Chúa lên trời là một thiệt sự lớn cả trong Tân Ước cùng trong đời sống Ðấng Christ và tín đồ. Cũng là sự tóm kết của công việc cứu chuộc Ngài. Bốn sách Tin Lành chép về lịch sự đời sống Chúa trên đất, là những điều quá khứ; song bức tranh trọn vẹn của Tân Ước về Ðấng Christ cũng vẽ một Ðấng Christ đang sống ở trên trời, đang từng trải những sự hiện tại và tương lai.
I. Tân Ước chép về Chúa lên trời.--
Chúa vẫn trông đợi kỳ lên trời như tỏ ra trong Lu-ca 9:31, 51; Giăng 6:62; 7:33; 12:32; 14:12, 28; ; 16:5, 10, 17, 28; 20:17; và từ trời trở lại (Ma-thi-ơ 24:30; 26:64). Trong Mác 16:19-20, khi Chúa được đem lên trời, thì hứa sẽ "cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo". Lu-ca 24:28-53 cũng chép về Chúa lên trời. Vì lúc Giăng chép ai nầy đều công nhận rồi, nên Giăng chỉ nói đến như trong 20:17, v.v... Công vụ các sứ đồ 1:6-12 chép rõ truyện Chúa từ núi Ô-li-ve lên trời. Trong khi Ngài đang nói chuyện với các sứ đồ thì được đem lên, có một đám mây tiếp Ngài đi khuất mắt họ. Thân thể Chúa được cất lên cho đến khi mất hẳn, và trong lúc họ còn đang ngóng trông thì thấy hai người nói quyết rằng Chúa sẽ trở lại cũng một thể ấy. Trong Công vụ các sứ đồ 2:33; 3:21; 7:55; 9:3-5; 22:6-8; 26:13-15 cũng chép hay ngụ ý đến sự lên trời, sự sống hiện tại, và hành vi của Chúa ở đó. Phao-lô nói đến nhiều: như Rô-ma 8:34; suốt cả thơ Ê-phê-sô đặt Ðấng Christ ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời, cầm quyền cao cả, và làm Ðầu Hội Thánh (1:20-23); 2:6 liên quan tín đồ trên đất với Ðấng Christ "trong các nơi trên trời", và khúc 4:8-12 dạy rõ Ðấng "lên nơi cao... ban các ơn cho loài người" và "làm cho đầy dẫy mọi sự". Phi-líp 2:6-11 chép về Ðấng Christ sau khi tự hạ mình xuống đã được lên cao và 3:20 dạy các tín đồ "là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà... trông đợi Cứu Chúa mình". I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10 chép về các tín đồ đợi chờ con Ðức Chúa Trời từ trời, và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16 chép "Chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; sẽ có tiếng kêu lớn của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời". Trong các thơ khác của Phao-lô chỉ có I Ti-mô-thê 3:16 nói đến.
Thơ Hê-bơ-rơ chép về Chúa lên trời và kết quả nhiều hơn các sách khác (1:3-4:13); vẽ ra các tín đồ đang thấy Ngài như Người dưới đất và Chúa trên trời (2:9); tả Ðấng Christ là "Thầy tế lễ thượng phẩm lớn" đã trải qua các từng trời (4:14); là "Ðấng đi trước... vào phía trong màn nơi thánh" (6:20); bởi thế, "Ngài hằng có đời đời" và "hằng sống để cầu thay" (7:24-25). Ðại ý thơ là: Chúng ta có "một thầy tế lễ thượng phẩm, ngồi bên hữu ngai của Ðấng Tôn Nghiêm trong các từng trời" (8:1); vì địa vị đó đã "chuộc tội đời đời cho dân sự Ngài", và "vì chúng ta hiện ra trước mặt Ðức Chúa Trời" (9:12, 24). Chúa ngồi bên hữu Cha trên trời có ý rồi sau trở lại thế gian, là khi những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ dưới chơn Ngài" (10:12, 13). Cuối cùng trong 12:2 thì khuyên tín đồ hãy "nhìn xem Ðức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin... hiện nay ngồi bên hữu ngai Ðức Chúa Trời".
Hai thơ Phi-e-rơ chỉ một lần (I Phi-e-rơ 3:2) nói đến: Ðại ý là Ðấng Christ được lên cao sau khi đã chịu đau đớn, làm một gương; bởi vậy, bảo lãnh các tín đồ cũng sẽ được vinh hiển sau khi bền đỗ trong sự bắt bới. Ba thơ Giăng chỉ chép: "Chúng ta có Ðấng cầu thay ở nơi Ðức Chúa Cha" (I Giăng 2:1). Sách Khải Huyền dạy hay tỏ ra Ðấng Christ hằng sống ở trên trời, đang hành động trong Hội Thánh, và sẽ trở lại (Khải Huyền 1:7, 13; 5:5-13; 6:9-17; 14:1-5).
