Một nước lớn ở phía Ðông Bắc châu Phi. Nay xin thuật sơ địa thế, thổ sản, cổ tích, lịch sử, tôn giáo, v.v... của nước đó ra sau nầy:
I. Ðịa thế.-- Ðịa giới dường như bao giờ cũng thế, không đổi: miền duyên hải dài độ 320 cây số, và từ phía Bắc xuống phía Nam độ 832 cây số. Bắc giáp Ðịa Trung Hải, Ðông Bắc gần xứ A-rạp, Ðông Nam giáp Biển Ðỏ, Tây Nam liền với đồng vắng mênh mông của châu Phi. Nước đó chia làm thượng Ai-cập, tức là trũng sông Ni-lơ, và hạ Ai-cập tức là miền đồng bằng. Vì cớ đó nên Kinh Thánh có đặt tên Ai-cập là Mích-ra-im, có nghĩa là "Hai Ai-cập", tức chỉ về hai miền nầy vậy (Sáng thế ký 10:6, 13; I Sử ký 1:8, 11). Tiếng A-rạp gọi Ai-cập là Mizr, nghĩa là "bùn đỏ". Kinh Thánh cũng gọi Ai-cập là "xứ Cham" (Thi Thiên 105:25, 27; so sánh Thi Thiên 78:51). Tên ấy chắc chỉ về Cham, là con của Nô-ê.
Nước đó, từ những đất ở hai bên tả hữu triền sông Ni-lơ ra, đại khái là sa mạc cả. Hai bên có vô số sông nhỏ có thể đi thuyền được. Sông Ni-lơ bài 6.500 cây số, có chỗ rộng độ 18 cây số, có chỗ độ 40 cây số không chừng. Nó phát nguyên từ hồ Victoria-Nyanza ở trung bộ châu Phi, rồi đổ về phía bắc, chảy tắt vào giữa nước Ai-cập. Trước đó chia làm bảy nhánh; nay đã ứ lấp mất năm, chỉ con hai nhánh chảy vào Ðịa Trung Hải.
Ðất Ai-cập vốn ít có mưa. Khí hậu không thay đổi thình lình, cũng làm khỏe người. Trừ ở miền bờ biển, còn thì bầu không khí khô hanh và trong trẻo, nên đền đài không bị hư hại. Lúa má nẩy nở và lớn lên là chỉ nhờ sông rảy tưới. Nước ở sông lên xuống, hằng năm có kỳ nhứt định. Khi lên, nước vọt cao từ 8 đến 13 thước tây, Mãi đến tháng 10 dương lịch mới rút. Nước sông Ni-lơ tràn ngập, làm cho đất đai phì nhiêu. Vậy, sông Ni-lơ là nguồn thạnh vượng cho cả xứ, và xưa kia được kính thờ như vị thần. Mùa đông, dân gian gieo giống; qua tháng Ba năm sau thì gặt. Như trên đã nói, nước chia làm nửa trên và nửa dưới. Nam là Thượng Ai-cập, chia làm 22 tỉnh; Bắc là Hạ Ai-cập, chia làm 20 tỉnh. Ðất mỗi tỉnh có thể chia làm bốn loại:
a) Tỉnh thành, đặt một viên tỉnh trưởng và dựng đền hàng tỉnh thờ thần.
b) Ðồng ruộng.
c) Ðường thủy, mỗi năm do quan địa phương khơi đào một lần.
d) Ðất có bùn lầy nước đọng, xưa mọc nhiều thứ cỏ dùng làm vật liệu chế giấy, nay thì chỉ có các nhà thợ săn ở đó thôi.
