới chạy buồm về thành An-ti-ốt xứ Sy-ri. Tại đó, trước mặt Hội Thánh, hai Sứ đồ thuật lại mọi việc Ðức Thánh Linh đã cậy mình làm, và thế nào Ngài mở cửa đức tin cho người ngoại; song không báo cáo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (14:27). Vậy, số tín đồ vẫn giữ theo luật Pha-ri-si sẽ làm gì?
e) Sự tranh luận tại Giê-ru-sa-lem.-- (Công vụ các sứ đồ 15:; Ga-la-ti 2:, vào năm 49 S.C.). Thơ Ga-la-ti gởi cho các Hội Thánh Bi-si-đi và Ly-cao-ni kể ở trên, nếu thật viết trước kỳ Ðại hội nghị tại Giê-ru-sa-lem, thì không để lại đủ thì giờ để Phao-lô đến đó lần thứ hai (Ga-la-ti 4:13), và những tín đồ tôn sùng Do-thái-giáo từ Giê-ru-sa-lem và An-ti-ốt buộc phải theo sát gót Phao-lô và Ba-na-ba (Ga-la-ti 1:6; 3:1). Vả lại, nếu trước đã quyết định vấn đề đó hiệp với ý kiến Phao-lô (Công vụ các sứ đồ 11:30), thì dường như không cần đem vấn đề đó đến Giê-ru-sa-lem lần thứ hai (Công vụ các sứ đồ 15:2). Trong cả đoạn Công vụ các sứ đồ 15: không nói đến có hội nghị nhóm tại Giê-ru-sa-lem trước để luận vấn đề nầy, dầu Phi-e-rơ đã tự thuật về việc ở Sê-sa-rê (15:9), và Gia-cơ trong 21:25 nói đến chép ở thơ 15:23-29 cho người ngoại được hưởng tự do về sự tin theo tôn giáo. Vậy, biết sự chép ở đoạn 15: nầy là việc mới, tức là việc kẻ theo chủ nghĩa Do-thái công kích địa vị Phao-lô và Ba-na-ba. Họ công kích như vậy là vì kết quả lớn cuộc lưu hành truyền đạo thứ nhứt nầy giữa dân ngoại. Họ sợ mất địa vị làm đầu, nên hùa nhau lên phản đối. Họ trước hết giống Phi-e-rơ (10:) tưởng rằng dân ngoại tin Chúa cũng sẽ trở nên người Do-thái. Song phe tín đồ giữ phép cắt bì phản đối việc làm của Phi-e-rơ ở Sê-sa-rê (11:1), và miễn cưỡng nhận là công việc Chúa (11:18). Lại vì các tín đồ Hy-lạp ở Hội Thánh An-ti-ốt có gởi tiền lạc quyên giúp Hội Giê-ru-sa-lem, nên họ gượng nhận làm đồng môn (11:19,29). Nhưng ý họ vẫn không thuận việc lưu hành truyền đạo cho người dân ngoại nên họ vội đến An-ti-ốt để ngăn trở. Họ đi đó vì sợ có lẽ Phao-lô không trở về Giê-ru-sa-lem như Ba-na-ba lần trước (11:). Không phải Phao-lô và Ba-na-ba muốn cãi lẫy: vì cớ đã nhận mạng lịnh của Ðức Thánh Linh sai đi truyền đạo cho dân ngoại, cũng vì cớ không muốn tín đồ giữa dân ngoại mất sự tự do trong Ðấng Christ bởi bị bó buộc phải theo luật Môi-se chịu phép cắt bì. Phao-lô đã thoát khỏi cái ách Luật pháp, há nỡ lại đem mà trói buộc tín đồ dân ngoại sao? Chính thể yếu của Tin lành ơn điển quan thiệp đến vấn đề nầy. Phao-lô nói về mình đi Giê-ru-sa-lem rằng: "Tôi vâng theo lời tỏ ra mà lên đó" (Ga-la-ti 2:2). Lu-ca chép: "Hội An-ti-ốt nhứt định Phao-lô và Ba-na-ba với mấy người trong bọn kia đi lên thành Giê-ru-sa-lem" (Công vụ các sứ đồ 15:2). Hai câu đó không mâu thuẫn nhau, vì Ga-la-ti chép việc cá nhơn của Phao-lô và Công vụ các sứ đồ chép việc chung của Hội Thánh. Còn về việc nhóm họp ở Giê-ru-sa-lem, Lu-ca trước hết chép về Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại việc làm (15:4); rồi nói đến tín đồ đảng Pha-ri-si cãi lẫy ngay muốn tín đồ dân ngoại giữ phép cắt bì theo Luật Môi-se (15:5). Dường như bấy giờ hoãn lại sự nhóm họp chung, vì trong 15:6 chép các Sứ đồ và các trưởng lão bèn nhóm họp bàn riêng về vấn đề đó. Trong khoảng nầy, Phao-lô, Ba-na-ba, Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ bàn riêng với nhau một lần rồi (Ga-la-ti 2:1-10). Khi bàn riêng, có anh em nhút nhát khuyên Phao-lô chớ giữ ý kiến định sẵn nữa, song hãy cho Tít, là người Hy-lạp tin Chúa mà Phao-lô đem đến từ thành An-ti-ốt, chịu phép cắt bì để vừa lòng tín đồ phái Pha-ri-si. Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba cốt giữ chơn lý, không chịu, và Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đứng lên giúp sức. Hội nghị lần đó quyết định cứ phái Phao-lô và Ba-na-ba cứ truyền đạo cho dân ngoại, còn Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ vẫn cứ thúc giục việc Ngài giữa vòng người Do-thái. Ðó là sự bàn riêng lần thứ nhứt giữa Phao-lô và các Sứ đồ, và mọi người cũng hiệp một ý. Những tín đồ đảng Do-thái không thể có hy vọng nhờ các Sứ đồ giúp nữa! Vậy, Phao-lô được đắc thắng trong cuộc bàn riêng đó. Trong cuộc nhóm họp chung lần thứ hai (15:7-29), không một ai phản đối sự tự do của dân ngoại tin Chúa nữa. Bấy giờ Phi-e-rơ tỏ ra thể nào Ðức Chúa Trời đã dùng mình đi truyền đạo cho người La-mã, và thế nào chính người Do-thái phải tin cậy Ðấng Christ để được cứu, chớ không phải bởi giữ theo Luật pháp. Phi-e-rơ phản đối ý gán cho tín đồ dân ngoại một cái ách mà những người Do-thái từ xưa đến nay chưa từng mang nổi. Cả hội nghị đều lẳng lặng sau khi Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại những phép lạ Chúa cậy mình làm giữa người ngoại. Sau sự yên lặng nữa, Gia-cơ, chủ tọa hội nghị, em Chúa Jêsus, người Do-thái lòng vững chắc, cất tiếng, lấy A-mốt 9:11 tỏ ra có lời tiên tri hứa từ lâu Ðức Chúa Trời sẽ ban phước cho dân ngoại cầu khẩn danh Ngài. Gia-cơ gợi ý nên để cho dân ngoại tin Chúa được tự do; "song khá viết thơ dặn họ kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng, sự tà dâm, sự ăn thịt thú vật chết ngột và huyết." Cả hội nghị đều hiệp ý quyết định sai Ba-na-ba và Si-la cùng đi với Phao-lô và Ba-na-ba đến thành An-ti-ốt, rồi giao cho hai người cùng đi đó một bức thơ. Trong thơ đó, gởi gắm Ba-na-ba và Phao-lô là "kẻ rất yêu dấu," không chịu trách nhiệm về những tín đồ đảng Do-thái đến khuấy rối Hội An-ti-ốt, và "ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác ngoài những điều cần dùng." Hội Thánh An-ti-ốt đọc thơ đó ai cũng vui mừng và được yên ủi (15:30-35). Không bao lâu, Phi-e-rơ tới An-ti-ốt, giao thông mật thiết với Phao-lô và Ba-na-ba trong việc Ngài giữa dân ngoại một cách tự do như trước đã làm song hơi e ngại tại nhà Cọt-nây. Sau có người từ Gia-cơ đến (Ga-la-ti 2:12), có lẽ dọa Phi-e-rơ rằng: khi về Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh sẽ lại vặn hỏi nữa (Công vụ các sứ đồ 11:2). Song cứ xét theo 15:24, thì lời đó không phải thật vì Phao-lô và Gia-cơ ở hội nghị Giê-ru-sa-lem cũng hiệp ý với nhau (15:19 và Ga-la-ti 2:9). Ðều cãi lẽ thật phen nầy là sự đi lại ăn uống với dân ngoại mà hội nghị chưa bàn đến; như vậy, Phi-e-rơ đã đi quá điều hội nghị đã quyết định. Vì sợ những kẻ chịu phép cắt bì, Phi-e-rơ đương ăn chung với người ngoại vộ lui đứng riêng ra. Các người Do-thái khác cũng bắt chước Phi-e-rơ đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị dẫn dụ bởi sự giả hình của họ (Ga-la-ti 2:12,13). Vì vậy, Phao-lô sợ sắp mất kết quả đắc thắng trước của mình nên can ngăn và cự Phi-e-rơ về cách ăn ở giả hình (2:11-14). Thật là một việc quan hệ cực điểm. Phi-e-rơ không thay đổi ý định mình, song lần nữa gặp sự nguy hiểm thì sợ. Vậy, Phao-lô kéo Ba-na-ba và Phi-e-rơ hiệp với mình, và nhơn dịp tỏ ra bởi giữ luật pháp mà được xưng công nghĩa thì Ðấng Christ chịu chết là vô ích (Ga-la-ti 2:21). Song những tín đồ đảng Do-thái đã tranh luận lần nữa, và sẽ cứ theo đuổi cuộc tranh chiến với Phao-lô để hủy hoại việc Phao-lô ở khắp thế gian.
