Chúa nhựt hoặc ngày của Chúa.

       


      I. Tên gọi và gốc tích ngày Chúa nhựt.--
       Xét trong sách Khải Huyền 1:10, thấy Giăng có dùng ba chữ "ngày của Chúa". Ðó chừng như chỉ về ngày hội thánh nhóm họp để thờ phượng trong đời các sứ đồ. Coi sách  Công vụ các sứ đồ nói các tín đồ Ðấng Christ, sau ngày lễ Ngũ tuần, thân mật hòa thuận là dường nào! Ðó vì họ được thúc giục và gây dựng bởi sự hằng ngày nhóm họp và dự tiệc thánh vậy. Chẳng bao lâu sự thờ phượng hằng ngày tỏ ra không thích hiệp nữa, bèn lập ra cái qui tắc cứ mỗi bảy ngày là một lần thờ phượng. Nhưng nếu mỗi bảy ngày một ngày một lần nhóm họp mà làm như lối người Do-thái giữ ngày Sa-bát, thì rất không hiệp với nỗi vui mừng và sự tự do của lòng tin kính. Vả, xét: chương trình ngày Sa-bát họ đặt cũng có nhiều điều ngăn trở không êm. Ngoài ra, trong sáu ngày cũng không tốt bằng ngày thứ nhứt, nên Chúa đã tán thành ngày thứ nhứt đó. Vì chính ngày đó Chúa sống lại, hiện đến cùng môn đồ; qua bảy ngày, Ngài lại hiện đến cùng họ. Vả, ngày lễ Ngũ-tuần bấy giờ chừng là ngày thứ nhứt, tức là ngày đặc biệt được ơn ban Ðức Thánh Linh xuống. Sau đó tín đồ Ðấng Christ lựa định ngày ấy làm ngày nhóm hiệp bẻ bánh (Công vụ các sứ đồ 20:7; I Cô-rinh-tô 16:2). Trong các sách vở từ đời sứ đồ trở đi, cũng nói nhiều đến việc đó. Các đời đều có bằng cớ tỏ ra cái qui tắc đạo Ðấng Christ giữ ngày thứ nhứt đó làm ngày của Chúa.
       II. Chúa nhựt và ngày Sa-bát quan hệ với nhau.--
       Cội rễ lập ra ngày Sa-bát là vì sự rất cần dùng cho thân thể và linh hồn người ta. Bởi Chúa yêu người, muốn đặt cái lệ về tôn giáo cho họ, bèn biệt riêng ngày thứ bảy làm ngày gây dựng thân thể, sửa sang linh hồn để giao thông với Chúa. Khi Chúa Jêsus giáng sanh, ngày Sa-bát đặt ra trước đó hầu bị che lấp mờ tối bởi những lề thói tương truyền, nên Chúa đối với ngày Sa-bát, muốn thực hành cái lý tưởng là đem lại cái tốt, cái hay của nó vốn có. Coi Lu-ca 6:3-5; và Mác 2:27 chép, thì biết Chúa chúng ta làm sạch ngày Sa-bát là như thế! Ngài nói tiên tri rằng ngày ấy đến cuối cùng sẽ bị bỏ. Ấy cũng như Ngài biết trước rằng đền thờ sẽ bị phá hủy! Vậy nên Ngài dọn sạch đền thờ thể nào thì Ngài cũng dọn sạch ngày Sa-bát thể ấy. Muốn biết ý Ðấng Christ đối với ngày Sa-bát và ngày Chúa nhựt, thì có thể xét ở lịch sử ngày của Chúa. Lịch sử đó bắt đầu từ đời các sứ đồ, và được các hội thánh phổ thông ưng thuận. Như thế rõ ràng là ý chỉ Chúa nhờ Ðức Thánh Linh làm nên trọn vậy. Cứ xét  Công vụ các sứ đồ 21:20 thì biết tín đồ Do-thái vốn giữ cả ngày Chúa nhựt lẫn ngày Sa-bát; còn tín đồ dân ngoại, phần nhiều tiếp nhận Tin-lành bởi Phao-lô, ngoài sự giữ ngày Chúa nhựt, không khứng giữ ngày Sa-bát của người Do-thái. Ấy vì Phao-lô thường chú trọng đến điều nguy hiểm giữ ngày, tháng, năm, mùa thuộc ngoài phận sự và luận ngày Sa-bát làm hình bóng về việc sẽ tới. Việc sẽ tới tức là ngày Chúa nhựt của đạo Ðấng Christ (coi thêm Cô-lô-se 2:16-17; Ga-la-ti 4:9-11; Rô-ma 14:5-6). Tóm lại, mục đích Ðấng Christ là cứ mặc ngày Sa-bát của người Do-thái lần lần chết đi, nhưng dạy hội thánh mượn ngày Chúa nhựt để giữ lấy cái nghĩa lâu dài sâu xa trong ngày Sa-bát. Như vậy khỏi đem rượu mới bằng chơn lý và tự do của đạo Ðấng Christ mà chứa vào trong cái túi da cũ bằng lễ nghi tương truyền của người Do-thái.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.