I. Tiên tri của nước Y-sơ-ra-ên, người Thi-sê-be, ở Ga-la-át (I Các vua 17:1). Có người nói tên ông nghĩa là "kẻ làm cho hối cải".
Sứ mạng.-- Ý nghĩa tên ông tỏ ra mục đích duy nhứt của ông là dắt đem đồng bào bội đạo trở về cùng Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời (So sánh I Các vua 18:39 với Ma-la-chi 4:5,6). Trái với Sa-mu-ên, Ê-li-sê và nhiều tiên tri khác, Kinh Thánh không chép về gia phổ của Ê-li, vì ông bỗng nhiên xuất hiện, giống như Mên-chi-xê-đéc trong thời đại các tộc trưởng không có chép về cha hoặc mẹ. Cũng không chép rõ quê hương của Ê-li. Ấy cốt để khiến người ta chuyên chú vào sứ mạng thiên thượng của ông, tức là phá đổ sự thờ thần Ba-anh và Át-tạt-tê giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên. Vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên đã đem các hình tượng đó vào cho nhơn dân thờ lạy, dường như chúng là Ðức Chúa Trời, thật trái với điều răn thứ nhứt (I Các vua 18:21; Ô-sê 2:16,17).
Hình dáng.-- Trong các tiên tri Y-sơ-ra-ên, ông là người lạ lùng hơn hết. Ông để tóc dài và rậm, xỏa xuống lưng. Ông thường bận áo lông (II Các vua 1:8), và khi chạy, thì thắt lưng bằng dây da thật chặt (I Các vua 18:46). Có khi ông cũng bận áo tơi bằng da con chiên (II Các vua 2:8). Ông cũng ở miền núi Ga-la-át, là nơi đất tốt để dự bị cho ông thi hành chức. Ở miền núi đó, thân thể ông được bổ sức để sau nầy có thể chịu nổi nhọc nhằn. Ở nơi cô tịch đó, ông có thể cầu nguyện giao thông với Chúa và thêm sự sốt sắng cháy bừng như lửa, thêm ý chí cương quyết để nói ngay thẳng, thêm can đảm để không sợ một ai.
Công việc.-- Việc thứ nhứt có chép về ông là khi ông thình lình ra mắt vua A-háp mà nói tiên tri về ba năm hạn hán, và rao bảo rằng Ðức Giê-hô-va sẽ báo thù vua vì cớ bội đạo. Các từng trời đóng chặt, chứng thực rằng chỉ Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời thật và lời cầu nguyện của Ê-li được Ngài nhậm lời (Gia-cơ 5:17). Ðể trốn khỏi sự báo thù của vua và hoàng hậu Giê-sa-bên, ông vâng lời Chúa đến ở nơi khe Kê-rít. Tại đó Chúa nuôi ông một cách lạ lùng: Ngài sai chim quạ đem bánh, thịt cho ông ăn, và ông cũng uống nước khe đó. Khi khe khô cạn, ông phải bỏ đi nơi khác. Chim quạ vốn loài ô uế, song Chúa dùng nó hầu việc tôi tớ Ngài; cũng một lẽ ấy, Chúa có thể dùng những lợi khí bất ngờ hầu hạ các thánh đồ Ngài. Có lẽ lúc đó Giê-sa-bên thấy Ê-li trốn tránh, bèn diệt hết các đấng tiên tri của Chúa (I Các vua 18:4;19:2).
Nơi thứ hai tiên tri Ê-li theo lời Chúa mà ẩn mình là thành Sa-rép-ta, trong nhà một bà góa. Vậy có thể nói rằng ông là Sứ đồ thứ nhứt của dân ngoại (Lu-ca 4:26). Nhà bà góa nầy là nơi chẳng ai ngờ có thể cứu giúp Ê-li; song khi ông truyền bảo, thì bà liền múc nước cho ông uống, cũng lấy một nắm bột còn sót trong vò, một chút dầu còn sót trong bình, lượm hai khúc củi, nấu bánh cho ông ăn. Bà nầy giống như bà góa trong Tân Ước dâng hết hai đồng tiền, không giữ lại một đồng cho mình, cũng không lo rồi mình sẽ có gì ăn không (Lu-ca 21:2). Cũng vậy, bà góa ở Sa-rép-ta trước hết chuyên chú vào lời Chúa phán bởi Ðấng tiên tri, nên được Chúa làm trọn lời hứa mà thêm cho mọi sự cần dùng (Ma-thi-ơ 6:33; Ê-sai 33:16; Thi Thiên 37:19; Giê-rê-mi 37:20,21). Cám ơn Chúa! "Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình" (I Các vua 17:16).
