Canon vốn có ý nghĩa là cây sậy, hoặc gậy, song sau nghĩa rộng hơn, chỉ về:
1. Một roi thẳng hoặc then như thước ngang của người thợ nề dùng xây nhà.
2. Ý bóng, một vật gì để làm cho đều hoặc nhứt định các vật khác, nhứt là chỉ các sách tùng thư; để dẫn dắt hoặc để làm mẫu mực (Ga-la-ti 6:16; Phi-líp 3:16).
3. Một kiểu mẫu cho lẽ đạo Ðấng Christ, chánh giáo đối với tà giáo.
4. Các sách thánh được coi như cai trị đức tin và cách cư xử.
Canon là tiếng Hy-lạp. Trước hết, chữ nầy dùng trong nghĩa thứ tư đó bởi các giáo phụ đầu tiên, song nghĩa đã có từ lâu rồi. Vậy, một sách đáng thuộc Kinh Thánh gọi là sách được công nhận.
Cựu Ước được công nhận.--
Các bản văn xưa có quyền, lần lần càng chép bao nhiêu thì được giữ cẩn thận bấy nhiêu. Mười điều răn chép trên hai bảng đá được cất trong hòm bảng chứng (Xuất Ê-díp-tô ký 40:20). Sách luật pháp chép bởi Môi-se đặt bên cạnh hòm bảng chứng (Phục truyền luật lệ ký 31:24-26). Giô-suê thêm tập mình đã chép vào đó (Giô-suê 24:26). Sa-mu-ên chép về cách lập nước trong một sách và đặt ở trước mặt Chúa (I Sa-mu-ên 10:25). Trong đời vua Giô-si-a, sách Luật pháp của Chúa, sách rất quen biết, được tìm ra trong Ðền thờ và được công nhận bởi vua, các thầy tế lễ, các tiên tri và dân sự, là cổ và có quyền (II Các vua 22:8-20). Có nhiều bản luật pháp sao lại (Phục truyền luật lệ ký 17:18-20). Các tiên tri chép các lời mình (xem Giê-rê-mi 36:32), và mỗi tiên tri đều quen biết các sách tiên tri khác nên thường trích ra như có quyền (Ê-sai 2:2-4 với Mi-chê 4:1-3). Vậy, luật pháp và những lời tiên tri được công nhận có quyền, vì có Thần Ðức Chúa Trời soi dẫn (hà hơi vào), nên giữ gìn rất cẩn thận bởi Ðức Giê-hô-va (Xa-cha-ri 1:4; 7:7, 12).
Luật pháp Môi-se, gồm Ngũ kinh, trong đời E-xơ-ra thông dụng khắp cả như là một phần riêng của văn thánh. Luật đó có ở trong tay E-xơ-ra (7:14), và người là một văn sĩ thạo luật đó (7:6, 11). Khi dân sự xin, thì E-xơ-ra đọc chung cho công chúng nghe (Nê-hê-mi 8:1, 5, 8). Cũng chừng thời kỳ nầy, trước khi người Do-thái tuyệt giao với người Sa-ma-ri, thì bản Ngũ kinh đã mang sang xứ Sa-ma-ri. Jêsus, con của Sirach, làm chứng sự sắp đặt các tiên tri nhỏ vào một số mười hai trong năm 200 T.C.. Người cũng gợi ý về một số lớn các sách Giô-suê, Các quan xét, Sa-mu-ên, Các-vua, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và 12 tiên tri nhỏ, là phần thứ nhì trong Cựu Ước Hê-bơ-rơ được công nhận. Cháu của Jêsus con Sirach, năm 132 T.C., cũng nói đến những điều sau nầy trong lời mở đầu của Apocryphe Ecclésiastique: Cựu Ước chia làm ba phần lớn là: "luật pháp, tiên tri và các sách khác", và cũng trong lúc đó dịch ra một bản tiếng Hy-lạp. Trong sách Macchabées độ chừng năm 100 T.C. có nói đến "các sách thánh hiện nay trong tay ta" Philon, sanh tại Alexandrie (20 T.C.), và chết trong đời Claudius, có Cựu Ước công nhận như ngày nay và trích gần hết các sách thánh mà không nói đến các sách Apocryphe.
