Tức là nước Cúc trong tiếng Hê-bơ-rơ. Nước đó ở về phía Ðông nam Ai-cập và hai bờ sông Ni-lơ. Dân số không được nhiều, mà là một dân tộc bán khai. Họ ở rải rác trong đồng bằng thấp và nơi sa mạc. Xưa dân đó có nhiều chi phái lắm, thảy đều phục thuộc dưới quyền Ai-cập. Ðó tức là dân tộc Soudanais ngày nay, Người nước đó mạnh tợn, ưa chiến tranh. Vua Ai-cập hằng mộ họ làm quân đội và thị vệ. Trong nước sản gỗ mun, ngà voi, hương liệu, vàng và đá quí, v.v..., bán ra nước ngoài được nhiều. Ê-thi-ô-bi có vua bắt đầu từ năm 730 T.C.; đóng đô ở Addia-Ababa. Họ thờ A-môn làm quốc thần. Về sau vua nước đó được thay ngôi của của Pha-ra-ôn ở Ai-cập hằng 50 năm, tức là từ năm 715 đến năm 664 T.C.. Sau đó, vua Ê-thi-ô-bi vì lo chống lại nước A-si-ri, nên rút cuộc thần bị mất, nước bị diệt! Trong đời nước Ba-tư, vua Ô-xia chiếm lấy cả xứ Ê-thi-ô-bi hoặc một bộ phận nước đó, rồi cùng đặt với nước Ai-cập ở cả dưới quyền cai trị của mình. Ðến thế kỷ thứ III T.C., một vua của Ê-thi-ô-bi dấy lên, thoát ly quyền thầy tế lễ, rồi dời đô ra phía nam; song vẫn thờ A-môn làm quốc thần. Năm 24 T.C., kinh đô bị nước La-mã tàn phá, vì La-mã báo thù nữ vương Ê-thi-ô-bi tên là Can-đác về việc xâm lấn nước Ai-cập. Về sau, quốc quyền giữa vời suy sút, văn hóa Ai-cập hết sạch không còn, bày ra một cái hiện tượng rợ mọi! Ðất Ê-thi-ô-bi giáp ranh nước Ai-cập, nên Kinh Thánh cũng thường nhắc đến (II Sử ký 14:9-15; 16:8; II Các vua 19:9; Ê-sai 20:3-6; 37:9; 43:3; 45:14; Ê-xê-chi-ên 30; Ða-ni-ên 11:43). Ðời Tân Ước có hoạn quan của nữ vương Can-đác đến Giê-ru-sa-lem thờ lạy Chúa (Thi Thiên 68:31; 87:4; Công vụ các sứ đồ 8:27). Phi-líp dẫn dắt viên hoạn quan đó tin theo Ðấng Christ và chịu Báp-têm. Ðó là người ngoại bang mà tin đạo Chúa. Người Do-thái ở kinh thành nước đó rất nhiều; đạo Tin lành cũng đã truyền vào nước đó rồi. Năm 400 S.C.; toàn bộ Kinh Thánh đã từ tiếng Hy-lạp dịch ra tiếng Ê-thi-ô-bi vậy.