Chiến tranh.

      

      I. Ở đời Cựu Ước.-- Cựu Ước có thể chia làm năm ý:
       1. Ðịa dư xứ Palestine.
       Muốn biết rõ hết sự lý chiến tranh chép trong Cựu Ước, nếu không dò theo địa dư xứ Palestine mà xét trứơc, thì không thể hiểu cách rạch ròi ở trong đó được. Ở Palestine có ba đường lớn có thể hành binh:
       a. Từ phương bắc đi men mé Ðịa-trung-hải, qua thành Ty-rơ, núi Cạt-mên và thành Sem-sôn để đến nước Ai-cập.
       b. Từ thành Ða-mách đi về phía tây-bắc rẽ sang núi Cạt-mên đi qua đồng bằng Esdraclon. Chỗ nầy bãi đất rộng rãi. Sản vật phong phú, lại có bốn cái đồn lớn do thổ nhơn xưa đã xây đắp. Thật là một nơi yếu địa nhóm họp quân lính.
       c. Từ phía bắc thành Ða-mách đến bờ bên giòng sông Giô-đanh, tới địa phương Sy-ri bên cửa biển Ðịa-trung-hải.
       Ba đường kể trên đều chưa đi đến trung bộ nước Y-sơ-ra-ên được. Ðể có thể đi tới trung bộ nước đó, chỉ có một con đường nhỏ, và có một con đường biển từ Ai-cập qua Ðịa-trung-hải là được chú trọng về mặt chiến lược. Vì cớ Ai-cập có thể dùng thuyền chở quân để đánh vào cánh tay nó được.
       Phía tây nam xứ Palestine có nhiều pháo lũy để phòng giữ Ai-cập và Phi-li-tin xông đánh. Phía ngoài đồng bằng Esdraclon còn pháo lũy để giữ cửa miệng. Trung bộ nước Y-sơ-ra-ên có sườn núi, người ta lại xây vách thành kiên cố ở Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri để đặt khí giới binh bị. Ðương khi nước chia đôi nam bắc, bên nào cũng xây đắp thành lũy để giữ mình (I Các vua 22:3; Phục truyền luật lệ ký 4:41-43; II Các vua 8:28; 9:1). Hình trạng địa dư xứ Palestine có nhiều hang núi và đường nhỏ, nên người Phi-li-tin, người Mô-áp và người Ma-đi-an thường xông vào bờ cõi để lấn lướt, cướp bóc. Rồi người Hê-bơ-rơ cũng bắt chước mà gây cuộc chiến tranh.
       2. Hình thức chiến tranh.
       a. Các nước chiến tranh phần nhiều ở vào ngày xuân, đến mùa đông thì có hy vọng tan cuộc, song thỉnh thoảng có chuyện đánh nhau lâu đến vài năm mới yên (II Các vua 17:5; 25:1, 2, 3). Khi mới khai chiến; người Y-sơ-ra-ên cầu Chúa vùa giúp, hỏi Ngài ở trước hòm giao ước (Các quan xét 20:27-28), hoặc cầu vấn các tiên tri (I Các vua 22:15), hoặc nhờ đoán điềm chiêm bao (Các quan xét 7:13). Lại có khi đem hòm giao ước vào tận trại quân để mong Chúa vùa giúp I Sa-mu-ên 4:3-11; II Sa-mu-ên 11:11). Người Phi-li-tin thường đem hình tượng đi cùng (II Sa-mu-ên 5:21).
       Khi chủ tướng đem quân đi đánh, họ có khẩu-hiệu trước; hoặc ca hát hò reo (Các quan xét 7:18; II Sử ký 20:21), hoặc thổi kèn báo với mọi người (I Sa-mu-ên 13:3; Giê-rê-mi 6:1), hoặc sai sứ giả đi với gọi dân chúng (Các quan xét 7:24; II Sa-mu-ên 11:7), hoặc dựng cờ làm hiệu (Ê-sai 13:2).
       b. Thao lược. Cựu Ước nói chiến tranh có vài lối: 
             1) Thường dùng cách đánh lén ban đêm (Giô-suê 10:9; Các quan xét 7:19). 
             2) Hang dùng chước đặt quân phục (Giô-suê 8:10-28; Các quan xét 20:30-44). 