Trong Tân Ước có nói đến các sách thánh như là một bộ gồm các sách công nhận (Ma-thi-ơ 21:42; 26:56; Mác 14:49; Giăng 10:35; II Ti-mô-thê 3:16), là thánh (Rô-ma 1:2; II Ti-mô-thê 3:16), và là các lời Ðức Chúa Trời phán (Rô-ma 3:2; Hê-bơ-rơ 5:12; I Phi-e-rơ 4:11), cũng nói đến Cựu Ước chia làm ba phần là "luật pháp Môi-se, các tiên tri và các Thi Thiên" (Lu-ca 24:44); và trích hoặc nói đến hết các sách trừ Áp-đia, Na-hum, E-xơ-ra, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê, Nhã Ca và Truyền đạo. Josèphe, sử gia đồng thời với Phao-lô, viết chừng năm 100 S.C., thay mặt quốc dân mình rằng: "Chúng ta chỉ có hai mươi "sách" gồm cả lịch sử mọi đời, chính là các sách chúng ta tin cậy là từ Ðức Chúa Trời". Khi nói về quyền độc nhứt của các sách nầy, thì dùng lời rất mạnh mẽ rằng: "Từ ngày vuaạ t-ta-xét-xe cho đến đời ta, mỗi biến động đều có ghi chép, song những biến động chép đó xét ra không đáng tin như những biến động chép trước kia, ấy vì cớ các tiên tri sau không có quyền bằng các tiên tri công nhận trước". Chắc Josèphe chỉ về những tiên tri sống trong khoảng giữa Cựu Ước và Tân Ước, Josèphe nói tiếp: "Có sự làm chứng rõ Kinh Thánh thật đúng: ấy vì dầu trải qua một thời gian lâu, song không ai dám thêm, đổi hoặc bớt một chữ, và tánh tự nhiên của mọi người Giu-đa từ khi sanh ra thì coi Kinh Thánh là điều Chúa dạy, nên vâng giữ, nếu có cần, vui liều sự sống mình cho Kinh Thánh đó".
Josèphe chia Cựu Ước làm ba đầu đề:
1. "Năm sách thuộc Môi-se, ghi chép luật và truyền khẩu về căn nguyên loài người cho đến khi Môi-se qua đời".
2. "Từ khi Môi-se chép cho đến vuaạ t-ta-xét-xe băng, các tiên tri sau Môi-se có chép mọi việc đã làm trong thời mình trong mười ba cuốn". Chắc Josèphe theo sự sắp đặt của Septante, và số đếm của bản Alexandrinus. Vậy, có lẽ mười ba cuốn đó là: Giô-suê, Các quan xét với Ru-tơ, Sa-mu-ên, Các-Vua; Sử-ký, E-xơ-ra với Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê; Gióp, Ða-ni-ên, Ê-sai, Giê-rê-mi với Ca Thương, Ê-xê-chi-ên và mười hai tiên tri nhỏ.
3. "Bốn sách còn lại chép những bài ca cho Ðức Chúa Trời và phương châm cai trị cách cư xử người đời". Chắc là Thi Thiên, Nhã Ca, Châm Ngôn, Truyền đạo.
Ngoài những sự thật đó cũng có lời truyền khẩu chứng rằng Cựu Ước được công nhận trong đời E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Josèphe, như đã nói trên, bày tỏ cho cả đồng bào mình đều tin không có thêm một sách nào vào đó từ đờiạ t-ta-xét-xe, tức đời E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Irénée, có để lại lời truyền khẩu thế nầy: "Sau các sách thánh bị hủy trong kỳ dân sự bị vua Nê-bu-cát-nết-sa đày đi, khi người Giu-đa sau 70 năm đã trở về quê hương mình, trong đời vuaạ t-ta-xét-xe, Chúa có soi dẫn E-xơ-ra, thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi, để người sắp đặt lại hết cả những lời của các tiên tri đã đến trước, và lập lại cho dân sự luật lệ của Môi-se". Élias Lévita, viết năm 1538 S.C. về dân sự mình tin như sau nầy; "Trong đời E-xơ-ra, hai mươi bốn sách thánh chưa thâu lại đóng thành một bộ. E-xơ-ra và các người đồng công thu hiệp các sách đó, chia làm ba phần: luật pháp, tiên tri và văn thơ". Lời truyền khẩu nầy có sự thật. Hai mươi bốn sách đó vì chia khác nhau, song thật là ba mươi chín sách như có trong Cựu Ước công nhận ngày nay.