Vậy, suốt cả Tân Ước chép nhiều về Chúa lên trời và đang cầu thay như Cựu Ước Thi Thiên 110: đã nói trước. Các người chép Tân Ước cũng tin vậy. Hãy nhờ Ðức Thánh Linh là ân tứ từ khi Ðấng Christ lên trời. Chúa lên trời là kết quả sự giáng sanh làm người, là phần thưởng của công việc cứu chuộc Ngài; vì nay Ngài đã mặc lấy sự vinh hiển làm Chúa và thầy tế lễ của Hội Thánh, nên có một chức vụ càng rộng hơn.
II. Hai vấn đề can thiệp với sự Chúa lên trời.--
1. Về thân thể sống lại của Chúa chỉ có thể quyết định là khác với thân thể bị đem chôn: tức là chính thân thể Chúa sống lại nhưng thể yếu khác. Sự lên trời tự nhiên theo đời sống Chúa trên đất; bởi thế liên hiệp chặt với sự sống lại. Vậy thì, đối với những luật thiên nhiên, sự sống lại cắt nghĩa thể nào thì sự lên trời cũng thể ấy.
2. Có người lấy Công vụ các sứ đồ 1:10-11 làm khó hiểu vì chép "ngóng lên trời" như trời ở trên cao. Ấy là hiểu theo nghĩa đen của văn tự. Trời chỉ về một nơi cặp theo với địa vị; vì Chúa vẫn còn thân thể nên cần nơi ở. Nói về trời như ở "trên" có lẽ chỉ nghĩa bóng song cũng thật là một nơi. Ðây chỉ về Chúa "từ nơi nầy sang nơi khác và cũng là từ địa vị nầy sang địa vị khác. Ý nghĩa thật lên trời là Chúa ta lìa khỏi một thế giới và địa vị hữu hạn mà qua một thế giới và địa vị cao hơn tức là nơi Ðức Chúa Trời ở (Milligan). Ý ta ngày nay về vũ trụ vật chất khác nhau với ý trong đời Tân Ước, nhưng ta vẫn còn nói mặt trời mọc lên và lặn xuống, dầu biết nói thế không đúng. Vậy, không cần phải nhờ khoa học giải nghĩa, chỉ cần tin Ngài "được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa". Chúa lên trời là đổi địa vị và lối sống. Hai nhà phê bình Kinh Thánh trứ danh là Keim và Weiss công nhận: "Chúa Jêsus lên trời hiệp với những thiệt sự trong công việc Ngài" và là "chắc chắn như sự sống lại".
III. Sự lên trời can thiệp với Ðấng Christ thể nào?--
Sự lên trời là Chúa được đem lên và tôn vinh, sau khi công việc Chúa dưới đất đã xong (Phi-líp 2:9). Sự vinh quang Chúa có ba mặt:
1. Như là Con Ðức Chúa Trời trước khi giáng thế (Giăng 17:5).
2. Như là Con Ðức Chúa Trời hiện ra trong xác thịt (Giăng 1:14).
3. Như Con Ðức Chúa Trời được tôn vinh sau khi phục sanh và thăng thiên (Lu-ca 24:26; I Phi-e-rơ 1:21).
Ðối với Chúa, sự lên trời rất quan hệ vì:
1. Là chứng cớ được đắc thắng (Ê-phê-sô 4:8).
2. Ðược lên địa vị tôn vinh (Thi Thiên 110:1).
3. Là nơi quyền năng (Công vụ các sứ đồ 2:33).
4. Nơi vui mừng (Thi Thiên 26:8).
5. Nơi yên nghỉ, "ngồi".
6. Nơi ở đời đời.
IV. Sự lên trời can thiệp với tín đồ thế nào?--
Sự lên trời là rất quan hệ cho tín đồ, vì đời sống hiện tại của Chúa tại đó là can thiệp với đời sống của tín đồ. Giá trị thiêng liêng của sự lên trời không phải vì Chúa cách xa về phần thân thể, nhưng vì Chúa gần về phần thuộc linh. Tại đó, Chúa tự do khỏi sự hữu hạn của trái đất, và sự Ngài trên trời là sự hứa và bảo lãnh sự sống tín đồ. "Vì ta sống, các ngươi cũng sẽ sống".
Có thể tóm tắt sự dạy dỗ như sau nầy:
1. Chúa lên trời và đang ở đó là sự tóm kết về việc cứu chuộc Ngài (Hê-bơ-rơ 8:1), và là chứng cớ sự công bình Ngài là đầy đủ cho tín đồ. Ðể lên trời, người phải được tha tội và xưng là công bình. Chúa phục sanh và lên trời đều tỏ sự cứu chuộc và sự công bình Ngài là đủ cho tín đồ.
