Các danh Ðức Chúa Trời. Noms de Dieu.

       


      Tiến sĩ Scofield chú thích về các danh Ðức Chúa Trời:
       Sáng thế ký 1:1.-- Elohim (có khi El hoặc Elah, dịch quốc văn là "Ðức Chúa Trời,") thứ nhứt trong ba tên đầu tiên của Ðức Chúa Trời, là một lối tiếng chỉ tên số nhiều hiệp một từ El, tức sức mạnh, hoặc Ðấng mạnh sức, và Alah, tức thề, tự buộc mình bởi một lời thề, như vậy chỉ về sự trung tín. Lối viết số nhiều hiệp một trong tên được chứng quyết trực tiếp trong Sáng thế ký 1:26 (số nhiều) 27 (số hiệp một); cũng xem Sáng thế ký 3:22. Bởi vậy, Ba Ngôi được ẩn trong Elohim. Theo nghĩa đầu tiên là Ðấng Mạnh sức thì ấy đáng dùng trong đoạn đầu sách Sáng thế ký. Danh nầy dùng trong Cựu Ước chừng 2500 lần.
       Sáng thế ký 2:4.-- Xem bài Ðức Giê-hô-va.
       Sáng thế ký 15:2.-- "Chúa" (Hê-bơ-rơ: Adon Adonai).
       1. Ý nghĩa đầu tiên của Adon, Adonai là "Chủ" (Maỵtre) và trong Cựu Ước ứng dụng cả cho Ðức Chúa Trời lẫn người. Chỉ về người thì được phân biệt bằng cách in chữ thường và không có chữ hoa. Như ứng dụng cho người, lời đó dùng có hai sự thân thuộc: chủ và chồng (Sáng thế ký 24:9,10,12, "chủ" có thể minh chứng về chủ; Sáng thế ký 18:12 "chúa" chỉ về chồng). Cả hai sự thân thuộc đó có giữa Ðấng Christ và tín đồ (Giăng 13:12, "thầy," II Cô-rinh-tô 11:2,3, "chồng").
       2. Có hai nguyên lý tự nhiên ra từ sự liên lạc giữa chủ và đầy tớ: 
             a) Quyền của chủ đòi phải vâng phục ngay (Giăng 13:13; Ma-thi-ơ 23:10; Lu-ca 6:46); 
             b) Quyền của đầy tớ là ở chỉ dạy công việc (Ê-sai 6:8-11). Sự phân biệt rõ ràng trong sự dùng các danh Ngài được minh chứng trong Xuất Ê-díp-tô ký 4:10-12. Môi-se thấy sự yếu đuối và bất tài của mình, nên "Môi-se thưa cùng Ðức Giê-hô-va rằng: Ôi! Lạy Chúa (Adonai), tôi vẫn chẳng phải là một tay nói giỏi," v.v. Vì nói đến sự hầu việc, Môi-se (cách hợp lệ) thưa Ðức Giê-hô-va như là Chúa. Song nay nói đến quyền phép, thì ấy không phải là Chúa (Adonai), song Ðức Giê-hô-va đáp lại (chỉ đến quyền phép sáng tạo) -- "Ai tạo miệng loài người ra?... Vậy bây giờ, hãy đi; ta sẽ ở cùng miệng ngươi." Sự phân biệt đó cũng tỏ ra trong Giô-suê 7:8-11.
       Sáng thế ký 17:1.-- "Ðức Chúa Trời Toàn năng" (Hê: El Shaddai).
