Khi Phao-lô đến thành A-thên, ông có gặp bọn Épicuriens (Công vụ các sứ đồ 17:15-34), là một phái trái hẳn lại với phái Stoiciens (trên chữ i thứ nhất có hai dấu chấm). Cả hai đều là những phái triết học theo văn hóa Hy-lạp bấy giờ. Song thái độ phái trên thì mềm mại dễ dàng, còn phái dưới thì nghiêm nhặt khắc khổ. Kẻ sáng lập ra phái Épicuriens tên là Épicure, sanh năm 341 T.C., qua năm 270 T.C. thì mất, thọ 71 tuổi. Ban đầu Épicure ở tại hòn đảo Samos trong Ðịa trung hải, tới năm 307 T.C. thì dời đến A-thên. Tại đó ông sửa một vườn hoa, kêu gọi các môn đồ, lập thành một học phái. Tôn chỉ phái đó lấy sự vui vẻ làm quí hơn hết. Nói là vui, chẳng những thuộc về một bộ phận xác thịt thôi đâu, song lại muốn tìm lấy hạnh phước yên tĩnh, thoát khỏi hết thảy mọi điều khốn khổ, không chịu bó buộc trong những sự như lề lối xã hội, chính trị nhà nước và quỉ thần đáng sợ. Vì phái đó không muốn những sự nói trên làm xúc phạm đến gan óc mình. Học phái đó cho rằng ở đời chẳng có quỉ thần đáng sợ gì hết; nguyên chất muôn vật là tự khoảng không trên trời sa xuống, trộn lộn mà thành thế giới, chớ không có thần cai quản, mà hoặc giả, có thần chăng nữa, thì thần cũng ở riêng một chỗ trên trời hưởng phước vẻ vang, chớ không dự đến việc đời. Chủ nghĩa đó được nhiều người hoan nghinh là vì Épicure, người sáng lập chủ nghĩa, có phẩm cách cao thượng và giỏi diễn thuyết làm chuyển động được người bấy giờ. Kịp đến khi Ðấng Christ giáng thế, thì chủ nghĩa đó lần lần suy kém.
Tiến sĩ Scofield tóm tắt về phái Épicuriens rằng:
Là những người thuộc phái Épicure (Năm 342-271 T.C.), là một nhà triết học đã lấy luân lý để tìm lẽ thật trọn vẹn, song thất vọng vì không thể tìm được (So sánh Giăng 18:38), vậy họ đổi ý và nhờ sự từng trải mà tìm sự vui thật.