Bà góa đó thắng bởi đức tin, Chúa rèn thử bà càng nặng nề hơn nữa. Con trai của bà đau ốm đến nỗi "chẳng còn hơi thở" (I Các vua 17:17). Sự rèn thử đó khiến bà nhận thấy tội lỗi mình và tưởng mình bị phạt vì không xứng đáng tiếp rước một Ðấng tiên tri thánh khiết trong nhà mình. Song tiên tri cầu nguyện Chúa và ấp mình trên con trẻ ba lần, (dường như thân thể mình là một môi giới cho quyền phép Chúa vào thân thể đó), kêu cầu lần nữa "xin Chúa khiến linh hồn của đứa trẻ nầy trở lại trong mình nó"; bởi phép lạ nầy, chính bà góa nhận được sự sống thuộc linh mới, làm chứng rằng Ê-li là một người của Chúa, và lời Chúa phán bởi ông là thật (I Các vua 17:17-24).
Có lẽ Ê-li cứ ở nhà bà góa đó hoặc ẩn mình nơi khác trải qua hơn hai năm. Cứ có hạn hán, và cuối cùng có nạn đói kém ghê gớm vì cớ mùa màng ở xứ Sa-ma-ri mất hết. Sau khi đã làm cho Áp-đia hết sợ mà bằng lòng đi tâu với vua, và sau khi các đầy tớ vua hết sức tìm kiếm trong ba năm mà không thấy, thì một lần nữa, Ê-li thình lình ra mắt vua A-háp. Ê-li đứng trước mặt vua một cách oai nghiêm, và khi vua trách mình là người làm rối loạn Y-sơ-ra-ên thì ông đáp rằng (I Các vua 18:18).
Trong lịch sử ít có truyện tích kỳ diệu bằng khúc tường thuật những việc xảy ra ở trên núi Cạt-mên: Bên nầy có một mình Ê-li tôi tớ Ðức Giê-hô-va, cùng với một kẻ giúp việc, bên kia có 450 tiên tri của thần Ba-anh và 400 tiên tri của Át-tạt-tê vẫn ăn tại bàn của Giê-sa-bên. Ê-li nhạo báng, còn họ thì kêu la, rạch thịt cho chảy máu, từ sáng đến trưa luống công cầu nguyện Ba-anh, là thần mặt trời và thần lửa. Song không có lửa từ trời xuống thiêu của lễ trên bàn thờ Ba-anh. Ê-li nói rằng có lẽ thần ấy "đương suy gẫm, hoặc đi đâu xa, hoặc đương đi đường". Sau không thấy gì, Ê-li bèn lấy 12 hòn đá làm đại biểu cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên lập một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va, đặt của lễ lên trên củi, ba lần đổ bốn bình nước lên trên của lễ thiêu và củi. Rồi ông cất tiếng cầu nguyện với Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và dân Y-sơ-ra-ên tỏ quyền phép ra cho ai nấy nhận biết Ngài thật là Ðức Chúa Trời, Tức thì có lửa từ trời xuống thiêu hết của lễ, củi, đá, bụi và rút hết nước trong mương. Bấy giờ các tiên tri của tà thần Ba-anh bị giết dưới khe Ki-sôn y theo luật pháp, vì bị vào tội phản nghịch Ðức Giê-hô-va, là Ðấng trực tiếp cai trị nước Y-sơ-ra-ên (Phục truyền luật lệ ký 13:9-11,15; 18:20). Cả nước ăn năn, xưng tội, và Chúa cất sự đoán phạt khỏi họ: Kìa, "Một đám mây nhỏ như lòng bàn tay" và cứ thêm lên, đến nỗi cả từng trời đen kịt, gió nổi dậy và có cơn