       1. Ý nghĩa căn nguyên của Ðức Chúa Trời Toàn năng (El Shaddai) là rất hay và cảm động. Ðức Chúa Trời (El) chỉ về "Ðấng Mạnh sức" (Sáng thế ký 1:1, lời chua). Chữ chỉ tính chất Shaddai được hợp từ lời Hê-bơ-rơ "Shad," ngực, bao giờ dùng trong Kinh Thánh cũng chỉ về ngực của đờn bà; xem Sáng thế ký 49:25; Gióp 3:12; Thi Thiên 22:9; Nhã Ca 1:13; 4:5; 7:3,7,8; 8:1,8,10; Ê-sai 28:9; Ê-xê-chi-ên 16:7. Vậy, Shaddai đầu hết có nghĩa "có ngực." Ðức Chúa Trời là "Shaddai," vì Ngài là Ðấng nuôi dưỡng, Ðấng ban cho sức lực, và bởi thế, theo nghĩa phụ, Ðấng làm cho thỏa mãn, để chính Ngài vào trong các đời sống tin kính. Như một em bé hay làm nũng không thỏa lòng, chẳng những chỉ được thêm sức mạnh và được nuôi bởi ngực bà mẹ, song cũng được yên ủi, yên nghỉ, và thỏa lòng, cũng vậy El-Shaddai là danh của Ðức Chúa Trời bày tỏ Ngài ra như Ðấng ban sức và Ðấng làm thỏa lòng dân Ngài. Mỗi lần Shaddai được dịch là Ðấng Toàn năng thì đáng tiếc; vì danh đầu tiên El hoặc Elohim đủ để chỉ nghĩa toàn năng đó. "Ðấng đầy đủ mọi sự," ấy thật rất đáng cho cả hai nghĩa Hê-bơ-rơ và lối dùng đặt biệt của danh El-Shaddai trong Kinh Thánh.
       2. Ðức Chúa Trời Toàn năng (El-Shaddai) không phải chỉ làm cho giàu, song cũng làm cho có kết quả. Không có chỗ nào minh chứng tốt hơn là lần thứ nhứt chép tên Ngài (Sáng thế ký 17:1-8). Ngài phán với một người 99 tuổi, "một người già yếu" (Hê-bơ-rơ 11:12): "Ta là Ðức Chúa Trời Toàn năng (El-Shaddai)... Ta sẽ... làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội." Lối dùng danh đó trong Sáng thế ký 28:3,4 cũng một ý định như vậy.
       3. Như là Ðấng ban sự kết quả, Ðức Chúa Trời Toàn năng (El-Shaddai) sửa dạy dân sự Ngài. Về sự liên lạc đạo đức của sự sửa dạy và sự kết quả hãy xem Giăng 15:2; Hê-bơ-rơ 12:10; Ru-tơ 1:20. Bởi đó, Ðấng Toàn năng là danh đặc biệt của Ðức Chúa Trời chép trong sách Gióp 31 lần. Cánh tay của El-Shaddai tra trên Gióp, người rất tốt lành trong thời mình, không phải để phán xét, song để làm cho tinh sạch mà được kết quả lớn hơn (Gióp 5:17-25).
       Sáng thế ký 14:18.-- "Ðấng Chí Cao" hay "Ðức Chúa Trời Chí Cao" (Hê: El-Elyon). "Elyon" chỉ có nghĩa là "cao nhứt."
       1. Sự khải thị thứ nhứt về danh Ngài (câu 18) chỉ những ý nghĩa đặc biệt. Áp-ra-ham trở về từ chỗ đắc hơn năm vua đồng minh (Sáng thế ký 14:1-17), được gặp bởi Mên-chi-xê-đéc, vua của Sa-lem... là "thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời Chí cao" (El-Elyon), là vua nhơn danh El-Elyon tức "Ðấng Chủ tể của trời và đất" mà chúc phước Áp-ra-ham. Sự khải thị nầy cảm động rất lạ tổ phụ. Không phải tổ phụ chỉ lập tức dâng cho Mên-chi-xê-đéc "phần mười của mọi vật" của cướp được tại trận; song khi vua Sô-đôm biếu một phần khác của cướp cho Áp-ra-ham thì tổ phụ cũng trả lời, "Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời Chí cao (El-Elyon) là Ðấng Chủ tể của trời và đất, hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy." v.v. (Sáng thế ký 14:18-23).
             a) Ðức Giê-hô-va được một vua Dân ngoại (Mên-chi-xê-đéc) biết bởi tên "Ðức Chúa Trời Chí cao" (El-Elyon); 
             b) Một người ngoại bang làm thầy tế lễ của El-Elyon, và 
             c) tánh cách đặc biệt như Ðức Chúa Trời Chí cao là "Ðấng dựng nên trời và đất."