g) Cuộc lưu hành truyền đạo thứ nhì của Phao-lô.-- (Công vụ các sứ đồ 15:36-18:22; I và II Tê-sa-lô-ni-ca, vào năm 49-51 hoặc 52 S.C.) Phao-lô ở An-ti-ốt xứ Sy-ri hơn một năm, chịu cảm động đi truyền đạo lần nữa. Mặc dầu Ba-na-ba trước bị lay động khác ý với mình (Ga-la-ti 2:13), Nhưng Phao-lô lại muốn Ba-na-ba đồng đi (Công vụ các sứ đồ 15:36). Ba-na-ba cố ý muốn dẫn Giăng Mác đi cùng, nhưng Phao-lô không chịu vì người trước đã lìa hai Sứ đồ tại thành Bẹt-giê. Bởi đó có sự cãi lẫy nhau dữ dội đến nỗi phân rẽ nhau. Ba-na-ba đem Mác cùng mình sang đảo Chíp-rơ, còn Phao-lô chọn Si-la, "và nhờ anh em giao phó mình cho ân điển Chúa" mà đi (15:37-40). Sau đó, sách Công vụ các sứ đồ chỉ chép công việc của Phao-lô thôi, chớ không chép về Ba-na-ba (so I Cô-rinh-tô 9:6). Phao-lô cùng với Si-la đi một dãy xứ Sy-ri và xứ Si-li-si làm cho vững vàng các Hội Thánh (Công vụ các sứ đồ 15:41). Hai anh em qua cửa Si-li-si đến Ðẹt-bơ là thành chót của cuộc lưu hành thứ nhứt, rồi từ đó đi đến Lít-trơ; tại đó, gặp Ti-mô-thê mà Phao-lô đem theo thay cho Mác. Vì mẹ Ti-mô-thê là người Do-thái và cha có quốc tịch Hy-lạp nên Phao-lô quyết cho Ti-mô-thê chịu phép cắt bì, ấy vì sợ người Do-thái chán bỏ chăng. Nhưng trường hợp đó là khác với Tít, vì việc Tít có quan hệ đến sự tín ngưỡng, còn Ti-mô-thê thì thuận tiện về mặt việc làm. Phao-lô đã đề phòng đem theo các điều hội nghị Giê-ru-sa-lem biểu quyết kẻo có cần. Vậy, Phao-lô giao lại các điều biểu quyết đó cho các Hội Thánh. Nên chú ý, thấy trong I Cô-rinh-tô 8:-10: và Rô-ma 14: và 15:, khi luận đến đối với ăn thịt cúng thần tượng, Phao-lô không nhắc đến các điều biểu quyết đó, nhưng chỉ nhờ những nguyên lý mà thôi. Các tín đồ đảng Do-thái không làm theo những điều đó, nhưng Phao-lô giữ lòng trung tín nhứt định theo. Kết quả việc nầy có lợi cho các hội được vững vàng trong đức tin và số người càng ngày càng thêm lên (Công vụ các sứ đồ 16:4,5).
Lần nầy ông vốn không có ý dừng bước tại chính xứ Ga-la-ti, song vì lâm bịnh phải ở lại đó (Ga-la-ti 4:13). Có lẽ Lu-ca hay tin liền đến để giúp đỡ Phao-lô. Khi lành mạnh, Phao-lô tới gần My-si rồi, và sắp sửa vào xứ Bi-thi-ni ở phía Bắc xứ Ga-la-ti, nhưng Ðức Thánh Linh không cho phép bèn kíp xuống thành Trô-ách (Công vụ các sứ đồ 16:7,8). Lu-ca cùng đi với Phao-lô (xin chú ý "chúng ta" trong 16:10). Trong dị tượng thấy người Ma-xê-đoan mời đến giảng đạo. Phao-lô liền lìa khỏi châu Á mà đi truyền đạo trong các nơi như Phi-líp Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, và Cô-rinh-tô ở châu Âu. Cuối cùng Tin lành được rao giảng trong hai tỉnh lớn là Ma-xê-đoan và A-chai. Tình hình ở Phi-líp thế nào có thể xét ở Công vụ các sứ đồ 16:12-40; tình hình ở Tê-sa-lô-ni-ca, xét 17:1-10; ở Bê-rê, xét 17:11-15; ở A-thên và Cô-rinh-tô, xét 17:16-34 và 18:. Khi Phao-lô ở Cô-rinh-tô, tức là sau lúc Ti-mô-thê và Si-la đã tới nơi, Phao-lô có viết hai thơ gởi cho người Tê-sa-lô-ni-ca, tưởng không cách nhau bao lâu. Trong đó, điều rất đáng chú ý là sự Chúa tái lâm và sự người tội ác phải hiện ra. Phao-lô gởi thơ thứ hai để sửa chữa những sự hiểu lầm của tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca. Tại Cô-rinh-tô, Phao-lô gặp hai người tín đồ vừa bị đuổi khỏi La-mã bởi Cơ-lốt là A- qui-la và Bê-rít-sin cùng làm nghề may trại nên ở chung với nhau. Hồi đó, thấy quyền thế của đế quốc La-mã đã lên tới cực điểm, Phao-lô biết trước rằng tương lai sẽ có cuộc tranh giành lớn giữa đế quốc đó và nước Ðức Chúa Trời, nên thường dạy dỗ về sự mặc thị của sự sống tương lai. Sau lìa thành Cô-rinh-tô, Phao-lô cùng A-qui-la và Bê-rít-sin đi đến Ê-phê-sô. Lúc lìa Ê-phê-sô, Phao-lô hứa sẽ lại đến, rồi đi Sê-sa-rê, lên thành Giê-ru-sa-lem lần thứ tư chào mừng Hội Thánh (Công vụ các sứ đồ 18:22), sau lại xuống An-ti-ốt. Chuyến qua lại nầy lâu độ ba hoặc bốn năm.
h) Cuộc lưu hành truyền đạo thứ ba của Phao-lô.-- (Công vụ các sứ đồ 18:23-21:14; I và II Cô-rinh-tô; Ga-la-ti; Rô-ma, vào năm 52-57 hoặc 53-58 S.C.). Cứ theo Công vụ các sứ đồ 18:23, thì Phao-lô ở "ít lâu" tại An-ti-ốt, xứ Sy-ri. Denney viết: "Cớ Phao-lô không ở lâu tại Giê-ru-sa-lem (xem ở trên) là vì tại đó những tín đồ đảng Do-thái nhơn dịp các Sứ đồ vắng mặt mà tổ chức sự phản đối Phao-lô, nên Phao-lô không vui mà ở đó." Lại thêm: "Những tín đồ đảng Giu-đa đã được thơ gởi gắm từ Hội Thánh Giê-ru-sa-lem" (II Cô-rinh-tô 3:1), liền sai đồng đảng họ đi đến Cô-rinh-tô và Ga-la-ti truyền "Tin lành khác" phạm vị rất hẹp, chỉ riêng của quốc dân Do-thái thôi mà Phao-lô không hề giảng (Ga-la-ti 1:6; II Cô-rinh-tô 11:4). Có người nói truyện đã kể ở trên về mấy người của Gia-cơ sai đến dọa Phi-e-rơ (Ga-la-ti 2:12) thật xảy ra trước khi Phao-lô lưu hành truyền đạo lần thứ ba.
