(Người chặt cây có nghĩa là người chiến sĩ hay là người chặt hạ thần tượng Ba-anh, Ê-sai 10:33); cũng gọi là Giê-ru-ba-anh (Các quan xét 6:32), và Giê-ru-bê-sết (II Sa-mu-ên 11:21). Con út của Giô-ách họ hàng người A-bi-ê-xê-rết, ở tại Óp-ra. Dầu thuộc về một nhà nghèo (Các quan xét 6:15) nhưng ông trở nên nhà lãnh tụ của chi phái Ma-na-se và quan xét thứ năm rất danh tiếng của Y-sơ-ra-ên.
1. Lần đầu tiên nghe về Ghê-đê-ôn, thì ông đã trưởng thành và có nhiều con (Các quan xét 6:11; 8:20), và bởi tiếng thiên sứ dùng gọi Ghê-đê-ôn (6:12) ta có thể kết luận rằng trước Ghê-đê-ôn đã đánh bại những đoàn trộm cướp hà hiếp dân chúng Y-sơ-ra-ên trong 7 năm. Số đoàn đó không thể đếm được, vì sánh với những đám cào cào phá hoại (6:5) hằng năm đến phá hủy mùa màng của dân Ca-na-an, trừ ra đã giấu trong núi, (6:2). Sự tai nạn đó xảy ra vì cớ dân Y-sơ-ra-ên bội đạo, không vâng lời Chúa, nên Chúa đã hạ dân đó xuống để làm dịp tiện sửa dạy vậy.
Song dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Chúa, thì Chúa sai một đấng tiên tri đến, nhắc lại cho họ nhớ những ơn mà Chúa đã ban cho, và bảo họ không nên sợ các tà thần của dân A-mô-rít nữa (6:7-10).
Sau thiên sứ của Chúa hiện đến trong khi Ghê-đê-ôn đang đập lúa mạch trong bàn ép cách giấu kín để khỏi những kẻ hà hiếp. Chúa gọi Ghê-đê-ôn giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Ma-đi-an. Lần thứ nhì, thiên sứ Chúa hiện đến cùng Ghê-đê-ôn trong chiêm bao bảo phải bỏ đền thờ Ba-anh, dựng lại đền thờ cho Chúa, lấy củi dâng của lễ thiêu cho Chúa bằng những đồ dùng đã phá thần A-sê-ra (6:26; Phục truyền luật lệ ký 16:21). Vậy, lần thứ nhứt hiện đến, Chúa nhận biết Ghê-đê-ôn, lần thứ nhì Ghê-đê-ôn phải nhận biết Chúa. Chúa không chịu người ta thờ lạy chung với Ba-anh bao giờ (I Các vua 18:21; Ê-xê-chi-ên 20:39).
Ghê-đê-ôn thưa Chúa: "Ôi Chúa! nếu Ðức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi" (6:13). Chắc có ý chỉ về lời hứa của Ngài trong Phục truyền luật lệ ký 31:17. Vậy, Chúa bảo Ghê-đê-ôn: "Hãy dùng sức mình vẫn có mà đi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay người Ma-đi-an. Ta há chẳng sai ngươi sao?" (6:14). Ghê-đê-ôn còn lưỡng lự, song Chúa hứa: "Ta sẽ ở cùng ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy (6:16). Lời hứa của Chúa bảo lãnh sẽ được ứng nghiệm.