Sách Ngũ kinh của Môi-se luật pháp của nước, theo niên hiệu thì là phần thứ nhứt, đứng đầu Cựu Ước công nhận. Phần thứ hai là tám sách tiên tri: Giô-suê, Các quan xét, Sa-mu-ên, Các-Vua gọi là tiên tri đầu, và Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và mười hai tiên tri nhỏ gọi là tiên tri cuối. Ðây Giô-suê được coi là tiên tri theo sách Apocryphe. Nơi trung tâm của phần thứ ba là hai sách Thi Thiên và Châm Ngôn. Có hai điều đặt biệt về hai sách đó là: thi ca và những người chép không phải là tiên tri thực thụ. Hai sách đó hấp dẫn đến mình mọi lời văn có quyền giống thế. Vậy, bài cầu nguyện của Môi-se (Thi Thiên 90:) dầu viết bởi một tiên tri song cũng liệt vào phần thứ ba Cựu Ước Hê-bơ-rơ vì là văn thơ. Ca Thương cũng vậy, song còn một cớ khác nữa là biệt khỏi sách Giê-rê-mi. Ấy vì sách Ca Thương được đọc trong ngày kỷ niệm hai Ðền thờ bị hủy phá, nên để với bốn sách ngắn khác đọc trong bốn ngày kỷ niệm khác: Nhã Ca, Ru-tơ, Truyền đạo và Ê-xơ-tê đều gọi là Mégilloth. Ða-ni-ên cũng vào phần 3 nầy vì viết bởi một người, dầu có ơn tiên tri song không có chức tiên tri. Hai sách Sử-ký cũng được vào vì chắc là chép bởi một thầy tế lễ không phải một tiên tri. Vì chắc chép trong kỳ dân bị làm phu tù tại Ba-by-lôn không đủ cớ cho hai sách nầy vào phần thứ 3; vả, Xa-cha-ri và Ma-la-chi chép trước nhưng thuộc phần hai. Dầu mục lục ba phần Cựu Ước là nhứt định, song thứ tự các sách phần ba có khi thay đổi, và trong Talmud phần hai có sách Ê-sai giữa Ê-xê-chi-ên và mười hai tiên tri. Có lẽ thứ tự nầy là tùy theo sách lớn nhỏ, sách lớn thường để trên. Gần hết thế kỷ I S.C. còn có sự bàn luận xem mấy sách trong phần ba có đáng được công nhận không. Sự bàn luận đó là về tài liệu của sách, và xem sách đó có sự gì khó hiệp với các sách khác không. Làm thế, không có ý bỏ quyển nào ra ngoài Cựu Ước, song thật ra chỉ tỏ rõ hơn các sách đó xứng đáng dự phần đã có trong Cựu Ước công nhận.
Tân Ước được công nhận.-- Hội Thánh lập ra bởi các Sứ đồ hưởng từ giáo Giu-đa một đạo chép của đức tin. Chính Ðấng Christ cũng công nhận đức tin đó, vì kể Cựu Ước là lời Ðức Chúa Trời được chép ra (xem Giăng 5:37-47; Ma-thi-ơ 5:17-18; Mác 12:36-37; Lu-ca 16:31), và nhờ đó dạy các môn đồ (Lu-ca 24:45). Các Sứ đồ thường nói đến Cựu Ước như có quyền (xem Rô-ma 3:2, 21; I Cô-rinh-tô 4:6; Rô-ma 15:4; II Ti-mô-thê 3:15-17; II Phi-e-rơ 1:21). Các Sứ đồ cũng nói chính những sự dạy dỗ mình, hoặc nói, hoặc chép, có quyền giống như chính Cựu Ước (I Cô-rinh-tô 2:7-13; 14:37; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; Khải Huyền 1:3); Và chỉ cho các tín đồ phải đọc chung thơ tín mình (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27; Cô-lô-se 4:16-17; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; II Phi-e-rơ 1:15; 3:1-2), còn những sự khải thị ban cho Hội Thánh bởi các tiên tri được Chúa soi dẫn cùng với sự dạy dỗ của các Sứ đồ đều được coi là nền tảng của Hội Thánh (Ê-phê-sô 2:20). Vậy, Tân ước thêm với Cựu Ước vừa tự nhiên, vừa phải lẽ, và bởi đó Kinh Thánh công nhận được mở rộng hơn.
Trong chính Tân Ước có thể thấy việc được công nhận đó bắt đầu (I Ti-mô-thê 5:18; II Phi-e-rơ 3:1, 2, 16), và trong những đời kế tiếp các Sứ đồ, những bản nào coi như có quyền Sứ đồ cũng được lần lần thu lại, và cuối cùng gọi là Tân Ước. Ấy vì từ ban đầu, chứng cớ một sách đáng liệt vào Kinh Thánh là nhờ quyền các Sứ đồ nghĩa là nhờ Sứ đồ hoặc viết hoặc bảo lãnh cho hội thánh công nhận. Trong thế kỷ II, III có nhiều chứng cớ tỏ ra ấy là nguyên lý cai trị việc thu lại các sách vào Tân Ước công nhận.
