I. Biển là đối với đất cạn mà nói, nó là chỗ các nước đổ vào và đọng lại (Sáng thế ký 1:10; Thi Thiên 8:8; Khải-huyền 7:1-3; 21:1). Có biển lớn, chữ Hán dịch là dương (Océan), như Thái bình dương (Océan Pacifique), v.v.. Có biển nhỏ chữ Hán là Hải (Mer), như biển Chết, v.v., tức là chỗ nước tụ lại trong phạm vi nhỏ hẹp, xung quanh có bờ đất, và chỗ đứt quãng của từng khúc nước ăn thông ra biển lớn. Lại có những hồ lớn hay ngã ba sông to cũng gọi là biển nữa.
II. Trong Kinh Thánh nói đến biển phần nhiều là chỉ về Ðịa-trung-hải (như Dân số ký 33:8). Có người nói: Biển Tây tức là Ðịa trung hải (Phục truyền luật lệ ký 34:2). Cũng có chỗ kêu là biển lớn (Dân số ký 34:6,11,12). Lại có biển Ðỏ (Giô-suê 24:6), biển Ga-li-lê (Giăng 6:1), biển đồng bằng tức là biển Chết (II Các Vua 14:25), biển Phi-li-tin (Xuất Ê-díp-tô ký 23:31). Dân Do-thái không có nhiều người hàng hải. Họ cho biển là hiểm trở; nên Ða-ni-ên thấy sự hiện thấy, nói có con thú ra từ biển (Ða-ni-ên 7:3). Giăng được soi sáng nơi có con thú từ biển lên (Khải-huyền 13:1), và nói khi trời đất đổi mới thì không có biển nữa. Coi thêm (Sáng thế ký 49:13; Công vụ các sứ đồ 10:6; Ma-thi-ơ 4:18; Giê-rê-mi 51:36,42).
III. Một thứ chậu lớn trong đền thờ Sa-lô-môn. Biển nầy để thầy tế lễ rửa chơn tay trước khi làm chức vụ ở trong nơi thánh hoặc ở trước bàn thờ (I Các Vua 7:39; I Sử ký 18:8).
Chúng ta biết ngay nay có chỗ biển sâu tới hơn mười cây số, như Thái bình dương. Chúa phán bởi tiên tri Mi-chê 7:19 -- "Ngài ném hết thảy tội lỗi chúng nó xuống đáy biển". Vậy, tín đồ nên cảm tạ ơn Chúa vì đáy của lòng thương xót Ngài vô hạn, lời hứa của Ngài chắc chắn, nên tội lỗi của tín đồ được tha hết, không còn một mảy nào, miễn là nhờ huyết báu Chúa rửa sạch cho.
Tiến sĩ Scofield chú thích về biển trong Ða-ni-ên 7:2 rằng: Theo những hình bóng Kinh Thánh, "biển" hay chỉ về các dân thế gian, tức lũ đoàn hỗn độn của loài người (Thi Thiên 46:1,2; Ma-thi-ơ 13:47; Khải-huyền 13:1).