Cầu nguyện.

       

      Cầu nguyện tức là đem ý muốn mình trình bày với Chúa một cách thiết tha. Bởi sự cầu nguyện, chúng ta cảm biết Chúa là một Ngôi vị, là Ðấng có quyền sai khiến hoặc thay đổi được luật thiên nhiên. Vì Ngài có thể cải tạo tâm trí người ta, xoay lại cảnh ngộ và hoàn cảnh ở trên đời. Có vài câu ở vài đoạn trong Thi Thiên, người ta thường dùng làm bài cầu nguyện. Chúa Jêsus có đặt bài cầu nguyện để dạy môn đồ (Ma-thi-ơ 6:9-13; Lu-ca 11:2,3,4). Người nào chỉ lặp nhiều lần bài văn cầu nguyện, mà không thành tâm thì cũng vô ích (Ma-thi-ơ 6:7).
       I. Trong nguyên văn Cựu Ước có một vài chữ bày tỏ về ý cầu nguyện. 
             (1) Có chữ thường dùng như "cắt". Vì ngày xưa cắt thịt làm của lễ: sau người ta muốn dùng chữ "cắt" đó để tỏ ý mình phải xưng tội mới dám giao thông cùng Chúa. 
             (2) Có chữ giống chữ "kêu" -- kêu cầu danh Chúa (Sáng thế ký 4:26; Các quan xét 3:9), kêu cầu Chúa trong cơn hoạn nạn. 
             (3) Có chữ như chữ "tìm kiếm": "Hãy tìm kiếm ta thì các ngươi sẽ sống" (A-mốt 5:4). "Chúng nó sẽ cố tìm ta" (Ô-sê 5:15). "Hãy tìm kiếm Ðức Giê-hô-va đang khi mình gặp được" (Ê-sai 55:6). 
             (4) Có chữ như chữ "dốc lòng" (Thi Thiên 62:8; Ca Thương 2:19): nên mở lòng cởi ruột trước mặt Chúa.
       II. Nguyên văn Tân Ước có ba yếu từ bày tỏ về ý cầu nguyện: 
             (1) Có chữ như chữ "sùng bái" được dùng trong Tân Ước đến hơn một trăm mười lần. 
             (2) Có chữ như chữ "tâm giao" thì chỉ chép có một hai lần, như I Ti-mô-thê 4:5. 
             (3) Có chữ giống chữ "khẩn cầu" dùng ngót hai mươi lần, như Ma-thi-ơ 9:38; Lu-ca 10:12; 21:36; 22:32;  Công vụ các sứ đồ 1:14; 4:31; 8:22,24; 10:2; II Cô-rinh-tô 5:20; 8:4; Ê-phê-sô 6:18; Phi-líp 4:6; I Tê-sa-lô-ni-ca 3:10; I Ti-mô-thê 2:1; 5:5. Chữ "khẩn cầu" nầy có ý gấp rút như nửa đêm gõ cửa mượn bánh (Lu-ca 11:5-8) và như bà góa hằng xin thân oan (Lu-ca 18:1-5). Lại có một chữ như chữ "chiến đấu" (Rô-ma 15:30) cũng bày tỏ về ý hết sức cầu nguyện.
       III. Cựu Ước thuật về ý cầu nguyện của người ta.
       1. Thời đại tộc trưởng.-- Có bốn lối cầu nguyện: 
             (a) Ðối mặt nói chuyện với Chúa (Sáng thế ký 15:2,3,7,8; 17:15). 
             (b) cầu nguyện thay người (Sáng thế ký 17:18; 18:23-32). 
             (c) Cầu nguyện cho nhà mình (Sáng thế ký 32:11; 43:14). 
             (d) Hứa nguyện cùng Chúa (Sáng thế ký 14:22,23; 28:20,21).