II. Thổ sản.-- Trong núi có nhiều đá xanh, son đá mài, đá hoa cương đen (gradier) ngọc trắng, ngọc giao. Lại có mỏ năm loại kim và mỏ lưu hoàng. Khắp nước chỗ nào cũng có các cây trái như lê, táo, đào, quít, mơ, lựu, nho, vả v.v... Duy trũng Ni-lơ ngoài cây dưa ra, không có thứ cây nào khác. Sản vật đồng ruộng thì có lúa mạch lớn, lúa mạch nhỏ, ngô, đậu, thóc, bông, thuốc lá, mía, dưa, rau đậu, v.v... Thú rừng thì có sư tử, voi, cọp, beo, lạc đà, sài lang, dê vàng, hà mã, chồn, cáo, thỏ. Gia súc thì có bò, chiên, dê, ngựa, chó, mèo, v.v... Kể đến loài chim, người ta thấy: ưng xanh, oanh vàng, hạc đỏ, diệc cú, ngỗng, vịt, gà và vô số chim sẻ. Lại có cá sấu và rùa lớn nữa. Loại côn trùng hại người như rắn, rết, v.v... cũng nhiều.
III. Cổ tích.-- Người đời xưa nước đó phần nhiều nổi tiếng vì khôn ngoan. Năm 4.000 T.C., thợ khéo xây dựng nhà cửa đồ sộ. Các Kim tự tháp (pyramides) cao tới 138 thước tây, đến nay vẫn còn. Người nước đó lại khéo chạm trổ mặt tường, hay đắp nặn núi, nước, hoa, chim, người, vật; trong sa mạc có cái núi đá dài 68 thước tây, cao 20 thước tây, người bổn xứ đẽo gọt làm thành cái tượng đầu người, mình thú, (sphynx) rồi dưới mình con thú họ đào một cái hang lớn làm chùa. Thực họ đã nhọc lòng, tốn sức để tranh tài với hóa công vậy.
Nhà cách trí đo lường cái thời gian trái đất đi xung quanh mặt trời một vòng; rồi định 365 ngày làm một năm, chia năm làm 12 tháng, mỗi ba tháng làm một mùa. Các nhà học giả thì viết tốt văn hay, tác phẩm của họ lưu truyền cũng xa. Lại có những tay tài tử đờn giỏi, hát hay. Các nhạc khí họ dùng khó lòng kể tên ra cho hết được! Dân Ai-cập cũng chăm lo kỹ nghệ. Họ dệt vải gai mịn và vải trắng (Ê-sai 19:9). Vải đẹp của Ai-cập đem vào bán ở xứ Pha-lê-tin (Châm Ngôn 7:16). Người ta làm rất nhiều đồ gốm; nghề nầy dường đã là công việc làm của dân Hê-bơ-rơ khi họ làm phu tù ở đó (Thi Thiên 81:6; tham khảo Xuất Ê-díp-tô ký 1:14). Ðồ pha lê và đồ sứ đều cũng đẹp, khéo và kỹ lắm. Về võ bị, trừ súng đạn ra, không thứ gươm giáo nào của họ là không tốt và bền.
IV. Lịch sử.-- Có thể chia lịch sử đời thượng cổ của nước Ai-cập làm ba phần:
1. Ðế quốc cổ, kể từ khi lập quốc đến khi chi tộc Hyksos từ xứ Sy-ri đến chiếm cứ.
2. Ðế quốc giữa, kể từ khi chi tộc Hyksos vào Ai-cập đến khi họ bị đuổi ra khỏi đó.
3. Ðế quốc mới, kể từ khi Amasis lập lại tổ quốc cho đến khi người Ba-tư (Perses) chinh phục Ai-cập.
I. Ðế quốc cổ.-- Thành Mem-phis là kinh đô tối cổ, dựng trên bờ sông Ni-lơ bởi Menês, là người làm vua trước nhứt ở Ai-cập, Manethon, một thầy tế lễ Ai-cập, song về triều các vua Ptolémées (Thế kỷ thứ III T.C.), có chép một quyển sử ký nước Ai-cập bằng tiếng Hy-lạp, chia các vua làm ba mươi triều đại. Ðế quốc cổ có một thời kỳ đáng ghi nhớ hơn hết là thời kỳ các vua xây kim tự tháp đó. Vua xây kim tự tháp thứ nhứt tên là Suphis (theo sử gia Manethon), là Cheops (theo sử gia Hérodote, nước Hy-lạp), và là Khufu hoặc Shufu (theo một tấm bia trên kim tự tháp đó). Hérodote chép rằng vua Che-phren đã xây kim tự tháp lớn thứ nhì, và trên các mộ chung quanh có tên Khafra hoặc Shafre. Vua xây kim tự tháp thứ ba là Mycérinus: trong kim tự tháp có một quan tài ghi tên Menkura. Các vua oai quyền hơn hết của đế quốc cổ thì Manethon liệt vào triều đại thứ XII. Trong thời kỳ nầy người ta xây hồ Moeris để chứa nước khi lụt, và cũng xây lâu đài Labyrinthe (mê cung có nhiều phòng nhỏ, để làm cho lạc lối).