mưa rất lớn (Lu-ca 12:54). Quả thật, lời cầu nguyện của Ê-li có linh nghiệm nhiều vì xin không mưa thì trời không mưa, xin mưa thì trời mưa ngay. Ông dạy chúng ta rằng chẳng những phải cầu nguyện song cũng nên biết nhịn nhục đợi chờ (Gia-cơ 5:17,18; I Các vua 18:41-45). A-háp ngồi xe đi 25 cây số, vội qua đồng bằng tới Gít-rê-ên, kẻo đường bùn lầy không đi được. Ê-li thắt lưng chạy trước, song không vào thành, sợ bị ô uế vì cớ tội lỗi tại đó. Giê-sa-bên thề sẽ báo thù. Ê-li phải bỏ đầy tớ ở Bê-e-sê-ba mà trốn vào đồng vắng đặng cứu mạng sống mình. Ông không vào địa phận của vua Giô-sa-phát trước, có lẽ vì vua nầy dầu tin kính Chúa song đã để con mình cưới con gái của A-háp và Giê-sa-bên. Trong cơn thử thách đức tin nầy, Ê-li ngã lòng ít lâu. Ấy thật dễ hiểu lắm, vì tinh thần ông bị kích thích bởi sự phấn đấu trên núi Cạt-mên và ông đã chạy mau đến Gít-rê-ên. Cho nên thân thể ông mệt mỏi và linh hồn nao sờn, cũng còn cớ nữa: Hy vọng do sự đắc thắng trên núi Cạt-mên, tức là cả nước ăn năn trở lại cùng Chơn thần dường đã hóa ra thất vọng, công việc của ông hóa ra vô ích, ngôi của tội ác không bị rúng động. Vậy, ông ngồi dưới cây giếng giêng, xin chết mà rằng: "Ôi! Ðức Giê-hô-va! Ðã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi"! Chúa nghe lời cầu nguyện, song đáp lại trái với ý ông. Trước hết Chúa cho ông ngủ, sau sai một thiên sứ cho ông ăn. Sau ông đi 40 ngày đêm, tới Hô-rếp, là núi của Ðức Chúa Trời, ẩn mình ở trong hang đá, và được sự hiện thấy của Ðức Giê-hô-va (I Các vua 19:9-18). Ðồng vắng đó chính là nơi khi trước Môi-se đã ẩn mình khỏi tay vua Ai-cập, và về sau Phao-lô ẩn mình khỏi xiềng xích của luật pháp. Tại đó, luồng gió thổi mạnh và cơn động đất khiến ông sẵn sàng nghe "tiếng êm dịu nhỏ nhẹ" của Chúa. Phép lạ như là hồi chuông để khiến chúng ta chú ý, song Ðức Thánh Linh là tiếng của Chúa phán trực tiếp với linh hồn. Ấy cũng như Giăng Báp tít hăng hái ra giảng nơi đồng vắng, và sau có Ðấng Mê-si phán lời ngọt ngào chép ở Ma-thi-ơ 11:29. Chúa dạy tiên tri đã ngã lòng, không nhịn nhục rằng có khi không bởi phép lạ lớn mà nhơn dân bỏ tội ác đi, song chính là bởi tiếng Chúa phán nhỏ nhẹ trong lương tâm mà Ngài có thể phục hưng đời thuộc linh của tín đồ. Tiếng nhỏ nhẹ của Chúa đó bắt buộc Ê-li phải lấy áo tơi trùm mặt lại. So sánh với Môi-se (Xuất Ê-díp-tô ký 3:6) và Ê-sai (Ê-sai 6:2). Tiên tri phàn nàn với Chúa hai lần, thì Ngài giục lòng ông mạnh mẽ bởi cho ông biết rằng vì cớ gương sáng của ông, có 7.000 người "không quì gối trước mặt Ba-anh và môi họ không hôn nó". Sau ông vâng lời Chúa mà đi làm việc Ngài giao cho (I Các vua 19:).