       2. Thời đại từ Môi-se đến Các quan xét.-- Môi-se là bậc vĩ nhân trong thế giới cầu nguyện. Ông sốt sắng nài xin thay người (Xuất Ê-díp-tô ký 3:; 4:; 5:22; 6:1,10,12,28-30; Phục truyền luật lệ ký 3:23-26). Vậy nên, hễ gặp tai nạn hiểm nghèo, ông liền trình bày trước mặt Chúa (Xuất Ê-díp-tô ký 5:22; Dân số ký 11:11). Ông cũng có thể chúc phước cho dân chúng (Phục truyền luật lệ ký 33:6-11). Giô-suê vốn được Thánh Linh của Chúa cảm động (Dân số ký 27:18). Khi gặp nguy cấp, ông thường sấp mình cầu Chúa (Giô-suê 7:6-9; 10:12). Ghê-đê-ôn nói chuyện với Chúa (Các quan xét 6:11-24). Dân Y-sơ-ra-ên hằng cầu Chúa cứu giúp họ (Các quan xét 3:9,15; 4:3; 6:6; 10:10).
       3. Thời đại lập thành nước.-- Sa-mu-ên thường cầu thay (I Sa-mu-ên 7:5,8,9; 8:6; 12:23; 15:11; Giê-rê-mi 15:1). Vua Ða-vít giữ lệ thường cầu nguyện (I Sa-mu-ên 23:2; 30:8; II Sa-mu-ên 2:1; 5:23; 7:18-29; 12:16; 21:1; 24:17 và trong Thi Thiên của Ða-vít). Sa-lô-môn cầu nguyện cho mình và cho dân (I Các vua 3:5-10; 8:22-53). Ông lại xây đền thờ làm chỗ cho dân chúng cầu nguyện như có nói trong Ê-sai 56:7. Ê-xê-chia gặp hoạn nạn, cầu nguyện; đau ốm cũng cầu nguyện (II Các vua 19:15; 20:2). Ê-li là bậc vĩ nhân trong đời cầu nguyện (I Các vua 17:21; 18:36; Gia-cơ 5:17,18). Ê-li-sê cầu nguyện cho sức mạnh (II Các vua 4:33; 6:17). Các tiên tri thường thường cầu nguyện (Ê-sai 63:15-17; 64:8-12; Giê-rê-mi 17:14; 20:7-13; 42:4; A-mốt 7:2,5; Ha-ba-cúc 3:1,2).
       4. Thời đại bị bắt làm phu tù.-- Ða-ni-ên bền đỗ cầu nguyện thay cho dân (Ða-ni-ên 6:10; 9:4-19). E-xơ-ra và Nê-hê-mi cũng cầu nguyện như vậy (E-xơ-ra 9:5-15; Nê-hê-mi 1:4-11; 9:5-38).
       5. Thời đại làm xong Thi Thiên.-- Trong các Thi Thiên, có thiên làm sớm, có thiên làm muộn. Những thơ làm sớm hơn hết ở đời Môi-se (Thi Thiên 90:); còn những thơ làm muộn thì là ở lúc đã từ Ba-by-lôn về (Thi Thiên 137:). Song không cứ làm sớm hay muộn, các thơ đều nói nhiều về sự cầu nguyện, đến nỗi gần có thể nói là một cuốn sách "Cầu nguyện". Trong sách Châm Ngôn cũng thường luận về cầu nguyện (Châm Ngôn 15:8,29; 28:9; 30:7,8,9). Sách Gióp chép Gióp chán mình và tự ăn năn, cầu Chúa chỉ bảo cho mình (Gióp 42:1-6).
       IV. Tân Ước luận về cầu nguyện.--
       1. Gương sáng của Chúa Jêsus.-- Chúa giữ lệ thường cầu nguyện ngày ngày tâm giao với Ðức Chúa Cha. Hễ gặp việc trọng yếu, Ngài liền ngước lên trời mà cầu nguyện (Lu-ca 3:21; 6:12; 9:16,29; 22:39-46; 23:46; Mác 7:34; 9:29; Giăng 9:30-33; 11:41,42; Ma-thi-ơ 27:46). Ngài lại cầu nguyện thay người (Giăng 17:; Lu-ca 22:32). Lời Ngài để lại dạy người: trước phải tìm sự ích lợi về đời thuộc linh, coi nước Ðức Chúa Trời và sự công bình là cần kíp hơn hết (Ma-thi-ơ 6:33), và cần phải có lòng khẩn thiết, giữ bụng khiêm nhường trong khi cầu nguyện (Lu-ca 11:5-13; 8:1-14). Lại nên giữ lòng rộng rãi tha thứ (Mác 11:25; Ma-thi-ơ 6:15; 5:23,24), nên cầu nguyện nơi nhà riêng và đừng lặp đi lặp lại nhiều lời (Ma-thi-ơ 6:6,7). Cần nên thực lòng tin Chúa (Mác 11:23) và hiệp với người đồng chí, nhơn danh Chúa mà cầu nguyện. Như vậy, không khi nào không được ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 18:19,20; Giăng 14:13; 15:16; 16:23,24,26).