II. Ðế quốc giữa.-- Về thời kỳ nầy chúng ta chỉ biết nào chi tộc du mục Hyksos (theo tiếng Ai-cập, chữ Hyksos do chữ Hyk nghĩa là "vua" và chữ "sos" nghĩa là "chăn chiên", mà ra) tràn vào nước Ai-cập, bắt phải phục tòng mấy thế kỷ; nào kinh đô của dòng Hyksos là Memphis; nào trong tỉnh Seth-roite họ có dựng một trại lớn bằng đất, đặt tên là Abaris; nào trong thời kỳ họ chiếm cứ nước Ai-cập, có lúc lập hai nước tự trị, một ở sa mạc Thebaide giao thiệp thân mật với nước Ê-thi-ô-bi, còn một ở miền Xois, giữa các đồng lầy của sông Ni-lơ; nào rốt lại, người Ai-cập lấy lại quyền độc lập và đuổi những vua Hyksos về Pha-lê-tin. Những vua Hyksos thuộc về các triều đại thứ XV, XVI và XVII, Manethon nói rằng các vua đó là người A-rạp, song lại cho các vua của triều đại thứ XV là người nước Phê-ni-xi (Phénicie).
III. Ðế quốc mới.-- Ðế quốc mới kể từ đầu triều đại thứ XVIII đến cuối triều đại thứ XXX. Ðế quốc nầy được vua Amasis làm cho vững bền; vua đã đuổi được chi tộc Hyksos để dự bị cho các vua nối ngôi mình cử binh mở mang bờ cõi trên châu Á và châu Phi, từ Mê-sô-bô-ta-mi cho đến Ê-thi-ô-bi. Kỷ nguyên vẻ vang của sử ký nước Ai-cập chính là triều đại thứ XIX; khi ấy vua Seti đệ nhứt, (năm 1.322 T.C.) đem quân đánh phía Tây Á châu và miền Sou-dan và cháu mình là Ramses đại đế (năm 1.311 T.C.) (ở phía Nam nước Ai-cập) cướp được rất nhiều của quí dùng làm việc công ích. Dưới đời trị vì của các vua cuối cùng triều đại thứ XIX, thì thế lực nước Ai-cập suy đồi. Triều đại XX và XXI không làm được việc gì đáng ghi vào sử ký.
Nhưng triều đại thứ XXII đáng được chú ý đặc biệt vì có việc quan hệ với Kinh Thánh. Sheshonk đệ nhứt (năm 990 T.C.), vua thứ nhứt của triều đại nầy, chính là Si-sắc đã xông hãm nước Do-thái trong đời vua Rô-bô-am trị vì, đoạt các châu báu của đền Ðức Giê-hô-va và của cung vua (I Các vua 14:25). Có lẽ Osorkon đệ nhứt, vua kế vị Sheshonk đệ nhứt chính là Xê-rách trong Kinh Thánh đã bị vua A-sa đánh bại (II Sử ký 14:9).
Trong triều đại thứ XXIII và XXIV, nước Ai-cập không có gì quan hệ đến lịch sử châu Á; song đến triều đại thứ XXV thì lại chiếm được địa vị khá hùng cường. Triều đại nầy toàn những vua vốn người Ê-thi-ô-bi rất hiếu chiến và đã ngăn cản dân A-si-ri mở mang bờ cõi. Vậy, ta có thể đoán rằng Shebek đệ nhị hoặc Sebichus vua Ê-thi-ô-bi, đã kết đồng minh với Ô-sê, vua sau chót của nước Y-sơ-ra-ên (II Các vua 17:4). Tehrak hoặc Tirhakah, vua thứ ba của triều đại nầy, đã đề binh đánh San-chê-ríp, vua A-si-ri, để cứu giúp vua Ê-xê-chia (II Các vua 18:21). Sau đó, tới triều đại thứ XXVI là dòng vua người bổn xứ, hiệu là Saite.
