Là thầy tế lễ, con của Bu-xi. Lúc thanh niên, Ê-xê-chi-ên cùng vua Giê-hô-gia-kim đều bị bắt làm phu tù về Ba-by-lôn (Ê-xê-chi-ên 1:2,3), tám năm sau khi Ða-ni-ên bị bắt và mười một năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (II Các vua 24:15; 25:2), Ông Ê-xê-chi-ên ở trên bờ sông Kê-ba đến hai chục năm (Ê-xê-chi-ên 1:1,3; 3:15; 8:1; 24:1,18). Khi ở trong nhà mình (Ê-xê-chi-ên 3:24), ông thấy sự hiện thấy, được Chúa soi sáng, sai đi cảnh cáo người Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 1:1; 8:1. Chừng năm 595 T.C.). Lòng người bấy giờ dầu cứng cỏi, ít ai tin theo, song những kẻ vui nghe cũng nhiều (Ê-xê-chi-ên 3; 7; 33:30-33). Ông có kiến thức, có độ lượng vượt qua người thường dầu mạng lịnh Chúa rất nghiêm, trách nhiệm ông rất nặng, nhưng ông vẫn không có thái độ giựt lùi, nao núng (Ê-xê-chi-ên 3:8,9, 17-19; 21:6,7). Ngay như khi người rất thân yêu của ông qua đời, vậy mà ông vẫn truyền giảng như thường (Ê-xê-chi-ên 24:15-18). Những lời ông giảng có khi nói miệng, có khi viết ra (Ê-xê-chi-ên 11:25; 24:2). Ông chẳng những dạy dỗ riêng những kẻ bị bắt làm phu tù, song lại khuyên bảo cả những người ở tại Giê-ru-sa-lem nữa (Ê-xê-chi-ên 3:11; 2:3; 3:4; 16:1,2,3). Trong sách Ê-xê-chi-ên có câu vừa xem qua thấy không đúng và trái ngược nhau, song khi xét kỹ mới thấy thật đúng. Trong Ê-xê-chi-ên 12:13 dường như mâu thuẩn khi tiên tri chép về vua Xê-đê-kia rằng: "Nhưng ngươi sẽ không thấy đất ấy, dầu chết tại đó". Song ta phải nhớ rằng trước khi chưa đến nơi ấy, vua Ba-by-lôn đã "sai móc mắt Sê-đê-kia" (Giê-rê-mi 52:11). Lại trong Ê-xê-chi-ên 18:17 "Con không chết vì sự gian ác cha" dường như trái với Xuất Ê-díp-tô ký 20:5, song ở câu 5 nầy có chép rằng: "Hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời", ấy nghĩa là con ghét Chúa cũng như cha. Có câu khác hiện nay khó giải nghĩa, nhưng ta phải nhớ: Ðức tin phải đợi chờ Chúa cắt nghĩa theo chính lời của Ngài.
Sách Ê-xê-chi-ên có chia làm hai phần:
Phần thứ nhứt: (Ê-xê-chi-ên 1-24).--
Những lời nói ở trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá đều là ý quở trách tội lỗi, bảo trước việc phán xét.
1. Lời tự thuật (Ê-xê-chi-ên 1:1-3:21).
2. Lấy việc làm thí dụ, lấy lời nói để răn dạy (Ê-xê-chi-ên 3:22-7:27).
3. Nói về sự đáng ghét của Giê-ru-sa-lem (Ê-xê-chi-ên 8:1-11:25).
4. Nói về tội lỗi, sự khuyên răn và sự sửa phạt (Ê-xê-chi-ên 12:1-19:4).
5. Nói về tội lỗi gần đầy dẫy, sự sửa phạt đã đến lần lần (Ê-xê-chi-ên 20:1-24:27).
Phần thứ hai: (Ê-xê-chi-ên 25-48).--
Những lời nói ở sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá vỡ đều là ý gây hy vọng về tương lai.