Trước hết ông đi tìm Ê-li-sê, gặp người đang cày ruộng bèn ném áo choàng trên người như để phong chức tiên tri thay cho mình. Khỏi ít lâu không ai nghe tin về Ê-li nữa; chắc A-háp và Giê-sa-bên tưởng không còn gặp ông nữa. Sự bội đạo Chúa kết quả là ăn ở bất công với đồng loại. Sau khi Giê-sa-bên sai giết Na-bốt, thì Ê-li nhờ Chúa mách bảo mà biết tin ấy, bèn thình lình tỏ mặt quở trách A-háp và Giê-sa-bên rất nặng. Muốn biết hết những lời quở trách đó, phải xem I Các vua 21:17-26; II Các vua 9:26,36,37. Về sau, những lời ngăm dọa thật đã được ứng nghiệm.
Ba, bốn năm sau (tham khảo I Các vua 22:1,51; II Các vua 1:17), chúng ta lại mới thấy nói đến Ê-li. Vua A-cha-sia nằm trên giường chết (II Các vua 1:1,2), sai sứ giả đi cầu vấn Ba-anh-xê-bụt, thần của Éc-rôn, xem có lành bịnh không. Song Ê-li được Chúa mách bảo, thình lình đón các sứ giả, nói sống sượng rằng A-cha-sia sẽ chết. Rồi ông bỗng chúc biến đi. Vua tức giận, sai hai toán lính đến bắt Ê-li, song chúng đều bị lửa từ trời đốt chết. Toán thứ ba mới thoát chết vì quan cai khiêm nhường xin giữ vẹn mạng sống. Vậy Chúa làm chứng rằng Ê-li thật tôi tớ Ngài. Ðược Ðức Chúa Trời hứa che chở, Ê-li bèn đến tỏ cho vua biết rằng vua sẽ chết. Ấy là lần cuối cùng ông ra mắt vua và làm chứng nghịch cùng tà thần Ba-anh (II Các vua 1:16).
Tại sao về sau Ðức Chúa Jêsus không theo lời xin của Gia-cơ và Giăng mà sai lửa trời tuyệt diệt dân Sa-ma-ri? Ấy vì dân Sa-ma-ri dầu nửa thờ Ðức Chúa Trời, nửa thờ hình tượng, nhưng không biết rõ tội ấy là nặng nề dường nào, và cũng không kiếm cách giết Chúa; còn những người kia đã được Ê-li cho biết rõ tội thờ hình tượng và đã kiếm cách giết ông. Còn một cớ nữa: Ðương thời Ðức Chúa Jêsus là đời ân điển, còn đương thời Ê-li là đời luật pháp "Con người đã đến, không phải để diệt các linh hồn, song để cứu cho" (Lu-ca 9:54-56).
Khỏi ít lâu nữa, Ê-li gởi thư cho vua Giô-ram, quở trách tội ác của vua và cho biết trước Chúa sẽ giáng tai vạ trên dân sự và vua sẽ chết (II Sử ký 21:12-15).
Bấy giờ chức vụ của Ê-li gần hết, và có tiên tri khác thêm lòng can đảm (I Các vua 20:35,36; 22:). Tại Ghinh-ganh, phía Tây miền núi xứ Ép-ra-im, Chúa muốn cất ông lên trời. Lúc đó có tiên tri Ê-li-sê cùng đi với ông đến Bê-tên, nhứt định không chịu bỏ ông. "Hai người cứ vừa đi, vừa nói với nhau kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc" (II Các vua 2:11. Năm 896 T.C.). Ê-li-sê bèn lấy cái áo tơi đã ở nơi mình Ê-li rơi xuống, trở về. "Có năm mươi người trong các môn đồ tiên tri đứng cách xa và thấy cảnh tượng đó. Chúa cất Ê-li lên trời như thế là tỏ ra sự răn dạy của Chúa cho người bội đạo sau cơn nước lụt, cũng như Chúa cất Hê-nóc lên trời và tỏ ra sự răn dạy của Chúa cho người bội đạo trước nước lụt. Sau khi Ê-li được cất lên trời, thì lời hứa cho Ê-li-sê mới được ứng nghiệm, tức là Ê-li-sê thật được Ðức Thánh Linh cảm động bội phần, và từ đó ông có ảnh hưởng lớn trước mặt các vua, đến nỗi khi ông sắp qua đời "Giô-ách, vua Y-sơ-ra-ên đến thăm người khóc trước mặt người mà nói rằng: "Hỡi cha tôi! Cha tôi! Xe và lính kỵ của Y-sơ-ra-ên" (II Các vua 13:14). Cũng vậy sau khi Ðấng Christ lên trời, Hội Thánh đầu tiên nhận Ðức Thánh Linh một cách đầy tràn, đến nỗi số linh hồn được rỗi nhiều hơn chính Ðức Chúa Jêsus còn ở trong thế gian (Giăng 16:7-15; Công vụ các sứ đồ 2:; Ê-phê-sô 4:7-14).