Theo sử gia Hérodote, thì Psametek đệ nhứt cũng gọi là Psammetichus đệ nhứt (năm 664 T.C.), là vua sáng lập triều đại nầy, đã giao chiến với xứ Pha-lê-tin và chiếm được thành Ách-đốt sau khi vây hãm 29 năm (xem Giê-rê-mi 25:20 tham khảo Sô-phô-ni 2:4; Xa-cha-ri 9:6). Còn vua ấy là Nê-ku, cũng gọi là Nê-cô (II Sử ký 35:20), cứ đề binh đánh Ðông phương, đi dọc theo bờ biển xứ Pha-lê-tin để đánh vua A-si-ri. Giô-sia giao chiến với Nê-cô tại trũng Mê-ghi-đô và bị tử trận nhằm năm 608-607 T.C. (II Sử ký 35:20-26). Cách đó ít lâu Nê-cô bị Nê-bu-cát-nết-sa đánh đuổi tại Cát-kê-mít, trên bờ sông Ơ-phơ-rát, nhăm năm 605-604 T.C. (Giê-rê-mi 46:2).
Rồi có vua Apries, cũng gọi là Pha-ra-ôn Hophra, cử binh đến giúp vua Sê-đê-kia, nên thành Giê-ru-sa-lem không bị quân Canh-đê vây nữa (Giê-rê-mi 37:5-11). Về sau dường như Nê-bu-cát-nết-sa kéo quân xông xuống đánh vua Apries tại chính đất Ai-cập. Vua Amasis kế vị vua Apries, trị vì lâu dài và thạnh vượng, và lấy lại thế lực của nước Ai-cập ở Ðông phương. Nhưng nước Ba-tư ngày càng dấy mạnh, con vua Amasis mới trị vì được sáu tháng, thì bị Cambyse, vua Ba-tư, đánh thắng, và nước Ai-cập đổi thành một tỉnh của đế quốc Ba-tư (Năm 525 T.C.).
Dân Ai-cập thường nổi lên làm phản. Từ năm 405 đến năm 345 T.C., Ai-cập lại độc lập. Ngặt vì dân không biết gì, nên trong khoảng 60 năm, đã trải những ba triều đại thứ XXVIII, XXIX và XXX. Năm 345 T.C., nước Ai-cập lại phụ thuộc nước Ba-tư. Năm 332 T.C., nước Ai-cập thuộc về nước Ma-xê-đoan. Alexandre đại đế, vua nước Ma-xê-đoan, xây thành Alexandrie làm kinh đô. Ðến năm 30 T.C., Ai-cập lại thuộc nước La-mã.
V. Kinh Thánh.-- Xứ Ca-na-an đói kém, Áp-ram xuống Ai-cập. Vì sợ tai vạ, kêu vợ là em (Sáng thế ký 12:10-20). Chúa soi bảo Áp-ram rằng dòng dõi ông sẽ kiều ngụ ở Ai-cập, chịu ngược đãi 400 năm (Sáng thế ký 15:13). Rồi Chúa sai Môi-se làm mười phép lạ lớn lao, dẫn họ ra khỏi xứ.
Mười phép lạ ấy tức là mười tai vạ giáng xuống Ai-cập để tỏ ra oai quyền của Ðức Giê-hô-va. Tai vạ hầu hết đánh hạ các vị thần của Ai-cập.
1. Nước sông Ni-lơ biến thành huyết đánh hạ thần Hapi, là thần sông Ni-lơ.
2. Tai vạ ếch nhái đánh hạ nữ thần Heka có đầu nhái.
3. Tai vạ bụi đất biến thành muỗi giáng vào đất mà người Ai-cập thờ lạy và tôn là thần Seb, là cha của các thần.
4. Tai vạ ruồi mòng giáng vào không khí được tôn là thần Shu, con trai của Ra -- thần mặt trời, hoặc là Isis "nữ hoàng của từng trời".