Sau khi Ghê-đê-ôn xin Chúa một dấu lạ, thiên sứ của Ðức Giê-hô-va lấy đầu cây gậy mà thiêu bằng lửa từ hòn đá bốc lên, lễ thứ nhứt của Ghê-đê-ôn (6:21), tức là con dê con và những bánh không men (so sánh sự Chúa hiện ra với Áp-ra-ham Sáng thế ký 18:). Cũng xem và suy nghĩ Chúa nhận của lễ của Ma-nô-a trong Các quan xét 13:20. Ghê-đê-ôn biết ơn Chúa, lập một bàn thờ cho Chúa gọi là Giê-hô-va Sa-lam, có nghĩa là sự bình an của Chúa lại ở cùng dân Y-sơ-ra-ên (Giê-rê-mi 29:11; 33:16). Của lễ thứ hai 6:25 là con bò đực của Giô-ách lên 7 tuổi được Chúa chỉ trong cơn chiêm bao để làm của lễ hiệp với bảy năm dân Y-sơ-ra-ên bị hà hiếp vì cớ sự bội đạo. Ghê-đê-ôn cùng với 10 đầy tớ lật đổ bàn thờ của Ba-anh và A-sê-ra trong ban đêm, ông không dám làm việc đó ban ngày vì sợ bà con và những người trong thành. Khi người ta xin Giô-ách bắt con mình phải chết, thì Giô-ách đáp rằng: "Các ngươi há có ý binh vực Ba-anh sao?... Nếu hắn là Chúa, thì chính hắn hãy tranh luận lấy chớ (6:31). Vậy Ghê-đê-ôn được một tên hiệu là Giê-ru-ba-anh. "Hãy để chính hắn tranh luận lấy", nghĩa là: để Ba-anh hình phạt kẻ đã phá đổ bàn thờ của nó; và dân Do-thái đổi chữ Ba-anh ra Bê-sết, "Giê-ru-bê-sết" có nghĩa: "Hãy để chính mình hình tượng xấu hổ ấy tranh luận lấy".
2. Ghê-đê-ôn được mặc lấy quyền phép Ðức Thánh Linh như cái áo (I Sử ký 12:18; II Sử ký 24:49; Ê-sai 61:10). Họ hàng của ông là người A-bi-ê-xê-rít, chi phái Nép-ta-li đều theo ông. Khi ông cầu nguyện xin Chúa cho phép lạ , thì lốt chiên ướt đầy sương trong khi đất chung quanh khô kế đến đất thì ướt còn lốt chiên thì khô. Sương chỉ về ân điển của Chúa làm phục hưng. Lúc đó dân Y-sơ-ra-ên như lốt chiên khô, trong lúc dân ngoại tươi tốt, về sau dân ấy trở nên đầy sức lực của Chúa trong khi dân ngoại ở chung quanh mất sức. Lốt chiên sau đó trở nên khô, còn đất chung quanh nơi đó thì ướt, làm hình bóng về dân Y-sơ-ra-ên trong thời đại nầy chối bỏ Tin lành, còn dân ngoại trên thế gian nhận lấy sương móc của ân điển. Sau đó khi Chúa tái lâm, dân Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên sương móc cho dân ngoại (Mi-chê 5:7).
Ghê-đê-ôn và cả dân sự đi đến đóng trại gần suối Ha-rốt (tức là suối run sợ). Cách xa dân Ma-đi-an 5 hay 6 cây số ở phía Bắc về lối nỏng Mô-rê, trong trũng Gít-rê-ên (Các quan xét 6:33; 7:1). Số người theo Ghê-đê-ôn là 32.000 người. Trước hết những người nhát sợ bị đuổi về chỉ còn một vạn người ở lại (Phục truyền luật lệ ký 20:8). Ðể Y-sơ-ra-ên không thể khoe khoang tự cứu mình về sau nầy, sau Chúa lại giảm bớt người nữa là những người chưa thật sẵn sàng, Chúa bảo Ghê-đê-ôn thử những người ấy bằng cách uống nước, và chỉ giữ lại những người dùng lưỡi liếm nước bụm trong tay mà thôi, còn những người quì gối xuống mà uống đều bị đuổi về hết. Số người ở lại với Ghê-đê-ôn là ba trăm người (7:6).