             3) Lìa trại dụ dỗ giặc, đợi giặc đến rồi ập lại đánh giết (II Các vua 3:24; 7:12). 
             4) Chia quân ra đánh khiến quân địch không kịp xoay xở chống lại (Sáng thế ký 14:15; II Sa-mu-ên 18:2).
       Người Hê-bơ-rơ thường tìm cách phòng giữ: binh lính đông như vảy cá, khiên thuẫn tua tủa như răng lược, tay cầm cây giáo, chiếm cứ đồi núi, như trận đánh ở trũng Ê-la: quân hai bên đóng trại đối ngang nhau, không bên nào chịu kém; lại có vài người ra trận đánh riêng, song chỉ là một người chọi với một người (II Sa-mu-ên đoạn 17).
       c. Ðồn lũy. Xứ Palestine nhiều đồi núi, tiện bề xây đắp đồn lũy. Trong đời quân chủ, người Y-sơ-ra-ên xây dựng thành lũy kiên cố ở các nơi yếu ải. Họ lại chế tạo những máy đặt trên các tháp và trên chót đồn lũy ở thành Giê-ru-sa-lem để bắn tên và đá lớn (II Sử ký 26:15).
       Nhờ Chúa giúp đỡ người Y-sơ-ra-ên đánh thành hoặc đồn lũy kiên cố dễ như lượm rác (Giô-suê 6:20). Có khi dùng lối hỏa công (Các quan xét 9:48-52). Nếu không hạ được thì vây thành thật lâu, khiến người trong thành đói khát khó chịu, hoặc dùng kẻ gian làm nội công để mua lấy thành. Người A-si-ri đánh thành hay dùng cây tháp gỗ hoạt động để bắn tên hoặc đá vào trong thành. Lại dùng những thứ xe đá, xe súng bắn ra tên bay, đá lớn để đánh phá thành. Coi Ê-xê-chi-ên 26:8, 9 thì biết cái phép đánh thành là thể nào.
       d. Binh lương. Lương lính ngày xưa quá nửa là lấy ở của cướp được khi đánh nhau. Song thỉnh thoảng cũng có lương định sẵn, như vua A-ma-xia lấy một trăm ta-lâng bạc mộ những người mạnh dạn trong Y-sơ-ra-ên (II Sử ký 25:6). Vua A-si-ri dùng nhiều dõng sĩ mộ từ nước ngoài đem về. Vua Ða-vít chia đều những vật cướp được cho lính đi trận và quân giữ trại (I Sa-mu-ên 30:24-25). Có khi người ta đem một phần đồ vật được bởi chiến tranh dâng cho Chúa (I Sa-mu-ên 15:21; II Sa-mu-ên 8:11).
       3. Cử động trong cuộc chiến tranh.
       Ðời xưa rất ngược đãi quân nghịch bị bắt làm phu tù. Vua Ða-vít bắt người Am-môn làm việc cực nhọc (II Sa-mu-ên 12:31). Vua A-ma-xia đánh thắng Ê-đôm bắt 10.000 người Sê-i-rơ đem lên trên chót hòn đá, rồi xô xuống cho chết hết (II Sử ký 25:12). Ba nước Y-sơ-ra-ên, Giu-đa và Ê-đôm liên minh với nhau, hiệp lại đánh dân Mô-áp: phá các thành, lấp các ruộng màu mỡ, bịt các nguồn nước, và đốn những cây tốt (II Các vua 3:25). Khi đó, trẻ con, trai gái thường bị giết chết, song thỉnh thoảng cũng có người được hậu đãi, như vua A-háp hậu đãi vua nước Sy-ri, lập ước rồi để cho về (I Các vua 20:34). Vua Y-sơ-ra-ên hậu đãi quân Sy-ri: cho ăn no rồi thả cho về (II Các vua 6:23).
       4. Kết thúc cuộc chiến tranh.
       Nước chiến bại lập hòa ước với nước chiến thắng, như vua A-háp lập giao ước với Bên-ha-đát: trả lại đất đã chiếm được của Y-sơ-ra-ên và cho lập phố chợ tại Ða-mách (I Các vua 20:34). Người ta không giết kẻ phu tù, thì cũng đòi đền tiền (II Các vua 18:14).