       2. Lời dạy của các Sứ đồ.-- Người ta được cảm động bởi Ðức Thánh Linh, tìm kiếm sự ích lợi về phần thuộc linh (Rô-ma 8:14-16; Ê-phê-sô 6:18; Giu-đe 20). Ðức Thánh Linh ngự trong lòng ta, cầu nguyện thay ta (Rô-ma 8:26). Nhờ Ðấng Christ, người ta được giao thông cùng Chúa (Ê-phê-sô 2:18; 3:12; Hê-bơ-rơ 4:15,16; 10:19-22), Ðấng Christ nay cũng thay ta mà cầu nguyện (Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25). Nhưng, khi cầu nguyện, ta nên dốc lòng tin, đừng nghi ngờ (Gia-cơ 1:6,7,8; I Ti-mô-thê 2:8; Hê-bơ-rơ 10:22). Lại phải vâng giữ điều răn của Chúa mới có thể dạn dĩ cầu Ngài (Giăng 3:21,22). Sứ đồ cho cầu thay là việc thường làm (Rô-ma 10:1; II Cô-rinh-tô 13:7; Ê-phê-sô 1:16; 3:14; Phi-líp 1:4,9; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:2; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:11; Phi-lê-môn 4), thường khuyên tín đồ nên bền đỗ cầu nguyện (Rô-ma 12:12; Phi-líp 4:6; Cô-lô-se 4:2; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; I Phi-e-rơ 4:7). Lại nên cầu thay cho người (Công vụ các sứ đồ 12:5; Rô-ma 15:30; II Cô-rinh-tô 1:11; 9:14; Cô-lô-se 4:3; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:1; Phi-lê-môn 22; Hê-bơ-rơ 13:18; Gia-cơ 5:16). Nói tóm, tín đồ, không cứ nam hay nữ, đều nên để sự cầu nguyện lên trên hết mọi việc (Công vụ các sứ đồ 1:14; I Ti-mô-thê 2:8; 5:5).
       V. Lúc, chỗ và hình thức cầu nguyện.-- Chúa đã đầy dẫy trong trời đất (Giê-rê-mi 23:24), không nơi nào Ngài không ở. Vậy không cứ nơi nào, đâu cũng có thể dùng làm chỗ cầu nguyện Ngài (Sáng thế ký 24:12; 32:9; Thi Thiên 42:6; 61:2; Ða-ni-ên 6:10; Lu-ca 6:12; Giăng 4:21-23). Song từ xưa tới nay, người ta có đặc biệt lập nơi cầu nguyện chung như Si-lô, Mích-ba và Ga-ba-ôn (I Sa-mu-ên 1:9,10; 7:5; I Các vua 3:4). Về sau thì ở đền thờ Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 37:14,15; 56:7; Lu-ca 18:10;  Công vụ các sứ đồ 3:1). Sau đó lại ở các nhà hội các thành. Bằng không có nhà hội thì hẹn định một chỗ làm nơi cầu nguyện (Công vụ các sứ đồ 16:13,16). Hội Thánh Ðấng Christ ban đầu dùng căn phòng hoặc cái nhà tầm thường làm nơi cầu nguyện chung (Công vụ các sứ đồ 1:13,14; 4:23,24; 12:12; Cô-lô-se 4:15). Người công bình xưa mỗi ngày tất cầu nguyện ba lượt (Ða-ni-ên 6:10): giữa trưa (Công vụ các sứ đồ 10:9), lối ba giờ chiều (Công vụ các sứ đồ 3:1; 10:30) và buổi tối (Thi Thiên 22:2; 55:17). Trước khi ăn cơm cũng cầu nguyện tạ ơn (I Sa-mu-ên 9:13; Ma-thi-ơ 15:36;  Công vụ các sứ đồ 27:35).
