I. Sau khi đã hóa bánh cho năm ngàn người ăn, Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài vượt qua hồ Ghê-nê-xa-rết, mà đến bờ bên kia, đến một xứ gọi là "xứ Ghê-nê-xa-rết" (Ma-thi-ơ 14:34; Mác 6:53). Ấy là một cái đồng bằng có hình như cái mặt trăng khuyết, bề dài độ 5 cây số, bề ngang độ 2 cây số, ở trên phía tây bắc hồ Ghê-nê-xa-rết. Người ta đoán có lẽ phong cảnh xứ đó đã gợi ý Chúa về thí dụ "người gieo giống". Chắc Chúa nhìn xuống thấy đám ruộng lúa mì rộng đến bờ hồ. Có những lối đi ở giữa ruộng, những hòn đá từ núi đâm trổ ra, đất, đá sỏi, và nhiều bụi gai ở ngay giữa đồng lúa mì (Ma-thi-ơ 13:3-9,19-23).
II. Biển.-- Trong Cựu Ước gọi là biển Ki-nê-rết (Dân số ký 34:11; Giô-ên 12:3). Gọi theo tên một thành ở gần bờ biển đó (Giô-suê 19:35). Ở phía Tây bắc biển đó có một đồng bằng phì nhiêu và tốt đẹp gọi là Ghê-nê-xa-rết. (Ma-thi-ơ 14:34; Mác 6:53).
Trong Tân Ước biển đó cũng gọi là biển Ga-li-lê, vì có tỉnh Ga-li-lê ở trên bờ phía Tây; cũng gọi là biển Ti-bê-ri-át (Giăng 6:1) vì có thành đó ở bờ hồ. Ngày hôm nay gọi là "Bahr Tubariyeh". Phần lớn chức vụ của Chúa Jêsus thi hành ở chung quanh biển nầy, và lúc đó miền ấy đông đúc nhứt trong xứ Pha-lê-tin. Có chín thành trên bờ biển nầy. Biển hình bầu dục dài độ 20 cây số và ngang độ 10 cây số. Ở phía Bắc có sông Giô-đanh chảy vào và phía Nam thì có sông đó chảy ra. Thật ra đáy biển nầy chỉ là phần rất thấp của trũng Giô-đanh. Mực nước thấp hơn độ 220 thước dưới mặt biển Ðịa trung hải, nên ở trên bờ biển khí hậu giống như miền nhiệt đới. Nước hồ ngọt và mát mẽ, trong trẻo, ngày hôm nay cũng có cá nhiều như ngày xưa.