Ê-xơ-tê. Esther (Tiếng Ba-tư: Ngôi sao).

        



      Ê-xơ-tê, tên người đặt theo tiếng Ba-tư, là con gái của A-bi-hai, thuộc chi phái Bên-gia-min. Thuở bé, nàng mồ côi, được nuôi nấng ở nhà người bà con tên là Mạc-đô-chê. Nàng có sắc đẹp tuyệt vời, được vời vào cung, lập làm hoàng hậu (E-xơ-ra 2:15-18). Chịu giáo dục của Mạc-đô-chê, nàng cứu người đồng chủng thoát khỏi nạn lớn bởi kẻ thù nghịch. Việc đó chép kỹ ở trong sách Ê-xơ-tê.
       Sách Ê-xơ-tê là bản truyền tả ở trong Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Nó đứng vào loại thứ ba trong bộ thứ hai. Bản sách Ê-xơ-tê truyền ra đời đó được cùng với Ru-tơ, Truyền đạo, Nhã Ca và Giê-rê-mi đều kể là năm Kinh. Sự sắp đặt đó là do những người Do-thái có quyền lực và do Hội Thánh Ðấng Christ ngày xưa bàn luận kỹ càng rồi mới làm vậy. Ðến thế kỷ thứ II S.C., có nhà học giả Do-thái nói rằng sách Ê-xơ-tê không dính dáng chút gì do người làm ra. Nói như thế nghĩa là sách đó thánh sạch đáng kể vào loại Kinh! Vả, ngày nay, người Do-thái lấy sách Ê-xơ-tê làm rất quí, và hằng năm cứ giữ lễ Phu-rim.
       Nguyên văn sách Ê-xơ-tê là bằng tiếng Hê-bơ-rơ, song có lẫn một vài tiếng Ba-tư, vậy tỏ ra chắc tác giả là người Do-thái, cũng có tiếp xúc với người Ba-tư. Có lẽ tác giả chính là Mạc-đô-chê, vì trong sách tỏ ra tác giả biết rõ mọi sự xảy ra và tên mọi người có chép. Trong sách không chép danh Chúa, và chỉ có vài chỗ tỏ ý hướng về tôn giáo, như 4:14 nói mọi việc của người đời đều do cơ trời sắp đặt cho cả, mặc dầu câu đó không nói đến Ðức Chúa Trời. Ðoạn 4:16 nói về sự kiêng ăn, tức là có quan niệm về đạo Chúa rồi. Còn 9:31 thì dường như là lời cầu nguyện. Tân Ước cũng không trích một câu nào hay nói đến sách nầy.
       Theo đoạn 10:2 dường như lúc Sách Ê-xơ-tê nầy được chép, thì Hoàng đế Xerxes đã băng; có người tính là năm 425 T.C.; tức bốn mươi năm sau khi Xerxes bị ám sát, và vuaạ t-ta-xét-xe trị vì nước Ba-tư.
       Tiến sĩ Fausset, viết về sách Ê-xơ-tê rằng: Sự đặc biệt của sách nầy là không chép danh Chúa. Sách Nhã Ca cũng vậy. Chắc ý định của sách Ê-xơ-tê là: Trong khi dân Ngài bị đày dưới quyền người ngoại, dường như không có Chúa tể trị, nên phải nhờ những thực sự của lịch sử làm chứng thầm cho mình (cũng như cõi thiên nhiên dường như một quyển sách mở ra làm chứng (Thi Thiên 19:; Rô-ma 1:20) về Chúa săn sóc, tể trị, dầu Ngài giấu mình không phán lời nào). Dầu mắt ta không có thấy Chúa, ấy không chứng rằng không có Ngài hành động. Vì sách Ê-xơ-tê không chép danh Chúa, ấy giục lòng tín đồ tự hỏi vì cớ nào không chép? Bởi câu hỏi đó, tín đồ mới được biết do công việc Ngài làm mà ý Chúa được thành trong thế gian, là nơi Ngài bị che khuất; cũng như bởi ân điển Ngài mà ý Ngài cũng được nên trong Hội Thánh, là nơi Ngài được tỏ ra.
       Vậy, ta thấy trong sách Ê-xơ-tê ý định Ngài được thành:
       1. Bởi vua A-suê-ru chơi bời xa xỉ, bỏ vợ là Hoàng hậu Vả-thi vì một cớ không xứng đáng; sau, vua lấy lợi khí Chúa đã chọn và dự bị, là bà Ê-xơ-tê làm Hoàng hậu thay cho Vả-thi;