Phao-lô ra đi chuyến nầy dường như có một mình, trừ ra Ti-mô-thê trở lại, nhưng chỉ có chứng cớ Ti-mô-thê ở với Phao-lô tại Ê-phê-sô (Công vụ các sứ đồ 19:22.) Về Si-la thì ở đâu? Phao-lô có "trải lần lần khắp trong xứ Ga-la-ti và xứ Phi-ri-gi, làm cho hết thảy môn đồ đều vững lòng: (18:23). Trái với trật tự trong 16:6 chép "qua xứ Phi-ri-gi và đất Ga-la-ti." Theo phái học giả ở Bắc Ga-la-ti nói: "Phao-lô qua bởi phía Bắc xứ Ga-la-ti và trải qua xứ Ga-la-ti chính, và xứ Phi-ri-gi, rồi theo đường phía Tây mà đến Ê-phê-sô." Lu-ca chép thêm: "Phao-lô đã đi khắp cả miền trên, rồi xuống thành Ê-phê-sô" (Công vụ các sứ đồ 19:1). Trước khi Phao-lô đến Ê-phê-sô, A-bô-lô đã truyền đạo ở đó rồi (Công vụ các sứ đồ 18:24-28). A-qui-la và Bê-rít-sin cũng sắp sửa lìa đó. Về sau, A-bô-lô đi qua Cô-rinh-tô, song vô tình gây bè đảng tại đó (I Cô-rinh-tô 1:4), liền lìa đó mà đi nơi khác, dầu Phao-lô có khuyên A-bô-lô về, song người không khứng (I Cô-rinh-tô 16:12). Ở luôn ba năm theo số chẵn, Phao-lô giảng đạo tại Ê-phê-sô là thời đầy dẫy sự rối reng và lo ngại vì việc tại đó và tại Cô-rinh-tô. Lúc vừa đến, Phao-lô liền gặp vài tín đồ mới chịu lễ báp-têm của Giăng Báp Tít thôi, song không biết những lẽ cốt yếu của Giăng dạy dỗ về sự ăn năn, Chúa Jêsus và Ðức Thánh Linh (Công vụ các sứ đồ 19:2-7). Trong ba tháng, Phao-lô dạn dĩ giảng đạo trong nhà hội, người nghe cứng lòng không tin, đến nỗi phải lìa nhà hội mà tới trường học Ti-ra-nu dạy dỗ trong hai năm (19:8-10). Nhờ đó, "mọi người trong cõi A-si, hoặc người Do-thái hay người Hy-lạp đều nghe đạo Chúa," "Chúa dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người để trên các kẻ đau yếu, thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỉ dữ" (19:11,12). Phao-lô phản đối với mấy thầy trừ quỉ là người Do-thái, mạo kêu danh Chúa Jêsus mà đuổi quỉ. Kết quả là "lắm người trước theo nghề phù phép đem sách vở mình đốt trước mặt thiên hạ" (19:19). Bấy giờ, Ê-phê-sô là thành sở tại của các xứ thờ nữ thần Ði-anh (Công vụ các sứ đồ 19:23-41), nên "có sự loạn lớn sanh ra vì cớ đạo Tin lành." Ðê-mê-triu xui giục cả thành dấy loạn nghịch cùng Phao-lô và môn đồ khó giữ Phao-lô đừng đi tới rạp hát. Ðây cũng như tại Cô-rinh-tô một quan La-mã (viên thơ ký), binh vực Phao-lô khỏi kẻ thù nghịch. Dầu khỏi sự chết, song Phao-lô dường như đau ốm gần chết (II Cô-rinh-tô 1:9). Phao-lô đã định ý dự Lễ Ngũ Tuần tại Ê-phê-sô (I Cô-rinh-tô 16:8); song vì cớ kẻ phản đối, Phao-lô buộc phải bỏ đi sớm hơn. Bấy giờ, lòng Phao-lô đối với Hội Thánh Cô-rinh-tô rất sốt sắng, vì người nhà Cơ-lô-ê có thuật thế nào người tín đồ đảng Do-thái tranh giành ở đó về Phao-lô, A-bô-lô và Phi-e-rơ (I Cô-rinh-tô 1:10-17). Phao-lô đã gởi thơ dạy dỗ Hội Thánh Cô-rinh-tô. Tiếc rằng nay thơ đó lạc mất (I Cô-rinh-tô 5:9). Họ cũng gởi thơ cho Phao-lô (I Cô-rinh-tô 7:1), và sai người đến gặp Phao-lô (I Cô-rinh-tô 16:17). Phao-lô có sai Ti-mô-thê dàn xếp việc tranh giành đó, nhưng dường như không kết quả (I Cô-rinh-tô 4:17; 16:10). Mùa Xuân năm 56 S.C., Phao-lô chép thơ I Cô-rinh-tô (II Cô-rinh-tô 2:12,13). Coi II Cô-rinh-tô 2:3 dường như Phao-lô cũng viết một thơ khác giao cho Tít đem đi (II Cô-rinh-tô 2:3). Bỏ Ê-phê-sô thình lình như thế, Phao-lô đến Trô-ách trước ngày hẹn, nhưng vì trong lòng không yên nên không thể chờ lâu ở đó, vậy cứ đi đến Ma-xê-đoan, thì gặp Tít mà được nghe rõ tình hình xấu và tốt (II Cô-rinh-tô 2:12; 7:5-13). Phao-lô được yên ủi ngay, lại được đầy lòng trông cậy và vui vẻ (II Cô-rinh-tô 2:14). Phao-lô viết một bức thơ gởi cho một số đông giáo hữu tại hội Cô-rinh-tô vâng phục mình, và giao cho họ việc lo cứu giúp Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (II Cô-rinh-tô 8: và 9:). Khi ở Ê-phê-sô, Phao-lô có phái Ti-mô-thê về Ê-rát sang xứ Ma-xê-đoan trước mình (Công vụ các sứ đồ 19:22). Phao-lô lại sai Tít đem thơ đến Cô-rinh-tô là thơ II Cô-rinh-tô. Trong thơ đó, Ti-mô-thê cũng gởi lời chào thăm. Vài đoạn cuối thơ (tức II Cô-rinh-tô 10:-13:), Phao-lô đối đáp cùng một số ít người còn phản đối mình để binh vực chức Sứ đồ mình. Phao-lô đợi chờ ít lâu trước khi đi Cô-rinh-tô là có ý muốn cho những kẻ phản đối có dịp ăn năn. Trong khoảng đó, có lẽ Phao-lô đi qua miền I-ly-ri (Rô-ma 15:19), rồi tiện đường đi đến Hy-lạp kiều ngụ ba tháng (Công vụ các sứ đồ 20:2). Bấy giờ chừng cuối mùa Ðông năm 56 hoặc 57 S.C..
Ðã lâu, Phao-lô mong có dịp sang thăm thành La-mã. Khi ở Ê-phê-sô, Phao-lô đã định sau khi đem món tiền lạc quyên của các Hội Thánh A-si, Ga-la-ti, A-chai, và Ma-xê-đoan đến Giê-ru-sa-lem rồi, thì sẽ sang La-mã. Phao-lô rất mong rằng món tiền giúp đó sẽ cảm động được những tín đồ ở Giê-ru-sa-lem, như món tiền hội An-ti-ốt trước đã làm vậy (Công vụ các sứ đồ 11:29). Về chương trình lưu hành truyền đạo, Phao-lô đã hơi thay đổi, song không đổi mục đích đến Giê-ru-sa-lem rồi vượt biển qua La-mã. Trong khi đợi chờ tại thành Cô-rinh-tô, Phao-lô viết một bức thơ dài và quan hệ hơn hết cho các thánh đồ tại La-mã, tại đó bày tỏ Tin lành của mình rất đầy đủ, vì trừ mấy bạn tâm phúc của Phao-lô đến đó từ phương Ðông, họ chưa từng nghe Phao-lô dạy dỗ trực tiếp (Rô-ma 16:) Phao-lô biết trước khi đến Giê-ru-sa-lem sẽ gặp nỗi khốn khó, vì phải đương đầu với các kẻ thù nghịch, nên xin anh em tại La-mã cầu thay cho mình (Rô-ma 15:30-32). Phao-lô cũng mong rằng sẽ có thể tới Y-pha-nho (15:24) để cũng đem Tin lành đến phía viễn Tây.
Bấy giờ, phép tắc cai trị khôn khéo của Phao-lô được bày tỏ rõ. Bao giờ lòng Phao-lô vẫn lo lắng cho các Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 11:28). Vậy, Phao-lô cẩn thận mời các Hội Thánh phái đại biểu cùng đi Giê-ru-sa-lem với mình để đưa món tiền quyên giúp (II Cô-rinh-tô 8:19). Phao-lô vốn muốn từ Cô-rinh-tô đi thuyền thẳng đến Sy-ri, nhưng vì có kẻ bày mưu chực hại ông, nên Phao-lô cùng các đồng bạn đổi lại hành trình, do đường bộ Ma-xê-đoan mà đi (Công vụ các sứ đồ 20:2-4). Ðến Phi-líp, Phao-lô tạm dừng lại để các đồng bạn đến Trô-ách trước mà chờ đợi. Tại Phi-líp, Lu-ca lại cùng đi với Phao-lô. Phao-lô với anh em ở Phi-líp giữ Lễ Vượt Qua (vào mùa Xuân năm 57 S.C.). Xem Công vụ các sứ đồ 20:6. Tóm tắt hành trình thứ ba nầy còn lại là: Từ Trô-ách, Phao-lô với đồng bạn đến thành A-sốt, đi thuyền đến thành Mi-ti-len, đến ngang đảo Chi-ô, ghé vào thành Sa-mốt, cách một ngày tới thành Mi-lê. Tại đó, Phao-lô sai người mời các trưởng lão Hội Thánh Ê-phê-sô tới mà giảng một bài rất cảm động (Công vụ các sứ đồ 20:17-38), Sau, Phao-lô xuống tàu đi thẳng đến thành Cốt, hôm sau thành Rô-đơ, và từ đó đến thành Ba-ta-ra. Ở đó, đổi thuyền, qua xứ Phê-ni-xi, thấy đảo Chíp-rơ bên hữu, cứ theo đường đến xứ Sy-ri, đậu tại thành Ty-rơ và ở đó bảy ngày. Môn đồ cảm động bởi Ðức Thánh Linh thì dặn Phao-lô chớ lên thành Giê-ru-sa-lem. Bấy giờ, đâu cũng nói đến truyện tín đồ đảng Do-thái nghịch với Phao-lô. Vấn đề sự tự do của các tín đồ dân ngoại, dầu trước đã biểu quyết tại Hội nghị Giê-ru-sa-lem, nhưng người đảng Do-thái vẫn không chịu, cứ phản đối luôn, kết quả thật nguy hiểm, vì có thể chia rẽ Hội Thánh Ðấng Christ. Khi đến thành Sê-sa-rê, có thầy truyền đạo Phi-líp với bốn con gái đồng trinh hay nói tiên tri tiếp rước Phao-lô, và A- ga-bút răn dạy Phao-lô cách buồn bã không nên lên Giê-ru-sa-lem, nhưng Phao-lô quyết định dầu chết cũng đi (so Công vụ các sứ đồ 11:28; 21:9; 21:13). Lần nầy là ba lần được răn dạy (20:22), nhưng ông cứ làm cho trọn mặc dầu phải trả giá nào. Tại Sê-sa-rê, Phao-lô gặp một bạn tên là Ma-na-sôn, quê ở Chíp-rơ, là môn đồ lâu nay vẫn cho Phao-lô trọ tại nhà mình, tại Giê-ru-sa-lem (21:16).
