Nguyên là dân La-mã. Lịch sử ông thế nào, không được rõ lắm. Song chỉ biết rằng, khi làm quan, ông có nhiều tri thức từng trải. Năm 29 S.C., ông chịu ủy nhiệm của Ti-be-rơ, làm quan tổng đốc xứ Do-thái và đem vợ cùng đi phó nhậm (Lu-ca 3:1). Ông đặt công đường ở thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 18:28), còn dinh thì ở thành Sê-sa-rê. Công việc của ông chẳng những thâu thuế thôi đâu, lại còn cầm quyền hành chính và tư pháp nữa. Vậy nên trong đại hội của người Do-thái dầu có quyền tự chủ, song muốn khép ai vào tội chết cũng phải đợi mạng lịnh của quan tổng đốc mới được (Giăng 19:10; 18:31). Trong sách Annales của nhà sử học ngoại đạo là Tacite (Năm 55-120 S.C.) viết rằng: "Ðang khi Ti-be-rơ làm hoàng đế, tổng đốc Bôn-xơ-Phi-lát đã xử tử Christ".
Còn về cái đời làm quan của Phi-lát thì sử chép là người tham lam, tàn nhẫn và ăn hối lộ. Hễ gặp việc gì ông cũng tự hỏi: "mình được lợi thế nào?" Chớ không nghĩ bổn phận mình phải làm thế nào. Vì vậy, người Do-thái hờn oán, tức giận ông lắm. Nhiều cuộc loạn lạc nổi lên cũng do ông khêu gợi cả (Lu-ca 13:1,2). Nhứt là ông đặt tượng vua La-mã ở Giê-ru-sa-lem càng làm cho người Do-thái ghét ông quá. Hai là ông lấy tiền của lễ "co ban" (Mác 7:11) để xây một cống (dài độ 50 cây số) dẫn nước vào Giê-ru-sa-lem, cống ấy còn đến ngày nay.
Việc ông xử án Chúa Jêsus tỏ ra ông là người tầm thường, hèn nhát (Ma-thi-ơ 27:; Mác 15:; Giăng 18:29-38; 19:; Lu-ca 23:; Công vụ các sứ đồ 3:13; 4:27; 13:28; I Ti-mô-thê 6:13). Phi-lát làm gương xấu rõ rệt, vì tỏ ra sự nguy hiểm của người nào coi thường điều lương tâm bảo là phải, mà không chịu làm ngay những việc rõ ràng của bổn phận. Sợ người, sợ dân Do-thái tố cáo, sợ làm mất lòng hoàng đế, và sợ mình phải mất tước quyền (Giăng 19:12), các điều ấy xui giục ông xử tử một Ðấng mình biết rõ là vô tội và muốn tha. Vả, vì ông lưỡng lự và làm những sự không xứng đáng để đẹp lòng dân Do-thái, thì chỉ xui giục dân ấy kêu la càng hơn. Chỉ có lòng kiên quyết theo lương tâm có thể giữ ông khỏi nói lời bất công mà mang tiến đời đời (Thi Thiên 82:). Sự cảm giác của ông về lẽ công bình, lòng thương xót, và sự cảm động về Ðấng Thánh chịu đau thương đều phải nhường chỗ cho sự ích kỷ, chánh sách quỉ quyệt và sự vô tín đáng khinh chê. Phi-lát mắc tội đã hẳn, song thầy tế lễ cả lại mắc tội nặng hơn. Thầy tế lễ cả tuy có sự sáng và trí hiểu biết Thuộc linh, vậy mà sai nộp Chúa Jêsus cho Phi-lát xử! (Giăng 19:11). Việc cuối cùng chép về ông trong Kinh Thánh là ông cắt lính canh mộ Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 27:62-66).
Kịp khi Chúa chết rồi, Phi-lát vì việc khác, bị người tố cáo, phải đến La-mã để chịu phán xét. Josèphe có viết rằng: "Phi-lát vì gặp nhiều sự không may thì thất vọng, rồi tự sát". Có kẻ bảo ông bị giết chết. Lại có người nói vợ ông tin Chúa, chịu lễ báp-têm. Cũng xem bài PHI-LÁT, BÔN-XƠ.
Trích lược J. Macarney Wilson.