Cơn giận của Ðức Chúa Trời.

      



      Giận là một tiếng dùng chung cho cả Ðức Chúa Trời và loài người. Khi dùng về Chúa, thì rất rõ không phải là vô cớ và trái với luân lý như các tà thần và loài người giận. Cơn giận của Ngài nên coi như tự nhiên tỏ ra bổn tánh của Ðức Chúa Trời, là bổn tánh hoàn toàn thánh khiết, tỏ ra nghịch cùng những sự gian ác và tội lỗi mà người cố ý, kiêu căng, không thể chữa mình được. Cơn giận của Ngài trong Kinh Thánh thường coi là công bình, chính đáng, bày tỏ cách tự nhiên sự thánh khiết và sự công bình mà trong mỗi cảnh ngộ, dầu sao mặc lòng, Ngài phải cứ giữ luôn. Cho nên, cơn giận của Ngài là rất nên, vẫn hiệp với bổn tánh thánh khiết, công bình của Ðức Chúa Trời (Dân số ký 11:1-10; Phục truyền luật lệ ký 29:27; II Sa-mu-ên 6:7; Ê-sai 5:25; 42:25; Giê-rê-mi 44:6; Thi Thiên 79:6). Lòng yêu thương và sự thương xót vẫn quan thiệp chặt chẽ với sự giận của Ðức Chúa Trời. Nếu xét đúng cơn giận Chúa thì bất đắc dĩ phải nhận chỉ là tỏ ra lường mực của sự yêu thương Ngài (Giê-rê-mi 10:24; Ê-xê-chi-ên 23:; A-mốt 3:2).
       Cơn giận của người.-- Khi dùng về loài người, cơn giận phô bày bản tánh hay phó mình phạm tội, bởi đó không thể bào chữa được (Sáng thế ký 4:5,6; 49:7; Châm Ngôn 19:19; Gióp 5:2; Lu-ca 4:28; Ga-la-ti 5:20; II Cô-rinh-tô 12:20; Ê-phê-sô 4:31; Cô-lô-se 3:8). Bởi cớ đó, người bị cấm không được nổi giận (Rô-ma 12:19) song phải "nhường cho cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời" và "chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn" (Ê-phê-sô 4:26), cũng không được giận anh em mình (Ma-thi-ơ 5:22), song phải làm hòa để khỏi sự đoán xét (Ma-thi-ơ 5:25,26), cũng không được chọc giận khi nuôi dạy các con cái trong gia đình (Ê-phê-sô 6:4; Cô-lô-se 3:21). Bất cứ lúc nào, Chúa cấm nổi giận (Dân số ký 18:5; Thi Thiên 37:8; Rô-ma 12:19; Ga-la-ti 5:19; Ê-phê-sô 4:26; Gia-cơ 1:19,20).
       Sự thạnh nộ không trái với sự yêu thương của Chúa.--
       Cơn thạnh nộ của Chúa chép nhiều trong Cựu Ước hơn Tân Ước. Ấy có lẽ vì Tân Ước phô bày ân điển và sự yêu thương của Ðức Chúa Trời còn nhiều hơn khi so sánh với sự thạnh nộ của Ngài. Chắc sự yêu thương được bày tỏ rõ hơn sự thạnh nộ trong chức vụ và sự dạy dỗ của Ðấng Christ và các Sứ đồ Ngài. Dầu sự yêu thương có quan hệ như thế, nhưng không nên tưởng cơn thạnh nộ là phần tử của bản tánh Ðức Chúa Trời, không được tỏ ra trong Tân Ước. Trái lại, vì Ðức Chúa Trời đã ban Con một của Ngài là Jêsus Christ làm Chúa Cứu Thế, vậy tỏ ra cách lạ lùng và ân điển, sự thương xót và sự yêu thương của Ngài, nên cơn giận của Ngài được tỏ càng rõ hơn. Ðức Chúa Trời chẳng những là sự yêu thương, song cũng là Ðấng Công bình; quả thật "Ðức Chúa Trời là đám lửa hay thiêu đốt" (Hê-bơ-rơ 12:29), "Sa vào tay Ðức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!" (Hê-bơ-rơ 10:31). Dầu coi Chúa như Cha hay thương xót song không thể quên rằng Ngài vẫn là Ðấng thánh khiết và công bình nên vẫn giữ cơn giận thánh nghịch cùng tội lỗi và tội nhơn (I Phi-e-rơ 1:17; Hê-bơ-rơ 10:29). Vậy tội nhơn chỉ bởi Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Ðức Chúa Trời đã lập làm Ðấng Cứu Thế mới có thể thoát khỏi cơn giận của Ngài (Giăng 3:36; Rô-ma 1:16-18; 5:9). Tội nhơn cũng không nên tưởng rằng hiện nay cơn giận của Chúa chưa được tỏ ra thì về sau sẽ không có. Sự hoãn lại không phải là bỏ! Thật ra tội nhơn cứ chối Ðấng Christ và không nhận sự cứu rỗi, thì "tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Ðức Chúa Trời, là Ðấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm...ai không vâng phục lẽ thật mà vâng phục sự không công bình...thì chuốc lấy cơn giận và sự thạnh nộ, sự hoạn nạn khốn khó giáng cho mọi người làm ác" (Rô-ma 2:5-9; II Phi-e-rơ 3:10; Khải Huyền 6:16,17; 16:19; 19:15).