i) Năm năm chịu giam cầm.--
(Công vụ các sứ đồ 21:17; 28:31, vào năm 57-62 hoặc 63 S.C. Phao-lô trong khoảng nầy viết thơ Phi-líp, Phi-lê-môn, Cô-lô-se và Ê-phê-sô). Phao-lô vốn mong đến Giê-ru-sa-lem nhằm ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ các sứ đồ 20:16), và dường như được mãn nguyện. Lu-ca chép rất kỹ truyện Phao-lô tại Giê-ru-sa-lem, Sê-sa-rê, và đi thuyền tới La-mã. Lu-ca cùng ở với Phao-lô và coi chức vụ Phao-lô trong kỳ nầy rất trọng yếu. Các anh em tại Giê-ru-sa-lem hoan nghênh tiếp rước niềm nở (21:17). Ngay hôm sau, Phao-lô ở với đồng bạn tiếp kiến Gia-cơ và các trưởng lão (21:18), thuật lại mọi điều Ðức Chúa Trời đã bởi chức vụ mình làm ra trong người ngoại. Phao-lô giao cho món tiền quyên giúp (24:17), các anh em đó nghe Phao-lô thì ngợi khen Chúa. Nhưng các anh em muốn giúp Phao-lô được hòa thuận với từng người tại Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, vì có người đảng Do-thái nói sai để xui giục các tín đồ tin Phao-lô đã khuyên phải bỏ Luật pháp thói tục Môi-se (21:21). Các trưởng lão biết sự thật về Phao-lô cũng nhắc lại lời biểu quyết của hội nghị bảo lãnh sự tự do cho tín đồ dân ngoại, nên không muốn có sự khó nữa (21:25). Các trưởng lão chỉ muốn Phao-lô tỏ ra mình không ngăn trở các tín đồ Do-thái giữ theo Luật Môi-se, vậy họ gợi ý Phao-lô nên làm lễ tinh sạch tại Ðền thờ và hãy trả tiền cạo đầu cho bốn người cùng đi, ấy để cho ai nấy cũng biết sự thật (21:23). Phao-lô không lưỡng lự nhưng làm ngay (21:26), vì Phao-lô là người Do-thái, đã giữ các lễ Do-thái (20:6) như Chúa Jêsus và các môn đồ đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem đã làm. Có lẽ Phao-lô cũng đã hứa nguyện tại thành Cô-rinh-tô (18:18). Phao-lô về việc nầy không thấy gì trái với lẽ phải, tức một người Do-thái sau khi đã trở nên tín đồ Ðấng Christ làm lễ như thế, miễn là không ép buộc tín đồ dân ngoại cũng phải làm. Gravie nói việc nầy Phao-lô làm không xứng đáng với lòng can đảm của một tín đồ có đức tin đến Ðức Chúa Trời. Nhưng phải nhớ việc nầy là bởi sự khôn ngoan thường thức chớ không phải về nguyên lý. Nếu Phao-lô không chịu làm thì dường như lời nói dối của đảng Do-thái đó là thật. Kết quả là đảng Do-thái không còn cớ nói nữa, và Phao-lô được hòa thuận với Hội Thánh Giê-ru-sa-lem.
Việc bối rối bấy giờ xảy ra cho Phao-lô bị bắt là vì cớ người Do-thái quê ở A-si không phải vì người đảng Do-thái trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem (21:27). Người Do-thái đó xui dân dấy loạn nghịch cùng Phao-lô lúc người đang làm lễ trong Ðền thờ song có người Do-thái từ Ê-phê-sô tại đó hết sức ghen ghét Phao-lô đến nỗi tưởng tượng Phao-lô đem theo người Hy-lạp vào trong Ðền thờ mà làm cho nơi thánh bị ô uế (21:27). Ấy làm thí dụ về sự đui mù của hai thành kiến và ghen ghét. Lời xui giục đó không thật, và những người Do-thái kêu la đó cũng không được nói đến nữa (24:17,18). Nhưng Phao-lô để khỏi kết quả mưu ác họ mất phải năm năm tù. Chưa hết nạn nọ đã đến nạn kia. Phao-lô hầu bị đoàn dân lấn ép, và bị kéo ra khỏi Ðền thờ (21:30). Ấy chắc nhắc lại cho Phao-lô nhớ số phận Ê-tiên. Khi quan quản cơ La-mã đưa lính đến cứu Phao-lô khỏi dân, thì bắt và truyền lấy hai cái xích còng lại như là hai tên đại bợm. Quân lính phải khiêng Phao-lô đi vì đoàn dân hung bạo lắm, cứ kêu "Hãy giết đi" (21:36). Biết Phao-lô nói tiếng Hy-lạp, quản cơ cho phép Phao-lô đứng trên tam cấp của tháp Antonia mà nói với dân sự bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Mọi người đều yên lặng chăm chỉ nghe Phao-lô binh vực chức vụ mình; vừa khi Phao-lô nói "dân ngoại ở nơi xa" thì họ nhao nhao phản đối, làm dữ hơn mọi lần (22:21).
Quản cơ truyền điệu Phao-lô vào trong đồn, muốn đánh đòn; nhưng nghe Phao-lô xưng mình là công dân La-mã thì ngạc nhiên, không dám đánh nữa (22:24-29). Qua bữa sau, quản cơ muốn biết vì cớ nào Phao-lô bị người Do-thái cáo thì dẫn Phao-lô đứng trước các thầy tế lễ và cả Tòa Công luận (22:30). Phao-lô binh vực cách cư xử mình nhưng khi thầy cả thượng phẩm A-na-nia biểu người đứng gần vả miệng thì Phao-lô trả lời cách nóng giận. Nhưng lúc người ta cho Phao-lô biết ấy là thầy cả thượng phẩm, Phao-lô nói mình không nhận ra và trưng dẫn Xuất Ê-díp-tô ký 22:28. Khỏi ít lâu thì Phao-lô khéo dùng vấn đề về sự sống lại để phân rẽ Tòa Công luận và xưng mình là người Pha-ri-si, phản đối với phe Sa-đu-sê. Kết quả là quản cơ phải cứu Phao-lô khỏi tay hai phe nghịch, và đem về đồn (23:1-10). Ðương đêm đó, Chúa hiện đến cùng Phao-lô mà hứa rằng: "Hãy giục lòng mạnh mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành La-mã thể ấy" (23:11). Song Phao-lô vẫn còn chưa thoát hết nạn! Bấy giờ có bốn mươi người Do-thái thề giết Phao-lô mà không ăn uống trước khi thành công (23:12-24). May thay, người con trai của chị Phao-lô được biết mưu đó, thì báo ngay cho quản cơ biết. Ðương đêm, quản cơ sai một cơ lính giải Phao-lô đến Sê-sa-rê, để cứu một công dân La-mã khỏi tay người Do-thái (23:25-30). Tới Sê-sa-rê, Phao-lô chịu phán xét nơi Phê-lít, tổng đốc La-mã, song chưa bị định tội. Phê-lít muốn Phao-lô lót bạc để được tha, nên năng đòi và nói chuyện cùng người (24:26). Phao-lô không khứng, nên bị giam ở ngục hai năm, đến khi Phê-lít đổi đi mà vẫn chưa được tha. Kịp khi Phê-tu đến thay làm chức tổng đốc, ban đầu người khó nghĩ không biết nên làm thế nào, nhưng rồi sau cũng theo đường của Phê-lít mà giải Phao-lô về Giê-ru-sa-lem, mặc cho mấy người cầm đầu khu xử. Phao-lô lập tức viện cớ có quyền công dân La-mã, tự xin giải đến Sê-sa để chịu phán xét (25:1-12). Phê-tu đem Phao-lô đứng hầu trước mặt vuaạ c-ríp-ba và Bê-rê-nít, chỉ có ý cho hai khách đó vui, nhưng Phao-lô nhơn dịp ngay để binh vực mình và khuyênạ c-ríp-ba đến nỗiạ c-ríp-ba thú rằng: "Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Ðấng Christ," và cũng chứng với Phê-tu rằng Phao-lô là vô tội (25:13-26:32). Phao-lô rất may mắn, có thầy đội tên là Giu-lơ tỏ lòng nhơn từ trọn đường đi đến La-mã. Trong Công vụ các sứ đồ 27: Lu-ca chép rất tường tận những bước đường: xuống một tàu ở A-tra-mít; ngày sau tới thành Si-đôn; theo mé bờ đảo Chíp-rơ vì ngược gió; vượt qua biển Si-li-si và Bam-phi-li; đến thành My-ra trong xứ Ly-si; đổi tàu tại đó, tới ngang thành Cơ-nít; gió quá nên theo mé bờ đảo Cơ-rết, qua Sa-môn; chịu khó mới đến Mỹ cảng gần thành La-sê; Phao-lô bảo trước nếu cứ chạy sẽ gặp nguy hiểm, song chủ tàu cứ chạy, đến cảng Phê-nít, của đảo Cơ-rết; có gió Nam nên cứ chạy; gặp gió Ơ-ra-qui-lôn thổi; tàu bị bạt đến hòn đảo Cơ-lô-đa; hạ buồm xuống, cho tàu trôi đi; quăng hàng hóa xuống biển; thiên sứ hiện đến cùng Phao-lô bảo đừng sợ, hứa phải ứng hầu trước mặt Sê-sa, và người trong tàu thảy đều được cứu; tàu chìm gần cù lao Man-tơ, song hết cả thật được cứu. Trong cả đoạn nầy, Phao-lô được tỏ ra là anh hùng của đức tin. Trong mấy câu chép ở Công vụ các sứ đồ 28:1-15 mô tả dân Man-tơ tiếp rước Phao-lô và các người đồng đi cách tử tế, Phao-lô dầu bị rắn cắn nhưng không việc gì, cũng làm phép lạ chữa lành cha của Búp-li-u. Khỏi ba tháng, trong đầu mùa Xuân, có thuyền khác đưa họ tới Bê-ghi-um, và hai ngày sau tới thành Bu-xô-lơ. Tại đó, có anh em mời Phao-lô ở lại bảy ngày rồi đến thành La-mã. Khi đến Phô-rum Áp-bi-u có các tín đồ từ thành ra đón rước mà đưa vào thành cách vui vẻ. Trước đó ba năm, các tín đồ đó đã được thơ (La-mã) của Phao-lô nên đã lâu khao khát mong mỏi ông đến. Một khi ông tới họ hoan nghinh dường bao. Phao-lô dầu là tên tù trong tay hoàng đế Néron nhưng vẫn được tự do thuê nhà ở trọ (28:16-30). Bao giờ Phao-lô cũng bị xích chung với một tên lính, được phép đi thăm anh em và giảng cho quân lính. Phao-lô lo sợ người Do-thái tại thành La-mã hiểu lầm về mình nên hết sức làm để dẫn họ tin cậy Ðấng Christ, cũng có kết quả (28:17-28). Phao-lô ở trọn hai năm tại một nhà trọ đã thuê, giảng và dạy dỗ về nước Ðức Chúa Trời cách tự do trọn vẹn cho mọi người đến thăm mình (28:30,31). Ở đây, Lu-ca kết thúc sách Công vụ các sứ đồ. Nhưng trong thời đó, Phao-lô chép các thơ Phi-líp, Phi-lê-môn, Cô-lô-se và Ê-phê-sô. Phao-lô vẫn lo đến các Hội Thánh, các hội sai người đến thăm và ông gởi thơ về. Trí tuệ giáo ở phương Ðông hành động trên các hội nghị tại Cô-lô-se và Lao-đi-xê, và đạo Ðấng Christ tại đó gặp sự nguy hiểm mới. Ảnh hưởng của đảng Do-thái đã bớt đi, song nay phái Trí tuệ đố thách ngôi vị và vinh quang của Chúa Jêsus. Không có chứng cớ nào tỏ ra những kẻ thù nghịch đến kiện cáo Phao-lô, nhưng chung kết án nầy chỉ dan đến sự buông tha.