5. Tai vạ súc vật bị dịch lệ đánh hạ thần con Bò.
6. Tai vạ tro vải lên trời biến thành ghẻ chốc đánh hạ nữ thần Neit, là "Hoàng thái hậu ở từng trời cao hơn hết", và cũng đánh hạ thần Sutech hoặc Ty-phon mà khi thờ lạy, họ phải đốt con sinh tế ra tro rồi tung trước gió.
7. Tai vạ mưa đá làm cho Pha-ra-ôn nhận biết Ðức Giê-hô-va.
8. Tai vạ cào cào giáng vào rau cỏ và trái cây mà dân Ai-cập rất quí chuộng.
9. Tai vạ tối tăm đánh hạ Ra, là thần mặt trời.
10. Tai vạ giết chết con đầu lòng của người và thú vật làm ứng nghiệm lời Chúa đe dọa rằng: "Ta sẽ đoán xét các thần của xứ Ai-cập" (Xuất Ê-díp-tô ký 12:12). Các tai vạ nầy dầu chép ở Xuất Ê-díp-tô ký 7:14-12:36, và chắc đã làm cho dân Y-sơ-ra-ên chán các thần Ai-cập!
Dõng sĩ vua Ða-vít giết một người Ai-cập (II Sa-mu-ên 23:21). Vua Sa-lô-môn cưới con gái của Pha-ra-ôn ở Ai-cập (I Các vua 3:1). Xe ngựa đều mua cả ở Ai-cập (I Các vua 10:28). Ha-đát, Giê-rô-bô-am trước sau phản nghịch đều trốn qua xứ đó (I Các vua 11:17, 20; 12:2). Si-sắc, vua Ai-cập, đánh thành Giê-ru-sa-lem, cướp hết của báu trong đền thờ và trong cung vua (I Các vua 14:25, 26). Ô-sê, vua Y-sơ-ra-ên, phản nghịch nước A-si-ri, giao thông với vua Ai-cập là Sô, bèn bị vua A-si-ri giam cầm (II Các vua 17:4) Pha-ra-ôn-Nê-cô, vua Ai-cập đánh vua A-si-ri; Giô-si-a bèn đi chống giữ, bị giết ở Mê-ghi-đô (II Các vua 23:29). Giô-a-cha làm vua Do-thái được ba tháng, bị vua Ai-cập bỏ đi và lập em Giô-a-cha, Ê-li-a-kim, làm vua (II Sử ký 36:2-4). Có lời tiên tri rằng Ai-cập sẽ suy kém (Ê-sai 19:1-15; 20:; Giê-rê-mi 46:; Ê-xê-chi-ên 29:; 32:; Ða-ni-ên 11:42; Giô-ên 3:19; Xa-cha-ri 10:11). Lại cảnh cáo dân nhờ cậy Ai-cập thì sẽ bị tai vạ (Ê-sai 30:2; 31:1; Giê-rê-mi 2:36; Ê-xê-chi-ên 17:15; Ô-sê 7:11). Sau khi Giê-ru-sa-lem bị thất thủ, Giê-rê-mi được Chúa soi sáng, khuyên dân ở yên tại nước Do-thái, chớ đừng đi đến Ai-cập. Giô-ha-nan không tin, dắt dân chúng và Giê-rê-mi đến Ai-cập. Giê-rê-mi lấy hòn đá lớn giấu ở chỗ gạch lát trước cung Pha-ra-ôn và nói tiên tri rằng Ai-cập sẽ bị Ba-by-lôn đánh bại (Giê-rê-mi 42:; 44:) Ê-sai nói: "Sẽ có một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va ở giữa xứ Ai-cập" (Ê-sai 19:19). Vậy nên năm 160 T.C., có thầy tế lễ cả kia, bị đạo Giu-đa truất bỏ, cố xin Pha-ra-ôn cho phép xây dựng đền thờ ở Ai-cập để làm ứng nghiệm lời của Ê-sai. Chỉ có câu nói: "Y-sơ-ra-ên sẽ hiệp cùng Ai-cập và A-si-ri làm ba, đặng làm nên nguồn phước giữa thiên hạ", thì đến nay vẫn chưa ứng nghiệm (Ê-sai 19:24. Coi thêm Xa-cha-ri 14:19).