1. Nói dân ngoại chịu hình phạt (Ê-xê-chi-ên 25:1-32:32).
2. Nói thành dầu bị bắt làm phu tù, nhưng nước sẽ được phục hưng (Ê-xê-chi-ên 33:1-39:29).
3. Nói về chánh trị sau khi phục hưng (Ê-xê-chiên 40:1-48:35); Coi đại ý sách Ê-xê-chi-ên, thì thấy người Y-sơ-ra-ên từ khi dựng nước đến giờ, làm nhiều điều ác lắm (Ê-xê-chi-ên 20:5,13, coi thêm Giê-rê-mi 2:2-13), thờ lạy hình tượng, bắt chước thói tục dân ngoại. Vua, dân và thầy tế lễ đều quen làm ác. Ðối với các tiên tri, hết thảy việc đó đều là tội lỗi. Ê-xê-chi-ên cho rằng thế là phạm tội cùng Chúa, không còn gì nặng hơn đó nữa. Vì lòng ông rất kính sợ Chúa, coi sự hiện thấy chép ở trong sách và sự tự xưng là "con người" đến một trăm mười sáu lần thì đủ biết. Ê-xê-chi-ên nói người ta đều vì tội mình mà phải chết mất; con không gánh tội thay cha (Ê-xê-chi-ên 18). Thế là giống Giê-rê-mi ở chỗ đó (Giê-rê-mi 31:29,30). Lại nói: nếu người ta sửa đổi được việc làm thì cảnh ngộ cũng theo đó mà thay đổi (Ê-xê-chi-ên 33:13-16). Vậy nên ông rát cổ, mỏi miệng khuyên dân chúng ăn năn đổi lỗi và dùng lời êm ái khuyên họ đổi mới (Ê-xê-chi-ên 18:23-31; 33:11). Ông lại thuật rõ việc người Y-sơ-ra-ên trở về nước cũ, khuyến khích dân chúng không nên làm điều tà, kính giữ lễ thánh, thì Chúa sẽ ở đời đời giữa họ (Ê-xê-chi-ên 43:7). Những lời ông thuật về sự hiện thấy cũng có sức mạnh cảm hóa ngấm ngầm.
Xem văn trong sách Ê-xê-chi-ên, ta thấy chỗ nào cũng có nhiều lời nói lắp, trùng chữ, trùng câu. Ðó có lẽ vì tác giả làm vào khi cao tuổi. Còn tội lỗi như có nói ở Ê-xê-chi-ên 16 và 23 là thế tục phương tây, chớ không phải thế tục phương đông. Trong sách dùng nhiều thí dụ lắm: Ê-xê-chi-ên 11:3; 15:1-5; 31:17,18; 29:3-7; 34:1-19; 37:1-14 rất là đích đáng. Ê-xê-chi-ên 27:26-32; 32:17-32 là thơ ca rất hay. Còn có vài đoạn giống lời ca thương lắm. Ê-xê-chi-ên 34:25-31 thì như là sơn ca của kẻ chăn. Dầu Tân Ước không trích câu nào trong sách Ê-xê-chi-ên, song trong sách Khải Huyền có nhiều ý giống nhau và chắc cũng có ý chỉ về mấy đoạn cuối cùng (40-48) của sách Ê-xê-chi-ên.
Tiến sĩ Scofield chú thích sách tiên tri Ê-xê-chi-ên như sau nầy: Lần thứ nhứt dân Giu-đa bị đày, thì Ê-xê-chi-ên giống Ða-ni-ên, cũng bị đày tại Ba-by-lôn (II Các vua 24:14-16). Như Ða-ni-ên và Sứ đồ Giăng, Ê-xê-chi-ên hành chức tiên tri ở ngoài xứ mình, lại giống hai ông trên, lời tiên tri Ê-xê-chi-ên theo cách dùng hình bóng và dị tượng. Trái với những tiên tri trước hồi dân Chúa bị đày, là những tiên tri hành chức mình thứ nhứt hoặc cho dân Giu-đa hoặc cho nước của mười chi phái, Ê-xê-chi-ên là tiếng của Ðức Giê-hô-va cho "cả nhà Y-sơ-ra-ên, hết cả mọi người" (Ê-xê-chi-ên 11:15).