k) Cuộc lưu hành của Phao-lô sau khi được tha.-- Lịch sử Phao-lô sau khi ra khỏi ngục, ngoài ba thơ I và II Ti-mô-thê, với Tít luôn với những bản tạp lục của Hội Thánh đầu tiên ra, không còn gì để kê cứu. Khi ở Cô-rinh-tô, Phao-lô đã mong đi đến Y-pha-nho (Rô-ma 15:28), nhưng khi ở La-mã, Phao-lô lại muốn qua phương Ðông vì ước ao đến thăm Hội Thánh Phi-líp (Phi-líp 1:23), lại mong được gặp Phi-lê-môn ở Cô-lô-se (Phi-lê-môn 22). Xét trong thơ của Clément ở La-mã, dầu không chép rõ song có ngụ ý Phao-lô đi đến Y-pha-nho và bản liệt kê của Muratori cũng nói đến nữa. Trong năm (64 S.C.), La-mã gặp hạn hán cháy dữ, có lẽ Phao-lô ở Y-pha-nho đó chăng? Không có cứng cớ Phao-lô sang nước Anh. Chỉ biết Phao-lô về phương Ðông có để Tít ở lại Cơ-rết (Tít 1:5). Lại vì Trô-phim đau ốm, nên Phao-lô để ở lại thành Mi-lê (II Ti-mô-thê 4:20), và lúc đó, nếu không đến Ê-phê-sô (I Ti-mô-thê 1:3), thì có lẽ gặp Ti-mô-thê tại đó. Vả, Phao-lô để áo choàng và sách vở ở nhà Cạt-bút tại Trô-ách, hoặc giả có ý trở về đó chăng (II Ti-mô-thê 4:13). Khoảng năm 65-67 S.C., Phao-lô đi Ma-xê-đoan dọc đường có viết thơ cho Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 1:3). Bấy giờ Phao-lô lo sợ lắm, vì Hội Thánh đương gặp sự nguy hiểm lớn lắm; ngoài đảng Do-thái, phái Trí tuệ và người La-mã ra, Phao-lô còn thấy sự phản đối bởi thần bí giáo. Phao-lô đầy lòng thương xót Ti-mô-thê, khuyên phải chực sẵn để đối phó. Phao-lô muốn qua mùa Ðông tại Ni-cô-bô-li (Tít 3:12), nhưng khi gởi thơ cho Tít vẫn ở Ma-xê-đoan.
l) Phao-lô cuối cùng bị bắt giam và chết tại La-mã (năm 67 hoặc 68 S.C.). Khi chép thơ II Ti-mô-thê, Phao-lô đương nếm trải đủ mùa cay đắng suốt mùa Ðông trong tù (II Ti-mô-thê 4:13,21). Kinh Thánh không chép Phao-lô lần nầy vì sao bị bắt bỏ ngục. Có lẽ có quan thiệp với hỏa tai xảy ra tại thành La-mã. Néron là vua hung dữ, và nhiều kẻ chơn tay của vua đó thường đi do thám và vu hãm cho người ta để được lòng vua. Có lẽ người ta đổ oan cho Phao-lô là một trong những kẻ nhen lửa đốt thành nên ông bị bắt giam, cũng chưa biết chừng! Vì đạo Ðấng Christ và Cựu Do-thái-giáo đã chia lìa nhau, nên tín đồ không được quyền bảo hộ của Do-thái-giao nữa. Phàm những kẻ làm tín đồ Ðấng Christ đều bị coi là tội nhơn. Hồi đó, các bạn Phao-lô sợ bị liên lụy, kéo nhau bỏ đi, không ai chịu minh oan cho Phao-lô nữa. Tình hình dường ấy Phao-lô đau lòng là dường nào! (II Ti-mô-thê 1:15; 4:10,11.) Bấy giờ chỉ còn một mình Lu-ca (II Ti-mô-thê 4:11), là người ở cùng và trung thành với Phao-lô thôi. Còn thì trốn núp trong thành La-mã hết (II Ti-mô-thê 4:21), chớ không thò mặt ra! Vậy, nên Phao-lô rất mong Ti-mô-thê và Mác cùng đến (II Ti-mô-thê 4:11.) Sau dường như Ti-mô-thê đến đó và cũng vào nhà lao (Hê-bơ-rơ 13:23.) Phao-lô ở yên trong ngục, không hề sợ hãi chút nào! Phao-lô biết rõ mình phải tử vì đạo, và nói đã thoát miệng sư tử (II Ti-mô-thê 4:17), nhưng cuối cùng chắc phải chết (II Ti-mô-thê 4:18.) Phao-lô nói Chúa đứng bên cạnh ông, có lẽ Ngài đã hiện đến còng ông chăng (II Ti-mô-thê 4:17.) Về việc Phao-lô chết cách nào, Kinh Thánh không chép. Tương truyền nói Phao-lô là công dân La-mã thì phải chịu tội chết chém trên đường Ostian, ngoài thành La-mã. Vua Néron qua đời nhằm tháng sau năm 68 S.C., thì Phao-lô tử vì đạo trước niên hiệu đó (có lẽ 67 S.C.). Có lẽ bấy giờ Ti-mô-thê và Lu-ca ở cùng Phao-lô. Như Findley nói: nên lấy lời Phao-lô chép trong II Ti-mô-thê 4:6-8 mà khắc trên mộ chí của Sứ đồ. Phao-lô thật sẵn lòng với Ðấng Christ như trước đã muốn (Phi-líp 1:23).