Các sách hiệp lại làm Tân Ước, vì mấy cớ khác nhau, chỉ dần dần được công nhận. Trước chỉ có mấy sách trong vài Hội Thánh được kể là nhờ các Sứ đồ chép hay bảo lãnh, và chỉ thật được công nhận khắp cả là khi cả đoàn thể giáo hữu khắp đế quốc La-mã liên lạc với nhau. Mới bắt đầu việc thu lại các sách công nhận thì không sốt sắng mấy, sau vì có nhiều tà giáo và nhiều bản giả mạo đòi quyền Sứ đồ thì được thúc giục nhiều hơn. Dầu cách thâu họp là từ từ, nhưng các sách mà Hội Thánh nào nhìn nhận là phải thì được coi là công nhận vì có quyền Sứ đồ. Sự dạy dỗ các Sứ đồ trở nên đạo về đức tin. Những thơ tín Sứ đồ đều đọc trong khi nhóm họp thờ phượng. Ðầu thế kỷ II, trong hai thơ của Polycarpe và Barnabas gọi các sách đó thuộc Kinh Thánh. Hai sách Tin lành Mác và Lu-ca được công nhận vì nhờ quyền của hai Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô. Cũng có những sách giải nghĩa các sách thánh đó, và sau đời và sau đời các Sứ đồ, lời trích và lối văn từ các sách thánh đó đầy tràn cả văn chương của Hội Thánh.
Về lối thu họp các sách Tân Ước, nên chú ý mấy điều như sau nầy: Từ đầu thế kỷ thứ II hết thảy khắp nơi đều nhận bốn sách Tin lành; còn II Phi-e-rơ 3:16 tỏ ra độc giả mình đã quen biết các thơ tín Phao-lô. Rất sớm đã thấy thành ngữ "Tin lành" và "các Sứ đồ" dùng để tả hai phần các sách mới thâu đó. Lẽ minh chứng sách Công vụ các sứ đồ được công nhận vào Tân Ước là vào nửa phần đầu thế kỷ II. Dầu trong mấy Hội Thánh bàn luận có nên công nhận vài sách kia, nhưng ấy chỉ tỏ ra trước phải đủ chứng cớ thì một sách mới được nhận vào Tân Ước. Sau hết, dường như thế kỷ II, Hội Thánh Sy-ri công nhận gần hết Tân Ước trừ Khải Huyền, Giu-đe, II Phi-e-rơ và II.III Giăng; Hội Thánh La-mã trừ Hê-bơ-rơ, I,II Phi-e-rơ Gia-cơ và III Giăng ; Hội Thánh Bắc-phi, trừ Hê-bơ-rơ, II Phi-e-rơ và có lẽ Gia-cơ. Song những sách thâu họp đó chỉ gồm các sách mà các Hội Thánh công nhận cách trọng thể, vậy không phải là chứng cớ không biết sách khác của Sứ đồ. Thật ra, thế kỷ III, những sách trừ ra kể trên đều được công nhận khắp nơi, dầu bao giờ cũng còn quan niệm khác nhau về vài sách. Ðến đời các Công giáo hội nghị Tân Ước như có ngày nay được công nhận. Trong thế kỷ IV mười giáo phụ và hai Công giáo hội nghị để lại mục lục các sách Tân Ước công nhận. Chỉ ba trong mười giáo phụ đó không công nhận Khải Huyền ấy, ấy vì lúc đó còn có những thành kiến nghịch cùng sách đó, dầu trước đã có nhiều chứng cớ đáng được công nhận. Các giáo phụ cùng Công giáo hội nghị nhận Tân Ước như có ngày nay.
Vì những thiệt sự kể trên nên nhớ mấy điều nầy:
1. Dầu sự sưu tập Tân Ước làm một cuốn là chậm, nhưng sự tín ngưỡng về các sách thánh chép để cai trị đức tin là từ ban đầu Hội Thánh và bởi các Sứ đồ. Không nên tưởng vì truyện làm thành Tân Ước các sách công nhận mới được quyền cai trị đức tin của tín đồ, ấy vì vốn có từ trước rồi. Truyện đó chỉ tỏ những bước mà các sách đáng thuộc Tân Ước được thu lại và công nhận.
2. Ðến thế kỷ II, các Hội Thánh và các sách giải nghĩa đạo vẫn còn có quan niệm riêng và lối dùng khác nhau về những sách nào đáng công nhận, và cứ xét có bao nhiêu chứng cớ để có thể công nhận chắc chắn. Dầu vậy, ấy chỉ tỏ ra các bước tấn tới đến nỗi khắp cả Hội Thánh đủ chứng cớ để công nhận cả Tân Ước như ngày nay. Vì làm như thế, dầu trước đã nhận một vài sách giả mạo, nhưng sau bỏ hết.
3. Chứng cớ để nhận các sách trong Tân Ước thật thuộc Kinh Thánh là lẽ minh chứng của lịch sử. Hội Thánh đầu tiên đã xem xét hai mươi bảy sách Tân Ước có quyền Sứ đồ, không thấy chứng cớ giả mạo, nên ta đáng công nhận ngày nay.
4. Cuối cùng, đầu thế kỷ IV mới dùng danh từ "Canon", nhưng trước vẫn dùng ý nghĩa danh từ đó để chỉ về Kinh Thánh là Lời Chúa cai trị đức tin của tín đồ, và ý nghĩa đó cũng là một lẽ đạo của các Sứ đồ.