       Còn hình thức cầu nguyện thì cứ tùy tiện mà làm: hoặc đứng (Sáng thế ký 18:22,23; I Sa-mu-ên 1:26; I Các vua 8:22; Nê-hê-mi 9:5; Mác 11:25; Lu-ca 18:11,13), hoặc quì (Thi Thiên 95:6; Ê-sai 45:23; E-xơ-ra 9:5; I Các vua 8:54; Ða-ni-ên 6:10; Lu-ca 22:41;  Công vụ các sứ đồ 7:60; 9:40; 20:36; 21:5; Ê-phê-sô 3:14), hoặc sấp mình (Xuất Ê-díp-tô ký 34:8; Nê-hê-mi 8:6; Thi Thiên 95:6; Ma-thi-ơ 26:39), hoặc giơ hai tay như đón lấy ơn trời (Thi Thiên 28:2; 63:4; 134:2; Ca Thương 2:19; 3:41; I Ti-mô-thê 2:8). Tóm lại, dầu sao mặc lòng, hễ ai giao thông cùng Chúa thì phải tin rằng có Ngài và Ngài là Ðấng hay thưởng cho người tìm kiếm Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6).
       Tiến sĩ Scofield chú thích về cầu nguyện (Ha-ba-cúc 3:1) như sau nầy: Sự cầu nguyện trong Cựu Ước khác với sự cầu nguyện trong Tân Ước về hai phương diện: 
       (1) Trong Cựu Ước, nền tảng của sự cầu nguyện là lời giao ước Chúa, hoặc nhờ đặc tánh của Ngài tỏ ra, như hay thương xót, hay ban ơn, v.v.... Trong Tân Ước nền tảng của sự cầu nguyện là sự tâm giao: "Hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời" (Ma-thi-ơ 6:9). 
       (2) Khi so sánh lời cầu nguyện của Môi-se và Phao-lô, thì tỏ ra Môi-se cầu nguyện cho một dân thuộc về đất, và những mối nguy hiểm và ơn phước của dân ấy thuộc cõi vật chất; còn Phao-lô cầu nguyện cho một dân thuộc trên trời, và những nỗi nguy hiểm và ơn phước của dân ấy thuộc cõi thuộc linh.
       Tiến sĩ Scofield lại chú thích (Mi-chê 7:7) rằng: Mi-chê 7:7-20, trước là lời xưng tội và cầu thay cho mình hiệp với một Y-sơ-ra-ên (tham khảo 9:3-19). Sự cầu thay là một bằng cớ tỏ ra chức tiên tri (Giê-rê-mi 27:18; Sáng thế ký 20:7). Sau lời cầu nguyện của Mi-chê bày tỏ những sự phấn đấu trong lòng dân còn sót lại trong những ngày sau rốt: Ấy đấy là việc của tiên tri, nghĩa là chép xen lẫn sự xa với sự gần (Thi Thiên 22:1; Ma-thi-ơ 27:46).  Tiến sĩ Scofield chú thích (Lu-ca 11:13) rằng: Câu nầy tỏ ra, có lẽ ngoài bà Ma-ri ở Bê-tha-ni, không có môn đồ nào bởi tin đến lời hứa nầy mà xin ban Ðức Thánh Linh cho. Mỗi người có thể nhận lãnh Ðức Thánh Linh, dầu Giô-ên 2:28,29 chưa được ứng nghiệm ấy là sự rất mới lạ cho người Do-thái. Trong các môn đồ chỉ có bà Ma-ri hiểu thấu những lời Chúa phán nhiều lần về Ngài chết và sống lại (Giăng 12:3-7). Trừ Ma-ri ra trong các môn đồ chỉ có ông Phi-e-rơ lúc xưng Chúa Jêsus là Ðấng Christ (Ma-thi-ơ 16:17),--tỏ ra mình hiểu đôi chút về phần thuộc linh, trước khi Chúa chưa sống lại và Ðức Thánh Linh được ban cho (Giăng 20:22;  Công vụ các sứ đồ 2:1-4). Nếu chỉ nhờ lời hứa trong Lu-ca 11:13, thì là bỏ quên Lễ Ngũ Tuần, và không hiểu về lẽ mỗi tín đồ thật ắt có Ðức Thánh Linh ngự trong mình (Rô-ma 8:9,15; I Cô-rinh-tô 6:19; Ga-la-ti 4:6; I Giăng 2:20,27). (Hãy xem bài Ðức Thánh Linh về  Công vụ các sứ đồ 2:4 của ông Scofield).

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.