V. Nghiên cứu Tin lành của Phao-lô.-- Tin lành mà Phao-lô rao giảng có thể chia làm hai cách mà nghiên cứu. Một là tra xét các tập thơ tín của ông như kể ở phần I bài nầy, đó là phương pháp hoàn toàn thuộc lịch sử. Hai là lấy các đề mục như sự nên thánh, đức tin, ơn điển, sự tái lâm Chúa, v.v. mà kê cứu các thơ tín của Phao-lô, ấy là phương pháp tiện và dễ hơn. Nay chỉ thuật yếu chỉ thôi. Nói rõ hơn, Tin lành Phao-lô rao giảng không ngoài một chữ "Christ." Khi mới hối cải, Phao-lô liền giảng dạy Cứu Chúa là Ðấng Christ (Công vụ các sứ đồ 9:20-22). Chẳng những Phao-lô trở nên người mới, song sự quan sát mọi sự của ông cũng theo một phương pháp mới, như chép: "Nếu ai ở trong Ðấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới" (II Cô-rinh-tô 5:16-19.) Phao-lô trong mấy câu nầy thấy Ðấng Christ tỏ ra Ðức Chúa Trời ("Ðức Chúa Trời vốn ở trong Ðấng Christ",) và sự yêu thương Ngài đối với người ("làm cho thế gian lại hòa với Ngài"); bởi Ðấng Christ Ðức Chúa Trời có thể tha tội của người, tức là nhờ sự chết chuộc tội của Ðấng Christ; lại tín đồ được hiệp làm một với Ðấng Christ ("ai ở trong Ðấng.") Sự sốt sắng của Phao-lô là Ðấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:14; Phi-líp 1:21); giựt lấy Ðấng Christ, (Phi-líp 3:8), là được từng biết Ðấng Christ (Phi-líp 3:10), và được ở trong Ðấng Christ (Phi-líp 3:9), là thực biết lẽ mầu nhiệm của Ðức Chúa Trời là Ðấng Christ (Cô-lô-se 2:2), là được giấu với Ðấng Christ trong Ðức Chúa Trời (Cô-lô-se 3:3). Chỉ những điều đó mới có giá trị trước mặt Phao-lô là người mới trong Ðấng Christ. Cứ xem đó thấy Phao-lô đem thân vị của Ðấng Christ mà cắt nghĩa Ðức Chúa Trời và người. Theo Phao-lô, Cứu Chúa là Ðấng Christ, Ðấng Christ là Cứu Chúa. Ðối với phái trí tuệ chối nhơn tánh của Chúa, Phao-lô trái ngược hẳn; ai tin Chúa phải thoát bỏ những bó buộc về lễ nghi của Luật pháp, vì đã được chuộc khỏi sự rủa sả của Luật pháp rồi (Ga-la-ti 3:13). Ðiều chú trọng của Tin lành Phao-lô là hai chữ "ơn điển" (Rô-ma 3:-5:), nhưng phải dẫn đến sự nên thánh (Rô-ma 6:-8:), quyết không nên buông lung tình dục nữa (Cô-lô-se 3:). Phao-lô ôm chủ nghĩa Ðấng Christ, một mặt lấy Ðức Chúa Trời làm nơi trung tâm, một mặt lấy nhơn loại làm trung tâm, nhưng phải chủ trọng về Chúa trước, Phao-lô luận về đạo cứu chuộc là sự yêu thương Ðức Chúa Trời tìm kiếm những kẻ đắm đuối trong vòng tội, và ban ơn cứu chuộc mà Ngài đã xây dựng bởi Con Ngài là Ðấng Christ làm giá chuộc tội (Rô-ma 3:21-31). Phàm ai tin Ðấng Christ là Chúa cứu chuộc thì liên hiệp với Ðức Chúa Trời, và nhờ Ðức Thánh Linh thì sống cho Ðức Chúa Trời và Ðấng Christ (Rô-ma 8:; Ga-la-ti 5:). Cứ xét theo lời Phao-lô thì Ðức Chúa Trời như Ðấng Tạo hóa là Cha của mọi người (Ê-phê-sô 4:6), nhưng một cách đặc biệt là cha của tín đồ (Rô-ma 8:15). Ðức Chúa Jêsus Christ là sự thành nhục thể của Con Ðức Chúa Trời trước khi chưa giáng thế (II Cô-rinh-tô 8:9; Phi-líp 2:5-10), là Ðức Chúa Trời, cũng là người (Rô-ma 1:3). Phao-lô lại nói Ðức Chúa Trời nhờ Ðấng Christ dựng nên muôn vật (Cô-lô-se 1:15), và Ðấng Christ là đầu Hội Thánh (Cô-lô-se 1:18; Ê-phê-sô 1:22). Về công việc Ðấng Christ Phao-lô lấy thập tự làm nơi trung ương (I Cô-rinh-tô 1:17; 2:2; Cô-lô-se 2:20; Ê-phê-sô 2:13-18). Tội lỗi là chung cho cả loài người (Rô-ma 1:18-3:20), nhưng vì Ðấng Christ chết thế cho để làm giá chuộc tội (Rô-ma 3:21; Ga-la-ti 3:6-11). Những người được chuộc được lập thành nước Ðức Chúa Trời, hoặc Hội Thánh phổ thông mà Ðấng Christ là Ðầu. Các Hội Thánh địa phương là cơ quan hành động trọng yếu để lập nước thiên đàng. Có hai lễ kỷ niệm mà Phao-lô đặt trong Hội Thánh, cả hai chỉ bóng về sự chết của Ðấng Christ chuộc tội và về sự sống mới tín đồ được ở trong Ðấng Christ. Nói cách khác, tức là bày tỏ sự nghiệp của Ðấng Christ đã làm trọn, và tỏ ra công việc Ðức Thánh Linh khiến cho linh hồn kẻ tin được cứu. Hai lễ kỷ niệm đó là: lễ Báp-têm (Rô-ma 6:1-11), và lễ Tiệc Thánh (I Cô-rinh-tô 11:17-34). Ðiều Phao-lô vẫn trông mong là sự tái lâm của Ðấng Christ xảy đến các thình lình (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-5:11), chớ không phải là việc xảy ra ngay (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:2), và có thể tùy lúc nào mà có, như kẻ trộm đến trong ban đêm vậy (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2). Phao-lô cho sự tín đồ qua đời trong Chúa là điều trông mong vẻ vang (II Cô-rinh-tô 5:1-10; Phi-líp 1:21; II Ti-mô-thê 4:18). Phao-lô lại lấy sự từng trải thuộc linh về sự tin Ðấng Christ làm nền tảng luân lý, đạo đức, và phản đối những lễ nghi chỉ bề ngoài đã phá sự sống thuộc linh của Do-thái-giáo. Người tin nên tỏ ra chứng cớ thật đã tái sanh, chớ không phải chỉ nói hảo ngoài miệng thôi đâu (Rô-ma 6:-8:). Trong phần nhiều thơ tín Phao-lô, phần trước thì bàn lẽ đạo, phần sau nói thực hành. Phao-lô là bậc vĩ nhơn trong cõi mầu nhiệm, nhưng cùng một lúc cũng là nhà đạo đức giàu thường thức nữa. Cho nên Phao-lô không thể dung chịu những kẻ giả hình, bề ngoài làm bộ tin kính, làm như ngay thẳng công bình, nhưng bề trong thì ngấm ngầm làm việc tà dâm và rối loạn. Huống chi Phao-lô đem điều Ðức Chúa Trời rất trông mong nơi người tóm tắt lại sự công bình, và sự nên thánh. Phàm ai được xưng công bình bởi đức tin thì nên nhờ công dụng Ðức Thánh Linh mà làm việc công bình thật để "hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh" (II Cô-rinh-tô 3:18). Phao-lô được thấy được nơi mặt Ðấng Christ (IICô- rinh-tô 4:6). Ai thấy Ðấng Christ, nấy tỏ ra vinh hiển Ðức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 4:6).
VI. Thần đạo của Phao-lô.--
1. Thời kỳ sửa soạn.--
a) Phao-lô lúc thuộc phe Pha-ri-si.-- Muốn biết lịch sử phát triển về hệ thống thần học của Phao-lô, nên trước hết phải chú ý Phao-lô vốn là người có tin tưởng của phe Pha-ri-si. Nói cách chung, người Pha-ri-si tin Ðức Chúa Trời là Ðấng có một không hai, là Ðấng Tạo hóa của muôn vật. Ðối với muôn vật, Ngài là Ðấng cao cả, và trong việc tầm thường nhờ thiên sứ Ngài cai quản. Trong vòng các thiên sứ đó có vị không trung thành và làm ra điều ác, song Ngài còn tạm nhịn chịu, đời sau mới phán xét (Cô-lô-se 2:15). Còn tội lỗi thì do thủy tổ A-đam đem vào thế gian (Rô-ma 5:12). Ðể dẫn người lìa khỏi tội thì Ðức Chúa Trời lập luật pháp Ngài, mong người ta bởi đó hiểu rõ và làm trọn bổn phận mình (Rô-ma 7:12). Luật pháp đó sau được giải nghĩa bởi những lời truyền khẩu, và người Pha-ri-si cho truyền khẩu đó là một bộ phận của Luật pháp. Nhưng Ðức Chúa Trời vẫn giữ lòng yêu thương người đời; vậy hễ ai phạm Luật pháp mà biết hối lỗi thì Chúa thứ tha cho, bằng chẳng thì vô hy vọng. Ðức Chúa Trời ban Ðức Thánh Linh đặc biệt cho vài người có ơn Ngài, song người thường không nhận lãnh. Phần rất nhiều người gồm lại các dân ngoại không có chút xíu hy vọng được cứu rỗi. Không bao lâu, kết cuộc thế gian sẽ đến. Bắt đầu từ buổi sáng thế, đã có Con người thuộc về trời, ở cùng Ðức Chúa Trời (Ða-ni-ên 7:13), tức Ðấng Mê-si sắp giáng thế (chắc Sau-lơ cũng tin vậy). Vì tội thế gian không phương cứu chữa nên Ðấng Mê-si chắc không bao lâu sẽ đến, khiến những kẻ chết sống lại, lập một kỳ phán xét cuối cùng, và từ trời đem "Giê-ru-sa-lem ở trên cao" xuống để người công bình sẽ được ở đó hưởng phước đời đời.