Sau khi Chúa Jêsus giáng sanh, Giô-sép, chiêm bao thấy thiên sứ Chúa truyền dắt Chúa Jêsus và mẹ Ngài chạy qua nước Ai-cập (Ma-thi-ơ 2:13).
VI. Tôn giáo.-- Người Ai-cập đều thành thực tin kính thần, vì thần, họ hết sức xây dựng các đền thờ lớn. Trên mỗi hòn đá, họ chạm trổ hình tượng thần. Nay thử kể suốt các thần trong nước đó: Bậc lớn hơn hết là thần Mặt Trời, thứ hai là thần Ðất, thứ ba là thần Trời: một vị nam, một vị nữ. Lại có các tinh tú v.v...
Tượng các thần, có khi đắp nặn thành hình người; có khi tạc thành hình người, đầu chó, hoặc đầu mèo, hoặc đầu chim ưng, hoặc đầu con hạc... Nên người bổn xứ chẳng những thờ người làm thần, mà lại thờ cầm thú làm thần nữa. Vả, trong sân đền, họ hay nuôi khỉ và bò, trong ao, họ hay nuôi cá sấu để cúng nuôi chúng nó. Hễ loài súc vật chết, thì họ chôn cất theo một lễ trọng thể. Thầy tế lễ được kêu danh hiệu: Thần chính, Thần phụ, ai làm thầy tế lễ thì được đời đời truyền nối, phải chịu phép cắt bì, không ăn cá, không ăn đậu, giữ mình sạch sẽ, thường hớt tóc, năng tắm gội, mặc áo trắng. Các thầy tế lễ trong các đền chia ra làm bốn hạng, theo lệ, cắt luân chuyển từng lượt: ăn lương tháng, làm việc một tháng có thể nghỉ ngơi ba tháng. Mỗi thần có một người đồng, có thể nói thay cho thần. Các người đồng đó đều do thầy tế lễ cắt cử. Dưới thầy tế lễ có người canh giữ cửa, giữ việc đèn hương trong đền; có người điện tửu, cúng rượu cho tang gia. Các đền đều có ruộng để cung việc tiêu dùng. Những của lễ dâng đều trút cho thầy tế lễ hết. Người nào có việc muốn cần thần chỉ bảo, thì phải ngủ ở trước chỗ thờ thần, xin thần ứng vào chiêm bao, rồi bấy giờ họ mới quyết định nên làm hay thôi. Họ cũng có lễ cầu vấn, song sau họ không làm nữa. Ðể chăm nom người đau, họ dùng toàn tà thuật và bùa ếm. Còn lý luận về sự chết thì sách vở mỗi chỗ nói mỗi khác: hoặc bảo người chết thì hồn lìa khỏi xác, hiện hình như chim ưng, thỉnh thoảng bay đến trước mộ, hưởng lễ cúng tế. Hoặc nói sau khi người chết, thì hồn người ta chịu phán xét. Hồn người thiện được ở trong vườn cực lạc, hoặc ở trong lòng mặt trời để ngắm xem thế giới và không phải luân hồi. Hồn người ác thì lập tức bị quỉ dữ nhốt vào bụng. Nhưng nếu xác chết có êm bùa, thì có thể tùy ý biến hóa ra hoa sen hoặc con rắn, hoặc con hạc, cũng có thể mau sang lạc thổ vậy.
VII. Hiện tình.-- Mấy thế kỷ trước, nước Ai-cập ở dưới quyền người Thổ-nhĩ-kỳ; mấy chục năm nay thì thuộc quyền bảo hộ của Anh quốc, Nhưng từ năm 1922 đến nay, nước Ai-cập lần lần được độc lập; có vua, và có ký giao ước đồng minh với nước Anh. Dân số độ 12 triệu người,
Người Ai-cập ngày xưa nói tiếng Copte. Ngày nay hạng trung lưu và thượng lưu nói tiếng A-rạp. Phần rất đông dân chúng theo Hồi giáo, cũng có một số ít người Copte theo đạo Tin Lành.