Lại có tên khác là Ê-đôm, nghĩa là "Ðỏ" (Sáng thế ký 25:30). Con cả của Y-sác và anh sanh đôi với Gia-cốp. Lịch sử Ê-sau chép kỹ ở (Sáng thế ký 25; 36). Ðiều rất cốt yếu là việc Ê-sau tranh giành với em là Gia-cốp. Trong khi chưa ra khỏi lòng mẹ, hai người đã ngấm ngầm có ý tranh nhau (Sáng thế ký 25:22; Ô-sê 12:4). Về Ê-sau, Ê-sau bán quyền trưởng nam (Sáng thế ký 25:31,32), bèn không thể kế cha mà làm tổ của dân tộc nữa (Sáng thế ký 27:37; Hê-bơ-rơ 12:16,17; Ma-thi-ơ 16:26). Vả, Ê-sau làm mất cả sản nghiệp bội phần thuộc quyền trưởng nam của mình (Phục truyền luật lệ ký 21:17). Ê-sau cưới ba vợ, cọng sanh được năm con. Sau dời đến ở núi Sê-i-rơ, làm thỉ tổ người Ê-đôm (Sáng thế ký 36:1-9). Con cháu ông diệt người Hô-rít ở núi Sê-i-rơ mà chiếm lấy đất (Phục truyền luật lệ ký 2:12,22). Về việc lựa chọn Gia-cốp làm con của lời hứa và việc bỏ Ê-sau, xin coi Sáng thế ký 25:23; Ma-la-chi 1:2,3; Rô-ma 9:12,13. Lời tiên tri của Y-sác về Ê-sau có chép trong (Sáng thế ký 27:39-40, sau thật đã được ứng nghiệm cả. Trước Ê-sau còn thạnh vượng (Sáng thế ký 36:31), sau Sau-lơ và vua Ða-vít chiến thắng (I Sa-mu-ên 14:47; II Sa-mu-ên 8:14) vậy dân Ê-đôm phải phục dân Do-thái cho đến khi vua A-háp trị vì mới cất bỏ được ách đó (II Các vua 16:6; II Sử ký 28:7).
Tiến sĩ Scofield có viết về Sáng thế ký 25:25 như sau nầy:
Ê-sau chỉ bóng về người thế gian mà thôi (Hê-bơ-rơ 12:16,17). Theo mấy phương diện, Ê-sau tự nhiên là người cao trọng hơn Gia-cốp, song không có lòng tin nên khinh lờn quyền trưởng nam, vì quyền ấy là sự thuộc linh, chỉ có giá trị cho người nào có lòng tin mà nhận lấy.
Tiến sĩ Scofield cũng viết về Sáng thế ký 25:31 rằng: Quyền trưởng nam có ba điều:
1. Trước khi Chúa lập A-rôn làm thầy tế lễ, thì các gia trưởng hành chức ấy.
2. Gia quyến Áp-ra-ham (A-bên, Sết, Sem, Áp-ra-ham), hưởng lời hứa về Ðấng ban phước cho thế gian (Sáng thế ký 12:3). Theo mọi sự đã được bày tỏ, hai lời hứa quan hệ về Ðấng Mê-si đó có thể được ứng nghiệm trong Ê-sau. Song, Ê-sau bán quyền trưởng nam ấy lấy một chút sự sung sướng của xác thịt. Chắc khi ấy ý của Gia-cốp về quyền trưởng nam chỉ là phương diện xác thịt và không được toàn vẹn, song Gia-cốp muốn có quyền ấy chứng rằng ông thật lòng tin lời Chúa hứa.