b) Phao-lô đối với vấn đề tội lỗi.-- Rô-ma 7:7-25 thêm sự sáng về sự tín ngưỡng riêng của Sau-lơ. Cựu Ước hứa phàm người đổi lỗi mình thì được tha thứ, song Phao-lô lấy trí thức sáng suốt mình thì biết rõ cậy sức mình thì không có hy vọng làm cho hoàn toàn sự đổi lỗi đó. Ðiều răn thứ mười là hòn đá vướng chơn Phao-lô hơn hết. Những tội về lời nói và việc làm có lẽ còn tránh khỏi được, chớ lòng tham muốn, dầu Luật pháp định là tội lỗi, nhưng như ngọn lửa bốc cháy rất mạnh tùy lúc mà nổi lên. Thật ra, lòng ham muốn vì chịu mạng lịnh của Luật pháp, nên sức phản động lại càng mạnh. Sau-lơ rất muốn được công bình hoàn toàn, nhưng tự mình không bao giờ đạt đến ý nguyện được. Sau-lơ thấy ngay trong chính bản tánh mình, có sự ngăn trở mà tự mình không thể giải thoát được. Bản tánh người, là xác thịt (không phải "thể chất của thân,") có chứa một sự dơ xấu khiến cho không thể cải cách hoàn toàn được (7:18; so 8:3, v.v.). Bởi vậy, vì Luật pháp không có sự tha thứ cho người nào không hoàn toàn cải cách, thì Sau-lơ cảm thấy tương lai mình tuyệt vọng. Sau-lơ mong mỏi lời hứa tha tội, dầu không cải cách hoàn toàn, nhưng Luật pháp thiếu sót.
c) Ðạo Ðấng Christ ban đầu.-- Sau Lễ Ngũ Tuần mà Ðấng Christ vừa phục sanh, chắc Sau-lơ có tiếp xúc với đạo Ngài. Coi II Cô-rinh-tô 5:16 chép, thì dẫu "từng theo xác thịt mà nhận biết Ðấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu." Trước tại Giê-ru-sa-lem không ai còn không biết một "phái" mới từ Do-thái-giáo nổi lên. Chắc Sau-lơ biết, và tưởng phái đó sau nầy: Ấy là một bọn người tuyên bố rằng Ðấng Mê-si mà ai nấy trông đợi, là Chúa Jêsus vừa bị đóng đinh vào thập tự. Các tín đồ rao truyền Ðấng đó đã sống lại, lên trời, và ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời. Các môn đồ xưng rằng Chúa Jêsus đã sai Ðức Thánh Linh đổ trên mọi kẻ theo Ngài, và làm các phép lạ để làm chứng lời họ nói là thật. Chẳng những vậy, nếu Sau-lơ xét kỹ, thì được biết sự chết của Chúa Jêsus theo sự giải nghĩa Ê-sai 53: là để làm giá chuộc tội dân mình. Lại cũng được biết Chúa Jêsus đã dạy về những điều sai lầm của phe Pha-ri-si, quét sạch những lời truyền khẩu từ các tổ phụ, và giải nghĩa luật pháp bằng những thực sự thuộc linh vĩnh viễn.
Những sự dạy dỗ sâu nhiệm về phần tâm linh chắc làm cho Phao-lô chú ý, và chắc vì thấy sự hoan hỉ của các môn đồ thì sanh lòng ghen tương. Song Sau-lơ coi Pha-ri-si giáo như là từ Chúa, nên không chịu dung hòa với "phái" đó. Vả lại. Luật pháp rủa sả kẻ bị treo trên cây gỗ (Ga-la-ti 3:13 so Phục truyền luật lệ ký 21:23) thế mà "phái" mới đó lại xưng là Ðấng Mê-si đến từ trời đã bị đóng đinh như thế, những sự nghe thấy kể trên làm cho lòng ghen ghét của Sau-lơ nổi phừng lên; nên quyết ý tuyệt diệt phái tôn giáo mới đó, để giữ vững đạo cũ. Vì thế, Sau-lơ xin thầy tế lễ thượng phẩm cho đi Ða-mách.
2. Phao-lô hối cải.--
a) Ðấng Christ.-- Cội gốc trực tiếp của sự hối cải Phao-lô chính vì thông hiểu Chúa Jêsus, người Na-xa-rét, thật là Ðấng Mê-si từ trời giáng xuống. Người Do-thái mưu giết Chúa Jêsus chỉ vì Ngài nhận mình là Christ, Con Ðức Chúa Trời (Mác 14:62). Cũng là tín ngưỡng Hội Thánh đầu tiên. Song lẽ thật đó bao gồm sau xa rộng rãi lắm. Ðấng Christ là Con Ðức Chúa Trời (Rô-ma 8:32; Ga-la-ti 4:4; v.v.), là "Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên" (Cô-lô-se 1:15), là "Ðấng vốn có hình Ðức Chúa Trời" (Phi-líp 2:6), và là Ðấng vốn giàu (II Cô-rinh-tô 8:9). "Mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng" đều giấu kín trong Ðấng Mê-si (Cô-lô-se 2:3), để được tỏ ra trong thời Ðấng Mê-si sẽ hiện đến phán xét (Khải Huyền 20:10-15, v.v.), vì Ngài sẽ khiến những kể chết sống lại (I Cô-rinh-tô 15:45 v.v.). Hết thảy những điều đó. Phao-lô trước khi hối cải đã tin rồi, và là những điều chính Ðấng Christ xưng về mình. Ðấng Mê-si đã trở nên người là một thực sự vừa qua, và suốt đời Ngài vô tội, vì lời nói việc làm Ngài chứng đúng là thật. Sự dạy dỗ Ðấng Mê-si lại được các tín đồ giữ theo (ICô- rinh-tô 7:10,11). Chính sự hối cải của Phao-lô là đủ chứng cớ về sự sống lại, dầu lúc lưu hành truyền đạo Phao-lô cũng dùng chứng cớ khác nữa (I Cô-rinh-tô 15:1-11).
Vì tin Ðấng Mê-si, ấy dẫn đến sự từng trải nhận lãnh Ðức Thánh Linh (Rô-ma 8:2; Ga-la-ti 3:2 so Công vụ các sứ đồ 9:17), để làm chứng Ðấng Christ là Chúa (ICô- rinh-tô 12:3), là "đầu mọi người" (I Cô-rinh-tô 11:3 so Cô-lô-se 1:18; Ê-phê-sô 1:22; 4:15), là Ðấng "cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chơn mình" (I Cô-rinh-tô 15:25), và mọi người công bình đều là đầy tớ Ngài (Rô-ma 1:1, v.v.). Khi cầu nguyện, người có thể cầu xin trực tiếp nơi Ngài (II Cô-rinh-tô 12:8; I Cô-rinh-tô 1:2, v.v. so Công vụ các sứ đồ 14:23.)
Lại nữa, vì Ðấng Christ là Chúa tuyệt đối thì có thể phá đổ hết thảy quyền thế địch (Rô-ma 8:38; Phi-líp 2:9-11; Cô-lô-se 2:15; Ê-phê-sô 1:21-23, v.v.). Không cứ hiện tại hay tương lai, quyền Ngài bao giờ cũng vững không đổ, vậy chắc quá khứ cũng đã thế rồi. Nên như Kinh Thánh chép: "Ngài là ban đầu,... Ngài đứng đầu hàng" Cô-lô-se 1:18). Ngài là Ðấng xưa đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ai-cập (I Cô-rinh-tô 10:4-9). Chẳng những "Ngài có trước muôn vật" (Cô-lô-se 1:17), song "muôn vật đã được dựng nên trong Ngài" nữa (Cô-lô-se 1:16). Những điều nhận biết về sự khôn ngoan và Ngôi lời có lẽ giúp đỡ Phao-lô đạt tới những đoạn kết nầy, Tóm tắt lại, dầu Phao-lô vẫn chứng rằng Ðức Chúa Trời là Cha (I Cô-rinh-tô 15:28, v.v.), nhưng cũng phải chứng rằng "Ðấng Christ, là Ðấng trên hết mọi sự, tức là Ðức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời" (Rô-ma 9:5).
b) Ðức Thánh Linh.-- Thực sự thứ nhì về sự hối cải Phao-lô là sự hiện diện của Ðức Thánh Linh làm cho sự từng trải đó vượt quá sự người ta suy tưởng. Trước hết, việc hành động của Ðức Thánh Linh đó được nhận biết rõ bởi những hiệu quả siêu nhiên (Rô-ma 15:19; I Cô-rinh-tô 12:5-11, v.v. so II Cô-rinh-tô 12:12; Công vụ các sứ đồ 2:4). Khi hối cải, Phao-lô biết chắc chính mình được hưởng ơn cứu rỗi là bởi Ðức Thánh Linh hiện diện, nên sau ông không hề mỏi mệt mà nói tới Ðức Thánh Linh (Rô-ma 8:16,23; Ga-la-ti 4:6, v.v.). Nhưng Phao-lô cũng chú trọng về Ðức Thánh Linh khiến tín đồ nên thánh để tỏ ra các "trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ" (Ga-la-ti 5:22). Lại nói "Dầu tôi... biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì" (I Cô-rinh-tô 13:1-3). Bởi những lời đó, Phao-lô tới cõi thâm uyên của sự dạy dỗ thuần túy nhứt của Ðấng Christ. Trong ba sách Tin lành đầu, dầu Ðấng Christ không phán nhiều về Thánh Linh, song cũng hiệp ý với Phao-lô về một đời sống lưu xuất từ một nguồn tinh sạch, tức là một đời sống hoàn toàn nhờ cậy Ðức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 7:17, v.v.).