       2. Bởi Mạc-đô-chê trước đã cứu vua khỏi tay kẻ ám sát, và việc nầy đã được chép vào sách Sử-ký của vua. Như vậy dọn đường cho Mạc-đô-chê hưởng sự vinh hiển của vua mà kẻ thù nghịch mình ham muốn;
       3. Bởi Ha-man "bỏ Phu-rơ, nghĩa là bỏ thăm" tìm một ngày có điềm tốt, "để diệt trừ và phá hủy dân Do-thái". Trái lại, vì cớ ấy, ý Chúa được thành và dân Do-thái hằng năm vẫn giữ lễ Phu-rim để kỷ niệm Chúa gìn giữ dân Do-thái, và hủy diệt kẻ thù nghịch đó.
       4. Bởi Ê-xơ-tê có lòng yêu dân mình nên sau khi đã kiêng ăn ba ngày, rồi vào chầu vua, thì Chúa cảm động lòng vua cho "bà được ơn trước mặt vua; vua giơ ra cho bà Ê-xơ-tê cây phủ việt vàng", như vậy bà giữ được sự sống mình, và được vua ban điều bà cầu xin (Châm Ngôn 21:1).
       5. Bởi sự kiêu ngạo của Ha-man được vua vời mình đến dự tiệc yến của bà Ê-xơ-tê, và dựng mộc hình để treo Mạc-đô-chê, cũng vì ý Chúa được thành, nên đêm hôm trước bữa tiệc yến đó, vua không thể ngủ, bèn truyền đem sách Sử-ký đọc; vậy vua được nghe chuyện Mạc-đô-chê đã cứu mình sống, và khi Ha-man tới tâu vua truyền cho treo Mạc-đô-chê trên mộc hình, vua hỏi Ha-man rằng: "Phải làm gì cho người nào vua muốn tôn trọng?" Ha-man thầm nghĩ vua nói đến mình, bèn tâu: Khá lấy những đồ rất quí của vua mà ban cho người ấy. Như vậy, Ha-man lấy chính môi miệng mình mà tôn vinh người mình muốn giết đi.
       6. Bởi sự kết cục tiệc yến của bà Ê-xơ-tê, Ha-man bị treo trên mộc hình mà mình đã dựng cho Mạc-đô-chê (Thi Thiên 7:14-16).
       7. Và bởi dòng thánh được giữ gìn khỏi bị hủy diệt, ngõ hầu sau được ứng nghiệm lời tiên tri rằng dân đó phải sanh ra Ðấng Mê-si. "Phàm binh khí chế ra nghịch cùng Người (Ðấng Mê-si) sẽ chẳng được thạnh lợi, và Người sẽ định tội mọi lưỡi dấy lên để xét đoán Người" (Ê-sai 54:17. Cũng so với Ê-sai 6:13; 65:8; Giê-rê-mi 30:10,11; Xa-cha-ri 2:8,9).
       Tiến sĩ Scofield chú thích sách Ê-xơ-tê như sau nầy:
       Ðiều hệ trọng nhứt về sách Ê-xơ-tê nầy là làm chứng về Ðức Giê-hô-va canh giữ cách kín đáo dân Y-sơ-ra-ên tản lạc. Sách nầy không chép danh Chúa một lần nào, song trong Kinh Thánh không có sách nào khác tỏ rõ hơn về Chúa săn sóc lo liệu. Số dân bị đày chỉ có ít người sót lại, trở về Giê-ru-sa-lem. Còn phần đông ưa cư ngụ ở nước Ba-tư vì tiện lợi hơn. Nhưng Ðức Chúa Trời không lìa bỏ họ. Sách nầy chép Chúa làm điều gì cho dân Do-thái thì chắc chắn cũng làm cho cả dân thuộc giao ước của Ngài nữa.
       Sách Ê-xơ-tê chia làm 7 phần:
       I. Truyện Hoàng hậu Vả-thi (1:1-21).
       II. Bà Ê-xơ-tê được chọn làm hoàng hậu (2:1-23).
       III. Âm mưu của Ha-man (3:1-15).
       IV. Ê-xơ-tê can đảm giải cứu dân Do-thái (4:1-7:10).
       V. Sự báo thù (8:1-9:19).
       VI. Thiết lập lễ Phu-rim (9:20-32).
       VII. Kết luận (10:1-3).
       Theo Ussher, những sự xảy ra trong sách nầy gồm có 12 năm.

Hội Thánh KiềnBái's blog© 2013. Được tạo và lưu trữ bởi Bùi Qúy Đôn. Tài liệu có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.