2. Trên trời Chúa là thầy cả thượng phẩm thay mặt người vào sự hiện diện Ðức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 5:1), bởi huyết Ngài (9:12), có thể thương xót (Hê-bơ-rơ 4:15), có thể cứu những kẻ bị cám dỗ (Hê-bơ-rơ 2:18), và cứu toàn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25). Nhờ huyết Ngài, tín đồ có thể vào nơi chí thánh (Hê-bơ-rơ 10:19-20).
3. Chúa trên trời là Ðầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22; 4:10, 15; Cô-lô-se 2:19). Vì vậy, Ngài là Chúa và Sự Sống của Hội Thánh, không bao giờ nói là Vua của Hội Thánh. Ngài ở bên hữu Ðức Chúa Trời gợi ý sau nầy Chúa sẽ là "Vua dân Do-thái" và "Vua trên muôn vua".
4. Chúa ở trên trời cầu thay là rất quan hệ (Rô-ma 8:33-34); Ngài là Ðấng Trung Bảo (I Ti-mô-thê 2:5; Hê-bơ-rơ 8:6); Ðấng cầu thay (I Giăng 2:1). Tân Ước chẳng hề chép việc cầu thay đó can thiệp với của lễ chuộc tội trên thập tự, vì ấy đã làm xong một lần đủ cả (Hê-bơ-rơ 10:10), nên không cần phải nhờ lễ Mình Thánh mà dâng Chúa lần nữa.
5. Từ nơi Cha trên trời, Chúa nhận Ðức Thánh Linh, là phần thưởng của việc Ngài, và đổ trên dân Ngài (Công vụ các sứ đồ 2:33) để "khiến thế gian tự cáo về tội lỗi" (Giăng 16:9) và dạy dỗ tín đồ (Giăng 14:25-26; 16:12-15).
6. Vì Ngài sống ở trên trời mới hiểu rõ được: "Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn" (Ma-thi-ơ 28:20). "Ngài hằng sống" là sự cảm động nhất của mỗi tín đồ và cả Hội Thánh; vì từ ngày Chúa lên trời trở đi, sự quyết định chắc chắn là: trong sự sống Ngài thì tín đồ cũng sống, được giao thông với Ðức Chúa Trời, nhận lấy ơn để sống hằng ngày mà được đắc thắng hơn tội, buồn bực và sự chết.
7. Nay, Chúa ở trên trời đang chờ những kẻ thù nghịch Ngài bị để làm bệ chơn Ngài (Hê-bơ-rơ 10:13), và Chúa tại đó là sự bảo lãnh dân sự Ngài sau sẽ dự phần về sự sống nầy (Hê-bơ-rơ 6:18). Chúa lên trời can thiệp với Chúa tái lâm (Phi-líp 3:20-21; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Hê-bơ-rơ 9:28). Khi Chúa tái lâm, các tín đồ chết sẽ được sống lại và với các tín đồ sống đều được cất lên (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17), để ứng hầu trước Tòa án Ðấng Christ lãnh phần thưởng tùy theo việc làm (II Cô-rinh-tô 5:10). Ðối với dân Ngài, sự tái lâm Chúa sẽ đem sự vui vẻ, thỏa nguyện và vinh quang (Công vụ các sứ đồ 3:21; Rô-ma 8:19; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:7). Ðối với kẻ thù nghịch đem sự thất bại và đoán phạt (I Cô-rinh-tô 15:25; Hê-bơ-rơ 2:8; 10:13; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9).
Khi ôn lại sự dạy dỗ về Chúa Jêsus lên trời và hiện nay cầu thay ở trước mặt Ðức Chúa Trời, thì tín đồ phải "ngước mắt lên hướng cùng Ngài" (Thi Thiên 123:1). Chỉ trong khi giao thông với Ðấng Christ hằng sống ở trên trời mà tín đồ có thể tìm bí quyết sự bình an, chắc chắn nhập vào sự hiện diện Ngài, và sự bảo lãnh hằng được giao thông với Ðức Chúa Trời. Thật ra, Hê-bơ-rơ 6:1; 10:1 dạy rõ rằng chỉ khi giao thông với sự sống hiện tại Ðấng Christ thì mới từng biết sự khác nhau giữa đời sống thuộc linh sâu nhiệm và nông cạn. Càng biết lợi dụng sự giao thông đó càng hưởng sự vui về một đời sống mạnh mẽ, đầy quyền năng, và tấn tới của tín đồ Ðấng Christ.
Trích lược: W. H. Griffith Thomas