Vì tầm mắt tư tưởng Phao-lô càng ngày càng rộng, nên Phao-lô về đạo Ðấng Christ cũng càng mở rộng thêm. Như về phương diện cầu nguyện, Phao-lô phân biệt Ðức Thánh Linh với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con (Rô-ma 8:26 so I Cô-rinh-tô 2:10), và cả Ba Ngôi đó hiệp lại bày tỏ sự đầy trọn của Ðức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 13:14; Ê-phê-sô 1:3,6,13); và không hề thêm một danh thứ tư nào có thể lẫn lộn.
c) Sự liên hiệp thuộc linh.-- Giảng luận Ðức Chúa Trời ngự trong lòng người là kết quả của công việc Ðức Thánh Linh, Phao-lô dùng ba danh từ chỉ về Ðức Thánh Linh mà không đổi nghĩa, tức là Thánh Linh Ðức Chúa Trời ở trong mình, hoặc Thánh Linh của Ðấng Christ ở trong anh em, hoặc chính Ðấng Christ... ngự trong lòng anh em. Phải dùng như vậy, một phần là vì danh từ cũ không đủ. Thế nào bởi Ðức Thánh Linh Ðấng Christ được ngự trong lòng tín đồ (Rô-ma 8:9-11 so I Cô-rinh-tô 2:12; Ga-la-ti 4:6; Ê-phê-sô 3:17, v.v.) và tín đồ ở trong Ðấng Christ (Rô-ma 6:11; 8:1; 16:7). Tín đồ "làm một cùng Ngài" (Rô-ma 6:5), là một việc một lần đủ cả (Ga-la-ti 3:27), nhưng cũng nên càng ngày càng khắng khít hơn (Rô-ma 13:14). Phàm ai liên hiệp với Ðấng Christ như thế đều trở nên "người dựng nên mới" (II Cô-rinh-tô 5:17).
d) Sự cứu rỗi.-- Vì đã được cứu rỗi, Phao-lô thấy trong mình có hai người tức tánh cũ, là người cũ vẫn còn với lòng tư dục thỉnh thoảng dấy lên, vì đức tin mới chưa vững, gặp việc thường biếng nhác, ấy là hiện trạng cũng gọi là "xác thịt" (Ga-la-ti 5:17; Rô-ma 8:12; 13:14; Ê-phê-sô 4:22; Phi-líp 3:12, v.v.); và cả quyền lực Ðấng Christ trong Phao-lô khiến có đủ sức mạnh chống cự với tánh cũ, cuối cùng sự đắc thắng của quyền lực đó không thể nghi ngờ chút nào (Rô-ma 6:12; 8:2,10; Ga-la-ti 5:16, v.v.). Bởi đó, có thể nói tín đồ thuộc về cõi thuộc linh, (Rô-ma 6:11,22; 8:9), lìa nơi tối tăm vào nước Ðức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:13), cũng ngồi ở trên trời với Ðấng Christ (Ê-phê-sô 2:6). Phao-lô biết lòng người đời không thể công nhận tín đồ là hoàn toàn vô tội (Phi-líp 3:12) nên trong các thơ tín, thường có lời quở trách và khuyên dạy. Dầu tội lỗi còn dính dấp, nhưng vì sự đắc thắng cuối cùng là chắc thì không thể làm cho tín đồ ngã lòng. Ðến ngày Chúa Jêsus tái lâm, "Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài" (Phi-líp 3:21).
đ) Sự xưng công bình.-- Phao-lô có một từng trải đặc biệt lạ lùng, tức là được cứu không phải nhờ cậy sức mình (Phi-líp 3:7). Sau lâu năm vẫn chưa thành công vì nhờ Luật pháp, nhưng khi đầu phục tin cậy trọn vẹn nơi Ðấng Christ thì lập tức thỏa ý muốn. Sự đầu phục như thế tỏ ra ý nghĩa của Phao-lô về đức tin, và đức tin không có việc làm. Thứ đức tin đó là thật lòng vâng phục Ðấng Christ như "một đứa trẻ... nhận lấy nước Ðức Chúa Trời" (Mác 10:15), không phải chỉ lấy trí khôn mà nhận biết thôi đâu (Gia-cơ 2:10). Vì đầu phục Ngài như thế, Phao-lô không thấy mình sợ tội nữa, vì có hòa thuận với Ðức Chúa Trời và tin cậy Ngài về sự tương lai: tóm lại đã được xưng công bình. Muốn làm điều phải, dầu không được hoàn toàn nhưng là sự sửa soạn cần thiết dẫn đến sự công bình, và danh từ đó không có nghĩa nào đối với một người bằng lòng cứ chìm đắm trong sự ích kỷ (Rô-ma 6:2; 3:8). Sự muốn làm điều phải đó mà Phao-lô coi như đã có, và lòng tin đến Ngài là đủ để gìn giữ tín đồ khỏi theo ý riêng mình mà bỏ luật đạo đức của Ngài. Song ơn điển tín đồ nhận lãnh lúc được xưng công bình không phải vì cớ trước đã gắng sức nhưng là sự ban cho của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 6:25).
3. Việc mở mang về sau.--
a) Bỏ Luật pháp.-- Sau khi hối cải tin Chúa, Phao-lô cho Luật pháp là vấn đề rất quan trọng. Luật pháp nói tỏ tường chỉ người nào tuân theo trọn vẹn, có thể được công bình thôi. Song bởi đức tin đến Ðấng Christ được xưng công bình (Rô-ma 5:1), còn nhờ Luật pháp không cần. Hai nghĩa đó tuyệt nhiên không dung nhau, vẫn trái ngược nhau (Rô-ma 10:5; Ga-la-ti 2:16; 3:11; Phi-líp 3:7). Chỉ có một phương pháp giải quyết như Rô-ma 10:4 chép: "Ðấng Christ là sự cuối cùng của Luật pháp, đặng xưng mọi kẻ tin là công bình." Theo đó Luật pháp chẳng những không còn nhờ được nữa, mà lại còn có hai thứ hiệu quả rất lớn theo sau. Hiệu quả thứ nhứt tức là cách cư xử được tỏ rất rõ bởi các nguyên tắc phải hay trái của "luân lý đạo Ðấng Christ," chớ không theo lễ nghi phiền phức của Luật pháp nữa (Rô-ma 13:8-10; Ga-la-ti 5:22; so Mác 12:29-31). Phao-lô dầu dẫn Luật pháp mà cho là phận sự của tín đồ nên giữ (Mác 10:19; I Cô-rinh-tô 9:9; Ê-phê-sô 6:2), song ấy chỉ vì những điều Luật pháp có xứng hiệp với lẽ thật mà thôi chớ không phải là mạng lịnh truyền cho (Cô-lô-se 2:16-23). Vậy, khi Phao-lô chỉ dẫn đường đạo đức, thì bao giờ cũng thử tỏ ra có quan thiệp đến nguyên lý nào; Rô-ma 14: và I Cô-rinh-tô 8: tỏ rõ lời giải quyết những vấn đề đạo đức bằng cách đó. Còn hiệu quả thứ hai tức là vấn đề về người dân ngoại.
b) Người dân ngoại.-- Hiệu quả thứ hai sau khi không còn nhờ Luật pháp được xưng công bình là rất lớn lao. Quyền lợi dân ngoại ở trong Ðấng Christ không kém gì người Do-thái, trừ ra phép cắt bì (Rô-ma 3:2). Theo Công vụ các sứ đồ 22:21 có thể biết Phao-lô, lần lần và bởi tốn bao suy nghĩ và sức phấn đấu, mới coi dân ngoại và người Do-thái đều bình đẳng trong Ðấng Christ. Ðó là việc cải cách lớn, dầu Cựu Ước có dự ngôn (Ô-sê 2:23; Rô-ma 9:25), song Ðấng Mê-si "ở giữa dân ngoại" còn dấu kín trải các đời kiếp mà nay được tỏ ra (Cô-lô-se 1:26; Ê-phê-sô 3:3-6 v.v.). Những sự phấn đấu của Sứ đồ để binh vực nguyên lý nầy rất thông thường trong chức vụ của Sứ đồ Phao-lô.
c) Cứu chuộc.-- Có một điều khác dẫn Phao-lô được biết mình giải thoát khỏi quyền Luật pháp. Luật pháp là giáo sư dẫn người đời đến cùng Cứu Chúa, và vì tín đồ hiệp một với Ngài thì biệt mình riêng ra khỏi thế gian, nên không còn ở dưới quyền Luật pháp nữa. Trong các thơ tín, Phao-lô luận đến vấn đề nầy các rộng rãi. Vì nay bổn thể Ðấng Christ là phần cốt yếu của bổn thể tín đồ, nên Ðấng Christ chết và sống lại tức là tín đồ bởi đức tin đã chết và sống lại với Ngài. Như có chép: "Vì anh em đã chết, sự sống mình giấu với Ðấng Christ trong Ðức Chúa Trời" (Cô-lô-se 3:3). Lại nói: Anh em há chẳng biết rằng Luật pháp chỉ cai trị người ta chỉ cai trị người ta khi còn sống hay sao? (Rô-ma 7:1). Cho nên: "Hỡi anh em ta, anh em cũng như vậy, bởi thân thể của Ðấng Christ anh em đã chết về Luật pháp" (Rô-ma 7:4). Theo Cô-lô-se 2:11-13,20 cũng thấy Phao-lô cũng dùng những lý cớ đó tỏ ra không cần phải giữ lễ nghi Luật pháp nữa. Trong Rô-ma 6:1-14, Phao-lô nhờ nguyên lý đó để khuyên rằng: "Nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau." Bởi vậy, chúng ta giống Ngài, đứng trong một đ