Nói chung, mục đích của Ê-xê-chi-ên là:
1. Nhắc cho dân sanh trong xứ bị đày vẫn nhớ tội lỗi của dân mình, là tội lỗi đã khiến dân Y-sơ-ra-ên suy đồi như thế (Ê-xê-chi-ên 14:23).
2. Lấy lời tiên tri nói về nước được lập lại, về dân hà hiếp sẽ bị đoán phạt, và về vinh quang của dân mình trong đời trị vì của con cháu Ða-vít, để dân bị đày giữ vững đức tin.
Sách Ê-xê-chi-ên có bảy bài tiên tri lớn được chỉ tỏ bởi câu "tay Ðức Giê-hô-va đặt trên ta" (Ê-xê-chi-ên 1:3; 3:14,22; 8:1; 33:22; 37:1; 40:1). Những đầu đề bảy bài đó là:
1. Sự dự bị và lời Chúa sai Ê-xê-chi-ên (1:3) đoạn 1; 3:9.
2. Lời Chúa sai Ê-xê-chi-ên đi canh giữ (3:14) đoạn 3:10-21.
3. Sự hiện thấy thứ nhì của Ê-xê-chi-ên về sự vinh hiển và kết quả của chức vụ (đoạn 3:22; 7:27).
4. Ðại ý: Vì để cho dân Ngài bị đày làm phu tù, Ðức Giê-hô-va đã làm phải lẽ (đoạn 8; 33; 21; câu chìa khóa là 33:20).
5. Ðại ý: Nước tương lai của Con cháu Ða-vít (đoạn 33:21; 36:38).
6. Ðại ý: Dân Y-sơ-ra-ên được lập lại; nước của con cháu Ða-vít; sự phán xét các dân tộc (đoạn 37:1; 39:29).
7. Ðại ý: Dân Y-sơ-ra-ên ở tại xứ trong thời đại của nước Ðức Chúa Trời (đoạn 40:1; 48:35).
Bảy bài đó cũng được chia làm từng bài nhỏ tùy theo câu "có lời Ðức Giê-hô-va phán cho ta".
Theo Giám mục Ussher, những sự xảy ra chép trong sách Ê-xê-chi-ên gồm 21 năm.
Tiến sĩ Scofield có viết về Ê-xê-chi-ên 4:1 như sau nầy:
Các việc chỉ bóng mà Ê-xê-chi-ên làm trong khi bị câm là chứng cớ về những sự gian ác và sự sửa phạt khi trước của nhà Y-sơ-ra-ên (tức cả dân); và cũng là tiên tri về thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị vây. Vậy, các việc chỉ bóng đó là ở trong khoảng giữa thời Giê-ru-sa-lem bị vây và Ê-xê-chi-ên bị đày (II Các vua 24:10-16), và thời Giê-ru-sa-lem lại bị vây mười một năm sau.
Về Ê-xê-chi-ên 9:3, Tiến sĩ Scofield viết: Nên chú ý rằng Chúa cho Y-sơ-ra-ên, thầy tế lễ, xem sự hiện thấy của vinh quang Ðức Giê-hô-va:
1. "Lên khỏi Chê-ru-bin mà đến ngạch cửa đền thờ" (Ê-xê-chi-ên 9:3; 10:4);
2. "Khỏi ngạch cửa đền thờ" (Ê-xê-chi-ên 10:18);
3. "Dấy lên từ giữa thành, và đứng trên núi ở phía đông thành" núi Ô-li-ve (Ê-xê-chi-ên 11:23), và
4. Trở về đền thờ của một ngàn năm bình an để ở lại đó (Ê-xê-chi-ên 43:2-5).
Nên nhớ luôn về Ê-xê-chi-ên 12:25, dầu Ê-xê-chi-ên vẫn bị đày ở Ba-by-lôn, song ông chép tiên tri dường như ở trong xứ mình, và dường như trong khoảng mười một năm giữa, lần thứ nhứt và lần thứ nhì mà dân Ngài bị đày.