       Hiệp với sự hiểu biết của Dân ngoại về Ðức Chúa Trời bởi danh Ngài, "Ðấng Chí cao" ta đọc rằng "Ðấng Chí cao phân phát sản nghiệp cho muôn dân (tức các dân ngoại), phân rẽ những con cái A-đam," v.v. (Phục truyền luật lệ ký 32:8). Như "Ðấng Chủ tể của trời và đất," ấy là đặc quyền của Ðấng Chí cao để phân chia đất giữa các dân, tùy theo bất cứ nguyên lý nào Ngài chọn. Nguyên lý đó được tuyên bố trong Phục truyền luật lệ ký 32:8. Sự dùng danh trong Ða-ni-ên, sách của lời tiên tri các dân ngoại, cũng một ý định đó (Ða-ni-ên 3:26; 4:17,24,25,32,34,35; 5:18,21).
       2. Như "Ðấng Chủ tể của trời và đất," Ðức Chúa Trời Chí cao có và hành động một phép tắc trong cả hai phạm vi: a) phép tắc ở trên trời của El-Elyon (xem Ða-ni-ên 4:35,37; Ê-sai 14:13,14; Ma-thi-ơ 28:18); b) phép tắc ở dưới đất của El-Elyon (xem Phục truyền luật lệ ký 32:8; Thi Thiên 9:2-5; 21:7; 47:2-4; 56:2,3; 82:6,8; 83:6,7, 16-18; 91:9-12; II Sa-mu-ên 22:14,15; Ða-ni-ên 5:18).
       Sáng thế ký 21:33.-- "Ðức Chúa Trời hằng hữu" (Hê: El Olam).
       1. Tiếng Hê-bơ-rơ Olam được dùng trong Kinh Thánh: a) về những sự mầu nhiệm hoặc giấu kín (xem Lê-vi ký 5:2, "không tự biết;" II Các vua 4:27, "giấu;" Thi Thiên 10:1, "ẩn mình"); b) Một thời gian hoặc thời kỳ không nhứt định (Lê-vi ký 25:32, "luôn luôn;" Giô-suê 24:2, "thuở xưa"). Bởi đó Olam được dùng để bày tỏ thời hạn vĩnh viễn của bổn thể Ðức Chúa Trời (Thi Thiên 90:2 "từ trước vô cùng cho đến đời đời"), và là tiếng Hê-bơ-rơ đồng nghĩa với tiếng Hy-lạp aion, một đời hoặc một thời đại. Xem Sáng thế ký 1:27,28, lời chua.
       Vậy, Những ý nghĩa về các sự giấu kín và thời gian không nhứt định thu lại trong chữ Olam đó. Cả hai ý nghĩa đó vẫn có trong lẽ đạo về các thời đại và đời. Những ý nghĩa đó ở giữa vòng "những sự bí mật" của Ðức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:9,10; 3:2-6; Ma-thi-ơ 13:11). Ðức Chúa Trời "hằng hữu" (El-Olam) là danh của Ðức Chúa Trời, theo đó Ngài là Ðức Chúa Trời có sự khôn ngoan đã chia mọi thời gian và thời vĩnh viễn thành sự mầu nhiệm của các đời hoặc thời đại liên tiếp nhau. Ngài không phải chỉ là Ðấng hằng hữu, song Ngài cũng là Ðức Chúa Trời trên mọi sự hằng có nữa.
       Sáng thế ký 2:1.-- Giê-hô-va Élohim. Xem bài Giê-hô-va, phần thứ 6 của phần Scofield.
       Sáng thế ký 15:2.-- "Chúa Giê-hô-va" (Hê: Adonai Giê-hô-va). Khi dùng cách riêng biệt, danh kép nầy, khi thâu hiệp những ý nghĩa riêng từng tên thành một (Sáng thế ký 1:1, lời chua; 15:2, lời chua), sẽ thấy có chú trọng Adonai hơn là Giê-hô-va về tánh cách của Ðức Chúa Trời. (Những câu sau nầy: có thể đủ minh chứng điều đó: Sáng thế ký 15:2,8; Phục truyền luật lệ ký 3:24; 9:26; Giô-suê 7:7; Các quan xét 6:22; 16:28; II Sa-mu-ên 7:18-20,28,29; I Các vua 2:26; Thi Thiên 69:6; 71:5; Ê-sai 7:7).
       I Sa-mu-ên 7:3.-- Giê-hô-va Sabaoth. Xem bài Giê-hô-va Vạn quân.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.