       Những đặc sắc về sự thạnh nộ Chúa.-
       Dầu cơn giận của Chúa chậm, và không dễ nổi lên (Thi Thiên 103:8; Ê-sai 48:9; Giô-na 4:2; Na-hum 1:3), nhưng rất đáng sợ (Thi Thiên 2:12; 76:7; 90:11; Ma-thi-ơ 10:28), không nên trêu chọc (Giê-rê-mi 7:19, I Cô-rinh-tô 10:22) khi Chúa hành hại trong đời hiện nay, chỉ nên nín chịu (II Sa-mu-ên 24:17; Ca Thương 3:39-43; Mi-chê 7:9) nên chăm chỉ cầu Chúa cứu mình thoát khỏi (Thi Thiên 39:10; 80:4; Ða-ni-ên 9:16; Ha-ba-cúc 3:2), nên dắt đưa người ăn năn tội (Ê-sai 42:24-25; Giê-rê-mi 4:8).
       Có mấy điều đặc biệt hay trêu chọc Chúa giận; cứ phản nghịch (Dân số ký 32:14; Xuất Ê-díp-tô ký 23:21) sự không tin (Thi Thiên 78:21,22; Hê-bơ-rơ 3:18,19), không chịu ăn năn (Ê-sai 9:13,14; Rô-ma 2:5), bội đạo (Hê-bơ-rơ 10:26,27), thờ hình tượng, (Phục truyền luật lệ ký 32:19-22; II Các vua 22:17; Giê-rê-mi 44:3), tội lỗi của tín đồ (Thi Thiên 89:30-32; Ê-sai 47:6) và nhứt là cơn giận của Chúa tỏ ra nghịch cùng những kẻ chống trả đạo Tin lành Chúa Jêsus Christ (Thi Thiên 2:2,3,5; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:16).
       Cơn giận công bình và bất công.--
       Song le, có khi bổn phận tín đồ buộc phải giận: "Hãy ghét sự ác" (Thi Thiên 97:10). Tín đồ Chúa chuộng sự công bình không đủ, cũng phải giận về tội, chớ không giận người có tội. Người nào không thể giận tội cũng không thể yêu sự công bình. Như vậy, có thể nói rằng: Giận được, "chớ phạm tội" (Ê-phê-sô 4:26). Giận tội và sự bất công của người và vì cớ tội đó làm buồn cho Chúa, có thể gọi là giận công bình. Ấy là cơn giận của Chúa Jêsus khi Mác 3:5 chép: "Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận, vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi". Sự giận như thế là vô tội; song khi bị tổn thương đến nhân cách và tình cảm mà nổi giận ấy là tội đáng bị sửa phạt. Vậy, rất nên cẩn thận, người nào cũng phải "mau nghe và chậm nói, chậm giận" e rằng "cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Ðức Chúa Trời" (Gia-cơ 1:19,20).
       Xin trưng dẫn mấy ví dụ ở trong Kinh Thánh về cơn giận công bình: Jêsus (Mác 3:5), Gia-cốp (Sáng thế ký 31:36), Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 11:8; 32:19; Lê-vi ký 10:16; Dân số ký 16:15, Nê-hê-mi 5:6; 13:17-25); về cơn giận bất công: Ca-in (Sáng thế ký 4:5,6), Ê-sau (Sáng thế ký 27:45), Môi-se (Dân số ký 20:10,11), Ba-la-am (Dân số ký 22:27), Sau-lơ (I Sa-mu-ên 20:30), A-háp (I Các vua 21:4) Na-a-man (II Các vua 5:11), Hê-rốt (Ma-thi-ơ 2:16), người Giu-đa (Lu-ca 4:28), thầy cả thượng phẩm (Công vụ các sứ đồ 5:17; 7:54).
William Évans.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.