Ê-sai. Ésaie (trên chữ i có hai dấu chấm), (Tiếng Hê-bơ-rơ "Ðức Giê-hô-va đã cứu rỗi". Cũng có một ý nghĩa với Jêsus là Ðấng Mê-si mà ông hay nói đến trong những lời tiên tri của mình).

        



      Ðấng tiên tri.-- Khoảng năm hơn 700 T.C., có bốn tiên tri làm sách dạy đời sau, là A-mốt; Ô-sê; Ê-sai và Mi-chê. A-mốt và Ô-sê ở trước đời Ê-sai một chút; Mi-chê thì đồng thời với Ê-sai. Nhưng vì Mi-chê qua đời trước, nên không giảng đạo lâu bằng Ê-sai. Ê-sai là con trai của A-mốt, đồng thời với các vua nước Giu-đa là Ô-xia, Giô-tham và Ê-xê-chia (Ê-sai 1:1).
       Xét: Ê-sai, khi vâng mạng sai phái. Sách chép là nhằm năm vua Ô-xia băng (Ê-sai 6:1), chừng vào năm 738 T.C.. Kịp năm 701 T.C., khi San-chê-ríp, vua A-si-ri, đánh thành Giê-ru-sa-lem, Ê-sai hãy còn nói tiên tri. Bởi vậy biết rằng Ê-sai đã giảng đạo trải qua bốn mươi năm.
       Ông thi hành chức vụ mình ở thành Giê-ru-sa-lem. Chừng là con nhà quan, vì ông năng ra mắt vua và thầy tế lễ thượng phẩm; lại quen biết nhiều người quyền quí. "Trũng của sự hiện thấy" (22:1) có lẽ ngụ ý ông ở phần dưới thành mà thấy các dị tượng, dầu "trũng" đó cũng có thể chỉ về cả thành Giê-ru-sa-lem, vì chung quanh có núi cao hơn núi Si-ôn và Mô-ri-a. Kinh của dân Do-thái (Talmud) nhờ một cuốn gia phổ cũ đã tìm được tại thành Giê-ru-sa-lem, có chép rằng: Vua Ma-na-se sai lấy một cái cưa bằng gỗ mà cưa xẻ Ê-sai ra làm hai. Có lẽ Hê-bơ-rơ 11:37 chỉ về cách chết của Ê-sai đó. Ê-sai 1:1 tỏ ra không có lời tiên tri nào của Ê-sai chép trong đời vua Ma-na-se. Ông Ê-sai thâu góp lại những lời tiên tri mình làm sách khi vua Ê-xê-chia băng, song khi vua Ma-na-se bắt đầu trị vì thì Ê-sai bị giết vì dân chúng bội đạo. Họ lấy cớ bắt tội Ê-sai vì ông chép rằng: "Mắt tôi đã thấy vua, tức là Ðức Giê-hô-va vạn quân" (Ê-sai 6:5), thì trái với: "Không ai thấy mặt ta mà còn sống" (Xuất Ê-díp-tô ký 33:20). Ấy, hiệp với "Ma-na-se cũng đổ nhiều huyết vô tội ra" (II Các vua 21:16). Bởi II Sử ký 32:32 tỏ ra Ê-sai có hầu hạ vua Ê-xê-chia. Vợ ông làm nữ tiên tri (Ê-sai 8:3). Con trưởng ông là Sê-a-gia-súp (Ê-sai 7:3). Nghĩa là "dân còn sót lại ắt theo về". Con thứ ông là Ma-he-sa-la-hát-bát (Ê-sai 8:1), nghĩa là "sự cướp mau tới, của cướp kíp đến". Ông thường lấy nghĩa của tên ông và của hai con ông làm đầu đề giảng luận, nên nói: "Tôi đây, với con cái mà Ðức Giê-hô-va đã ban cho tôi, là dấu và điềm trong Y-sơ-ra-ên" (Ê-sai 8:3,4,18). Vậy, ý nghĩa ba tên đó tỏ ra hai điều cốt yếu của lời tiên tri ông:
       1. Ðối với thế gian, Chúa lấy lòng nghiêm khắc mà đoán phạt;
       2. Song đối với dân lựa chọn, Chúa lấy lòng thương xót mà cứu rỗi. Vả có khi ông lại lấy sự ông đi đầu trần và chơn không làm dấu và điềm chỉ về Ai-cập và Ê-thi-ô-bi thế nào nữa (Ê-sai 20:3).
       Khi Ê-sai giảng đạo, có ba lần xoay việc nguy biến thành ra yên ổn:
       1. Năm 735 T.C., vua Sy-ri và vua Y-sơ-ra-ên cùng đánh thành Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 7:1-8:18).
       2. Năm 711 T.C.. Nước A-sy-ri đánh Ách-đốt (Ê-sai 20).
       3. Năm 701 T.C., vua A-si-ri đánh thành Giê-ru-sa-lem (Ê-sai 36:39).
       Ê-sai vâng mạng đi giảng đạo không phải để yên ủi người ta, song để cảnh cáo người ta về cuộc tương lai hiểm nghèo (Ê-sai 6:10-13). Nỗi "hiểm nghèo" tức là bắt đầu từ nước A-si-ri. Mà cái cớ gây nên hiểm nghèo là bởi nhân dân dối trá, quan lại tham ô (Ê-sai 2:6-4:1; 5:8-24). Từ trên đến dưới phụ ơn bội nghĩa Ðức Chúa Trời (Ê-sai 5:1-7). Dầu dâng của lễ nhiều, song họ lại làm điều dữ (Ê-sai 1:2-31).
       Ông giảng đạo đại để giống A-mốt và Ô-sê; song cái sức cảm động người ta thì mạnh hơn hai tiên tri kia. Vì ông giảng đạo lâu đến bốn mươi năm và có môn đồ hiệp sức giúp đỡ (Ê-sai 8:16). Ông dầu hằng nói Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ đến tiêu diệt, song lại nói hai nước đó sẽ còn dòng dõi thánh (Ê-sai 6:13). Vả, ông có nói Giê-ru-sa-lem sẽ được xưng là thành công bình, là ấp trung nghĩa (Ê-sai 1:26). Trong các lời tiên tri, có những câu rất hay như ở Ê-sai 9:1-7, v.v..., khiến người Do-thái đời sau hằng mong Ðấng Mê-si giáng lâm vậy.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.