Tiên tri.-- Trước khoảng 400 năm giữa Cựu Ước, có nói tiên tri rằng: "Nầy ta sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi, trước ngày lớn và đáng sợ của Ðức Giê-hô-va chưa đến" (Ma-la-chi 4:5). Ðức Chúa Jêsus làm chứng rằng Giăng Báp-tít là Ê-li, là đấng phải đến (Ma-thi-ơ 11:14; 17:12). Song khi xem Lu-ca 1:11,17 chỉ về Ma-la-chi 4:5,6, ta thấy Chúa có nói về Giăng Báp tít rằng: "Chính người lại lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa. "Bởi đó ta hiểu rõ Giăng là đấng tiên tri giống Ê-li, nên khi có thầy tế lễ hỏi Giăng rằng: "Ông phải là Ê-li đó chăng?" thì ông trả lời: "Không phải" (Giăng 1:12).
Trong Ma-thi-ơ 17:3, ta thấy Ê-li và Môi-se đã hiện đến nói chuyện với Ngài trên núi hóa hình, nhưng trong Ma-thi-ơ 17:11, Chúa phán rằng: "Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc". Hiện nay có nhiều văn sĩ Do-thái, tin rằng khi Ðấng Mê-si chưa đến, thì Ê-li sẽ đến trước để làm cho sạch gia đình và dẹp yên kiện cáo, làm phép lạ của Chúa để kêu gọi người đời. Những phép lạ của hai người làm chứng (chép trong Khải Huyền 11:1-12) "Có lửa từ miệng hai người thiêu đốt kẻ thù nghịch mình" (So sánh I Các vua 17:1; II Các vua 1:10), "Có quyền đóng trời lại, để cho trời không mưa" (So sánh với Gia-cơ 5:17; Lu-ca 4:25), và "Có quyền biến nước thành huyết và khiến các thứ tai nạn làm hại trên đất"; chắc chứng quyết hai người làm chứng đó là Ê-li và Môi-se. Sau khi hai người làm chứng ấy được sống lại và lên trời, thì sẽ có ngày lớn và đáng sợ của Ðức Giê-hô-va" (Ma-la-chi 4:5), là ngày "Ðức Chúa Jêsus chúng ta sẽ đến với hết thảy các thánh đồ của Ngài" để lập nước một ngàn năm bình an (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:13).
Tiến sĩ Scofield cắt nghĩa Ma-thi-ơ 17:11 như sau nầy: Phải tham khảo Ma-thi-ơ 11:14; Mác 9:11,12,13; Lu-ca 1:17; Ma-la-chi 3:1; 4:5,6, mới hiểu Ma-thi-ơ 17:11 được.
1. Ðấng Christ chứng quyết rằng lời tiên tri thật của Ma-la-chi 4:5,6 chưa được ứng nghiệm, khi phán: "Thật Ê-li phải đến mà sửa lại mọi việc". Một phần câu tiên tri trong sách Ma-la-chi đó đã được ứng nghiệm bởi Giăng Báp-tít, và một phần còn phải được ứng nghiệm bởi Ê-li thật.
2. Song Giăng Báp-tít đã đến rồi và đã tỏ ra "tâm thần và quyền phép" của chức vụ Ê-li và tiên tri còn phải đến lần nữa, đến nỗi bởi đó có thể nói được rằng "Ê-li đến rồi". Sách Ma-thi-ơ 10:40 và Phi-lê-môn 12,17, cũng có ý nói chung về một người, song vẫn phân biệt người nầy với người kia (Xem Giăng 1:27).
II. Tiếng Araméenne nghĩa là "Ðức Chúa Trời tôi". Ðó là một lời mà Ðức Chúa Jêsus đã nói trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:46). (So sánh với Thi Thiên 22:1). Trong Mác 15:34 có dùng một tiếng Araméenne khác, tức là "Éloi", để chỉ về Ðức Chúa Trời.