       5. Tiên tri luận về chiến tranh.
       Các tiên tri trước nhứt không cho việc chiến tranh là đáng chán ghét, mà lại cổ động nhơn dân chống cự quân nghịch là khác. Nữ tiên tri Ðê-bô-ra sai người chống cự Si-sê-ra (Các quan xét 4:4-9). Tiên tri Sa-mu-ên đem dân chúng đánh người Phi-li-tin (I Sa-mu-ên 7:3-12). Các tiên tri đời sau giảng bàn về chiến tranh đều cải lương khác trước. Họ coi chiến công chẳng những là sự thực về lịch sử và là chính sách của quốc tế, song lại coi là có ý chỉ của Chúa giáng hình phạt và tỏ khuyên răn ở trong đó nữa. Trong đời tiên tri của các tiên tri thường có nói trước ngày Ðấng Mê-si giáng lâm, ắt có chiến tranh lớn và tai nạn lớn (Ê-sai 13:16-18; Giê-rê-mi 4:9-17).
       Các tiên tri được Ðức Thánh Linh cảm động, biết chiến tranh là việc dữ, mô tả nước Chúa ắt không có chiến tranh. Khi nói tiên tri, các tiên tri đã có hy vọng đến Ðấng Mê-si giáng lâm, làm vua hòa bình (Ê-sai 9:6): các nước bình an không đánh nhau, không chuộng võ bị (Ê-sai 2:4). Thú rừng, rắn, rết, đều hiền lành, không hại người cũng không làm hại vật (Ê-sai 11:6-8). Vậy, có ý dạy dỗ gì trong lời tiên tri mở đàng cho Chúa Jêsus để dẫn đến nền giáo huấn cao sâu? Ấy chỉ là sự yêu thương! Thế mới biết tinh thần tôn chỉ đạo Chúa Jêsus đã phản đối chiến tranh từ lâu rồi.
       II. Ðời Tân Ước.--
       Tân Ước ít nói đến chiến tranh. Xét bốn sách Tin-lành chỉ có vài lần nhắc tới quân nhơn và chiến tình, như quân lính hỏi Giăng Báp-tít rằng: "Chúng tôi phải làm gì?" (Lu-ca 3:14). Chúa Jêsus có thí dụ về chiến tranh trước phải ngồi bàn luận đã (Lu-ca 14:31). Ngài lại nói tiên tri rằng: "Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: hãy giữ mình đừng bối rối" (Ma-thi-ơ 24:6). Phao-lô thường dùng quân lính với chiến tranh để nói bóng về tín đồ với cõi thuộc linh (I Ti-mô-thê 1:18; II Ti-mô-thê 2:4; Ê-phê-sô 6:11-17). Song phần nhiều mượn dùng làm thí dụ, chớ ít luận kỹ về chính mặt chiến tranh. Vì Chúa Jêsus dạy dỗ cốt lấy sự yêu thương làm khuôn phép thật tốt đẹp dầy đủ hơn sự dạy dỗ của người xưa (Ma-thi-ơ 5:44). Chúa phán: "Phước cho những kẻ nhu mì! Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận (Ma-thi-ơ 5:5-9). Ngài dạy người rằng: "Nước Cha được đến, ý Cha được nên, ở đất như trời!" (Ma-thi-ơ 6:7-13). Cứ theo như lời tiên tri của các tiên tri, thì nước Chúa thuộc về hòa bình, lại có Ðấng Christ làm Vua Bình-an; cho nên nói rằng: "Bình-an dưới đất, ân trạch cho loài người!" (Lu-ca 2:14). Chúa Jêsus quở trách Phi-e-rơ rằng:"Hễ ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm" (Ma-thi-ơ 26:52). Phao-lô nói:"Chúng tôi chẳng tranh chiến theo xác thịt" (II Cô-rinh-tô 10:3-4). Gia-cơ nói:"Những điều chiến đấu tranh cạnh há chẳng phải tự tình dục sao?" (Gia-cơ 4:1-2). Nói tóm, chiến tranh thật trái với lý tưởng của Ðấng Christ: đạo Ngài lấy yêu thương làm tôn chỉ. Nguyện suốt thế gian trừ nạn chiến tranh, cùng hưởng vui sướng hòa bình.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.