Kế đó, ban đêm, Ghê-đê-ôn đi với Phu-ra đầy tớ ông, đến trại quân của người Ma-đi-an, nghe những tên lính canh người Ma-đi-an đang bàn tán với nhau về chuyện một cái bánh lúa mạch lật đổ trại quân mà một trong những người lính đã nằm chiêm bao. Ấy là chỉ bóng về dân Y-sơ-ra-ên sẽ thắng dân Ma-đi-an; về bánh lúa mạch là đồ ăn của người nghèo, chỉ bóng về dân Y-sơ-ra-ên bị khinh, còn trại quân chỉ về đời sống lưu lạc, tự do và có quyền thế của dân Ma-đi-an (7:9-15).
Ghê-đê-ôn chia 300 người ta làm 3 đội, phát cho mỗi tên một cái kèn, một cái bình không và một cái đuốc, dặn phải làm y như mình đã làm. Lúc canh ba (nửa đêm) ông cùng ba đội quân đi đến và đứng xung quanh trại quân của người Ma-đi-an, cầm kèn thổi vang, đập bể những bình đem theo, và đốt đuốt lên soi sáng khắp mọi nơi (II Cô-rinh-tô 4:6-7); đoạn cất tiếng reo lên: "Gươm của Chúa và của Ghê-đê-ôn", rồi đi, lại, chung quanh trại quân đó. Dân Ma-đi-an hoảng sợ, giết lẫn nhau (chỉ bóng về Ðấng Christ cuối cùng sẽ hủy diệt Antichrist, Ê-sai 9:4-7. Mỗi người của Ghê-đê-ôn cứ cầm kèn thổi dường như có nhiều người khác ở với mình. Những người còn lại trong đạo binh Ma-đi-an chạy trốn độ 20 cây số đến Bết-si-ta về phía Giô-đanh, thì những người Y-sơ-ra-ên trước đã bị đuổi về, bèn hiệp lại mà đuổi theo. Khi đến các chỗ khô cạn của sông Giô-đanh, dân Ép-ra-im bắt được hai quan trưởng của Ma-đi-an là Ô-rép (con quạ) và Xê-ép (con sói) mà giết đi (7:16-25). Có chừng 120.000 người Ma-đi-an bị giết (8:10). Kỷ niệm đắc thắng rực rỡ ấy, còn ăn sâu trong những lời truyền khẩu của dân Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 12:11; Thi Thiên 83:11; Ê-sai 9:3; 10:26; Hê-bơ-rơ 11:32). Ghê-đê-ôn đánh nhau với Ma-đi-an hai lần nữa và đắc thắng luôn.
3. Sau đó có sự hòa bình trong xứ 40 năm, Ghê-đê-ôn được tôn trọng, sanh con cái đông đúc. Giống như Sau-lơ, ông được dân sự chú ý về bề ngoài đáng được làm quan trưởng (Các quan xét 8:18). Song khi dân sự muốn tôn ông lên làm vua, ông từ chối, muốn giữ chủ nghĩa dân chủ, để Ðức Giê-hô-va cầm đầu. Ông chỉ xin có một điều là: giao cho ông những vòng vàng cướp được trong khi tranh chiến. Ông làm một cái Ê-phót để trong thành của mình tại Óp-ra. Có lẽ Ghê-đê-ôn vốn không có ý xấu, nhưng nó trở nên một cái bẫy cho Ghê-đê-ôn và cả nhà người, vì cả dân Y-sơ-ra-ên đều cúng thờ cái Ê-phót đó, ấy là đã phạm tội thờ hình tượng. Ông phạm tội vì không có phép làm thầy tế lễ của Chúa, cũng cám dỗ dân sự bỏ nơi thánh thật, vì vậy sau khi ông chết dân sự thờ lạy thần tượng Ba-anh. Ông không có lòng dục vọng làm vua thì đáng khen, chỉ trở về nhà mình, sau tuổi tác cao thì qua đời, được chôn trong mồ mả của Giô-ách tại Óp-ra. Con của ông là A-bi-mê-léc trái với cha mình lắm, vì có lòng dục vọng nên sau làm nhiều sự đáng rủa sả cho xứ mình, khác với ông cha đã làm cho dân sự được nhiều phước lớn.