Ê-phê-sô, (thành). Éphèse (Ðược phép).

         



      Ðịa thế.-- Ê-phê-sô là thủ phủ của một tỉnh La-mã ở cõi A-si. Thành nầy rất có danh tiếng. Vị trí ở trên sườn biển Égée, nó là nơi thông thương trọng yếu của cõi Tiểu Á-tế-á; giao thông tiện lợi, vì đường thủy, đường bộ đều dễ dàng cả (Công vụ các sứ đồ 19:21,22; 20:1,17: I Ti-mô-thê 1:3; II Ti-mô-thê 4:12). Phao-lô cho rằng truyền đạo ở thành Ê-phê-sô đây thì có thể lan tràn ra khắp tỉnh (Công vụ các sứ đồ 19:10). Các ông Ti-mô-thê, Mác và Giăng cũng biết rõ về tình hình đó lắm (I Ti-mô-thê 1:3; II Ti-mô-thê 4:9; Cô-lô-se 4:10; I Phi-e-rơ 5:13; Khải Huyền 1:11; 2:1).
       Cửa bến Ê-phê-sô tên là Panormus rất mau ứ tắc, người ta thường phải khơi đào. Sau khi La-mã mất, bỏ mặc của bến lấp nghẽn, nên càng ngày càng nhỏ hẹp lại, nay thì chơn thành cách biển càng xa. Phao-lô đã từng đi qua chỗ đó (Công vụ các sứ đồ 19:1; hoặc 16:6) Còn Cô-lô-se và Lao-đi-xê thì ông chưa từng đến (Cô-lô-se 2:1).
       Tôn giáo.-- Cách biển độ 22 cây số, có cái núi nhỏ, là nơi người ta cúng lạy tà thần. Cách núi đó 47 cây số, tỉnh thành ở về phía Tây Nam. Dưới thành có đền thờ nữ thần Ði-anh, là thần phù hộ thành phố; đền dài độ 130 thước, rộng độ 47 thước. Ðền thờ nầy là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Người thành Ê-phê-sô cho việc canh giữ cái đền thờ đó là cái chức trách thuộc linh (Công vụ các sứ đồ 19:35).
       Phao-lô tại Ê-phê-sô.-- Phao-lô ở thành nầy hai năm ba tháng. Vậy mà trong Công vụ các sứ đồ 20:31 nói rằng "ba năm"; đó là tính đại khái vậy. Khi mới truyền đạo không ai phản đối; có lắm kẻ phù phép đem đốt sách vở quí báu của mình (Công vụ các sứ đồ 19:13-19). Kế sau, vì bọn buôn thánh, bán thần ở đền thờ Ði-anh lấy mất mối lợi, bèn cổ động mọi người phản đối, gây nên một cuộc rối loạn trong thành phố (Công vụ các sứ đồ 19:23-41), dữ dội quá chừng (I Cô-rinh-tô 15:32; 16:9; II Cô-rinh-tô 1:8,9,10). Xét Công vụ các sứ đồ 19:29, nói rạp hát là một hí trường xây đắp bằng đá, trong có thể chứa hai vạn bốn ngàn người. Hiện nay nền cũ hãy còn.
       Thơ ký thành phố là một chức trọng yếu, có quyền cai trị nhân dân, lấy hội nghị làm cơ quan tự trị. Ðến đời đế quốc La-mã, quyền đó hoàn toàn do các quan địa phương cầm nắm, song còn có hội nghị pháp luật và quan tài phán (Công vụ các sứ đồ 19:38,39). Ví bằng có ai trái lẽ, có thể cứ kiện cáo nhau nơi quan trấn thủ được. Khi đó, có nhiều người Do-thái ở lẫn lộn tại Ê-phê-sô.
       Trong Công vụ các sứ đồ 19:1-7 nói có độ mười hai người chịu lễ báp-têm của Giăng, có lẽ là họ đến thành Ê-phê-sô trước khi Ðức Chúa Jêsus truyền đạo. Sau khi lìa người Do-thái, Phao-lô hằng ngày diễn giảng trong trường học Ti-ra-nu như ở A-thên vậy (Công vụ các sứ đồ 19:9). Người truyền đạo đầu tiên ở đây có lẽ là Bê-rít-sin và A-qui-la (Công vụ các sứ đồ 18:18,19).
       Phần phụ thêm.-- Hội Thánh tại thành Ê-phê-sô là một trong bảy Hội ở Tiểu A-si có nói đến trong sách Khải Huyền (Khải Huyền 1:11; 2:1). Trong sách của một giáo phụ Hội Thánh có chép rằng Sứ đồ Giăng ở Ê-phê-sô để cai trị các chi hội chung quanh. Hội Thánh Ê-phê-sô được khen ngợi vì hay nhịn nhục và chịu khó làm việc cho Chúa, nhưng lại bị quở trách vì đã "bỏ lòng kính mến ban đầu".
       Có lời truyền khẩu rằng bà Ma-ri mà Chúa giao cho Giăng phụng dưỡng (Giăng 19:26) và Ti-mô-thê đã được an táng tại thành Ê-phê-sô.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.